Khánh Lan

THỦY CHUNG

Uyển Diễm soi bóng mình trong gương một lần cuối trước khi bước ra cửa, chiều nay nàng có hẹn cùng Vy Hương đi xem buổi diễn binh nhân ngày Quân Lực 19 tháng 06 tại đại lộ Trần Hưng Đạo.  Anh Hùng, anh của Diễm đang theo học khóa 27 của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.  Vy Hương là bạn thân của Diễm từ khi còn học lớp đệ tam trường Thiên Phước.  Ba má Vy Hương là bạn của bố mẹ Diễm nên ông bà coi nàng như con cháu trong nhà và nàng thường xuyên đến nhà Vy Hương chơi.  Trái hẳn với bản tính ngổ ngáo, vui vẻ, mạnh mẽ và lanh lẹn của Vy Hương, Uyển Diễm lại qúa nhút nhát, hay mằc cở và yếu đuối nên Vy Hương luôn luôn là người “bảo vệ” Diễm những lúc có ai đó “ăn hiếp” nàng.  Hai đứa thân nhau như hình với bóng, nơi đâu có Vy Hương là nơi ấy có Diễm, có nhiều lúc anh Hùng nói, “Lạ thật, hai đứa bay tính tình như mặt trời với mặt trăng mà sao lại có thể thân nhau như thế nhỉ?”  

Vừa quẹo chìếc xe Yamaha vào sân nhà Vy Hương, Diễm đã nghe cô nàng la lên.

  • Nhanh lên Diễm, đi sớm dành được chỗ tốt.”
  • Ba má Hương không đi à?  Diễm hỏi.
  • Không, nắng qúa, bà “Bô” sợ bịnh, còn ông “Bô” tao còn phài đi đặt tiệc cho bữa chiều, anh Hùng được phép về nhà chơi tối nay.

Nói xong, hai đứa chạy ra đường rồi nhảy vội vào chiếc taxi đang đậu chờ khách bên đường.  Đúng như Vy Hương nói, hai đứa đến sớm nên dành được chỗ đứng xem thật tốt, ngay phía đằng trước.  Vy Hương nói như hét vào tai Diễm.

  • Tí nữa thấy ông Hùng, mày hét phải hét to lên nhé.

Càng gần đến giờ diễn hành, con đường Trần Hưng Đạo chật cứng người đến xem, chen chúc xô đẩy nhau, Diễm như càng lúc càng bị đẳy lùi ra phía sau.  Vy Hương nắm chặt tay Diễm kéo ngược về phía nàng, miệng lẩm bẩm, giọng đanh đá.

  • Mấy người này làm gì mà chen lấn dữ vậy.  Đến sau thì ra sau mà đứng, tôi xí chỗ này từ sáng sớm mà.

Một tiếng sau, từng binh chủng diễn hành chen lẫn tiếng nhạc quân hành nối tiếp nhau đi qua chỗ Hương và Diễm đứng.  Những lá cờ tung bay trong gió, những tìếng hát vang trời và những tiếng giầy oai hùng nện vang trên đường, Diễm thấy lòng mình xúc động trong niềm hân hoan.  Diễm ngẩn người nhìn theo đoàn thanh niên đang đi theo tiếng gọi của tổ quốc làm nhiệm vụ của người trai trong thời loạn, chấp nhận thử thách lớn lao trong giai đoạn đầu của cuộc đời binh nghiệp.  Diễm bùi ngùi nhớ câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm. 

            “Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt

            Xếp bút nghiên theo việc đao cung.”

Khi trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đi ngang, Diễm không rõ là Vy Hương có nhìn thấy anh Hùng không, nhưng miệng cô la to nhất.  Diễm đưa mắt nhìn theo những chàng trai trẻ oai hùng trong bộ quân phục của trường, màu trắng oai nghiêm với cầu vai và giây lưng viền đỏ kiên cường, nét mặt cương quyết khiến nàng như bị mê hoặc.  Có lẽ đây là lần đầu tiên Diễm bị thu hút bởi hình ảnh của người chiến sĩ.  Tấm huy hiệu của trường Võ Bị thật đẹp với hình thể dải đất hình chữ S nổi bật trên một tấm kiên màu xanh đậm.  Ôm vòng theo bản đồ Việt Nam là hình một con rồng màu vàng trên khung viền màu đỏ, hàm răng con rồng ngậm chật thanh kiếm.  Thật là một huy hiệu rất có ý nghĩa.

