Thi Phẩm “Kiếp Lưu Ðày” của thi-sĩ Hữu-Phương: Tâm Sự của Một Bại Tướng
Vĩnh Liêm
Ngày 02-07-1988 tôi đi dự lễ kỷ niệm 49 năm thành lập Phật Giáo Hòa Hảo, tổ chức tại Silver Spring, Maryland mới hay nhà thơ Hữu-Phương, tức Phó Ðề Ðốc Nguyễn Hữu Chí, đã qua đời vì chứng đau tim. Thật là một hung tin đến với tôi quá bất ngờ! Nhà thơ Hữu-Phương chết vào sáng ngày 28-06-1988, thế mà mãi đến ngày 02-07-1988 tôi mới hay tin! Ðó là một sự thiếu sót lớn của tôi đối với tin tức trong cộng đồng vì tôi đi xa mới về.
Trên đuờng trở về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về nhà thơ Hữu-Phương và lấy làm tiếc là đã không hay biết sớm để đi tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng cho trọn tình trọn nghĩa, vì dù sao chúng tôi cũng mang cùng màu áo (Hải Quân) và từng viết bài trên nguyệt san Lướt Sóng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Lúc còn ở trong nước, tôi không có dịp gặp gỡ nhà thơ Hữu-Phương bằng xương bằng thịt, mà chỉ biết nhau trên mặt báo. Mãi đến năm 1982 chúng tôi mới có dịp làm việc chung với nhau trong Ủy Ban Liên Lạc Và Phối Hợp Người Việt Quốc Gia để hình thành Ðại Hội II tức Ðại Hội Liên Hiệp Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại, triệu tập tại Hoa Thịnh Ðốn từ 11 đến 13-06-1983. Ðại Hội II là hậu thân của Ðại Hội I do cựu Dân Biểu Don Bailey triệu tập năm 1982, mà báo Văn Nghệ Tiền Phong gọi đùa là “Ðại Hội Ðồng Bái Lạy”. Ðại Hội II thành lập một tổ chức có tên là “Liên Minh Việt Nam Tự Do”.
Lúc bấy giờ tôi đại diện cho nhà văn Nhị Lang, nói riêng, và Cộng Ðồng Việt Nam Hải Ngoại, nói chung; còn nhà thơ Hữu-Phương thì đại diện cho Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH của cựu TNS Trần Ngọc Nhuận (cựu Ðại Tá Trần Ngọc Nhuận là bạn thân của nhà thơ Hữu-Phương khi hai người còn là sĩ quan cấp Úy vào thập niên 50). Chúng tôi làm việc chung với nhau ròng rã trên 6 tháng mới hình thành được Ðại Hội II. Nhà thơ Hữu-Phương được anh em bầu làm Ðiều Hợp Viên và Trưởng Ban Tổ Chức Ðại Hội; còn tôi giữ chức vụ Phó. Nhưng mọi việc tổ chức Ðại Hội thì nhà thơ Hữu-Phương đều dồn cho tôi và các anh chị em khác, còn ông thì thong dong, sáng Chủ Nhật nào cũng đi đánh tennis trước khi vào phòng họp!
Trong những tháng làm việc chung với nhau, nhà thơ Hữu-Phương là người điềm đạm nhất, tính tình cởi mở, không hề lý luận ồn ào hay bắt bẻ người khác. Dường như ông không tha thiết chi lắm về cái Ðại Hội sắp thành hình. Ông đến họp vì giữ lời hứa với bạn, tức TNS Trần Ngọc Nhuận. Theo tôi biết thì nhà thơ Hữu-Phương không có tham vọng chính trị, mà trái lại ông còn có vẻ chán nó. Có lần nhà thơ Hữu-Phương tâm sự với tôi: “Moi nản lắm toi à! Việc này cũng không đi tới đâu, toi ráng giúp moi để hoàn thành xong Ðại Hội rồi mình nghỉ cho khỏe”.
