Khánh Lan,  Sinh Hoạt,  Tin tức

Lễ Trao Giải Thưởng-Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống

Khánh Lan soạn thảo bài viết dựa theo tài liệu Chùa Hương Sen của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương.

Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống lần thứ 7 bắt đầu thu bài từ tháng 4 năm 2022, do Ni Sư Thích Nữ Thích Nữ Giới Hương xướng xuất và chủ trì. Được biết, Ni sư Giới Hương cùng ban tổ chức đã gởi thư mời các thí sinh tham dự cuộc thi viết văn bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh về ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hàng ngày từ đầu tháng 5, 2022. Sau 8 tháng thu bài, Ban tổ chức giải thưởng quyết định sẽ chấm dứt nhận bài vào 12 giờ đêm giờ California ngày 30 tháng 10 năm 2022 và buổi lễ trao giải thưởng được ấn định vào lúc 7:00 giờ PM ngày 11 tháng 12 năm 2022.

Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

Ngày trao giải thưởng cuộc thi viết văn được tổ chức ngày 11 tháng 12, 2022 tại nhà hàng Seafood World thuộc thành phố Westminster, California. Giải thưởng được trao cho các tác giả có bài dự thi sáng tác xuất sắc bao gồm bằng khen và tiền thưởng với tổng số giá trị khoảng $25,000.00 gồm các giải như sau:

  • Nhất : $5,000.00, Giải Nhì: $3,000.00, Giải Ba: $2,000.00 
  • Khuyến Khích, mỗi giải: $1,000.00
  • Sáu giải Hương Pháp, mỗi giải: $500.00
  • 50 giải Hoằng Pháp, mỗi giải: $200.00

Mục đích của Cuộc Thi là để khuyến khích hoằng pháp và vận dụng giáo Pháp Phật giáo một cách thiết thực vào đời sống con người. Trong chiều hướng ấy, một đoạn Kinh Phật về hoằng pháp của Đức Phật dạy trong Kinh Itivuttaka (Kinh Như Thị Thuyết), Kinh số 98 được MC Tịnh Tánh đọc.

 “Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Đây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.”

Trước khi buổi lễ trao giải thưởng bắt đầu Ni Sư Thích Nữ Giới Hương đọc diễn Văn Khai Mạc chào mừng quan khách và quý đồng hương Phật tử, diễn giảng về kim ngôn Đức Phật và ý nghĩa của Lễ trao giải Sáng tác Văn chương Hương Pháp-Hương Đạo. Theo Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, khi dùng văn học để hoằng pháp, hộ pháp thì phải đọc nhiều kinh sách, nghiền ngẫm suy nghĩ về lời Đức Phật dạy, rồi tự lòng viết xuống qua ngòi bút của mình. Một khi có ý đạo ngấm trong người, chữ nghĩa mới có sức mạnh.

Đồng hương Phật tử tham dự buổi Lễ trao giải thưởng.

