Khánh Lan,  Văn Thơ

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM, LÊ VĂN KHOA: HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ

(Trích trong bài nói chuyện của Khánh Lan trong ngày lể mừng thọ 90 tuổi và vinh danh Giáo Sư, Nhạc Sư, Nhiếp Ảnh Gia Lê Văn Khoa, tai Hội Trường Nhật Báo Người Việt, ngày 10 tháng 6, 2023)

Giáo Sư Lê Văn Khoa đã chọn tên này để đặt cho quyển sách của ông, bởi đó là ước mơ về âm nhạc và nhiếp ảnh, là yếu tố “Lê Văn Khoa với Hồn Việt“, mang ý nghĩa tinh thần tự hào về quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Có phải Giáo Sư Lê Văn Khoa muốn nhắn nhủ với chúng ta hãy giữ “Hồn Việt” nơi đất khách quê người, nơi ta sống ly hương. Bởi thế, khi đề cập đến tài soạn nhạc, hòa âm, phối khí của ông, Nhạc sĩ Trần Quang Hải khi còn sanh tiền, đã gọi Giáo Sư Lê Văn Khoa là nhạc sư…còn Nhà Văn Trịnh Bình An ví ông là hiện thân của một cỗ máy “Động Cơ Vĩnh Cửu”, bộ máy chạy bền bỉ, kiên trì trong suốt hơn 80 năm, bất chấp tất cả những lực cản trên đường, dù lực cản ấy có là bệnh tật hay tuổi tác.

Lê văn Khoa: Hồn Việt và Ước là một tuyển tập gồm những bài viết của nhiều tác giả, ghi nhận về những đặc điểm âm nhạc, nhiếp ảnh và văn học của Giáo Sư Lê Văn Khoa. Có rất nhiều tác giả đã nhận định âm nhạc của ông như chất chứa Hồn Việt trong nhạc dân tộc, mà ông mong muốn đem ra khỏi biên giới Việt Nam, giới thiệu với thế giới sự đa dạng của nó. Nhạc của Lê Văn Khoa là tiếng ru từ đất Mẹ, là lòng yêu nước thương quê, là tâm huyết của nét đẹp truyền thống, văn hóa giống nòi… chính tài nghệ sâu rộng và đa dạng của Lê Văn Khoa đã đem lại cho ông sự kính phục của các cộng đồng bạn trên thế giới.

 Dưới ngòi bút của các nhạc sĩ và nhạc trưởng Việt Nam, nhận định về bản “Symphony Vietnam 1975”, hay “Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa, họ cho rằng: Giáo Sư Lê Văn Khoa đã chọn nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về biến cố lớn của đất nước làm cảm hứng để sáng tác. Ông đã dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu quen thuộc có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ, hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới.

Còn dưới lăng kính của các nhạc gia, Nhạc Trưởng Ukranian, nhận định về bản giao hưởng Symphony Vietnam 1975 là một khám phá tuyệt vời và vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được biểu lộ trong những nét nhạc về chiến tranh Việt Nam, cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu. Nét nhạc trong sáng, chân thật từ trái tim, tinh tuyền, không màu mè, ấm áp, nhân hậu, sâu thẳm, du dương và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương, từ cách sử dụng sắc điệu rất riêng của đàn Bandura của Ukraine, thể hiện qua những bài dân ca Việt Nam như Lý‎ Ngựa Ô, Se Chỉ Luồn Kim, Trống Cơm. Bài “Lý Ngựa Ô” do Lê Văn Khoa viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng, là sự hợp tác hết sức thú vị và hoàn toàn khác với những gì dùng trước đây với đàn Bandura và đã đưa Đàn Bandura tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới.

Đặc biệt là trong các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, Giáo Sư Lê Văn Khoa đã kết hợp vào đấy, nét lãng mạn, thiết tha bởi sự hòa quyện giữa Chopin và âm nhạc Âu Châu. Bài piano solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa cũng được nhắc đến trong tác phẩm và được khen là êm dịu, hấp dẫn và tràn đầy tính chất khêu gợi. 

