Ngọc Cường,  Văn Thơ

NHÌN LẠI 72 NĂM

NHÀ VĂN NGỌC CƯỜNG

LTG: Bài viết dưới đây là một đoản văn hư cấu, nhân vật “tôi” có thể không nhất thiết là tác giả. Điều này không quan trọng, vì ngày nay, ranh giới giữa thật và ảo rất mơ hồ, có khi một thế giới “ảo” trong đó có đồng tiền ảo” và địa chỉ “ảo” đang lưu hành.

Tôi vừa được 72 tuổi, ở cái tuổi người xưa cho là “thất thập cổ lai hy”, nhưng ngày nay, tất nhiên không còn hiếm hoi, và đối với mấy bậc niên trưởng tám, chín mươi, họ vẫn coi những ông già ở tuổi 70 như là một đứa em còn trẻ, và tôi cũng đồng ý như vậy, vì tự coi mình, ít ra trên phương diện tinh thần, cứ ngỡ còn là một thanh niên: vẫn ham ăn, ham chơi và ham sống. Nhưng có lẽ có khác là bây giờ không còn sợ chết như khi còn ít tuổi hơn, lúc bốn năm mươi, lúc đang trong cơn “khủng hoảng của tuổi trung niên”, rất sợ chết, sợ mất đi những bình thường, nhưng tha thiết: bạn bè, công việc và vợ con. Về cái khoản sợ chết, thật ra, khi còn trẻ hơn, ở tuổi thanh niên, cũng ít ai lo lắng, vì còn đang khỏe mạnh, và lo toan đến những vấn đề “lớn”, như làm thay đổi xã hội … hay tâm hồn đang giao động, bị hành hạ vì yêu thương, nhớ nhung cô bạn học hay cô láng giềng đầu ngõ?

Vướng vào thể xác của một ông già 70, như bộ máy của một chiếc xe trên 100 ngàn miles, đương nhiên có nhiều trục trặc hay lủng củng, bát đầu có hiện tượng “ba cao và một thấp”, như thiên hạ thường nói tới: cao máu, cao mỡ, và cao đường, và thấp khớp! Một ông bạn ở trên San Jose, khi nghe tôi có 3 cao, đã bật cười “ở tuổi của cậu, nếu không có cái cao nào, mới là có vấn đề!”

            Gần đây, sau khi về hưu, tôi tập tành viết lách, và sau đó đã trở thành một nhà văn (theo định nghĩa khi một người viết có tác phẩm xuất bản). Nhưng, có một sự liên hệ, mà tôi cho là “kẹt” cho các văn sĩ, là thường được, hay bị (tùy theo quan niệm của độc giả và chính tác giả nữa) cho là đương nhiên phải là một nhà trí thức, hiểu biết rộng và thông thái!

Tôi xin bác bỏ luận điệu này, và theo thiển ý: một nhà văn, tóm gọn chỉ là một người kể một câu chuyện, cốt mua vui cho thiên hạ, không hơn không kém, y hệt những “người đẹp” làm cái nghề lâu đời nhất trái đất, vì cả hai đều cốt sao “Mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du). Văn hào Tố Như còn nói như thế, xá chi một nhà văn vô danh như tôi, có gì mà phải hãnh diện hay khoe khoang chứ? Có lẽ vì đã từ lâu đời, khi chữ nghĩa còn khó học và hạn chế, khi mà chỉ có vài giới trí thức, học rộng, mới dám viết lách cho thiên hạ đọc, và từ đó, danh hiệu nhà văn vẫn thường lầm lẫn với trí thức và trở thành giới ưu tú trong xã hội. Ngày nay, quý độc giả ghé qua tòa soạn báo Người-Việt, ngay chỗ hành lang, sẽ thấy trên tường, đầy rẫy sách bày bán, người viết có thể nhiều hơn người đọc, có gì để hãnh diện? Theo tôi, một nhà văn, quan trọng nhất là phải tôn trọng độc giả, vì nếu khi họ vừa “kể truyện” mà còn có thêm ý định cổ động hay lên án, đả phá điều gì, như vậy, bài viết không còn thuần túy là văn chương nữa, sẽ chỉ là tuyên truyền và là một vết nhơ, như những bài thơ của Tố Hữu khóc ông Xít-Ta-Lin…

Ở tuổi già, khi tương lai thu ngắn dần lại, người ta thích quay về với quá khứ xa xôi, cố bám lấy kỷ niệm cũ, như tôi đang làm ngày hôm nay:  

