Tin tức

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh… nhân vật cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn vừa qua đời

Hà Đình Nguyên

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh… nhân vật cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn vừa qua đời ngày 8/1/2020 tại Na Uy, hưởng thọ 97 tuổi…

Hồi nhỏ, Hà Đình Nguyên đã từng được đọc (học) văn của bà từ những bài trích đăng tác phẩm “Hai chị em”, “Thương yêu” trong sách giáo khoa… Càng ngưỡng mộ bà hơn khi biết bà (và cô con gái 15 tuổi) đã thức trắng đêm bên thi thể nhà văn Nhất Linh tại nhà xác Nhà thương Grall trong đêm 7/7/1963…

NgThiVinh-congaiKimAnh

Nguyễn Thị Vinh và con gái Trương Kim Anh chụp ở Hà Nội 1950.

Tìm những tư liệu về bà, thấy ngày xưa bà là một phụ nữ hết sức xinh đẹp và tài năng, văn của bà ấm áp, thương yêu…

Xin trích đăng đôi dòng về thân thế của bà gắn liền với Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn.

Bà Nguyễn Thị Vinh, 1 trong ba thành viên cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn.

Năm 1933 Tự Lực Văn Đoàn chính thức thành lập gồm có: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ) về sau thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu, và còn một số nhà văn cộng tác chặt chẽ với văn đoàn này là: Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ… Bà Nguyễn Thị Vinh là 1 trong ba thành viên cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn.

Bà Nguyễn Thị Vinh sinh năm 1924 tại Hà Nội. Quê nội: làng Thịnh Đức thượng Hà Đông. Quê ngoại: làng Vân Hoàng, Hà Đông. Đã xuất bản nhiều tác phẩm tiêu biểu, gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ và tùy bút…

Trước năm 1975 bà giữ chức Chủ bút và Chủ nhiệm 2 tạp chí văn nghệ: Tân Phong và Đông Phương. Bà cũng là thành viên của Hội đồng Giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc VNCH. Sau 1975, bà sống tại Na Uy và tiếp tục hoạt động văn học trong vai trò Chủ nhiệm tạp chí văn nghệ Hương Xa. Và là thành viên trong nhóm chủ biên nhà xuất bản Anh Em.

Sau đây là phần nói chuyện của Mặc Lâm (Đài RFA) với bà:

Mặc Lâm: Thưa bà, xin bà cho biết cơ duyên nào đưa tới việc bà gia nhập Tự Lực Văn Đoàn?

Bà Nguyễn Thị Vinh: Ba thành viên lớp sau (hay đúng hơn, phải gọi là ba thành viên dự bị) của Tự lực Văn đoàn, gồm nhà văn Duy Lam (cháu gọi Nhất Linh bằng cậu ruột), nhà văn Tường Hùng và tôi đều do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lựa chọn, tại Sài Gòn vào khoảng đầu thập niên 1950.

Văn bản với bút tích của nhà văn Nhất Linh hiện do tác giả Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh lưu giữ. Trước đó, trong một bài thơ mang tên Tự Lực, Nhất Linh viết vào lúc 2 giờ sáng Mùng Một Tết năm Quý Tỵ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 1953), ông đã ghi:

Tự Lực vườn văn mới trội tên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vừa rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non rồn rập chảy
Vườn xưa, hoa mới điểm tô thêm
Người qua, sách mọt, đời thay đổi
Tự Lực, danh chung, tiếng vẫn truyền.

 

Mặc Lâm: Xin cho biết về tác phẩm đầu tay của bà cũng như tác phẩm mới đây nhất.

Bà Nguyễn Thị Vinh: Hai Chị Em, Truyện ngắn, NXB Phượng Giang, Việt Nam Sài Gòn 1953. Cỏ Bồng Lìa Gốc, Tùy bút /Tâm cảm, NXB Anh Em, Hoa Kỳ San José 2005.