Ngoài sự hiện diện của 660 vị đồng hương Phật tử tham dự buổi Lễ trao giải thưởng, người viết nhận thấy có sự hiện diện của các vị Cao Tăng như Thượng Tọa Huệ Minh cùng 3 vị Phật tử trong ban Quản Trị Chùa Bảo Quang, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tâm (Chùa Huệ Quang), Ni sư Thích Nữ Diệu Nghiêm (Tịnh thất Quang Âm, Menifee, California, Bác sĩ Đặng Trần Hạo, Bác Sĩ Kelvin Mai, Dược Sĩ Tina Quách, Nhà Văn Lê Giang Trần và Phu nhân Hải Hồ, Kỹ Sư Nguyễn Xuân Hiệp Scottie, Điều Hành Công Ty Xây Dựng Thiết Kế Simplified Builders và 3 thành viên (phụ trách công trình xây dựng Chùa Hương Sen) và các là vị Giám khảo của Cuộc thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp gồm Đạo hữu Tâm Diệu, điều hành nhà xuất bản Ananda và Sáng lập chủ biên Thư Viện Hoa Sen; Đạo hữu Nguyên Giác (Ký giả Việt Báo), cùng phu nhân Ledung Bui; Cô Ngọc Bảo, Cộng tác viên của tạp chí Trúc Lâm, Chùa Bảo Quang; Hoàng Mai Đạt, chủ biên của Báo Viễn Đông và chủ trương tạp chí Tinh Tấn Magazine cùng Phu nhân Minh Thủy; Nhà Văn Khánh Lan, cộng tác viên của nhiều tạp chí Văn Học cùng Phu quân Mạnh Bổng; Văn Nguyên Hà, cộng tác viên của nhiều tạp chí, báo, đài radio, truyền hình ở Miền Nam Cali và Texas cùng Phu nhân Linda.  Sự hiện diện của Ca Nhạc Sĩ Nam Hưng và Ca sĩ Ngọc Huyền với những bài hát đạo như “Cùng Một Chuyến Đò – Chúc Xuân Đạo Đời” (nhạc Đài Loan, Lời Việt: Ngọc Huyền) và phật tử Thiên Thanh trong bài: Hoa Ưu Đàm Đã Nở (Thơ: Thích Nữ Giới Hương, Nhạc: Nam Hưng) đã làm tăng thêm phần sống động của buổi phát thưởng.

Ni sư Thích nữ Giới Hương trưởng ban tổ chức kiêm trưởng ban giám khảo
và các giám khảo: Tâm Diệu, Nguyên Giác, Hoàng Mai Đạt, Nguyên Hà, Khánh Lan và Ngọc Bảo. 

Được biết, Ban Giám Khảo là các nhà văn, các ký giả lâu năm kinh nghiệm trong văn chương, đặc biệt về lãnh vực Phật giáo. Các bài thi tham dự cuộc thi Phật Pháp được chia ra cho 6 giám khảo chấm điểm, theo hệ 100 điểm, và danh sách chung kết sẽ trình lên Ni sư Thích Nữ Giới Hương duyệt lại lần cuối. Điểm cân nhắc theo hình thức và nội dung, do vậy các bài điểm cao nhất là các bài vừa viết hay, phù hợp ý đạo, nêu lên được chánh kiến. Cư sĩ Tâm Diệu là người đại diện Ban Giám Khảo lên tường trình diễn biến và kết quả của các thí sinh trúng giải.

Cư sĩ Tâm Diệu là người đại diện Ban Giám Khảo

Ngoài ra, người viết nhận thấy sự có mặt của các thí sinh trúng giải thưởng từ Thụy Sĩ, Đức Quốc, Canada và nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ cũng có mặt để dự lễ phát giải thưởng Cuộc thi Viết văn. Đặc biệt với sự có mặt của giới thuyền thông báo chí địa phương như Ký giả Thanh Huy (Việt Báo), Ký Giả Thanh Phong (báo Viễn Đông), phóng viên Văn Lang … cùng nhiều ký giả khác.

Nối tiếp chương trình là Lễ trao giải thưởng cho các thí sinh theo thứ tự trúng giải sau đây:

Mở đầu với 50 GIẢI KHUYẾN KHÍCH HOẰNG PHÁP, mỗi giải có giá trị là $200, pháp tràng và sách do Sư cô Phước Nhẫn và Sư cô Viên An công bố danh sách. Sau đó, thí sinh Đồng Nguyên đại diện cho 50 vị được giải Khuyến khích Hoằng Pháp, nói đôi lời cảm tưởng…

Thí sinh Đồng Nguyên đại diện cho 50 vị được giải Khuyến khích Hoằng Pháp,
mỗi giải có giá trị là $200

