ĐÔI DÒNG TƯỜNG THUẬT VỀ BUỔI RMS CỦA NS DƯƠNG HỒNG ANH & TS LÊ NGUYỄN NGA
Buổi ra mắt sách đã viên mãn thành công trong khung cảnh nêu cao tinh thần yêu thi ca qua hai tác phẩm thơ, Màu Thời Gian và Lật Trang Sách Cũ. Buổi họp mặt thi ca được diễn ra trong không khí thân mật nhưng không kém phần long trọng. Ba diễn giả của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian gồm ba nhà văn Quyên Di, Khánh Lan và Mộng Thủy. Chương trình văn nghệ do Liên Nhóm NVNT & TTG đảm nhiệm với những nhạc phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ: Dương Thiệu Tước, Lê Trọng Nguyễn và Lê Nguyễn Nga.
Thành phần khách tham dự buổi ra mắt hai tập thơ đa số là khách văn học nên khi các diễn giả thuyết trình căn phòng hội chìm trong yên lặng, khiến không khí trở nên trang trọng và sự kín nể đối với hai vị Nữ sĩ. Mặc dù ngày 26 tháng 06 có đến 4 buổi hội họp văn học ở 4 nơi khách nhau, nhưng số khách tham dự buổi ra mắt 2 tập thơ đã vượt qua con số 80 người và số sách đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các độc giả yêu thơ và bán gần hết. Thật là “Giới hàn lâm tao nhân mặc khách chiếu cố…”
Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian xin cám ơn quý vị văn nghệ sĩ, quý nhiếp ảnh gia, quý phóng viên ký giả, quý đồng hương thân thương, Bác Sĩ Vương Đức Hậu, Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu, đăc biệt quý thân hữu thuộc các nhóm Hoàng Hạc Phạm Gia Cổn, Nhóm Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, Nhóm Văn Thi Đàn Thời Đại, và Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ đã đến chung vui cùng chúng tôi. Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian gởi lời cám ơn chân tình đến Nhiếp Ảnh Gia: Lê Hùng, ông là người đã chụp cho Liên Nhóm những tấm ảnh đẹp và có giá trị trong ngày RMS.
MỜI VÀO XEM HÌNH ẢNH CỦA BUỔI RMS:
VÀI NHẬN XÉT VỀ THI TẬP “MẦU THỜI GIAN” CỦA NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH
VÀ HAI DÒNG NHẠC “DƯƠNG THIỆU TƯỚC,” LÊ TRỌNG NGUYỄN TỪ GIÁO SƯ QUYÊN DI
Hôm nay là một ngày vui và đẹp, gian phòng chúng ta đang ngồi lại ấm cúng. Từ đâu mà có cái vui, đẹp, ấm cúng này? Theo tôi là do lòng yêu của chúng ta đối với văn chương nghệ thuật và tình cảm của chúng ta đối với anh chị em văn thi hữu. Ai trong chúng ta cũng vui, cũng đẹp trong bầu không khí ấm cúng này.
Ban Tổ Chức giao cho tôi nhiệm vụ giới thiệu thi tập thứ 11 của nữ sĩ Dương Hồng Anh, tựa đề là MẦU THỜI GIAN. Tôi cám ơn nhà văn Khánh Lan, khi nói về tiểu sử nữ sĩ Dương Hồng Anh, đã phần nào điểm qua những thi phẩm trong thi tập này. Những gì nhà văn Khánh Lan trình bày đã làm nhẹ trách nhiệm của tôi rất nhiều.
Nghe ba tiếng “MẦU THỜI GIAN,” thường chúng ta sẽ có cảm giác buồn bã, hay ít ra thì cũng bùi ngùi, luyến tiếc. Màu thời gian thường là màu vàng đậm của chiếc lá cuối thu, héo úa và tàn tạ. Nhưng nhìn vào màu bìa của thi tập, chúng ta đều thấy đó màu màu xanh của lá cây non, rất tươi mát và tràn đầy sức sống. Trong khi đó, nếu xét về niên tuế thì nữ sĩ Dương Hồng Anh năm nay đã hơn chín mươi. Điều này nói lên rằng, với nữ sĩ, thời gian không có ảnh hưởng gì. Lúc nào nữ sĩ cũng tươi trẻ. Đúng là:
“Chín mươi đâu phải là già,
Tám mươi thì mới chỉ là thanh xuân.”
Theo tiêu chuẩn ấy thì tôi mới chỉ là một chú “nhi đồng đá dế.” Nhi đồng mà dám nói những gì về một thiếu nữ tuổi thanh xuân thì quả là táo bạo. Nhưng vì nhiệm vụ, tôi cứ nói. Mong “thiếu nữ thanh xuân” tha thứ cho tôi.