Mặc Lâm: Tự Lực Văn Đoàn đã được lịch sử xác nhận là một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên và trí thức trong một khoảng thời gian dài. Xin bà cho biết chi tiết hơn về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Vinh: Tự lực Văn đoàn gây ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đối với đa số thanh niên nam, nữ thị dân theo Tây học và Chữ Quốc Ngữ, từ Bắc tới Nam, về các mặt tư tưởng, văn hóa, xã hội…

a/ Trước hết phải kể tới Tinh thần Tự lực từ cá nhân, gia đình cho tới xã hội. Không có Tinh thần Tự lực thì quốc gia không thể giành được nền độc lập toàn vẹn, đúng nghĩa.

Tự lực Văn đoàn gây ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đối với đa số thanh niên nam, nữ thị dân theo Tây học và Chữ Quốc Ngữ, từ Bắc tới Nam, về các mặt tư tưởng, văn hóa, xã hội…

b/ Giữ gìn truyền thống mỹ tục. Đả phá mọi hủ tục.
c/ Nêu cao tinh thần Khoa học Thực nghiệm. Bài trừ thói mê tín dị đoan.
d/ Chống nạn mù chữ. Phổ biến và nghệ thuật hóa việc dùng Chữ Quốc Ngữ.
e/ Hướng đến một cuộc cách mạng, tạm gọi là “Cách mạng Tư sản”, trên nền tảng Chủ nghĩa Tam Dân: “Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh Phúc.”

Cho nên từ “ngôi nhà ánh sáng”, tới chiếc “áo dài LeMur”, “thơ Mới”, “tiểu thuyết luận đề”, “đảng Hưng Việt”, đến báo chí “Phong Hóa”, “Ngày Nay” và “Văn Hóa Ngày Nay”… Tranh khôi hài “Lý Toét, Xã Xệ”… đã làm nên tính cách Tự lực Văn đoàn, một văn đoàn vì Quốc gia Dân tộc.

Mặc Lâm: Những thành viên cuối cùng hiện còn sống ngày nay gồm những ai, có ai trong số họ vẫn còn theo đuổi văn chương nghệ thuật không?

Bà Nguyễn Thị Vinh: Hai nhà văn Duy Lam và Tường Hùng vẫn sáng tác, sinh hoạt văn nghệ. Phần tôi, hoạt động văn nghệ không nhân danh Tự lực Văn đoàn. Vì tự nghĩ: Tự lực Văn đoàn đã làm xong nhiệm vụ lịch sử kể từ sau sự tuẫn tiết của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
(hết trích)

Đoạn dưới đây trích trong “Văn học miền Nam 53-75” của Nguyễn Văn Lục, phần “Nguyễn Thị Vinh”:

Trường hợp Nguyễn Thị Vinh. Bà Vinh đã từng sống bên cạnh Nhất Linh, khi ở bên Tàu — với tư cách là đồng chí, bạn văn ,người tình– hay là tất cả những thứ cộng lại?(*)

Khoảng thập niên 60, nhà văn Thế Phong – đã mượn một số chi tiết trong đời sống riêng tư của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh, viết thành “Truyện người của tình phụ“. Ban đầu in rô-nê-ô (Đại Nam Văn Hiến xuất bản cục, 1963) — sau cho đăng [dở dang] trên tập san Biệt chính/ Trung tâm huấn luyện Xây dựng nông thôn Vũng Tàu. (PAT). Năm 1964, nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến in thành sách (bìa/ảnh của Nguyễn Cao Đàm. Sau 1975, nxb Đồng Nai (miền Nam) cấp phép tái bản, in chung trong ‘Cô gái Nghĩa Lộ’. (Bt)

Riêng Nguyễn Thị Vinh, trong trường hợp nào bà quen biết, [rồi] trở thành người của nhóm TLVĐ? Tôi [Nguyễn Văn Lục] chưa liên lạc trực tiếp được với bà Nguyễn Thị Vinh để hiểu rõ vấn đề này.

Nhưng chỉ biết 2 chị em Nguyễn Thị Vinh có mở một tiệm sách ở Hà Nội. Sau này bà Nguyễn Thị Vinh lấy Trương Bảo Sơn (một đảng viên VNQDĐ, còn là một dịch giả có tiếng).

Phải chăng, vì mối liên hệ đảng phái, Nguyễn Thị Vinh có nhiều dịp gần gũi với Nhất Linh? Nhất là, khi trôi giạt sang Tàu, Trương Bảo Sơn và vợ, [họa sĩ] Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Tam-Nhất Linh sống chung một nhà.

