Khánh Lan

Hải Âu Viễn Xứ

Cầm mảnh bằng tú tài toàn phần trong tay, Khoa đi thẳng đến Trung Tâm Tuyển Mộ Hải Quân điền đơn xin gia nhập khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân, mặc cho sự ngăn cản của bố mẹ.  Từ thuở ấu thơ Khoa đã yêu biển xanh cát trắng và khi khôn lớn anh yêu nếp sống hải hồ, phóng khoáng và mênh mông của đại dương bao la.  Chính vì vậy mà Khoa luôn ước mơ trở thành một chiến sĩ trong binh chủng Hải Quân, bộ quân phục màu trắng như có một mãnh lực thu hút tâm trí anh.  Ngày Khoa được Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) nhận đơn gia nhập khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân, mẹ anh đa khóc rất nhiều, nhưng bố anh với nét mặt nghiêm nghị khuyên anh. 

  • Con đã nghĩ kỹ rồi đấy chứ?  Đây là một quyết định quan trọng cho cuộc đời và tương lai của con. 
  • Vâng, thưa bố.  Con đã nghĩ rất kỹ.
  • Thế thì được. 

Khóa 21 có 3 đại đội đi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung gồm các đại đội 18C, 19D và 20E thuộc tiểu đoàn Trương Tấn Bửu, liên đoàn B, trại Châu Văn Tiếp, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.  Trại Châu Văn Tiếp và Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thì chẳng có gì xa lạ đối với Khoa vì gia đình anh đã sống trong trại gia binh dành cho gia đình sĩ quan hiện đang phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung hơn 8 năm.  Trại lính và nhà Khoa chỉ cách nhau một con đường nên thường ngày anh đã nhìn thấy những sinh hoạt của các chú lính.  Chẳng những thế, thỉnh thoảng Khoa vẫn thường là cậu bé đưa thư của mấy chú lính bên kia hàng rào kẽm gai cho chị Thu An.  Do đó ước mơ trở thành người lính đã in sâu trong tâm khảm của anh từ khi bố anh thuyển chuyển về vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn và nhận chức trưởng trại ở đây.  

Khoa thuộc đại đội 19D nên Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) gửi đi học tại quân trường Bộ Binh Thủ Đức.   Sau 5 tháng khổ cực nơi quân trường, trải qua những giai đoạn huấn luyện về căn bản quân sự và kiến thức cá nhân chiến đấu đã đào tạo Khoa thành trung đội trưởng bộ binh gồm tấn công, phòng thủ, độn thổ, phục kích, dạ hành, vượt sông và nhị thức Bộ Binh Thiết Giáp.  Những bài học về địa hình gồm vòng cao độ, các loại đồi yên ngựa, đồi trọc, đường thông thủy, xác định điểm đứng bằng phương giác từ, lệnh hành quân và tham mưu cấp tiểu đoàn, v.v…

Ngày ra trường đã đến, chiếc xe GMC Hải Quân thả Khoa và các đồng đội của anh xuống trại Bạch Đằng II, Khoa vẫn mang quân phục tác chiến Bộ Binh và Alfa Thủ Đức, đầu đội mũ sắt đen với huy hiệu “Cư An Tư Nguy”, Khoa theo bạn bè đi mua cặp lon.  Ngày mãn Khóa, bạn nào có vợ hoặc tình nhân thì được phép đến gắn lon cho tân khóa sinh, Khoa chưa có bạn gái nên chị Thu An đại diện gia đình lên gắn lon cho anh. 

Tháng 8 năm 1970, khóa của Khoa tập họp tại Câu Lạc Bộ Nổi để chọn đơn vị, đơn vị Khoa bị chỉ định theo nhu cầu ra Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (TTHLHQ/NT) nhưng phòng Tổng Quản Trị gọi Khoa về học khóa Communications Officer do Hải Quân Mỹ huấn luyện.  Mãn khóa truyền tin, Khoa thuyên chuyển về Duyên Đoàn 28 (ZD 28) tại Phan Thiết.  khóa là sĩ quan tuần tiễu.  Từ ngoài biển, qua ống nhòm nhìn xa, Khoa có thể dễ nhận ra các đỉnh núi, các mũi hay hòn đảo, những khu rừng trùng điệp, các loại đồi yên ngựa, đồi trọc, các khe suối cao.  Những năm tháng chiến đấu trên các sông ngòi nguy hiểm đã biến Khoa trở nên một chiến sĩ dày dạn với phong sương và không còn vẻ ngơ ngáo của một anh tân khóa sinh như những ngày đầu tạm trú ở Bạch Đằng II.  

