Cáo phó - Phân Ưu,  Tin tức,  Việt Hải

CHIA TAY HUY PHƯƠNG

Nhà Văn Huy Phương

Bài viết do tác giả Nguyễn Toàn Đông, hay Bách Tùng Cao Nguyên viết ngày 28/6/2021 vốn là cựu học sinh ở trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, sau lên vùng Cao nguyên Lâm Viên trong nhóm “Les Copains de Vinh Long” ở Đại học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt. Ông nhận xét về nhà văn Huy Phương, bài viết mang tựa Nước Mỹ Lạnh Lùng: “Nhà văn Huy Phương… Nước Mỹ Lạnh Lùng là tên quyển sách đầu tiên tại hải ngoại của ông được xuất bản năm 2003. Đến nay, có 11 quyển tiếp theo đã được in ra. Ông cộng tác với nhiều tạp chí, đài truyền hình vùng Little Saigon, Nam California…. Hằng tuần, ông xuất hiện trên đài Người Việt trong chương trình Quê Nhà Quê Người.  Nội dung là những gì thường ngày xảy ra với người Việt trên đất Mỹ. Hiểu là chuyện người Việt trên đất Mỹ cũng được. Nhất là ở những quyển đầu tiên…. Một hai năm, ông cho in ra một quyển. Đó là những bài viết tuần tự theo thời gian để làm truyền hình hay báo chí, được gom lại và in thành sách. Mỗi bài chỉ năm ba trang; rất tiện cho người muốn đọc. Trên tạp chí, mục này có tên là “Tạp Ghi Huy Phương.” … “Nhìn qua vài tựa sách đầu tiên: Nước Mỹ Lạnh Lùng (2003), Đi Lấy Chồng Xa (2006), Ấm Lạnh Quê Người (2007), Nhìn Xuống Cuộc Đời (2009)…Tựa sách nào cũng phảng phất tâm trạng một người vì sống xa quê nên nhớ thương quá khứ; thao thức về một cái gì đó không rõ ràng. Cộng thêm những lo toan hằng ngày ray rứt không nguôi.”.

Nguyễn Toàn Đông viết tiếp:

Và… quan trọng nhất trong câu chuyện hôm nay là tin không vui về nhà văn Huy Phương. Hiện, ông đang chống chọi lại căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Bác sĩ muốn ông vào bệnh viện để điều trị. Nhưng ông từ chối. Ông nói ông muốn dưỡng bệnh tại nhà. Ông quyết định như vậy có lẽ vì ngôi nhà của ông là nơi ông yêu quý nhất. Ông muốn tất cả xảy ra ở đây. Bà Huy Phương luôn bên cạnh ông.

Tôi biết được tin trên do đọc được bài viết của cô Kiều Mỹ Duyên đăng trên tờ Việt báo. Cô nguyên là nữ phóng viên chiến trường thời VNCH, được chính phủ Úc cấp học bổng để theo học và tốt nghiệp Khoa Báo Chí tại Úc. Thời chiến tranh VN, cô là nữ ký giả trẻ từng ra vào những vùng giao tranh ác liệt của những đơn vị thiện chiến VNCH. Những thiên phóng sự của cô được chọn lại và in thành sách với tựa đề là “Chinh Chiến Điêu Linh.” Biết ông bệnh nhiều, cô Kiều Mỹ Duyên đến thăm như bạn cố tri một thời. Ngày xưa, nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên và Đại Úy Huy Phương Tâm Lý Chiến hẳn không xa lạ gì nhau do môi trường làm việc. Nay, trong những ngày mong manh còn lại, hy vọng ông sẽ được an ủi nhiều. Tựa đề cho quyển sách mới nhất được ông đặt là “Ga Cuối Đường Tàu”…”

Tôi thường đọc mục Tạp ghi Huy Phương trên nét, nhiều bài viết thâm thuý, dưới dạng chuyện xã hội buồn bã, oan nghiệt như “An Tiệm, Kẻ Vô Ơn”, “Con Nhà Nghèo”, “Xót Thương Nước Mỹ”, “Món Nợ Lương Tâm” (thơ Huy Phương), “Con Cái Thời Nay”, “Những Người Bị Bỏ Quên Trong Viện Dưỡng Lão”, “Tình Già”, “Ga Cuối Đường Tàu”, “Nỗi Đau Của Tuổi Già”, “Không Phàn Nàn”, “Tuổi Già Và Chuyện Lái Xe”, … Tuy nhiên, phong văn Huy Phương cũng có nét vui tươi, dí dỏm, hóm hỉnh như trong bài viết “Văn Mình, Vợ Người”.

