Tin tức,  Văn Thơ

Chuyện về nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Nguyễn Bính

Chuyện về nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Nguyễn Bính

VHSG– Những năm sáu mươi của thế kỷ 20, do làm cùng một ban của cơ quan báo chí nọ nên tôi có quen anh, sau đó chúng tôi thành thân nhau, và khi biết anh hơn tôi mấy tuổi, tôi nói với anh xin kết nghĩa anh em. Anh bằng lòng ngay. Rồi một hôm, nhân tôi tìm được một cuốn truyện ngắn in đã lâu, tác giả là nhà văn Sơn Nam, tôi đọc một mạch, sau một ngày hết veo hơn ba trăm trang.

Nhà văn Sơn Nam

Cũng bởi biết tôi đọc cuốn sách của tác giả Sơn Nam, anh nói nhỏ: “Để lúc nào mình kể về nhà văn Sơn Nam cho mà nghe. Tác giả ấy mình cũng rất yêu; và nữa, mình với anh ấy cũng là chỗ bạn thân như mình với cậu vậy”. Giờ, tôi xin nói vài nhời nữa về người anh mà tôi kết nghĩa: Tên anh là Huỳnh Minh Nhựt, cháu ruột của cụ Huỳnh Tấn Phát (Thủ tướng Chính phủ lâm thời của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam).

Anh Nhựt là dân miền Nam, tập kết ra Bắc. Những năm kháng Pháp, anh Nhựt công tác ở R. trong cơ quan thuộc Bộ tư lệnh miền của đồng chí Lê Duẩn. Anh Nhựt được phân công làm về báo chí. Dưới đây tôi xin được chép lại lời anh Huỳnh Minh Nhựt kể về nhà văn Sơn Nam:

“Có thể nói thế này về một đặc điểm của anh Ba Duẩn, anh rất mê đọc sách, nhất là các sách về triết học và văn học. Và nhà văn miền Nam mà anh Ba Duẩn rất quí trọng và thân tình là nhà văn Sơn Nam. Tất cả các truyện ngắn, các thể loại văn xuôi do nhà văn Sơn Nam viết thì đều chép ra một bản để dành đưa cho anh Ba Duẩn đọc.

Đấy là chưa kể đến chuyện cứ mỗi lần Sơn Nam vào thăm anh Ba Duẩn, theo nguyện vọng của anh Ba, nhà văn Sơn Nam đều đọc để anh Ba nghe. Nhà văn Sơn Nam có bản tính là bất cứ truyện ngắn hay thể loại văn xuôi nào, do mình viết ra, anh ấy đều thuộc lòng, nên cứ vậy nhà văn đọc ra để anh Ba thưởng thức.

Thế rồi, những ngày kháng chiến chống Pháp, nhà văn Sơn Nam từ R. là rừng miền Tây Nam Bộ, viết ra bao nhiêu thể loại văn xuôi và truyện ngắn, thì ông ấy đều tìm cách gửi về Sài Gòn cho một nhà xuất bản in. In xong, họ gửi ra chiến khu cho tác giả độ vài chục cuốn sách, còn đâu thì họ bán ở Sài Gòn, và bán cứ hết vèo vèo. Sách của anh ấy rất được độc giả Sài Gòn ưa chuộng.

Nhận được sách biếu, việc đầu tiên là anh ấy đến tôi, rồi vào gặp anh Ba Duẩn để tặng sách. Vậy là đêm ấy, mình chuẩn bị một chiếc măng xông ngon lành, để thắp cho anh Ba Duẩn đọc tập sách mới in của nhà văn Sơn Nam. Mỗi khi anh Ba thức đêm đọc, thì mình làm một việc là đúng 23 giờ đêm vào nhắc anh Ba giờ giấc, và báo cáo anh Ba lịch họp và làm việc  ngày mai. Nhưng rất lạ nhé.

Nhà thơ Nguyễn Bính – ký họa của họa sĩ Tạ Tỵ

Lần nào cũng vậy, anh Ba đồng ý với sự nhắc nhở của mình, nhưng vẫn đọc, có đêm tới sáng luôn. Vậy mà, sáng hôm sau anh vẫn rất tỉnh táo vào điều khiển một cuộc họp, hay làm việc với các ban, ngành. Khi anh Ba đọc xong tập văn xuôi của Sơn Nam thì thể nào hai người sau đó cũng có một cuộc trò chuyện, mà tiếng cười hoan hỉ của họ vui râm ran.

Đến ngày cơ quan Bộ tư lệnh chuẩn bị tập kết ra Bắc, anh Ba Duẩn bảo mình đi gọi nhà văn Sơn Nam đến, và chuẩn bị mọi thủ tục để mời Sơn Nam cùng tập kết ra miền Bắc. Anh Ba nói: “Ra ngoài đó Trung ương nuôi cho nhà văn Sơn Nam sáng tác về Nam Bộ, về miền Tây Nam Bộ, để đồng bào miền Bắc có sách đọc, giàu có thêm vốn hiểu biết về miền Nam”.