Ở Duyên Đoàn 28 (ZD 28) một thời gian, lúc ấy Khoa mang lon trung úy, anh xin xuống Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ 4.  (Chiến hạm HQ 4 mới về từ đảo Guam, vừa oanh liệt bắn chìm chiếc tàu mang số 645 của Bắc Việt giữa vùng biển Phú Quốc và đảo Thổ Châu).  Khoa xin thuyên chuyển qua chiến hạm HQ 4 vì HQ 4 có một đội ngũ nhân viên cơ hữu rất hùng hậu và gương mẫu; các sĩ quan trưởng phiên đều thâm niên và kinh nghiệm; các hạ sĩ quan giỏi về chuyên nghiệp; nhân viên rất kỷ luật và thuần thục.  Chiến hạm HQ 4 là chiến hạm lớn, một trong hai khu trục hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, hải quy và truyền thống hải quân được áp dụng triệt để và nghiêm chỉnh trên chiến hạm HQ 4.  Trục tuần tiễu của chiến hạm tuần dương thường xa đất liền và Khoa có dịp đặt chân lên nhiều hòn đảo xa xôi của Việt Nam như Cù Lao Thu, Cù Lao Ré, quần đảo Côn Sơn, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Cuối tháng tư 1975, Khoa trở về Sài Gòn trong hoang mang lo sợ anh liên lạc với gia đình và nhắn chị Thu An mang bố mẹ ra bến tàu để cùng đi, nhưng Bố Khoa là sĩ quan trưởng trại nên ông không thể bỏ trại và binh lính của mình.  Mẹ Khoa và chị Thư An quyết định ở lại chờ cùng đi với bố Khoa.  Khoa biết mình không thể ở lại Việt Nam nên anh quyết định ra đi với đồng đội.  

Tháng Tư, 1975 khi thủ đô Sài-Gòn và đất nước Việt-Nam-Cộng-Hòa hoàn toàn toàn sụp đổ, các chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng Hòa rời bến, khởi hành từ Sài Gòn lúc 7:00 giờ tối ngày 29 tháng 4 năm 75 đến và tập trung tại Côn Sơn chiều ngày 30 tháng Tư.  Khi các thủy thủ đoàn và các chiến hạm thi hành lệnh tập trung tại Côn Sơn thì việc đi di tản hay trở lại Sài Gòn chưa thành một vấn đề nan giải.  Nhưng từ lúc Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố buông súng thì tình hình trở nên sôi động vì mọi người nhận ra rằng đây là chuyến đi sau cùng của hạm đội và sẽ không có ngày trở lại.   

Chiều ngày 30 tháng 4, ngay sau khi đến Côn Sơn, một buổi hội đã được triệu tập trên HQ 3 gồm các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp có mặt tại điểm tập trung và có quyết định:    

  1. Về mặt cá nhân:  Những cá nhân không muốn rời Việt Nam và muốn trở lại Sài Gòn sẽ được cung cấp phương tiện về lại Sài Gòn.  Một hỏa vận hạm được chọn đến từng tàu bốc người muốn trở về và được chuyển vận trở về Vũng Tàu. 
  2. Về mặt chiến hạm gồm thủy thủ đoàn sẽ không di tản, mà ở lại Việt Nam.   

Sau khi xem xét tình hình chính trị và tình trạng hạm đội, mọi người đồng ý liên lạc với Hoa Kỳ và nhà giúp đỡ.   Sáng sớm ngày 1 tháng 5, ông Armitage đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đến HQ 3, Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận hạm đội Việt Nam và đề nghị hạm đội di chuyển đến Căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại đảo Guam đem theo tất cả những ai muốn di tản cùng hạm đội khởi hành đi Subic Bay.

Từ Côn Sơn đến Guam xa gần 2 ngàn 500 hải lý sẽ gặp một số trở ngại về tình trạng kỹ thuật và chở quá đông dân chúng di tản, (ước lượng khoảng 30 ngàn người) sẽ gặp nhiều khó khăn về thực phẩm.  Do đó Bộ tham mưu đề nghị đưa hạm đội đến Subic Bay xa chỉ khoảng trên 900 hải lý.  Mặc dù ông Armitage nhấn mạnh là phải đi Guam, nhưng Phó Đô đốc quyết định đi Phi Luật Tân.

Ngày giờ khởi hành di tản là sáng ngày 1 tháng 5 chấm dứt những hoang mang của mọi người trên chiến hạm.  Trưa ngày 1 tháng 5, 1975, hạm đội khởi hành đi Subic Bay, Phi Luật Tân sau khi nhận tiếp vận đầy đủ dầu, nước và thực phẩm trước khi rời Sài Gòn.  Đây là chuyến hải hành cuối cùng của Hải Quân VNCH mang theo được hơn 30,000 người Việt di tản.  Hôm ấy, nhờ thời tiết tốt, sóng yên, biển lặng nên chuyến di tản thuận buồm xuôi gió.  Hải quân Hoa Kỳ nhận lời trợ giúp phần thực phẩm và y tế trong trường hợp thật cần thiết với dự định sẽ đến Phi Luật Tân vào chiều ngày 7 tháng 5, 1975.