Cũng trên bìa thi tập, chúng ta thấy ba chữ “MẦU THỜI GIAN” chứ không phải là “MÀU THỜI GIAN.” Điều này cho tôi biết đích xác tác giả là người miền Bắc chứ không phải miền Nam. Trong cách phát âm, người miền Nam ưa âm A mà người miền Bắc chuộng âm Ớ (viết là Â.) Người Nam phát âm là MÀU còn người Bắc phát âm là MẦU. Đây không phải là trường hợp đơn lẻ. Người Nam phát âm là màu sắc, trình bày, số bảy mà người Bắc phát âm là mầu sắc, trình bầy, số bẩy… Như thế, người Bắc đội nón cho chữ, còn người Nam lột nón của chữ đi. Ấy thế mà là có trường hợp ngược lại: người Bắc lột nón ông giáo, gọi là ÔNG THÀY và người Nam lại trịnh trọng đội nón cho ông giáo, gọi là ÔNG THẦY. Giáo sư Dương Ngọc Sum người miền Nam, chúng ta gọi là THẦY Dương Ngọc Sum. Chớ phải người Bắc gọi ông, sẽ gọi là THÀY Dương Ngọc Sum.
Quả nhiên, nữ sĩ Dương Hồng Anh được sinh ra tại Hà Nội, là cháu nội trực hệ của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, tỉnh Hà Đông; thân phụ là cụ Dương Tự Tám, hiệu trưởng trường tiểu học Nhật Tiến, Hà Nội, trước năm 1945. Tôi nhắc đến điều này vì trong thi tập MẦU THỜI GIAN, nữ sĩ có những bài thơ nặng tình với Hà Nội mà lát nữa chúng ta có dịp bàn đến.
Thi tập gồm 102 bài thơ. Hãy nói trước về bài thơ MẦU THỜI GIAN, tên được chọn làm tựa đề của thi tập. Bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ có 4 câu. Khổ đầu, tác giả gieo vần theo lối gián cách, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4. Này nhé:
Thời gian lờ lững trôi vô tận
Vui buồn thế sự nắng mưa rơi
Còn đây một mảnh tình non nước
Xin gửi vào thơ giấc mộng đời.
Nhưng ba khổ sau, tác giả lại gieo vần theo lối ba vần bằng, lối gieo vần tựa như trong thể thơ Đường luật cổ kính:
Thơ theo ngày tháng vẫn Đi – Về
Những chiều những sớm những đêm khuya
Bao nhiêu thi tứ theo nhau bước
Phòng vắng canh dài viết mải mê.
Tôi vẫn làm thơ dưới nắng chiều
Mây ngàn gió núi dệt thương yêu
Câu thơ nho nhỏ say hồn mộng
Ký ức vàng son gợi nhớ nhiều.
Mái tóc sương pha đã mấy mùa
Ngày dư còn lại chút hương xưa
Mầu thời gian trải dài tâm sự
Vạt nắng hoàng hôn, gió nhẹ đưa.
Sao lại như thế? Tôi có cảm tưởng rằng ban đầu tác giả nhìn dòng thời gian dù có liên tục trôi, nhưng thật ra có nhiều đoạn đời có thể tách rời ra được. Nhưng một khi đã đạt được cái lẽ đời, tác giả nối tất cả các đoạn đời ấy lại thành một dòng trôi liên tục: dòng đời.
Thật khéo!
Tác giả cũng làm thơ lục bát, lối thơ đậm hồn tính Việt Nam. Ai cũng có thể làm đôi dòng lục bát, vì dễ. Nhưng cái gì càng dễ mà đạt đến cái vi diệu của nó lại càng khó. Lục bát mà làm không khéo sẽ thành bài vè. Hãy thưởng thức lục bát của nữ sĩ Dương Hồng Anh qua bài thơ NẮNG TÀ:
Nắng tà đổ bóng xiêu xiêu
Nắng tà vẫn sáng đường chiều gió bay
Tóc sương nhuộm trắng trời mây
Đếm thời gian trải bao ngày nắng mưa
Nhìn về nẻo cũ thềm xưa
Sợi dây dĩ vãng níu bờ vai thon
Chiều nao nhón gót chân son
Sóng lòng hay sóng biển đông dạt dào
Vườn đời đẹp mãi muôn sao
Ngàn phương gió lộng dâng cao suối hồn
Nắng còn vui đón hoàng hôn
Con tầm nhả kén vẫn còn se tơ
Nắng ơi! dù đã xế tà
Bốn phương mây nước bao la ngập trời
Thơ ai dệt nắng thêm tươi
Tâm tư lắng đọng nụ cười thời gian
Ước mơ trải dưới nắng vàng
Có người thơ vẫn lang thang Đi – Về.