            Ngẫm nghĩ về quãng đời bình thường và tầm thường của mình, duy khởi đầu có một điều bất hạnh: tôi đã mất mẹ khi mới được 4 tháng. Bà cụ tôi qua đời vì bệnh lao sau khi sanh tới đứa con thứ 11. Biến cố này đã ám ảnh tôi rất lâu, nhưng hôm nay, bỗng như trong câu chuyện tái ông mất ngựa, thấy trong cái rủi đó, có thể lại đưa đến cái may khác: như nếu không là một đứa mồ côi mẹ, không chừng tôi đã không gặp và yêu một cô gái trở thành người bạn đời sau này, và đó là sự thiệt thòi vì không chung sống với cái “phần nửa tốt hơn “, my better half, của tôi.

            Khi còn trẻ, hay mơ mộng và có chút lý tưởng, tôi nghĩ mình sẽ làm được rất nhiều chuyện “lớn lao”. Chẳng hạn như hoàn thành một cuộc cách mạng, làm thay đổi cả một xã hội, rồi biến thế giới thành một đại gia đình vui tươi, sung sướng, mà trong đó không còn ai khổ đau, giống như những người mác-xít đã thường rêu rao, hay xa hơn nữa trong lịch sử tiến bộ của lòai người thì có Đức Phật giác ngộ chỉ ra cho chúng ta con đường để đạt đến.

Nhưng chắc ai cũng đồng ý với câu “địa ngục được lót bằng những ý định tốt”, và đúng như người cộng sản đã tuyên truyền (tuyên truyền thôi, chứ khi họ hành động thì sai bét rồi mà vẫn ngoan cố không hề biết điều chỉnh). Và chính lịch sử cũng đã chứng minh: những gì không thích hợp với con người, không thuận thảo với lòng dân thì sẽ không tồn tại lâu được. Tiếc thay, mỉa mai thay, chỉ sau khi đã giết hàng chục triệu nạn nhân vô tội rồi phải đợi cho chính con người trên trái đất chủ động khiến cho khối Cộng sản thế giới mới sụp đổ, bằng sự kiện đã xẩy ra ở Liên-Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980.

Thời thơ ấu, tôi được ông cụ gửi cho đi học một trường Tây gần nhà, nằm trên đường Hồng Thập Tự (lúc đó có tên là Rue Chasseloup Laubat) và ngày nay nghe nói đã đổi tên nữa: đó là một trường tiểu học mang tên vị thánh Saint Martin de Pallières dành cho con em gia đình binh lính đóng ở thành Ông-Dzèm (đọc theo tiếng Tây là 11èm Régiment, tức Trung Đoàn 11) của quân đội thuộc địa của Pháp. Ngôi trường này rất nhỏ, nằm sâu trong trại gia binh của Trung Đoàn (đối diện với thành Cộng Hòa sau này). Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa hiểu tại sao một cái tên dài như vậy mà nó lại đã ăn xâu vào trí nhớ thằng bé 5 tuổi là tôi từ hồi ấy.

Vào ngày tựu trường đầu tiên, không phải bố mà lại là ông anh đưa tôi đến trường, anh ấy sau là một luật sư, hiện đang ở trên San Jose. Sở dĩ tôi nhớ đến chi tiết này, là vì có thằng nhỏ bạn cùng lớp, nó đã tưởng anh ấy là cha tôi. Tôi vẫn còn nhớ là mỗi lần đau ốm (tôi bị suyễn kinh niên khi còn nhỏ), cần xin phép thì ba tôi là người cầm cái bút máy viết trên một tờ giấy một hàng chữ Pháp gửi cho bà Đầm dạy tội học. Dường như nhờ đó, tôi bắt đầu mang máng hiểu được sức mạnh của chữ nghĩa. Ông cụ viết những chữ mà hôm nay tôi còn nhớ bắt đầu là:  Je soussigné…” (tôi ký tên dưới đây …). Nét chữ ông viết rất đẹp, nhưng nếu chỉ nhìn thấy chữ viết ấy thì không thể biết được rằng ông là một người cha vốn lạnh lùng và nghiêm khắc. Hầu như suốt đời tôi chưa hề được ngồi nói chuyện cùng ông; hai cha con như hai đồ vật trưng bày trong nhà, luôn luôn và vĩnh viễn xa cách nhau!