Sau vài ngày hải hành, khi sắp gần đến Phi Luật Tân thì nhận được tin là chính phủ Phi Luật Tân không chấp thuận cho hạm đội VNCH vào vịnh Subic và ra lịnh người tỵ nạn Việt Nam phải rời khỏi Phi Luật Tân.  Các Hạm đội Hải Quân Việt-Nam-Cộng-Hòa cũng không được phép cập bến vì còn treo cờ vàng 3 sọc đỏ.  Bộ tham mưu Hải Quân họp và đưa ra giải pháp là hạm đội đi Guam trong đó Hoa Kỳ đưa 30 ngàn đồng bào đến Guam bằng các tàu dân sự.  Nhưng Bộ tham mưu đề nghị là Hạm đội của Hải quân VNCH nên trao trả chiến hạm cho Hải quân Hoa Kỳ vì như thế các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ được vào căn cứ Hải quân của mình tại Subic Bay với điều kiện:   

  • Tất cả đạn dược phải được ném xuống biển.  
  • Cờ VNCH phải được thay bằng cờ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ phải tổ chức làm lễ bàn giao các chiến hạm của Hải Quân VNCH lại cho Hải Quân Hoa Kỳ.  Mỗi chiến hạm sẽ tiếp nhận một toán sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ và thực hiện lễ hạ quốc kỳ VNCH và trương quốc kỳ Hoa Kỳ.   Lễ hạ cờ VNCH được cử hành cùng một lúc trên tất cả chiến hạm vào đúng 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975.  Buổi lễ hạ cờ lịch sử trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động, xóa bỏ danh hiệu và danh số Việt Nam.   Chiều ngày 7 tháng 5, hạm đội VNCH vào thả neo trong vịnh Subic Bay.  Chuyến di tản an toàn và bình yên, 30 ngàn người di tản được các viên chức Hoa Kỳ hướng dẫn sang các thương thuyền để chuyển sang đảo Guam.  

Sau 10 ngày ở đảo Guam, Khoa và một số bạn trong cùng đơn vị được chuyển đến trại tị nạn Ford Chafee, tiểu bang Kansas chờ ngày phỏng vấn để được bảo trợ đi định cư tại Hoa Kỳ.  Một tháng sau, Khoa được một nhà thờ tin lành ở tiểu bang Washington DC bảo trợ và giới thiệu đi làm cho một du thuyền của Âu Châu, Regal Princess.  Có lẽ đây là việc làm thích hợp nhất với Khoa trong lúc này vì anh không có kinh nghiệm gì khác ngoài việc “Làm lính thủy “.  Vả lại, làm việc trên du thuyền Khoa có thể để dành được một khoản tiền khá lớn cho những dự định trong tương lai.  

Công việc đầu tiên của Khoa trên du thuyền là rửa chén, dọn bàn và đổ rác.  Những đống chén, đĩa, nồi, chảo thì cao như núi và rửa cả ngày lẫn đêm vẫn không hết.  Những thùng rác khổng lồ nặng và to gấp mấy chục lần Khoa nên anh phải dùng rất nhiều sức để có thể di chuyển nó.  Những hôm trời mưa to gió lớn thì việc di chuyển những thùng rác là một cực hình vì cái thùng sắt khổng lồ này cứ trượt lên trượt xuống trên sàn tàu, đưa đẩy theo luồng gió và sóng biển đánh khá mạnh vào mạn tàu.  Có những lúc Khoa cũng phải bật cười khi một vài người khách trên du thuyền cho anh xem những đoạn video clip của họ.  Trong video clip, Khoa đang mặc poncho màu trắng, phủ kín thân thể anh từ đầu đến chân và anh thì đang cố gắng đẩy một thùng rác khổng lồ.  Tối hôm ấy, trời mưa mặng hạt, biển động nên sóng lớn và gió thổi khá mạnh khiến áo poncho của anh tung bay trong gió, còn anh và cái thùng rác thì cứ chạy lên chạy xuống trên sàn tàu trơn trượt, chập chờn như một bóng ma.  Xem xong video clip, Khoa vừa buồn cười vừa cảm thấy tủi thân.   

