Âm nhạc,  Tin tức

Chiều Thơ Nhạc Dương Thiệu Tước & Dương Hồng Anh

Chiều Thơ Nhạc Dương Thiệu Tước và Dương Hồng Anh được tổ chức trang trọng tại phòng hội văn nghệ NT Studio, Westminster, để tưởng nhớ vị nhạc sĩ tài ba Dương Thiệu Tước, đồng thời để vinh danh và mừng thọ 90 niên kỷ của nữ sĩ Dương Hồng Anh, người em của GS. Dương Thiệu Tước. Cả hai đều thuộc gia tộc danh giá Dương Khuê và Dương Lâm. Nhân dịp này Tiến Sĩ Trần Huy Bích, vị giáo sư cố vấn thi ca văn học cho nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật sẽ giới thiệu thi tập mới toanh thứ 6 của Hồng Anh nữ sĩ, được ra mắt đồng hương tại Nam California. Một hứa hẹn thi ca văn học, với sự góp mặt của ngâm sĩ Bích Ty Chi Bảo, người cộng tác trong chương trình Thi Văn Tao Đàn của Đinh Hùng – Thanh Nam (trước năm 1975) sẽ diễn ngâm thơ mới của Thi sĩ Dương Hồng Anh. Ngoài ra, Nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ sáng tác và là một cầm thủ kiệt xuất về Tây Ban Cầm Cổ Điển, cũng là môn đệ “cục cưng” của GS. Dương Thiệu Tước tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (1962-67); sẽ tâm tình về những kỷ niệm về Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và trình bày ngón đàn Tây Ban Cầm góp vui cho chương trình. Chương trình âm nhạc đặc sắc do nhóm âm nhạc Tiếng Thòi Gian, hướng dẫn bởi Ca nhạc sĩ Christina Lâm Dung giới thiệu những ca khúc vượt thời gian của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ban nhạc phụ trách phần âm nhạc cho chương trình là hai nhạc sĩ Quốc Sĩ – Duy Nhật. Emcees: Bích Trâm, Ngô Thiện Đức và Nhật Uyên.

Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thòi Gian xin kính mời quý đồng hương thân thương hãy đến với Chương trình Chiều Thơ Nhạc Dương Thiệu Tước và Dương Hồng Anh. Vào Cửa Tự Do *.

Trân Trọng Kính Mời.
Ban Tổ Chức: Lâm Dung, Khánh Lan, Mộng Thủy, Bích Ty. Minh Châu, Mai Hương, Nhật Uyên, Bích Trâm, Trần Mạnh Chi, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Phước Hồng, Ngô Thiện Đức, Henry CSUF và ThụyVy.

* Có thức ăn nhẹ (light refreshment).

———————————————————————————-
Thi Ca Dương Hồng Anh.

Cô em Minh Châu, tức nhà thơ Vương Ngọc Châu, ghé thăm nữ thi sĩ Dương Hồng Anh. Sau đó tôi mới biết Hồng Anh nữ sĩ có gửi tôi 4 thi tập là Tiếng Thầm, Tình Thu, Vương Vấn Hồn Quê và Sợi Nhớ Sợi Thương. Xem phần tiểu sử của tác giả ở trang bìa sau các sách thì nhà thơ Dương Hồng Anh mang tên tộc là Dương Nguyệt Anh, tên hiệu là Dương Hồng Anh. Điều nổi bật bà chính là cháu nội của thi sĩ nổi tiếng Dương Khuê. Vậy Dương Khuê là ai ?