Sau buổi diễn hành, Vy Hương rủ Diễm ở lại để dự bữa cơm gia đình tại nhà hàng Đồng Khánh và cũng chính bữa tiệc này đã là chiếc cầu định mệnh nối liền cuộc đời của nàng và Bảo.  Buổi chiều hôm ấy, anh Hùng về nhà mang theo một người bạn cùng khóa, Trịnh Gia Bảo với ý định giới thiệu cho em gái Vy Hương.  Chiều hôm ấy, Vy Hương và Diễm đang ngồi trong phòng học nghe nhạc và tâm sự thì anh Hùng và Bảo bước vào.  Vy Hương thật tự nhiên, nàng đứng lên tươi cười bắt tay Bảo theo lối tây phương vì Vy Hương theo học chương trình pháp thời trung học đệ nhất cấp nên rất dạn.  

Trái ngược hẳn với Diễm, nàng được giáo dục bởi gia đình nho giáo nên rụt rè và nhút nhát.  Diễm đứng dậy, mặt đỏ gay, cúi đầu chào anh Hùng và Bảo rồi e thẹn ngồi xuống, thu gọn người vào một góc ghế sa-lông.  Suốt cả buồi chiều hôm ấy, Diễm chẳng biết nói gì nên ngồi cười trừ để Vy Hương tha hồ ngồi đấu khẩu cùng Bảo và anh Hùng…Và sau lần gặp gỡ ấy, Diễm lần lượt nhận được những lá thơ của Bảo từ Đà Lạt gởi về và chẳng bao lâu, Diễm trở thành người yêu của Bảo.  Đó là lý do Vy Hương thường đùa với Diễm câu:  “Tình Hương duyên Diễm” là thế.

Từ đầu năm thứ ba, trường Võ Bị bắt đầu phân chia thành ba quân chủng, Hải, Lục và Không quân.  Anh Hùng và Bảo chọn đại đội Lục Quân đảm nhiệm công tác thông tin chiến tranh chính trị tại quân khu 1.  Chương trình rút gọn trong 4 tháng để có thể tốt nghiệp đúng ngày đã quy định nên các sinh viên phải học cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật.  Chương trình gồm chiến thuật và vũ khí trang bị cấp đại đội, súng cối, pháo binh, viễn thám, huấn luyện nhẩy dù, hành quân không trợ, v.v…nên Bảo rất bận rộn và không có thì giờ nhiều dành cho người yêu.  Diễm đón nhận những lá thư viết vội, ngắn nhưng chan chứa yêu thương và nhung nhớ mà không hề kêu ca hay trách móc người yêu.  Cuối năm 1973, Diễm thi đậu tú tài toàn phần và xin bố mẹ lên Đà Lạt học trường Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ lý do chính là để được ở gần Bảo. 

Năm thứ ba cũng là năm mà các sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị tổ chức lễ trao nhẫn truyền thống kỷ niệm thời gian thụ huấn tại trường.  Trong ngày hôm ấy các sinh viên sĩ quan được quyền chọn người trao nhẫn cho mình.  Diễm như chìm đắm trong niềm hân hoan và xúc động khi Bảo báo tin và mời nàng lãnh nhận nhiệm vụ cao qúy ấy.  Tháng 02, 1974, khóa 27 tiểu đoàn 1 về Sài Gòn học khóa 329 nhảy dù và nhảy biểu diễn tại sân Cù Đà Lạt.  Nhưng Diễm và Bảo ít được gặp nhau vì Bảo bận học.  Tuy nhiên, những dịp đặc biệt như thế, Diễm và Vy Hương luôn có mặt để khích lệ Bảo và anh Hùng.

