Little Saigon tưng bừng mừng thọ và vinh danh GS Lê Văn Khoa 90 tuổi
MỜI QUÝ GIÁO SƯ, QUÝ VĂN THI SĨ VÀ QUÝ ANH CHỊ EM VÀO XEM VEDIO MỪNG THỌ & VINH DANH GIÁO SƯ, NHẠC SƯ, NHIẾP ẢNH GIA LÊ VĂN KHOA. THỰC HIỆN: SBTN-GON BROADCASTING TELEVISION NET WC.
https://drive.google.com/file/d/13TYfscDOsT9G-LIw8yDe0MVVMVtkI6s_/view
June 10, 2023
Đằng-Giao/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Lễ mừng thọ 90 tuổi và vinh danh giáo sư, nhạc sư, nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa do Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California cùng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, Viện Việt Học, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian phối hợp với nhật báo Người Việt đồng tổ chức chiều Thứ Bảy, 10 Tháng Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, được đông đảo đồng hương tham dự.
Giáo Sư Lê Văn Khoa (giữa) cắt bánh sinh nhật 90 của mình cùng phu nhân là ca sĩ Ngọc Hà (thứ hai từ trái). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Gian phòng chật cứng người hâm mộ ông Lê Văn Khoa ở nhiều lứa tuổi khác nhau, râm ran nhắc nhau những gì ông đóng góp cho cộng đồng.
Chương trình bắt đầu với nhạc phẩm “Hẹn Nhau Ngày Về” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.
Giáo Sư Phạm Thị Huê, trong phần khai mạc, trìu mến gọi ông Lê Văn Khoa là người “đa tài, đa đoan, đa duyên và đa tình” và hôm nay, được mở đầu lễ sinh nhật 90 cũng như vinh danh ông Lê Văn Khoa, bà “mừng như con nít tìm được củ khoai lang để nướng lùi.”
Lần lượt, từng thân hữu lên chia sẻ cảm nghĩ về Giáo Sư Lê Văn Khoa.
Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết vì mất mẹ năm 12 tuổi, Giáo Sư Lê Văn Khoa có sự đồng cảm với các em thiếu nhi nên mới có những chương trình truyền hình hết sức có giá trị cho các em.
Ông Trần Huy Bích gọi những sáng tác âm nhạc của ông Lê Văn Khoa là “tiếng ca từ đất mẹ.”
Ông cũng cho biết là từ năm 2025, những sáng tác cho thiếu nhi của Giáo Sư Lê Văn Khoa sẽ được giảng dạy trong chương trình song ngữ Việt Anh tại các học khu của Orange County và Santa Barbara County.
Nhà văn Phạm Phú Minh cho rằng tác phẩm đồ sộ “Giao Hưởng Việt Nam 1975” của ông Lê Văn Khoa thực sự mô tả biến cố lịch sử 1975.
Giáo Sư Trịnh Y Thư nói: “Tôi kính phục anh Lê Văn Khoa vì cái tài của anh và tôi kính trọng anh vì tư cách.”
“Những sáng tác của anh là hồn phách của nền âm nhạc Việt Nam,” ông thêm.
Bà Hoàng Vĩnh (thứ hai từ trái), tổng giám đốc công ty Người Việt, chúc thọ và vinh danh Giáo Sư Lê Văn Khoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nhà văn Khánh Lan, đại diện ban biên tập của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, chia sẻ cảm nghĩ của BBT về Tác phẩm Lê Văn Khoa: Hồn việt và Ước Mơ.
trích dẫn cụm từ của ai đó, gọi ông Lê Văn Khoa là “cỗ máy có động cơ vĩnh cửu.”
Bà nhận thấy ông Lê Văn Khoa là người đem chuông đi đánh xứ người và tiếng nói của ông là tiếng chuông Việt Nam.
Họa sĩ Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, đồng ý với nhà văn Khánh Lan rằng tiếng chuông Lê Văn Khoa đang ngân vang khắp năm châu và sự nghiệp của ông luôn nêu cao tinh thần và bản sắc dân tộc.
Là người Việt Nam chân chính, bất cứ làm gì, ông Lê Văn Khoa đều lấy quê hương làm lý do duy nhất.
Ông soạn nhạc cho Việt Nam.
Ông chụp hình đất nước Việt Nam.
Ông cộng tác với đài Truyền Hình Việt Nam thực hiện chương trình dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam, những em thơ có cha anh bị động viên nhập ngũ bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Theo ông, các em là tiền đồ dân tộc và cần được chăm sóc cho tương lai đất nước.
