Khánh Lan,  Văn Thơ

VUA HÀI CHARLIE CHAPLIN (SẶC LÔ)

Charlie Chaplin (1889-1977)
(Photo Credit:Google search,  Internet)

Năm 1910, cậu bé người Anh Charlie Chaplin (11) xuất hiện, khởi đầu cho một loạt phim hài có tầm vóc ảnh hưởng rộng lớn, được nhiều người biết đến. Chaplin là một diễn viên hài, nhà sản xuất, nhà văn, đạo diễn, nhà soạn nhạc. Ông còn là một họa sĩ truyện tranh vĩ đại nhất màn ảnh Mỹ cũng như trên thế giới và là một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử phim chuyển động. Năm 1972, ông đã nhận được Giải thưởng đặc biệt của Viện Hàn lâm vì “tác động khôn lường mà ông đã có trong việc biến ảnh chuyển động trở thành loại hình nghệ thuật của thế kỷ này.”

Nhưng trên thực tế, Chaplin có một tuổi thơ đầy bão tố, sự nghèo đói, cái mạc cảm bị cha mẹ bỏ rơi khi còn quá nhỏ đã ám ảnh tâm trí ông trong nhiều năm dài, ngay cả đến khi ông trưởng thành và trở nên nổi tiếng, thành công trong sự nghiệp điện ảnh. Nỗi ám ảnh này đã tạo nên nhiểu ảnh hưởng tâm lý trong sự suy nghĩ, niềm cảm xúc cũng như sự phản chiếu một cách rõ rệt trong cuộc sống cũng như sự nghiệp điện ảnh và nghệ thuật sáng tác phim truyện của ông. Để chúng ta có thể hiểu rõ hơn trong việc nhận thức những yếu tố tâm lý ảnh hưởng trong tính cách làm việc của Chaplin, có lẽ chúng ta cũng cần biết nguyên nhân của nó.

Cha của Chaplin qua đời năm ông mới có 38 vì bịnh sơ gan do chứng nghiện rượu gây ra. Mẹ ông, một người đàn bà có cuộc sống rất phóng khoáng, không nghề nghiệp. Bà sống với ba đứa con không cùng cha và sau cùng, bà đã chôn vùi cuộc đời trong nhà thương điên vì bịnh tâm thần trong suốt 17 năm. Mất cả cha lẫn mẹ, Charlie Chaplin phải tự nuôi sống mình bằng cách theo học nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, ông ra mắt khán giả khi mới có năm tuổi. Năm lên 7 Chaplin sống trong trại tế bần và năm 1897 khi lên 8 ông được gởi vào trường dành cho trẻ mồ coi, vô gia cư. Ông trở thành một nghệ sĩ giải trí chuyên nghiệp của đoàn hát Eight Lancashire Lads trong tiết mục múa guốc.

Năm lên 9, Chaplin trở thành đứa trẻ bụi đời sống ngày đây mai đó, lây lất trên hè phố của miền Nam London. Năm 1908, ông tham gia đoàn kịch câm Fred Karno và nhanh chóng trở thành ngôi sao nổi tiếng với vai “The Drunk” trong bản phác thảo hòa tấu A Night In A English Music Hall. Chính vì vậy mà sau này khi phải đối diện với khó khăn trong cuộc sống, Chaplin cho đó là chuyện thường tình vì với ông, những bước đường gian khổ ấy ông đã từng đi qua. Ông nói:

Tôi hầu như chẳng biết thế nào là khủng hoảng

vì tôi đã luôn sống trong khủng hoảng”.

Năm 1917, một hiện tượng lạ lùng xảy ra trong phim trường Hollywood, một loạt phim “Câm” ra đời mà đạo diễn kiên diễn viên không ai khác: Đó là Charlie Chaplin. Chaplin một trong những nghệ sĩ kịch câm và diễn viên xuất sắc nhất trong mọi thời đại có cùng một thể loại phim này. Với biệt hiệu “vua hề”, ông đã thừa hưởng cái máu hài hước ấy từ đâu, không ai biết, mà hình như nó đã tiềm tàng và bắt nguồn trong con người của Chaplin từ thuở bẩm sinh. Nhưng có ai ngờ rằng chính cái biệt tài “hề” thiên phú ấy đã đưa ông lên đỉnh cao của danh vọng sau này.