Mình đi mời nhà văn Sơn Nam vào gặp anh Ba. Ấy vậy mà rồi anh Ba Duẩn nói thế nào, nhà văn Sơn Nam cũng nhất quyết không đi. Nhà văn nói tha thiết: “Anh Ba ơi, em là con cá mà miền Tây này là nước, là nước anh Ba ơi. Không lẽ anh vớt cá lên khỏi nước sao. Em ở lại mà, dẫu ở lại thì em vẫn là người của cách mạng, của anh Ba chứ”. Anh Ba Duẩn nghe thế, đành phải đồng ý và ngậm ngùi nói: “Em mà ở lại thì ta nhớ em đến chết mất”. Nhà văn Sơn Nam cũng nói: “Thế anh tưởng, em không nhớ anh sao. Anh Ba và các anh đi rồi, em chỉ ở lại đây, và em viết tiếp, rồi khi có người ra ngoài đó, em gửi truyện rồi văn xuôi của em ra biếu anh”.

Còn dưới đây là câu chuyện nữa của một anh từ chỗ nhà văn Sơn Nam toạ lạc, khi thời Diệm Thiệu, anh ấy ra miền Bắc có việc báo cáo với Trung ương, anh ấy đã kể lại như sau: Nhà văn Sơn Nam mở một ngôi trường nhỏ, rất nhỏ, chỉ có một gian rộng chừng hai chục mét vuông thôi, và dạy đâu chừng hơn một chục trẻ nhỏ. Ngoài cửa ra vào, gần sát mái lá có biển treo đề mấy chữ: “Học đường Sót Nót”. Bọn dân vệ và lính nguỵ đi càn qua chỉ nhòm thấy có trẻ con ngồi học, và lắng nghe thầy Sơn Nam giảng bài, hoặc nắn nót viết chữ trên bảng đen, để các em ở dưới cắm cúi viết vào vở học. Cán bộ ta nằm vùng ở đó, có người ngước nhìn hàng chữ: “Học đường Sót Nót” thì hỏi: “Nó là cái gì bay ơi. Là tên một loài cây ở Bời Lời rừng Cà Mâu à?” thì nhà văn Sơn Nam cười cười nói nhỏ: “Đúng, tên của loài cây như anh nói đó, và cũng là Học đường Sơn Nam…”.

Người kia gật gù có vẻ khoái trí, nhưng vẫn thắc mắc nói: “Sao không viết thẳng ra, mà còn vòng vo Sót Nót# (#Sót Nót: gốc chữ của tiếng Anh South và North nghĩa Nam Bắc. Đây là nhà văn Sơn Nam viết theo đúng với giọng nói nông thôn của người miền Tây Nam Bộ)”. Nhà văn Sơn Nam mới ghé sát tai người kia tiếp, nhỏ giọng: “Nó nghĩa là Nam Bắc là một. Hiểu rồi chứ?”. Người kia khoái trí quá vỗ tay ran và tiếp: “Biết ngay mà, ông vốn là người thâm thúy và luôn thích đùa. Nhớ anh Ba Duẩn nhiều hở?”. “Nhớ lắm!”, Sơn Nam nói.

Anh Huỳnh Minh Nhựt kể tiếp: “Có một nhà thơ nữa mà anh Ba Duẩn vô cùng yêu thích thơ của anh ấy, đó là nhà thơ Nguyễn Bính. Chính anh Ba Duẩn bảo mình nhiều lần là phải thuyết phục bằng được nhà thơ Nguyễn Bính nhận lời đi tập kết. Hồi ở R. anh Ba Duẩn cứ hôm nào thưa việc, lại bảo mình đưa Nguyễn Bính vào chơi với anh Ba, đọc thơ cho anh ấy nghe.

Anh Ba Duẩn có nói: “Đọc thơ của Nguyễn Bính càng thêm yêu cái làng quê của đồng bằng sông Hồng”. Khi anh Ba Duẩn biết nhà thơ Nguyễn Bính phổ thơ toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo của ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ thì tấm tắc khen mãi. Anh Ba Duẩn bảo với mình rằng cách nay, năm ngoái anh đã đọc toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo, và thấy kỳ lạ là sao lại có thể giống giọng thơ của miền Bắc đến thế, thì hoá ra là như vậy.

Cái hôm nhà thơ Nguyễn Bính vào trò chuyện với anh Ba Duẩn, anh Ba hỏi nhà thơ Nguyễn Bính về chuyện đã phổ thơ vào Bộ kinh của đạo Hoà Hảo, nghe xong nhà thơ nhận ngay, và hỏi anh Ba: “Anh Ba có muốn nghe lại toàn bộ kinh của đạo Hoà Hảo mà em phổ thành thơ không?” Anh Ba Duẩn đáp ngay: “Có có! Bính đọc đi”. Nhà thơ Nguyễn Bính tiếp: “Bộ kinh đạo Hoà Hảo em phổ thành thơ,  ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ rất mê. Bộ kinh có 3.202 câu thôi mà, em đọc nhé”.

Vậy là nhà thơ Nguyễn Bính cứ thế tuôn ra như suối chảy. Đến lúc nhà thơ Nguyễn Bính tạm ngừng nghỉ, để nhấp chén trà cho trong giọng, thì anh Ba Duẩn thong thả: “Em phổ thơ rất hay và có ý nghĩa lắm. Chúng ta, những người làm cách mạng vì dân tộc, vì đất nước, thì càng phải am hiểu một cách sâu sắc những câu kinh của đạo như thế này. Đây cũng chính là tâm ý, là nguyện vọng tha thiết của một bộ phận nhân dân mình đấy chứ. Nào, em đọc tiếp đi”.

Anh Ba Duẩn sửa lại tư thế ngồi, và trang trọng nghe nhà thơ Nguyễn Bính đọc ngân nga cho đến câu kinh thứ 3.202, là toàn bộ Bộ kinh của đạo Hoà Hảo.

BÙI BÌNH THI

Theo ANTGCT