ĐÔI NÉT VỀ NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH
Lịch sử Văn Học Việt Nam đã hoàn tất một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Đó là lưu giữ một kho tàng văn thơ phong phú cho hậu thế, cũng như ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa qua từng giai đoạn. Không chỉ ở trong lãnh vực nam giới mà còn ở trong lãnh vực nữ giới. Lịch sử đã đánh dấu một bước phát triển của xã hội, đánh ngã cái tư tưởng phong kiến một thời “trọng nam khinh nữ” và thay vào đó là “nam nữ bình quyền“. Những nhà thơ nữ như: Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương (1771-1822), Nữ Sĩ Huyện Thanh Quan (1805-1848), Nữ Sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), Nữ thi sĩ Ngân Giang (1916-2002), v.v… Họ đã để lại cho thế giới thi ca, những tác phẩm bất hủ và nổi tiếng, họ là những nhà thơ nữ đã góp cho đời nhiều áng thơ hay.
Hôm nay, Khánh Lan xin hân hạnh giới thiệu Nữ Sĩ Dương Hồng Anh. Đây là bút hiệu của nhà thơ họ Dương, vì nếu tính theo thế thứ họ Dương, thì bà là Dương Nguyệt Anh, sinh năm 1931 tại Hà Nội và là cháu nội trực hệ của Cụ Dương Khuê, Vân Đình, Hà Đông. Bà là con gái của Cụ Dương Tự Tám, là em họ của Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước và là chị họ của Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh.
Vốn thừa kế truyền thống văn học của dòng họ Dương. Ngôn ngữ trong thi ca của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, phản ảnh sự phong phú của ngôn ngữ, bà đã khéo léo chắt lọc tinh túy những ngôn từ, khám phá những nét bóng bẩy của thi ca, nhưng không kém phần vui tươi, nhẹ nhàng, êm ái của những áng thơ viết cho bạn bè và thân hữu. Thật thế, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã góp phần làm giầu ngôn ngữ, trong văn học và đời sống của chúng ta.
Là một nhà thơ với bản tính hiền hòa, nhận hậu, khiêm nhường và vị tha. Bà đặt gia đình, bạn bè, thân hữu lên trên quyền lợi của chính mình. Đối với Liên Nhóm NVNT & TTG, Nữ Sĩ đã ưu ái dành cho mọi người “muôn ngàn thân ái”. Đây là ngôn ngữ mà Nữ Sĩ thường dùng để biểu lộ cảm tình của bà đối với bạn hữu. Bà đã sáng tác nhiều bài thơ dành riêng cho hội trong đó có bài “Bạn Bè Của Tôi”
“Bạn bè tôi, những nghệ sĩ yêu đời
Gặp gỡ nhau chuyện trò thân mật quá…
… Bạn bè của tôi chung lời hẹn ước
Đem tâm tình chia sẻ tiếng thời gian….
Bài thơ này đã được Nhạc sĩ Lâm Dung phổ nhạc và đã trở thành NVNT & TTG hành khúc cũng như được trình diễn trong hầu hết các buổi sinh hoạt của nhóm.
Lại một bài thơ nữa là bài “Mầu Thời Gian”, bài thơ này cũng là tựa đề của tập thơ mới nhất của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh-Ra Mắt cùng quý đồng hương hôm nay.
“Tôi vẫn làm thơ dưới nắng chiều
Mây ngàn gió núi dệt thương yêu
Câu thơ no nhỏ say hồn mộng
Ký ức vàng son gợi nhớ nhiều….
