CHỦ ĐỀ XA QUÊ HƯƠNG
Sáng nay cô em Khánh Lan gởi cho tôi nghe bài hát Xa Quê Hương do cô sáng tác qua giọng hát của ca nhạc sĩ Lâm Dung. Bài hát theo thể loại buồn và tha thiết gói trọn niềm nhung nhớ của tác giả, hồi tưởng về quá khứ của 46 năm trôi qua khi cô bỏ nước ra đi, và nỗi cảm xúc của người con Việt trở về thăm lại quê hương sau 17 năm viễn xứ. Sự diễn tả diêu luyện, nhẹ nhàng, êm ái của Lâm Dung như quyện vào từng chữ trên khung nhạc khiến diệu nhạc, lời ca trở nên xa vắng, chất chứa đầy nỗi đau thương, cô độc. Bài hát đã để lại ít nhiều cảm xúc cho người thưởng thức vì nó chính là tâm trạng, cảm nghĩ của nhiều người Việt Nam chúng ta.
Tôi được biết Khánh Lan ngoài sở thích văn học và vũ nghệ thuật (choreography), cô còn theo đuổi ngành âm nhạc như lyricist (parolière), dùng piano sáng tạo nguồn cảm hứng tìm làn nhạc (Melody) và với sự giúp đỡ của bạn bè âm nhạc như Lâm Dung, HạĐỏBích Phượng, Thuỵ Lan trong phạm vi sáng tác âm nhạc: viết ký âm (solfège), hoà âm (harmonie), và sáng tác (composition). Đây là những chủ đề về kỹ thuật mà người viết nhạc cần biết. Ngoài ra Khánh Lan cũng thủ đắc một vốn liếng phong phú về thi văn và thêm một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, nhất là yêu âm nhạc, yêu văn học, mê thi ca… lợi điểm này có thể giúp Khánh Lan tìm được nguồn cảm hứng sáng tác thêm trong dài hạn.
Mời các bạn thưởng thức nhạc phẩm:
XA QUÊ HƯƠNG
Nhạc & Lời: Khánh Lan
Hòa Âm & tiếng hát: Lâm Dung
Chủ đề về Quê Hương là đề tài được nhiều ca nhạc sĩ dùng trong âm nhạc, một trong những nhạc phẩm nổi tiếng mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là bản Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy.
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”
Tôi đã thuộc mấy câu hát ấy từ lâu lắm rồi, thuở tóc húi cua thì phải và vẫn ngợi đong đầy là bài “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Quê hương trong tâm thức tôi gồm quê nội Tây Ninh, Trảng Bàng…. Có những khóm tre, bụi trúc, cánh đồng lúa vàng, đàn trâu cày cấy lúa, v.v… Tôi viết: “Gởi Trảng Bàng, Gò Dầu và Tây Ninh. Tùy Bút Nhung Nhớ Quê Hương…
Xa quê hương thì ai lại không nhớ, khi quê hương ngụp lặn trong nghèo khó thì lòng ta quặn thắt xót xa. Tôi đọc những bài viết cũ về quê hương, nỗi nhớ quê hương cứ mãi tràn dâng. Dù tình thế chưa thuận tiện cho bao người tại hải ngoại phải từ chối trở về quê hương, không có nghĩa là họ chối từ quê hương, nhưng bởi lẽ họ không chấp nhận nhà cầm quyền độc đoán, bất tài bất xứng hiện nay mà thôi. Mọi người chúng ta khi sinh ra đời, rồi khi lớn lên chứa chất những hoài niệm về một góc trời quê hương trong trí nhớ nào đó, và quê hương chính là cái nôi sưởi ấm con tim, quê hương ru ta mỗi khi buồn vì lưu vong xa xứ, hay quê hương ru ta về những kỷ niệm xa xưa. Tôi nhìn những đám lục bình trôi trên sông Mississippi ngày nào mà chạnh nhớ về những dòng sông quê nhà như Vàm Cỏ Đông hay Cửu Long giang, nhớ bâng quơ rồi tim tôi bồi hồi xao xuyến. Rồi khi viếng cao nguyên Napa có những con đường rợp bóng mát do những cây sồi (oak) mà tàn cây to chụm vào nhau, đi giữa mùa hè mà không thấy ánh nắng dẫn vào thành phố Oakvillle của miệt Bắc Cali, như dạo nào tôi đi xuyên qua những con đường làng lối trúc ngõ tre ở Trảng Bàng, tôi còn nhớ hai hàng tre dọc hai bên đường che phủ rợp trời, che kín ánh nắng cho bóng mát tuyệt đối để hồn thơ trong tôi dâng trào:
“Tôi đi giữa lòng quê hương
Nắng Cali như bóng mát Trảng Bàng”
Đó là quê hương mang theo, như những hành trang theo tôi, có lẽ đến hết cuộc đời này, ôi quê hương nuôi ta từng ngày, ta mơ quê hương như yêu người tình.
“Tây Ninh nắng cháy da ngừơi,
Phố đông thân thiết hỡi ngừơi Tây Ninh?”
Link: https://dongsongcu.wordpress.com/2020/05/20/noi-nho-que-huong-viet-hai-los-angeles/
Vẫn quê hương mang theo lãng vãng trong tâm trí….
“Hè về trong ký ức cũ của tôi có những kỷ niệm quê hương không bao giờ quên, hè về cho ve sầu ca vang một góc trời, hè về cho hoa phượng đỏ nở rộ trên cành, hè cũng là mùa có mưa, có nhiều loài côn trùng bay bay trong gió, và hè về để tôi nhớ mãi bài ca của Thanh Sơn:
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương….”