Tôi học ở đấy 1 hay 2 năm, thì được chuyển qua trường Lamartine, cạnh hồ tắm thanh niên, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, xế ngang trước mặt Sở Thú. Sau cả 70 năm, không biết ngôi trường này có còn hiện diện ở Sài-Gòn nữa hay không? Hay như mọi thứ trên đời đều vô thường…Có điều lạ lùng là mấy năm học tiểu học trường Tây làm tôi khổ sở, vì không thể nào hiểu nổi văn phạm Pháp văn, nó rắc rối và khó hiểu quá, nhất là đối với một đứa trẻ bình thường như tôi.  Và có thể do đó mà tôi đâm ra thù ghét ông tây – bà đầm, cùng tất cả những gì của Pháp. Đối với riêng tôi, họ chỉ là bọn Thực Dân bóc lột…Thế nhưng, sau hằng trên nửa thế kỷ, và nhất là gần đây (khi qua Mỹ định cư) đã vào tuổi trung niên, tôi tự dưng lại yêu thích du lịch Paris, được nghe và nói bặp bẹ dăm ba câu tiếng Tây đã học từ lúc nhỏ…; nhất là thích thú khi thăm viếng mấy ngôi làng nhỏ bé miền quê nước Pháp: cảnh trí hiền hòa, êm đềm và cổ kính. Nó có một vẻ xa xưa như trong truỵên cổ tích, và lãng mạn như trong tranh của Renoir! Tại sao? Tôi cũng chẳng hiểu nổi được sự thay đổi phức tạp trong tâm lý của chính mình…

Trong những năm khổ sở ở trường Lamartine, khó khăn khi phải học bằng tiếng Tây, tối đến về nhà, tôi quay qua tự học lấy chữ quốc ngữ rồi tập đánh vần và viết được tiếng Việt. Được học tiếng mẹ đẻ, tôi như con chim sổ lồng, hớn hở cất cánh tung bay, mà không còn xa lạ như mấy verbe et vocabulaire francaise. Những cuốn Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn viết dành cho thiếu nhi là lọai sách đầu tiên tôi tập đọc. Từ đó, chữ nghĩa đã mở ra một thế giới kỳ diệu cho đứa bé …Nhưng tất nhiên vì do tự học, văn phạm và viết lách tôi có phần giới hạn…Cho đến bây giờ, tôi là một nhà văn viết sai văn phạm nhiều nhất trong văn đàn hải ngoại! Hai nhà văn (giúp hiệu đính mấy tác phẩm của tôi) là PQB và BBH là hai nhân chứng cho sự kiện này.

Cuộc đời diễn ra ít khi hữu lý và công bằng mà thường nhiều mâu thuẫn. Những kẻ côi cút, có một tuổi thơ thiếu thốn tình thương như tôi, khi khôn lớn lại yếu đuối và rất cần được săn sóc chiều chuộng. Đâu giống như bàn chân chúng ta đi đất lâu chai lại, trở nên cứng cáp để chống chỏi với đường đời gian nan. Con tim thì khác hẳn, một khi đã bị xúc phạm rồi thì nó sẽ trở nên yếu đuối cả đời. Tôi thành thật nghĩ, nếu bà cụ còn sống nuôi tôi đến khôn lớn, thì chắc tôi không thể là một nhà văn được. Chỉ có những kẻ cô đơn, mới dễ nhạy cảm và sợ tha nhân, mới phải lo lắng tìm hiểu tâm lý người khác. Dễ bị ảnh hưởng của người xung quanh, nhà văn tò mò chú ý nghe ngóng câu chuyện của thiên hạ để viết lại thành những mẩu văn chương.  Nhà văn William Somerset Maugham có ý nghĩ tương tự, khi ông nói là nếu không mất mẹ sớm thì có lẽ ông đã trở thành một vị Don, giáo sư trường Oxford (hoặc Cambridge), như người anh ruột của ông.

Tuổi trẻ của tôi không có gì đặc biệt đáng để viết ra đây, ngoài sự kiện là như mấy thằng con trai mới lớn, có nhiều kích thích tố đang lưu hành trong máu nên cũng chú ý đến các cô gái, mà thường bị thu hút bởi sắc đẹp của họ mà lại không có mối tình nào cả. Dễ xúc động thì cũng chóng quên và hời hợt với mọi thứ, chỉ muốn chạy trốn vào mơ mộng, sống với tưởng tượng vì nó đẹp hơn sự thật…

Những năm Trung Học, mỗi niên khóa thay đổi một trường, tôi đã gặp khó khăn với thầy giáo (hay bêu rếu, chế diễu học sinh) và tôi cũng không hợp với sự gò bó của nền giáo dục nhà trường. Không ai có thể chọn được cha mẹ, nhưng ít ra tôi nghĩ tôi có thể chọn được trường mình học. (Đây cũng là hậu quả của sự kiện tôi là út trong một gia đình đông con chăng!?)… Nhưng thế mà thật là kỳ diệu, tôi đã thi đậu hai cái bằng Tú Tài vào lúc 17 tuổi.

