RA MẮT 3 TÁC PHẨM: TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, HẬU DUỆ & THÂN HỮU, PHÂN TÂM HỌC & ĐỜI SỐNG, TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN
Hồi ký của Khánh Lan
Chủ Nhật, ngày 25 tháng 06, 2023
…. Hè đã đến và nắng đã lên cao như chào đón một ngày mới, ngày mà tôi đã chuẩn bị và chờ đợi gần một năm nay. Phải, đó là ngày Ra Mắt Sách (RMS) của 3 tác phẩm do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG) thực hiện, trong đó có quyển Tam Giáo Đồng Nguyên, một tác phẩm mà tôi đã say mê và dày công nghiên cứu. Say mê bởi càng đọc tôi lại càng muốn đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thêm về 3 luồng tư tưởng đã để lại nhiều ảnh hưởng cho dân tộc Việt Nam vốn trọng “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
Cũng trong dịp RMS này, Nữ Sĩ (NS) Dương Hồng Anh đã gởi tặng Khánh Lan, Từ Dung và Ngọc Cường một bài thơ nhân ngày RMS của ba chúng tôi. NS Dương Hồng Anh là một nhà thơ cao niên tài hoa mà tôi rất kính yêu, chẳng phải vì bà đã dành cho tôi nhiều ưu ái mà bởi chính tâm hồn cao thượng, nhân hậu và khiêm nhường tiềm ẩn trong trái tim của Bà. Dưới đây là nguyên văn bài thơ của NS Dương Hồng Anh.
Bài thơ của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh gởi tặng
Ba Nhà Văn: Ngọc Cường, Khánh Lan, Việt Hải
Đúng 11 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại NT STUDIO để chuẩn bị cho buổi RMS của 3 tác phẩm. Tuy chuẩn bị mọi thứ, rất kỹ từ hơn một tuần trước, thế mà vẫn quên một vài thứ lặt vặt như napkins, bảng giá cả sách, v.v… Nhưng cô chủ Vương Trang đã mau mắn giúp một tay hoàn tất những thiếu sót ấy.
Vừa bước vào bên trong của khánh phòng (NT Studio), NS Duy Nhật và Vương Trang đã cho tôi một ngạc nhiên bất ngờ. Trước mặt tôi, bàn ghế đã được hai anh chị bày biện thật đẹp, theo hàng lối, thứ tự như thể anh chị đã đọc được những suy nghĩ từ trong tâm trí của tôi. (là phải xắp xếp chỗ ngồi cho quan khánh như thế nào để tỏ lòng kính trọng đối với các vị trưởng thượng, quý Giáo Sư và Văn Thi Sĩ, cũng như để tỏ lòng ưu ái đến quý quan khách). Nên, thú thật là trong vài phút đầu, tôi đã không nói nên lời và nén cơn xúc động trước cung cách cư sử quá tốt đẹp mà chủ nhân đã dành cho tôi. Với tôi, Duy Nhật và Vương Trang lúc nào chu đáo và tuyệt vời, tôi thầm cám ơn hai người bạn văn nghệ lúc nào cũng hết lòng với tôi.
Nhà Văn Kiều My, Vy Hương (chị em song sinh với tôi), Đức Hạnh và Tuyết Nga (hai người bạn thân của tôi hơn 30 năm nay), cũng đã đến cùng giờ với tôi và Mạnh Bổng. Thế là, chúng tôi bắt tay vào công việc ngay, nào là sửa soạn giải khát, bánh ngọt, xếp sách lên bàn, v.v…Vương Trang cũng giúp một tay và Duy Nhật thì chạy ngược chạy xuôi điều chỉnh âm thanh và ánh sáng của sân khấu, v.v…
Nhà Văn Khánh Lan
… Kính thưa quý độc giả, … làm sao tôi có thể viết vào đây, trên trang giấy này, cho hết nỗi vui mừng khi nhận thấy đồng hồ chưa điểm 12:30 chiều, thế mà quan khách đã đến khá đông. Những quyển sách được liên tục chuyển đến tay tôi từ các quan khách và bạn hữu, chữ ký của tôi càng lúc càng trở nên xiêu vẹo, ngả nghiêng vì xúc động trước những tấm lòng yêu mến của các độc giả ưu ái dành cho tôi và nhóm Hậu Duệ Tự Lực Văn Đoàn…
Nhà Văn Ngọc Cường và phu nhân, Bích Điệp
NV Phạm Quốc Bảo đến rất sớm, ông đi đi lại lại, nhìn quanh có ý tìm xem NV Ngọc Cường đang ở đâu? Vài phút sau, tôi nhận thấy có một số bạn bè của NV Ngọc Cường cũng đã đến với quyển sách TLVĐ, Hậu Duệ và Thân Hữu trên tay, họ đứng vòng quanh NV Ngọc Cường, sẵn sàng chờ đến phiên mình và kiên nhẫn chờ NV Ngọc Cường ký tên vào tác phẩm.
