Tin tức,  Việt Hải

NGƯỜI VỢ THỦY CHUNG

Nói về sự thuỷ chung trong hôn nhân, bài này xin chú trọng về chủ đề “Người vợ thuỷ chung“, như nhà thơ Thái Tú Hạp đề nghị tôi viết. Xét về nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng nhìn từ những góc nhìn luân lý xã hội và pháp lý thì vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững là điều được khuyến khích, đề cao. Trong văn hoá Việt, chung thuỷ là vẫn một lòng trước sau như một, vẫn có tình cảm gắn bó không thay đổi. Như vậy, khái niệm chung thuỷ là khái niệm rộng. Trong tương quan vợ chồng thì chung thuỷ được hiểu là vợ chồng phải luôn chung tình, gắn bó tình cảm yêu thương chỉ với nhau mà thôi. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, những quan niệm về sự chung thuỷ của vợ chồng cũng có sự khác nhau cơ bản. Trong thời kỳ nguyên thuỷ của xã hội loài người khi con người vừa thoát thai từ loài vật. Dần dần con người tiến bộ, Ý niệm về tương quan hôn nhân và gia đình được đặt thành luật lệ.

Suy ngẫm chuyện đời thì duyên nợ và định mệnh đều có trong hôn nhân. Bởi vì người xưa có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên tương diện bất tương phùng”. Chính vì vậy nên mọi sự đến và đi trong cuộc đời đều là duyên phận, chúng ta không cần phải cưỡng lại đâu. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Sống ở đời này, dù chúng ta ý thức được rằng, khi yêu là đầy khổ đau. Nhưng hầu hết người ta lại muốn yêu một lần cho biết nó ra sao chứ. Yêu là duyên, vượt duyên đến nợ, an nhiên với định mệnh ấy thôi. Phật dạy: “Là duyên, có xa cách mấy cũng gặp lại, là nợ, có trốn tránh cũng chẳng thể thoát ra“. Cũng nói theo đạo Phật, vợ chồng là do duyên số, có nghiệp, có nợ với nhau, chứ không phải khi không mà lấy nhau được. Phần lớn là do duyên số quyết định. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ thừa cho duyên số thì không thực tế. Chúng ta phải chọn lựa, mà trong sự chọn lựa của chúng ta có nghiệp, có nhân quả chi phối bên trong.

Trong tác phẩm Phận Đàn Bà, nhà văn Nguyễn Quang cho rằng: “Hai chữ định mệnh thường được dùng để khỏi phải tìm hiểu những gì xảy ra như đã được an bài mà con người không sao giải thích được, cho nên phải chấp nhận đó là định mệnh! Tất cả những gì xảy ra, có lớp lang trong cuộc đời của mỗi cá nhân của chúng ta, là những chuyện vui buồn, bất hạnh đều có thể xảy ra, không thiên vị bất cứ một ai, vì nó là định mệnh! Trong định mệnh có cả duyên số, không đơn thuần như người ta thường nghĩ“.  Thật sự theo khoa tử vi số mệnh, hôn nhân là định mệnh đấy. Bởi vì 2 người có “duyên số“, hay “hợp số” mới có thể lấy nhau được. Hợp số chính là cùng có Số tương đồng nhau về cung Phu thê, tương đồng về vận hạn, 2 người có cùng năm kết hôn, cùng năm có con, cùng những biến cố giống nhau trong hôn nhân, những sự kiện người chồng có thể xem trên Số người vợ và ngược lại. Vợ chồng có phương vị kết hôn trên Tứ Trụ hợp nhau. Hôn nhân và số mệnh luôn tiềm tàng trong đời sống chúng ta, thật như vậy.

Vợ chồng thủy chung, sống với nhau tình nghĩa, chia chung trọn vẹn trách nhiệm. Tình yêu hôn nhân là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sự hình thành và phát triển bền vững của gia đình. Đây là vấn đề cốt lõi nhu cầu tình cảm tinh thần của đời sống vợ chồng, nó chi phối mọi thành viên trong gia đình và tác động trực tiếp tới việc chăm sóc người già, nuôi dạy con nhỏ. Nghĩa vợ chồng gắn bó với lòng nhân ái, nhân hậu tự nhiên của con người khiến đôi vợ chồng gắn bó với nhau suốt đời, dù khi tình yêu bồng bột của tuổi trẻ không còn, nghĩa vợ chồng giúp họ vượt qua những mâu thuẫn, bi kịch rất khó tránh khỏi trong cuộc sống nhiều năm của một gia đình. Hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào mối quan hệ tình cảm giữa đôi vợ chồng, cùng với sự đòi hỏi của họ về tự do cá nhân, về hạnh phúc cá nhân và sự riêng tư trong đó tình yêu là tình nghĩa là yếu tố cơ bản nhất.