Như vậy thì Văn là gì nhỉ? Về Văn ví dụ như văn chương là khái niệm dùng để chỉ một ngành nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ. Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện đời sống. Khái niệm văn chương và văn học thường bị người đời dùng lẫn lộn. Còn Văn học là khoa học nghiên cứu về văn học, nó lấy các hiện tượng văn chương nghệ thuật làm đối tượng cho mình. Quan hệ giữa văn chương và văn học là sự tương quan giữa đối tượng và chủ thể, giữa nghệ thuật và khoa học; văn chương (nghệ thuật) là đối tượng của văn học (khoa học).

Chữ “Vợ” thì nôm na là người phụ nữ đầu ấp tay gối của ta, cũng là một danh từ để gọi người phụ nữ có vai trò hợp pháp trong một cuộc hôn nhân. Nhưng “Văn Mình” là sự thể dễ hiểu như “Văn ta“, còn “Vợ Người” lại là vợ của người ta, vợ của ông chòm xóm, hay vợ của ông láng giềng, khi cầm nhầm ta phạm pháp. Chiếu theo Luật Hình sự Tiểu bang New York Mục 255.17; Phạm tội ngoại tình khi đương sự có hành vi giao phối ngoại hôn có chứng cớ với người khác vào thời điểm người đó có vợ hoặc có chồng sờ sờ đang chung sống, hoặc người kia đã có vợ hoặc chồng chung sống. Ngoại tình là tội nhẹ loại B, có thể bị phạt đến 3 tháng tù giam hoặc một năm quản chế. Vì vậy, đối với những kẻ gian lận ăn vặt xơi vụng ở New York, hãy cẩn thận. Trong khi Trong khi California là tiểu bang “chịu chơi” tình cho không biếu không, 2 kẻ lầm lỡ chung vui thì không có lỗi gì cả và luật ngoại tình không bị trừng phạt, vẫn có những tiểu bang coi ngoại tình là tội bất hợp pháp. Ngoại tình được định nghĩa là sự “giao lưu long thể” hay “cớ sự mây mưa nem chả” giao phối tự nguyện giữa một người đã có vợ hoặc chồng với người không phải là vợ hoặc chồng của mình.

Theo bài viết “Văn Mình, Vợ Người”, Huy Phương ghi nhận như sau: “Về văn, người cậy tài cho mình là nhất thiên hạ, nhưng trái lại nói về vợ nhà, thì lại cho là thua sút vợ người.  Đây chẳng qua là câu chuyện có mới nới cũ, cái gì lâu cũ rồi cũng sinh nhàm chán, như chiếc xe hơi cũ chúng ta lái mỗi ngày. Mỗi ngày lái “chiếc xe nhà” ra phố hay trên xa lộ chúng ta thấy có bao nhiêu chiếc xe đời mới, đẹp đẽ, lộng lẫy, đắt tiền chạy bên cạnh hay qua mặt mình.  Chúng ta thật chưa biết máy móc nó hiện đại ra sao, ghế da hay vải có mềm mại không, tay lái và cần sang số có trơn tru không, nhưng chỉ cần nhìn cái body xe, và nhất là phần sau chiếc xe cũng thấy mê vì nước sơn bóng loáng, thiết kế mỹ thuật, bắt mắt, hai hàng đèn chớp khêu gợi và nhất là cái logo của hiệu xe đắt tiền cho biết đây là một loại xe hảo hạng.  Rồi chúng ta thầm nghĩ, một ngày nào đó khi chúng ta giàu lên có tiền, có chức vị, thì chúng ta cũng có thể sở hữu một cái xe như thê! Cái xe cũ này, lúc mới mua ở hãng nó vẫn còn mới, chạy êm ru, ngồi vào cái xe thấy mát rượi, nhưng quả thật bây giờ sau bao nhiêu năm, nó đã bắt đầu…tả.