Năm 1968 có cuộc tấn công Tết Mậu Thân, đợt I rồi đến đợt II, địch quân đặt tên là Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN), nhưng họ đã không chiếm được lâu bất cứ thành phố nào. Một trong những nguyên nhân là thật sự chẳng có ai khởi nghĩa cả, họ rõ ràng thất bại về quân sự và chính trị trong nước. Nhưng nhờ vào tuyên truyền và sự ngoan cố trợ giúp của hệ thống Cộng Sản Quốc Tế, cũng như phong trào phản chiến nổi lên trong quần chúng Mỹ và chủ trương thay đổi chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ mà họ đã biến sự kiện thất bại quân sự của họ thành ra một thành công trên diễn đàn quốc tế! Chính trị vốn đã không còn vẻ lý tưởng như khi còn trẻ tôi thường nghĩ, mà hôm nay, tuổi đã trên 70, tôi biết cốt lõi của chính trị là quyền hành và thế lực, và quyền hành luôn luôn hủ hóa con người…

Ngày nay, kỹ thuật tuyên truyền của nhóm người “mang danh Cộng Sản”còn tinh vi khôn khéo hơn với trò chơi “chụp mũ” và “chia rẽ” cộng đồng, như ta đã thấy đang xảy ra trên các diễn đàn hải ngoại, nhất là ở thủ đô Bolsa…

Khi chiến sự tạm lắng dịu, tôi cùng anh bạn thân leo lên chiếc xe gắn máy Suzuki cũ kỹ, phóng lên Đà-Lạt, hy vọng từ đó xuống Phan Rang thăm bà chị. Nhưng có lẽ thực tâm chúng tôi quyết định đi cốt để chạy trốn, thăm gia đình chỉ là cái cớ, chạy trốn cái không khí ngột ngạt của Sài-Gòn, của chiến tranh, hay một xã hội đầy đau khổ, bất công và phi lý. Không ngờ đang chạy phon phon qua Định Quán, tới Phương Lâm bỗng kẹt lại vì Quốc Lộ 20 bị đắp mô, nhiều đoạn bị hư hại. Chiếc Suzuki mòn nhông nên khi chạy qua bùn lầy cao tới mắc cá chân thì sợi xích cứ tuột ra! Và, như những cuộc phiêu lưu phải có gian nan và thiếu thốn mới kỳ thú, chuyến đi đã mang đến cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.  Hơn nữa, chúng tôi chẳng có gì trên đời để mất, để sợ cả…

Sau ba ngày đường, ngủ bờ ngủ bụi, tới được Phan Rang nắng ấm, gặp bà chị và ông anh rể, cả hai đều ngạc nhiên, trố mắt không tin. Có lẽ chúng tôi là hai người đầu tiên dùng đường bộ từ Sài-Gòn đã tới Phan Rang sau trận Mậu Thân! Sau ba tuần lễ rong chơi ở Phan Rang với bờ biển Ninh Chữ hiền hòa ấm áp, bà chị đã không cho hai đứa tiếp tục dùng xe gắn máy về Sài-Gòn, nên cho tiền chúng tôi đi xe đò. Nhưng như hầu hết các thanh niên cứng đầu, hay “ngu si hưởng thái bình”, chúng tôi vẫn cứ thế mà xách xe phóng về đến Sài-Gòn.

