HỒ TRƯỜNG AN MỘT TÂM HỒN ĐẪM TÌNH QUÊ
Đỗ Bình
Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1938 ở làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long và qua đời tại Troyes ngày 27.1.2020. Các bút hiệu khác: Đào Huy Đán, Đông phương Bảo Ngọc, Nguyễn thị Cỏ May. Ông di cư sang Pháp ở tỉnh Troyes và sống đến cuối đời. Thuở nhỏ ông học các trường Tống Phước Hiệp, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An, Đại học Dược khoa. Tốt nghiệp khóa 26 trường Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 (tỉnh Biên Hòa) cho tới tháng 4 năm 1975. Hồ Trường An làm thơ rất sớm thỉnh thoảng có những bài thơ học trò tâm sự của ngời trai mới lớn, đến khi là sinh viên trường Dược ông đã chuyển sang văn xuôi, viết báo, từng làm phóng viên kịch trường cộng tác với Bách Khoa, Minh Tinh, Tiền Tuyến, Tiền Phong, Tin Văn, Tin Sách , Tiểu Thuyết Tuần San, Tranh Thủ, Tiểu, Bút Hoa. Khi vào quân đội ông được đưa về phục vụ trong Ban thông tin báo chí. Sau năm 1975 ra hải ngoại ông tiếp tục làm báo và cộng tác với các báo: Quê Mẹ, Hồn Nước, Đất Mới, Văn, Văn Học Nghệ Thuật, Văn Học, Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Đẹp, Tự Do (Texas), Tự Do (Canada), Chiêu Dương, Xây Dựng, Lửa Việt, Làng Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Hải Ngoại Nhân Văn, Cỏ Thơm,.. Ông từng là tổng thư ký tòa soạn Quê Mẹ (Pháp) và Làng Văn (Canada) trong một thời gian. Chính nhờ cộng tác với nhiều tạp chí đã tên tuổi của Hồ Trường An đến với nhiều đọc giả khắp nơi ở hải ngoại và quen biết thêm nhiều văn nghệ sĩ và bạn đọc khắp nơi.
Nhà văn Hồ trường An tính tình hiền hòa đôn hậu nhưng dễ nóng! Để khắc phục sự nóng nảy ông Thiền định pháp danh là Thiện Tĩnh và ăn chay trường suốt mấy chục năm cho đến lúc giã từ cõi đời. Hồ Trường An là người ham học, đọc sách rất nhiều nên kiến thức uyên bác. Ông nghiên cứu sâu sắc về những tư tưởng triết học của nhiều nhà tư tưởng triết gia trên thế giới, am tường nhiều loại thể hình văn học nghệ thuật. Dù nổi tiếng nhưng trong tâm hồn ông chưa thật sự bình thản vì trong nền văn hóa cũ giới tính vẫn bị nhìn một cách khắt khe còn gò bó, bảo thủ nên ông cảm thấy bị phiền lòng khi nghe thị phi về giới tính. Vấn đề lưỡng tính của Hồ Trường An là có cảm tình và hấp dẫn của hai giới mam nữ. Có lẽ kể từ khi ông viết tập thơ Thiên Đường Tìm Lại một loại thi văn dục ái, được Nhà thơ TS Lưu Nguyễn Đạt viết lời tựa :« ..thi văn dục ái chân chính nhằm mục đích khai phóng những yếu tố căn bản của dục cảm, dưới hình thức xúc cảm toàn giác. Thi văn dục ái đã gắn bó người với người bằng thỏa mãn đam mê toàn diện, nhằm phúc hồi lẽ sống chân thành ua sáng tạo cởi mở. Thể xác, xúc cảm và tâm linh được nhắc nhở thỏa mãn trong chân tình hòa hợp. Theo chiều hướng đó, những dòng thi văn tâm linh và lãng mạn trên thế giới , qua những thời điểm khác nhau đều xác định và ca tụng tình yêu dưới hai khía cạnh tâm ái (spiritual or platonic love) và dục ái tới mực độ bổ xung toàn diện (total/absolute love) như một thể cách khai phóng nhân bản để hội nhập vào toàn thế giới hiện sinh…»