Bài thơ viết về nắng. Nhưng nắng gợi cho tác giả nghĩ đến những nhịp tương phản hay tương giao của dòng đời: nắng-mưa, sóng lòng-sóng biển, mây-nước, Đi-Về. Đặc biệt là cặp tương phản Đi-Về được tác giả nhắc đến trong nhiều bài thơ. Trên đường đời, ta Đi đâu, ta Về đâu? Đó là một câu hỏi lớn của kiếp nhân sinh.
Tôi thích nhất đoạn thơ này:
Sợi dây dĩ vãng níu bờ vai thon
Chiều nao nhón gót chân son
Sóng lòng hay sóng biển đông dạt dào
Vườn đời đẹp mãi muôn sao
Ngàn phương gió lộng dâng cao suối hồn.
Đoạn thơ tả vẻ đẹp ngoại diện của tuổi thanh xuân: bờ vai thon, gót chân son mà lại nói lên được cả nội tâm dạt dào của nhà thơ: sóng lòng, suối hồn.
Hãy thử điểm qua các động từ trong bài thơ: đổ (bóng,) nhuộm, trải, nhìn, níu, nhón (gót,) lộng. Những động từ này có gợi gì trong tâm hồn ta trong môt buổi chiều nắng tà không?
Ơi, sao mà đẹp và sâu lắng!
Tôi, một người Hà Nội, xin được phép nhắc đến một bài thơ nữa trong thi tập MẦU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh: bài thơ NHỚ VỀ HÀ NỘI, tác giả viết để thương tặng cô em gái là nữ sĩ Dương Tuyết Lan, ở Hà Nội. Tấm lòng thi nhân rất dạt dào tình cảm, trong đó có tình anh chị em trong cùng một gia đình. Tình cảm này cũng nồng nàn, sâu đậm chẳng kém gì tình yêu nam nữ, lứa đôi, bằng hữu hay tình yêu đối với đất nước, quê hương, dân tộc.
Hai chị em, chị ở đất Cam-ly (California) Mỹ quốc; em ở Hà Nội, miền đất nghìn năm văn vật. Một ngày kia chị nhận được thư em từ Hà Nội gửi sang. Đọc thư mà lòng chị bồi hồi, nước mắt chị rưng rưng. Thế rồi chị viết cho em những câu thơ chứa chan tình cảm:
Bên hiên ngồi đọc thơ Hà Nội
Kỷ niệm năm xưa bỗng sáng ngời
Nhớ mãi bao nhiêu hình ảnh đẹp
Một thời xuân thắm tuổi hai mươi.
Tay run run mở lòng xao xuyến
Đọc từng nét chữ của em tôi
Ấp ủ những vần thơ gợi nhớ
Chập chờn mây nước mộng ngàn khơi.
Dâu bể thời gian đã đổi rời
Qua bao năm tháng nắng mưa rơi
Những vần tâm sự lăn trên giấy
Vẫn khắc trong tim một góc trời.
Ta đã xa nhau từ độ ấy
Kinh thành Hà Nội một chiều thu
Chiều thu nhạt nắng hoen mầu áo
Tay nắm tay nhau phút giã từ.
Em ơi! ngày tháng trôi mau quá
Đếm bước thời gian tóc điểm sương
Vẫn hẹn ngày về vui tổ ấm
Đường chiều êm ả dệt yêu thương.
Mơ về dĩ vãng, mơ sông núi
Tìm dấu chân xưa luống ngậm ngùi
Em nhỉ! Bao giờ ta gặp lại
Câu thơ xướng họa những vần vui.
Sông núi đôi bờ xa cách quá
Buồn len song cửa nhuốm cô liêu
Lắng nghe hơi thở ngàn hoa lá
Dào dạt hương xưa gợi nhớ nhiều.
Nhìn thu lãng đãng trên đường vắng
Nhắc lại bao nhiêu chuyện chúng mình
Áo lụa Hà Đông đi dạo phố
Chiều thu dệt mộng nắng vàng xinh.
Hàng liễu rung rinh chiều lá đổ
Bên hồ Hoàn Kiếm đẹp như thơ
Khăn voan hồng thả trên vai áo
Êm ả hoàng hôn thỏa ước mơ.
Dâu bể thời gian đã đổi rời
Qua bao năm tháng nắng mưa rơi
Những vần tâm sự lăn trên giấy
Vẫn khắc trong tim một góc trời.
Tác giả gieo vần theo lối gián cách, nhưng thỉnh thoảng chẹn vào một khổ gieo ba vần bằng, thí dụ:
Dâu bể thời gian đã đổi rời
Qua bao năm tháng nắng mưa rơi
Những vần tâm sự lăn trên giấy
Vẫn khắc trong tim một góc trời.