Nhật báo Al-Watan ở Saudi Arabia cho biết một phụ nữ đã kiện ông chồng ra tòa để xin ly dị sau 17 năm chung sống, sau khi khám phá ra ông đã lưu giữ số điện thoại của mình trong cell-phone là “Guantanamo” tên một nhà tù nhốt khủng bố nổi tiếng của Mỹ ở Cuba.  Quý bà nghĩ sao khi thấy quý ông memo số điện thoại của vợ là “Sư Tử”, “Bà La Sát” hay “Quản Giáo” nếu ông đã đi tù Cộng Sản về. Vì chê vợ nhà nên người ta mới thích đổi món, nói theo tiếng lóng thời thượng “cơm” và “phở”.  Vì chán cơm mới thích phở, nhưng theo quy luật “vợ người” thì “vợ là…cơm nguội” của ta, nhưng là “phở tái” của cha giáng giềng!!! “

Tôi chạnh nhớ bài thơ dường thi trên nét như sau…

Văn Mình, Vợ Người

Văn mình ứng với vợ người ta…

Chân lý thường luôn đúng vậy à?

Cứ ngỡ lời kia không hiện hữu.

Ai dè lý đó chẳng phôi pha.

Ngày mơ cảnh viễn đam mê bởi…

Tối mộng hình bên đắm đuối và…

Trời bắt yêu thơ, trời lại bắt…

Đi vào không ổn lại đi ra…

Về Tuyển Tập Huy Phương: “Tuyển Tập Huy Phương” gồm 12 tuyển tập tạp ghi của Huy Phương, viết từ ngày ông sang Mỹ đến giờ gồm: Sau cuốn tạp ghi đầu tay “Nước Mỹ Lạnh Lùng” (1991-2003,) ông viết không mệt mỏi với “Đi Lấy Chồng Xa,” “Ấm Lạnh Quê Người,” “Hạnh Phúc Xót Xa,” “Quê Nhà – Quê Người,” “Những Người Thua Trận, “Nhìn Xuống Cuộc Đời, “Ngậm Ngùi Tháng Tư,” “Quê Hương Khuất Bóng,” “Nước Non Ngàn Dặm,” “Ga Cuối Đường Tàu” và “Sóng Vỗ Bèo Trôi”.

Năm 2014, Huy Phương viết bài “Người Việt tỵ nạn và món nợ thương binh VNCH” như sau: “Bây giờ đã gần 40 năm qua, chúng ta cũng không oán ghét gì những thương binh cụt què của ang ngũ cộng sản trước kia, vì họ cũng là nạn nhân của sự lừa bịp chính trị, hy sinh cho kết quả của lầm than dân tộc và chỉ xây dựng cơ đồ cho một nhóm thiểu số cầm quyền. Nếu chúng ta có khả năng giúp đỡ được cho họ thì chính nghĩa của người quốc gia còn tỏ sáng, rạng ngời, tuy vậy “lực bất tòng tâm,” hải ngoại không thể giúp hết cho cả nước Việt Nam, và cũng còn một chỗ, để cho, chính những người đã hy sinh cho chế độ ấy thấy rõ bộ mặt thật của chế độ cộng sản độc ác và bất nhân.

Trong cuộc chiến giữ miền Nam Việt Nam, chúng ta ước tính có đến 350,000 chiến sĩ hy sinh, số thương binh phải gấp con số tử vong sáu lần. Qua thời gian, kẻ còn người mất, có người trở lại đời sống bình thường, người lành lặn trở lại, người đã qua đời hay ly tán, tha hương, số thương binh không có khả năng làm việc mưu sinh tại quê nhà, ít nhất phải là con số trên ang nghìn. Chúng ta lại có 3 triệu người Việt ở hải ngoại hay gần một triệu đơn vị gia đình, ước tính có 500,000 gia đình đi ra từ miền Nam, chúng ta thừa sức bảo trợ cho một ang nghìn thương binh VNCH ở Việt Nam.”

Cũng năm 2014 trong bài viết “Thay Lời” Tựa cho tác phẩm “Chân Dung H.O. và Những Cuộc Ðổi Ðời”, bài do tác giả Huy Phương và nhà văn biên khảo Võ Hương An, mà Võ Hương An tác giả của những thư tác “Đường Xưa Thành Nội” và “Từ điển Nhà Nguyễn”, bạn tri kỷ của ông giáo Nguyễn Thanh Trang, tác giả biên khảo của “Những Bước Tiên Phong và Thành Quả của Đại Học Huế từ năm 1957 đến 1975”, “Luật Quốc Tế Nhân Quyền và Trách Nhiệm Nhà Nước”, “Sức Mạnh Của Truyền Thông”, những vị văn hữu gốc Huế của nhà văn Huy Phương.