Trên du thuyền lúc nào cũng có việc để làm và làm luôn tay, cả ngày Khoa cứ loanh quanh với công việc của mình, từ sửa soạn đến dọn dẹp cho bốn bữa sáng, trưa, chiều, tối là hết ngày.  Có những lúc Khoa mệt đờ người và buồn ngủ khủng khiếp, nên phấn lớn khi hết giờ làm việc anh vùi đầu vào giấc ngủ và không còn thì giờ để nhớ nhà hay suy nghĩ vẩn vơ.  Đã nhiều lần, Khoa bỏ cả bữa ăn để ngủ bù, chính vì vậy mà anh đã xụt mất gần 5 ký trong hai tháng đầu, nhưng sau đó anh quen dần với công việc, giờ giấc và tự luyện tập cho thân thể của mình thay đổi để thích hợp với thời khóa biểu làm việc trên du thuyền…

Sau 24 tháng làm việc trên du thuyền Regal Princess, Khoa để dành được một số vốn, anh xin nghỉ việc và quyết định dọn về tiểu bang California.  Tại Orange County, Khoa nộp đơn xin học tại đại học California State University, Long Beach đồng thời anh liên lạc được với hai người bạn cùng đơn vị và rủ nhau mướn một căn hộ (apartment) trong chung cư  gần trường.  Khoa cùng hai người bạn chung tiền mua một chiếc xe hơi hiệu Pinto cũ để tiện việc đi lại.  Ngoài việc xin học bổng của tiểu bang (Basic Grant) Khoa còn xin làm việc trong trường (Work Study) nên cuộc sống của Khoa trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.   Sau bốn năm, Khoa ra trường với bằng kỹ sư cơ khí (Mechanical Engineer) và được nhận vào làm việc cho hãng máy bay Boeing ở thành phố Irvine, tiểu bang California.  Từ khi đi làm, Khoa miệt mài với công việc và cố dành dụm tiền để giúp gia đình còn ở lại Việt Nam nên quên cả nghĩ đến bản thân, Khoa lại vốn có tính hơi nhát gái nên anh chẳng quen ai, mặc dù anh đã gần 40.  Ngoài giờ làm việc, Khoa gặp bạn bè, đi coi hát, đọc sách và chơi tennis vào cuối tuần… 

Thủy Tiên là em họ của Toại và là bạn cùng phòng (Roommate) với Khoa từ thời cả hai còn học tại đại học California State University, Long Beach.  Thủy Tiên còn độc thân, nàng bắt đầu sự nghiệp hơi trễ vì nàng vượt biển qua Mỹ năm 1982.  Thủy Tiên kém Khoa 5 tuổi nhưng nàng nhìn rất trẻ so với số tuổi 34 của nàng.  Thủy Tiên không đẹp nhưng xinh xắn, duyên dáng, da trắng, má lún đồng tiền và thân thiện.  Thỉnh thoảng Khoa vẫn đi theo Toại và gặp Thủy Tiên trong những bữa tiệc Giáng Sinh hay cuối năm tại nhà nàng, nhưng chưa bao giờ anh dám ngỏ lời làm quen với Thủy Tiên; mặc dù anh rất mến nàng.  Một hôm Toại hỏi đùa với Khoa.

  • Này Khoa, mày định ở vậy suốt đời thật đấy à?
  • Không… nhưng có ai muốn lấy tao đâu?
  • Có, để tao làm mai cho mày… được không?
  • Được, nhưng mà là ai mới được chứ?
  • Còn ai vào đây nữa?  Con bé em họ tao, Thủy Tiên ấy. 
  • Nhưng biết Thủy Tiên có muốn lấy tao không?
  • Tao nghĩ, muốn chết đi được là cái chắc kẻo không chỉ vài năm nữa thì… 
  • Thì sao?
  • Thì ế… chổng mông lên mà gào chứ còn sao nữa.  Gớm, sao mà mày ngây thơ thế?

Chỉ có thế mà một ngày đẹp trời của mùa xuân năm sau, Thủy Tiên nhận lời cầu hôn của Khoa và đám cưới được tổ chức trên một du thuyền tại cảng Long Beach vài tháng sau đó.  Đám cưới xong, Khoa đưa vợ đi hưởng hai tuần trăng mật ở Âu Châu và để tạo một ngạc nhiên bất ngờ cho Thủy Tiên, Khoa đặt mua vé trên du thuyền Regal Princess, chiếc du thuyền mà anh đã từng làm việc khi mới qua Mỹ.   Nhưng lần này, Khoa sẽ cùng Thủy Tiên vui hưởng những giây phút êm đềm hạnh phúc và thưởng ngoạn những phong cảnh hữu tình của những thành phố cổ kính Âu Châu, nhất là ghé thăm thủ đô ánh sáng Paris, thành phố của tình yêu… 

… Hai năm sau, Thủy Tiên và Khoa hân hoan chào đón đứa con trai đầu lòng, Nam Phong sau một thời gian dài chờ đợi và lo lắng vì Thủy Tiên đã lớn tuổi.  Nam Phong sanh ra thật hoàn mỹ, khỏe mạnh và giống Khoa như hai giọt nước, nhưng lại thừa hưởng hai cái lúm đồng tiền và đôi mắt to đen của Thủy Tiên.  Sau khi sanh Nam Phong, Thủy Tiên quyết định nghỉ làm việc một vài năm để ở nhà và có nhiều thời gian chăm sóc con.   Thấm thoát đã 5 năm trôi qua, Nam Phong vào lớp mẫu giáo và Thủy Tiên cũng chuẩn bị đi làm trở lại. 