Nhà Biên khảoTS Trần Bích San viết trong lời giới thiệu thi tập Thiên Đường Tìm Lại: «Mặc Khải Trong Thi Ca. Thi Ca Dục Ái Xuất Hiện Từ Lâu Trong Văn Chương Truyền Khẩu. Phong Dao, Tục Ngữ, Câu Đố Có Những Bài, Những Câu Liên Quan Đến Tính Dục Nam Nữ…. Thơ dục ái Hồ Trường An không hoằng dương nhục cảm. Nhà thơ sử dụng nó như phương tiện chuyên chở nghệ thuật, gây thích thú thưởng ngoạn, kích thích giác uan thẩm mỹ tạo ra không khí trân trọng nghệ tghuật. Tình yêu trong thơ Hồ Trường An là sự thăng hoa toàn diện, triệt để, vô hạn giữa tâm hồn và thể xác, giữa cá nhaạn với uê hương, giữa con người với thiên nhiên… »
Cũng trong thời gian đó nhà văn Hồ Trường An bằng lòng chấp nhận trả lời cuộc phỏng vấn của nhà phê bìnhThụy Khuê trên đài RFI ông mới công khai về giới tính, Câu lạc Bộ Văn Hóa VN Paris mời ông thuyết trình đề tài văn học, những bằng hữu văn nghệ sĩ xa gần đều trân trọng tài năng và ủng tinh thần ông, điều đó đã giúp nhà văn mạnh dạn rũ bỏ mặc cảm giới tính. Ở hải ngoại trong sinh hoạt đời thường và sinh hoạt trong giới văn nghệ nhà văn Hồ Trờng An thích dao du quen với những nhà văn nữ vì qua họ ông tìm thấy mình có điểm chung, và sự giao thiệp với những người nhưng quanh vẫn bình thường. Nhà văn Hồ Trường An rất chân thành và qúy tình bạn, những ai đã từng quen biết ông ở xa sang thăm Paris ông biết được, dậy sớm lấy xe lửa từ Troyes lên Paris gặp mặt, mời ăn sau đó đón xe lửa trở về. Ông thích làm nghệ thuật và quan niệm ‘cầu tinh bất cầu đa’ nên viết cẩn thận, mỗi cuốn là một thông điệp gởi gấm. Dù ông sống toàn thời bằng nghề cầm bút và có nhiều tác phẩm bán chạy nhưng vẫn không khá giả t ài ch ánh vì thời nay người ta thích đọc trên internet hơn mua sách nên thị trường sách ngày càng ế ẩm ! Nhà văn nặng nợ với chữ nghĩa, là nghiệp dĩ nên Hồ Trường An vẫn đeo đưổi. Khác với những Bạn văn của ông họ đi làm chuyên môn để nuôi nghiệp, riêng ông vẫn miệt mài kiên trì với nghề cầm bút dù chẳng dư giả mà lòng thanh thản. Tim ông chan chứa tình người, tình quê, một tấm lòng bao la nhân ái luôn chia phần của mình làm một chút quà nhỏ gởi về giúp các bạn văn nghệ sĩ khốn khó hơn ở quê nhà. Năm ông 65 tuổi được lãnh tiền già ông gọi phôn cho tôi sung sướng nói : «Từ đây tôi sẽ viết cho tôi, viết theo những điều mình suy nghĩ và thích !».
