Văn Thơ,  Viet-Hải

LÊ ÁNH: Đọc Truyện KIỀU của NGUYỄN DU

Bàn về khái quát về truyện Kiều, cũng là ấn bản mang tên Đoạn trường tân thanh, thường được biết đến với cái tên phổ thông, đơn giản là Truyện Kiều, là một tập truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu. Câu chuyện dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một thi sĩ thời nhà Minh, bên Tàu. Tác phẩm kể lại cuộc đời, những thử thách và đau khổ của Thúy Kiều, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và có tài năng, phải hy sinh thân mình để cứu gia đình. Để cứu cha và em trai khỏi tù, cô bán mình kết hôn với một người đàn ông trung niên, không biết rằng anh ta là một kẻ sở khanh buôn người, và Kiều bị ép làm kỹ nữ trong lầu xanh.

Tác phẩm Truyện Kiều về hoàn cảnh sáng tác thì Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỷ 19 (khoảng 1805 – 1809). Tác giả Nguyễn Du (1766-1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ, là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt,

Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Tàu, Tuy nhiên, điều độc dáo là phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng đặc sắc, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm.như theo thể loại Truyện thơ Nôm, gồm 3254 câu trường thi lục bát. Xét về bố cục gồm 3 phân đoạn như phần thứ nhất là duyên gặp gỡ và đính ước; Phần thứ hai là nội tình rắc rối gia biến và lưu lạc. Phần thứ ba là xum vầy đoàn tụ.

Nhìn về giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều, ta thấy giá trị hiện thực của Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo và coi trọng đồng tiền. Đặc biệt tác phẩm còn phô bày số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thuở xưa. Con người trong xã hội dù có tài năng nhưng không được làm chủ cuộc đời của mình, phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công, cay đắng. Quà trầm luân, khổ lụỵ. Cái giá trị nhân đạo của tác phẩm là tiếng nói thương tâm trước số phận bi kịch của con người. Tiếng nói khẳng định về hiện sinh, đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người: khát vọng muốn sống nhân bản, và khát vọng được sống hạnh phúc. Cốt truyện đề cập về tình yêu phải được tự do, thủy chung cũng như ước mơ về một xã hội công bằng.

Nét quan trọng của Truyện Kiều là cái giá trị nghệ thuật, như về ngôn ngữ, truyện sử dụng nhiều điển tích điển cố.qua thi nôm ở thể thơ lục bát..Điểm hay là ngôn ngữ đối thoại, độc thoại giúp bộc lộ tính cách diễn đạt tâm lý, và tâm trạng nhân vật.. Hay về nghệ thuật thể cách gthi ca tự sự có bước phát triển dột phá cao. Kế là nghệ thuật dẫn truyện đến miêu tả thiên nhiên, tình tiết và mô tả tâm lý nhân vật, tả cảnh, tả tình, hoạt cảnh cốt truyện linh hoạt.

Nhìn qua cách phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện để lại nhiều giá trị như đứng về mặt nghệ thuật, cho đến nay ”Truyện Kiều” vẫn là tác phẩm sáng giá nhất và là sự kết hợp tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển của Việt Nam, nên ”Truyện Kiều” được xem là biểu tượng đặc sắc khi thi nhân đã khai thác triệt để các hình thức tương xứng nhằm tô đậm nỗi thương thân xót phận của nhân vật Thúy Kiều. Đối xứng ở mỗi giai doạn bi kịch mà nàng trải qua. Trong Truyện Kiều, xét về  sự sáng tạo từ ngữ tuyệt vời của Nguyễn Du. Căn cứ vào đặc điểm về  thanh âm và thi ca ngữ điệu, nhiều khi nhà thơ đã dịch những từ ghép gốc Hán và những thành ngữ gốc Hán ra thành ra những từ ngữ Hán Việt.