Đầu năm 1987, một số cơ quan du lịch do người Mỹ làm chủ đã tổ chức những chuyến du lịch về Việt Nam nhưng Khoa cũng chưa dám nghĩ đến những chuyến du lịch mạo hiểm này.  Vinh là một trong hai người bạn cùng phòng với Khoa trước kia quyết định về thăm gia đình vì anh ấy còn kẹt vợ và con ở Sài Gòn trước năm 1975.  Khoa nhờ Vinh chuyển một ít tiền kèm theo một lá thơ về cho bố mẹ và chị Thu An.  Từ khi biết tin về gia đình, Khoa bắt đầu làm thủ tục giấy tờ để bảo lãnh bố mẹ và chị Thu An qua Mỹ đoàn tụ cùng vợ chồng anh.  Bố của Khoa cũng đã trở về sống với gia đình sau 12 năm tù đày và chị Thu An vẫn chưa lấy chồng. 

Như thường lệ, mỗi năm, Khoa và Thủy Tiên thường xin nghỉ phép vài tuần để đưa Nam Phong đi nghỉ mát trong mấy tháng hè.  Lần này, Khoa mua vé xe lửa đi xuyên tiểu bang chơi, ngắm cảnh và tiện thể thăm vài người bạn còn đang sống ở tiểu bang Washington DC.  Nhưng Khoa đâu biết rằng đó là chuyến tàu định mệnh đã cướp đi một nửa đời anh.  Chuyến xe lửa bị trật đường rầy và lật xuống vực thẳm mang theo hơn 100 hành khách trong đó có Thủy Tiên.  Khoa bị văng ra khỏi toa xe và bị thương nặng trong lúc Nam Phong may mắn còn kẹt lại trong toa.  Khoa bị thương nhưng anh vẫn còn tỉnh đủ để có thể quan sát và nhận thức chuyện gì đang xảy ra.  Nằm bất động trên lề đường, Khoa thấy Nam Phong đang cố đẩy khung cửa sổ của toa xe như đang tìm cách để thoát ra ngoài với nét hoảng sợ và tái nhợt hiện rõ trên mặt.  Khoa muốn đứng dậy để giúp con nhưng toàn thân anh cứng dơ và tay chân anh không thể cử động được.   Khoa cố gọi tên con nhưng cổ họng anh như nghẹn lại, cố gắng lắm anh mới thều thào được hai tiếng “Nam Phong” nhưng giọng anh lại bị át đi bởi tiếng la hét chen lẫn tiếng khóc của hành khách và những nạn nhân kém may mắn như gia đình anh… Tiếng ồn càng lúc càng nhỏ dần… nhỏ dần rồi tắt lịm…

Khi Khoa tỉnh dậy, anh biết mình đang nằm trong bệnh viện, tay và ngang lưng băng bột cứng đơ.  Bắc sĩ cho Khoa biết anh bị gãy tay và xương sườn phía bên trái, còn Nam Phong đang được tạm nuôi dưỡng trong trung tâm giữ trẻ.  Thủy Tiên đã không qua khỏi, nàng trút hơi thở cuối cùng trên trực thăng và trên đường đến bệnh viện. 

Sau đám tang của Thủy Tiên, Nam Phong được ông bà ngoại đem về nuôi dưỡng trong thời gian Khoa chưa lành hẳn.   Sau sáu tháng điều trị Khoa đã hoàn toàn bình phục và đi làm trở lại, tuy nhiên Nam Phong vẫn được ông bà ngoại chăm sóc ban ngày nhưng Khoa đến đón con về nhà mỗi tối.  Mất mẹ khi Nam Phong còn quá bé nên Khoa muốn dành hết tình thương cho con, anh giữ vai trò vừa là cha vừa làm mẹ nên không còn thời gian để nghĩ đến bản thân.   Càng lớn, Nam Phong càng trở nên yếu đuối về mặt tinh thần, dễ bị hốt hoảng, hay xúc động, sợ bị bỏ rơi, luôn bám sát theo người lớn và nhất là không muốn ở một mình trong phòng hay ngồi trong xe hơi đóng kín cửa.  Nam Phong thường xuyên bị ám ảnh bởi những giấc mơ kinh dị nên Khoa quyết định đưa con đi gặp một cố vấn tâm lý chuyên môn cho trẻ em và nhờ bà giúp.  Bác sĩ cố vấn tâm lý cho biết là Nam Phong có triệu chứng Chứng Rối Loạn Do Căng Thẳng Sau Chấn Thương (Post-Tramatic Stress Disorder), một hội chứng của những nạn nhân từng chứng kiến những chuyện bi thương hay những việc chẳng an lành trong quá khứ.   Biết rõ về bịnh trạng của Nam Phong đã giúp Khoa hiểu và có thể hỗ trợ tinh thần cho con một cách hữu hiệu hơn.  Thương con, Khoa đã gạt bỏ mọi đam mê vật chất, hy sinh cả những tình cảm riêng tư của mình để chú tâm vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng Nam Phong.  Phần Nam Phong, mỗi khi biết Khoa có bạn gái thì Nam Phong lại tỏ vẻ buồn bã, giận hờn và đôi khi còn nổi nóng với Khoa, nên Khoa thầm nhủ:  Đã hy sinh thì hy sinh cho trọn, Khoa quyết định “Độc thân tại chỗ” và giữ trọn vẹn ý tưởng “Gà trống nuôi con”…

