Khánh Lan,  Văn Thơ

THU TRONG THI CA

Có những lúc chúng ta tự hỏi là tại sao đa số các văn thi sĩ lại hay chọn đề tài “THU” để làm tựa hay nội dung cho tác phẩm của mình? Có phải hình ảnh chiếc lá lìa cành đã làm rung động tâm hồn của các bậc thi nhân và các nhà văn sĩ? Hay chính cái phong cảnh ảm đạm của chiều thu điêu tàn đã khuấy động niềm cảm xúc trong tâm tư người cầm bút? Phải chăng?

Thu nhớ ai thu buồn

Thu nhớ ai thu Hờn

Thu sầu mây lâng lâng

Cho dòng chiều bâng khuâng.

Thật vậy, trong thế giới thi ca trên thế giới đã chứng minh được điều này, bởi sự ra đời của những tuyệt tác văn học nghệ thuật nối tiếng như tác phẩm Les Feuilles Mortes của Jacques Prevert; L’Adieu của Guillaume Apollinaire; Sonnet 73 của William Shakespeare; Autumn của John Clare hay To Autumn của John Keats, v.v… đã chuyển hóa những vần thơ, ý nhạc của mình bắt nguồn từ niềm cảm hứng và thiên tài bẩm sinh của từng cá nhân.

Trong lãnh vực kịch nghệ hay văn chương cũng thế, sự hiện diện của những quyển tiểu thuyết, những cuốn phim giá trị đều có cùng một khái niệm như trên. Có lẽ và hầu như nhiều tác giả đã chọn mùa thu làm chủ đề cho tác phẩm của mình, như cuốn tiểu thuyết Jane Eyre by Charlotte Bronte (1847) được đóng thành phim, kể lại một chuyện tình say đắm giữa cô bé mồ côi can đảm Jane Eyre và người đàn ông tài giỏi, độc đoán Rochester. Cô là người đã khám phá ra những bí mật đen tối tại một điền trang sang trọng ở Anh. Phim Dracula by Bram Stoker (1897) là một bộ phim kinh dị Gothic của Mỹ năm 1992 do Francis Ford Coppola đạo diễn và sản xuất.                       

Tại Hoa Kỳ, sự xuất hiện của nhiều phim nổi bật với khung cảnh mùa thu hữu tình, tình tiết bi thương, hoàn cảnh éo le đã làm rơi lệ biết bao khán thính giả như cuốn phim Autumn In New York với Richard Gere và Winona Ryder hoặc When Harry Met Sally với Billy Crystalia và Meg Ryan hay với Math Damon, Ben Affleck, Robin William, ba nhân vật thủ vai chính trong phim Good Will Hunting, v.v…

Khi nói đến “THU” trong thi ca thì ta có thể nói rằng đó là một đề tài phong phú, một thế giới bao la rộng mở để chúng ta bàn luận, một kho tàng văn hóa để các bình luận gia nghiên cứu và học hỏi… Trong phạm vi bài viết này, người viết xin phép chỉ bàn đến hai nhà thơ danh tiếng của Pháp là Paul Verlaine (1844-1896) và Jacques Prevert (1900-1977), bởi cả hai thi nhân này đều có những tác phẩm liên quan đến MÙA THU mà người viết đã mạo muội sáng tác một bài thơ bán cổ điển với lời tựa NHỚ MÙA THU CŨ vào buổi đầu thu 2022. Trong bài thơ ấy có đề cập đến tên của hai nhà thơ cổ thụ này…

NHỚ MÙA THU CŨ

    Thơ Khánh Lan

Thu đến đây rồi những lá rơi

Công viên Lục Xâm màu hoang vắng

Dĩ vãng goi hồn mùa thu trước

Dương cm vang vọng tiếng thu ca

Nhạc Chopin, giọt mưa lả chả

Mưa sa lành lạnh không gian buồn

Mang gió heo may như đông giá

Một khối u hoài thương nhớ ai.