Đấy là những nét đại cương khi xem qua tác phẩm LÊ ÁNH: Đọc Truyện KIỀU của NGUYỄN DU. Giờ đây xem qua những trang dặc sắc tiêu biểu như đoạn Lời Tựa NGUYỄN VĂN THÀNH. Nhà văn này viết: “Nếu “Kim Vân Kiều Truyện” là một tác phẩm mờ nhạt dưới nền văn học cổ của Trung Hoa thì “Truyện Kiều” lại trở nên rực rỡ qua ngòi bút của Nguyễn Du. Người viết “Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du” chỉ muốn có thêm nhiều người cùng thưởng thức cái tài tình của Nguyễn Du khi vẽ lại bằng thơ bức tranh mô tả những hiện thực bất công, tàn bạo, đau đớn khốn cùng của xã hội phong kiến thời bấy giờ mà chính ông cũng phải gánh chịu.”. Xem từ trang 4-11 về yếu tố chính khi đọc vào Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm : Hoàn Cảnh Ra Đời Truyện Kiều, và Các Nhân Vật Trong Truyện Kiều, đoạn  Các Địa Danh Trong Truyện Kiều.

Xem từ trang 12— 42, là phần Tìm hiểu các Thành ngữ và Điển tích trong TRUYỆN KIỀU để dộc giả hiểu thấu suốt cốt truyện. Đoạn kế từ trang 43– 348, tác giả Lê Ánh cho phần Lược Truyện. Truyện Kiều bao gồm 3246 câu thơ lục bát và bắt đầu từ:

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng….”,

Ở trang 382, 2 câu thơ quen thuộc về “Chữ Tâm và chữ Tài”:

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

Xét cho cùng, tất cả chúng ta sống trong cuộc đời này đều do nghiệp quả biểu hiện từ kiếp trước. Mọi hậu quả của chúng ta đang mang đều chính do bản thân chúng ta tạo ra từ tiền kiếp.

Sang đoạn từ trang 385 – 399. về Vài nhận Xét Những Hình Ảnh Pháp Luật Sau Khi Đọc Qua Truyện Kiều. Đoạn tác giả Lê Ánh đưa yếu tố luật pháp Truyện Kiều qua cốt truyện như  Nàng Kiều Đóng Vai Bị Cáo. Trong phần xuất xứ Truyện Kiều, độc giả cũng đã biết câu truyện ra đời vào thời phong kiến, đời Lê đầu nhà Tây Sơn (1804-1809). Theo Phạm Quỳnh, trong bài ”Phụ mẫu dân hay công bộc dân”, độc giả nhận thấy trong thời phong kiến, vua quan là phụ mẫu dân, quyền hành rộng lớn, vua quan phán ra sao thì dân phải nghe theo. Trước hết phải kể đến vụ xử án khá đặc biệt mà nàng Thúy Kiều phải đóng vai bị cáo. Yếu tố khác.như Nàng Kiều Đóng Vai Quan Tòa. Thêm một vụ án nữa là kể từ khi nàng Thúy Kiều về làm vợ của tướng Từ Hải thời mỗi ngày vợ chồng lại càng yêu nhau thêm. ”Trong quân có lúc vui vầy” nàng Kiều ”Thong dong mới kể sự ngày hàn vi.” Từ Hải nghe chuyện cũ trong cuộc đời gian truân của vợ thì nổi giận đùng đùng như sấm như sét liền ra lệnh nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng để đi tóm cổ những kẻ đã lừa đảo hãm hại đời nàng Kiều trước kia và lôi về trừng phạt… Yếu tố thứ ba xét dến như sau: Hoạn Thư Và Quyền Bào Chữa. Nhìn về điểm riêng trường hợp Hoạn Thư được lên tiếng giải bày tâm can kể lể chuyện xưa tích cũ để tự bênh vực cho mình. Chính danh thủ phạm còn được quyền bào chữa cho mình thì tại sao trong vụ xử án này cả đám bị can còn lại chẳng ai được phân trần câu nào, không được lên tiếng cãi một tiếng nào và đều bị hình phạt… tử hình mà không phân biệt tình tiết nặng nhẹ khác nhau..Yếu tố thứ tư là Thúy Kiều Đệ Tử Lưu Linh.. Truyện Kiều là vấn đề số phận con người bị áp bức trong xã hội đồng thời là tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa cất lên tha thiết từ xã hội cũ. Đó là tiếng nói của tầng lớp người dân bị dè nén, chịu nhiều đau khổ, con người vùng lên “đòi tự do yêu đương, đòi công lý”.  Cho nên quan điểm Lê Ánh xét về Giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính, Bên cạnh đó Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những áp lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công bằng. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năm lưu lạc của nàng là một chuỗi dài bi kịch. Truyện Kiều còn bày tỏ rõ nỗi thương tâm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du như khóc cùng tiếng đàn và cuộc đời của Thuý Kiều, ông cũng bày tỏ thái độ trân trọng vì Kiều cho dù có lúc nàng đã là hạng người ở dưới đáy nhơ nhớp của xã hội.