Link: http://chimviet.free.fr/quehuong/viethai/vhan107_KyNiemQueHuongToi.htm
Bài khác nữa,
“Trong bài hát Con Đường Việt Nam, tác phẩm chung của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ nói về khung cảnh miền quê Việt Nam có bóng dáng con trâu gặp cỏ đường chiều, một vài em bé vui chơi thả diều, Bản nhạc tả cả một bầu trời quê hương Việt Nam thanh bình đáng yêu
“Nhớ xưa con đi học
Đường quê biên biệt màu nắng
Bướm bay như mây vàng
Dập dồn vui lây xóm làng….”
Phạm Duy thường dùng hình ảnh con trâu trong tác phẩm của ông, như trong bài Bình Ca:
“Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già
Nằm chơi trâu nhai cỏ….”
Cái tình nghĩa con người với con vật suốt cuộc sống cực khổ lam lũ của trâu vì kiếp của chúng được tạo hóa cho ra đời dưới cung mạng của một vì sao lầm than, nhưng chú Sửu là người gần gũi với loài trâu….”
Link: http://chimviet.free.fr/quehuong/viethai/vhan087.htm
Quê hương với tôi có Nguyễn Xuân Hoàng với Nha Trang dấu yêu, hiền hoà của miền cát trắng….
“Văn phong của Nguyễn Xuân Hoàng nhắc nhớ tâm hồn tôi về chốn đẹp quê hương, văn chương của ông cho tôi chút xao xuyến, chút bâng khuâng, và chút bồi hồi khi moi góc nhớ quê hương từ tiềm thức cũ mà hinh như đã chìm sâu vào quên lãng. Bài viết “Nha Trang Trong Mắt Tôi” ghi nhận tiếp….
“Tôi hiểu vì sao tôi yêu những khóm dương trên biển hơn ngôi nhà, yêu bãi cát trên biển hơn chiếc giường tôi nằm chung với một đứa khác mỗi đêm… Nha Trang, thành phố của biển xanh, và cát trắng, của rừng dương, rừng dừa, của Hòn Chồng, Cầu Đá, của cầu Hà Ra, Xóm Bống, của Tháp Bà, của Lương Sơn, Đồng Ðế, …Nha Trang, thành phố ấy bao giờ cũng dính chặt vào trí nhớ tôi….”
Link: http://www.ninh-hoa.com/VietHai-VanChuongTrietHocVaNguyenXuanHoang.htm
Quê hương trong tôi có Vũng Tàu quê ngoại…. “Quê ngoại tôi ở Vũng Tàu mà quê nội lại ở tỉnh Tây Ninh, nên ngày xưa khi hè về anh em chúng tôi được luân phiên chia làm 2 tốp, nếu tốp này về thăm nội, tốp kia thăm ngoại, như thế hoán chuyển mỗi mùa hè khi được bãi trường hay nghỉ học. Cả hai địa danh này đều cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm đáng nhớ về sông rạch, về biển cả và cá, đặc biệt cá có râu whiskers. Tôi còn nhớ những ngày hè trước năm 75, khi quân đội đồng minh Mỹ và Úc đến vùng biển Vũng Tàu, thì nơi đây có sinh hoạt kinh tế rất sinh động, phồn thịnh và tấp nập. Ở tuổi trẻ thích vui khi được về Cấp, tôi theo ông ngoại tôi ban đêm ra Cầu Đá trước Ty Bưu Điện ở bãi trước Vũng Tàu câu cá đến khuya 1 hay 2 giờ sáng. Miệt biển có loại cá dứa tương tự như cá bông lau sông rất ngon. Thú câu đêm rất vui, hai ông cháu đèo nhau trên xe gắn máy ra biển. Để phòng cái lạnh về khuya tôi nhớ tôi trang bị cho mình chiếc quần blue jean dầy và khoác áo xanh lá cây treillis thật ấm của quân đội Hoa Kỳ những lần câu đêm như vậy. Sau khi thả mồi nhìn biển cả xa xa tâm hồn thư thái, an nhàn vô cùng, gió biển vào hè mát lạnh khi trời càng về khuya, thỉnh thoảng tôi ngó phao xem có cá cắn câu chưa. Đèn pha của ngọn hải đăng từ trên núi thỉnh thoảng quạt một vệt sáng trên trời, không trung có hàng triệu vì sao lấp lánh, những tinh tú ẩn hiện tận chân trời xa xăm cho thấy vũ trụ thật bao la….”
Link: http://www.ninh-hoa.com/VietHai-CaTamTinhvaKyNiem.htm
Với Khánh Lan, việc cho ra 4 tác phẩm văn hoc vào tháng 9 này, cô đang dự trù cho ra 4 sách mới về triết học và xã hội học như ngành học và kinh nghiệm việc làm trong quá khứ của cô. Việc khuyến khích những đàn em sáng tác văn học hay âm nhạc cần thì giờ, chia sẻ kinh nghiệm, những giúp đỡ cần thiết, v.v… Cám ơn quý niên trưởng, quý đàn anh, những Nguyễn Quang, Dương Ngọc Sum, Trần Huy Bích, Quyên Di, Phạm Hồng Thái, Vương Trùng Dương, Võ Tá Hân. Tôn chỉ của nhóm (Group team):
“Tri ân người đi trước, Sánh bước người đi sau”.
Cám ơn và cám ơn.
Việt Hải
Los Angeles, 15/07/2021.