Khánh Lan,  Văn Thơ

GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT

Trong 5 anh em chúng tôi chỉ có chị Thư là người duy trì được các nghi lễ cúng giỗ tổ tiên cũng như phong tục gói bánh chưng ngày tết mà Mẹ tôi truyền lại. Những năm trước đây, khi chị Thư còn “trẻ và khỏe” thì chị là nhân vật chính trong công việc gói bánh, còn chúng tôi chỉ là thợ vịn. Vậy thợ vịn gồm những ai? Thưa gồm những đứa con của chị Thư, Tú và tôi.  Nhưng từ 3 năm nay, chị Thư đã “Train” cho dì cháu tôi “so well” cách thức gói bánh, nấu bánh và làm giò thủ. Giò thủ là món không thể thiếu trong những ngày tết của gia đình chúng tôi, nó ăn rất ngon và hương vị thì khác hẳn những cây giò thủ bán ngoài tiệm.

Năm nay, California có bão và mưa kéo dài hầu như cả tuần nên Tú và tôi đã chăn gối lên nhà chị Thư từ tối thứ Sáu và ở lại cho đến chiều Chủ Nhật. Đã lâu lắm Tú và tôi mới ngủ lại đêm ở nhà chị Thư, có lẽ từ khi chúng tôi mỗi đứa có một gia đình riêng. Những lúc chị em có dịp gặp nhau như thế nầy, chúng tôi có cảm giác như sống lại thời son trẻ cùng Mẹ Cha. Chị Thư lớn hơn chúng tôi 5 tuổi nên chị thường kể lại cho Tú và tôi nghe những kỷ niệm xa xưa. Những ngày yên bình và xum họp tại Đà-Lạt, rồi chuyển vào Sài-Gòn. Những ngày buồn đau khi Bố tôi qua đời và những ngày cuối cùng rời xa Ngoại, Mẹ và anh Khoa trong cuộc di tản 1975.

Để chuẩn bị cho việc gói bánh, một tuần trước ngày mồng một Tết, chị Thư đã bắt đầu đi chợ mua nếp, đậu xanh, thịt, lá chuối và những thứ cần thiết cho việc gói bánh. Thế nên khi chúng tôi bắt tay vào việc thì mọi thứ đã sẵn sàng: nếp đã ngâm, đậu xanh đã nấu và say nhuyễn, thịt đã ướp, lá đã rửa sạch và lau khô…Thật ra, công việc gói bánh không khó, nhưng nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và khéo tay, nên dì cháu chúng tôi “Quải” lắm mỗi khi “năm hết Tết đến”.

Để động viên tinh thần của chúng tôi, chị Thư luôn nhắc lại câu nói của Mẹ tôi khi người còn sống. “Các con ạ, đây là dịp mà mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những sinh hoạt trong năm, những chuyện vui buồn và nhắc lại những kỷ niệm thời thơ ấu”. Phải, câu nói ấy, hầu như dì cháu chúng tôi đã nằm lòng, thế nên, mỗi khi nghe chị Thư nhắc lại… thì dì cháu chúng tôi đều đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu và ngoét miệng cười toe…Cái lắc đầu đi theo tiếng cười này có một ẩn ý riêng của dì cháu chúng tôi…Nó có nghĩa là “SORRY, NOT ME, I AM NOT GOING TO CARRY ON THIS TRADITION”…

Nói là nói cho vui thôi vì khi thực sự bắt tay vào công việc, không ai bảo ai, chúng tôi mỗi người một tay. Tú và Tâm thì cắt thịt, lỗ tai heo, bì, mộc nhĩ để làm giò thủ, chị Thư và tôi Thư lãnh nhiệm vụ gói bánh, vợ chồng Thanh và Tuấn thì lo xếp bánh cộng nấu bánh, Toàn bóc bánh và lau bánh sau khi bánh đã được nấu chín, v.v…

Năm nay, chúng tôi gói tổng cộng 40 cái bánh chưng và 6 cái giò thủ. Phải công nhận, những cái bánh chưng do chúng tôi gói ngon và rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là ít nếp, nhiều thịt và nhiều đậu xanh. Nếp thì nhừ và không bị “hấy”, đậu xanh mềm và thơm, chất béo từ thịt ba-chỉ như hòa tan vào nếp khiến cho bánh trở nên dẻo và không bị khô.

Bánh chưng được nấu bằng nồi Pressure Cooker nên chỉ mất có 3 tiếng là xong một nồi, mỗi nồi là 6 cái bánh nên phải nấu đến 7 nồi mới hoàn tất được 40 cái bánh chưng. Bánh chưng sau khi nấu xong, chúng được ép qua đêm cho bánh chắc lại bởi vì chị Thư nói, có như thế thì bánh mới dẻo, chắc và giữ được cả năm.

Phần tôi, tôi cho rằng, chẳng có gì tuyệt diệu cho bằng được “thử” miếng bánh chưng nóng hổi vừa nấu xong. Bởi bánh chưng khi vừa lấy ra khỏi nồi mà không cần ép qua đêm, thì nó vẫn giữ được nguyên vẹn cái mùi thơm thơm của lá chuối, cái chất deo dẻo của nếp, cái vị bùi bùi của đậu xanh và cái beo béo của thịt…. Ôi! quả là tuyệt vời.

Khánh Lan

Tết Quý Mão 2023