Nhà văn Hồ Trường An cư ngụ ở tỉnh Troyes thuộc vùng Chamgpagne Ardenne, cách Paris 160 Km về hướng Đông Nam. Đây một thành phố cổ nhiều di tích lịch sử thời Phục hưng thuộc văn hóa quốc gia, nhờ sống nơi yên tĩnh nên ông đã dành toàn thì giờ cho sự nghiệp cầm bút để viết báo và viết tiểu thuyết. Nhà văn vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, có cha là nhà văn Mặc Khải, cô là Thi sĩ Phương Đài và chị ruột là nữ sĩ Nguyễn thị Thụy Vũ, Bà từng đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1970 với tác phẩm «Khung Rêu Trắng». Trước năm 1975 hai chị em ông rất được nhà văn Võ Phiến một cây bút thành danh có văn phong chau chuốt thương mến, nhưng Hồ Trường An lại thích khuynh hướng văn chương tiểu thuyết có ngôn ngữ địa phương của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, nhà văn Sơn Nam nên Hồ Trường An bị ảnh hưởng chất miệt vườn Miền Nam chiếm tâm hồn. Do đó văn phong của Hồ Trường An có chút nửa quê nửa tỉnh, câu văn mộc mạc nhưng ý sâu sắc khi diễn tả về một chân dung, một sự vật một cách tỉ mỉ tài tình thắm đầy tình của người dân miệt vườn Miền Nam. Từ cuốn truyện dài Phấn Bướm ấn hành 1986, cuốn Hợp Lưu 1986, Lớp Sóng Phế Hưng(1988) đến nay ông đã xuất bản được gần 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại gồm Truyện Dài, tập Truyện Ngắn, tập Biên Khảo, Ký Sự, Bút Ký và 2 tập thơ : Thiên Đường Tìm Lại (2002), và Vườn Cau quê Ngoại (2003). Nhà văn Hồ Trường An có một trí nhớ rất đặc biệt, ông nhớ tỉ mỉ về một người mà ônt chỉ gặp một lần. Năm 2008 ông bị tai biến mạch máu não toàn thân bất động lúc đầu không nói được và trí nhớ cũng quên ! Sau một thời gian điều trị trí nhớ của ông được khôi phục và đã dần dần nói được dù rất khó khăn. Từ lúc ông bị bại liệt, nhờ sức mạnh văn chương thúc đẩy đã giúp ông nhiều nghị lực vượt qua những khó khăn bệnh tật để thực hiện được những tác phẩm biên khảo mà chỉ gõ máy bằng một ngón tay, đó là cuốn Núi Cao Vực Thẩm (2012), viết về 9 vóc dáng văn học Việt Nam của Thế Kỷ 20 : Nguyễn Ngọc Bích, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Thụy Khuê, Vũ Tiến Lập, Võ Phiến , Đặng Phùng Quân, Trương Anh Thụy, Thanh Tâm Tuyền.
Cuốn : Ảnh Trường Kịch Giới(2012), ký ức về điện ảnh VN. Cuốn Trên Nẻo Đường nắng Tới (2013) Nhận định văn học về Những khuôn mặt nổi tiếng trong giới văn học trong và ngoài nước như :GS Nguyễn Ngọc Bích, Nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Nhà văn Đặng Phùng Quân, Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Nhà văn Vĩnh Hảo, Nhà văn Hàn Song Tường, Họa sĩ Võ Đình, Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, Nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ.
Ở Pháp có 3 nhà văn một đời yêu văn chương chữ nghĩa dù sức khỏe yếu đuối bệnh tật nhoàn cảnh sáng tác rất khó khăn nhưng vẫn miệt mài hoàn thành những tác phẩm cho đời đến lúc lìa đời mới bỏ bút: Nhà văn An Khê chỉ còn một tay, viết văn gõ máy chữ một tay hoàn thành tác phẩm Từ Khám Lớn Tới Côn Đảo( Làng Văn xuất bản 1992). Nhà văn Duyên Anh : bán thân bất toại phải viết bằng tay trái nhưng vẫn đã hoàn thành nhiều tác phẩm tiểu thuyết cũng như âm nhạc đến cuối đời vẫn còn một số tác phẩm vẫn in. Cuốn Danh Ná viết ở Sài gòn tháng 7 năm 1982. Cuốn Nhóc Tì Phản Động viết xong 16 tháng 2 năm1986, sau khi nhà văn Duyên Anh mất năm 2017 con của ông xuất bản thêm hai cuốn…và còn nhiều tập truyện chưa xuất bản. Nhà văn Hồ Trường An đã cố tập luyện để khắc phục bệnh tật, từ lúc bị bại liệt gõ PC bằng một ngón tay đến ngày cuối đời được thêm một số tác phẩm hơn 30 cuốn, mỗi cuốn mấy trăm trang.
