NGOC CƯỜNG, NGUYỄN TƯỜNG CƯỜNG,  Văn Thơ

Ước Vọng Khôn Nguôi

(Tưởng Nhớ Nhà Văn Tường-Hùng 1931-2023)
Ngọc Cường

LTS : Kiến trúc sư, nhà văn, và đạo diễn phim ảnh Nguyễn Tường Hùng vừa qua đời tại Paris.
Để đóng góp cho số tưởng niệm về ông, Tạp Chí Da Màu xin đăng bài viết dưới đây của Ngọc Cường, người em út của nhà văn Tường Hùng, coi như là một điếu văn tưởng nhớ đến người anh của ông. Tuy là một điếu văn, nhưng người viết muốn viết như một câu chuyện để độc giả có thể thưởng thức.

Tường Hùng (Sài-Gòn circa 1953)

Từ thủa nào đến giờ, chúng ta vẫn thường cho là muốn hiểu một tác phẩm, người đọc cần biết suy tư, ý định , và cả nỗi niềm của tác giả. Quan niệm đó, có lẽ bắt nguồn từ khi có nhiều người viết đã từng bộc lộ tâm tư cá nhân của mình qua sáng tác của họ, tiêu biểu như là Nguyễn Du khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, ông đã gửi gấm tâm tư qua nhân vật Thúy Kiều.

Ngoài ra, còn có quan niệm rốt ráo hơn nữa, cho là trước khi đọc tác phẩm, cần phải thấu hiểu về tác giả, như BS Trần Ngọc Ninh đã khảo cứu về “chân diện mục của Tố Như“ như gián tiếp viết về Đoạn Trường Tân Thanh! Quan niệm này, đi ngươc hẳn với trào lưu mới đây (thập niên 60), cho là: Chính tự văn bản đã nói lên hết ý nghĩa của nó (Rolland Barthes trong cuốn “Cái Chết Của Tác Giả“ La mort de l ‘auteur, 1967), và cho rằng, người đọc chẳng cần phải biết sâu vào suy nghĩ của tác giả làm gì.

Barthes cho sự việc đi tìm ý định của tác giả là điều không tưởng, và không thể làm được: Bởi vì không ai có thể biết tác giả nghĩ gì, hay muốn nói điều gì khi sáng tác (nhất là trong những trường hợp người viết đã chết vài trăm năm rồi…như “ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như? “). Đôi khi chúng ta cũng không biết tác giả là ai nữa, như gần đây, đã có người tỏ ra nghi ngờ về gốc gác của Shakespeare (một người mà trước đây vẫn được coi là tác giả của những tác phẩm sâu sắc và cao siêu): Theo nghiên cứu của họ, những chi tiết về những sáng tác đó, không thể do Shakespeare viết được vì hoàn cảnh, học vấn, ông không thể có khả năng sáng tác được những áng văn đó).

Người đọc là đối tượng của tác phẩm, và cũng là chặng cuối trong tiến trình văn chương: sáng tác – bản văn – người đọc. Như vậy, sau khi tác phẩm đã đến tay người đọc, chúng ta có thể cho “ khai tử tác giả.”. Thật ra, vai trò của tác giả chấm dứt một khi đã sáng tác xong, chằng khác gì ông bếp nấu xong một món ăn, khi dọn ra, là hoàn toàn dành cho thực khách . Vấn đề được đặt ra ở đây là : Nếu thực khách biết món ăn gồm có nguyên liệu gì, và cách nấu làm sao, có làm tăng sức hấp dẫn, có khiến thấy ngon hơn khi thưởng thức hay không?

Rượu ngon là rượu hợp khẩu vị với mình, hay là chai rượu đắt tiền khiến nó phải ngon hơn ?
Riêng theo thiển ý, sự hiểu biết nhiều về sáng tác, đôi khi làm giảm mức độ thưởng thức, điển hình theo kinh nghiệm của tôi khi xưa, lúc nhỏ còn ở Việt-Nam, nghe nhiều bản nhạc ngoại quốc, dù không hiểu nghĩa của lời, nhưng vẫn thích thú; và sau này, khi hiểu lời của bản nhạc, tôi lại cảm thấy kém hay, vì thất vọng ! Rõ ràng sức tưởng tượng của tâm hồn và con tim luôn mãnh liệt hơn sự hiểu biết của lý trí ( Einstein ).