Trích đoạn bài viết: “Khoảng thời gian 1990-1998 là lúc các gia đình H.O. đến định cư ở Mỹ nhiều nhất, cung cấp nhân lực cho các dịch vụ chăm sóc người già, nuôi người bệnh, giữ trẻ tại các tư gia. Các gia đình H.O. hiện nay đã ổn định khi con cái của họ đã lớn khôn, cho ta thấy hiện nay kiếm người phụ việc nhà như ngày trước rất khó ang. Một vấn đề xã hội khác, là vào những năm trước 1990, số thanh niên vượt biên nhiều hơn phái nữ, nên có tình trạng trai thừa gái thiếu trong cộng đồng Việt Nam. Những đợt gia đình H.O. đến Mỹ đã tạo được những cuộc hôn nhân tốt đẹp và điều hòa được vấn đề khó nghĩ này của xã hội di dân. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trời sinh voi, sinh cỏ,” nên trong giai đoạn angm H.O. mới định cư tại Mỹ, nghề “nails” bắt đầu phát triển và thịnh hành đã đưa đến công ăn việc làm không ít cho nhiều gia đình di dân mới mẻ này, và với các đức tính “chịu khó, khéo tay, cần cù,” nhiều người đã có một đời sống khá sung túc.

Các gia đình H.O. đã cung cấp nhân công cho các shop may, người trẻ thì chạy máy, người già thì cắt chỉ, nhặm lẹ thì xếp ang, đóng gói, mà cho đến giờ này vẫn còn đứng vững với thời gian. Đúng là “Trời sinh voi, sinh cỏ,” “ở xứ Mỹ này có nghèo chứ không có đói.” Các gia đình có chồng, cha đi “”cải tạo”,” đã biết cái khổ của bữa rau, bữa cháo, nên sang đây, phần lớn các gia đình này đều “chịu thương, chịu khó,” chẳng mấy chốc mà đã có một cuộc sống ổn định.”

Rồi tôi đọc tiếp Huy Phương với “Bữa Ăn Một Mình“, chuyện Huy Phuơng kể sao tôi thấy tôi trong đó. “Tôi muốn có những bữa ăn đông người, vui vẻ, có tiếng cười nói rộn ràng, nhưng thường là phải ăn những bữa ăn một mình. Bữa ăn một mình thì đâu cần đến mâm bàn dọn ra ngay ngắn, tươm tất, mà sao cũng cho xong một bữa ăn. Một tô cơm trộn thức ăn, và một cái muỗng, ngồi trước máy computer hay trước máy truyền hình.

Bạn có nghĩ một bữa ăn như thế có dễ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ hay không? Và một bữa ăn như thế có buồn không? Tôi không bao giờ quên được những bữa ăn gia đình thời thơ ấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều chờ nhau vào mâm cơm một lượt, dù là buổi sáng giờ trưa hay bữa chiều tối. Bữa cơm có cả ông bà nội, cha mẹ, cả anh chị cùng mấy đứa em nhỏ, kể cả thành viên nhỏ bé của đại gia đình là con mèo vàng luẩn quẩn chờ miếng ăn trong lòng bà nội tôi. Rồi thời gian qua đi, kẻ còn, người mất, gia đình mỗi người một nơi. Tôi lớn lên, tạo lập một gia đình nhỏ, có những bữa ăn sum họp gia đình, nhưng không quên được những người đã đi xa, không còn hiện diện trên cuộc đời này nữa. Rồi chiến tranh, tù đày, xô đẩy con người mỗi người đi mỗi hướng.“.

Kế tiếp, một chuyện buồn vơi “Nỗi Đau Của Tuổi Già“, Huy Phương kể sự kiện con cái bòn rút tiền cha mẹ già, rồi bỏ bê, hất hủi cha mẹ. “Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm homework, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng. Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi:

-“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?”

Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:

-“Bả ấy đi khỏi rồi!” …”

Riêng bài “Tình Già” vốn xao xuyến con tim tuổi hạc của tôi … hãy đọc vui như sau… “Người qua đường nghe chuyện này có người nói, “Già hết xí- quách rồi, lấy nhau làm chi nữa?” hay về phía cô dâu chú rể, người ta cũng có thể bình luận, “lấy nhau về để đổ bô cho ông (hay bà) ấy hay sao?”

 Mỗi lần mở đài phát thanh nghe các nhà thuốc Tây quảng cáo bán nào ống dẫn tiểu, túi dựng phân, tã lót, xe lăn, gậy chống… nghe đã lạnh người, cứ tưởng tượng ra đem một ông già hay bà lão về để phục vụ, rồi lo “hậu sự” đã đủ khiếp. Ở đây hai ông bà già, chỉ mới biết nhau hai mươi năm về trước, không tình mà cũng chưa đủ nghĩa, lấy nhau tất nhiên phải có lý do. Ðó là hai tâm hồn cô đơn tìm đến với nhau trong những ngày cuối đời, cũng có lý lắm chứ!

Hình như tình yêu của người Tây phương kéo dài lâu hơn tình yêu của người Á Ðông. Chúng ta thấy những ông bà cụ già cầm tay nhau đi trong công viên, thủ thỉ bên nhau, hôn nhau dịu dàng là chuyện thường tình, trong khi các ông bà cụ của chúng ta, thường già trước tuổi, bà cụ mới vừa tắt kinh đã đỏ mặt khi đụng chạm với ông cụ, cứ giẫy nẩy lên, sợ lũ trẻ nó cười, sợ già mà “không nên nết.” Vì vậy, chúng ta lại cũng thường khắt khe đối với những người lớn tuổi chết vợ, mất chồng mà còn “bước qua dư luận” tục huyền hay tái giá. Văn chương bình dân thì mỉa mai chuyện “bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ viết thư tìm chồng”, hay kể chuyện “bà già ra chợ Cầu Ðông, xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng? Thầy bói xem quẻ nói rằng: Lợi thì có lợi nhưng ng chẳng còn!” thật là “kỳ thị” hết chỗ nói.

Các cụ xưa thường đùa rằng, “Càng già càng dẻo càng dai, càng gãy chân chõng càng sai chân giường.” Nhưng theo các nhà y học, thì nói như vậy là trái với khoa học, có lẽ các cụ tiếc của trời, nói cho sướng miệng thế thôi. Nhưng bao nhiêu tuổi mới gọi là già, chưa nghe ai ấn định cho rõ ràng. Vả lại vợ chồng lấy nhau lúc trẻ, sống với nhau vì tình, về già nếu không còn tình, thì sống với nhau vì nghĩa, đâu phải cần đến chuyện chăn gối mà hạnh phúc vẫn vững bền, miễn là đừng bao giờ dập tắt sự chiều chuộng thương yêu.

Cuộc hôn nhân lâu bền nhất trên trái đất này thuộc về ông bà Arrowsmith ở Hereford, Anh Quốc. Ông cụ Percy Arrowsmith vừa mất hồi Tháng Sáu 2005 khi ông được 105 tuổi, và vợ ông 100 tuổi sau khi họ tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm hôn nhân hai tuần lễ trước đó. Bí quyết của đôi vợ chồng già kỷ lục này họ không bao giờ cãi nhau lúc lên giường và thường hôn hay cầm tay nhau trước khi đi ngủ. Mới đây nhất thì hồi Tháng Năm 2009, cũng tại Anh Quốc, ông cụ Frank Milford 100 tuổi và bà Anita 99, vừa ăn mừng hôn lễ thứ 80. Họ cũng tiết lộ là họ luôn luôn hôn nhau trước khi đi ngủ (không nghe nói trước hay sau khi tháo răng giả).

Vậy thì những ông già chết vợ, những bà lão góa chồng, nếu cảm thấy trống lạnh trên cõi đời này, chẳng có ai hôn mình trước khi đi ngủ, sao lại không có quyền bước sang bước nữa. Ở nước ngoài này hay trong nước, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe dư luận chê trách những cái đám cưới mà ông cũng “thất thập cổ lai hy”, bà cũng “lục thập đắc nhĩ thuận” và cho đó là chuyện bất thường, nhưng nếu không là người trong cuộc, làm sao hiểu nỗi chuyện của họ. Lúc về già, vợ hay chồng mất sớm, con cái đều lập gia đình, ra ở riêng, ông hay bà thui thủi cô đơn, “lúc tỉnh rượu, lúc tàn canh” cũng buồn lắm chứ, sao không kiếm về một nửa bên kia của ai đã bỏ lại trên đời này, để ráp nối lại chiếc phi thuyền cuối đời bay về… cõi chết.