Sự có mặt của chị Ngọc Châu, Thanh Châu, Kim Hương, Ánh Tuyết, Hạ Lan thật quý hóa, mỗi người một tay, giúp tiếp tân, mời quan khách vào ghế ngồi và làm các việc lặt vặt khác. Ôi! Những người bạn thân yêu đã đến với tôi, với tất cả tấm lòng. Tôi xin luôn ghi nhớ.
MỘT PHÁI ĐOÀN BÁN SÁCH HÙNG HẬU
Các cô bán sách là những người bạn đã luôn cùng tôi sát cánh trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong đó có những người bạn đồng nghiệp đã cùng tôi gắn bó hơn 30 năm qua cho đến những người bạn tôi chỉ mới quen hơn một năm thôi.
Từ trái sang phải: Kim Hương, Ngọc Châu, Thanh Châu, Tuyết Nga, Đức Hạnh, Vy Hương
Có thêm NV Ngọc Cường và phu nhân Bích Điệp và một người bạn của NV
Việt Hải, Khánh Lan, Đức Hạnh, Vy Hương, Bích Điệp
Đây là lần thứ hai tôi RMS, nhưng những cảm xúc trong tâm hồn tôi lại hoàn toàn khác hẳn với lần RMS trước cách đây hai năm. Lần này, tôi cảm thấy hồi hộp và lo lắng, bởi hôm nay có rất nhiều tổ chức của các hội đoàn khác trong cộng đồng. Nhưng lạ thay và kỳ diệu thay, khi đồng hồ vừa điểm 12 giờ trưa, quan khách đã lần lượn đến chung vui và ủng hộ mua sách. Vy Hương, Đức Hạnh, Tuyết Nga bán sách không ngừng tay, còn tôi: “ngồi ký sách liên tục”. Thế là, bao nhiêu sự lo lắng, lo âu trong tôi đều tan biến để nhường chỗ cho một niềm hân hoan vô biên trong tâm hồn tôi.
GIA ĐÌNH TÔI
Gia đình tôi, những người gần nhất và thân yêu nhất của tôi đã đến từ thành phố Los Angeles, con gái Thiên Kim và con rể Stephen Chong. Hai tuần trước, cháu Thiên Kim đã vấp té và bị gẫy ngón chân út, nên chân phải băng bột và đi nạng, nhưng hai vợ chồng cháu vẫn có mặt trong buổi RMS của tôi.
Thiên Kim & Stephen
Mạnh Bổng & Khánh Lan
Em gái song sinh Vy Hương, Stephen, Thiên Kim, Khánh Lan
CẢNH CŨ NGƯỜI XƯA NAY CÒN ĐÂU?
Niềm vui không trọn vẹn bởi nỗi buồn dồn dập kéo đến trong tâm hồn tôi, hình ảnh Nhà thơ Việt Cường đột ngột trở về trong ký ức, làm mắt tôi mờ lệ. Phải chăng, kỷ niệm của hai năm trước, cũng trong ngày RMS lần đầu 4 tác phẩm của tôi được tổ chức tại NT Studio, ngày 19 tháng 09, 2021 đã có sự hiện diện của Nhà Thơ Việt Cường Lưu Tấn Lâm, Bố chồng tôi. Nay ông đã khuất bóng hơn một năm (mất ngày 26 tháng Giêng năm 2022) khiến lòng tôi chùng xuống.