Trong số các thể loại của văn chương như thơ, văn, truyện ngắn, và tiểu thuyết, có lẽ riêng các bài điếu văn, viết để tưởng niệm một người thân mới qua đời, có tính cách chủ quan và riêng tư nhất. Tất nhiên, không thể nào khách quan khi tác giả viết về nhân vật thân thiết và thương mến, và người đó vừa mới qua đời!   

   Tường Hùng (Paris circa 2023) 

                                   
Đó là hoàn cảnh ngày hôm nay, khi tôi mới nhận được hung tin anh Nguyễn Tường Hùng, một nhà văn nghiệp dư, một người hành nghề kiến trúc sư để kiếm sống, và là một nhà đạo diễn phim ngắn không thành danh, vừa qua đời tại Paris ngày 24 tháng 8 năm 2023, thọ 92 tuổi. Sở dĩ có lời rào trước đón sau như vậy, bởi vì kẻ viết bài này mong được sự thông cảm của độc giả về những nhận xét chủ quan của đứa em út đối với người anh.

NV Ngọc Cường, Ông Tường Cường, Bích Diệp, phu nhân của NV Ngọc Cường

Nhà văn Tường Hùng rất đặc biệt đối với tôi, vì anh không chỉ là người anh cả trong một gia đình đông anh chị em (11 người), mà vì anh, khi lúc mới 16 tuổi, đã phải là người vú nuôi tôi lúc mới lọt lòng mẹ được 4 tháng (Năm 1947, người mẹ của chúng tôi qua đời trong khung cảnh loạn lạc, chiến tranh Việt-Minh-Pháp, và khi ông cụ thân sinh ra chúng tôi không có nhà, ông đã bị Việt-Minh giam giữ ở Phú Thọ) (1).

(1)- Nguyễn Tường Thụy, Giám Đốc Bưu Chính Hà-Nội, bị Việt-Minh giam ở tỉnh Phú Thọ, mặc dù chính tòa án của họ tuyên bố tha bổng ông về tội trạng -bịa đặt- bán giây đồng! Sau đó, chính những người cai tù đã cố tình để cho ông trốn (dinh-tê) về Hà-Nội. Ông bị kết án và giam giữ vì lý do duy nhất, vì là anh ruột của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, hai nhân vật lãnh đạo của Việt-Nam Quốc Dân Đảng, một lực lượng chống đối Việt-Minh Cộng Sản. Năm 1946, ông là chuyên viên của phái đoàn Chính Phủ Liên Hiệp đi dự Hội Nghị Đà-Lạt đàm phán việc trả lại Độc Lập cho Việt-Nam, do em là Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Tường Tam cầm đầu để đàm phán với Pháp (nhưng thất bại vì Việt-Minh đã đi đêm với Pháp, ký Tạm Ước 9-3-1946 thủa thuận cho Thực Dân thay thế Trung Hoa giải giới Quân Nhật).

Tiếp theo nỗi bất hạnh (về sự vắng bóng của người mẹ), nhưng như thể “họa vô đơn chí “, sự trở về nhà của ông cụ chúng tôi cũng không mang lại niềm vui lâu dài: Chỉ hai năm sau, ông tục huyền và chúng tôi phải chịu sự đối xử tẻ lạnh của người mẹ kế (thảm cảnh dì ghẻ con chồng). Nhưng anh Tường-Hùng luôn luôn bảo vệ đàn em trước sự đối sử không đẹp của bà dì ghẻ. Anh khôn khéo như một kẻ đu giây, đu đưa giữa hai thái cực: vừa lịch sự với bà dì, nhưng vẫn cứng rắn khi cần tranh đấu cho đàn em nheo nhóc (như khi tôi cần đi bác sĩ vì bị hen suyễn kinh niên nhưng bà không muốn vì sợ tốn tiền), và, như một phép lạ, anh vừa được lòng người mẹ kế, và cũng vừa lo chu toàn cho đàn em. Cuối cùng, tôi được anh đưa đi khám bác sĩ…

Viết về anh Nguyễn Tường Hùng không phải là khó, bởi vì anh có một cá tính đặc biệt: Vừa mẫu thuẫn vừa phức tạp. Một tạng người nhỏ bé, nhưng lại dồi dào sức tưởng tượng. Con tim đa sầu-đa cảm nhưng hành động có vẻ ích kỷ và cuộc sống đầy tự kỷ ám thị! Vốn có một tâm hồn nghệ sĩ (có thể là do cái tính di truyền của dòng họ Nguyễn Tường), anh viết văn sớm (Gió Mát, tiểu thuyết, Đời Nay xuất bản, Sài-Gòn 1955), và trở nên một thành viên dự khuyết của Tự Lục Văn Đòan (1953, trong tờ chúc thư văn chương, Nhất-Linh đề cử 3 nhà văn: Duy-Lam, Nguyễn Thị Vinh và Tường Hùng; và bởi vì không chính thức, nên anh không bao giờ xử dụng danh xưng này).

