Văn Thơ

NỖI BUỒN CỦA CỐ THI SĨ HỮU-PHƯƠNG Trong “Nước Non Ta Thăm Thẳm Nỗi Buồn”

Vĩnh Liêm

    Tôi còn giữ được bản thảo tập thơ thứ hai của Cố Thi-sĩ Hữu-Phương, đó là “Nước Non Ta Thăm Thẳm Nỗi Buồn”, mà nay tôi mới có dịp đọc lại. Tập bản thảo này gồm 43 bài thơ, trong đó có bài thơ “Nghẹn Ngào Trông Thấy Màu Xanh Cây Lá Xứ Người” đã được tác giả chuyển sang Anh ngữ “The Natural Green Revives Within Me Memories of My Homeland”. Các bài thơ trong thi tập này đã được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 1981 tới tháng 6 năm 1983. Tựa đề cho thi tập này không chính thức được tác giả chọn, mà do người viết chọn từ các tựa đề khác nhau ở ngoài bìa tập bản thảo, chẳng hạn như: Buồn Việt Nam, Buồn Á Việt, Nước Non Ta Thăm Thẳm Nỗi Buồn, Những Ngày Quạnh Hiu, Non Sông Tủi Buồn, Tháng Ngày Hắt Hiu, Kiếp Lưu Ðày, và Ðâu Là Ðất Sống. Vì “Kiếp Lưu Ðày” đã được tác giả chọn cho thi tập thứ nhất mà người viết đã giới thiệu trước đây, cho nên không được chọn làm tựa đề cho thi tập này. Còn lại bảy tựa đề kia, người viết thấy “Nước Non Ta Thăm Thẳm Nỗi Buồn” là thích hợp nhất nên được chọn vì nó nói lên được nỗi buồn mất nước của tác giả.

     Mang kiếp sống tị nạn hay “Kiếp Lưu Ðày” là một nỗi buồn triền miên, không bao giờ chấm dứt, nhất là đối với nhà thơ như nhà thơ Hữu-Phương. Ngoài mặt, nhà thơ Hữu-Phương lúc nào cũng giữ nụ cười bình thản và tươi tắn, nhưng trong lòng ông thì đau như cắt, rối như tơ. Khó có ai hiểu được nỗi lòng của thi sĩ Hữu-Phương nếu chưa có dịp đọc những bài thơ của ông. Từ những cảnh vật chung quanh ông, như màu lá của cây, màu tuyết trắng, màu mây đen ảm đạm, tiếng gió rít, cơn lạnh của mùa Ðông, những con đường khúc khuỷu, v.v…, thảy đều làm cho tâm hồn thi nhân xúc động, khiến ông nghĩ tới thân phận mình và thân phận quê hương. Chỉ một cơn lạnh đầu mùa của mùa Ðông cũng đủ làm cho thi nhân xúc động:

     Mộng ước ta xây suốt bốn mùa

     Mới về cơn lạnh đã tiêu sơ

     Lá chưa rụng xuống hồn ngơ ngác

     Dẫu thế không chùn trước xác xơ.

     (Nếu Phải)

     Nhiều đêm chạnh lòng nghĩ tới quê hương, thi sĩ Hữu-Phương chỉ mong làm sao trả được ơn đất nước như ông đã từng làm trong suốt cuộc đời binh nghiệp qua 22 năm:

     Ðất nước như xa tận cõi nào

     Triền miên văng vẳng tiếng hờn đau

     Sau lưng dĩ vãng kinh hoàng lắm

     Cuối kiếp mong sao trả nợ đầu.

     (Nếu Phải)

     Nhưng dân và nước đang triền miên đau khổ! Ông phải làm sao đây?

     Tương lai nào hứa hẹn thần tiên

     Cho nước cho dân hết muộn phiền

     Nếu phải nên cầu ta thả nhịp

     Mong rằng quê mẹ hưởng bình yên.

     (Nếu Phải)

     Khi thấy người vui mà lòng mình thì quặn thắt đớn đau. Càng nghĩ tới đồng bào ruột thịt bị lưu đày trên chính quê hương mình, tác giả đã thốt lên:

     May mắn cho ta lưu đày trốn thoát

     Quên sao đồng bào thân thuộc còn kia

     Mỗi lúc đi sâu vào vùng hiu hắt

     Ðến cả thương yêu cũng phải chia lìa.