Khi Ðại Hội II thành hình, với tư cách là Trưởng Ban Tổ Chức, nhà thơ Hữu-Phương lên diễn đàn đọc bài diễn văn khai mạc rồi ông lặng lẽ rút lui ngồi im dưới hàng ghế. Suốt Ðại Hội, chẳng những ông không hề ra tranh cử một chức vụ nào mà còn từ chối tất cả các lời đề nghị của các tham dự viên. Tôi cũng biết trước nên tìm đủ mọi lý do để thối thác các lời đề nghị.
Từ sau Ðại Hội II, nhà thơ Hữu-Phương và tôi thường điện thoại cho nhau, trao đổi tâm sự và bàn luận về thơ văn chứ không hề nhắc tới chính trị.
Tháng 07-1983, nhà thơ Hữu-Phương gửi tặng tôi tập bản thảo “Kiếp Lưu Ðày” của ông (không rõ tập I hay là tập II vì tác giả không đề chi cả. Sau này tôi mới nghĩ đó là tập II vì ông có nói rằng tập kia ông đã vứt ở đâu đó mà không tìm thấy). Gửi kèm với tập thơ là một lá thư viết mấy dòng tâm sự. Ðến tháng 03-1984, nhà thơ Hữu-Phương lại gửi tặng tiếp tập bản thảo mà tôi đoán là “Kiếp Lưu Ðày” tập III vì không có tựa đề. Như vậy là tôi thiếu mất tập I. Tập gửi lần đầu, tức tập II, ông làm từ 28-09-1981 đến 06-07-1983 và tập III đánh dấu từ 09-12-1983 đến 16-03-1984.
Tôi đọc qua 2 tập bản thảo “Kiếp Lưu Ðày”, chọn đăng một bài trên báo Việt Nam Thời Báo do tôi chủ trương vì nhà thơ có nhận lời cộng tác. Sau đó, ông có gửi thêm hai bài tham luận, một bài ký tên thật Nguyễn Hữu Chí qua nhan đề “Tập thể Quân đội: Sức mạnh cần được thể hiện và củng cố”, và một bài khác ký dưới bút hiệu Hữu-Phương: “Ôn cố tri tân”.
Trong bài “Tập thể Quân đội: Sức mạnh cần được thể hiện và củng cố”, ông nhận định như sau: “Chúng tôi thiết tưởng việc hội tụ quân nhân – dù lớn hay nhỏ, cho mục đích động hay tỉnh, dấn thân chống Cộng hay thuần túy ái hữu – đã được phát sinh từ cái gọi là ‘mặc cảm thua bại trước kẻ thù’, mà lẽ ra Quân Lực VNCH đã ăn tươi nuốt sống loài qủi quái đó trên một trận chiến cuối cùng rồi”. Cả cuộc đời trai trẻ của ông đã hiến dâng cho quân đội. Nguồn thơ của ông cũng xuất phát từ những tháng năm lênh đênh trên biển cả. Bằng vào lòng yêu nước, tính tình đôn hậu và niềm cảm xúc của một thi nhân, nhà thơ Hữu-Phương tha thiết kêu gọi tập thể quân nhân hãy đoàn kết lại để đánh đuổi kẻ thù chung. Ông viết: “Chúng ta cần tích cực hơn, nếu thấy còn xa hãy gần nhau lại. Mặc ai châm biếm, mặc ai mỉa mai, chúng ta không nản chí sờn lòng. Chúng ta phải củng cố sức mạnh của chính chúng ta, một thứ sức mạnh không tùy thuộc vào gươm súng nữa nhưng tùy vào sự hợp nhất ý chí cùng hành động. Những vết đen trong quá khứ sẽ mờ phai một khi sức mạnh đó được thể hiện và phát triển đều khắp. Thánh Kinh đã có lời: ‘Ðức tin đã cứu lấy người’”.