Tuân thủ lệnh tổng động viên, tôi bị gọi đi lính và thụ huấn Quang Trung rồi Thủ Đức. Có một cựu chiến binh đã phát ngôn: một khi vào lính, dù chỉ một ngày, một tháng đi nữa, cả đời vẫn là lính, y hệt như một khi biết đi xe đạp thì sẽ không bao giờ quên, tôi nhớ mãi đồng đội và kỷ niệm ở quân trường. Trải qua chiến tranh và 7 năm quân ngũ, tôi đã từ biệt vài người bạn thân thiết và ông anh ruột. Họ đã nằm xuống để tôi có thể sống ung dung ở thành phố. Tôi không thể nào quên Cơ và Tường: Cơ là biệt kích nhảy xuống Trường Sơn mất xác. Còn Tường vì muốn tìm chút bóng mát đã đến một cây cao giữa cánh đồng lúa ở Bồng Sơn rồi vướng phải lựu đạn gài dưới gốc cây, anh chết bỏ laị mối tình câm với cô Út hàng xóm của tôi. Cũng như tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của ông anh, một người lính Thiết Giáp, độc thân nên tình nguyện lên chiếc GMC đi chuyến công tác thay thế cho một chiến hữu có vợ con, nhưng khi chạy qua mìn của Việt-Cộng, trên con đường làng thuộc tỉnh Cà-Mau, kích hỏa nổ tung khiến xác anh không toàn vẹn. Anh đẹp trai như Tây lai, có vài cô đeo, nhưng chưa có mối tình nào. Anh chết mới 26 tuổi, nếu còn sống, năm nay anh cũng đã 78 tuổi.

Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn và phi lý, nhưng chiến tranh vẫn cứ thế mà tiếp diễn trên trái đất khi con người còn tức giận và dã man…Và sự đau khổ không ngừng khi hòa bình trở lại, vì hòa bình của một kẻ đầu hàng, và khi đất nước bị bắt buộc phải ‘thống nhất’, tôi bị sống trong tù đầy và đói khổ.

Khổng Tử, người được mang danh là vị thầy của muôn đời, “vạn thế sư biểu”, đã cho rằng khi người đã 50 tuổi tất “tri thiên mệnh”, hiểu được chuyện trời đất. Có lẽ vị thầy này có rất ít học trò ngoan, trong đó không có tôi, vì chẳng hiểu nổi chuyện của chính mình, nói gì chuyện trời biển? Chuyện trời đất đã không biết, thì còn nói gì đến chuyện Thượng Đế.

Là một Phật tử không thông hiểu Đạo, nhưng tôi tin trong cái “không” có thể đưa đến “”, và trong “” vẫn có cái “không”, tương tự làn sóng trên biển cả, sóng không là biển nhưng cũng có thể coi như là biển.

Vật lý lượng tử (quantum physic) đã chứng minh là thời gian không có điểm khởi đầu hay lúc kết thúc. Như vậy thì không có chỗ cho Đấng Tạo Hóa (Stephen Hawking trong cuốn The Grand Design)? Cũng là một Phật tử, tôi nhận ra sự nguy hiểm của cái ngã, nhưng tôi không hiểu Đức Phật dậy ra sao về cái ngã, vì tôi đâu có hiểu được Đạo. Dường như, Đạo chỉ có thể cảm nhận qua tu luyện mà thôi? Ông bạn “đắc đạo” hay “giác ngộ” của tôi trên San Jose đã cố gắng giải thích, thuyết pháp cho tôi nhiều lần, nhưng không tài nào tôi hiểu nổi cái ngã là gì. Tôi cho là (theo sự hiểu biết của kẻ u tối) ngã có thể ví như là cái lòng kiêu ngạo, vị kỷ của cá nhân. Phải chăng mọi đau khổ, như chiến tranh chẳng hạn, xẩy ra do cái lòng kiêu ngạo, tự coi kẻ khác thua kém mình.  Như người Đức khinh và thù dân Do Thái, nên Đại Chiến thứ Hai đã nổ ra? Cũng như bọn người da trắng cho mình cao cả hơn da màu, họ bóc lột người Á Châu và Phi Châu, gây ra chiến tranh chiếm thuộc địa. Và gần đây, có kẻ cho Thượng Đế của họ (Allah) hơn Thượng Đế (God) của tôn giáo khác nên đã mưu toan giết người như giết kẻ thù truyền kiếp.

Tôi ít theo dõi tin tức hàng ngày, vì toàn tin về tranh chấp giữa Đảng Dân Chủ với Cộng Hòa, nhưng để ý thấy rằng trong Quốc Hội Hoa Kỳ, mấy bà dân biểu càng ngày càng đông mà quý bà làm việc hài hòa hơn mấy đấng mày râu, những kẻ chỉ thích xâu xé nhau. Phải chăng ta nên ra Luật cấm đàn ông làm chính trị, để chỉ toàn các bà thôi. Tôi nghĩ được vậy, Thế Giới sẽ thái bình và thịnh vượng hơn! Bên Anh Quốc có Nữ Hoàng, ở Đức có bà nữ Thủ Tướng thì đã sao? Làm cuộc cách mạng ngược đời!