Phím đàn lướt nhẹ khúc Chopin

Mùa thu năm ấy vương tình nở

Trao nụ tình lâng lâng nỗi nhớ

Sông Seine lặng gió thu xào xạc

Nắng xuyên cành vàng lá Lục Xâm

Verlaine tượng đá lặng lẽ nhìn

Choàng Paris vào cho em ấm

Áo em vàng Prévert lá rơi

Mùa thu vàng rêu phong hoài niệm

Nhớ thu vàng, chạnh nhớ thu xưa

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Minh Trí và nhạc sĩ Phạm Thái phổ nhạc với tựa: NHỚ THU XƯA qua hai giai điệu khác nhau: Valse vui tươi trong sáng và Boston với nỗi sầu nam mát, lâng lâng.

NHỚ THU XƯA

                           Thơ Khánh Lan

                          Nhạc Minh Trí

Thu đến rồi đây chiếc lá nâu

Công viên Lục xâm vắng hoang mầu

Dĩ vãng gọi hồn mùa thu trước

Dương cầm vang vọng tiếng thu sầu

Nhạc Cho-pin giọt mưa lã chả rơi

Mưa se lạnh sầu vương tím chân trời

Nặng một khối u hoài ai thương nhớ

Trên phím đàn lướt nhẹ khúc chơi vơi

Mùa thu năm ấy duyên tình bén vội

Nụ hôn trao giữa lá vàng rơi

Dòng sông Seine cuốn đi nguyện ước thầm

Nắng xuyên cành lá xạc xào vườn Lục Xâm

Ver-laine tượng đá lặng ngắm ai

Paris choàng nắng ấm vai gầy

Pré-vert lá rụng vàng trên áo

Nhớ mùa thu nào nhớ xôn xao.

Kerchtt.ru phân tích: Văn chương Âu Châu trong những năm 1870-1910 có khuynh hướng tập trung vào nghệ thuật thuộc trường phái “Symboliste” (Biểu Tượng/Tượng Trưng) với bản chất lý tưởng siêu phàm và vẻ đẹp song toàn của nó. Phải chăng, những thực thể lý tưởng, trực giác thơ mộng, tính cách thẩm mỹ và vẻ đẹp vĩnh cửu này chỉ có nghệ thuật của chủ nghĩa Biểu Tượng mới có thể thực hiện được và chúng ta đã nhận thấy rằng nó đã phát triển trong các tác phẩm của Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Stéphane Mallarmé. Thuật ngữ Biểu Tượng/Tượng Trưng được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1886 bởi nhà thơ J. Moreas.

 Sự suất hiện của nghệ thuật chủ nghĩa Biểu Tượng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là do các nhà thơ theo chủ nghĩa này khao khát sự tự do tinh thần, họ thấm nhuần tư tưởng cũng như tin tưởng vào “trí tưởng tượng sáng tạo” của mình, họ mong muốn lĩnh hội được những giá trị nghệ thuật cao siêu hơn trong lãnh vực sáng tác. Bởi chính sự háo hức đi tìm chân lý của chủ nghĩa thẩm mỹ thuần túy khiến nó đã đẩy nhiều nghệ sĩ vào con đường chạy trốn thực tế và biến chủ nghĩa Biểu Tượng thành chủ nghĩa “lãng mạn” và lý thuyết “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Các nhà đại diện thuộc trường phái Biểu Tượng gồm P. Verlaine, P. Valery, A. Rimbaud, M. Metterliik, A. Blok, A. Bely, F. Sologub, P. Gauguin, M.K. Chyurlionis, M. Brubel, Vyach, Ivanox, v.v… Trước hết, người viết xin giới thiệu thi hào Paul Verlaine.

PAUL VERLAINE là một thi sĩ nổi tiếng của Pháp thuộc trường phái “Symboliste” (Biểu tượng/tượng trưng) và tiêu biểu cho lối sống “Decadent” (sa đọa) của Âu Châu vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Verlaine cũng như những người theo chủ nghĩa Biểu Tượng, thường cho mình là kết quả của sự đồi trụy và sự suy tàn của nền văn hóa tư bản.

Paul Velaine (Photo Credit: Wikimedia Commons)

Dựa theo bài viết của Nguyễn Minh Luận Paul Verlaine là người sáng lập ra trường phái thơ Biểu Tượng/Tượng Trưng, ông là một trong những nhà thơ lớn nhất và nổi tiếng nhất của nước Pháp trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đã có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của nền thi ca hiện đại Pháp, cũng như tới một số tác giả trong phong trào Thơ Mới ở Việt Nam trong giai đoạn 1932-1945. Thơ của Verlaine giàu nhạc tính, ông nổi tiếng là người kỹ tính và không bao giờ viết một dòng thơ dở dang như nhà văn Graham Robb đã nhận định. Tập thơ “Khúc lãng mạn không lời” của Verlaine được coi như tuyên ngôn của trường phái Biểu Tượng/Tượng trưng và được bầu chọn là “Ông hoàng của các nhà thơ” ở Pháp năm 1894.