Xét sang doạn: Vài Khía Cạnh Lịch Sử Về Truyện Kiều, từ trang 400- 402. Truyện Kiều là một huyền thoại xây dựng trên hai nhân vật có thật vào đời vua Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1566).

Theo tác giả Lê Ánh cho cảm nhận về tác phẩm đồ sộ này như sau: “Nhiều người cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân đã căn cứ vào huyền thoại nêu trên để viết Kim Vân Kiều Truyện. Khi dựa vào Kim Vân Kiều Truyện để viết Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sử dụng văn tài của mình để tô điểm cho huyền thoại, biến tác phẩm thành một kiệt tác của dân tộc Việt Nam;  Truyện Kiều của nước Nam…. Hơn nửa thế kỷ trước, nhiều người đã chỉ trích nhân sĩ Phạm Quỳnh quá cường điệu khi phát biểu rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn “. Có lẽ khi nói câu này, ông chỉ muốn ám chỉ đã là người Việt, thì dù ở thế hệ nào, cũng sẽ yêu Truyện Kiều, vì đó là một tác phẩm vừa đẹp, vừa hay, vừa hợp với cá tính của dân tộc. Trong ý nghĩa ấy, ai đủ can đảm để phê phán lời nói nêu trên của ông là một lời quá đáng?”

Sang đoạn Nhận Xét Tổng Quát, từ trang 403-405. Tựu trung, về phương diện văn chương thì ai cũng công nhận Truyện Kiều là hay, nhưng về đường luân lý, theo các cụ là một quyển không nên cho đàn bà con gái xem. Bởi vậy trong dân gian đã có câu:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều.”

Ngày nay, việc phân tích và đánh giá về nhiều góc cạnh của Truyện Kiều có nhiều và về phương diện luân lý, việc đánh giá đã không còn khe khắt như trước. Và có nhận xét tích cực và khách quan thì mặt ưu và mặt khuyết của tác phẩm, có thể đúc kết khái quát lại như sau: “… Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thoái đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, vô nhân, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng… Khi viết, tuy có dựa vào Kim Vân Kiều truyện, nhưng với kỳ công tái tạo, Truyện Kiều của nhà thơ đã trở thành viên ngọc vô giá của thể loại truyện thơ nói riêng và của nền văn học dân tộc Việt nói chung…”.

Phần kết thúc là đoạn Tầm ảnh hưởng, trang kết luận ở trang 406 như sau:

“Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Từ đó, lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều… đã phát sinh trong cộng đồng người Việt.

Truyện Kiều là câu chuyện đời thê lương, bất hạnh về số mệnh của người con gái nhà lành có tài, có sắc trong xã hội phong kiến. Dưới ngòi bút Nguyễn Du, số mệnh của người con gái bất hạnh có sức lan toả và tạo xúc động sâu sắc. Qua nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du chung quy nói lên số mệnh của con người nói chung trong xã hội phong kiến bất công, tàn nhẫn. Hoài Thanh, nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã từng cho rằng vấn đề đặt ra trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là vấn đề về quyền sống của con người trong xã hội phong kiến. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng kết nối cuộc đời nàng Kiều với “cuộc đời dân tộc”: câu thơ dẫn chứng…

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên…”

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã diễn giải những bất hạnh của hồng nhan truân chuyên của Thuý Kiều bằng thuyết tài mệnh tương đố của Nho học truyền thống. Cho nên tác phẩm trường thi mang giá trị của một tuyệt tác về nghệ thuật ngôn ngữ và thi ca.