Là một văn sĩ, tôi cũng xin viết vài dòng về công việc viết lách, lý do đưa đến nghề cầm bút, cũng như quan niệm về nghề văn của mình. Chẳng qua bắt đầu cũng từ gia đình mà ra cả: Tôi có 3 ông chú là văn sĩ nổi tiếng, rồi đến ông anh cả cũng là nhà văn dù kém danh hơn. Dưới con mắt non nớt của tôi, đời sống của mấy ông chú rất ư là lãng mạn hấp dẫn, không kém phần ly kỳ. Kể từ nhỏ, đọc được tác phẩm của các bậc tiền bối, tôi bị ảnh hưởng không ít, và … cũng tập tành viết văn. Nhưng, như đã thưa với quý độc giả ở phần trên, tôi không rành văn phạm, lại nghèo từ ngữ và thiếu tài năng!

Không thể sống như cái bóng của một người khác, và như người xưa (ông Socrate bên trời Tây) đã nói “hãy tự biết mình”! Sự thật quả là phũ phàng khi tôi tự biết mình không thể trở thành một nhà văn. Điều này đã khiến tôi đau buồn không ít, và ngay từ khi còn là một thanh niên, tôi đã quyết định từ bỏ ý định làm văn sĩ.

Một hôm, lúc16,17 tuổi, tôi bỗng nghĩ ra ở trên đời này không phải chỉ có một thứ nghệ sĩ là các nhà văn, nhà thơ có tài, họ vốn bẩm sinh đã có sẵn khả năng sáng tác, nhưng cạnh đấy, cũng còn có người sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ và sống rất bay bướm, dù không viết lách gì cả. Nhóm người này không có tác phẩm sáng tạo, nhưng chính cuộc đời của họ là một tác phẩm tuyệt vời. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến anh bạn Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù NT Út trên SJ, một chiến sĩ bay bướm, đạo Công Giáo nhưng lại thông hiểu Đạo Phật không thua mấy ông sư, anh vốn là một nghệ sĩ chưa chịu viết lách. Ước gì anh viết lại những gì anh đã kể cho tôi nghe…

Viết văn là phải có gì cống hiến độc giả, mua vui cho họ. Nếu không có năng khiếu thì ít ra tôi cũng đã có trên 70 năm kinh nghiệm sống, đã vào tù ra khám, đã đau khổ khóc đứa con nhỏ chết trên tay mẹ nó, trong khi tôi còn đang trong tù ngoài Bắc. Tôi không có tài nhưng được sự giúp đỡ (sửa bài) của hai nhà văn chuyên nghiệp (nêu trên) nên mới cho ra đời đến nay được ba đứa con tinh thần.

Đã thất thập cổ lai hy, tất nhiên cũng nên nghĩ đến chuyện hậu sự, tôi cũng đã ngỏ với vợ con rằng: mong sau khi chết, tôi được cống hiến cái xác xấu xí của mình cho trường Y-Khoa Wright State, một ngôi trường gần nhà mà tôi trước đây có học qua 4 năm, và từ khi ra trường đến giờ chưa bao giờ có dịp trở lại, mặc dầu vẫn chạy xe qua gần như mỗi ngày! Khi sống, tôi không có gì đóng góp cho xã hội, ngoài việc đóng thuế đầy đủ hàng năm, vậy khi chết, ít ra cái thân xác này có lẽ cũng giúp cho mấy sinh viên y-khoa biết thực tế cụ thể về cơ thể học. Nhưng tôi cũng thông cảm với bất cứ quyết định nào của bà xã và các con, vì đám ma cốt được tổ chức là cho họ, những người sống, chứ không phải cho cái xác ướp đã bất động nằm đó! Nên tôi dặn thêm là “như em đã từng lo cho anh khi sống bao năm qua rồi thì khi anh qua đời, thôi tùy em liệu định….”

Thường có nhiều người hay hỏi tôi: “Bài học của đời anh truyền lại cho con cháu là gì?”. Tôi xin trả lời: “Lúc sống đã không làm chủ được hành động của mình, cũng không có tự do ý chí, đời tôi là do định mệnh đưa đẩy như một hệ lụy mà không một ai thoát ra khỏi được, vậy có gì để truyền lại!

Phải chăng tôi chỉ đóng vai nhà văn Ngọc Cường như một nhân vật trong vở kịch đời mình… Nhưng không biết ai là tác giả nhỉ?

Ngọc-Cường, Ohio 2022