Đầu năm 1871, Verlaine từ bỏ gia đình và bị lôi cuốn vào một cuộc tình đồng tính đầy sóng gió với Arthur Rimbaud (1854-1891), một thần đồng thơ Pháp, khi ấy mới 17 tuổi. Khởi đầu của sự quan này khi Rimbaud gửi một số bản thảo thơ của anh cho Verlaine và nhờ Verlaine thẩm định ý thơ của anh, trong đó có tập thơ trứ danh “Con tàu say“. Verlaine đã khâm phụ và sửng sốt trước những khám phá mới mẻ, bất ngờ trong thơ của Rimbaud, ông đã viết thư mời Rimbaud tới nhà chơi, khởi đầu cho một cuộc tình nóng bỏng từng bị thiên hạ đàm tiếu, chê bai và khinh miệt. Mùa hè 1873, đánh dấu sự xuống dốc trong cuộc đời của Verlaine khi ông gặp lại Rimbaud tại Brussels. Sự đoàn tụ của họ không kéo dài được bao lâu, ngày 10 tháng 07, 1973, trong một cuộc cãi vã, Verlaine đã lấy súng bắn Rimbaud bị thương ở cổ tay trái và bị kết án 2 năm tù. Trong thời gian sống trong nhà giam, Verlaine đã sáng tác tập “Khúc lãng mạn không lời” tặng cho Rimbaud. Đây cũng là thời gian mà Verlaine đã sáng tác những bài thơ hay và trở thành nổi tiếng.

Những năm cuối đời, Verlaine luôn sống trong tình cảnh đau ốm, phải thường xuyên nhập viện. Mọi người đều phải công nhận rằng cuộc đời của Verlaine là một chuỗi ngày say-say, tỉnh-tỉnh kèm với những ăn năn, hối hận về những năm tháng sống buông thả. Nhưng, như một con ngựa hoang đã quen đường cũ, Verlaine thường xuyên có mặt tại các tửu quán, ông làm bạn với các cây bút trẻ, giao thiệp với những gã ma cô và những ả gái điếm rẻ tiền cho đến ngày 08 tháng 01, 1896, Verlaine trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 52 trong cảnh nghèo khó, nghiện ngập và rượu chè sau khi viết xong bài giới thiệu cho Tuyển tập tác phẩm của Arthurr Rimbaud. Thi hài của Verlaine được an táng tại nghĩa trang Cimetiere de Batignolles, trước sự đưa đám của hơn ba ngàn người. Điều ấy nói lên rằng, sự nghiệp thi ca của Verlaine đã thực sự chinh phục được trái tim của đông đảo người đọc.

Một trong những bài thơ nổi tiếng của Verlaine là bài Chanson D’Automne (Bài Ca Của Mùa Thu). Đây là một bài thơ đã đưa tên tuổi của ông vào lịch sử của Pháp nói riêng và thế giới nói chung, bởi bài thơ Chanson D’Automne đã được đài phát thanh Luân Đôn phát thanh 6 câu thơ đầu của ông vào ngày 05 tháng 06, 1944, lúc 23 giờ 15 phút, báo hiệu cho quân đội kháng chiến Pháp biết rằng sắp có cuộc đổ bộ của quân đội Đồng Minh trên bãi biển Normandie (Pháp) trong vài giờ với tín hiệu “Sonne l’heure” (Giờ lên tiếng điểm).