Hay:
… Mái tóc sương pha đã mấy mùa
Ngày dư còn lại chút hương xưa
Màu Thời Gian trải dài tân sự
Vạt nắng hoàng hôn gió nhẹ đưa
Trong sự nghiệp sáng tác, Nữ sĩ Dương Hồng Anh làm thơ từ năm 16 tuổi (1947). Tập thơ đầu tay “Hương Mùa Chinh Chiến” của bà được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949 và sau đó, còn gởi đăng trên nhiều nhà báo khác như báo Cải Tạo, Hồ gươm, Sinh Lực, Giang Sơn, Giác Ngộ, v.v…
Từ năm 1952 đến 1954, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh là thư ký tòa soạn báo Sinh Lực ở Hà Nội cho đến tháng 08, năm 1954, bà di cư vào Miền Nam Việt Nam cùng chồng là thẩm phán Nguyễn Sĩ Hiệp. Vào Saigon, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh ngưng gởi những bài thơ để đăng trên các báo chí, nhưng bà vẫn tiếp tục sinh hoạt văn thơ trong nhóm của các nhà thơ: Linh Điểu, Vạn An, Bùi Khánh Đản, Trình Xuyên, v.v… Năm 1990, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang California, và sau khi thẩm phán Nguyễn Sĩ Hiệp qua đời năm 2008. Năm 2010, sau một thời gian ngưng bút, Nữ Sĩ trở lại sinh hoạt thi văn cùng với các nhóm gồm: Văn Chương phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại của Nhà Văn Bùi Bích Hà, Văn Đàn Hải Ngoại, Hạnh Ngộ và thường xuyên đăng thơ trên báo Đất Đứng ở Sacramento, California, liên tục trong suốt 10 năm.
Trong suốt 11 năm, từ 2010 đến 2021, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã cho xuất bản tổng cộng 10 tập thơ gồm nhiều thể loại khác nhau như: Hương Mùa Chinh Chiến (1952); Từ Phương Trời Xa (2010); Chiều Bến Đợi (2012); Tiếng Thầm (2013); Đôi Bờ Thương Nhớ (2014); Mầu Trăng Thuở Ấy (2015); Sợi Nhớ Sợi Thương (2016); Tình Thu (2017); Vương Vấn Hồn Quê (2018); Nguồn Cội (2019) và Mầu Thời Gian (2021).
Khánh Lan xin kết thúc buổi nói chuyện hôm nay bằng 4 câu thơ mà Khánh Lan vừa viết tối qua, xin kính tặng Nữ Sĩ Dương Hồng Anh nhân buổi RMS của bà.
“Hoàng Hạc một nỗi thi ca
Trung trinh nét đẹp thác ngà văn chương
Hồng Anh nữ sĩ kiên cường
Tuổi cao thượng thọ bốn phương danh tài”.
Khánh Lan muốn ví Nữ Sĩ Dương Hồng Anh như một con hạc quý trong tháp ngà văn chương Việt Nam, chứ chẳng phải Trong Hoàng Hạc Lâu, một ngôi tháp lịch sử được cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn bên bờ sông Dương Tử thuộc thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu là bài thơ nổi tiếng của Thi Sĩ Thôi Hiệu, thời Đường.
Khánh Lan xin trân Trọng giới thiệu cùng quý độc giả yêu thơ: Nữ Sĩ Dương Hồng Anh.
Khánh Lan
California June 2022
HOÀNG HẠC LÂU
Thơ Thôi Hiệu, Tản Đà dịch
Nguyên văn chữ Hán | Phiên âm Hán Việt | Dịch nghĩa | Dịch thơ |
黃鶴樓 昔人已乘黃鶴去 此地空餘黃鶴樓 黃鶴一去不復返 白雲千載空悠悠 晴川歷歷漢陽樹 芳草萋萋鸚鵡洲 日暮鄉關何處是 煙波江上使人愁 | Hoàng Hạc lâu Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, Bạch vân thiên tải không du du. Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ. Phương thảo thê thê Anh Vũ châu. Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu. | Lầu Hoàng Hạc Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi. Ở chỗ này đây chỉ còn trơ lại một ngôi lầu tên là Hoàng Hạc. Hạc vàng đã bay đi rồi, không trở lại nữa. Mây trắng ngàn năm vẫn bay lơ lửng hoài. Bên dòng sông khi trời lạnh, hàng cây đất Hán Dương trông rõ mồn một. Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc mơn mởn xanh tươi. Lúc trời chiều, đứng ngắm cảnh, tự hỏi đâu là nơi quê nhà? Khói tỏa trên sông sóng gợn khiến cho người ta sinh ra mối buồn rầu trong lòng. | Gác Hoàng Hạc Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ! Hạc vàng đi mất từ xưa, Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. Hán Dương sông tạnh cây bày, Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non. Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? |