Khánh Lan,  Sinh Hoạt,  Văn Thơ

TÁC PHẨM PHẬN ĐÀN BÀ DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA KHÁNH LAN

NV Nguyễn Quang

Mời quý vị vào xem bài diễn văn Khánh Lan đã dùng trong ngày RMS của NV Nguyễn Quang, 04/10/2022 tại Trung Tâm Văn Hóa (Thư Viện Việt Nam)

Khánh Lan xin mở đầu lời giới thiệu tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ của nhà văn Nguyễn Quang với câu nói của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Eleanor Roosevelt (1884-1962). Bà là phu nhân của cựu Tổng thống thứ 32, Franklin D. Roosevelt. Bà cũng là người ủng hộ phong trào tranh đấu cho nhân quyền gồm nữ quyền, bà nhận định về sức chịu đựng dẻo dai và bền bỉ của người phụ nữ như sau, bà nói:

Người phụ nữ giống như túi trà; bạn không bao giờ biết được sự chịu đựng và sức mạnh của nó đến mức nào, cho đến khi nó tồn tại trong nước nóng”

Nhà văn người Anh, Mary Wollstonecraft (1759-1797) cũng là người tiên phong và tranh đấu cho nữ quyền xuất phát từ Âu Châu, bà viết:

Chúa đã tạo ra người phụ nữ với bản chất mềm mại, yếu đuối, nhưng bạn không thể tưởng tượng được sức chịu đựng dẻo dai của họ, để vượt qua những khó khăn và gian khổ như thế nào”

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có rất nhiều bài ca dao phản ánh một cách chân thực về đời sống của con người, nó còn là tấm gương soi thấu tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của từng cá nhân. Mỗi một bài ca dao có một nội dung riêng khiến người đọc cảm thấy xúc động, đặc biệt là nói về vai trò của người phụ nữ sống trong xã hội xưa và nay. Những người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi, không có tiếng nói trong xã hội và không được coi trọng. Chế độ phong kiến hà khắc ngày xưa với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đã từng dồn ép người phụ nữ vào con đường không lối thoát, họ phải sống trong sự áp đặt, bị vùi dập, bị coi thường, nhưng họ lại không thể phản kháng và tự vệ cho chính cuộc đời mình, bởi họ không có quyền quyết định. Chính vì không có nhiều lựa chọn, người phụ nữ thường gửi gấm tâm tư, thân phận và sự bất hạnh vào trong những câu ca dao như:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Hoặc:

“Thân em như giếng giữa đàng

Người thanh rửa mặt người phàm rửa chân”

Nhà thơ Lương Duyên Thắng viết:

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa”

Người phụ nữ trong xã hội ngày xưa phải chịu sự bất hạnh bởi cái gọi là khuôn phép trong gia đình, quy tắc trong xã hội và cái luật tam tòng tứ đức. (Tam tòng chính là: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) (Tứ đức: côngdungngônhạnh) đã trói buộc cuộc đời người phụ nữ vào một cái gông vô hình.

Ngày nay, sự đồng cảm và sự công bằng trong xã hội, người phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc đời của mình, như: bước chân đi hay ở lại để tiếp tục hy sinh và chịu đựng. Tất cả những yếu tố ra đi hay ở lại, đã được Nhà Văn Nguyễn Quang kết hợp hài hòa với nhau, để tạo nên sự thành công cho tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ, một tác phẩm mới nhất trong bộ sách gồm 9 tác phẩm của ông.

Bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, giàu giá trị biểu cảm trong tác phẩm PHẬN ĐÀ BÀ đã cho thấy vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Họ mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp như lòng vị tha, sự hy sinh, thay chồng gánh vác vai trò trong gia đình và ngoài xã hội, nhưng xã hội ngày nay cho phép người phụ nữ được quyền quyết định cho cuộc đời mình, lựa chọn hạnh phúc cho bản thân.

Gần đây nhất, sau biến cố năm 1975, những người vợ của những quân nhân cán chính VNCH và các tù nhân lương tâm tranh dấu cho nhân quyền VN đã chịu nhiều gian khổ để đi thăm nuôi cha, chồng, con trong tù cải tạo. Khánh Lan xin ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy.

NV Nguy;ễn Quang và Khánh Lan

Tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh và chịu đựng của Phận Đàn Bà đồng thời trân trọng cuộc sống bình đẳng hiện nay.

Không phải chỉ có tác giả Nguyễn Quang thấu suốt được nỗi đau và thông cảm cho thân phận của người phụ nữ, mà điều này cũng đã được nhắc đến trong văn học như: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đồng cảm với thân phận bảy nổi ba chìm của nữ giới. Đại văn hào Nguyễn Du thì thương xót cho phận đàn bà, ông thốt lên câu: “Đau đớn thay phận đàn bà” và Tú Xương cũng thổn thức khi viết về bà Tú: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng.”

Trong tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ, nhà văn Nguyễn Quang đã khéo léo trong việc sử dụng những hình ảnh, ngôn từ, hoàn cảnh để so sánh, để ví von. Lời văn ẩn dụ những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong một gia đình tưởng như hoàn mỹ, để truyền tải sâu sắc ý tưởng của mình, để người đọc thấm thía được nỗi niềm tâm sự của người phụ nữ trong một xã hội văn minh.