Với cái bản năng trời cho ấy nên dù là còn nhỏ tuổi cho đến khi thành tài, Chaplin luôn tìm cách thu hút và gây sự chú ý của khán giả qua phong cách dị dạng, điệu bộ hóm hỉnh, khiến người xem thích thú và ưa chuộng. Nhà khoa học Alber Einstein khi gặp Chaplin, ông nói:

Tôi ngưỡng mộ nghệ thuật của anh vì nó có tính phổ quát.

Anh chẳng cần nói lời nào mà cả thế giới đều hiểu anh“.

Chaplin khiêm nhường và hài hước, ông đáp:

Đúng là vậy, nhưng mà cái danh tiếng của ngài còn vĩ đại hơn, cả thế giới ai cũng ngưỡng mộ ngài, trong khi đó chẳng ai hiểu thuyết tương đối (General theory of Relativity) ngài nói là cái gì“.

Nếu dùng phân tâm học để giải thích tại sao Chaplin phải vận động hết tâm trí để tạo nên sự chú ý cho mọi người? Thưa đó là bản năng sinh tồn của con người. Cứ điểm qua tiểu sử cũng như những tác phẩm do Charlie Chaplin sáng tác, chúng ta tự hỏi: Tại sao nhà đạo diễn này lại có những hành động khắt khe đối với nữ giới nhưng lại quá vị tha đối với những đứa trẻ khốn cùng?

Điều này đã được giải thích bởi nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud, ông tin rằng hành vi và cá tính, cách cư sử xã giao của con người tạo thành bởi sự tương tác liên tục và độc nhất giữa những nguồn sức mạnh tâm lý qua 3 cấp độ nhận thức khác nhau: Tiền ý thức, ý thức và vô thức. Ông tin rằng mỗi cấp độ này đều đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng lên hành vi của từng cá nhân. Phân tích về con người của Chaplin theo từng cấp độ ta nhận thấy

  • Vùng tiền ý thức của chaplin là tất cả những suy nghĩ, cảm xúc tiềm ẩn trong ký ức của Chaplin trong thời thơ ấu, (cha mất sớm, mẹ bị bệnh tâm thần và sống trong nhà thương điên, Chaplin trở thành đứa trẻ không nhà cửa, sống lay lất trên hè phố khi ông mới lên 7). Mặc cảm bị cha mẹ bỏ rơi xuất hiện khi ông trưởng thành và những cảm xúc chưa được giải tỏa vốn tiềm ẩn trong vùng tiềm ý thức, nay có thể được đưa đến vùng ý thức.
  • Vùng ý thức là khi những suy nghĩ, cảm giác và mong muốn mà ta nhận thức được một cách rõ ràng khi ký ức được triệu hồi từ vùng ý thức.
  • Và vùng vô thức là nơi các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức. Những cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột không xuất hiện trong vùng vô thức; tuy nhiên theo Freud, tâm trí vô thức ảnh hưởng lên hành vi của ta. Tóm lại vô thức bao gồm những cảm xúc bị đè nén, những ký ức, thói quen, suy nghĩ, khao khát và phản ứng đau đớn, xấu hổ, tội lỗi đối với chúng ta trong ý thức sẽ được lưu trữ trong vùng vô thức.

Freud giải thích: Sự liên hệ giữa ba cấp độ của tâm trí ví như một tảng bang hà. Phần nổi lên trên mặt nước thể hiện cho vùng ý thức. Phần phía trên ngay ở dưới mặt nước mà mắt thường vẫn nhìn thấy là tiền ý thức. Và phần băng lớn nằm ẩn sâu dưới nước mà mắt không thấy được chính là vô thức. (Xin nhìn hình dưới). Lời giải thích trên giúp chúng ta hiểu rõ về cách thức vận hành của ý thức và vô thức. Ví dụ: Khi ta nói “lỡ lời” hay “gọi nhầm tên” là do sự bộc phát những suy nghĩ và cảm xúc ẩn giấu trong vô thức của mình.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-conscious-and-unconscious-mind-2795946