Theo sau là SÁU GIẢI HƯƠNG PHÁP, mỗi giải có trị giá $500 cùng với sách, pháp tràng và một cúp Award kỷ niệm. Người trúng Giải Hương pháp gồm những tác giả: Thích Nhật Minh (Việt Nam), trúng giải với bài Văn: Am Xưa Con Đã Trở Về. Ni sư Thích Nữ Như Như (Nam California), trúng giải với bài văn: Vài Trải Nghiệm trong Tu Tập. Trần Thị Nhật Hưng, Pd: Diệu Như (từ Switzerland, Thụy Sĩ), trúng giải với bài Văn: Sắc Màu Cuộc Sống. Mộc Đạt (85 tuổi) (từ Westminster, California), trúng giải với tập thơ: Vui Đạo-Vui Đời. Nguyễn Phương Lan, Pd Bạch Liên (Kansas, USA) trúng giải với bài văn: Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn. Tâm Nhuận Phúc (Orange County, California), trúng giải với bài Văn: Dạ Quỳnh. Sau đó Ni sư Thích Nữ Như Như đại diện cho 6 vị được giải Hương Pháp, nói đôi lời cảm tưởng…

Sau cùng là NĂM GIẢI XUẤT SẮC gồm Giải I: $5,000.00; Giải II: $3,000.00; Giải III: $2,000.00 và Hai giải Khuyến Khích, mỗi giải: $1,000.00.

Hai thí sinh trúng giải từ Đức và Thụy Sĩ
  • Người thứ nhất trúng Giải Khuyến Khích là Hoa Lan, Pháp danh Thiện Giới (từ Berlin, Đức Quốc) với bài văn: Nghịch Duyên Và Trợ Duyên.  Thí sinh tên thật là Phí Thị Lan Hương, sinh tại Hà Nội, lớn lên tại Nha Trang. Du học sang Đức và tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa học Thực Phẩm. Làm việc và sinh sống tại Berlin. Cộng tác với báo Viên Giác,  báo online: quangduc.com, hoavouu.com, hoahocnet.com, thuvienhoasen.org.  Đã có 10 tác phẩm xuất bản và cộng tác với nhiều báo Phật Giáo ở Đức, Úc, Mỹ… Nội dung của truyện “Nghịch Duyên Và Trợ Duyên” có cách viết hấp dẫn khiến người đọc như đang coi phim ảnh, mạch văn lưu loát, không lỗi chính tả. Biết ứng dụng Phật Pháp và tự chuyển hóa mình và người. Truyện dễ gặp ngoài đời và trong rất nhiều gia đình Phật tử. Nội dung truyện là làm sao ứng xử khi chồng có vợ bé, có con rơi? Tác giả kể bằng bút pháp tự truyện, không lỗi đặt câu, dễ hiểu. Tác giả kể lại đã kham nhẫn, chịu đựng những sóng gió từ chồng, từ người vợ bé nhưng thu xếp bằng tâm từ để tránh ngang trái. Thế rồi nghiệp biến mất, người chồng trở thành Phật tử thuần thành, cùng làm Phật sự.
  • Người thứ nhì thắng Giải Khuyến Khích là Vĩnh Hữu, Pháp danh (Pd): Tâm Khôngvới bài văn: Đạo Hữu Song Hành: Bút danh: Tâm Không Vĩnh Hữu, Mãn Đường Hồng, Vĩnh Bò Cạp, Uất Kim Hương…Sinh tại Nha Trang – Khánh Hòa. Sở thích Viết văn – Viết kịch – Viết báo với nhiều thể loại như:  Biếm hoạ, hí hoạ, thơ trào phúng, tiểu phẩm châm biếm, phóng sự, bút ký, truyện ngắn… Hiện đang là cộng tác viên của các Tiểu ban Văn Hóa, Hoằng Pháp và Thông tin Truyền thông trực thuộc Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hoà, với nhiệm vụ hoằng pháp viên và thông tín viên tự nguyện. Truyện “Đạo Hữu Song Hành” với lối văn hay, ý đẹp, không thấy lỗi chính tả. Câu gọn gàng, dễ hiểu, lôi cuốn. Đây là truyện thật của tác giả, dễ gặp tương tự ngoài đời, chồng Phật tử và vợ Công giáo. Dù không áp lực nhưng nhờ oai lực tu hành của tác giả, người vị hôn thê tự động xin quy y và thọ ngũ giới. Trước và sau khi kết hôn, tác giả vẫn giúp đỡ, hòa hài với bên nhà vợ và với cả giáo xứ. Tác giả Vĩnh Hữu là người hoằng pháp thực sự, đã viết từ nhiều thập niên.
  • Người trúng giải III Xuất sắc là Dược sĩ Võ Ngọc Thanh, Pd Như Chiếu (Canada), với giải thưởng $2000 cho tác phẩm: Có Những Niềm Vui. Dược sĩ Võ Ngọc Thanh Sinh tại Saigon, sang Canada năm 1990 và làm việc đến cuối năm 2000, 2000 – 2014: làm việc tại Orange County, California, 2014 đến nay: về lại sinh sống tại Montreal, Canada. Năm 2007, được duyên lành tìm đến Phật pháp qua cuốn sách “Thư gửi người niệm Phật“. Năm 2013, quy y với Ni sư Thích Nữ Triệt Như. Truyện “Có Những Niềm Vui” viết về hai đồng nghiệp dược sĩ cao niên qua đời ở Canada vì Covid 19. Không có lỗi chính tả. Nội dung chuyển tải được Phật Pháp vào đời sống. Lời văn xúc động, truyện thật trong cộng đồng Việt thời COVID-19 ở Montreal, Canada. Truyện thức tỉnh về vô thường. Nói rằng cuộc đời không nên làm việc đời nhiều quá, mà nên tìm niềm vui trong đạo. Tác giả Như Chiếu hình như là học trò của Ni sư Triệt Như (dòng Thiền Tánh Không) giải thích về Pháp hỷ: “Còn có những niềm vui lớn hơn thế nữa, mà trong đạo Phật gọi là “pháp hỷ”. Người nào học đạo, nghe pháp mà thấy trong lòng vui tươi sung sướng, đó là người đã được pháp hỷ.” Hối thúc được độc giả tìm vui với pháp.
Giám khảo Khánh Lan trao giải thưởng Xuất sắc III cho Dược sĩ Võ Ngọc Thanh, Pháp danh Như Chiếu (Canada), Giải thưởng $2000 cho tác phẩm: Có Những Niềm Vui

