Tác phẩm “Mưa Nắng Bên Đời”, Yên Sơn Trương Nguyên Thuận
Hôm 11 tháng 11 năm 2018 là ngày ra mắt giới thiệu sách Tuyển Tập Truyện Ngắn “ MƯA NẮNG BÊN ĐỜI’ và CD nhạc “ GÓP CHÚT HƯƠNG CHO ĐỜI” do nhà văn, nhà thơ Trương Nguyên Thuận với bút hiệu “YÊN SƠN” được tổ chức tại NT Studio thuộc thành phố Westmister, California. Chúng tôi trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian là một trong thành phần hộ trợ cùng một nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long San Diego và nhóm Cựu Sĩ Quan Không Quân VNCH đã liên hợp với nhà văn YÊN SƠN cùng anh Ngô Văn Quy, chị Bích Ty, Mộng Thuỷ cùng host chương trình này.
Lần đầu tiên một chương trình ra mắt sách rất được thành công trên mọi phương diện cả hình thức cũng như nội dung. Cũng nhờ tác giả đã từng sinh hoạt lâu dài ,sâu đậm trong nhiều lãnh vực và tích cực tham gia trong nhiều trong môi trường văn học từ trong nước cho ra tới hải ngoại. Nên đã có sự hiện diện của nhiều Giáo Sư, văn thi sĩ, tập thể Cựu Sĩ Quan Không Quân, Nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long, tập thể báo chí ngay cả các giới chức chính quyền sở tại như đương kim Thị Trưởng Tạ Đức Trí và cựu Thị Trưởng Tony Lâm đến tham dự và đã trao bằng tưởng lục của thành phố Westminster cho nhà văn Yên Sơn. Các diễn giả như Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư nhà văn Quyên Di, Giáo Sư Song Thuận gởi gấm chia sẽ cảm tưởng đến sự hăng say những nỗ lực đóng góp của nhà văn Yên Sơn qua nhiều thập niên.
TMC
Nhiều bạn bè chiến hữu của Yên Sơn cũng như giới tao nhân mặc khách từ nhiều nơi tham dự, chung vui cùng buổi họp mặt văn học và dòng nhạc của Yên Sơn, họ đến từ San Diego, Houston, Dallas, Fresno, San Jose, Los Angeles, Ventura, Arizona, Bakersfield,… Cách đây 16 năm, vào 2002, Yên Sơn cho ra thi phẩm thứ ba là Một Đời Tưởng Tiếc. Bạn bè đến chia vui cùng anh, cũng đông không kém. Yên Sơn xã giao rộng, bạn bè anh nhiều.
Đôi nét về Yên Sơn:
Tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi Song Ngư, sinh quán tại Quảng Ngãi, Việt Nam. Hiện định cư tại Kingwood, Texas, Hoa Kỳ.
Tốt nghiệp Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh và Computer Engineer (double majors).
Anh đã góp mặt trên văn đàn từ năm 1965 đến nay. Trước 1975, có văn thơ đăng thường kỳ trên các báo Phổ Thông, Thời Nay, Phụ Nữ Diễn Đàn, Trắng Đen. Thành viên Thi Văn Đàn Chim Việt Trà Vinh.
Sau 1975 khi ra hải ngoại, Yên Sơn cộng tác thường xuyên với hầu hết các Diễn Đàn Internet Việt ngữ, Đặc san, các Văn Đàn Thi Ca Hải Ngoại, và báo chí Viêt ngữ qua Văn, Thơ, Tùy Bút, Hồi Ký, Phóng sự, Truyện ngắn.
Anh từng giữ chức Cựu Tổng Thư Ký Trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ trực thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, từ 2000-2004. Rồi là Cựu Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Trung Ương Văn Bút Việt Nam Hài Ngoại nhiệm kỳ 2008-2011.
Nguyên Ứng Cử Viên Chủ Tịch VBVNHN nhiệm kỳ 2011-2014. Anh đảm nhiệm vai trò
Cựu Chủ tịch Ủy Ban Định Chế VBVNHN nhiệm kỳ 2011-2013; 2013-2015.