Tôi nhớ trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, Vũ Nương là người vợ thủy chung, người mẹ hiền và nàng dâu hiếu thảo. Câu truyện cảm động ở thế kỷ thứ 15. Những ngày xa xưa trong xã hội khép kín phong kiến đã khắc nghiệt đưa đẩy bao số phận, bao con người, bao gia đình vào hoàn cảnh éo le, đau thương, bi đát. Nội dung sách Nguyễn Dữ đã viết về họ, đặc biệt là người phụ nữ với tấm lòng son sắt, hết mực yêu thương và sự cảm thông tận tuỵ, hy sinh cho gia đình.

Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” ta thấy tác giả tả chân hình ảnh thân phận bị chà đạp của người phụ nữ thời phong kiến. Vũ Nương chính là nhân vật chính của câu chuyện, nàng nổi bật với những nét phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tháo vát, chung thủy và khát khao hạnh phúc gia đình. Nhưng cái xã hội nam quyền khắt khe đã đẩy cuộc đời nàng đến cảnh trái ngang, oan khiên u uất, đầy bất hạnh. Nàng là người vợ thủy chung, người mẹ hiền và nàng dâu hiếu thảo. Thật vậy, khi Trương Sinh đi lính chỉ để lại Vũ Nương bụng mang dạ chửa với người mẹ già, Vũ Nương đã luôn chăm sóc mẹ chồng chu đáo khiến bà cũng phải cảm động. Khi mẹ chồng chết, Vũ Nương cũng lo ma chay cho bà cũng như lo cho chính chính cha mẹ mình vậy. Không những là một người con hiếu thảo, Vũ Nương còn là một người mẹ hết mực yêu thương con. Vì không muốn bé Đản nghĩ mình không có cha mà Vũ Nương đã nghĩ cách chỉ trỏ bóng mình trên vách tường và nói đó là cha của bé Đản. Ta thấy Vũ Nương là một người mẹ yêu thương con vô hạn. Và nổi bật trong văn bản ta thấy Vũ Nương là một người vợ hết mực yêu thương chồng. Khi Trương sinh đi lính, nàng chẳng mong chàng áo gấm trở về mà chỉ muốn chồng được bình yên nơi chiến trường. Nàng lo lắng cho Trương Sinh ở nơi biên ải chịu khó khăn vất vả không có người nương tựa. Khi bị Trương Sinh nghi oan nàng có nhân tình cũng chỉ hết mực giải thích để níu kéo giữ hạnh phúc gia đình. Đến khi chết đi rồi, Vũ Nương cũng chẳng một lời trách móc, oán than Trương Sinh mà còn muốn về gặp chàng lần cuối. Qua tác phẩm này, Nguyễn Dữ đã vẽ ra trước mắt chúng ta là một người phụ nữ tài đức vẹn toàn.

Gương vợ chồng thủy chung khác là người vợ Ukraine trải qua 20 năm ở Việt Nam chăm nuôi chồng đột quỵ, khi chồng về nước được một năm thì bị chứng tai biến mạch máu não, bị liệt toàn thân, Svetlana bán hết nhà cửa ở Kiev và bay sang Việt Nam, một mình xoay xở đủ cách chăm sóc chồng và nuôi con tại Hà Nội. Cuộc sống vất vả tại miền đất xa lạ chăm sóc chồng với bao nhiêu thử thách trong cuộc đời, muôn trùng khó khăn không buông tha người phụ nữ Ukraine. Hai mươi năm trôi qua, ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, hai lần liệt toàn thân nhưng sau tập luyện lại đi đứng được. Vào tháng 2 năm 2021, ông bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại viện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội cuối tháng 4, người nhà không được vào phòng bệnh chăm sóc. Nằm liệt nhiều ngày, ông bị viêm loét lưng, tiếp tục phải chuyển viện để chữa vết thương trước khi ca mổ chính diễn ra. Người phụ nữ Ukraine luôn luôn hy vọng sẽ có ngày chồng khỏe mạnh lại, hai người cùng quay lại thăm thành phố Kiev là nơi nhiều năm trước họ đã gặp và yêu nhau.