Bàn về sự nghiệp điện ảnh của Charlie Chaplin, ông viết rất nhiều kịch bản mà ông vừa là đạo diễn, vừa là vai chính. Một số bộ phim đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh, bao gồm The Kid (1921), The Gold Rush (1925), City Lights (1931), Modern Times (1936), The Great Dictator (1940), Monsieur Verdoux (1947) và Limelight (1952). Tuy nhiên, trong số ấy, ông được nhớ đến nhiều nhất với nhân vật trong phim câm “The Tramp” (Kẻ lang thang), Chaplin xuất hiện trong một chiếc áo khoác quá nhỏ, quần rộng thùng thình, đôi giày cũ kỹ quá khổ, chiếc mũ bowler bạc màu, cây gậy có độ đàn hồi và một bộ ria mép kiểu Hitler. Trong phim The Tramp, kẻ lang thang (Chaplin) có dáng đi kỳ lạ, ông bị xã coi thường, xa lánh nhưng lại là nhân vật mà khán giả yêu thích nhất vì sự táo bạo, tính cách bộc trực, dũng cảm và sự kiên cường của kẻ lang thang.

Trong phần đầu, chúng ta đã phân tích về những ảnh hưởng tâm lý trên đời sống cá nhân của Chaplin, vậy để tiếp tục, chúng ta sẽ mổ sẻ về các hiện tượng tâm lý thể hiện qua phim ảnh của Chaplin. The Tramp là cuốn phim đầu tiên của Chaplin, ra đời khi ông ở tuổi 25. Mặc dù còn trẻ trong lãnh vực phim ảnh, nhưng ông đã được khán giả Mỹ vô cùng yêu mến. The Tramp được Chaplin viết kịch bản và đạo diễn vào năm 1915 miêu tả một nhân vật trẻ con, vụng về nhưng tốt bụng, nổi tiếng là một Kẻ lang thang với tư cách cư xử cao thượng đầy nhân tính.

The Tramp còn được gọi là “Kẻ lang thang” hay “Kẻ lang thang nhỏ” do Charlie Chaplin thủ vai chính, một nhân vật đáng nhớ nhất trên màn ảnh, đã đưa Chaplin đến một thành công rực rỡ trong lãnh vực điện ảnh thế giới của thời đại phim câm. Kẻ lang thang bất chấp với hoàn cảnh, địa vị trong xã hội của hắn, hắn là một kẻ vô gia cư, nghèo khó với lòng tự trọng cao, hắn sẵn sàng nhận những công việc thấp hèn và đồng lương rẻ mạt. Nhưng bù lại, hắn rất khôn ngoan trong việc sử dụng sự khôn khéo, lanh lợi của mình để có được những gì hắn cần phải có cho sự sống tồn và trốn thoát khỏi bàn tay của những nhân vật có thẩm quyền.

Nhân vật trong phim The Tramp là một Kẻ lang thang vui nhộn, là nạn nhân của hoàn cảnh nghèo khổ, cô quạnh và đơn độc. Trong phim, kẻ lang thang nhặt một lá cờ đỏ rơi từ một chiếc xe tải lớn, hắn vẫy lá cờ về phía chiếc xe tải với mục đích là trả lại lá cờ cho chủ của nó… Sau này, do thời cơ đưa đẩy, Kẻ lang thang vô tình trở thành thủ lĩnh của một nhóm công nhân, hắn tổ chức biểu tình và kết thúc phải ngồi tù. Trong tù, hắn một lần nữa, vô tình hít phải chất bạch phiến (cocaine) nên quên đường trở về phòng giam của mình. Hắn đi lạc vào khu vực có một số kẻ tù vượt ngục đang tìm cách trốn thoát khỏi nhà tù. Thế là Kẻ lang thang ra tay nghĩa hiệp, hắn dấn thân chiến đấu với những kẻ đào thẩu và cứu mạng sống cho người quản giáo. Kẻ lang thang được người quản lý tha tù nhưng hắn xung phong ở lại vì hắn cho rằng:

Thà ở trong tù còn tốt hơn là sông ở thế giới bên ngoài”.