Nhưng mãi đến 1948, bà Nguyễn Thị Vinh, (cùng con gái 3 tuổi, [Trương Thị Kim Anh [1946 – ] từ Hà Nội sang sống với chồng, Trương Bảo Sơn. Có thể từ 1948, bà Nguyễn Thị Vinh mới được quen biết Nhất Linh? Cùng trong thời gian này, Nhất Linh đã khuyến khích Nguyễn Thị Vinh viết cuốn ‘Thương yêu’ và bà Linh Bảo [Võ Thị Diệu Viên 1926 – ] viết cuốn ‘Gió bấc’.

[Và cũng] có thể, có một mối tình tay 3, tay 4 không? Tôi [Nguyễn Văn Lục] tin là có — khi nhìn lại hình ảnh Nhất Linh ôm, ẵm, cưng chiều con gái Nguyễn Thị Vinh là Trương Kim Anh. …

Sau này, đọc hồi ký Nguyễn Thị Thế (em gái Nhất Linh, mẹ Duy Lam +Thế Uyên) có đoạn kể về Trương Kim Anh,

“Khi tôi giở chăn ra để được ngó mặt anh tôi, [thì] có cái sáo rơi xuống. Tôi lấy làm lạ, hỏi cháu Thoa, [thì] nó cho biết, có cô con gái nuôi của cậu cháu (Trương Kim Anh) tối qua đem sáo vào nhà xác, thổi suốt đêm cho [cậu cháu] nghe. Thổi xong, nó tặng luôn chiếc sáo; và, nói từ nay nó sẽ không còn thổi sáo cho ai nghe nữa đâu …” (trích’ Sđd – tr. 159).

81933413_859685734496369_743265608358952960_n

Trương Kim Anh 15 tuổi, ảnh Mạnh Đan

Trong bài ‘Tưởng nhớ về Nhất Linh”, Trương Kim Anh viết,

“Sau một lúc, mẹ tôi bảo tôi lấy sáo trúc ra thổi một bản tiễn bác. Tôi gạt nước mắt, đưa ống sáo ngang miệng, chọn bản ‘Thiên Thai’ — bản mà bác thường bảo tôi thổi, mỗi lần bác đến nhà chúng tôi. Tiếng sáo u uẩn vang trong khu nhà xác, lạnh lẽo. Nhưng chỉ được nửa bản, tiếng sáo ngưng trong tiếng nấc nghẹn ngào, âm thanh như đọng lại trong không gian, tiễn đưa hương linh bác về nơi vĩnh cửu…” (trích Sđd).

TranhNhatLinhveKimAnh

Từ bức ảnh của Mạnh Đan chụp Kim Anh thổi sáo, nhà văn Nhất Linh đã vẽ bức tranh “Ngồi thổi sáo dưới gốc thông” ký tặng Kim Anh.

Trong mục ‘Lan hàm tiếu’, dành cho các thiếu nhi trên nguyệt san Văn hóa ngày nay, Nhất Linh đã không quên, cả người đọc cũng khó bỏ qua bóng dáng Nguyễn Thị Vinh, qua Trương Kim Anh. [Khi ấy] Trương Kim Anh 12 tuổi đã tập tành viết tác phẩm đầu tay ‘Ở vậy’, dưới sự hướng dẫn của ‘bác’ Nhất Linh.
Người ở lại sau cùng trong đêm cuối cùng, trước khi Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam đi vào lòng đất, là bà Nguyễn Thị Vinh và cô con gái Trương Kim Anh.

Và, trước khi tuẫn tiết… người được Nhất Linh đến gặp lần cuối cùng [vẫn] là bà Nguyễn Thị Vinh. — Trương Kim Anh kể,

“… Mãi sau này tôi mới biết chuyện quan trọng đó là, ‘bác [Nguyễn Tường] Tam nhận được trát đòi ra hầu tòa, cùng với một bạn chiến đấu của bác, trong đó có ba tôi, “ông Trương bảo Sơn…”. Tôi hơi ngạc nhiên về chú thích để trong ‘ngoặc kép’; [thì] khoảng một tiếng sau, từ trên cửa sổ nhà Thủy nhìn xuống nhà mình; tôi thấy bác Tam đang từ giã mẹ tôi …”

Đây là một ‘cử chỉ chỉ có [ở] người trong cuộc’ (chữ nghiêng: Bt), trong giờ phút giữa sống chết, bên bờ tử sinh, mới thấm thía hết được ý nghĩa cuộc gặp gỡ định mệnh này.