Nếu không rồi đây “khi rượu sớm, khi trà trưa, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” lấy ai mà đối ẩm, lấy ai mà tri kỷ. Bạn thử nghĩ rồi đây, sáng thức dậy, bên ly cà phê nhỏ những giọt cô đơn, đọc một câu chuyện vui cũng chỉ biết cười một mình như thằng điên, buồn nỗi thế sự cũng không biết chia xẻ với ai, nghe một chuyện bất bình không có trái cam mà bóp nát trong tay, lấy ai làm người tri kỷ để chuyện trò, tâm sự. Gần đây, hải ngoại quả thật có nhiều cụ, để trả thù những ngày cơ cực, tù đày, áp bức đã qua, làm những cuộc hôn nhân bước sang bước nữa với những cô con gái còn quá trẻ, nhưng không biết lượng sức mình, đến nỗi “tinh khô, lực kiệt”, trở về trên chiếc xe lăn để người đời dè bỉu, châm biếm, mà con cháu cũng xấu hổ chê cười.

Những mối tình này được kết hợp một bên là khao khát dục vọng, một bên là đồng đô la, không thể gọi là tình yêu được. Vì vậy, người đời hay khắt khe châm biếm những ông già mà lấy vợ trẻ, lại mỉa mai “trâu già mà thích gặm cỏ non” trong lúc chính các cụ quá yếu, vẫn thường lựa thức ăn mềm mà ăn thì chẳng ai nói gì.

Thầy Mạnh Tử cho rằng đại trượng phu là phải “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.” Trong ba thứ “bất năng” này, thứ bất năng đầu tiên coi bộ khó giữ, vì thấy ở phương Tây này, các ông tỷ phú già thì lại hay lấy vợ sexy như người mẫu hay là vũ nữ thoát y. Tỷ phú Joe Hardy 84 lấy người mẫu Kristin Georgi 23, tỷ phú J. Howard Marshall 89 còn lấy cô vũ nữ playboy Anna Nicole Smith 26 tuổi, chỉ 14 tháng sau là “đứt bóng”, gây nên một vụ án chia gia tài khá ồn ào.

Nhạc sĩ Trần Văn Trạch đã hát rằng, “Khi người ta yêu nhau , yêu trong lúc hai mươi tuổi đầu, thì không phải vì tiền đâu, nhưng mà chẳng được bao lâu…”, “Khi người ta yêu nhau, yêu trong lúc bẩy mươi tuổi đầu, thì không phải vì tiền đâu, nhưng mà chẳng còn bao lâu…

Cho nên, bây giờ nếu các bạn nghe tin một ông cụ 90 mà lấy một bà lão 85, mặc dầu “chẳng còn bao lâu”, nhưng chắc chắn là không phải vì tiền rồi. Không phải vì tiền thì chỉ có một đường là vì tình, tình này bạn muốn hiểu là “tình cao thượng”, “tình trong sáng”, hay “tình cuối”, “tình già” sao cũng được.

Khi người ta lập gia đình năm hai mươi hay hai mươi lăm tuổi, có thể vì tình yêu xốc nổi, vì bồng bột, nhưng ở tuổi bảy mươi, sau khi đã qua tuổi “tri thiên mệnh” đã hai mươi năm, việc cưới một người về chung sống phải là việc suy nghĩ, chính chắn không ai có thể chê trách hay nghi ngờ vào đâu được. Chưa ai biết ai đổ bô cho ai, chứ đêm nay trời trở lạnh, có hơi người cũng ấm, sống một mình, có người gãi lưng giùm cũng đỡ khổ. Trên giường có hai người bạn già nương tựa vào nhau, thì trong cái ly nước trên bàn ngủ, hai hàm răng giả cũng đang ngụp lặn bên nhau. Nói theo kiểu người Huế “Ðời còn vui không có răng mô!” (Ðời còn vui, không có sao đâu!). Xin chúc mừng và nhớ “giúp nhau” nhé!!! Kakakaaaa… 

Love is… Supporting each other in the old age.