Tôi xin ghi rõ về cụ Nội tổ của nhà thơ Dương Hồng Anh. Vì nhiều thân hữu thế hệ sau 1975 có thể cần chi tiết này. Đây là đôi nét…
Dương Khuê (楊奎, 1839-1902), tự: Giới Nhu, hiệu Vân Trì, là quan nhà Nguyễn, và là nhà thơ Việt Nam ở thế kỷ 19. Ông là người ở làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình Nho gia vọng tộc. Ông là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm (1851–1920). Dương Lâm làm quan, từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán nhà Nguyễn, Chủ bút báo Đồng Văn… Về sau ông xin cáo quan về mở trường dạy học tại quê nhà. Ông là người tao nhã, yêu nước, có tài văn chương, và là một nhà giáo rất giỏi. Trong số các cháu nội của hai ông (Dương Khuê và Dương Lâm), có những người nổi tiếng như: nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư-Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ kiêm thi sĩ Dương Hồng Kỳ, bác sĩ ngành tim mạch Dương Hồng Tạo,…
oOo
Trở lại với danh tài Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân (cùng khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên). Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Tiến sĩ. Đường hoạn lộ, thuở ban đầu, Dương Khuê được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính. Vào đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại. Ông dâng sớ về triều xin có thái độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là “bất thức thời vụ” (không biết thời cuộc), rồi bị giáng xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng. Năm 1878, nhân lễ “ngũ tuần khánh thọ ” của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức vụ quan hành chính như: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.
Khi ông mất (ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần, 1902), nghe tin buồn bạn thân ra đi, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ Khóc Bạn (Khóc Dương Khuê) khi tang viếng. Bài thơ được vào văn học sử. Bài thơ có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ lòng, gồm có 38 câu thơ. Mở đầu bài thơ là một tiếng than thở xót xa bùi ngùi:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) khóc bạn cũng là tự khóc mình, giọng thơ u uẩn thiết tha. Ông trách bạn “vội đi xa” để mình lẻ loi, cô đơn. Cuộc sống trở nên chán chường, vô nghĩa:, nhất là 2 câu sau rất phổ thông ở các bàn tiệc sau này:
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.

Khóc Dương Khuê (1839-1902) cho thấy một tình bạn đẹp và cảm động của giới nho gia thuở trước. Sau hơn một thế kỷ, chúng ta vẫn thấy nỗi bùi ngùi xúc động khi đọc bài thơ này. Nguyễn Khuyến khóc bạn cũng là khóc cho một thế hệ nhà nho và cũng là tự khóc cho minh: “Ai chẳng biết chán đời là phải”…

Tác phẩm của Dương Khuê để lại có một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng… Có lẽ nên đề cập bài Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,… bài ca trù nghe thanh thoát, bông đùa, dí dỏm và hóm hỉnh.

Giới thiệu một bài ca trù dưới đây là bài ca trù tiêu biểu và nổi tiếng của Dương Khuê:

Gặp lại cô đầu cũ
Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông
Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng dương tranh…
Hà Nội tức cảnh
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Tiếng chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.
bài thơ này nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo.

Dương Hồng Anh làm thơ ở tuổi rất sớm, bà tập tểnh làm thơ năm 16 tuổi (năm 1947), nhưng cho ra thi tập đầu tay Hương Mùa Chinh Chiến vào năm 1952 tại Hà Nội. Dương tác giả cho thơ ở nhiều đề tài, nhiều phạm vi như thơ về quê hương, tuổi học trò, thơ thiền, xã hội, chiến tranh, về gia đình, tôn giáo, tình yêu, về thiên nhiên,… Xem qua 4 thi tập của bà là Tiếng Thầm, Tình Thu, Vương Vấn Hồn Quê và Sợi Nhớ Sợi Thương thí sách được trình bày rất trang nhã. Thi tập Tiếng Thầm gồm có 67 bài thơ, Tình Thu 81 bài, Vương Vấn Hồn Quê có 84 bài và Sợi Nhớ Sợi Thương gồm 86 bài thơ.

Thi tập Tiếng Thầm ở trang 1, bài sáng tác năm 2013 mang trùng tên Tiếng Thầm xa quê hương gần 40 năm nỗi nhớ quê hương vẫn vấn vương tâm thức, tác giả cho những lời thơ mênh mang nỗi nhớ thẫn thờ bước chân nơi quê người…
Chiều về nhớ phố Bolsa
Đi tìm chút nắng quê nhà năm xưa

Thời gian trắng biển sương mù
Hiên khuya gọi gió về ru tiếng thầm.