Trong bài “Ôn cố tri tân”, nhà thơ Hữu-Phương nhận định về giới lãnh đạo Miền Nam như sau: “Chúng ta không mong nguyên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuẩn tiết nhưng chúng ta nghĩ rằng giá mà phản ứng của ông can cường hơn những lời nguyền rủa suông nhắm vào nước bạn đồng minh, có lẽ tinh thần quân dân lúc đó không suy sụp thảm thương như vậy. Nếu ông không từng tuyên bố sống chết với anh em quân sĩ thì ông có thể bất chấp nhục vinh. Nhưng ông đã từng hô hào chiến đấu để rồi không noi được tấm gương nào của người xưa thì thật đáng chê trách vậy!”
Những bài tham luận của nhà thơ Hữu-Phương như là những lời tâm sự hơn là những lời lẽ đao to búa lớn của một chính khách hay một bình luận gia. Lời lẽ ôn hòa, ông không qui trách lỗi làm mất nuớc cho một cá nhân nào, mà theo ông cả tập thể dân quân cán chính đều có phần nào lỗi lầm và trách nhiệm: “Sau mười năm trôi qua và mọi xáo trộn đã lắng đọng, chúng ta từ lớn chí bé cần tự soi lấy mình qua lăng kính thời gian để đừng trách cứ ai mà hãy tự chê trách lấy mình trước nhứt. Những kẻ đã từng ăn trên ngồi truớc càng phải tự nhận chân và tự phê phán, vì chẳng có lời phê phán nào hơn chính lương tri của mình”.
Nhà thơ Hữu-Phương lúc nào cũng tha thiết đến vấn đề đoàn kết. Ðể kết luận bài “Ôn cố tri tân”, ông viết: “Những việc cần làm và phải quyết tâm hơn cả là nối vòng tay lớn giữa nhau bất phân dị biệt. Ngồi lại với nhau như miệng người thường nói. Gần lại với nhau trong tình máu mủ anh em, bằng một thứ tình huyết thống dân tộc. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa làm được việc đó! Nếu bao lâu chưa làm được việc đó thì đừng nên hô hào gì nữa hết! Ðừng mong tạo dựng đại cuộc. Cũng đừng mơ giấc mơ hồi hương. Nếu chưa chân thật với chính mình thì con đường phục hồi đất nước chỉ là ảo tưởng mà thôi!”
Bây giờ ngồi đọc lại hai bài tham luận của nhà thơ Hữu-Phương, tôi thấy niềm mơ ước của ông thật là tha thiết và chí lý. Tiếc rằng ông đã ra đi quá sớm, chưa được toại nguyện niềm mơ ước của mình!
Tôi ngồi lần giở từng trang thơ trong hai tập bản thảo “Kiếp Lưu Ðày” của nhà thơ Hữu-Phương, đọc lại những bài thơ của ông, bắt gặp những lời tâm sự của một viên Tướng bị trói tay không cho chiến đấu và chiến thắng. Chức vị cuối cùng của ông trước khi rời khỏi VN là Tư Lệnh Hành Quân Biển. Một vị Tướng chỉ huy lực lượng đánh đấm trên biển cả mà không được ra lệnh bắn một viên đạn hải pháo nào vào đầu địch quân thì thử hỏi làm sao mà ông không đau lòng, uất hận cho được?
Ðất nước như xa tận cõi nào
Triền miên văng vẳng tiếng hờn đau
Sau lưng dĩ vãng kinh hoàng lắm
Cuối kiếp mong sao trả nợ đầu.
(Nếu phải)
Ông chưa trả được “nợ đầu” thì đã bỏ cuộc, không kịp nhìn thấy ngày vui của dân tộc, mọi người đều được bình yên:
Tương lai nào hứa hẹn thần tiên
Cho nước cho dân hết muộn phiền
Nếu phải nên cần ta thả nhịp
Mong rằng quê mẹ hưởng bình yên.