Giám Khảo Khánh Lan lên trao quà với đôi lời cảm tưởng: Nhà văn gởi lời cám ơn đến Ni Sư Giới Hương và vinh hạnh được đọc những áng văn hay và có ý nghĩa, nói về lẽ sống chết trong giáo lý nhà Phật, những trải nghiệm trong tu tập, những ứng dụng của đạo Phật để chuyển hóa nghiệp sống của loài người. Bà chúc mừng đến các thí sinh trúng tuyển và nhắn nhủ họ hãy tiếp tục con đường đã đưa họ đến thành công. Bà nói: “Đây là giải văn chương Phật giáo đầy ý nghĩa của chùa Hương Sen. Triết lý Phật giáo đã phổ biến hơn 2,500 năm. Theo Edward Conze, một nhà văn, triết gia, học gỉa nghiên cứu và khảo luận chuyên môn về Phật giáo đã viết: “… Phật giáo như một tôn giáo phổ cập cho mọi người và được lan truyền rộng rãi khắp Châu Âu và Châu Mỹ.” Nếu Ðạo Phật có mục đích làm cho con người tu tâm, buông xả, gạn lọc những khổ lụỵ của cõi đời, để sống một cuộc sống tinh khiết, không vướng bận trần tục, thì Văn chương cho ta một hướng đi trong tâm hồn, khi chúng ta viết về những giáo diều của của Phật giáo, những ý tưởng miên viễn theo Đức Phật Thích Ca thì “Đau khổ là tạm thời, giác ngộ là mãi mãi”. Nhà bác học Einstein cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về Phật giáo và khoa học như sau: “Nếu có tôn giáo nào có thể đáp ứng nhu cầu khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”.