Trong bài điểm thi tập qua bài viết Sau Năm Năm, nhà văn Bùi Bích Hà đã nhận xét về nhà thơ Dương Hồng Anh và thi ca của Hồng Anh nữ sĩ, xin trích đoạn như sau:
“Năm 2012, tôi được bà gửi tặng cuốn thơ “Chiều Bến Đợi,” thi tập thứ ba sau tác phẩm đầu tay “Hương Mùa Chinh Chiến” xuất bản tại Hà Nội năm 1952, viết chung với ba nhà thơ nữ đương thời; sau tác phẩm thứ hai “Từ Phương Trời Xa,” xuất bản tại Hoa Kỳ, California, năm 2010, là cuốn mở màn cho chuỗi sáng tác phong phú, liên tục mỗi năm tiếp theo cho tới cuốn mới nhất, ra mắt khách yêu thơ mùa Thu năm 2017…. Sau năm năm, nhìn lại nhau, bà đi với bước chân cẩn trọng hơn, nhưng dáng dấp và nụ cười trên môi bà không già thêm. Vẫn ánh nhìn đằm thắm. Vẫn nụ cười không thành tiếng mà nghe như có ai khúc khích. Vẫn bàn tay rụt rè muốn nói điều gì nhưng chừng như e ngại. Bà tặng tôi cuốn thơ thứ tám, “Tình Thu,” gồm 81 bài thơ nhiều thể loại, dàn trải trên 134 trang giấy màu ngà thanh nhã, là món quà đón Xuân nhiều ý nghĩa, nhiều hương vị mà cả người nhận lẫn người cho cùng chia nhau niềm vui:
Vui đón Xuân về ta chúc nhau
Thơ còn hẹn mãi với mai sau
Run tay ngọn bút không ngừng chảy
Có nghĩa là ta sống rất giàu
…”
Người viết nhớ rằng thi sĩ Hà Huyền Chi cho là “Thơ là đỉnh cao nhất của văn chương”. Còn theo nhà thơ Alfred de Musset cho rằng thơ là nỗi cảm xúc với luận điểm nổi tiếng: “Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó!” thì thi sĩ Paul Valéry lại cho “Thơ là ngày hội tưng bừng của trí tuệ”. Những ý kiến khác như thi sĩ Hà Nguyên Du thì: “Thơ là nghệ thuật sắp xếp ngôn từ phát xuất từ nội tâm”. Nhà thơ Dương Tử quan niệm: “Thơ là một hình thức ngôn ngữ khơi mào do trí tưởng tượng sáng tạo ra một tác phẩm văn chương”,,… suy luận qua nhiều trang thơ trong những thi tập của thi nhân Dương Hồng Anh đã minh chứng những tư tưởng nêu trên.

Gặp nhau vui vẻ quá
Ta lại về với thơ
Trời xanh, xanh tươi lá
Nghe em kể truyện xưa

Những vần thơ chung thủy
Dệt mộng với thời gian
Thơ ơi! hoa vẫn nở
Hoa thơ nở ngút ngàn
(Đôi dòng với thơ, Dương Hồng Anh, Tiếng Thầm trang 28-29)

Nếu tuyên ngôn về thi ca của người thi sĩ nói rằng thơ là sự tự phát khởi ra từ con tim, ta hãy đọc hai tư tưởng khác của hai nhà thơ Mỹ như sau: “Thi ca là một cách hay để thể hiện nỗi xúc cảm như vui, buồn, giận dữ, lo lắng. Đó cũng là một cách mà chúng tôi chia sẻ với những người khác, để giúp họ với những cảm xúc đó.”. (thi sĩ Mattie Stepanek).

Và ý tưởng nét thẩm mỹ của thơ được xác định theo nhà thơ Edgar Allan Poe: “Tóm lại, tôi sẽ định nghĩa thơ ca là sự sáng tạo nhịp nhàng của Cái đẹp”. Đọc Dương Hồng Anh, thi ca của bà dù ở cuối mùa niên kỷ hay trong thời gian hay không gian của ánh hoàng hôn tuổi đời vẫn cho thi nhân nỗi mộng mơ, trăn trở đắm say như những dòng thơ sau minh chứng:
Thơ tôi là những hao gầy
Những đêm trăn trở, những ngày vẩn vơ
Nhìn đời nửa thực nửa mơ
Nghiêng tay mực gió văn thơ cuối mùa.
(bài Thơ Tôi, Tình Thu trang 78)

Trong thi tập “Sợi Nhớ Sợi Thương” nơi trang 28, bài đoản thơ 4 dòng Ta Còn Để Lại Gì Đây, thơ cho thấy chất triết lý thiền tính nhìn về thiên nhiên hữu cảnh.

Ta còn để lại gì đây
Phù du một thoáng đong đầy sắc không
Thuyền từ nhẹ bước thong dong
Hoa Ưu Đàm nở ngát dòng sông xanh.