Lê Ánh cho ý tiếp: “Cuộc đời Thuý Kiều là một bài thơ trữ tình về tình yêu nhưng cũng là khái quát của những trầm luân dâu bể trong số phận con người mà Nguyễn Du là người chứng kiến và phản ánh. Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khái quát cả một hành trình dài như một sự dự đoán, tiên nghiệm về thiên mệnh:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.”

Hai câu thơ như gói trọn cả không gian – thời gian trong vũ trụ, dồn nén trong sự vĩnh cửu của loài người. Xã hội mà Thuý Kiều sống, tài và sắc lại chính là căn nguyên cho toàn bộ cuộc đời trầm luân, bảy nổi ba chìm suốt 15 năm lưu lạc giang hồ. Nguyễn Du thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và viết ra lời than đau xót:

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Tóm lại, những dòng nhận định cuối của bài Bạt này, khi xét qua tác phẩm mới của nhà văn Lê Ánh, đi từ khởi đầu sách, ở trang 001 Lời Tựa và Hoàn Cảnh Ra Đời Truyện Kiều trang 004, tác giả đã dẫn chúng ta qua 450 trang giấy và qua nhiều sự kiện cấu tạo thành Truyện Kiều gồm 3246 câu thơ lục bát, với nhiều tình tiết. Phong văn Lê Ánh dùng dễ hiểu, bình dị dù đây lâ tác phẩm mang tính triết lý, Nguyễn Du dùng nhiều điển tích và ẩn dụ. Bố cục văn bản truyện được trình bày về đề tài mạch lạc, chặt chẽ, tác giả diễn đạt cốt chuyện rõ ràng và khúc chiết, ví dụ ở những phân đoạn Lược Truyện, Khía cạnh Lịch sử về Truyện Kiều và Nhận xét Tổng quát là điển hình.

Điểm đáng khen của sách khi cho 3 phân đoạn sau đây để dễ dàng cho độc giả hiểu khi xem sách như sau: Các Nhân Vật Trong Truyện Kiều, Các Địa Danh Trong Truyện Kiều, Tìm hiểu các Thành ngữ và Điển tích trong TRUYỆN KIỀU để hiểu rõ cốt truyện.

Lời kết tạm: Như vậy, sách mới LÊ ÁNH: Đọc Truyện KIỀU của NGUYỄN DU như nhà văn Nguyễn Văn Thành cho cảm nghĩ : “Nếu “Kim Vân Kiều Truyện” là một tác phẩm mờ nhạt dưới nền văn học cổ của Trung Hoa thì “Truyện Kiều” lại trở nên rực rỡ qua ngòi bút của Nguyễn Du. Người viết “Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du” chỉ muốn có thêm nhiều người cùng thưởng thức cái tài tình của Nguyễn Du khi vẽ lại bằng thơ bức tranh mô tả những hiện thực bất công, tàn bạo, đau đớn khốn cùng của xã hội phong kiến”, ở thuở xa xưa. 

Suy tâm từ những kinh nghiệm sâu xa về cuộc sống, Nguyễn Du, là một nhà Nho hoài Lê, dù sống trong rất nhiều ràng buộc bởi xã hội mà tư tưởng phong kiến bất công hiển hiện thuở đương thời, nhưng bằng tâm huyết, trí tuệ giữ quan điểm văn hóa của mình ông đã dám từ bỏ những định kiến khắc nghiệt đến phi lý về người phụ nữ trong xã hội đương thời để sáng tạo nên một biểu tượng Thúy Kiều độc đáo như một gương can đảm vượt bao thử thách vì nữ quyền, về quyền sống và quyền làm người của phụ nữ. Vì vậy có thể nói với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa vô cùng quý báu, hầu góp tiếng nói không nhỏ đòi quyền tranh dấu cho phụ nữ, một vấn đề cho đến mãi hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với nhân loại. Nhất là ở quê nhà Việt Nam chúng ta

Xin trân trọng giới thiệu: “LÊ ÁNH: Đọc Truyện KIỀU của NGUYỄN DU”.

Trần Việt Hải Los Angeles. 14/11/2022.