Và nhất là khổ thơ cuối:
Dâu bể thời gian đã đổi rời
Qua bao năm tháng nắng mưa rơi
Những vần tâm sự lăn trên giấy
Vẫn khắc trong tim một góc trời.
Không biết vô tình hay cố ý (mà tôi tin là cố ý,) tác giả đã diễn tả tình trạng thực tế là sự ngăn cách về không gian của hai chị em, nhưng về tình cảm thì hai tâm hồn ấy không bao giờ ngăn cách.
Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp của đất và người Hà Nội, dù đó là hình ảnh vui hay buồn: kinh thành Hà Nội một chiều thu, chiều thu nhạt nắng, áo lụa Hà Đông đi dạo phố, Hàng liễu rung rinh chiều lá đổ bên hồ Hoàn Kiếm, khăn voan hồng thả trên vai áo… Hỡi những người Hà Nội xa xứ, như nhà thơ Hà Phương đang có mặt ở đây, một ngày sương mù khói toả, một chiều nắng ối xây thành, hồn viễn du có thấy nhớ thương da diết miền cố lý khi đọc những câu thơ này? Người Hà Nội “chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” dù lưu lạc đến tận chân trời góc biển vẫn giữ ở một chỗ trang trọng nhất, thâm sâu nhất trong trái tim mình nỗi niềm thương nhớ đất Thăng Long.
Trong bài thơ có nhiều chữ rất đắt, nghĩa là hay quá, khó có chữ nào khác thay thế được, như hai động từ “lăn” và “khắc”:
Những vần tâm sự lăn trên giấy
Vẫn khắc trong tim một góc trời.
Đã “lăn” tức là chuyển động trên một đường dài hay một mặt rộng thì không thể “khắc” tức là đục sâu xuống những đường nét ở một chỗ. Ấy thế mà dòng tâm sự là những vần thơ lăn trên giấy nhưng lại khắc sâu vào tâm hồn mình. Khắc gì? Khắc một góc trời Hà Nội.
Ôi, tuyệt!
Tôi táo bạo đưa ra mấy nhận xét thô thiển. Xin “bà chị” đừng chê, trách “em.” Tôi gọi nữ sĩ Dương Hồng Anh là “bà chị” vì bà thông gia với ông anh kết nghĩa của tôi là nhà thơ Huy Trâm. Học Đức, con gái ông Huy Trâm, là con dâu nữ sĩ Dương Anh Anh, cùng với cô em gái Học Đường đang có mặt ở đây trong thành phần tiếp tân. Mấy cô này gọi tôi bằng chú. Vậy, nữ sĩ Dương Hồng Anh là bà chị dâu của tôi vậy.
Tôi tạm kết thúc phần giới thiệu thi phẩm MẦU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh để chuyển qua phần giới thiệu một vài nhạc phẩm của hai nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn. Tại sao lại có phần giới thiệu này. Thưa, vì hôm nay chúng ta giới thiệu hai tập sách, MẦU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh và LẬT TRANG SÁCH CŨ của nhà thơ Lê Nguyễn Nga. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là anh họ của nữ sĩ Dương Hồng Anh và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là phu quân thi sĩ Lê Nguyễn Nga. Hôm nay chúng ta trình bày và thưởng thức những ca khúc của hai nhạc sĩ này, tưởng cũng nên biết một chút về hai vị như một cách tri ân.
Nếu đã táo bạo giới thiệu thi tập MẦU THỜI GIAN thì khi nhận lời nhận định về vài nhạc phẩm của Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn, phải nói là tôi liều lĩnh. Chung quy vì vì lời xúi dại của nhà văn Việt Hải, ổng xúi tôi nói. Tôi nhận lời vì cả nể. Nhận lời rồi mới biết là mình quá liều lĩnh. Cái tính cả nể này nguy hại vô cùng. May, mẹ tôi sinh tôi ra, tôi là con trai, chứ nếu là con gái thì đời tôi không biết đã “hoảng chưa” bao nhiêu lần rồi! Nhưng đã nhận lời thì phải nói thôi, biết làm sao bây giờ. Thật, không cái dại nào bằng cái dại này.
Tôi nói gì về nhạc phẩm “Chiều,” thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước nhỉ? Bài thơ gồm những câu ngắn, mỗi câu 5 chữ:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chết trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Mây chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây.
Tôi “mù” nhạc, nhưng có cảm tưởng rằng những câu ngắn này khó phổ thành nhạc, không như những câu lục bát, chẳng hạn lục bát trong bài “Vần Thơ Sầu Rụng” của Lưu Trọng Lư:
Vừng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ…
Năm năm tiếng lụa xe đều…
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay,
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông.
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng,
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh.
Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này rất khéo, rất tự nhiên, nhất là những chỗ láy của “độ,” “ngồi,” “nhẹ,” “đầy,” “dòng” … nghe mà mường tượng nhìn thấy khung dệt quay đều, quay đều.
Nhưng đây là thơ năm chữ! Thế mà Dương Thiệu Tước phổ thành một bản nhạc rất du dương. Ông viết bản nhạc theo điệu tango với cung “rê trưởng.” Thường cung “rê trưởng” hợp với những bài hát vui tươi, nhịp nhàng. Viết “rê trưởng” cho điệu tango quả là thích hợp. Nhưng cái khéo của Dương Thiệu Tước là khi ta hát hay ta nghe bài “Chiều,” vẫn thấy có cái gì bâng khuâng, bùi ngùi trong cung điệu nhịp nhàng ấy. Mình cứ hát đi, hát với giọng vịt đực của tôi cũng được, sẽ cảm nhận được điều ấy.
Cho đến nhạc phẩm “Đêm Tàn Bến Ngự” thì phải gọi là “tuyệt phẩm.” Nên nhớ, Dương Thiệu Tước là “người Hà Nội chúng tôi” nhé. Thế mà công tử Hà Thành viết về đêm trên bên Ngự, đố nghệ sĩ đất thần kinh nào xô lệch được nó.
Chung quy chỉ vì thứ nhất, công tử Hà Thành mê người đẹp đất thần kinh Minh Trang. Minh Trang là nữ danh ca một thời của miền Nam Việt Nam. Thời chúng tôi, thập niên 60, có một câu hát được loan truyền, nhại theo cung điệu bài hát Gạo Trắng Trăng Thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trong đó nêu đủ nghệ danh của những nhạc sĩ, ca sĩ thời danh thuở ấy:
Ông Canh Thân, ông Phạm Duy, cô Thuý Nga với ông Hoàng Thi Thơ,
Cô MINH TRANG, bạn Mạnh Phát với cô Minh Diệu… Mê người đẹp xứ Huế nên Dương Thiệu Tước viết “Đêm Tàn Bến Ngự” với nỗi niềm say mê không kém.
Thứ hai, Dương Thiệu Tước nắm vững hổn nhạc Việt. Ông đã từng phát biểu: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền.”
Nhạc Việt là nhạc ngũ cung, tương đương với nhạc bình ca (Gregorian) La-tinh, âm vực trung bình. Tuy nhiên, xét về độ luyến láy thì nhạc ngũ cung giàu hơn. Lại nữa, Đêm Tàn Bến Ngự mang chút âm hưởng điệu Nam Bình, một thể loại của nhạc xứ Huế, buồn man mác và sâu lắng.
Tôi không dám nói thêm, sợ các nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ có mặt hôm nay cười và mắng cho.
Riêng về nhạc Lê Trọng Nguyễn, tôi chỉ xin đưa ra một vài hình ảnh trong nhạc phẩm Nắng Chiều, một nhạc phẩm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn rất được yêu thích ờ nhiều nước khác, như Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong. Tôi có dịp đọc lời Nhật, lời Hoa của nhạc khúc này, không thấy hình ảnh trong đó đẹp bằng những hình ảnh trong nguyên bản tiếng Việt. Vì là “Nắng Chiều,” xin nói về nắng. Có 5 thứ nắng được diễn tả trong bài hát: nắng lưa thưa, nắng vương thềm, sân nắng, nắng vương đồi, nắng ngừng trôi. Ồ, nắng mà “lưa thưa.” Tại sao nắng “lưa thưa” được? Vì có “lá hoa về chiều” lưa thưa nên nắng mới thưa thưa theo được. (Cũng như phụ nữ đẹp vì có nam giới chúng tôi khiến cho phụ nữ thích làm đẹp.)
Lại còn “nắng vương.” Vương là bám nhẹ, loang nhẹ, rơi nhẹ vào. Hình ảnh “nắng vương thềm” đẹp và thơ mộng quá. Thềm ở bên ngoài, nhưng là nơi sát với nhà, chỉ một bước nữa thôi là bước vào trong nhà. Tâm hồn cô thiếu nữ là ngôi nhà kín đáo và thân mật. Chàng trai yêu cô gái, nhưng còn đứng đợi bên thềm chờ cô mở cửa cho vào nhà. Thềm nhà xuất hiện trong nhiều bài thơ hay nhạc phẩm. Chúng ta vẫn thường hát: “Hôm qua đến tìm em, anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm.” (Đẹp Giấc Mơ Hoa, Hoàng Trọng) … Cho đến “nắng vương đồi” thì là một hình ảnh quá đẹp, và thật gợi cảm đối với những ai hơi giàu tưởng tượng và có óc liên tưởng.