Từ trái sang phải: Mabel Chong, Stephen & Thiên Kim, Mạnh Bổng & Khánh Lan và Vy Hương. Ngồi giữa là NT Việt Cường Lưu Tấn Lâm
KHÁCH THAM DỰ
NV Phạm Quốc Bảo là vị khách đầu tiên, ông đến từ 12 giờ trưa, rồi đến NV Dương Viết Điền và GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum. GS Trần Huy Bích và NV Dương Viết Điền là hai vị trong số các Giáo sư và Nhà Văn luôn luôn nâng đỡ, ủng hộ các tài năng mới trong lãnh vực văn học.
Giáo Sư Trần Huy Bích và Nhà Văn Dương Viết Điền
Đức Hạnh, “My best friend”
Chị Ngọc Châu, “người chị du lịch yêu quý”
Chị Kim Ngân “Giám đốc Viện Việt Học”
Giáo Sư Phạm Thị Huê, “GS cố vấn Hội Giáo Chức & Hùng Sử Việt”
BẠN BÈ CỦA TÔI
Bạn bè của tôi, những người bạn thân tình hay trong những chuyến du lịch, ca vũ, họp mặt, v.v… mà tôi đã gặp và quen biết trên những nẻo đường tôi đã đi qua, trong suốt bao năm (1987-2023). Những người bạn luôn luôn đứng bên tôi, hỗ trợ, giúp một cánh tay trong “giấc mơ văn học” của tôi được thành đạt và hoàn hảo.
Thanh Châu, Khánh Lan, Tuyết Nga, Ngọc Châu, Đức Hạnh
Người bạn đồng môn, đồng nghiệp: Kim Thoa
Kim Thoa và tôi gặp và quen với nhau hơn 30 năm, khi ấy chúng tôi cùng làm cho cơ quan giúp đỡ người già và khuyết tật của quận Cam (In-Home Supportive Services of Orange County) rồi tới Trung Tâm Cố Vấn Tâm Lý và sau cùng là Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em (Child Protective Services). Sau đó chúng tôi cùng nghỉ hưu và thỉnh thoảng mới gặp nhau, nhưng vẫn giữ liên lạc. Kim Thoa trở lại làm việc sau khi nghỉ hưu tại trung tâm cố vấn tâm lý Project Focus và hiện là Clinical Director cho cơ quan ấy, còn tôi thì bỏ nghề hơn 5 năm nay và trở thành…hihihi…”Nhà Văn”…
Ánh Tuyết & Bá Thu trong nhóm vũ Mây Thu và Phù Sa
Trước khi bước vào lãnh vực văn học, tôi rất đam mê ngành vũ nghệ thuật. 15 năm trước, tôi và một người bạn Băng Tâm thành lập nhóm vũ “Phù Sa”, Ánh Tuyết và anh Bá Thu là những vũ công trong nhóm. Sau 10 năm, khi Phù Sa tan rã, tôi gia nhập nhóm vũ “Mây Thu” của Ánh Tuyết trước khi gia nhập Liên Nhóm NVNT và thành lập nhóm vũ “Tiếng Thời Gian”.
Nhóm vũ Phù Sa với: Thanh Châu, Ánh Tuyết, Tuyết Nhung, Khánh Lan
Mạnh Bổng, Anh Khoa, Băng Tâm, Cữu Nguyên, Khánh Lan, Thanh Châu, Ngọc Lan (ngồi quay lưng)
Mỹ Ngọc, Khánh Lan, Bá Thu, Ánh Tuyết, Kim Anh với nhóm vũ “Mây Thu”
Nhóm vũ “Tiếng Thời Gian”
Người bạn Kinh Thương Minh Đức, Kỹ Sư xây dựng Nguyễn Văn Viễn, Thi Sĩ Tha Nhân và Khoa Học Gia Lâm Quốc Dân
Khánh Lan, Đức Hạnh, Kim Hương, Bích Điệp, Ngọc Hà
Những người bạn văn nghệ: Mộng Thủy, Hồng Quyên, Hạ Lan
Trở lại buổi RMS, các anh chị trong nhóm truyền thông báo chí là những người đến sớm nhất. Trước hết là Phóng Viên Phạm Khanh và chuyên viên kỹ thuật Phạm Phú Nhân của Đài Little Saigon TV. Chính sự tiên phong hiện diện ấy đã đưa đến cho hai anh nhiều thời gian để phỏng vấn Khánh Lan về hai tác phẩm Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Học & Đời Sống. Cám ơn Phóng Viên Phạm Khanh và chuyên viên kỹ thuật Phạm Phú Nhân của Đài Little Saigon TV.