…15 năm sau, khi Nam Phong 18 tuổi và tốt nghiệp trung học thì Khoa đã ngoài 60.  Nam Phong nộp đơn và được nhận vào trường đại học Johns Hopkins, một đại học tư chuyên về lãnh vực nghiên cứu ở Baltimore, Maryland.  Có lẽ đây là lúc mà Nam Phong cảm nhận ra sự ích kỷ của mình và sự hy sinh cao cả của Khoa trong bao năm qua.  Như thường lệ, hai cha con Khoa hay đi ăn, đi nghe hòa nhạc vào tối thứ sáu, đi coi phim vào cuối tuần, v.v… Một hôm, đang ăn bữa tối với Khoa, Nam Phong buông đũa nhìn bố.   Khoa thấy lạ, anh cũng ngừng ăn và hỏi con.

  • Nam Phong, con có chuyện cần bàn với bố à?
  • Bố ạ, có lẽ đã đến lúc bố cần tìm cho mình một “Lady”.

Khoa không trả lời con, anh nhìn con mỉm cười.  Thấy Khoa ngồi im lặng, Nam Phong nói. 

  • Thật đấy, một tuần nữa là con đi Maryland rồi. 
  • Thì có sao đâu. 
  • Từ nay bố sẽ ở nhà có một mình thôi đấy, con đi học xa, ít nhất là 4 năm. 
  • Nam Phong sợ bố cô đơn à? 

Nam Phong ngồi im không trả lời Khoa.  Khoa cũng ngồi trong yên lặng, đã từ lâu anh không nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình, bỗng hôm nay khi nghe Nam Phong hỏi, Khoa giật mình.  Một nỗi buồn da diết kéo đến trong tâm tư đánh thức cái cảm giác cô đơn, lẻ bóng từ bấy lâu nay đã ngủ yên khiến anh rùng mình.  Phải, 15 năm trôi qua như một giấc mơ, Khoa vì quá bận rộn với công việc tại sở làm và lo chu toàn trách nhiệm làm cha ở nhà, anh đã không có dư thời gian để đối diện với cuộc sống cô quạnh, đơn độc, trống vắng và thiếu hình bóng của người phụ nữ trong tim. 

…Căn nhà trở nên trống vắng từ ngày Nam Phong rời nhà, bây giờ Khoa lại có quá nhiều thời gian rảnh rỗi mà không biết làm gì cho hết.  Đi ra đi vào cũng chỉ có một mình, coi TV, nghe nhạc mãi cũng chán, Khoa sách xe chạy lòng vòng quanh phố rồi ghé tiệm café Starbuck ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại cho đỡ buồn.  Ngồi không chẳng có ai quen để tán gẫu, Khoa đảo mắt nhìn quanh và dừng lại nơi cuối phòng.  Trong một góc tối, người đàn bà trẻ đang ngồi nhìn ra ngoài song cửa kính, ly café trước mặt còn đầy nguyên, mái tóc dài ngang vai, rũ xuống che gần nửa khuôn mặt.  Thỉnh thoảng Khoa thấy nàng đưa khăn lên lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt xinh đẹp thoáng nét buồn.  Tò mò, Khoa quan sát nàng kỹ hơn, mắt anh như bị thu hút bởi hình dáng của người đàn bà trẻ ấy, nàng trông hao hao giống Tố Đoan em gái của Huy, bạn học của anh thời còn là sinh viên ở trường đại học Khoa Học tại Sài Gòn. 