Những câu thơ trên cho thấy nghệ thuật phô diễn thể sáu tám. Trần Trọng Kim gọi thơ là nghệ thuật, là dùng lời nói tao nhã để biểu diễn tình ý ra cho đẹp, tư tưởng ra cho hay, và có thể ngâm nga được.. Khi nói về thơ, mỗi thi sĩ thường có những nhận xét khác nhau. Tuân Tử nói: Thi dĩ ngôn chí, dùng thơ để nói lên cái chí hướng của mình. Xuân Diệu gọi thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. “Cõi thơ là cõi bồng phiêu” (Bùi Giáng). “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” (Roman Jakobson). Và “Làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ” (Chế Lan Viên ).
Thơ là nghệ thuật lấy âm thanh hay hình ảnh chất chứa trong đó. Hãy xét trường hợp thi ca Dương Hồng Anh, cũng trong thi tập “Sợi Nhớ Sợi Thương” trang 20, thi nhân cho thêm một đoản thi như sau:

Thu đi thả lá đầy sân
Cho hồn tôi cứ bâng khuâng tháng ngày
Tìm về sông núi đâu đây
Bước tha hương trải sầu mây mấy mùa.

Ngôn ngữ thi ca phản ảnh sự phong phú của ngôn ngữ của tác giả khi sử dung thi từ, thật vậy thi ca Dương Hồng Anh khéo léo chắt lọc tinh túy của ngôn ngữ bà chắt chiu từng con chữ sử dụng. Điều này cho thấy sự chắt chiu ý tưởng trong nét sáng tạo thi ca của nhà thơ, và bà đã khám phá và sáng tạo ra những nét bóng bẩy của ngôn ngữ thơ, vườn thi ca nhiều thêm mỗi ngày như vậy của nhiều nhà thơ, từ đó góp phần làm giàu có ngôn ngữ trong văn học và đời sống. Ví dụ ý tưởng “Thu đi thả lá đầy sân” cho ta sự liên tưởng thi ca qua hình ảnh, những biểu tượng của thơ được tạo nên từ thị giác khiến ngôn ngữ thi ca không chỉ kích thích trí tưởng tượng của con người, nó còn khiến con người vững tin rằng ngoài những hình ảnh thế giới thiên nhiên bao la mà mình thấy được, cảm nhận được, còn những hình ảnh mà mình nghiệm thấy trong trí não.

Xin xem bài thi ca khác mà tác giả gửi gấm về quê hương, bài “Xin Gửi Quê Hương Một Tấm Lòng”, trích đoạn thi ca Dương Hồng Anh:
Xin gửi quê hương một tấm lòng
Ca li nhớ mãi nắng Sài Gòn
Tình thơ dào dạt bao đêm vắng
Hoa lá bên trời có biết không
….
Xin gửi quê hương khúc nhạc chiều
Bao la tâm sự nhớ quê nghèo
Việt Nam ơi những gì chưa nói
Vương hồn thơ – thương nhớ nhiều.
(thi tập Vương Vấn Hồn Quê, trang 79)

Ngẫm nghĩ về ngôn ngữ thi ca của Dương thi nhân còn nhiều bài hay như ví dụ khuôn mẫu thi ca cho các trường học dạy chữ Việt. Qua những trích dẫn tiêu biểu về ngôn ngữ thi ca Dương Hồng Anh, mong rằng Dương nữ sĩ sẽ tiếp tục cho ra nhiều áng thơ hay trong sự dự định thực hiện nhiều sách in sắp tới. Do vậy thì bài viết này người viết đã có được dịp khám phá ra nét tinh khôi của giá trị của ngôn ngữ thi ca và những ý tưởng về thi ca thật diễm tuyệt của một nữ sĩ có hơn 70 năm sinh hoạt thi ca (1947- 2019). Trong ngôn ngữ của đời sống, thơ là những dòng chữ đi từ con tim đến khối óc. Nếu con tim rung động thì trí óc sắp xếp sự sáng tạo chữ nghĩa, đó là ý tưởng của nhà thơ. Xin vinh hạnh giới thiệu thi sĩ: Dương Hồng Anh.

Trần Việt Hải, Los Angeles, ngày 20 tháng 10, năm 2019.

Links: https://www.facebook.com/namhai.tran.75839/…/408109510089209

Dương Thiệu Tước và… Ngọc Lan (Quỳnh Giao):
https://thanhthuy.me/…/duong-thieu-tuoc-va-ngoc-lan-quynh-…/

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước: Gửi hồn dân tộc trên âm điệu phương Tây:
https://nhacxua.vn/nhac-si-duong-thieu-tuoc-gui-hon-dan-to…/

Nguyệt San Cỏ Thơm: Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước:
http://cothommagazine.com/index.php…

Những Ca Khúc Vượt Thời Gian của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:
https://dotchuoinon.com/…/tan-nhac-vn-ca-khuc-vuot-thoi-gi…/