Trong phần 2 của tác phẩm viết về văn học, “Say Trong Ánh Mắt” và Nocturne” thìcó lẽ ít ai nghĩ Lê Văn Khoa là một nhà văn. Phân tích về nội dung của 2 quyển sách trênthì rõ ràng GS Lê Văn Khoa đã khéo léo dùng nội dung của tác phẩm tình cảm xã hội để giới thiệu và giải thích về nghệ thuật hình ảnh như cách dùng màu nước tô thêm lên ảnh, để biến đổi màu chính, hầu tạo không khí thích hợp cho ảnh, bởi ảnh kỹ thuật là căn bản của mỹ thuật và nghệ thuật, chú trọng nội dung, áp dụng kỹ thuật để làm sáng tỏ nội dung. Qua lời đối thoại trong truyện, ông giải thích về kỹ thuật chớp sáng (solarization), phân sắc độ (postarization), vừa tân kỳ vừa độc đáo mà điểm chính là dùng kỹ thuật để gửi gấm tâm sự.

Gần đây nhất là bộ ảnh “Do You See What I See?”, một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng đã chứng minh cho những gì Giáo Sư Lê Văn Khoa đã nhắn nhủ, hãy nhìn thẳng vào con đường nghệ thuật, một đường hướng phụng sự cho chân, thiện, mỹ.

Hai bức tranh Người Hát DạoSuy Tư và nhiều tác phẩm khác là một sự kết hợp tài tình giữa ngành nhiếp ảnh và hội họa, Họa sĩ Nguyễn Việt (Việt Hưng) đã khám phá ra một chân trời mới lạ về nghệ thuật tạo hình, khi ông nhận thức ra được những tác phẩm của Giáo Sư Lê Văn Khoa có điểm tương đồng tới Henry Spencer Moore và Salvador Dali, cha đẻ của nghệ thuật tạc tượng và tạo hình giữa thế kỷ 19. . . Họa sĩ Nguyễn Việt đã dùng ảnh chụp của Giáo Sư Lê Văn Khoa, rồi thêm vào đó những nét vẽ ngoạn mục, để biến nó thành những bức tranh tuyệt đẹp mà tôi cho đó là một khám phá siêu việt.

Trong sách còn có những bài viết về Giáo Sư Lê Văn Khoa thực hiện chương trình giáo dục thiếu nhi. Năm 1967, ông thành lập chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên băng tần số 9 của đài Truyền Hình Việt Nam. Tác phẩm “Giáo Dục Nhi Đồng” xuất bản năm 1970 của Lê Văn Khoa phân tích những điều các bậc cha mẹ nên biết trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Ngày nay, hoạt động Giáo Dục Thiếu Nhi của Giáo Sư Lê Văn Khoa đã được trình bày đầy đủ và sống động trong Phim Tài Liệu có tên “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật – A Lifetime of Arts”, DVD song ngữ Anh Việt năm 2018 của Vietnam Film Club….”

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam. Ông đã trải qua nửa đời người trên quê hương thân yêu và nửa đời còn lại nơi quê người với bao thăng trầm, mà trong tâm hồn luôn cưu mang nỗi niềm tha thiết bao la của một “HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ.” Nhạc sĩ Lê Văn Khoa với bản Giao Hưởng Việt Nam 1975 đã làm rạng danh dòng nhạc Việt Nam trên thế giới và với người Việt lưu vong. Ông đã thành công với những bản nhạc dân ca, với dàn nhạc giao hưởng. Ông đã chiếm nhiều giải thưởng về những tác phẩm âm nhạc & nhiếp ảnh từ trước năm 1975. Ông đã hòa âm phối khí bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa để ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine trình tấu. Ông đã đem tình tự quê hương Việt Nam và chính nghĩa vào trong âm nhạc, vinh danh sự bất khuất của thuyền nhân trước bạo lực của nhân tai và thiên tai trên đại dương bao la kinh hoàng.

Giáo Sư Lê Văn Khoa ước muốn cả thế giới biết đến dân tộc Việt Nam hào hùng và đầy nhân bản. Đó là ƯỚC MƠ phát xuất từ một HỒN VIỆT!  với tất cả tài trí, nhiệt huyết và sự cố gắng không ngừng nghỉ, từ tuổi thanh xuân cho đến lúc tuổi đã về chiều. Một “tâm hồn Việt tha thiết, bao la… lan tỏa trong âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học, và trong chương trình giáo dục thiếu nhi Việt Nam. Giáo Sư Lê Văn Khoa chính là người “đem chuông đi đánh xứ người” qua những cuộc triễn lãm và diễn thuyết, ông là tiếng chuông vang vọng từ Mỹ sang Âu, Úc và Ukraine…

Khánh Lan xin vinh hạnh giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm “Lê Văn Khoa: Hồn Việt và Ước Mơ” và xin được kết thúc với câu danh ngôn của nhà văn Louisa May Alcott:

Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên

 và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin”.

Khánh Lan, June 10, 2023