(Nếu phải)
Kiếp sống lưu đày đã làm cho con tim người dũng Tướng bồn chồn, bất an:
Thân phận ta núi buồn
Một khoảng dài lưu vong
Ai từng giương cung nỏ
Còn nghĩ gì nữa không?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ta nuôi hồn ta lại
Vun thêm chí quật cường
Sau một lần thua bại
Thành trì phải vững hơn.
Vững lòng đi! Chiến sĩ!
Khi đã quyết tâm rồi
Ngày qua thôi đừng nghĩ
Ngày mai rạng hướng trời.
(Ai từng giương cung nỏ)
Ðối với những người an nhiên tự tại thì cuộc sống vật chất ở Mỹ hẳn là nơi thần tiên, nhưng đối với một “bại Tướng”, lại là một thi sĩ, thì cuộc sống tạm bợ ở xứ người chỉ là một vùng đất đìu hiu, buồn bã:
Trơ vơ đất khách ngại ngùng
Hồn ta lơ lửng giữa vùng đìu hiu.
(Nghẹn ngào trông thấy màu xanh cây lá xứ người)
Trong một buổi du xuân xem hoa Anh Ðào nở ở Hoa Thịnh Ðốn, nhà thơ chẳng những không vui mà còn cảm thấy buồn:
Ðầu xuân thiên hạ dập dìu
Ngờ đâu vườn đã rụng nhiều cánh hoa
Lạnh đông còn đó buốt da
Niềm vui chợt thấy xót xa lạnh lùng
(Ðầu xuân đi xem hoa đào nở)
Màu lá, màu cỏ, màu hoa xứ người làm cho nhà thơ chạnh lòng nghĩ tới thân phận con người lưu vong ăn đậu ở nhờ:
Lá rừng chốc đó hiện nhanh
Một tuần thấy lại đã xanh cả vùng
Ô hay! Ấm lạnh tương phùng
Biếc lên ngàn cỏ bừng bừng sắc vui
Bâng khuâng nhìn ngắm xứ người
Nỗi lòng chung đậu nghĩa đời vong nô
(Biển lá)
Bởi thế, nhà thơ lúc nào cũng mong mỏi cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại nên kết hợp để tạo thành sức mạnh hầu giải cứu quê hương:
Vì quốc gia ta phải dẹp tư thù
Người quốc gia chỉ có một tâm tư
Thống khổ đồng hương xui ta kết hợp
Mục đích giúp chinh nhân mau thắng cuộc
Diệt bạo tàn bình trị lại giang sơn
(Bài học đoàn kết)
Và nhà thơ quan niệm rằng nước non là trên hết, là tất cả:
Nước non là tất cả
Việt Nam không chào thua
Phải huy hoàng sáng giá
Việt Nam không phai mờ
(Nước non là tất cả)
Nhà thơ Hữu-Phương tha thiết một ngày về quê hương, bóng cờ vàng ba sọc đỏ sẽ lại bay phất phới khắp trời Nam:
Nếu ta chưa về ven biên đó
Chẳng phải phai sờn ý đấu tranh
Mà bởi người ta không muốn giữ
Nguyện thề vì nước chẳng màng danh.
Nếu ta chưa về thôn xóm đó
Là quyết tâm chung chửa rõ ràng
Thiên hạ lắm điều hơn chặt dạ
Kết tình xây dựng lại giang san.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nên ta luôn nghĩ ngày mai ấy
Thôn xóm ven biên ngập sắc vàng
Sọc đỏ ngày xưa bừng đỏ lại
Huy hoàng phơi phới khắp trời Nam.
(Nếu…)
Nhưng qua năm tháng ở xứ người, tập thể người Việt vẫn chưa có được sự đoàn kết thực sự. Cuộc đổi đời đã làm cho lòng người băng hoại, trật tự đổi thay nên có lúc nhà thơ cũng ngao ngán cho tình đời:
Mảnh trời nào đó tôi mơ ước
Vẫn thấy mù tăm một biển buồn
Mảnh hồn nào đó tôi mong giữ
Chỉ là hư ảo bóng hoàng hôn.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Cái thú về khơi xin giã biệt
Gió bão ngày xưa quá rã rời
Cũng chẳng còn gì tôi tha thiết
Im lặng mà xem chuyện đổi dời.