Nhà văn cũng xin gởi lời khuyến khích đến các thí sinh đã ghi tên tham dự cuộc thi, nhưng chưa trúng tuyển kỳ thi này, bà nói về Sam Walton, ông chủ của cơ sở thương mại Wamart và Sam Club đã để lại một câu nói bất hủ là: “Hãy tự buộc mình phải đứng dậy khi vất ngã, và chấp nhận hiện thực. Hãy thử làm lại thêm một lần nữa, nhưng lần này sẽ làm tốt hơn“.  

  • Người trúng giải II Xuất sắc là Hà Thị Hòa, Pd Diệu Thuận (Idaho) với tác phẩm:  Con Dịt. Bút hiệu Hoa Hà, sanh tại thành phố Biên Hòa, sau sống tại Lagi. Năm 1992,  định cư tại Mỹ và lập nghiệp tại Boise, Idaho. Năm 1993, làm việc tại hãng điện tử ECCO. Tham gia công tác từ thiện của ECCO Children Relief Fund và từ thiện cho quê hương Việt Nam. Năm 2013, thi viết văn của nhà báo Người Việt kỷ niệm 35 năm thành lập. Từ năm 2020 nghỉ hưu, đi chùa và làm từ thiện. Câu chuyện: “Con Dịt” rất sáng tạo và ẩn 2 nghĩa: đồ dịch quỷ sứ náo loạn và đại dịch 19. Câu chuyện đã mô tả sống động một hình ảnh chết chóc trên toàn cầu, cụ thể Hoa Kỳ đang bị chiến tranh của vi trùng học. Hình ảnh giãn cách xã hội, áp lực kinh tế, người chết không kịp chôn, xáo trộn đời sống, trầm cảm, tự tử… Thay vì ẩn trốn, cách ly, mọi người, tác giả khuyến khích gia đình cùng tự đứng lên, từ không khí u ám đó, ứng dụng lời Phật bằng cách dấn thân nấu ăn cùng chồng để kiếm tiền làm từ thiện, mua khẩu trang… giúp xã hội giảm sự hậu quả tồ tệ của cơn dịch như thiếu lương thực, thiếu tiền, thiếu vật dụng y tế… Tác giả cũng ứng dụng 5 giới của đạo Phật để nguyện chuyển hóa cộng nghiệp của loài người. Phật pháp giúp người con Phật đứng vững giữa bão tố đại dịch và dấn thân giúp người.
Giám Khảo Hoàng Mai Đạt trao giải cho người trúng giải II Xuất sắc,
Hà Thị Hòa, Pd Diệu Thuận (Idaho) với tác phẩm:  Con Dịt.
  • Người trúng giải I Xuất sắc là Ánh Hinh (Chino Hills, California) với tác phẩm viết bằng tiếng Anh: The Mustard Seeds (GK Nguyên Giác chuyển Việt ngữ là truyện Hạt Cải). Tốt nghiệp Cử nhân Sinh học tại Đại học University of California, Irvine, và tốt nghiệp Tiến sĩ Nhãn Khoa tại Southern California College of Optometry. Hiện là Bác sĩ Nhãn khoa tại Nam California, hội viên của Câu lạc bộ Lions Club. Truyện “The Mustard Seeds (Hạt Cải)” viết bằng tiếng Anh. Nội dung câu chuyện chuyển tải lý vô thường rất nổi bật, xúc tích, lôi cuốn người đọc. Câu chuyện hạt cải vô thường hay bài học về lẽ sống chết trong giáo lý nhà Phật. Qua giáo lý vô thường sống chết không chờ một ai. Tác giả là Phật tử kiên tâm thuần thành, nhờ thân phụ dạy từ thơ ấu. Và tác giả cũng dạy con mình tin Phật như thế. Nhưng diễn biến của con khi lớn lên làm cho truyện có nhiều nút thắt mở, gây chú tâm cho người đọc.
Người trúng giải I Xuất sắc là Ánh Hinh (Chino Hills, California) với tác phẩm viết bằng tiếng Anh:
The Mustard Seeds. Cô Ánh Hinh không đến được nhưng cử người chị gái Hạnh Hinh đến lãnh giải thưởng.