Cũng vẫn trong truyện phim, Kẻ lang thang Charlie cứu con gái của một người nông dân khỏi tay một số kẻ trộm và ngăn chặn âm mưu cướp trang trại của cha con người nông dân. Kẻ lang thang đem lòng yêu cô gái, nhưng khi được tình yêu thì hắn lại bỏ ra đi. Bộ phim The Tramp với nội dung xây dựng và mô tả một nhân vật tuyệt vời bởi tư cách đạo đức, tốt bụng, thương người của Kẻ lang thang.

Có người tự hỏi tại sao vở hài kịch lại kết thúc quá buồn như thế? Có phải chăng cuốn phim The Tramp là một cuốn phim phản ảnh thật rõ rệt cuộc đời của cậu bé Charlie Chaplin thuở nhỏ, bị mẹ bỏ rơi, sống lang thang trên hè phố, bữa đói ngày no. Phải chăng Kẻ lang thang ruồng bỏ người yêu vì hắn nghi ngờ tình cảm của cô gái và sợ rằng sẽ có một ngày cô ấy sẽ dũ áo ra đi như mẹ hắn đã ruồng bỏ hắn khi xưa.

Charlie Chaplin trong phim Kẻ lang thang
(The Tramp)
(Photo Credit: Internet)

Sau phim The Tramp, những bộ phim kế tiếp như Trẻ em (1921), Người phụ nữ ở Paris (1923), Cơn sốt vàng (1925), Xiếc (1928), v.v… của Charlie Chaplin luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của báo chí và khán giả. Chính vì thế, chỉ một thập kỷ sau, Chaplin trở thành người giầu có, nổi tiếng và có thế lực mạnh ở Hollywood. Cho đến nay, Chaplin có biệt hiệu là “Một kỳ quan của điện ảnh”. Trong lúc phim của ông đạt lên đỉnh cao của nghệ thuật thì chẳng một ai hiểu được rằng đằng sau tiếng cười ấy là những giọt nước mắt thầm kín ẩn dấu về những bi kịch của cuộc đời và tuổi thơ mà ông đã đi qua.

Những bộ phim hài câm mà vua hài Charlie Chaplin diễn xuất thì ít ai biết rằng đó là sự phản ảnh của tuổi thơ cơ cực của ông, chính những sóng gió cuộc đời đã khiến ông tự tìm ra được hình tượng lạ lùng, cười ra nước mắt để giải bày niềm tâm sự, nỗi lòng bi thảm qua cách diễn suất trong các tác phẩm của mình. Charlie Chaplin mãi mãi được công chúng yêu điện ảnh nhớ đến trong bộ dáng người đàn ông nghèo khổ với những bước đi giật giật, lắc lư. Hình ảnh đáng thương với mũ bạc màu, cây gậy cong queo và đôi giầy rách là nguồn cảm hứng phát xuất từ thời thơ ấu nghèo đói của Chaplin trên những con phố tồi tàn ở London.

Thật vậy, Charlie Chaplin đã từng dùng câu nói vô cùng thấm thía để nói lên nỗi đau khổ của định mệnh đã dành cho cuộc đời mình:

Chiếc gương là người bạn thân nhất của tôi, bởi vì khi tôi khóc thì nó không bao giờ cười”

Charlie Chaplin
Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi khóc

Những dẫn chứng về sự ảnh hưởng của tâm lý học trong văn chương và phim ảnh của Chaplin lại càng rõ rệt hơn bởi trong đời sống thực tế, Charlie Chaplin là một người rất cay nghiệt và không khoan dung với người phối ngẫu. Càng lớn tuổi, Champlin càng trở nên khó chịu và khó ưa, ông cho là không ai giỏi bằng ông. Trong con đường tình ái, ông cho rằng ông chẳng yêu ai mà chỉ có người ta say mê ông mà thôi. Trong 4 cuộc hôn nhân, Champlin đều bị coi là một người chồng độc ác, tàn nhẫn và bạo hành. Phải chăng nỗi ám ảnh của tuổi thơ khi bị mẹ bỏ rơi đã khiến ông bị mất niềm tin vào phụ nữ. Tuy nhiên, Champlin lại đối sử rất tử tế với những trẻ em lân la quanh phim trường và nhất là làm việc rất suông sẻ với những trẻ em cùng đóng phim với ông. Điều này chứng tỏ rằng ông muốn đền bù tất cả thiệt thòi cho những đứa trẻ bất hạnh như ông.