Les sanglots longs
Des violons de l’automne
Blessent mon coeur
D’une longueur monotone
Tout suffocant et blême quand sonne l’heure

Je me souviens des jours anciens
Et je pleure

Je me souviens des jours anciens
Et je pleure

Je me souviens des jours anciens
Et je pleure
Et je m’en vais au vent mauvais
Qui m’emporte deçà, delà
Et je m’en vais au vent mauvais
Pareil à la feuille morte

Bài thơ này được rất nhiều dịch giả dịch sang tiếng Việt Nam như Hồ Văn Hiền, Nguyễn Vạn An, Tường Vân, v.v… Tuy nhiên, trong bài viết này, người viết chỉ nêu lên hai bài thơ được dịch bởi hai dịch giả, Nguyễn Vạn An và Tường Vân. Trước nhất là bài dịch của Nguyễn Vạn An dưới tựa đề:

Bài Ca Của Mùa Thu

Nức nở dài

Tiếng những vĩ cầm của mùa thu

Làm đau tim tôi, gây một nỗi buồn

Đơn điệu tẻ nhạt, ngắc nghẹn lời

Lòng tái tê, khi nghe giờ điểm tiếng

Tôi nhớ lại những ngày xa xưa

Rồi tôi khóc và tôi ra đi

Theo cơn gió chướng

Gió mang tôi qua bên này, bên kia

Như mang chiếc lá đã lìa đời.

Sau là bài thơ này mang tên Thu Từ do thi sĩ Tường Vân dịch và đăng trong cuốn “Thơ Pháp vần Nam”-Giải thưởng Văn học Alexandre de Rhodes, 1944.

Tiếng nhị dài, nức nở hoài

Đêm thu vắng, bận lòng ai

Mối sầu dằng dặc, mãi không thôi

Một giờ qua, lại làm ta,

Tức hơi thở, tái màu da

Chạnh niềm tưởng nhớ, lệ châu sa…

Tấm thân này nhẹ nhàng bay

Theo ngọn gió, khắp đó đây

Khác gì chiếc lá, đã lìa cây.

Ngày nay, thi phẩm “Bài Ca Của Mùa Thu” đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và nhiều ca sĩ như Serge Gainsbourg, Boby Lopointe, Alain Barriére, Charles Trénet trình diễn. Tại Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã phổ nhạc bài thơ Chanson D’Automne của Paul Verlaine qua nhạc khúc:

Thu Ca Điệu Ru Đơn

Mùa thu nức nở tiếng thở dài
Tiếng vĩ cầm buồn ơi mùa thu ơi
Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn
Tiếng thu buồn buồn ru điệu ru đơn

Nghẹn ngào tê tái nghẹn ngào tê tái
Khi giờ đã điểm vì ta ngồi ta nhớ
Những ngày nào xưa những ngày nào xưa
Và ta khóc lóc và ta khóc lóc

Năm 1962, cuốn phim “The Longest Day” (Ngày dài nhất) do John Wayne, Richard Burton và Robert Ryan thủ vai chính đã đoạt hai giải Oscar, kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của bộ của quân đội Đồng Minh trên bãi biển Normandie. Cũng cùng một mục đích ấy, ngày 30 tháng 04, 1975, đài phát thanh quân đội Mỹ đã phát thanh bài “White Christmas” như một tín hiệu cho sự di tản của những công dân Mỹ và các cộng tác viên của họ trước ngày 30 tháng 04, 1975 khi miền nam Việt Nam sụp đổ.

JACQUES PRÉVERT sinh ngày 04 tháng 02, 1900 tại Neuilly-sur-Seine (Seine) Pháp và mất ngày 11 tháng 04, 1977 tại Omonville-la-Petite (Manche). Prévert là tác giả của nhiều tuyển tập thơ và là nhà thơ được nhiều người yêu mến bởi ngôn ngữ bình dị và phong cách dùng chữ khéo léo, tinh tế của ông. Những bài thơ Pháp ngữ nổi tiếng trên thế giới của Prévert được dùng trong việc giảng dạy tại các trường học ở Pháp. Ngoài ra, ông còn hoạt động tích cực trong lãnh vực sân khấu và điện ảnh. Trong bất cứ lãnh vực nào ông cũng biểu thị một tài năng chói sáng.

Jacques Prévert (Photo Credit: Internet)

Thơ Prévert được in thành tập lần đầu tiên vào năm 1944, đây là một ấn bản in ronéo 200 bản do một số học sinh trung học ở Reims thực hiện. Sau đó, cùng với một số bài thơ khác, những bài trong ấn bản nói trên được René Bertelé thu thập và in thành tập vào năm 1945 và trở thành ấn bản của cuốn Paroles vào năm 1947. Đến nay, nhà xuất bản «le Point du Jour» của René Bertelé đã được nhà Gallimard mua lại, và Paroles đã được in trên 3 triệu cuốn, chưa kể vô số những bản dịch ở khắp nơi trên thế giới.