Năm 1958, anh được Nhất-Linh cho vào trong Ban Biên Tập Văn Hóa Ngày Nay (BBT gồm có Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam và Tường Hùng). Trong Giai Phẩm VHNN, anh đóng góp về truyện ngắn, tiểu luận và đôi khi vẽ tranh hí họa. Cũng trong thời gian này, vào một ngày đẹp trời, khi kiểm soát bàn học của tôi, tình cờ anh đọc lén một đoạn nhật ký của tôi để trong hộc. Đọc xong, anh vội vàng đưa cho Nhất-Linh xem!

Có lẽ nhận thấy đoản văn đó dí dỏm, nên ít lâu sau đó, nhà văn Nhất-Linh đã mở ra hai tiết mục trong Văn Hóa Ngày Nay (nhằm khuyến khích các mầm non văn nghệ) đó là trang Lan Hàm Tiếu dành cho các em bé, và mục Lan Sơ Khai cho các thanh-thiếu niên tập tành viết văn. Kết luận là đoản văn của tôi được đăng trên Văn Hóa Ngày Nay (bài “Chị Của Bạn Tôi”, và nhiều bài khác nữa).

Tôi còn nhớ, Nhất-Linh trả nhuận bút cho em bé Tường Cường (cũng như các anh, em khác) rất hậu hĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh sau này như Cao Hoành Nhân, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Đặng Phi Bằng, Lê Tất Điều và Bùi Bích Hà ở trong nhóm Lan Sơ Khai được ông lancer.

Xin nơi đây, có lời cảm phục nhà văn Nhất-Linh đã luôn tìm kiếm và khuyến khích các mầm non, đàn em, và ông đã khám phá ra nhiều nhân tài văn nghệ (thí dụ nhà văn Linh Bảo, Nhật-Tiến, Duy Lam, Nguyễn Thị Vinh v.v…).

Tôi không nhớ rõ anh Tường Hùng bắt đầu có máy chụp ảnh từ hồi nào. Nhưng qua những tấm ảnh cũ, cho thấy anh đã chụp nhiều kỷ niệm của gia đình từ khi còn ở Hà-Nội (cuối thập niên 40, đầu 50), và cho đến khi vào Sài-Gòn năm 1952, tôi thấy anh đã có máy thâu hình cầm tay xử dụng loại phim khổ 8 ly. Rất tiếc là ngày nay, trong những tấm hình đó, vì do anh chụp, nên đã không có mặt anh! Gần đây, mỗi lần mở tập hình cũ ra xem, vợ con tôi đều hỏi: ”sao không thấy có bác Hùng trong tấm chụp gia đình bao giờ?”.

Từ đó, anh là thợ chụp ảnh lẫn đạo diễn phim cho những ngày lễ lạc như Tết nhất, cưới hỏi của gia đình. Tôi còn nhớ vào dịp Xuân năm 1957, anh quay phim sinh hoạt gia đình chúc Tết. Đến lúc thu hình mấy chậu hoa cúc, anh nhờ tôi bò nấp sau để rung chậu hoa, làm giả như có gió nhẹ nhàng thổi qua. Nhưng khi đoạn phim được rửa ra và trình chiếu, thì cả nhà cười rộ vì do tôi rung quá mạnh, chậu cúc lắc lư như chịu đựng trước cơn gió bão!

Ước mơ làm phim của anh bắt đầu từ đó. Nhiều lần, anh lôi tôi ra (một đứa bé) bảo thử diễn tả khuôn mặt của một người buồn-vui hay hốt hoảng …cho anh xem, như thể anh là một đạo diễn đang xử dụng đứa em đóng thử (audition)!

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đại Học Kiến Trúc ở Sài-Gòn, anh xin được học bổng của tòa Đại Sứ Ý ở Sài-Gòn (cùng với họa sĩ Phạm Tăng của nhật báo Tự Do) cấp cho sang Rome học tiếp về Kiến Trúc. Thời gian sống ở Ý, anh tìm đến một trường Điện Ảnh xin học hàm thụ ngành đạo diễn phim.

Từ đó, anh bắt đầu có ước mơ làm phim.