Người ta tự hỏi: Tại sao phía sau một Charlie Champlin đáng yêu, dễ mến trên màn bạc lại là một người đàn ông thô bạo? Tại sao ông luôn tạo cho ông một nhân vật tốt bụng trong các vai diễn trên màn bạc? Phải chăng đó là cách thức duy nhất để ông có thể đánh lừa tâm trí mình và xoa dịu những vết thương của thời thơ dại? Phải chăng nếu không sống giả tạo trong vai diễn thì ông trở nên lạc lối và đi vào trầm cảm? Phải chăng sân khấu là nơi để ông lừa dối chính bản thân mình và vai diễn là không gian cho ông nương tựa, để quên đi những khoảng khắc đau khổ, cái khắc khoải cô đơn và cái quá khứ nghiệt ngã của cuộc đời mình.

The Kid” cũng là cuốn phim thể hiện rõ về cuộc sống bất hạnh của cậu bé Charlie Chaplin, bộ phim kể về một đứa trẻ bị người mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng được một người đàn ông nghèo khổ sống bằng nghề vá cửa kính đem về nuôi, tuy nghèo khó nhưng ông lão lại vô cùng yêu thương đứa con nuôi. Đứa bé sống bình yên bên người đàn ông nghèo khổ, cho đến một ngày, khi nhân viên trại tế bần phát hiện ra cậu là đứa trẻ mồ côi và muốn đem cậu bé vào trại tế bần để chăm sóc. Hai bố con nghèo khó ấy phải chạy chốn khỏi căn nhà của mình và ngủ qua đêm trong một nhà trọ chật chội. Một hôm, người chủ nhà trọ tình cờ đọc được một mẩu tin trên báo do người mẹ của cậu bé đang tìm đứa con mà bà đã bỏ rơi năm xụa. Người chủ nhà trọ đã báo cho người mẹ tìm con ấy biết và cuối hai mẹ con đoàn tụ. Cảnh chia tay giữa hai cha con người đàn ông nghèo khó là đoạn phim vô cùng xúc động đã khiến khán giả cười vang xen lẫn trong tiếng khóc…

Nội dung trong cuốn phim “The Kid” đã bộc lộ một niềm mơ ước của hầu hết những đứa trẻ mồ côi, mơ ước một ngày đoàn tụ cùng với mẹ cha. Phải chăng đây cũng là niềm mơ ước của chính Charlie Chaplin, ao ước một ngày gặp lại mẹ. Phải Charlie Chaplin mơ ước một mái gia đình…

Tóm lại, trong tất cả các phim hài của Charlie Chaplin đều có những ngụ ý rất thâm thúy, có thể nói đây là một thể loại phim hài hước có mục đích, mang tính cách giáo dục và răn dậy đạo làm người, không nên phân biệt giai cấp trong xã hội, dù giầu hay nghèo đều phải được kính trọng như nhau. Chất bi kịch xen lẫn hài kịch khiến người xem phải suy ngẫm và xúc động vì nội dung phong phú của cốt truyện. Xem phim hài của Charlie Chaplin khiến người xem phải thán phục trí tuệ và sự hài hước tuyệt vời của ông. 

Tưởng không thể không nhắc đến phim hài “The Great Dictator” của ông, Chaplin đã đóng vai Adolf Hitler, Chaplin kết thúc phim bằng một bài phát biểu nổi tiếng và trở thành câu kinh điển cho tình yêu và sự khoan dung.

Chúng ta muốn sống vì hạnh phúc của người khác, chứ không phải sự đau khổ.

Chúng ta không muốn sự thù ghét và khinh miệt người khác.

Sự hiểu biết khiến chúng ta trở nên cay độc.

Sự khôn ngoan làm chúng ta cứng rắn và tàn nhẫn.

Chúng ta suy tính quá nhiều và cảm nhận quá ít.”

Khánh Lan, California, May 2022