Phóng Viên Phạm Khanh và anh Phạm Phú Nhân thuộc ban kỹ thuật của Đài Little Saigon TV
Phóng viên Phạm Khanh đã đặt những câu hỏi về chương trình của ngày RMS và hai tác phẩm của NV Khánh Lan và chương trình văn nghệ với những bài hát hướng về quê hương Hà Nội trước năm 1954, khi hàng triệu đồng bào từ miền Bắc đã rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” để di cư và lập nghiệp tại miền Nam Việt Nam. Khi Phóng Viên Phạm Khanh đặt câu hỏi về nội dung và động lực nào mà NV Khánh Lan cho ra đời hai tác phẩm Tam Giáo Đồng Nguyên (TGĐN) và Phân Tâm Học & Đời Sống (PTH & ĐS)?
Khánh Lan đáp: “Đây là hai tác phẩm mà Khánh Lan rất thích, Lan đã dùng hết tất cả thời gian và nhiệt huyết để đầu tư vào. PTH & ĐS là quyển sách mà Lan thích nhất bởi đó là môn học chính của Lan đã học và ra trường với ngành đó. Đây là một phương pháp phân tích nội tâm, phân tích tâm lý con người, bởi trong cuộc sống, có những khúc mắc xảy ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta, những khúc mắc ấy đã tích lũy và bị dồn ép vào một nơi gọi là cõi “vô thức”. Những khúc mắc ấy không có cơ hội hay không thể bộc lộ ra ngoài (fan-out) một cách dễ dàng. Một khi chúng không thể bộc lộ ra được và một khi chúng bị ấn nén vào một nơi không có lối thoát, thì áp lực ấy trở nên quá nhiều; chúng tạo ra sự căng thẳng và chúng ta trở nên cáu kỉnh, háo chiến hay ngược lại là trầm cảm. Phương pháp nghiên cứu tâm lý hay cố vấn tâm lý giúp giải tỏa những ưu phiền ấy mà lại không gieo ảnh hưởng hay tổn thương đến sức khỏe.”
“Còn TGĐN, đó là 3 tôn giáo nổi tiếng và được nhiều người biết đến trên thế giới, đó là Nho Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Đây là quyển sách tóm lược chi tiết của 3 tôn giáo trên và giải thích lý do tại sao khi du nhập vào Việt Nam lại được người dân Việt ủng hộ rất nhiệt tình. Phải chăng bởi vì dân Việt Nam vốn trọng và đề cao “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.
“Đây cũng là cuốn sách mà Lan đã dùng rất nhiều thời gian để sưu tầm và nghiên cứu.” NV Khánh Lan nói.
Khi được hỏi là NV Khánh Lan đã có kinh nghiệm gì trong quá khứ khi viết về tôn giáo, Khánh Lan cười và trả lời: “Thú thật, Lan là người theo đạo Công Giáo, nhưng lại muốn nghiên cứu, tìm hiểu về những tôn giáo khác, bởi tôn giáo nào cũng dạy ta “làm điều lành, tránh điều ác” và phải thương yêu nhau. Thật ra, khi còn nhỏ, Lan không thích cho lắm, nhưng khi càng lớn tuổi thì lại muốn tìm hiểu về chân lý của mỗi đạo giáo, để mình rút tỉa ra những điều tốt, nên biết và nên học những cái hay của tôn giáo đó. Đó là lý do tại sao?”
Phóng viên Phạm Khanh phỏng vấn NV Khánh Lan về hai tác phẩm
TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN và PHÂN TÂM HỌC & ĐỜI SỐNG
Phóng viên Phạm Khanh: Tôi quen biết với anh đã khá lâu qua sự giới thiệu của ông John Tạ, giám đốc công ty dược thảo Princess Lifestyle. Trước ngày RMS, anh Phạm Khanh đã giúp chúng tôi quảng cáo 3 tác phẩm này trên đài Little Saigon TV, băng tầng 56.10. Cám ơn ông Giám Đốc John Tạ và Phóng viên Phạm Khanh cũng như anh chuyên viên kỹ thuật Phạm Phú Nhân.