“Nắng ngừng trôi”! Cái này mới thật là lạ. Nắng trôi được vì có sự chuyển động trong không gian lúc chiều về. Đó như là một định luật; mặt trời mọc, mặt trời lặn nên có bình minh và hoàng hôn. Thế mà bây giờ “nắng ngừng trôi,” nắng dừng lại, không trôi nữa vì nắng “nhớ em dịu hiền.” Đã đẹp chưa, đã thơ chưa nào? Chịu! Tả nắng như thế thì khó có nhà thơ, nhà văn nào tả khéo hơn!
Thôi, tôi xin phép chấm dứt bài nói chuyện thô thiển ở đây, vì sợ làm rác tai người nghe vì những suy nghĩ lẩm cẩm. Xin vui lòng bỏ qua những gì tôi nói “lảm nhảm” về những tuyệt phẩm nghệ thuật. Nói nữa, e rằng tôi phạm tội làm kém đi, xấu đi những gì quá hay, quá đẹp.
QUYÊN DI
California, July 2022
BUỔI RA MẮT HAI TẬP THƠ MÀU THỜI GIAN của nữ sĩ DƯƠNG HỒNG ANH và LẬT TRANG SÁCH CŨ của nhà thơ LÊ TRỌNG NGUYỄN NGA
TẠP GHI CỦA NHÀ VĂN KIỀU MY
Dưới nắng vàng rực rỡ của ngày Chủ nhật trong thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã tổ chức một buổi ra mắt hai tập thơ của nhị vị thi sĩ DƯƠNG HỒNG ANH và LÊ TRỌNG NGUYỄN NGA, có thể nói đã đạt được thành công tốt đẹp.
Những cành lá màu xanh của mạ non đong đưa được phô trương ngoài trang bìa tập thơ MÀU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh, gợi lên trong ta nhiều cảm nghĩ. Tuy bà đã 92 tuổi đời…nhưng cũng tạo cho ta cảm tưởng bà vẫn luôn mang một tâm hồn thi sĩ, trẻ trung yêu đời và tinh tinh thần lạc quan hiếm có của một người từng trải qua nhiều cảnh đời. Trong những áng thơ của nữ sĩ chan chứa đầy tình người, tình gia đình và chắc hẳnn không thiếu tình bạn hữu mà bà đã thể hiện qua bài thơ “ Bạn Bè Của Tôi”. Bài thơ này đã được ca nhạc sĩ khả ái Lâm Dung phổ nhạc và trở thành NVNT&TTG hành khúc…đã nói lên tấm lòng nhân hậu của nữ sĩ Dương Hồng Anh đáng kính này.
Nhìn qua bàn bên cạnh, khung cảnh một rừng thu mang đầy những chiếc lá đủ màu sắc trên trang bìa tập thơ LẬT TRANG SÁCH CŨ của thi sĩ LÊ TRỌNG NGUYỄN NGA…Mùa thu rất đẹp nhưng mang những nét buồn lãng mạn với những chiếc lá úa màu, như mảnh đời của kiếp người trãi qua cuộc sống thăng trầm, có lẽ cũng là chính cuộc đời của thi sĩ. Trong thơ mang đậm tình quê hương, lòng yêu nước đậm đà và đặc biệt là tình yêu chung thủy dành cho người chồng quá cố qua bài thơ “Nhớ Anh Mùa Phượng Tím” khiến chúng ta phải kính phục…Bài thơ này cũng được giọng ngâm phong phú của Ngọc Quỳnh diễn đạt xuất sắc…ngân nga theo cùng với những kỷ niệm buồn vui, những thương tiếc nhớ nhung người bạn đời mà luôn in sâu trong ký ức của thi sĩ.
Quan khách lần lượt đến khá đông, mọi người thật vui vẻ và nhâm nhi thức ăn nhẹ được ân cần khoản đãi. Có người phát biểu rằng: “ Không khí ở đây thật ấm cúng và thân thiện!” Thật không sai! Vì nhà văn Trần Việt Hải, là trưởng nhóm của NVNT & TTG, với chủ trương mọi thành viên thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong tình văn học như một gia đình. Mọi người trong nhóm luôn ý thức và tuân giữ những điều tốt đẹp hầu duy trì NVNT & TTG được lâu bền để bảo tồn văn hóa Việt Nam nơi hải ngoại.
Giờ khai mạc chương trình bắt đầu! Cô MC Mộng Thủy bước lên sân khấu chào mừng quý quan khách hiện diện trong buổi ra mắt hai tập thơ hôm nay gồm có: quý giáo sư: Dương Ngọc Sum, Trần Huy Bích, Quyên Di…Các nhà văn: Nguyễn Quang, Việt Hải, Khánh Lan, Kiều My v.v…Những nhà thơ: Lê thị Việt Nam, Hà Phương, Mắt Nâu v.v… và rất nhiều thân hữu đã đến như một sự khích lệ cho những nhà văn, nhà thơ hoạt động trong lãnh vực văn học, hầu bảo tồn và lưu truyền nền văn hóa Việt cho những thế hệ mai sau.