Cô Trương Kim Anh (con nuôi Nhất Linh) sau này lấy [thẩm phán quân sự] – nhà văn Dương Kiền. Theo các con, cháu của Nhất Linh; Duy Lam cho rằng nhiều phần Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh phải có cái gì với nhau. (chữ nghiêng: Bt). Nhưng nó cụ thể như thế nào thì không ai dám chắc? Nhưng, trong cách thức của bà Nguyễn Thị Vinh, khi nói về Nhất Linh; thì bà thường làm ra cái vẻ là người tình của Nhất Linh (chữ nghiêng: Bt) — hay là [bà Vinh] đóng kịch như thể,

[để] gây cho mọi người có cảm tưởng là giữa bà và Nhất Linh hẳn phải có một mối dây liên lạc mật thiết.

Nhưng hay nhất, vẫn là để Nguyễn Thị Vinh tỏ bày,

Đời tôi từ bấy lâu nay, thời gian đi già nửa thế kỷ, đã từng ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi; mà, sao tôi vẫn không thể quên được túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ôi, mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi hoa sen nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi mỗi khi ra suối tắm.”
(trích Sđd- tr. 85- 86).

Khó quên là phải, làm sao quên được! Cá tính bà Nguyễn Thị Vinh, theo nhiều nhận xét của vài người quen biết bà trước đây; hoặc là, người trong gia đình Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam cho biết, [thì bà Nguyễn thị Vinh] là một người đàn bà đa tình và vô cùng lãng mạn (chữ nghiêng: Bt) — gần như không có một biên giới nào.

Chuyện Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh chia tay, thì cũng là chuyện đành phải như vậy. Sau khi Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam tự tử vào ngày 7-7- 1963 — bà Nguyễn thị Vinh vẫn thường [một mình] đi xe lam lên thăm mộ Nhất Linh ở Nghĩa trang Bắc việt ở Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp). — gần mộ nhà văn nổi tiếng miền Nam Hồ Biểu Chánh. Bà Nguyễn Thị Vinh thăm viếng mộ Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam, là đốt 4 điếu thuốc lá Bastos xanh, cắm vào 4 góc mộ, rồi mở 2 chai la-de 33, tưới lên phần mộ để tưởng nhớ Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam. …

[Rồi, họa sĩ trẻ tuổi Động Đình Hồ, tên thật là] Nguyễn hữu Nhật [1942- 201x) đã gặp bà Nguyễn Thị Vinh tại nhà nữ sĩ Tuệ Mai [Trần Thị Gia Minh, con cụ Á Nam-Trần Tuấn Khải].

Nguyen_Thi_Vinh-content

[Có] một hôm, Nguyễn Hữu Nhật hẹn với bà Nguyễn Thị Vinh đi thăm mộ Nhất Linh (dù Nhật đã hứa hôn với một nữ sinh viên trường Luật, tên Bình [cháu họ thi sĩ Vũ hoàng Chương]). Vài tuần sau, 2 người đã kết thành đôi lứa, ông Nguyễn Hữu Nhật chính thức làm chồng bà Nguyễn Thị Vinh [1924- ].

Mối nhân duyên này đúng là duyên kỳ ngộ — và như có sự chứng giám của một người đã chết [Nguyễn Tường Tam-Nhất Linh].

Sự hiện diện của [nữ văn sĩ] Nguyễn Thị Vinh trong TLVĐ, hay là trong đời sống Nhất Linh-[Nguyễn tường Tam] chỉ là một. (chữ nghiêng).
(hết trích)

Đọc đoạn (trích) cuối, tôi (Hà Đình Nguyên) không hiểu có chuyện bà Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1924) lại lấy anh họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật (sinh 1942) làm chồng như ông Nguyễn Văn Lục đã viết không?

Theo Internet