     (Khi Thấy Người Vui…)

     Dường như thi sĩ Hữu-Phương rất sợ mùa Ðông. Hầu hết trong suốt thi tập “Nước Non Ta Thăm Thẳm Nỗi Buồn” và “Kiếp Lưu Ðày”, thi sĩ Hữu-Phương luôn luôn nhắc tới cảnh vật mùa Ðông, những cảnh tuyết phủ trắng xóa, những ngày dài ảm đạm thê lương, những cành cây trụi lá buồn hiu hắt… Vì ông vốn là kẻ trầm tư nên không sao ngăn được nỗi buồn khi nhìn thấy mùa Ðông đang tới:

     Mùa Ðông lại đến tím rừng thu

     Trời dẫu rất quen vẫn ẩm mù

     Ðất dẫu thân nhiều nhưng buốt lạnh

     Huống chi hồn kẻ vốn trầm tư.

     (Mùa Ðông Lại Ðến)

     Kiếp lưu vong làm cho lòng thi sĩ càng ngao ngán hơn khi đối diện với mùa Ðông:

          Nghĩ rằng vong kiếp chơi vơi

     Mấy mùa Ðông nữa vẫn đời lưu ly.

     (Lạnh Ðông)

     Dù chưa tới mùa Ðông đi nữa thì lòng thi sĩ cũng không thể nào vui sướng cho được, bởi vì:

     Ruột thịt thân nhân nếm cảnh cơ hàn

     Hẳn so sánh thế nào tự do và đảng thuộc

     Tiếc thương ngọc vàng xưa hạnh phúc

     Cõi tha hương vui sướng cũng ơ hờ.

     (Nhận Chân)

     Thi sĩ Hữu-Phương ôm ấp tình quê trong lòng một cách thiết tha cho nên lúc nào ông cũng đều nhắc tới quê hương:

     Sâu trong cái xó đời ta vẫn

     Ôm ấp tình quê với thiết tha.

     (Nhớ Quê)

     Rồi mùa Ðông cũng phải đi qua để nhường chỗ cho mùa Xuân tới. Nhưng Ðông tàn hay Xuân tới, nỗi buồn của thi sĩ Hữu-Phương vẫn chất ngất, bởi vì ông luôn luôn hướng về quê hương.

          Vẫn là viễn xứ khơi vơi

     Làm sao ngắm lại khoảng trời quê hương

          Ước mơ chất tới thiên đường

     May ra thấy chút vẻ buồn Á Ðông.

     (Buồn Á Ðông Giữa Trời Viễn Xứ)

     Dẫu rằng ở xứ người vẫn có đủ bốn mùa Xuân Hạ Thu Ðông, nhưng không có mùa nào làm cho thi sĩ Hữu-Phương vui hưởng lạc cảnh cả! Mùa Xuân đang tới ở xứ Mỹ, nhưng mùa Xuân của thi sĩ đã chết trong lòng khi mất quê hương:

          Thôi đừng nhắc chuyện xưa rồi

     Mùa Xuân như đã xa xôi cõi nào.

     (Ðừng Nhắc Nữa Chuyện Ngày Qua)

     Qua một đêm dài thao thức, sáng tỉnh dậy chợt thấy cuộc đời buồn tẻ nơi xứ lạ quê người:

     Bắt đầu khi tỉnh dậy

     Cuộc sống nghe đã buồn

     Ngày nào trong mong đợi

     Niềm vui bến tương phùng.

     (Chỉ Là Mênh Mông)

     Dẫu là màu xanh biếc của lá cây, ấy thế mà nó cũng gợi lên một nỗi đau buồn trong lòng thi nhân. Bởi vì cái thân tị nạn chơ vơ nơi đất khách thì làm sao mà không buồn cho được?

          Chơ vơ đất khách ngại ngùng

     Hồn ta lơ lửng giữa vùng đìu hiu.

     (Nghẹn Ngào Trông Thấy Màu Xanh Cây Lá Xứ Người)

     Rồi mùa Xuân nơi xứ người lại tới, ấy thế mà thi sĩ cũng không cảm thấy vui cho được!

          Ðầu xuân thiên hạ dập dìu

     Ngờ đâu vườn đã rụng nhiều cánh hoa

          Lạnh Ðông còn đó buốt da

     Niềm vui chợt thấy xót xa lạnh lùng.