Nhạc quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trổi lên rất hùng hồn, mọi người đứng thật trang nghiêm, kính cẩn chào quốc kỳ. Các ca sĩ của TTG trong trang phục áo dài truyền thống cùng hát vang bài quốc ca của hồn dân tộc. Trong khoảnh khắc, người dân Việt dù ở nơi nào trên địa cầu này vẫn luôn tưởng nhớ về quê hương thân yêu đã xa cách ngàn trùng mà không khỏi ngậm ngùi. Bài quốc ca Hoa Kỳ được cất lên sau đó qua tiếng hát của ca sĩ Minh Thư… Hoa Kỳ là quê hương thứ hai mà đã cưu mang người dân tị nạn Cộng sản của chúng ta. Vì thế mọi người hết sức kính cẩn và tri ân lá quốc kỳ với bàn tay phải úp lên ngực thật chân thành. Tiếp đến là phút mặc niệm…Để tưởng nhớ đến những anh hùng Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đã hy sinh mạng sống mình cho TỰ DO…vô cùng cảm động! Trong giây phút linh thiêng, tất cả mọi người trong khán phòng im lặng cúi đầu với những lời nguyện cầu trong tâm tư.
Không khí trở nên sinh động vui tươi khi màn trình diễn của sáu ca sĩ: Thụy Lan, Lệ Hoa, Lâm Dung, Ái Liên, Ngọc Quỳnh và Minh Thư họp ca bản Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn thật đặc sắc. Có thể nói ca khúc Nắng Chiều là đứa con tinh thần mà nhạc sĩ đắc ý nhất đã tạo nên tên tuổi của tác giả và được hầu hết giới yêu nhạc yêu thích và đón nhận nồng nhiệt.
Phần 1/ Giờ văn học:
Giờ văn học được bắt đầu với nhà văn Khánh Lan nói về tiểu sử của nữ sĩ Dương Hồng Anh. Hôm nay là ngày song hỷ của nữ sĩ, vừa ra mắt tập thơ MÀU THỜI GIAN đồng thời mừng sinh nhật thứ 92 của bà. Bà vốn sinh trưởng trong dòng tộc quan Thượng Thư – Thi sĩ Dương Khuê, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, và đương thời là khoa học gia Dương Nguyệt Ánh…Chịu ảnh hưởng gia tộc thơ văn, vì thế chúng ta không làm lạ khi đến tuổi này bà vẫn còn hăng say sáng tác thành những vần thơ thật đẹp xuất phát từ chiều sâu trong tâm hồn, với mong mỏi được cống hiến cho những ai yêu thơ văn được thưởng lãm. Được biết, bà làm thơ từ khi 16 tuổi trước khi lập gia đình. Sau khi thành hôn với thẩm phán Nguyễn Sĩ Hiệp, bà tạm ngưng làm thơ để dồn mọi nổ lực chăm sóc cho phu quân và các con. Sau khi người bạn đời quy tiên, bà rất buồn và trở về con đường thơ văn cho đến hôm nay như gửi gấm nỗi niềm qua văn chương thi phú.
Giáo sư Quyên Di vốn là G.S trường trung học Nguyễn Bá Tòng nổi tiếng trước 1975 ở Sài gòn, ông luôn thể hiện là một người thầy lịch lãm trong văn chương và phong cách. Từ những kiến thức sâu rộng, ông cho chúng ta biết thêm về hai cố nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam là Dương Thiệu Tước (DTT) và Lê Trọng Nguyễn (LTN). Cả hai nhạc sĩ trên đều có liên hệ gia đình với hai thi sĩ, là hai ngôi sao sáng hôm nay. Nói về sự nghiệp âm nhạc, hai nhạc sĩ DTT và LTN đã cống hiến cho chúng ta những ca khúc thật trữ tình, thật tuyệt vời…mà đã đi sâu vào lòng người và sẽ còn sống mãi với thời gian. Những ca khúc đã tạo nên tên tuổi cho nhạc sĩ Dương Thiệu Tước như: Ngọc Lan, Bóng Chiều Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Chiều v.v…Bên cạnh đó, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là tác giả của những bản nhạc nổi tiếng như: Nắng Chiều, Lá Rơi Bên Thềm, Cát Biển, Chiều Bên Giáo Đường v.v… Với những dòng nhạc tuyệt vời này sẽ lần lượt được các ca sĩ của TTG trình diễn trong chương trình văn nghệ sau giờ văn học; như những lời tri ân dành cho nhị vị nhạc sĩ tài ba đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam thêm phong phú.