Ngày 27 tháng 12, 1974 là ngày lễ tốt nghiệp và mãn khóa của các sinh viên Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt tại Vũ Đình Trường Lê Lợi dưới sự chủ tọa của cố TT Nguyễn Văn Thiệu và được đặt tên là khóa Chuẩn Tướng Trương Hữu Đức.  182 tân sĩ quan tốt nghiệp, được cấp bằng cử nhân khoa học ứng dụng và văn bằng tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, gồm 24 sĩ quan Hải Quân, 148 sĩ quan Lục Quân và 10 sĩ quan Không Quân.   Trong ngày mãn khóa, các sinh viên sĩ quan được gắn cấp bậc Thiếu Úy, trao kiếm và cung tên, được tuyên dương công trạng trước quân đội Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và gắn anh dũng bội tinh với nhành dương liễu cho quân kỳ của trường.  Ngày Bảo tốt nghiệp trường Võ Bị, Diễm là khách mời danh dự của trường vì Bảo đậu thủ khoa.  Bảo bước ra nhận lon thiếu uý và đại diện cho khóa 27 sĩ quan Võ Bị đọc bài diễn văn khai mạc.  Bảo oai phong, chững chạc trong bộ quân phục đại lễ.  Còn Diễm, nàng như chìm đắm trong niềm hãnh diện.  Những sinh viên tốt nghiệp trong lãnh vực văn hóa, quân sự, thể chất và lãnh đạo chỉ huy, họ sẵn sàng lên đường phục vụ tổ quốc, quân đội và dân tộc.  Diễm bỗng rùng mình qua bốn chữ “sẵn sàng phụ vụ”, nó có nghĩa là nàng có thể mất Bảo qua hòn tên mũi đạn.  Hai câu thơ trong bài thơ “Phận Làm Trai” của Nguyễn Công Trứ như xoáy vào tim óc Diễm, khiến Diễm không ngăn được xúc động, hai hàng nước mắt lăn dài trên má từ bao giờ.

            Có trung hiếu nên đứng trong trời đất

            Không công danh thà nát với cỏ cây.”

Diễm giật mình quay lại khi nhận thấy một bàn tay đặt nhẹ lên vai nàng, Bảo đã đứng sau lưng nàng tự bao giờ, thấy mắt Diễm mờ lệ, anh ôm bờ vai gầy của Diễm, hôn nhẹ lên tóc người yêu, thì thầm như chỉ đủ để nàng nghe.

  • Em khóc đấy à?

Diễm lau vội những giọt nước mắt, quay lại nhìn Bảo, nàng tựa đầu vào vai Bảo, mặc cho con tim mình thổn thức…

…Bảo chọn Sư Đoàn 25/Bộ Binh,06 Biệt Cách 81 nhẩy dù và sau khi thụ huấn những khóa huấn luyện có liên quan đến binh chủng của mình.  Ngày 31 tháng 12, 1974 Bảo cùng 144 tân binh sĩ Lục Quân lên đường đến Dục Mỹ, Nha Trang để thụ huấn một khóa hành quân biệt động rừng núi, sình lầy trong vòng 4 tuần và khóa bảo trì quân trang quân dụng thêm một tuần trước khi kết thúc khóa học ngày 04 tháng 01, 1975.  Rời Dục Mỹ, Nha Trang các sĩ quan khóa 27 Lục Quân trở về Sài Gòn tham dự khóa phát triển hiệu năng quân lực thêm ba tuần nữa từ ngày 20 tháng 02 đến ngày 12 tháng 03, 1975.  Tại đây, các khóa sinh được phát bằng cử nhân khoa học ứng dụng, chứng chỉ tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Bằng nhảy dù.  Sau ngày ra trường, Diễm run lên vì sợ khi nghe Bảo quyết định gia nhập binh chủng “BIỆT HẢI”, phòng 7, nha kỹ thuật, nhưng đó là giấc mơ của Bảo, nên nàng đành in lặng.  Chỉ vài ngày sau, Bảo từ giã gia đình và Diễm để ra đơn vị.

            “Ra trường danh lợi vinh liền nhục

            Vào cuộc trần ai khóc trước cười”

                     (Con đường làm quan, Nguyễn Công Trứ.)

…Đầu tháng tư năm 1975, tình hình chiến tranh càng ngày càng căng thẳng.  Những trận chiến ác liệt diễn ra hàng ngày và khắp nơi.  Bố mẹ Diễm muốn nàng trở về Sài Gòn và khi miền Nam Việt Nam thất thủ, đơn vị của Bảo cũng được lệnh tan hàng, anh tìm đường trở về Sài Gòn gặp Diễm.  Đám cưới của Bảo và Diễm tổ chức giản dị trong lúc đất nước đang trong cơn loạn lạc, chỉ hai tuần trước ngày biến cố 1975.  Diễm lại chính là người khuyên chồng nên ra trình diện vì nàng tưởng Bảo chỉ phải đi học tập cải tạo có một tháng rồi về, như lời hứa của chính phủ Bắc Việt trên máy phóng thanh.  Diễm có ngờ đâu, đó cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng được ở bên cạnh nhau…