Kết thúc buổi lễ trao giải thưởng Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống 2022 lúc 11:00 tối.

Các thí sinh trúng giải thưởng từ Thụy Sĩ, Đức Quốc, Canada và nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ
chụp hình cùng ban giám khảo.

Trúng giải nhất thi viết văn xong: Thí sinh Anh Hinh thăm Chùa Hương Sen và xin quy y.

Trích theo bài viết của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương.

Thí sinh Ánh Hinh(bên trái, (mặc áo tràng và đeo kiếng) trúng giải nhất thi viết Ứng dụng Phật Pháp trong đời sống
cùng chị gái Hạnh Hinh và hai con (Elizabeth & Emily vào Chùa Hương Sen xin quy y ngảy 19 tháng 12, 2022

PERRIS, California, ngày 19 tháng 12, 2022. Bác sĩ Nhãn Khoa Ánh Hinh, người cầm bút với bút hiệu Anh Hinh và sau khi trúng giải I Cuộc thi Viết Văn Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen tổ chức, đã cùng người chị và hai con lên viếng thăm Chùa Hương Sen, lạy Phật và dùng bữa cơm trưa (bánh xèo chay) với quý sư cô tại Chùa Hương Sen và rồi cô xin được quy y.


Đúng vậy, viết là để hoằng pháp, và quy y là để đi vào con đường Bát chánh đạo thâm sâu hơn. Trong cơ duyên này, cả gia đình tác giả đã xin quy y Tam bảo. Tác giả Ánh Hinh được Ni sư Thích Nữ Giới Hương đặt pháp danh là Viên Bảo Tịnh, 2 con gái: Elizabeth Dang (16 tuổi), pd Viên Bảo Mỹ, Emily Dang (9 tuổi) pd Viên Bảo Tâm. Hạnh Hình (chị của Ánh Hình) với pháp danh Viên Bảo Hạnh.
Ni sư nói rằng Ni sư vui mừng khi tác giả Ánh Hình nói rằng đã tìm được chùa Hương Sen là ngôi nhà tâm linh để nương về. Ni sư nói rằng Ni sư vui mừng khi tác giả Ánh Hình nói rằng đã tìm được chùa Hương Sen là ngôi nhà tâm linh để nương về.


Trong phần tự giới thiệu nơi đầu bài dự thi nhan đề “The Mustard Seeds” (bản văn được Nguyên Giác dịch là “Những Hạt Cải”), tác giả Anh Hinh viết: “Tôi sống ở Chino Hills, California với chồng và hai con gái. Tôi tốt nghiệp Cử nhân Sinh học tại Đại học University of California, Irvine, và tốt nghiệp Tiến sĩ Nhãn Khoa tại Southern California College of Optometry. Tôi hiện là Bác sĩ Nhãn khoa tại một phòng khám lớn ở Nam California. Tôi cũng là hội viên của Câu lạc bộ Lions Club. Tôi vui thích phục vụ cộng đồng với những cuộc kiểm tra mắt, thăm các bãi biển với gia đình, đi bộ đường trường và đọc sách. Tôi ghi công cha tôi vì đã làm cho tôi thấm nhuần những giá trị và triết lý Phật giáo trong suốt thời thơ ấu của tôi và tôi đã sử dụng những giá trị này để cố gắng sống một cuộc đời trong chánh niệm và đạo đức.”

Độc giả có thể đọc bài của tác giả Anh Hinh và các bài trúng giải khác ở hai cuốn sách:
Hương Pháp 2022 – (Tuyển tập các Bài Thi Trúng Giải Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp 2022):
https://thuvienhoasen.org/a38525/huong-phap-2022
Hương Đạo Trong Đời 2022 – (Tuyển Tập 60 Bài Thi trong Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp 2022):
https://thuvienhoasen.org/a38547/huong-dao-trong-doi-2022
.https://vietbao.com/a314389/trung-giai-1