Các tác phẩm đã xuất bản :
Truyện dài: Phấn Bướm (Làng Văn, 1986), Hợp Lưu (Văn Nghệ, 1986), Lớp Sóng Phế Hưng (1988), Lúa Tiêu Ruộng Biền (1989), Ngát Hương Mật Ong (Làng Văn, 1989), Còn Tuôn Mạch Đời (1990), Lối Bướm Đường Hương (1991), Tình Trong Nhung Lụạ (1991), Ngát Thơm Hoa Bưởi Bông Trà (1992), Tình Đẹp Đất Long Hồ (1993), Trang Trại Thần Tiên (1993), Vùng
Thôn Trang Diễm Ảo (1994), Thuở Sen Hồng Phượng Thắm (1995), Chân Trời Mộng Đẹp (1995), Bãi Gió Cồn Trăng (Làng Văn, 1995), Bóng Đèn Tà Nguyệt (1995), Tình Sen Ý Huệ (1999), Hiền Như Nắng Mới (2001), Chiếc Quạt Tôn Nữ (2002), Màn Nhung Đã Khép (2003), Đàn Trăng Quạt Bướm (Làng Văn, 2005), Trở Lại Bến Thùy Dương (Làng Văn, 2009).
Tập truyện: Chuyện Quê Nam (Làng Văn, 1991), Tạp Chủng (Làng Văn, 1991), Cõi Ký Ức Trăng Xanh (Làng Văn, 1991), Hội RẫyVườn Sông Rạch (1992), Chuyện Miệt Vườn (1992), Đồng Không Mông Quạnh (1994), Gả Thiếp Về Vườn (Làng Văn, 1994), Đêm Xanh Huyền Hoặc (1994), Chuyện Ma Đất Tân Bồi (1998), Tập Truyện Ma (2001), Quà Ngon Đất Quê Nam (2003), Trăng Xanh Bên Trời Huế (Làng Văn, 2009), Truyền Kỳ Trên Quê Nam (Làng Văn, 2009),
Ký sự, Bút khảo, Bút ký: Giai Thoại Hồng (1988), Thông Điệp Hồng (1990), (Chân Trời Lam Ngọc I (1993), Chân Trời Lam Ngọc II (199(1995), Sàn Gỗ Màn Nhung (1996), Cảo Thơm ( 1998), Theo Chân Những Tiếng Hát (1998), Tác Phẩm Đẹp Của Bạn (2000), Chân Dung Những Tiếng Hát I (2000), Chân Dung Những Tiếng Hát II (2001), Lai Láng Dòng Phù Sa (2001), Thập Thúy Tầm Phương (2001), Chân Dung 10 Nhà Văn Nữ (2002), Tập Diễm Ngưng Huy (2003), Chân Dung Những Tiếng Hát III (2003), Bảy Sắc Cầu Vồng (2004), Giai Thoại Văn Chương (2006), Náo Nức Hội Trăng Rằm (2007), Thắp Nắng Bên Trời (2007), Quê Nam Một Cõi (2007), Giữa Đất Trời Giao Hưởng ( 2008 ), Núi Cao Vực Thẳm ( 2012), Ảnh Trường Kịch Giới ( 2012 ), Trên Nẻo Đường Nắng Tới(2013). Cảo Thơm, Giữa Đất Trời Giao Hưởng, Lần Giở Trước Đèn, Cây Quỳnh Cành Dao, Những Khuôn Mặt Văn Chương…v..v…
Tập thơ: Thiên Đường Tìm Lại (2002), Vườn Cau Quê Ngoại (2003). Cho Tôi Sống Lại Một Ngày.
Từ bao lâu nay người ta tranh cãi về những chuẩn mực trong văn học nghệ thuật giữa cái hay và cái dở. Trong khi đó thích hay không thích chỉ là chủ quan của người đọc. Phần chính yếu của nghệ thuật chính là cảm nhận chủ quan. Ngày nay người làm thơ ngày càng nhiều, đó là điều đáng mừng vì tâm hồn thơ sẽ giúp cho đời thêm hoa bớt đi sự cay đắng. Nữ sĩ Minh Châu GS Thái Hạc Oanh trong Ba Lê Thi Xã, thuộc hoàng phái, cháu của Thi sĩ Tùng Thiện Vương thời quân chủ đặt câu hỏi: “Tại sao có những bài gọi là thơ mà không phải là thơ, văn xuôi khác thơ ở điểm nào?