Do dự cả nửa tiếng Khoa đánh bạo tiến đến gần phía bàn của người đàn bà trẻ rồi dừng lại trước mặt nàng.  Người đàn bà trẻ vẫn ngồi yên, mắt vẫn không rời khoảng không gian tối đen như mực bên ngoài khung cửa kính và hình như nàng cũng chẳng hề quan tâm đến sự hiện diện của Khoa. 

  • Xin lỗi… trông cô quen quá, có phải tên cô là Tố Đoan em gái Trần Quang Huy không? 

Người đàn bà trẻ quay lại, lau vội giọt nước mắt còn đọng trên khóe mắt. 

  • Vâng, Tố Đoan đây, anh là bạn anh Huy?
  • Anh Khoa đây, Đoan nhớ không?

Tố Đoan đứng bật dậy, giọng reo vui.

  • Anh Khoa, Pham Nam Khoa? 
  • Đúng.  Anh Khoa “Cồ” đây. (Khoa có biệt hiệu Khoa “Cồ” vì anh to con)
  • Bao năm không gặp lại anh nên Đoan không nhận ra.
  • Đoan nhìn vẫn vậy, chi bớt xí xọng thì phải.

Gặp lại Tố Đoan, Khoa mừng lắm, anh tự kéo ghế ngồi xuống đối diện với nàng.  Hình ảnh cô bé có mái tóc đuôi gà, nghịch ngợm, lén lỉnh, vòi vĩnh, thích làm nũng và làm dáng hiện ra trong ký ức Khoa.  Ngày ấy, mỗi lần đến học thi với Huy, Khoa không thể nào quên được nụ cười tươi tắn nở trên khuôn mặt trái soan của cô bé.  Có những lúc trái tim Khoa như bị rung động bởi vẻ đẹp ngây thơ trong trắng của Tố Đoan, nhưng anh giữ kín tình yêu đơn phương ấy vì “Tuổi nàng chỉ mới 13“. 

Lần cuối Khoa gặp lại Tố Đoan, cách đây ít nhất hơn 10 năm, khi nàng cùng chồng đi dự buổi hòa nhạc của ca đoàn Ngàn Khơi, tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, thành phố Fountain Valley, California.  Hôm ấy Khoa đi nghe nhạc cùng với vợ chồng Huy, anh không nhận ra Tố Đoan vì nàng không còn là cô bé tuổi 13 mà trước mặt anh, một Tố Đoan vô cùng xinh đẹp, quý phái và thanh nhã.  Mái tóc dài ngang vai, khuôn mặt thanh tú, ánh mắt đa tình và nụ cười như thu hút người đối diện khiến Khoa lại một lần nữa giấu kín mối tình đơn phương…

…Thấy Tố Đoan ngồi một mình trong quán café, Khoa hỏi.

  • Phương đâu mà Đoan lại ngồi ở đây một mình thế này?

Tố Đoan không trả lời, nàng đưa mắt nhìn ra cửa sổ như để che dấu giọt nước mắt đang muốn tuôn trào trong khóe mắt thoáng nét buồn.  Một lúc sau, Tố Đoan quay lại, nụ cười như muốn khóc nở trên môi. 

  • Đoan và anh Phương ly dị một năm nay rồi anh ạ.
  • Anh xin lỗi Đoan, Huy không nói gì nên anh không biết. 
  • Anh Huy không hề biết là Đoan và anh Phương xa nhau.  Em không muốn anh Huy buồn vì anh ấy rất quý Phương. 

Cả hai im lặng một lúc thật lâu, Khoa trở nên lúng túng, vụng về, anh không biết phải làm gì, nói gì để xoa dịu vết thương trong tim Tố Đoan, một lúc sau, anh nói trong ngập ngừng.

  • Đoan ạ, em đừng buồn nữa, chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi.  Phải mạnh mẽ lên thì mới có thể vượt qua những khổ đau và vết thương trong lòng mới lành lại được. 

Tố Đoan vẫn ngồi yên, nét hồn nhiên yêu đời của ngày xưa đã biến mất để nhường chỗ cho vẻ u sầu bi thương trên khuôn mặt mệt mỏi.  Khoa ngồi yên lặng nhìn Tố Đoan, anh cảm thấy xót xa cho thân phận của những người con gái mang kiếp”Hồng nhan“.  

  • Trời đã khá khuya, Đoan có muốn anh đưa em về không?
  • Cám ơn anh, Đoan về một mình được. 
  • Đoan cho anh xin số điện thoại để tiện việc liên lạc được chứ? 
  • Vâng. 