Gương phụ nữ thủy chung qua chuyện tình Hàn Mặc Tử cùng Mai Đình: Mai Đình là một hiện tượng lạ trong văn học và ở ngoài đời. Bà là người đi trước thời đại nhiều bước, là người nhất định không vâng theo khuôn phép ngàn xưa dành cho phụ nữ, đã bỏ nhà ra đi vì không muốn về nhà người chồng do cha mẹ chọn, ta sống vì tình yêu đích thực, khuôn mẫu của Françoise Sagan và Jean-Paul Sartre, con cái đặt đâu cha mẹ huề tiền.

Theo bài net của ông Tư Cao Lãnh, cũng may là bà có vốn liếng học hành và giỏi nữ công gia chánh nên bà có thể thân tự lập thân, không như những phụ nữ cùng thời phải đeo ba cái gông tòng phụ, tòng phu, tòng tử, mấy cái gông do một ông Nho gia vốn cổ xuý trọng nam khinh nữ sống từ hơn 26 thế kỷ trước bày ra, tròng lên cổ người đàn bà bắt buộc phải phục tòng đàn ông. Đức Phật, người sinh ra đồng thời, thì ngược lại, làm một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, không những giải phóng cho phụ nữ mà còn phá tan xiềng xích giai cấp xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ. Với thuyết nhân quả luân hồi thì cho rằng mọi người sinh ra phải được bình đẳng là rất hợp lý. Con người ta sinh ra khác giới tính, giàu nghèo sang hèn khác nhau là vì nhân quả nhiều đời, trùng trùng duyên khởi duyên sinh. Vậy mà cái ông Nho gia giáo điều bị bác Trump cho dẹp tiệm, cổ hũ kia độc đoán cho rằng đàn bà sinh ra là để phục vụ đàn ông: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử!” nhưng mà nhà thơ Mai Đình của chúng ta đã tháo gỡ được gông cùm xiềng xích nô lệ này. Bà đã thoát ly được ba chữ tòng để tự làm chủ đời mình.

Ông anh Vương Trùng Dương biết bà nhà tôi gốc Bông Kiều, vốn gần nhà cụ Tra Lương Dung, tức Kim Dung Kiếm Hiệp. Vương Trùng Dương viết bài “Thủy Chung trong tác phẩm Kim Dung” như sau: Đông, Tây, kim, cổ trong văn chương qua bao nhiêu tác phẩm đã đề cập và lưu lại những mối tình thủy chung của nhân loại. Ở đây, tôi đề cập khái quát đến tác phẩm hư cấu trong kiếm hiệp, điển hình với nhà văn Kim Dung với những mối tình ngang trái nhưng thủy chung với nhau khi trải qua bao nhiêu nghịch cảnh.

Những mối tình đó bước vào tình sử võ lâm, như Quách Tĩnh với Hoàng Dung, Dương Quá với Tiểu Long Nữ, Kiều Phong với A Châu, Trương Thiếu Sơn với Hân Tố Tố, Trương Vô Kỵ với Ân Tố Tố, Lệnh Hồ Xung với Nhậm Doanh Doanh, Trương Vô Kỵ với Triệu Minh (Triệu Mẫn). Trong tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ, hai nhân vật Quách Tĩnh và Hoàng Dung được xem như hai nhân vật chính giữa chính phái và tà giáo. Họ đã vượt qua bao nhiêu ngang trái để sống trọn vẹn với cuộc tình.

Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ trong Cổ Mộ. Dương Quá gọi Quách Tĩnh và Hoàng Dung là bá phụ và bá mẫu. Vượt qua lễ nghi, Dương Quá và Tiểu Long Nữ yêu nhau, thế nhưng trong lúc hiểu lầm, Tiểu Long Nữ rời Cổ Mộ phiêu bạt, Dương Quá đi tìm suốt 16 năm… Dương Quá đi đến đâu cũng có những cô nương yêu kiều theo đuổi nhưng chàng vẫn một mực chung tình với Tiểu Long Nữ. Đã cùng với Tiểu Long Nữ tạo nên một trong những mối tình đẹp nhất của thế giới võ hiệp.