Huy Phương viết bài ” Tuổi Trẻ và Lớp Già“. Tôi thích quá, và viết đáp lễ trong bài sau.

Huy Phương – “Tuổi Già Hay Trẻ?”, Trần Việt Hải.

Tôi biết nhà văn Huy Phương, tôi thích phong văn ông viết, và là người của nhiều nguồn gốc, như những gốc nhà binh, gốc nhà thơ, gốc nhà văn, gốc nhà báo, gốc nhà giáo, gốc tù nhân “Hát Ô” và là người gốc Quảng Trị. Tôi đọc cuốn “Đi Lấy Chồng Xa” xong, thích ngay lối viết của ông. Lúc thì đùa cợt theo khuynh hướng Voltaire hay Mark Twain trong văn phong châm biếm, sát xà phòng, satire, savonner, dũa nhẹ phiếm hài ý nhị, duyên dáng, lúc thì nghiêm túc đưa vấn đề đề nghị xây dựng sửa đổi. Huy Phương và Quỳnh Giao (vocalist, pianist) là 2 cây bút tạp ghi tôi canh me đọc văn của nhị vị này, tôi nghĩ đây là 2 nhà văn tại hải ngoại có phong văn đặc biệt được nhiều người mến mộ.

Nhà văn Huy Phương chọn khuynh hướng tạp ghi rất đúng cho các lãnh vực văn chương và báo chí (cùng truyền thông). Lý do vì ông dùng khả năng sẵn có hay lợi điểm viết văn chuyển tải sang viết những câu chuyện tạp ghi thời sự, quan điểm về chính trị, xã hội, hay đạo đức nhân tâm, triết lý… hay sử liệu cho báo chí hay truyền thông. Những tác phẩm in ra cô đọng những bài tạp ghi đó khi 10, 20 hay 30… năm sau sẽ ích lợi lợi cho độc giả tìm về những chuyện cũ đã qua. Ví dụ như các bài trong Nhìn Xuống Cuộc Đời, Ấm Lạnh Quê Người, Nước Mỹ Lạnh Lùng trong tủ sách ở phòng đọc sách của tôi. Những câu chuyện như NƯỚC MỸ ĐÁNG THƯƠNG, MỘT NÉN HƯƠNG CHO HUẾ, NIỀM TIN VÀ LÒNG THÙ HẬN, GIỌT LỆ TRI ÂN, NHỮNG NHÀ TÙ LỚN, RỐI BỜI CHỮ NGHĨA… cho thấy Huy Phương viết gì, và những chuyện gì đã xảy ra.

Nhà văn Huy Phương.

Huy Phương còn là nhà thơ, ông làm thơ nhiều về quê hương, thân phận con người, cuộc đời người lính, những đề tài mà cuộc đời ông đã kinh qua để ngòi bút biến chất thơ theo như những suy nghĩ ở bên văn. Hình như thơ của ông gần gũi với đề tài về Huế, ví dụ như các bài: Nhớ Huế, Huế Oan Khiên, Chiều Chiều, Chiều Xuân Xa Nhà, Cát Lạnh, Chúc Thư, Nửa Đời Lưu Lạc

“Xin gọi trăng soi khe Đá Mài

Thời gian rêu phủ mảnh đầu ai

Bãi Dâu đau xót hồn Gia Hội

Phú Thứ tóc vương trảng cát dài”.

(Huế Oan Khiên – Huy Phương)

hay

“… Mùa này Huế có còn phượng đỏ

Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa

Nơi này cả một trời hoa tím

Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.

Mùa này Huế có còn áo trắng

Em hiện thân làm bướm tan trường

Thương ngày tháng một thời niên thiếu

Huế bây giờ – Huế đã mù sương!

Huế của tôi giờ đâu còn nữa

Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa

Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế

Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…”

(Nhớ Huế – Huy Phương)

Hôm nay lại đọc tạp ghi Huy Phương, qua bài viết “Tuổi trẻ và lớp già“, Huy Phương già hay trẻ? Có lẽ ông có dư điều kiện cho số tuổi hưởng “thọ”, sẽ vào hàng niên lão không bao lâu nữa. Tôi quen với Huy Phương đủ để khẳng định ông thương mến tuổi trẻ, khi tuổi trẻ đứng lên chống CS, Huy Phương yễm trợ qua ngòi bút của ông. Huy Phương nếu có đạt đích điểm lão niên thượng thọ, tôi tin tưởng tâm tư ông vẫn cảm thông vói giới trẻ, các em trẻ xông xáo vì danh dự cộng đồng, vì tiền đồ của dân tộc.