     (Ðầu Xuân Ði Xem Hoa Ðào Nở)

     Khi lá đã xanh trên cành, cảnh vật thật là tươi mát. Nhưng đối với thi sĩ Hữu-Phương, màu xanh tươi mát ấy cũng làm cho ông chạnh lòng nghĩ tới thân phận lưu vong:

          Bâng khuâng nhìn ngắm xứ người

     Nỗi lòng chung đậu nghĩa đời vong nô.

     (Biển Lá)

     Cảnh ăn nhờ ở đậu nơi xứ người thì làm sao lòng mình vui cho được! Cái đau nhất là khi nghĩ tới một thời kiếm cung ngang dọc bị chìm vào quên lãng:

     Thân phận ta núi buồn

     Một khoảng dài lưu vong

     Ai từng giương cung nỏ

     Còn nghĩ gì nữa không?

     (Ai Từng Giương Cung Nỏ)

     Một bữa cơm ngon của gia đình cũng làm cho thi sĩ Hữu-Phương phải suy nghĩ và nhớ về quê hương nơi có thân bằng quyến thuộc đang chạy lo từng bữa mà vẫn không đủ no:

     Một bữa cơm ngon

     Làm ta suy nghĩ

     Quê nhà héo hon

     Tìm đâu mỹ vị.

     Ngày xưa đầy đồng

     Gạo thơm lúa tốt

     Bây giờ não nùng

     Nhà xiêu mái dột.

     (Hiện Tại và Ngày Qua)

     Chính vì quá tha thiết tới quê hương cho nên thi sĩ Hữu-Phương cũng dặn lòng mình không đi nghỉ hè như những người đồng hương khác. Bởi vì tìm vui cũng chẳng ích lợi gì trong khi trong lòng mình đang ngổn ngang trăm mối sầu đau:

     Sực nhớ tìm vui chẳng ích gì

     Làm sao giải được nỗi sầu bi

     Quê cha đất mẹ dài đau xót

     Vẫn lắm người mơ một chuyến đi.

     (Sực Nhớ)

     Ðôi khi suy nghĩ về cuộc đời, thi sĩ Hữu-Phương đã buộc miệng than:

     Một khoảng đời qua mấy nhục nhằn

     Ðắng cay nghìn nỗi mấy băn khoăn

     Vui nào dai dẳng buồn không gợi

     Cũng mãi nhập nhòa chuyện gió trăng.

     (Một Khoảng Ðời Qua)

     Những ước mơ của thời quá khứ giờ đây đành phải giã từ trong cơn uất nghẹn của người anh hùng ngã ngựa:

     Mảnh trời nào đó tôi mơ ước

     Vẫn thấy mù tăm một biển buồn

     Mảnh hồn nào đó tôi mong giữ

     Chỉ là hư ảo bóng hoàng hôn.

     (Ước Vọng Giã Từ)

     Nỗi buồn luôn chất ngất trong hồn, nhưng thi sĩ Hữu-Phương vẫn vững niềm tin và nuôi chí khí phục thù:

     Ta nuôi hồn ta lại

     Vun thêm chí quật cường

     Sau một lần thua bại

     Thành trì phải vững hơn.

     Vững lòng đi! Chiến sĩ!

     Khi đã quyết tâm rồi

     Ngày qua thôi đừng nghĩ

     Ngày mai rạng hướng trời.

     (Ai Từng Giương Cung Nỏ)

     Vì việc quang phục đất nước không phải một sớm một chiều mà thành tựu ngay, cho nên ông khuyên ta nên lưu tâm đến việc “trồng người” cho mai hậu:

          Trồng người vốn để cầu mong

     Ðổi thay cũng chẳng sờn lòng quốc gia

          Càng xa càng thấy nhớ nhà

     Anh em vẫn đó thiết tha mãi còn.

     (Trồng Người Cho Mai Sau)

     Ông khuyên mọi người nên đoàn kết lại, vì lẽ:

     Vì quốc gia ta phải dẹp tư thù

     Người quốc gia chỉ có một tâm tư

     Thống khổ đồng hương xui ta kết hợp

     Mục đích giúp chinh nhân mau thắng cuộc

     Diệt bạo tàn bình trị lại giang san

     Ðược sống đây tương đối đã huy hoàng

     Không thể để phôi pha bầu nhiệt huyết

     Bài học nào giá trị hơn đoàn kết

     Người Việt tha hương xin chớ hững hờ.

     (Bài Học Ðoàn Kết)

     Thi sĩ Hữu-Phương đã đặt đất nước quê hương lên trên tất cả mọi vấn đề và ông khẳng định rằng Việt Nam sẽ không bị phai mờ như mọi người suy tưởng:

     Nước non là tất cả

     Việt Nam không chào thua

     Phải huy hoàng sáng giá

     Việt Nam không phai mờ.