Có lẽ chưa có một định nghĩa nào chuẩn mực cho thơ nhưng phải chăng một bài viết cẩu thả, viết cho lấy có chỉ dựa vào thể tự do để gọi là “thơ” thì chưa chắc đã là một bài thơ và cũng không thể gọi là văn xuôi? Phải chăng thơ hiện đại và tự do rất gần gũi với văn xuôi ? Nhưng làm một bài thơ tự do hay, hoặc một bài thơ hiện đại hay thì rất khó ! Nhưng khi đã thành thơ thì bài đó sẽ đặc sắc và độc đáo, một bài thơ hay phải bao gồm mỹ học và ý thơ.
Quan niệm sáng tác của nhà văn Hồ Trường An là sự dựa trên chủ quan, trong cuốn :Trên Nẻo Đường Nắng Tới của ông : «Tác phẩm này chỉ rọi sáng một đoạn văn chương…. Có thể có nhiều qúy độc giả cho rằng bút gỉa chủ quan trong việc chọn lựa những quyển sách theo cảm quan riêng biệt của mình mà không đến xỉa đến cảm quan của độc giả và không nghĩ gì đến giá trị đích thực của nghệ thuật. Nhưng biết sao hơn. Bút giả làm chuyện trái ngược với cách cư xử của Tào Mạnh Đức(Tào Tháo). Quan niệm của ông ta thà giết lầm mười người, còn hơn tha lầm một người. Bút giả thì cam chịu ngu si vì tha lầm người gian lẫn người ngay, không cần biết ai gian ai ngay. Hễ những sách nào mà bút giả không ưa thích thì dù được thiên hạ cho là siêu phẩm, tuyệt phẩm đi nữa thì bút giả gia công đọc đi đọc lại để sưu khảo cái tinh hoa của chúng. Còn nói gì những sách mà tác giả hâm mộ thì viết về chúng một cách trơn chu thống khoái.»
Trong một sinh hoạt Văn học Nghệ thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức năm 2004 nhà văn Hồ Trường An thổ lộ tâm tình lúc ông chưa bị bệnh. Hôm đó quy tụ nhiều khuôn mặt nổi tiếng ở Paris và văn thi sĩThụy Cầm Dương Huệ Anh từ Cali sang : Nhạc sĩ,GS Lê Mộng Nguyên, Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Nhạc sĩ Trọng Lễ, Nhạc sĩ, DS Nguyễn Đình Tuấn,GS Âm nhạc Quỳnh Hạnh. Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oánh, Nữ sĩ Quỳn Liên, Nữ sĩ Thụy Khanh, Nữ sĩ Hà Lan Phương,
Học giả, GS Võ Thu Tịnh Nhà thơ Vân Uyên GS Nguyễn Văn Ái, Nhà thơ Phương Du BS Nguyễn Bá Hậu, BS Nguyễn Bá Linh, Nhà Thần học TS Nguyễn Tấn Phước, Nhà Biên Khảo Liều Phong, GS Nguyễn Ngọc Chân, GS Nguyễn Bảo Hưng, Nhà văn, GS Trần Đại Sĩ, Nhà văn Võ Đức Trung, Nhà văn Hồ Trường An, Văn Thi sĩ, Nhà thơ Đỗ Bình, Danh họa René, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, Điêu khắc gia Vương Thu Thủy, Nghệ sĩ Diệu Khánh, Nghệ sĩ Linh Chi, Nghệ sĩ Thúy Hằng, Kim Lan. ..vv….
Nhà văn Hồ Trường Ann tác giả gần 50 đầu sách gồm trtuyện dài, tiểu thuyết, bút ký, biên khảo, nhân định và phê bình.