Những tác phẩm đã xuất bản:
Có rất nhiều sáng tác phẩm Văn Thơ in chung với nhiều Thi Văn Đàn và Bút Nhóm khác nhau ở Hải Ngoại; ngoài ra, có những tác phẩm riêng như:
Tập thơ “Quê Hương và Tuổi Trẻ” in tại Saigon, Việt Nam, tháng 3/1975
Tập thơ “Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu”, phát hành tại San Jose, California, 1998.
Tập thơ “Một Đời Tưởng Tiếc”, phát hành tại Houston, Texas, 2002
Tuyển tập Truyện Ngắn “Mưa Nắng Bên Đời”, phát hành tại Houston, Texas, 2018
Trang Nhà, www.thovanyenson.com, 2009.
Đã thực hiện 2 CD Thi Tuyển cùng với một số thi hữu thân thuộc
Những Giọt Sương Rớt Muộn, 2003
Lối Cũ Vẫn Trong Tim, 2009
và 1 CD Nhạc tự phổ từ thơ của mình:
Gần nhất là CD Nhạc “Góp Chút Hương Cho Đời”, phát hành tại Houston, Texas, 2018
Ngoài thơ văn ra anh cũng sáng tác nhạc, cho nên CD “Góp Chút Hương Cho Đời”, đã được trình làng hôm Chủ Nhật vừa qua. Tiêu biểu có 2 bài nhạc của Yên Sơn do ca sĩ Ngọc Quỳnh trình bày. Lâm Dung và Ngọc Quỳnh vốn là đôi song ca quen thuộc tại miền nam California. Song ca phụ nữ hay nam giới có điểm lợi khi họ ca bè bổ túc đệm cho nhau rất hay. Bên Pháp có nhóm ca đôi Brigitte (duo) gồm 2 ca sĩ Sylvie Hoarau và Aurélie Saada; hay nhóm Volo (duo) gồm 2 ca sĩ Frédéric Volovitch và Olivier Volovitch. Ở Mỹ có các nhóm song ca nổi tiếng như The Righteous Brothers (Bill Medley và Bobby Hatfield), Sonny and Cher, The Carpenters (Karen Carpenter và Richard Carpenter), Simon & Garfunkel (Paul Simon và singer Art Garfunkel),… Việt Nam cũng có những đôi song ca Lê Uyên Phương, Minh Xuân – Minh Phúc, Đức Huy -Thanh Tuyền (trước 1975), Từ Dung – Từ Công Phụng (một thuở xa xưa),…
Sáng nay thi sĩ YS làm thơ 6-8 cõng bà ca sĩ, tôi đi theo bắt chước vậy…
Ngọc Quỳnh trông đẹp như mơ
Khối giai theo đuổi làm thơ tỏ tình
Cây si có đứa rập rình
Rình cô ca sĩ một mình rinh đi
Xả Hòa lo lắng kể gì (1)
Rằng ai rinh nổi anh Chi cho tiền (2)
Notes:
(1): Xả Hòa, anh xả của Ngọc Quỳnh.
(2): Anh PSP TMC cá ai bắt cóc nổi NQ.
Hôm nọ post hình Ngọc Quỳnh lên Phây búc, vài bạn facebookers thắc mắc hỏi về Ngọc Quỳnh, bài viết này xin gửi Ngọc Quỳnh lên “Phây” nhé!
Tôi thích bài cổ nhạc kinh điển Dạ Cổ Hoài Lang, trong một bài viết cũ tôi có nhắc đến người nghệ sĩ này. Dạ Cổ Hoài Lang được trình bày qua giọng hát bi ai, thống thiết, với chút sụt sùi, bùi ngùi của nữ nghệ sĩ Ngọc Quỳnh đóng trong vai “Chinh phụ vọng chinh phu”, thui thủi chờ đợi ở khuê phòng cô đơn giá lạnh của nhiệt kế 50 độ Fahrenheit, tương ứng với 10 độ Celsius hay 238 độ trên nhiệt kế Kelvin, khi mà máy sưởi của khuê phòng của madame NQ chỉ độ nhiệt lượng với công suất dưới một ngựa (one horse power) hay 9000 BTU/Hr, khá khiêm nhường theo phép tính của môn Heat Transfer mà Văn Tui còn nhớ bì bõm của năm junior tại đại học của thuở học đại thôi, khuê phòng lạnh giá mà nỗi buồn chờ mong về hình ảnh của đức lang quân từ chiến trường xa xăm khi vinh quang trở về của thi ca: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Ý tưởng ít nhiều liên quan tới bản Dạ Cổ Hoài Lang mà ca sĩ Ngọc Quỳnh đã trình diễn trong ngày Gia Long hội ngộ toàn thế giới năm nào đã qua rồi.