…Lần cuối cùng Diễm đi thăm chồng ở trại tù cải tạo tỉnh Thanh Hóa, Bắc Việt, Diễm làm một cái bánh ga-tô, nàng nhét vào đó một ít tiền và vài chỉ vàng để Bảo tiêu dùng trong thời gian xa vắng Diễm.  Bảo ra hiệu cho Diễn nên theo gia đình đi vượt biên và hẹn gặp lại nàng sau khi mãn tù.  Bảo trao cho Diễm một chiếc lược bằng nhôm mà anh đã khéo léo mài gọt trong nhưng ngày trong lao lý, trên cán của chiếc lược, anh khắc hai chữ Bảo & Diễm.  Đó là kỷ vật và cũng là lần cuối cùng Diễm gặp chồng trước khi rời Việt Nam…

…15 năm chờ đợi đã được đền bù thật xứng đáng.  Diễm như người sống trong mộng ảo khi nghe tin Bảo trốn thoát khỏi trại tù cải tạo, vượt biên và đang ở trại tị nạn bên Philippine.   Diễm vội vã đáp máy bay đi thẳng qua Philippine để làm thủ tục bảo lãnh cho chồng.  Gặp chồng, Diễm đứng lặng người, Bảo sau bao năm tù đầy, chàng đã thay đổi khá nhiều.

Ba tháng trôi qua, Diễm đếm từng ngày, mong từng giờ, sửa soạn và chuẩn bị từ tâm hồn đến thể xác, chờ ngày ra phi trường đón Bảo.  Nghĩ đến ngày đoàn tụ, Diễm thầm cám ơn Thương Đế, nàng nhắm mắt để tận hưởng những giây phút hạnh phúc tuyệt vời xắp sửa đến cho cuộc đời mình.

Mùa xuân đến thật đúng lúc, những bông hoa muôn mầu nở rộ trên khắp đường phố, cũng như những cánh hoa yêu thương đang nhảy múa trong lòng Diễm, khi nàng được tin Bảo sẽ đáp chuyến bay quốc tế Boeing 747, rời Philippine và sẽ đến phi trường LAX lúc 11 giờ sáng ngày mai.  Diễm muốn hét lên thật to, “Thôi nhé Uyển Diễm, giã từ những ngày cô đơn lẻ bóng.”  Diễm lục tung tủ áo, cẩn thận chọn cho mình một cái áo dài thật đẹp, mầu tím hoa tigon nhạt mà cả hai đứa vẫn yêu.  Cả đêm hôm ấy, Diễm thao thức và không thể nào nhắm mắt được, nàng chỉ mong trời mau sáng để được ngã vào vòng tay yêu thương của Bảo, đền bù cho những ngày xa cách…

…Một năm sau, Bảo và Diễm hân hoan chào đón đứa con trai đầu lòng, cả hai đều đồng ý đặt tên con là Trịnh Bảo Gia Đoàn,có nghĩa là sự kết hợp giữa hai dòng họ Trịnh & Đoàn và cũng là để ghi nhớ ngày đoàn tụ (Gia Đoàn là gia đình đoàn tụ) của vợ chồng Diễm và Bảo.

20 năm trôi qua, Gia Đoàn đã 20 tuổi và đang theo học ngành y khoa tại trường đại học UCLA.  Diễm không còn muốn ao ước thêm gì nữa, vì nàng biết, vợ chồng nàng đang chìm đắm trong hồng phúc mà Thượng Đế đã ban cho gia đình nàng.  Nào ngờ, hai tháng sau ngày kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng, Diễm bàng hoàng khi nghe bệnh viện báo hung tin là Bảo bị đột khụy ngay trong sở làm và đang nằm trong phòng hồi sinh (ICU).  Diễm vội vã bỏ sở chạy thẳng đến bệnh viện.  Trong phòng hồi sinh, Bảo nằm bất động trên giường, hai mắt nhắm chật, trên người chàng chẳng chịt những giây, máy thở, máy trợ tim.  Diễm lao người đến bên giường của Bảo, nâng bàn tay của chồng lên, áp nhẹ vào má, hai hàng nước tuôn trào trên má như một dòng suối.