Thơ Prévert là thơ của trẻ thơ, của thiên nhiên, của chim chóc và cỏ hoa. Lời thơ giản dị, dễ hiểu nhưng sâu sắc và chan chứa tình cảm. Với lòng yêu thương đồng loại, ông đã lên án chiến tranh; chống thỏa hiệp và chống bất công, bóc lột, áp bức… Kể từ cuộc thế chiến thứ II tới nay, người thưởng ngoạn thơ Prévert tỏ ra rất hài lòng và tiếp nhận dòng thơ của ông một cách nhiệt tình bất kể dù là họ đang sống trong hoàn cảnh nào. Bời những cuộc đấu tranh cho quyền tự do của con người cũng như cho tình yêu, niềm vui sống, thơ của Prévert đã trở thành dòng thơ gần gũi với đại chúng, của đại chúng và được nhiều người yêu thích.

Nhận định về thơ Prévert, nhà thơ Mỹ Laurence Ferlinghetti có viết: «Nhiều bài thơ trong tập Paroles phát xuất từ Thế chiến II và cuộc chiếm đóng (của Đức quốc xã) ở Pháp. Prévert đặc biệt nói với những người Pháp trẻ tuổi ngay sau Chiến tranh, nhất là với những người lớn lên trong thời chiếm đóng và cảm thấy hoàn toàn xa lạ với Giáo hội và Nhà nước». Ferlingetticho rằng, khiPrévert nghĩ về chiến tranh Việt Nam, (Chiến tranh Đông dương I & II), Prévert đã đứng về phía nhân dân Việt Nam chống lại những âm mưu và hành động của thực dân và đế quốc. Có một số bài thơ của Jacques Prévert đã tỏ rõ tấm lòng và sự ngưỡng mộ của ông đối với người dân Việt Nam…

Theo bài biên soạn của Diễm Châu, dân Việt Nam cũng rất yêu thơ Prévert, điển hình là bài thơ “Barbara” của ông đã có ít nhất là bốn bản dịch sangViệt ngữ. Trong gần 200 bài thơ của Prévert, nhiều bài thơ được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam qua các bản dịch của Nguyễn Đăng Thường và Diễm Châu (1993), Cao Nghi Bình và Diễm Châu (1998).

Đáng kể nhất là bài Les Feuilles Mortes đã được một số đông khán thính giả yêu thơ hưởng ứng nồng nhiệt. Les Feuilles Mortes bản gốc bằng tiếng Pháp là một lời than thở về một tình yêu đã mất trong sự hối tiếc.

Oh, je voudais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi

Cũng bài thơ này, tại Hoa Kỳ đã được hòa âm bởi Joseph Kosma và Featuring với cùng một chủ đề nhưng theo một phong cách nhẹ nhàng hơn, bâng khuâng hơn. Bài hát Autumn Leaves ra đời vào năm 1945 và do ca sĩ Yves Montand trình diễn năm 1946 tại Poetic Realism Film-Les Portes de la Nuit.

The falling leaves
Drift by my window
The autumn leaves
Of red and gold
I see your lips
The summer kisses
The sunburned hands
I used to hold
…….

               Vẫn bàn về chủ đề THU thì trong thi ca Việt Nam cũng đã có những dòng thơ bất hủ viết về mùa Thu. Một số thi nhân tiêu biểu như Tản Đà (Gió Thu), Lưu Trọng Lưu (Tiếng Thu) Tế Hanh (Mùa Thu Tiễn Em), Bà Huyện Thanh Quan (Tức Cảnh Chiều Thu), Xuân Diệu (Đây Mùa Thu Tới), Hàn Mặc Tử  (Cuối Thu) v.v… và trong làng âm nhạc, những nhạc phẩm nổi tiếng như Chiếc Lá cuối cùng của Tuấn Khanh; Thu Ca của Phạm Mạnh Cương; Mùa Thu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và đáng kể nhất là tuyệt tác Mùa Thu Chết, nguyên tác L’Adieu của nhà thơ Guillaume Apollinaire. Vậy trước khi nói chúng ta bàn về bài thơ L’Adieu và nhạc phẩm Mùa Thu Chết, người viết xin phép được điểm qua tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ này.