Ca nghệ sĩ Ngọc Quỳnh – – – Nữ nghệ sĩ Ngọc Quỳnh là ai?
Nàng là một giọng ca của sân trường Gia Long, gốc gia đình di cư từ đất Hà Thành vào Nam sau biến cố đất nước phân ly 1954, dù sinh trưởng và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng giọng nói của cô vẫn đặc sệt chất Bắc. Ngọc Quỳnh có khiếu ca hát, cô xem sở thích cầm ca như thú vui nghiệp dư. Nghề kiếm cơm, dốp thơm dằn bao tử “bread and butter”, dốp chính của cô là dạy học bao năm với phấn trắng bảng đen của sân trường Huê Kỳ. Cô cho biết cô vẫn nhớ về thủ đô Sài Gòn Nhỏ, nơi mà những sinh hoạt văn hóa cội nguồn dân tộc đầy ắp, nên mỗi khi sinh hoạt cộng đồng cô phải lái xe từ Los Angeles xuống Orange County vác ngà voi. Nhờ ông xã dễ chịu, anh Vũ Văn Hòa tâm sự với bần bút, khi bà ấy công tác cộng đồng thì anh ở nhà trông nom, tếch-ke như Mr. Mom cho 3 cháu nhi đồng teenager. Anh Hòa là kỹ sư ngành thiết kế tàu bay chiến đấu cho một công ty lớn về quốc phòng, anh đùa là đi làm kiếm tí tiền còm cho bà nhà đổ xăng cho vợ đi phục vụ thiện nguyện xã hội của cộng đồng ta.
Năng khiếu của Ngọc Quỳnh chính ra về ca nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng, nhưng cô còn hát nhạc dân ca Bắc Trung Nam, một lãnh thổ toàn vẹn đất đai, Ngọc Quỳnh hát Ả Đào, Ca Trù, Hò Huế, và cái món tôi chú trọng trong bài này là vọng cổ cải lương. Sau Đêm hát tưởng niệm về nhạc sĩ Trần Trịnh tại Emerald Bay vừa qua, Ngọc Quỳnh tâm sự là cô nghe nói giáo sư Nguyễn Thanh Liêm vốn thích nghe cổ nhạc Nam phần, mà chương trình hôm Mừng Thượng Thọ cho giáo sư Liêm tại đài TV VHN lại chật ních, con kiến bò vào không lọt thì làm sao cô dám đề nghị ca tặng cho cô thầy Liêm. Cô bèn gởi bần bút MP3 bài ca của cụ cố soạn giả Cao Văn Lầu đến Thầy Liêm vậy. Tôi bảo là đợi dịp lễ Cúng Kỳ Yên 2013 của Hội Lăng Ông Lê Văn Duyệt vậy. Ngọc Quỳnh nói hát bài Dạ Cổ Hoài Lang của cụ cố Cao Văn Lầu cần có một vị nam lưu trong vai tướng công “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô”, vậy ai thủ vai ấy được <?>,….
Nay tôi xin đề nghị kép trẻ soạn giả cổ nhạc Hà Nguyên Du, nhân dáng anh khôi ngô tuấn tú như Dũng Thanh Lâm, mang giọng ca mùi y như Minh Phụng.
Mới đây hôm buổi dinner tiệc đón tiếp thết đãi gia đình Yên Sơn từ xa về Orange County. GS. Quyên Di đề nghị nên có buổi hát dân ca Bắc phần có âm nhạc quan họ Bắc Ninh và hát ả đào, về âm nhạc Trung phần có tiếng hò cung đình Huế và âm nhạc Nam phần có vọng cổ cải lương. Tôi đề nghị hôm RMS tại CSU Long Beach 2019 có âm nhạc Trần Quang Hải, event show này sẽ thích hợp. Sách Trần Quang Hải đào sâu ý niệm dân ca ba miền. Nhạc sĩ Trần Quang Hải đi chuyên ngành về nhạc dân tộc học (ethnomusicologie), đặc biệt nhạc vùng Á châu, esp. l’Indochine. Nhạc sĩ Trần Quang Hải ca, ngâm, hò 3 miền rất hay và vui. Tôi đề nghị 4 giọng ca ngâm hò tứ trụ: Quyên Di, Trần Quang Hải, Bích Ty và Ngọc Quỳnh sẽ trình diễn một clip ngắn dân ca 3 miền cho vui. Vã lại 4 nghệ sĩ này rất tếu lâm và vui tính.