Hơn thế nữa, chỉ cần nghe đến cái tựa của quyển sách đã gợi lên một sự thắc mắc và làm kích thích bộ óc tò mò của người đọc. Một mặt khác, ba chữ PHẬN ĐÀN BÀ đã khiến người đọc liên tưởng đến hai chữ “chấp nhận” một sự việc đã rồi, mà người nhận được không hề mong đợi, trong đó có đầy đủ các vị ngọt, bùi, cay, đắng, chát, chua, ẩn dấu bên trong ba chữ PHẬN ĐÀN BÀ. 

Thật vậy, thoạt nhìn qua cái bìa sách, chắc hẳn quý vị đã muốn tìm hiểu về nội dung của nó, hình như nó chứa chất bên trong hình ảnh của một chân trời u sầu, một biển tình đầy bão tố, buồn đau và một nỗi niềm tâm sự. Tuy nhiên, sự trình bày trang nhã của bìa sách với màu sắc hài hòa và hình ảnh rõ nét làm tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Lòng sách mới đáng kể, những trang giấy màu dịu mát với hình ảnh, trang trí giản dị và nội dung đích thực. Có lẽ quý vị cũng như Khánh Lan tự hỏi: Tại sao nhà văn Nguyễn Quang lại chọn cái tựa: PHẬN ĐÀN BÀ cho quyển sách? Ông đã viết gì trong tác phẩm? Phải chăng trong hơn 200 trang giấy ấy nói về số phận của những người đàn bà mà Thượng Đế đã tạo dựng ra để trao cho họ một thiên chức cao quý: Đó là những người con hiếu thảo, người vợ thủy chung, người mẹ hiền thục và là những người đàn bà suốt cuộc đời chỉ biết hy sinh cho gia đình? Phải chăng người đàn bà là người được sinh ra chỉ để đón nhận những thiệt thòi, cay đắng, gian khổ mà định mệnh đã an bài cho họ? 

Trong tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ, nhà văn Nguyễn Quang viết: “Hai chữ định mệnh thường được dùng để khỏi phải tìm hiểu những gì xảy ra như đã được an bài mà con người không sao giải thích được, cho nên phải chấp nhận, đó là định mệnh! Tất cả những gì xảy ra, có lớp lang trong cuộc đời của mỗi cá nhân của chúng ta, là những chuyện vui buồn, bất hạnh đều có thể xảy ra, không thiên vị bất cứ một ai, vì nó là định mệnh! Trong định mệnh có cả duyên số, không đơn thuần như người ta thường nghĩ“.  Cũng theo nhà Văn Việt Hải thì theo khoa tử vi “số mệnh cũng như hôn nhân” đều là định mệnh. Bởi vì khi 2 người có “duyên số“, hay “hợp số“, thì mới có thể lấy nhau được. Hợp số chính là cùng có số tương đồng nhau về cung phu thê, tương đồng về vận hạn, có cùng năm kết hôn và cùng những biến cố giống nhau trong hôn nhân.

Theo Khánh Lan, đây là một tác phẩm có giá trị văn học, một tác phẩm nghệ thuật vị nhân sinh, bởi chẳng những nó nêu cao tâm hồn cao thượng của người phụ nữ, mà nó còn cho chúng ta am hiểu thêm về phong tục tập quán của văn hóa Âu Châu và Á Châu, trong tập tục cưới hỏi xưa và nay, cũng như sự khác biệt giữa những nghi lễ cổ truyền và hiện đại, sự thay đổi của nghi thức cưới xin theo thời gian, v.v…

Đọc tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ cho chúng ta ba ý niệm khác nhau, cả ba phần đều đề cặp đến cuộc đời, danh phận cũng như sự kiên nhẫn, nhịn nhục và chịu đựng của người đàn bà. 

  1. Phần một thuộc thể loại tình cảm xã hội về một gia đình được coi là lý tưởng nhưng lại trải qua nhiều uẩn khúc như sự giằng co giữa lương tâm nghề nghiệp, bổn phận với vợ con và trách nhiệm với người tình. 
  2. Trong phần thứ hai thì lại đặt nặng về phần văn hóa xoay quanh những tranh luận về phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng quốc gia. Phần này rất có ích cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu để mở mang kiến thức. 
  3. Phần thứ ba là những câu chuyện “Hoa Cỏ Bên Đường” như nhà văn kiên nhà báo Kiều Mỹ Duyên đặt tên cho tác phẩm thứ hai của bà. Đó là những mẩu chuyện mà tác giả đã thu nhận được từ bạn hữu, từ những mẩu chuyện “đàn ông đàn bà”, những chuyện do “mắt thấy tai nghe“, được ông ghi lại trên trang giấy. 
Khánh Lan

Khánh Lan xin được kết thúc bài diễn văn của mình hôm nay với kết luận: Phải chăng tình nghĩa vợ chồng, sự thủy chung, tinh thần trách nhiệm là những yếu tố quan trọng trong tình yêu và hôn nhân, để khởi đầu cho sự phát triển bền vững của một mái ấm gia đình. Nghĩa vợ chồng gắn bó, lòng nhân ái, nhân hậu giúp con người vượt qua những mâu thuẫn, bi kịch trong cuộc sống. Hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào mối quan hệ tình cảm giữa đôi vợ chồng, sự tự do cá nhân và sự kính nể tương đồng. Đây là một tác phẩm văn học có giá trị, Khánh Lan xin trân trọng giới thiệu tác phẩm thứ chín, PHẬN ĐÀN BÀ của nhà văn Nguyễn Quang. 

Khánh Lan, California, Febuary 2021