Hơn sáu tháng điều dưỡng ở trung tâm phục hồi, sức khỏe của Bảo có phần khả quan hơn, nhưng cơn tai biến mạch máu đã ảnh hưởng đến một phần thân thể và trí nhớ của Bảo, chàng trở nên ngây ngô như một đứa trẻ thơ.  Diễm quyết định mang Bảo về nhà, nàng xin nghỉ việc và ở nhà để tự mình chăm sóc cho chồng… 

…Đã bao năm trôi qua, sáng nào Diễm cũng đẩy chồng trên chiếc xe lăn, đưa chồng tới một công viên gần nhà, đến bờ hồ năm xưa, nơi mà Diễm và Bảo thường hay đi dạo mỗi buổi chiều để ngắm hàng cây phượng tím cạnh bờ hồ, để nhìn theo đàn thiên nga tung tăng bơi lội, đùa vui trên mặt hồ.  Đây cũng là nơi đã chôn vùi bao nhiêu kỷ niệm của hai vợ chồng khi Bảo còn khỏe.  Diễm dua Bảo đến đây mỗi ngày với hy vọng phục hồi lại  trí nhớ của Bảo, nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ trong Diễm vì càng ngày bịnh mất trí nhớ của Bảo lại càng nặng thêm.  Phải, chứng bịnh “Alzheimer” quái ác kia đã tàn phá hoàn toàn bộ óc của Bảo, chàng không nhận biết những gì xẩy ra quanh mình.  Thậm trí, Bảo không còn nhớ Diễm là vợ của anh nữa…

Tiếng hát của cô ca sĩ hàng xóm, Tuyết Hồng từ phía nhà bên cạnh vọng ra bài nhạc kích động.

            “Nếu có yêu tôi 

            Thì yêu tôi bây giờ

            Đừng để ngày mai

            Đến lúc tôi qua đời…”

Bảo đang ngồi trên ghế chờ vợ, anh lắng tai nghe, mắt nhìn về hướng có tiếng hát vọng lại, thỉnh thoảng mỉm cười một mình.  Diễm từ trong phòng ngủ bước ra, nàng đỡ Bảo ngồi lên chiếc xe lăn rồi với tay lấy cái mũ “phớt” đội lên đầu chồng, xong nói nhỏ vào tai Bảo.

  • Em đưa mình đi dạo mát nhé. 
  • Đi chơi à. 
  • Vâng, đi xuống đồi hóng gió cho khỏe anh ạ.

Không thấy Bảo trả lời, Diễm với tay lấy cái giỏ trên bàn, khoác lên vai, rồi đẩy chiếc xe lăn của chồng ra khỏi nhà.   Chỉ khoảng năm phút sau là họ đến một công viên ở gần đấy.  Diễm đẩy chiếc xe lăn về hướng hồ sen, tiến gần đến một băng ghế dài đặt dưới gốc cây phượng tím.  Diễm dừng chiếc xe lăn lại, rồi đi vòng ra phía trước của chiếc xe lăn, nàng cẩn thận khóa cái thắng của xe lăn lại trước khi ngồi xuống cạnh bên chồng.  Diễn đưa tay gỡ cái nón trên đầu Bảo, vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán chồng, nàng cầm nón, phe phẩy trước mặt chồng cho mát, rồi ghé tai Bảo, nhẹ nhàng nói:  

  • Mình ngồi đây cho mát, anh nhé.

Bảo ngước mặt lên nhìn vợ, tay chàng giữ chật lấy cánh tay Diễm, với một giọng run run, lo lắng, Bảo hỏi. 

  • Chỗ này là chỗ nào vậy chị?  Tôi chưa đến đây bao giờ. 

Diễm mỉm cười, gỡ tay Bảo ra, rồi với tay lấy trong giỏ sách một bình nước lọc nhỏ, đưa cho Bảo.  Giọng dịu dàng. 

  • Anh uống nước cho đỡ khát. 

Bảo đưa tay đỡ lấy chai nước, đưa lên miệng. 

  • Đây là Parata park gần nhà, mình ra đây mỗi buổi sáng, anh không nhớ sao?
  • Thế à…

Rồi Bảo quay mặt ra phía hồ nước, không nói gì, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không.  Diễm đưa mắt nhìn dọc theo con đường nhỏ chạy vòng quanh bờ hồ, hàng cây phượng tím vẫn nở rộ, phản chiếu trên mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp.  Trên mặt hồ, từng cặp thiên nga đang bơi cạnh nhau như những cặp tình nhân đang thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, gợi nhớ trong tâm trí Diễm những ngày thơ mộng và hạnh phúc của hai vợ chồng tựa như một cuốn phim đang quay chậm, nàng buông tiếng thở dài.  Bỗng tiếng nói của Bảo, khiến Diễm giật mình quay lại.