http://www.ninh-hoa.com/VietHai-DaCoHoaiLang-CaoVanLau.htm
Hôm ra mắt sách Yên Sơn, nghệ sĩ NQ đảm nhận ca 2 bài nhạc mới của thi nhạc sĩ Yên Sơn, cô cho biết vì là nhạc mới mà mấy hôm nay kẹt nhiều show nên khi lên sân khấu Ngọc Quỳnh “quíu” hết trơn. Ấy, ấy gái bắc di cư sống tại Sài Gòn xơi giá sống mòn răng đã lâu ngày rồi, ả ta cứ bình dân như vại, cứ thẳng ruột ngựa như dân nam kỳ cuốc thôi.
Kế đến một cô Gia Long khác, ca sĩ Thúy Anh, đúng ra là nghệ sĩ Thúy Anh cho một kỷ niệm với NS Anh Bằng vui vui. Tôi vốn thích bài thơ trong dân gian “Người Ở Đừng Về”, nên tôi đề nghị NSAB phổ nhạc bài này. Hôm sau thì ông đã hoàn tất bài nhạc, nhanh hơn tôi nghĩ vì phổ chỉ trong một ngày là xong. Ông hỏi tôi đề nghị ai hát <?>. Vì nhóm bạn thường gặp nhau khi đó gồm vợ chồng Thúy Anh và Nguyên Vũ cùng Peter Morita, Quyên Di, NSAB và vợ chồng tôi thường đến thăm NS. Lam Phương, mỗi khi hát hò thì Thúy Anh ca và Nguyên Vũ đánh keyboard. Thế là ca sĩ Thúy Anh nhận lời ca cho hôm RMS NS Anh Bằng. Tôi hỏi Thúy Anh thuộc bài chưa, cô bảo nhạc mới, mới ca lần đầu:”Em hơi run, “teo quá”, “nhưng chơi luôn”!”. Tôi tức cười quá xá vì cô này muôn thuở vẫn vui tính, tinh nghịch, đối đáp lanh lẹ, nói năng duyên dáng, Thúy Anh thích đùa và lém lĩnh. Hình như chút gì đó nhắc nhớ vẻ vui tươi như Joyce DeWitt (casted in The 3 Company), nét dí dỏm như Sally Field (casted in Smokey and the Bandit).
Sau đó Nguyên Vũ cho tôi nghe trial version, Thúy Anh hát, Nguyên Vũ đệm keyboard. Thúy Anh ca ngâm giọng bắc bộ thật xuất sắc. Tôi email cho NSAB là tôi rất tâm đắc, ưng ý với giọng ca của Thúy Anh cho bài hát mới của ông, mà lời bài này trong ý nghĩ riêng tôi thơ chất chứa nét dân gian với chút gì đó rất dễ thương…
“Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo,
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người ơi người ở đừng về
Người về em nhắn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai”
Phân đoạn sau…
“Mình về, ta chẳng cho về,
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành:
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.
Chữ Trung thì để phần cha,
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình”.
Tóm lại, Thúy Anh và Ngọc Quỳnh là 2 cô gái gốc bắc theo học trường Gia Long, ngôi trường nổi tiếng ở miền nam, 2 người nghệ sĩ này vui tính, luôn đối đáp bạn bè bằng những nụ cười thân thiện, nói năng tíu tít dễ thương,… Về phạm vi trình diễn hay ca hát, cả 2 vốn đa năng, đa tài,… Chúc vui cùng lời chia vui với Yên Sơn và kỷ niệm bạn bè…
Cám ơn Thúy Anh và Ngọc Quỳnh!
Việt Hải Los Angeles.
[/read]