(Ước vọng giã từ)
Xót xa cho cuộc đổi đời cũng là xót xa cho thân phận mình, thân phận của một anh hùng ngã ngựa:
Phải còn luồn lọt bao nhiêu
Bao nhiêu cho giáp hai chiều thấp cao
Cung quan ngày trước tự hào
Ngày nay nô bộc thét gào dửng dưng
Vẫn mơ gió thốc động rừng
Bứng cây dời núi một vùng dọc ngang
Nhưng rồi hổ đã rời hang
Sơn lâm hùng vĩ ngỡ ngàng đó thôi
Chín năm hòn đá lăn đồi
Trơ vơ dưới lũng, đỉnh trời bao la.
(Anh hùng ngã ngựa)
Những năm cuối cùng của cuộc đời, nhà thơ Hữu Phương có cái nhìn yếm thế về cuộc đời tị nạn và thân thế như sau:
Vẫn đo ngày tháng bằng ly biệt
Của những người thân, của bạn bè
Của nước non chừ xa cách quá
Không sao mường tượng những hàng me…
Thân thế chỉ còn mộng viễn vông
Cuối đời hiu hắt bóng hoàng hôn
Từng trang quá khứ chìm quên lãng
Chết cả tương lai, đuối cả hồn.
(Ngày tháng thu dần)
Qua bài thơ “Niềm tin cuối một đời người”, làm ngày 16-03-1984, bài thơ chấm dứt thi tập “Kiếp Lưu Ðày” tập III, tâm sự của nhà thơ Hữu-Phương gửi vào đức tin Chúa Ki-Tô (vì ông là tín đồ Thiên chúa giáo), nhưng lại nhuốm màu Lão giáo:
Bây giờ nửa kiếp già nua
Buồn vui thấp thoáng niềm trưa nỗi chiều
Kiêu sa là tính của diều
Ngửa nghiêng trước gió cũng liều cất cao
Anh hùng chí lớn quên sao
Dẫu rằng thua cuộc chiến bào vứt đi
Bây giờ ngát cõi thiên di
Hồn chim vẫn muốn quay về tổ xưa
Thế gian chen chúc lọc lừa
Lòng còn vọng động chẳng trưa chẳng chiều
Cầm như chỉ biết tin yêu
Cho ta còn mỗi giáo điều kính tôn
Trời am hiểu nỗi vui buồn
Trước sau sau trước một hồn một thân
Triều cao đổ xuống ngục trần
Lao lung mấy kiếp vẫn còn hồi sinh
Tôi chỉ nhận được có hai tập bản thảo tập thơ “Kiếp Lưu Ðày” của nhà thơ Hữu-Phương nên không đủ tài liệu để viết hết về tâm sự của ông – tâm sự của một vị Tướng yêu nước mà nửa đuờng bị trói tay. Khi còn ở trong nước, nhà thơ Hữu-Phương đã xuất bản thơ, rất tiếc tôi không còn nhớ nhan đề và cũng không thuộc một bài thơ nào của ông, mặc dù tôi đã đọc khá nhiều thơ của ông trên nguyệt san Lướt Sóng của Hải Quân VNCH và trên tờ Phổ Thông của Nguyễn Vỹ trong hai thập niên 60 và 70.
Trong thời gian lưu vong ở hải ngoại, nhà thơ Hữu-Phương làm khá nhiều thơ nhưng ông rất ít khi đăng thơ, thỉnh thoảng có đăng trên đặc san Ngày Về và gần đây trên Diễn Ðàn Thủ Ðô. Một bài thơ đăng trên Diễn Ðàn Thủ Ðô số 44, tháng 05-1988, có lẽ là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Hữu-Phương chăng?