Vị thi sĩ mà chúng tôi muốn nói đến là Lê Trọng Nguyễn Nga, là tác giả của tập thơ LẬT TRANG SÁCH CŨ mà cũng là phu nhân của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và là mẹ của bốn người con. MC Mộng Thủy cho biết thêm: bà là cựu học sinh trường Trưng Vương. Sau đó, bà làm việc cho Hàng Không Việt Nam rồi lập gia đình với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Khi sang Hoa Kỳ, bà học trường Cal State Los Angeles và tốt nghiệp về kế toán. Sau cùng trước khi về hưu, bà là cán sự xả hội tại thành phố Los Angeles trong một thời gian dài.
Sau giờ văn học, mọi người có vẻ lao xao và vui hẵn lên với hoa hồng tươi và bánh sinh nhật được bày trên chiếc bàn giữa hội trường. Nhân dịp này mọi người tề tựu chúc mừng sinh nhật thứ 92 của nữ sĩ Dương Hồng Anh chung quanh chiếc bánh giữa những hoa hồng vàng, hồng đỏ tươi thắm tròn lẵn như những thiếu nữ tuổi xuân thì. Các bậc trưởng thượng như G.S. Dương Ngọc Sum, NV Nguyễn Quang, NV Việt Hải lần lượt gửi đến nữ sĩ những lời chúc đầy ý nghĩa. Một cách đặc biệt và bất ngờ, GS. Quyên Di đã đọc bài thơ của NV Kiều My (KM), như những lời ca tụng và cầu chúc tốt đẹp nhất mà KM dành cho nữ sĩ Dương Hồng Anh và Lê Trọng Nguyễn Nga trong một ngày đáng ghi nhớ.
TUỔI VÀNG
Dâng đời bao ý thơ huyền dịu
Theo gió thoảng…ru hồn thi nhân
Thời gian sương rơi trên mái tóc
Tuổi vàng tô thắm mấy cung tơ
Ngây ngất hồn thơ vương nắng úa
Chiều về hoa khép nhẹ bờ mi
Lặng nghe giòng đời hồn thổn thức
Mênh mang nét đẹp… tuổi hoàng hôn
*****
Hồn lạc về đâu? Thi nhân hỡi!
Vần thơ mềm như khúc nhạc êm
Nhạc và thơ như mây với gió
Gió cuốn mây trôi trong nắng vàng
Nắng có phai màu hồn thi sĩ?
Hay…
Nắng vẫn lung linh cùng gió mây…
Qua bài thơ trên, NV Kiều My đã ca tụng tuổi hoàng hôn của hai vị thi sĩ như thời gian của “tuổi vàng”; một lứa tuổi hạnh phúc bên con cháu đầy đàn, tận hưởng cuộc sống an nhàn thảnh thơi, không còn vật vả với mưu sinh nữa. Hơn thế nữa, hai vị còn hăng say sáng tác những vần thơ đầy tình người hầu làm đẹp cho đời, và cũng để đóng góp những bông hoa cho vườn văn chương nghệ thuật thêm phong phú. Tuổi vàng của hai vị…thật đẹp! Thật cao quý!
Phần 2/ Văn nghệ:
Chủ đề trong chương trình văn nghệ hôm nay, các ca sĩ trình diễn những nhạc phẩm của Dương hiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn như:
Dương Thiệu Tước: Đêm Tàn Bến Ngự – Trần Thạch
Ngọc Lan – Thụy Lan
Chiều – Lưu Mạnh Bổng
Bóng Chiều Xưa – Kiều My
Thuyền Mơ – Lâm Dung & Ái Liên
Lê Trọng Nguyễn: Nắng Chiều – Ban họp ca
Cát Biển – Ban tam ca: Thụy Lan, Lệ Hoa, Minh Thư
Lá Rơi Bên Thềm – Kiều My
Bến Giang Đầu – Lâm Dung
Kết thúc chương trình với bản nhạc NVNT & TTG hành khúc “Bạn Bè Của Tôi” trong điệu luân vũ nhẹ nhàng vui tươi, thơ của nữ sĩ Dương Hồng Anh do ca nhạc sĩ Lâm Dung phổ nhạc, đã là ấm áp lòng người trước khi ra về.
Mọi người lưu luyến chia tay nhau trong tình thân ái và hẹn gặp lại một buổi ra mắt sách kế tiếp.
KIỀU MY
California July 4, 2022
Buổi RMS của 2 TS : Lê Trọng Nguyễn Nga& Dương Hồng Anh , do Nhóm “ NVNT…60 new items · Album by Hung Le |