Trao đổi số điện thoại xong.  Khoa cùng Tố Đoan đi ra xe, anh đợi cho xe Tố Đoan đi khuất sau rặng thông nơi cuối đường rồi lặng lẽ bước vào xe.  Ngồi trong xe, Khoa không nổ máy xe ngay, đầu anh cứ luẩn quẩn hình bóng của Tố Đoan…

Sau buổi tối hôm ấy, Khoa thường xuyên gặp và trở nên gần gũi với Tố Đoan hơn, nhưng chưa bao giờ nàng kể cho anh nghe về sự đổ vỡ giữa nàng và Phương.  Phần Khoa, anh cũng chẳng thắc mắc duyên cớ vì sao họ xa nhau, mà anh chỉ nhận thấy Tố Đoan rất dễ bị xúc động khi nàng nhắc đến tên Phương.  Đã một năm trôi qua nhưng Khoa vẫn e dè và chưa dám vượt qúa ranh giới của tình bạn.  Khoa cảm thấy như giữa anh và Tố Đoan có một khoảng cách vô hình ngăn cản bước tiến của hai con tim cô độc.  Điều mà Khoa biết rõ là càng lúc anh càng bị thu hút bởi vẻ u sầu, buồn bã và lạnh lùng của Tố Đoan.  Ở Tố Đoan như toát ra một vẻ quyến rũ lạ kỳ mà anh không thể nào giải thích được.  

Mỗi tuần Khoa đều đón Tố Đoan đi dạo phố, đi ăn hoặc đi ngắm cảnh, những buổi gặp nhau như thế Khoa đều kín đáo quan sát Tố Đoan, anh nhận thấy Tố Đoan như một người với hai bản tính hoàn toàn trái ngược nhau, có những lúc nàng yêu đời, duyên dáng và cười nói líu lo như con chim họa mi nhưng đôi khi nàng trở nên trầm ngâm, dè đặt và xa vắng như một kẻ xa lạ.  Rõ ràng nhất là những buổi tối cùng anh đi dạo mát trên biển, là những lúc Tố Đoan trở nên dụt dè như một con sên thu mình trong vỏ ốc và hình như nàng không màng nhận biết đến sự hiện diện của anh đang đi bên cạnh.  Có lẽ đây là giây phút mà Tố Đoan nhớ lại những kỷ niệm êm ái giữa nàng và Phương, chỉ nghĩ đến điều ấy đã làm tim Khoa thắt lại, anh lặng lẽ bước bên Tố Đoan và cảm thấy thương cho mối tình đơn phương của mình.  Đã bao lần Khoa tự hỏi lòng mình, phải chăng anh chỉ là bóng mát khi trời đổ nắng, là mái trú an toàn trong cơn bão ái tình để Tố Đoan nương tựa trong những khoảng khắc cô đơn?  Và phải chăng Khoa chỉ là cái phao ngoài đại dương cho Tố Đoan bám víu trong trận cuồng phong?  Nhưng điều này cũng không mạnh đủ và làm cho Khoa dũ áo ra đi, có lẽ anh đã thực sự yêu Tố Đoan với một tình yêu thanh cao, một tâm hồn trong sạch.  Những suy nghĩ ấy khiến Khoa mỉm cười vu vơ và tự hỏi.   Đã ngoài 60 mà sao anh vẫn còn khờ khạo đến thế nhỉ?

Phần Tố Đoan, nàng biết Khoa yêu mình tha thiết nhưng nàng không thể không nhận ra con tim mình đã chẳng cùng nhịp đập với Khoa.  Có nhiều lúc Tố Đoan cảm thấy hối hận vì hình như mình đang dùng tình cảm chân thành của Khoa để lấp đầy khoảng trống và nỗi cô đơn trong tâm hồn, nhưng Tố Đoan không hiểu tại sao nàng không thể dừng lại hoặc từ chối lời mời của Khoa.  Tại sao Đoan không thể chấp nhận được tình yêu của Khoa, chẳng lẽ nàng vẫn còn yêu Phương?  Hay chỉ vì Phương là người đầu tiên và duy nhất đi qua cuộc đời nàng?  Hay vì sự phản bội của Phương đã giết chết niềm tin nơi Đoan?  Với Khoa, Tố Đoan coi anh như một người bạn tri kỷ mà nàng có thể chia sẻ mọi cảm xúc, tâm tư mà không sợ hiểm nguy hay đau khổ, anh là tia sáng của những ngày u ám, là cơn mưa trên cánh đồng khô cạn và là niềm vui, sự vỗ về an ủi cho Tố Đoan trong cơn ác mộng “Nửa chừng xuân”…

Khánh Lan 

California, December 2020

Tài liệu:

  1. Hải Quân VNCH Di Tản Sau 30 Tháng Tư 1975, Phó đề đốc Đinh Mạnh Hùng.
  2. Phạm Viết Khiết, Đại Đội 19D, Tiểu Đoàn Trương Tấn Bửu, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (năm 1970)
  3. http://www.nytimes.com/…/thieu-is-reported-arriving-in-taip…
  4. https://dongsongcu.wordpress.com/…/khi-sa-co-moi-biet-ai-l…