               GUILLAUME APOLLINAIRE tên thật là Wilhelm Albert Włodzimierz Apolinary Kostrowicki sinh ra ở Rome, Ý ngày 26 tháng 08 năm 1880 và mất ngày 09 tháng 11 năm 1918 ở tuổi 38.  Ông di cư đến Pháp ở tuổi thiếu niên, lấy tên là Guillaume Apollinaire và là người thông thạo tiếng Pháp, Ý và Ba Lan. Apollinaire là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà viết truyện ngắn và tiểu thuyết cũng như nhà phê bình nghệ thuật người Pháp gốc Ba Lan-Belarus. Năm 1899, ông chuyển về sống ở Paris, bắt đầu viết báo, làm thơ và trở thành nhà thơ nổi tiếng với bút danh Guillaume Apollinaire.

               Thơ cùa Apollinaire là những bài thơ không dấu chấm câu, hiện đại về cả hình thức lẫn chủ đề. Ông đã viết một trong những tác phẩm văn học Siêu thực sớm nhất, vở kịch The Breasts of Tiresias (1917) đã trở thành nền tảng căn bản cho vở opera Les mamelles de Tirésias (1947) của Francis Poulenc. Do sự ảnh hưởng của thể loại thơ tượng trưng của trường phái Biểu Tượng, Apollinaire đã được các nhà thơ trẻ sau này ngưỡng mộ trong suốt cuộc đời và được coi như là hạt nhân của nhóm Siêu thực (Breton, Aragon, Soupault).

            Chính bởi bản tính độc đáo, Apollinaire trở thành một trong những người đi trước cuộc cách mạng văn học đầu thế kỷ XX,. Nghệ thuật sáng tác của ông dựa trên một nguyên tắc đơn giản là: Hành động sáng tạo phải xuất phát từ trí tưởng tượng, từ trực giác và gần gũi với cuộc sống, với thiên nhiên, môi trường và con người. Những năm hoạt động như một nhà báo và nhà phê bình nghệ thuật, Apollinaire cộng tác với các báo Le Matin, L’Intransigeant, L’Esprit nouveau, Mercure de France, và Paris Journal. Năm 1912 Apollinaire cùng một số đồng nghiệp sáng lập tờ Les Soirées de Paris, một tạp chí nghệ thuật và văn học.

Guillaune Apollinaire (Photo Credit: The ARTlicker)

Tháng 9 năm 1911 Apollinaire bị bắt vào tù vì bị nghi ngờ tham gia đánh cắp bức họa Mona Lisa nổi tiếng ở bảo tàng Louvre, một năm sau ông được trả tự do vì chính quyền không tìm ra được bằng chứng. Trong thế giới của người cầm bút, Apollinaire được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của đầu thế kỷ XX, đồng thời là một trong những người bảo vệ nhiệt thành nhất của Chủ nghĩa Lập thể vào năm 1911 để mô tả phong trào nghệ thuật và sử dụng thuật ngữ Orphism năm 1912.  

Năm 1912, Apollinaire cùng bạn bè thành lập tạp chí Chiều Paris và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này, ông cho ra đời thi phẩm nổi tiếng nhất của mình: Le Pont Mirabeau (Cầu Mirabeau) và trường ca Zone. Hai tác phẩm này đã đưa Guillaume Apollinaire lên vị trí số một trong các nhà thơ đương thời. Năm 1913 ông in tập thơ Alcools (Rượu) và năm 1914 ông cho in một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình (calligrammes). Apollinaire còn được coi là cha đẻ của Chủ nghĩa Siêu thực vào năm 1917 để mô tả các tác phẩm của Erik Satie.

Khi Thế chiến thứ I bùng nổ, Guillaume Apollinaire tình nguyện ra trận với mong muốn được giải phóng Ba Lan nhưng bị thương nặng. Đặc biệt là trong thời gian trị bệnh, ông đã viết nhiều bài thơ về chiến tranh. Tháng 3 năm 1916 Apollinaire được nhập quốc tịch Pháp và trở lại Paris tiếp tục sáng tác. Hai năm sau khi bị thương trong Thế chiến thứ I, Apollinaire chết trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và được công nhận là “Mort pour la France” (Nước Pháp gục ngã) vì những cam kết của ông trong chiến tranh.