Tâm sự của nhà thơ Hữu-Phương qua thơ ông còn rất nhiều và dài, một bài viết không thể nào diễn tả hết được. Ở đây, người viết chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ của cuộc đời ông, tâm sự của một “bại Tướng”, bị trói tay và bị đẩy đi lưu đày nơi hải ngoại. Tôi còn muốn viết nhiều hơn nữa về nhà thơ Hữu-Phương, về mộng ước, về tâm sự thầm kín, về cuộc đời tình ái của ông… Vì trang báo có hạn và thời giờ không cho phép nên tôi xin tạm ngưng ở đây, mong có dịp khác sẽ viết thêm để không phụ lòng mong đợi của nhà thơ đã gửi gấm nơi tôi khi ông còn sống.
“Khi nào VL dành thời giờ tích cực cho văn nghệ, thì xin nhớ đến tôi…” Nhà thơ Hữu-Phương viết cho tôi ngày 07-07-1983. Một lời gửi gấm mà cũng là lời trăn trối sau cùng của nhà thơ Hữu-Phương. Tôi đã không làm đúng như điều ông đã mong mỏi nơi tôi vì quá bận rộn với những vấn đề khác tích cực hơn vấn đề văn nghệ. Nay, cái chết của ông đã thôi thúc tôi, ít ra tôi phải viết đôi dòng về người quá cố cho phải đạo làm người.
Mấy năm trước đây có lần nhà thơ Hữu-Phương mời vợ chồng chúng tôi qua nhà chơi, nhưng tôi cứ hẹn mãi mà chưa có dịp đi. Có lần tôi ngỏ ý muốn gặp Tướng Ngô Quang Trưởng thì nhà thơ Hữu-Phương đề nghi: “Toi qua nhà moi dùng cơm tối, sẵn dịp đó moi mời Tướng Trưởng đến dùng cơm để toi nói chuyện với ổng…” Thế rồi tôi cũng hẹn lần hẹn lữa cho đến hôm nay vẫn chưa thực hiện được cuộc gặp gỡ đó. Tưởng cũng nên nhắc lại: Nhà thơ Hữu-Phương là bạn học cùng lớp với Tướng Ngô Quang Trưởng thời Tiểu học ở Bến Tre.
Nhà thơ Hữu-Phương thường dùng “moi”, “toi” với tôi vì ông quen miệng và coi tôi là người thân. Tôi lúc nào cũng kính trọng người lớn tuổi hơn mình, nếu thân thiết lắm thì gọi bằng “anh”. Với nhà thơ Hữu Phương, tiếng “anh” còn có hai nghĩa: đàn anh trong quân đội và đàn anh trong thi đàn.
Cái chết quá bất ngờ của nhà thơ Hữu-Phương làm tôi suy nghĩ mấy hôm liền, thương tiếc một người hết lòng với quê hương và một người có tư tưởng lớn. Mặc dù ông không hoạt động ngoài ánh sáng, nhưng lúc nào ông cũng âm thầm vận động anh em cựu quân nhân nên ngồi lại với nhau. Ông không ham danh, ham quyền. Ông không thích chức tước kêu to mà thực lực chẳng có gì. Ðây, những lời thơ của ông đã chứng minh điều đó:
Dầu mấy trời ngăn trở
Khi quyết thắng gian tà
Bây giờ không thành sự
Trăm năm chẳng muộn mà.
(Mộng lớn)
Quả thật là một mộng lớn, nhưng mộng lớn trong âm thầm, trong thâm tâm của một dũng Tướng và một con người ái quốc. Nếu có ai chê trách gì ông, xin mời đọc đoạn thơ sau đây thì sẽ hiểu ông:
Làm thơ tức nguyện cầu
Cho hồn ta hóa giải
Những nỗi sầu niềm đau
Qua đêm dài khắc khoải
(Lời đáp)
Ông cũng quan niệm về cuộc đời một cách rất đơn giản nhưng cũng rất ý nghĩa. Có lẽ ông đoán được cái chết của mình gần kề (mặc dù ông rất khỏe mạnh, mới 52 tuổi, vẫn đánh tennis hàng tuần) nên tâm sự qua bài thơ ‘Sau một khoảng dài lau lách”:
Sống chết nay mai nào ai biết được
Máy già nua lơ đểnh chốc ngừng xoay
Bạn bè năm xưa tin về bỏ cuộc
Ðến tuổi này phần số chỉ là may.
