Tình Khúc Mùa Thu Với Paris
Mùa thu hình như là nguồn cảm hứng với thi nhân, nhạc sĩ… nên từ xưa đến nay có nhiều sáng tác qua thi ca và âm nhạc với nhiều bài thơ và ca khúc được ưa thích.
Nhà văn Dương Viết Điền (bạn cùng khóa với tôi) viết về Mùa Thu Qua Thi Ca Việt Nam, mở đầu với bài thơ nổi tiếng Chansons D’automne của thi sĩ Pháp Paul Verlaine đều cảm thấy lòng mình bồi hồi và xúc động. Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Thu Ca Điệu Ru Đơn.
Nhà văn Việt Hải & Phạm Chung trong bài viết Mùa Thu Trong Tình Ca Việt Nam, đề cập đến nhiều ca khúc trong những thập niên qua liên quan đế chủ đề… Từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam Việt Nam, có hàng trăm ca khúc trữ tình (sáng tác và phổ thơ) liên quan đến mùa thu.
Với tôi, trong bài viết về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, gọi ông là nhạc sĩ của mùa thu (lời Từ Linh), điển hình qua vài ca khúc Ánh Trăng Mùa Thu (1947), Thu Quyến Rũ (1950), Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay (1952), Lá Đổ Muôn Chiều (1954), Tà Áo Xanh (Dang Dở 1954)… Tập nhạc Tình Khúc Mùa Thu (Đoàn Chuẩn – Từ Linh) gồm 18 ca khúc do trưởng nam của ông là Đoàn Chính, ấn hành ở Canada năm 1990.
Nhân chuyến thăm trời Tây và Paris của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian vào mùa thu năm 2023, tôi viết về những ca khúc tiêu biểu với thu và Paris, và “Gửi Người Em Gái” thấp thoáng trong ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trong chiều nhạc thính phòng vào thu ở Paris.
Nhạc sĩ Phạm Duy với những ca khúc phổ thơ về mùa thu như: Mùa Thu Chết (phổ thơ L’Adieu của thi sĩ Pháp Apolinaire theo bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Bùi Giáng là Lời Vĩnh Biệt). Ca khúc Mùa Thu Paris (phổ thơ Cung Trầm Tưởng) “Mùa thu Paris, trời buốt ra đi… Chờ mong em chín đỏ trái sầu”. Ca khúc Tiễn Em (thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế của Cung Trầm Tưởng vào mùa đông Paris).
Nhạc sĩ Lam Phương với những cuộc tình trở thành tình sử bi thương. Vào thập niên 1980s, sau khi chia tay nghệ sỹ Túy Hồng, ông dọn sang Paris để sống và gọi là “tị nạn ái tình”. Làm quản lý nhà hàng Như Ánh của cô em út. Về đêm, tổ chức ca nhạc cho vơi bớt nỗi buồn. Với cuộc tình định mệnh người đẹp Cẩm Hường, đang có chồng. Khi cuộc tình chớm nở ông đã sáng tác vài ca khúc Mùa Thu Yêu Đương “Mùa thu ơi Paris dệt mộng tình si… Đưa anh vượt khỏi cơn đau ngày nào”, ca khúc Mùa Thu Vào Mộng… Thế rồi sau mười năm chung sống, ông viết ca khúc Tan Vỡ! Cuối cùng với nhạc phẩm Thu Đến Bao Giờ với nỗi buồn chia ly trong mùa thu trước khi định cư ở Mỹ.
Trước đây, tôi đã viết Nguyên Sa, Lời Thơ Ý Nhạc, là nhà thơ tình mang hình ảnh Paris về Sài Gòn giữa thập niên 1950s.
Bài thơ Mai Tôi Đi với nỗi buồn xa xăm:
“Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa”.
Bài thơ nầy Song Ngọc phổ thành ca khúc Tiễn Biệt khi còn học sinh vào năm 1961.
Năm 1998, nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc cùng tựa bài thơ với các câu cuối:
“Mai tôi đi, chắc rằng Paris nhớ
Nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn ưu sầu rồi cũng sẽ xa nhau
Mình cũng sẽ xa nhau”.
Ca khúc Em Mùa Thu Của Tôi của nhạc sĩ Vũ Hữu Toàn (thơ Phạm Ngọc):
“Paris buồn giữa trời thu
Cơn mưa ùa theo hối hả
Tiếng đàn pha cùng tiếng gió
Thở dài thành những cơn mưa”
Nhân chuyến đi của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian khi bước vào mùa thu ở Mỹ, sau những tháng nắng nóng ở California, thời tiết đã thay đổi, viết những dòng nầy để gợi nhớ lại bảy thập niên về trước ở thế kỷ XX khi những chàng trai trẻ du học ở Pháp, với khung cảnh hữu tình đó đã sáng tác các bài thơ được phổ thành ca khúc sau nầy đã hòa nhập vào trái tim của người thưởng ngoạn từ trong nước đến hải ngoại.
Hy vọng chiều nhạc thính phòng ở Paris níu lại thời gian năm xưa qua bao biến thiên của cuộc đời.
Vương Trùng Dương, Little Saigon, September 14, 2023