               Nguyên tác “L’Adieu” như sau.

“ J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t’attends”

Qua sự đồng cảm tài tình với ý thơ trong bài L’Adieu nhà thơ Bùi Giáng đã chuyển ngữ bài thơ năm câu của Apollinaire thành những vần thơ tình tứ làm mê đắm lòng người trở thành bài thơ với tựa đề “Lời vĩnh biệt”.

“ Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ chẳng tương phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian, mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé, ta vẫn chờ em đó…”

Tác giả Đinh Kỳ Thanh đã nhận định rằng: Mặc dù đã trải qua bao thập kỷ và nhiều thế hệ, nhưng khán giả yêu nhạc Việt Nam vẫn say mê giai điệu mượt mà, thanh khiết và quyến rũ của Phạm Duy trong nhạc phẩm “Mùa Thu Chết”. Bùi Giáng đã gợi mở tâm hồn của người nhạc sĩ lãng mạn, đa tình họ Phạm ngân lên giai điệu tuyệt vời, da diết, khắc khoải trong nhạc phẩm “Mùa Thu chết”.

“ Ta ngắt đi một chùm hoa thạch thảo

Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi…

Mùa Thu đã chết, em nhớ cho mùa Thu đã chết…

Đã chết thật rồi…Em nhớ cho

Hai chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa

Trên cõi đời này…

… Từ nay mãi mãi không thấy nhau…

… Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta mãi chờ em

Mãi chờ em. Mãi chờ em

Mãi chờ, Mãi đợi...Đợi chờ em…”

Kết luận: Trong lãnh vực thi ca thì cả hai nhà thơ danh tiếng của Pháp là Paul Verlaine (1844-1896) Jacques Prévert (1900-1977) đã sáng tác những thi phẩm có giá trị trong đó có hai tác phẩm đã trở thành tác phẩm văn học kinh điển của xã hội Pháp nói riêng và trên thế giới nói chung. Đó là hai bài thơ bất hủ: LesFeuilles Mortes của Prévert và Chanson D’Automne của Paul Verlaine.

Bất hủ bởi bài thơ Les Feuilles Mortes của Prévert là tác phẩm thi ca đích thực, phản chiếu một thế giới tràn đầy tình người, chan chứa sự quảng đại, trong sáng và thủy chung. Chẳng những thế, với thể chất yêu thương đồng loại rộng mở, Prévert lên án chiến tranh; chống thỏa hiệp, bất công, bóc lột và áp bức, Prévert đã đứng về phía nhân dân Việt Nam chống lại những âm mưu và hành động của thực dân và đế quốc. Đặc biệt, một số bài thơ của Jacques Prévert đã tỏ rõ tấm lòng và sự ngưỡng mộ của ông đối với người dân Việt Nam. Điều này có phải vì tác giả cũng là một người lính, ông đã từng sống trong hoàn cảnh khốc liệt giữa cơn mưa súng đạn, đứng trước cái chết đang chực chờ bên cạnh và chứng kiến những buổi chia ly đầy nước mắt.

Thơ Prévert được người dân Việt Nam yêu mến và nồng nhiệt đón nhận, nhất là bài thơ “Barbara” của ông. Bài thơ Barbara lẫy lừng của Prévert đã làm người đọc rơi lệ thương cảm cho một mối tình mới chớm nở đã bị chiến tranh cướp mất. Là chứng nhân của mối tình ấy, Prévert đã ghi lại giây phút trùng phùng lúc cặp tình nhân gặp nhau dưới làn mưa hạnh phúc, khi người tình Barbara ngã trong vòng tay của người yêu, đầm đìa nước mắt tại thành phố cảng Brest của Pháp, một căn cứ tàu ngầm chính của Đức trong Thế chiến thứ II (bị phá hủy hoàn toàn bằng bom đạn vào cuối cuộc chiến).