Song song với việc làm kiến trúc để kiếm sống, anh bỏ tiền túi ra thực hiện nhiều phim ngắn (hiện vẫn còn lưu trữ trên youtube). Phim anh thực hiện quá nặng mùi triết lý, khó hiểu, và cố nhiên không thành công về thương mại!

Có cuộc sống mãi tận bên Trời Tây, dù muốn hay không, cũng đã tạo nên hoàn cảnh “xa mặt cách lòng“ giữa hai anh em chúng tôi. Tôi lớn lên thiếu vắng bóng người anh cả, nhưng những kỷ niệm và sự săn sóc của anh lúc thiếu thời đã ghi đậm vào tâm khảm tôi. Lớn lên giữa hoàn cảnh chính trị rối ren và ra đời đúng lúc chiến tranh kéo đên quê hương Việt-Nam, tôi không giữ được thường xuyên mối liên lạc với anh cho đến khi chiến tranh chấm dứt…

Sau khi đậu Tiến Sĩ về Kiến Trúc ở La-Mã, anh di dân qua Pháp và lấy vợ …một bà đầm xa lạ, ít nói, và thích có cuộc sống khép kín, như không muốn giao thiệp với ai…Bởi vậy, sau này, mỗi lần qua Pháp , hai anh em chúng tôi chỉ gặp nhau tại văn phòng kiến trúc của anh, gần khu chợ Việt-Nam ở Quận 13. Anh vẫn làm việc sau khi chính thức về hưu, nhưng mối đam mê làm phim không hề rời anh. Xem ra phim ảnh là ước mơ không đạt của anh, có lẽ vì vậy mà anh muốn tôi làm phim như truyền đạt ước mơ của anh qua cho tôi: Mỗi khi gặp nhau, anh lại nhắc nhở, khuyến khích tôi viết truyện phim hay nỗ lực trở thàng một đạo diễn điện ảnh. Có lẽ anh tin đứa em út có tài cán gì về chuyên ngành này: rồi anh cho tiền để tôi mua máy quay phim, tất nhiên không còn cồng kềnh loại 8 ly mà là digital (trước sự ngạc nhiên của gia đình, vì anh không dư giả gì). Nhưng than ôi, tôi xem ra chẳng có tài cán gì cả!

Trong những năm 60, 70, lâu lâu anh có viết truyện ngắn cho Tạp Chí Văn, và gần đây hơn, anh cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Con Ve Sầu“ (Có đăng lại trên báo mạng Da-Mà). Sáng tác của anh khó hiểu nhưng không kém hấp dẫn vì vừa hiện thực, vừa sâu sắc. Theo nhà văn Bùi Bích Hà, văn phong của anh : “có vẻ đẹp lung linh, bay bổng, siêu thực và quý tộc”.

Tiểu thuyết “Con Ve Sầu“ của NV Tường Hùng

Nỗi ám ảnh của anh đôi khi gây khó chịu và khiến tôi mất kiên nhẫn tranh cãi với anh, tôi cố khuyên anh từ bỏ việc làm phim. Nhưng nào ai có thể ngăn cản được một giấc mơ, nhất là một khi nó đã trở thành nỗi ám ảnh và là lẽ sống của một nghệ sĩ. Tại sao tôi lại cố kéo anh về với sự thật, mà sự thật đó cũng chỉ là của tôi, chứ không phải của anh! Sai sót của tôi ngày nay trở thành mối ân hận khi anh mất, và tất cả đã quá trễ để có lời trực tiếp xin lỗi anh!

Tôi không thể nào quên, năm 2018 ghé thăm anh, sau bữa ăn ở quán ăn gần nhà, lúc chia tay ra về, chúng tôi nhìn theo: Anh lúc này đã yếu, chân đi không vững, đang được cháu Thắng dìu đi khuất vào trong căn hộ cao tầng xừng xững một cách lạnh lẽo dưới bầu trời Paris ảm đạm…

Trong khoảnh khắc, những hình ảnh và đoạn phim về gia đình chúng tôi được anh chụp và quay bỗng vụt trở lại trong tâm khảm của tôi: Từ những ngày xa xôi ở Hà-Nội năm 1949, cho đến Sài- Gòn 1952….rồi Paris 2018. Trong đó, khuôn mặt buồn bã của anh lãng đãng hiện ra rồi mờ dần…
Đó là lần chót chúng tôi gặp anh.

Xin vĩnh biệt anh Hùng thân yêu.
Ngọc Cường