Trong quyển Thiên Long Bát Bộ thì mối tình của Kiều Phong (gốc Khiết Đan) với A Châu (người Hán) tuy kết cuộc rất bi thảm nhưng nói lên lòng thủy chung của Kiều Phong với A Châu trong khi đó có nhiều bóng hồng trong chốn cao thủ võ lâm quyết tâm theo đuổi chàng. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký (Cô Gái Đồ Long) Trương Thiếu Sơn của phái Võ Đang, trên bước đường giang hồ hành hiệp gặp Ân Tố Tố, con gái của giáo chủ Thiên Ưng Giáo… Với bao nhiêu tai họa ập đến nên Trương Thiếu Sơn phải nhận cái chết và Ân Tố Tố cùng quyên sinh theo chồng để được sống trọn kiếp với nhau ở bên kia thế giới.

Cũng trong tác phẩm nầy, Trương Vô Kỵ, con của Trương Thiếu Sơn vì nhận Tạ Tốn làm nghĩa phụ và tận tình bảo vệ thân phận nên bị cả hai bên chính tà quyết tâm truy đuổi. Trương Vô Kỵ có số đào hoa với những bóng hồng như Chu Chỉ Nhược, Tiểu Chiêu, Ân Ly sắc tài nổi tiếng quyết dành lấy trái tim, trong khi đó Triệu Mẫn (Triệu Minh) quận chúa của Mông Cổ bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đối thủ lợi hại để cuối cùng cho chàng sống bên nhau “kẻ lông mày” cho nàng. Trong tác phẩm của Kim Dung có rất nhiều mối tình ngang trái xảy ra giữa hắc bạch, giữa trung nguyên và sắc tộc khác trong chốn võ lâm nhưng tình yêu đã vượt qua mối thù truyền kiếp, hận thù hai mặt… chấp nhận sự hy sinh để chấp nhận cuộc tình.

Mỗi mùa xuân về khi đọc thơ yêu của ông anh Thái Tú Hạp tặng bà chị Ái Cầm, tôi thích quá xin “dựa hơi” bài tình thơ sau đây. Bởi vì hai vợ chồng chúng tôi đã có “Nhân Duyên Nghiệp Dĩ“, và hai chúng tôi cũng có “Luân Hồi Có Nhau“, y chang như hai thi sĩ Thái Tú Hạp và Ái Cầm…

Luân Hồi Có Nhau

Tác giả: Thái Tú Hạp

Ta về tịch mặc ngàn hoa

lá cao vút đẫm mây qua đỉnh trời

nhân gian dành trọn cuộc chơi

ta cùng em hát bên đồi xuân xưa

nhất quán rồi- mộng mai sau

tâm vô lượng mở – có nhau luân hồi

cảm ơn thơ, cảm ơn đời

trăm năm nhật nguyệt, đầy vơi nghĩa tình

Thái Tú Hạp

(Hạt Bụi Nào Bay Qua)

Để kết thúc bài Người Vợ Thuỷ Chung, tôi xin gởi bà nhà Tăng Lệ Hoa, 唐樂和, Người Tình Trăm Năm của tôi.

Trẫm Vẫn Yêu Em…

Trẫm yêu em bằng tim tuổi hạc

Nặng nợ ân tình kiếp ba sinh

Mến chốn ta bà trẫm mãi yêu

Chung bước đường dài trẫm cùng em

Trẫm gọi tên em bằng sếp nhỏ

Soi bóng dặm trường có ai hơn?

Đếm bước thời gian dù chết rũ

Những nỗi u sầu ta với ta

Căng-xe Xì-trốc là chuyện nhỏ

Kiếp người hữu hạn sá chi đâu

Ôi sống lâu chi cho chật đất

Sống anh hùng cho đất phì nhiêu

Hỏi trăng cô liêu sầu vạn cổ

Mỏi mòn cánh hạc bay vẫn bay

Gõ con chữ nghĩa đêm khuya khoắt

Nhãn tròng mờ nhạt trẫm yêu em

Trẫm vẫn yêu em yêu muôn thuở

Tuổi tóc xanh sang màu lấp lánh

Cho mãi thời gian hồn lịm giấc

Trẫm vẫn yêu em trẫm yêu em!                                                                             

Trần Việt Hải

Los Angeles, Nov. 9th, 2021.