Oh Barbara
Quelle connerie la guerre
Qu’es-tu devenue maintenant
Sous cette pluie de fer
De feu d’acier de sang
Et celui qui te serrait dans ses bras
Amoureusement
Est-il mort disparu ou bien encore vivant
Oh Barbara

Bài thơ Barbara đã được Nguyễn Bình Nguyên dịch như sau:

Ôi Barbara
Chiến tranh thối tha biết mấy
Em ra sao giờ này
Dưới cơn mưa sắt chảy
Dưới cơn mưa máu trào lửa cháy
Còn người đàn ông đã ôm em trong vòng tay
Âu yếm
Chàng đã chết, biệt tăm hay còn sống trên cõi đời này

               Ngược lại, thơ của Paul Verlaine mang một sắc thái buông thả như cuộc đời của ông, nhưng ông lại là một trong những nhà thơ lớn nhất và nổi tiếng nhất của nước Pháp ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Là người sáng lập trường phái thơ Tượng trưng, Verlaine đã tạo một ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của thi ca hiện đại Pháp cũng như phong trào Thơ Mới ở Việt Nam trong giai đoạn 1932-1945. Năm 1894, Pháp đã bầu Verlaine là “Ông hoàng của các nhà thơ“.

Apollinaire đã được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của đầu thế kỷ XX, là một trong những người bảo vệ nhiệt thành nhất của Chủ nghĩa Lập thể (1911) và là cha đẻ của Chủ nghĩa Siêu thực. Verlaine nổi tiếng bởi bài thơ Chanson D’Automne đã đưa tên tuổi của ông vào lịch sử của Pháp và thế giới vì bài thơ này đã được phát thanh trên đài phát thanh Luân Đôn ngày 05 tháng 06, 1944 báo hiệu về cuộc đổ bộ của của quân đội Đồng Minh trên bãi biển Normandie..

               Guillaume Apollinaire được nhắc đến trong bài viết này bởi sự ra đời của bài thơ tuyệt diệu L’Adieu của ông và nhạc phẩm Mùa Thu Chết của Phạm Duy. Apollinaire được coi là một trong những người đi trước của cuộc cách mạng văn học trong nửa đầu thế kỷ XX. Nghệ thuật sáng tác của ông dựa trên một nguyên tắc đơn giản là: Hành động sáng tạo xuất phát từ trí tưởng tượng, từ trực giác và gần gũi với cuộc sống, với thiên nhiên, môi trường và con người. Thơ cùa Apollinaire là những bài thơ không dấu chấm câu, hiện đại về cả hình thức lẫn chủ đề do sự ảnh hưởng của thể loại thơ tượng trưng của trường phái Biểu Tượng, Apollinaire đã được các nhà thơ trẻ sau này ngưỡng mộ và được coi như là hạt nhân của nhóm Siêu thực (Breton, Aragon, Soupault).

Khi Thế chiến thứ I bùng nổ, Guillaume Apollinaire tình nguyện ra trận với mong muốn được giải phóng Ba Lan nhưng ông bị thương nặng và được công nhận là “Mort pour la France” vì những cam kết của ông trong chiến tranh. Apollinaire được người dân Việt Nam biết đến qua bài thơ L’Adieu”, Bùi Giáng dịch và Phạm Duy phổ nhạc.

Nói tóm lại, qua tiểu sử và sự nghiệp thi ca của ba thi nhân trên, thì có phải sự thành công là kết quả của sự hoàn hảo, làm việc chăm chỉ, lòng trung thành và bền tâm? Hay thành công là khả năng đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không làm mất đi nhiệt huyết? Phải chăng sự thành công là những con đường đầy chông gai nhưng sẽ dẫn tới những quang cảnh ngoạn mục? Người viết tin rằng chúng ta có thể thành công nếu chúng ta cố gắng tìm kiếm nó.

“Thêm một chút bền bỉ, một chút nỗ lực,

thì điều mà ta tưởng chừng như là thất bại, vô vọng

lại có thể biến thành sự thành công rực rỡ”

(Elbert Hubbard)

Khánh Lan, California October 2022

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://sites.google.com/site/lesitedenva/04-tho-dich/01-paul-verlaine-bai-ca-cua-mua-thu
  2. https://khoahocnet.com/2014/11/02/than-trong-son-dich-va-gioi-thieu-tho-jacques-pervert-nha-tho-phap-1900-1977
  3. Wikipedia.com-Guillaume Apollinaire