  • Đây là đâu vậy chị? 
  • Mình đang ở ngoài công viên gần nhà, anh không nhớ à? 
  • Thế à. 
  • Vâng, anh có nhớ chúng mình vẫn hay đi dạo ở đây mỗi buổi chiều để ngắm hàng cây phượng tím.

Diễm chỉ tay về phía hàng cây phượng vĩ.  Bảo nhìn theo chỉ tay của Diễm.

  • Thế à…
  • Có khi, đúng ngày rằm, khoảng 15 tháng 10, rằm Trung Thu, anh hay đưa em ra đây ngắm trăng.

Ngừng một chút, Diễm nói tiếp giọng nàng nghẹn lại như muốn khóc.

  • Hoặc ngày Bốn tháng Bẩy là ngày lễ Độc Lập, mình cũng hay ra xem pháo bông ở đây.  
  • Thế à.
  • Vâng, anh có nhớ chúng mình hay ngồi ở cái ghế này, ngắm đàn thiên nga đang bơi đó…
  • Thế à.

Hai người lại ngồi yên trong lặng lẽ, bỗng dưng Bảo quay lại, đập nhè nhẹ vào tay Diễm hỏi. 

  • Chị ơi, chỗ nầy là ở đâu?

Như đã quen với những câu hỏi của Bảo và như đã thuộc lòng câu trả lời.  Diễm trả lời chồng như một cái máy đã được ghi âm sẵn. 

  • À, mình đang ngồi tại bờ hồ của Parata Park đấy. 
  • Thế à.

Ngừng một chút, Diễm quay sang Bảo, khẽ nói. 

  • Nắng đã lên cao, mình về thôi anh ạ.  

Không thấy Bảo nói gì, Diễm đứng dậy, đội cái mũ lên đầu cho chồng, rồi đẩy chiếc xe lăn hướng về nhà.  Về gần đến nhà, Diễn gặp hai vợ chồng hàng xóm cũng trên đường ra công viên.   Họ dừng lại chào Diễm và Bảo.  Người vợ vui vẻ chào Diễm 

  • Chào chị Diễm, chị đưa anh đi hóng gió?

Diễm mỉm cười, đứng lại trả lời hai vợ chồng Hưng và Tuyết Hồng, nàng nói. 

  • Vâng, hôm nay ông bà được nghỉ làm hay sao mà đi “dung giăng dung dẻ” thể này?
  • Vâng, lâu lâu tụi em lấy một ngày nghỉ ở nhà cho thoải mái. 

Trong lúc Diễm đang nói chuyện với người vợ, Hưng đi vòng lên phía trước xe lăn của Bảo, anh cúi hẳn người xuống, bắt tay Bảo.  Họ chào hỏi và trao đổi một vài câu chuyện xong từ giã Diễm và Bảo rồi tiếp tục đi về phía bờ hồ.  Diễm cũng đi lại sau lưng Bảo, đẩy nhẹ chiếc xe lăn đi về nhà. 

Về đến nhà, Bảo quay lại nhìn Diễm, hỏi. 

  • Lúc nẫy chị nói chuyện với ai vậy?
  • À, anh Hưng và cô ca sĩ Tuyết Hồng ở cạnh nhà mình đấy. 
  • Thế à. 
  • Cô bé ấy ca hay đáo để, anh vẫn nghe cô ta nghêu ngao mỗi ngày ngoài patio sau nhà đấy thôi.
  • Thế à, tôi chưa nghe cô ấy hát bao giờ?
  • Ồ, tại anh không nhớ đấy thôi. 