Ông chụp hình vì muốn thế giới thấy những nét đẹp thuần thành, hiền dịu của con người, của ruộng đồng, của thôn quê, làng mạc Việt Nam.
Khách tham dự chật kín từ sớm để được gặp Giáo Sư Lê Văn Khoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Sơ lược về cuộc đời Giáo Sư Lê Văn Khoa
Sinh tại Cần Thơ năm 1933 trong một gia đình Tin Lành thuộc Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm, nhạc sĩ Lê Văn Khoa có khiếu âm nhạc từ nhỏ.
Ông tự học nhạc từ một cuốn sách nhạc tiếng Pháp lượm được ngoài đường vào năm 15 tuổi. Không có đàn piano, ông đàn tưởng tượng, gõ tay lên mặt bàn như đang gõ phím đàn.
Nhà nghèo, lương mục sư của cụ thân sinh không bao nhiêu, bị ảnh hưởng vì thời cuộc như biểu tình, bãi khóa… nhạc sĩ Lê Văn Khoa bỏ học sớm, đi làm việc cho nhà thờ và theo học một trường thần học nhỏ ở Phú Nhuận.
Ngoài những lớp đàn hát trong trường thần học, hầu hết những hiểu biết về âm nhạc của ông đều do tự học từ sách vở do một giáo sĩ người Mỹ gởi mua từ Mỹ. Tuy nhiên, nhờ năng khiếu và tinh thần hiếu học nên những nhạc phẩm đầu tay của ông đã chiếm được giải thưởng toàn quốc năm 1953.
Ông chuyển từ sáng tác ca khúc sang nhạc hợp ca vì nhận thấy nhạc Việt Nam rất yếu về lĩnh vực đại hợp ca-hòa tấu và ông trở thành người duy nhất cộng tác với đài truyền hình Việt Nam trong chương trình đại hợp ca hòa tấu mang tên “Tiếng Nhạc Trầm Tư.”
Ca sĩ Lê Hồng Quang trong liên khúc “Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng” và “Đèo Cao Châu Đốc” để gởi làn điệu Nam Bộ cho “chàng trai” Nam Bộ Lê Văn Khoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Vài chục năm sau, CD “Giao Hưởng Việt Nam 1975,” nói lên thân phận người Việt Nam trong cuộc chiến xâm lược của miền Bắc cho đến khi vượt thoát tìm tự do được ra mắt công chúng vào năm 2005, với dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra và Chorus của Ukraine. Nhiều nhà phê bình âm nhạc ca ngợi rằng đây là “sự hòa hợp tuyệt diệu giữa Đông Tây.”
Bản giao hưởng này mất hơn 10 năm mới thực hiện được.
Ngoài “Giao Hưởng Việt Nam 1975,” với mong muốn đưa các làn điệu dân ca Việt Nam ra khắp thế giới, nhạc sĩ Lê Văn Khoa chú tâm soạn thêm nhạc giao hưởng cho các loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực âm nhạc, ông còn là một nhiếp ảnh gia chiếm giải thưởng trong cuộc thi sáng tác Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Những tác phẩm của ông cũng được trưng bày trong các cuộc triển lãm nhiếp ảnh khắp nơi trên thế giới như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Nhật… trước năm 1975 và tại Mỹ sau năm 1975.
Ca sĩ Ngọc Hà, phu nhân nhạc sĩ Lê Văn Khoa, trong nhạc phẩm “Khúc Tình Ca” của Lê Văn Khoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Lê Văn Khoa là người có tài năng trong mọi lãnh vực hoạt động của mình, nhưng âm nhạc là đam mê dai dẳng nhất của ông.
Hiện nay, dù ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tác và làm việc không ngơi nghỉ.
Ước mơ lớn nhất bây giờ của ông là là đào tạo và khuyến khích thế hệ kế thừa sáng tác nhạc giao hưởng như để hòa quyện dòng nhạc Việt vào âm nhạc thế giới.
Lắng nghe những sáng tác âm nhạc lớn nhỏ của ông, người ta vẫn nghe vi vu tiếng sáo diều, tình tang tiếng đàn tranh não nuột tình quê, nhặt khoan câu hò tinh nghịch trai gái tát nước đêm trăng Việt Nam năm nào.
Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cũng dành thời gian đến tặng bằng tưởng lục cho ông Lê Văn Khoa.
Ba MC của chương trình là cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California; bà Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học; và cô Thụy Vy. [qd]