Nhà văn Hồ Trường An:
«Thưa các bậc niên trưởng, và qúy văn hữu:Tôi làm văn nghệ tùy vào cảm hứng vui đâu chuốc đó chứ không nhất định cái gì, nếu cảm thấy hứng là làm. Cần phê bình là phê bình, khi tôi viết về biên khảo không phải là viết toàn sự nghiệp văn học của tác giả nào, mà viết từng cuốn chứ không dám ôm đồm. Nếu có cảm hứng làm thơ thì làm những bài thơ Đường, vui đâu chuốc đó. Tôi có một đức tính: Nếu ai khen thì cũng mừng, còn ai chê thì cũng rán chịu trận chứ không một lời nào đính chính trên báo hết. Bởi càng đính chính thì càng làm cho người ta làm dữ !. Do đó ai chê tôi thì chê ; ai khen thì mừng tôi không có một phản ứng, thật ra tôi không có buồn, mình làm một món ngon người này ăn thì khen người kia ăn thì chê, kẻ thích mì người thích hủ tíu, còn có người ăn mì ăn hủ tíu nhiều quá lại thích ăn bún riêu. Qúy vị đã đọc qua cuốn biên khảo «Thập Thúy Tầm Phương», gồm có :Nhà thơ Vi Khuê, Nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, Nhà thơ Diên Nghị, Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nhà văn Bình Huyên, Nhà văn Linh Linh Ngọc, Nhà thơ Phương Triều, Nhà thơ Nguyễn Văn cường, Nhà thơ Đỗ Bình, Nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn. Cuốn biên khảo thứ tư tôi đang viết là cuốn «Tập Diễn Ngưng Huy» trong đó có hai người hiện diện ở đây là anh Võ Đức Trung và chị Thụy Khanh: Tôi xin giải thích cái tựa sách: Tập: kết tập, Diễm là đẹp, Ngưng là ngưng lại, Huy là ánh sáng, ánh sáng ngưng đọnglại tôi rút ra từ Hồng Lâu Mộng chứ không phải do tôi đặt. Tóm lại tôi không có chủ trương gì lớn lao, tôi không có tham vọng. Xin dứt lời.»
Nhà văn Hồ Trường An tâm sự vói tôi cho biết trong những tác phẩm đã viết ông chỉ hài lòng ở những tác phẩm là văn chương đích thực, còn một số khác chỉ là truyện kể! Hầu như những người nổi tiếng ở hải ngoại đều được ông viết nhận định, phê bình về tác giả và tác phẩm của họ, nhưng rất ít người viết về ông. Đối với những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp để phân tích văn chương, ý tưởng trong tiểu thuyết của ông không quá khó, nhưng phân tích tỉ mỉ tâm lý nhân vật trong một số truyện của ông lại rất khó, vì bản thân ông có lưỡng tính nên khi diễn tả về những nhân vật nam hay nữ đôi khi có sự lẫn lộn nam tính nà nữ tính trong tác phẩm! Nhà văn thừa nhận điều này nhưng lại không cho biết ở những câu đối thoại nào trong tác phẩm. Tối 30 Tết tức ngày 24 tháng 01 năm 2020 nhà văn Hồ Trường An phôn nói chuyện với tôi rất lâu, đây là lần cuối cùng của ông. Điều tôi rất ngạc nhiên giọng nói của ông lần này nghe rất trẻ và rõ ràng vì dã lâu, kể từ khi ông bị bệnh giọng nói trở nên không rõ ! Trong suốt thời gian gian dài nhiều năm ông thường xuyên liên lạc với tôi, có những khi ngày gọi phôn 2,3 lần để trao đổi những chuyện liên quan đến văn học nghệ thuật. Ông là một thành viên của Câu Lạc Bộ văn Hóa VN Paris, lúc còn khỏe đã nhiều lần ông lên Paris diễn thuyết về đề tài văn học. Trong cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại mà ông là một thành viên trong Ban Biên Tập, lúc đầu ông gởi tham gia những bài của ông đã được in sách và xuất bản về những tác giả Mai Thảo, Trần Long Hồ, Thụy Khuê, bài đã được toàn ban thuận đưa vào sách. Thế nhưng sau một thời gian ông đã rút lại những bài đó, và đề gởi riêng cho tôi bài Giới Tính Trong Văn Chương , ông nhấn mạnh đây là bài độc đáo, một bài tâm huyết và đắc ý nhất vì nó dám nói lên những điều thuộc giới tính còn húy kỵ trong quan niệm cổ truyền của người Việt.
Ông giã từ cõi đời một cách đột ngột để thả hồn vào một giấc ngủ say. Ông đã rũ bỏ những buồn phiền nhân thế, những nỗi buồn nhớ quê mà suốt đời lưu vong ông chưa một lần trở lại. Giã từ chiếc xe lăn theo áng mây bồng bềnh bay về cõi miên viễn.
Đỗ Bình
Paris 6 .2.2020