Hơn 10 năm chăm sóc cho Bảo, Diễm không còn nghĩ đến mình, cả ngày nàng quanh quẩn bên Bảo và cắt dứt tất cả liên lạc với bạn bè.  Diễm muốn dành tất cả thời gian còn lại ở bên chồng và không nhờ sự giúp đỡ của gia đình.  Có lẽ chính vì vậy mà sức khỏe của Diễm càng ngày càng kiệt quệ, nàng không còn đủ sức để lo cho chính mình.  Diễm điện thoại gọi cho con, nhắn Gia Đoàn về gấp.  Diễm nhờ vợ chồng một người bạn HO của Bảo, anh Tâm chăm sóc cho Bảo và vợ anh, chị Thu giúp việc nhà.  Tin Diễm bịnh nặng đã làm gia đình Diễm và bạn bè từ xửng xốt đến bàng hoàng.  Chỉ vỏn vẹn vài tháng sau, Diễm qua đời…

Từ ngày Diễm qua đời, Gia Đoàn trở về sống với bố, những khi anh phải đến trường hoặc vắng nhà, vợ chồng anh Tâm ở lại coi sóc Bảo.  Phần Bảo, sự ra đi vĩnh viễn của Diễm cũng không có gì khác lạ đối với anh, thỉnh thoảng, anh nhìn tấm di ảnh của Diễm nhưng chẳng nói năng gì.  Có lẽ Bảo cũng không biết tại sao Diễm không đến đưa anh đi dạo mát mỗi buổi sáng. 

Cũng như mọi ngày, Bảo ngồi bất động trên chiếc xe lăn, mắt chàng như dán chật vào tấm di ảnh của Diễm, bỗng nhiên hôm nay, anh lăn chiếc xe tiến đến gần bàn thờ của vợ.  Khi chiếc xe chạm vào mép bàn, Bảo đưa tay với lấy tấm ảnh của Diễm trên bàn thờ, ngắm nhìn tấm ảnh một lúc thật lâu, rồi ôm vào lòng.  Một lúc sau, Bảo như chợt nhớ ra điều gì, anh lẩm bẩm thật nhỏ trong miệng, xong anh đặt tấm di ảnh của Diễm xuống đùi, lăn bánh xe thẳng về phía cửa ra vào.  Bảo dừng xe lại trước ngưỡng cửa, hai tay ôm chật tấm di ảnh của Diễm, mắt nhìn ra hướng bờ hồ, đoạn anh đưa tấm ảnh lên môi, hôn nhẹ lên mặt kiếng của tấm hình rồi hạ tấm hình xuống ngực.   Bảo ghì chật tấm ảnh vào lòng, anh nhắm mắt lại, hai giọt nước mắt lăn dài trên má.   Bảo đưa hai tay ôm lấy ngực, có lẽ cơn đau tim kéo đến dồn đập, tấm di ảnh của Diễm rơi xuống đất, mặt kiếng vỡ tan tạo nên âm thanh dòn dã.  Đầu Bảo từ từ gục xuống, rồi ngã hẳn về phía trước, hai tay anh buông thõng, bất động…

Chiều nay, ông Tâm vừa nấu xong bữa cơm chiều, từ dưới bếp chạy lên nhà trên mời Bảo vào ăn cơm chiều, nhưng quá trễ, Bảo đã gục chết từ bao giờ…

Bên nhà hàng xóm, tiếng hát của ca sĩ Vũ Khanh vang lên, nghẹn ngào như tiếng khóc.

Yêu em như thuở nào
Tình yêu còn biên đầy trang giấy
Yêu em như thuở nào
Tình yêu còn đong đầy trang sách.

Dù biết trái tim đã già
Mà những thiết tha chẳng nhòa
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng
Gọi tên nhau lúc cô đơn
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.

 Em ơi đây tiếng đàn,
Lời ca dệt ân tình năm tháng
Câu ca hay khúc nhạc
Tình yêu còn đong đầy khao khát.

Dù có cách xa mỏi mòn
Mà những dấu yêu mãi còn
Sưởi ấm xác thân héo gầy
Tình yêu như gió đem mây
Gọi mưa giăng kín khung trời.

Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới

Khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.
Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng
Ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời
Riêng ta nơi núi rừng
Về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc
Càng thêm sầu cho tình tan nát.

Dù biết cách xa với đời
Dù biết thủy chung chẳng rời
Mà vẫn xót xa tháng  ngày
Chờ ta chi nữa em ơi
Còn đâu giây phút tuyệt vời.

Khánh Lan

California, November 2020 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Văn Hóa Vụ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
  2. Trường Võ Bĩ Quốc Gia Đà Lạt Wikipedia.
  3. Hai người đậu thủ khoa khóa 27 là sinh viên sĩ quan Hoàng văn Nhuận và Lê Mạnh Khoa