     (Nước Non Là Tất Cả)

     Và ông luôn mơ ước một ngày huy hoàng trên đất nước sẽ tới:

     Nếu ta chưa về ven biên đó

     Chẳng phải phai sờn ý đấu tranh

     Mà bởi người ta không muốn giữ

     Nguyện thề vì nước chẳng màng danh.

     . . . . . . . . . . . . . . .

     Nên ta luôn nghĩ ngày mai ấy

     Thôn xóm ven biên ngập sắc vàng

     Sọc đỏ ngày xưa bừng đỏ lại

     Huy hoàng phơi phới khắp trời Nam.

     (Nếu…)

     Tuy không xông xáo hoạt động như nhiều người khác, nhưng thi sĩ Hữu-Phương lúc nào cũng hướng tâm về quê hương một cách chân thành và tha thiết. Ông mơ ước “mặt trời tự do” hãy mọc trên quê hương Việt Nam thân yêu để càn quét lũ Cộng sản hung tàn:

     Ôi! Việt Nam! Việt Nam!

     Vàng son nào tôi ấp ủ

     Thân ái nào tôi lưu giữ

     Xin mặt trời đừng quên

     Hỡi mặt trời tự do!

     Hãy đổ nắng thật nhiều

     Hỏa thiêu loài quỷ đỏ

     Cho đất nước tôi

     Cộng sản sẽ không còn

     Chỉ còn một Việt Nam

     Trung hòa nhân nghĩa.

     (Xin Hãy Giữ Giùm Tôi Mặt Trời)

Luận về tình nghĩa vợ chồng, có lẽ thi sĩ Hữu-Phương là người thấm thía niềm đau nhất trong giới làm thơ:

          Ðâu là tình nghĩa sắt son

     Thói đời hai chữ một nguồn xót xa.

     (Ðâu Là Tình Nghĩa)

     Cuộc tình ví như cơn sóng vỗ bờ cát trắng hay một chiều lộng gió ở ngoài biển khơi:

     Ngày của bỗng dưng

     Chùn mây lộng gió

     Người không thẫn thờ

     Quyến luyến chi ta.

     (Cuộc Tình)

     Và cũng có lúc cuộc tình mênh mông như biển cả:

     Cạn rồi khoảng sông

     Người xưa ngẩn mặt

     Muộn rồi chờ trông

     Tình xưa hiu hắt.

     (Mênh Mông)

     Trong một bài văn xuôi, thi sĩ Hữu-Phương đã có cái nhìn về Tình Yêu, Hạnh Phúc và Ðức Tin như sau: “Ý nghĩa cuộc sống xuyên qua những mệnh đề hệ trọng như Tình Yêu, Hạnh Phúc, Ðức Tin… có thể không còn là gì nữa hết. Cái có cái không vả chăng chỉ mang một tính chất phù du và vay mượn mà thôi….” (Từ Một Va Chạm…)

     Tuy nhiên, thi sĩ Hữu-Phương có một đời sống tâm linh thật là vững chắc, cho nên ông đã xác quyết:

     Chìm theo hư ảo

     Ai đã cuồng mê

     Chỉ còn có đạo

     Sáng soi lối về.

     (Ðời Như Trũng Sâu)

     Vâng, thi sĩ Hữu-Phương đã được soi sáng lối về Nước Chúa. Dù nỗi đau mất nước vô cùng xót xa trong lòng thi nhân nhưng sự ra đi đột ngột và vĩnh viễn của thi nhân đã hóa giải nỗi đau buồn ấy cho ông để ông được thanh thản về với Chúa.

          Thế là một kiếp nổi trôi

     Triền miên uất hận một đời ngửa nghiêng

     (Một Ngày Nắng Tắt)

     Từ nay, thi sĩ Hữu-Phương không còn phải vương vấn nữa về cuộc đời tị nạn bất đắc dĩ mà ông đã gánh chịu trong quãng đời còn lại. Nỗi buồn của ông đã chấm dứt cùng với thi tập này. Mong rằng những dòng tâm tình chia xẻ này, thay cho nén tâm hương, sẽ làm cho thi sĩ Hữu-Phương mỉm cười thanh thản nơi miền Lạc Cảnh.

(Ðức Phố, ngày 25 tháng 2 năm 2001)

Vĩnh Liêm