Ðã tới lúc ta không còn hoảng sợ
Hai tay xuôi không hổ thẹn hơn là
Sống lây lất một khoảng đời dang dở
Vá víu hoài lạnh vẫn thấm vào da.
Cái “lạnh” ở đây là cái lạnh của thời thế, của tình người. Ông đã hiểu được thế nào là cuộc đổi đời bi thảm, vì:
Hữu danh rồi cũng buông xuôi
Môi nào lưu giữ nụ cười hôm nay.
Hay:
Một khi mục rửa hình hài
Danh cao càng tỏ mỉa mai phận người
(Bảng vàng mười năm phục vụ công ty)
Bởi thế, nhà thơ Hữu-Phương luôn luôn mong mỏi một ngày về quê hương để ông được gặp lại bà mẹ già và người chị. Ông thúc giục mọi người “Hãy hẹn nhau về”:
Một tháng nữa ta về
Rằng tự do phải thắng truớc gian tà
Nắng tự do sẽ làm mầu mỡ lại
Ðất Miền Nam không thể chìm xuống mãi
Trong điêu tàn và sầu hận chia ly.
Dẫu trăm năm ta vẫn hẹn nhau về
Dẫu xa xăm ta cũng hẹn nhau về
Miền Nam muôn đời vẫn phải thuộc về ta…
Một lời mơ ước đơn sơ và mộc mạc thế mà ông không thực hiện được:
Ta về với mái nhà xưa
Liếp khoai, buội chuối, hàng dừa hân hoan
Giã từ cuộc sống đi hoang
Ta về với mẹ – thiên đàng của ta
Vẫn mong từ sớm đến tà
Vẫn mong cho tới khi xa cõi đời
Rồi mong vẫn tiếp với người
Ðến khi non nước xanh ngời tự do.
(Ðiều mong mỗi sáng)
Nhà thơ Hũu-Phương sinh trưởng tại Bến Tre. Ông gia nhập Hải Quân Việt Nam năm 1953. Sau 22 năm quân ngũ, cái chết của ông đã để lại biết bao nhiêu thương tiếc cho bạn đồng đội, cho những người phục vụ dưới quyền ông và cho những độc giả mến mộ thi tài của ông. Nhà thơ Hữu-Phương không chỉ là một nhà thơ của Hải Quân như nhiều người tưởng, mà ông là một thi sĩ của thi đàn Miền Nam Việt Nam trong suốt 3 thập niên 50, 60 và 70.
Hôm dự Hội Nghị Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nhóm họp tại Hoa Thịnh Ðốn, tôi đã gặp lại nhà thơ Hữu-Phương trong những giây phút ngắn ngủi. Hỏi ông bao giờ in thơ thì ông cười và cho biết: “Anh em dự định tái bản tập thơ cũ, không biết bao giờ mới xong”. Chính ông cũng không biết đứa con tinh thần của mình bao giờ mới in xong thì tôi làm sao biết được! Tôi chỉ biết hai tập bản thảo “Kiếp Lưu Ðày” hiện nằm trước mặt tôi và hình ảnh của nhà thơ Hữu-Phương như đang ngồi đối diện khi tôi viết những dòng kỷ niệm này.
Xin cầu nguyện hương hồn nhà thơ Hữu-Phương sớm về Nước Chúa để xa lánh cái “Kiếp Lưu Ðày” nghiệt ngã này.
(Ðức Phố, ngày 17-07-1988)
Vĩnh Liêm