Bài Trần Việt Hải. Link:

https://aihuubienhoa.com/p119a4722/11/huy-phuong-gia-hay-tre-tran-viet-hai?fbclid=IwAR1ARwZL6lr_C30ZAKIoBiZipWbWcL-ubqPSzbtqym1x7v36c5FR-FTGlM4

Đọc lại bài tạp ghi của Huy Phương- Tuổi Trẻ và Lớp Già:

https://aihuubienhoa.com/p125a4721/1/tuoi-tre-va-lop-gia-tap-ghi-huy-phuong

Ga Cuối Đường Tàu”: Như bài hành trình đi hoả xa, nếu cuộc đời chúng ta như là những chuyến tàu xe hoả thì cuối cùng xe sẽ đến một nhà ga đích diểm. Dù thời gian sớm hay muộn chúng ta tất cả sẽ nghe tiếng xe hoả hụ còi đến phiên mình. Đây như bài chia tay cùa nhà văn Huy Phương rất thích hợp cho bài viết này để gởi đến anh, nhà văn Huy Phương, “Sống hạnh phúc, chết bình an“, là một trong nhiều bài tạp ghi của tác giả đã đăng trên tờ Người Việt như sau:

Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói. Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống. Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi. Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông. Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”

Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?” Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: – “Tôi chết thì trả thù cho tôi!” Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: – “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015). Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?

Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người. Lợi ích của cây đa, cây (bồ) đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?

Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm. Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!

Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore – Đỗ Khánh Hoan dịch) …”

Ngoài thể văn xuôi, Huy Phương còn sáng tác thi ca. Bài thơ “Chúc Thư” của Huy Phương rất thương cảm cho thân phận người lính chiến, vì thơ khá dài, nên xin trích đoạn như sau:

“Tôi người lính già ở xa tổ quốc

Xa chiến trường lưu lạc tới đây

Nơi quê người sương pha tuyết đổ

Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.

…..

Không phải chỉ chịu ơn người đã chết

Tôi như còn mang món nợ nước non.

Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở

Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.

Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp

Có vui chi nhìn người lính chết già

Hổ thẹn đã không tròn ơn nước

Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.

Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc

Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi

….

Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ

Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.

Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển

Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương

Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu

Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.

Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ

Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa

Hãy rải hoa trên con đường thấm máu

Phút lui binh phải gãy súng buông cờ”.

Nếu Jean-Paul Sartre cho là mục tiêu của nhà văn đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời, tương tự Albert Camus cho là mục đích của nhà văn là giữ cho cuộc đời không bị huỷ diệt, không bị mai một ý nghĩa sống. Và như Gabriel Marcel cho là làm cho cuộc sống này có một ý nghĩa tích cực hơn. Hay như Ernest Hemingway cho là công việc của một nhà văn là hãy nói lên sự thật. Trong khi ý tưởng của Mark Twain nghĩ là phần lớn các nhà văn coi sự thật là điều sở hữu quý giá nhất của ngòi bút của họ. Còn Nelson Mandela lại cho cảm tưởng bàn tay bạn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta ở trong đó. Tất cả ý tưởng trên tôi muốn quy về ý tưởng sau cùng để tiễn đưa nhà văn Huy Phương khi mà ông đã sống và sáng tác văn chương, tạp ghi Huy Phương dựa trên sự thật của đời sống, phong văn và ý tưởng của ông phục vụ những điều chân thiện mỹ của cuộc đời, phụng sự thế giới xung quanh ta bằng những mẫu chuyện mẫu mực, lành mạnh và đức hạnh.

Vẫy tay tiễn chào nhà văn Huy Phương!

Chia tay và xin cảm ơn nhà văn Huy Phương đã để lại cho đời những tác phẩm quý giá. Những tác phẩm sống với những ý tưởng trên của Mandela, Mark Twain, Hemingway, Marcel, Camus và JP Sartre.

Trần Việt Hải, Los Angeles. California, Febuary 2022.