Quảng Cáo ngày RMS của 3 tác phẩm trên đài Little Saigon TV, 56.10 với Phóng Viên Phạm Khanh, NV Ngọc Cường và NV Khánh Lan
Nhiếp Ảnh Gia (NAG) Nguyễn Minh Thiều, Paul Phú LeVan, Tâm An Media cũng có mặt rất sớm trước giờ khai mạc. Tiếc rằng vì qúa bận rộn, chúng tôi chẳng có một tấm hình nào chụp chung trong ngày RMS. Cả 3 vị luôn chụp và thâu video cho tôi những tấm hình đẹp và video tuyệt diệu.
Chị Tâm An Media, thành viên trong “Mạng Lưới Nhân Quyền” luôn sẵn sàng thâu cho chúng tôi những video đẹp.
Và sau cùng là đài phát thanh VOA (Voice of America), cô phóng viên trẻ đã đến trễ khi buỗi RMS gần bế mạc (4:00 giờ chiều) vì bận phải đi phỏng vấn buổi họp mặt của Liên trường tại Mile Square Park. Cô phỏng vấn Khánh Lan về 2 tác phẩm Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Học. Đồng thời cô cũng hỏi về động lực nào đã thúc đẩy tác giả bước vào lãnh vực văn học và viết những quyển sách này cũng như nội dung của hai tác phẩm. Với tác giả Khánh Lan, cô phóng viên còn hỏi thêm về sự ảnh hưởng của văn học Việt Nam trong “thế hệ trẻ và văn chương Việt Nam”, làm sao để có thể “hướng dẫn giới trẻ yêu văn hóa Việt và bảo tồn văn học Việt”. Cô hỏi thêm một câu hỏi nữa là Khánh Lan có những lo ngại gì hay nghĩ sao về sự thoái hóa của nền văn học Việt trong tương lai; làm sao để duy trì nó, v.v… Còn với NV Ngọc Cường thì cô phóng viên phỏng vấn NV về chủ đề Tự Lực Văn Đoàn và Hậu Duệ.
Trong số đồng hương đến dự buổi RMS, Khánh Lan nhận thấy có sự hiện diện của Giáo Sư Trần Huy Bích và Giáo Sư Phạm Thị Huê, bà trả lời phỏng vấn của Ký Giả Lâm Hoài Thạch, bà nói: “Theo tinh thần quảng bá tiếng Việt cũng như học hỏi thêm về văn hóa của Việt Nam, trong đó có vấn đề tại sao có những tôn giáo ở Việt Nam, mà Khánh Lan đã đặt đề tựa là “Tam Giáo Đồng Nguyên.” Đây là một ý tưởng rất hay để cho mọi người cần nghiên cứu, để được hiểu thêm tầm quan trọng của tôn giáo đối với dân tộc Việt Nam như thế nào. Tại vì dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng, luôn để ý đến trời đất, không chỉ có một tôn giáo mà đến ba tôn giáo. Mong rằng, những quyển sách này sẽ đưa đến một ánh sáng, một sự hiểu biết cho chúng ta, nhất là cho giới trẻ tại hải ngoại.” (phỏng theo bài phóng sự của Ký Giả Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Từ trái, NV Khánh Lan, GS Phạm Thị Huê và GS Trần Huy Bích. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Giáo Sư Trần Huy Bích nhận định: “Đối với những nhà văn trẻ hiện nay, tôi thấy họ có tinh thần học hỏi và cầu tiến, nhân cơ hội có nhiều phương tiện để tìm hiểu thêm những tài liệu, và những gì quan trọng tại đất nước Hoa Kỳ trên Internet, hoặc thư viện. Vì thế, vấn đề viết sách xem như được dễ dàng hơn lúc trước rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, những người viết sách trong tương lai sẽ có tiềm năng, và còn nhiều đường dài để tiến đến sự thành công trong vấn đề biên soạn.” (dựa theo bài phóng sự của Ký Giả Lâm Hoài Thạch/Người Việt).
Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên với tác phẩm Tam Giáo Đồng Nguyên. Trong lúc vô cùng thất vọng thì tôi lại có cơ duyên gặp và mời được Thày tham dự buổi RMS. Tuy chưa một lần gặp được gặp Thày, nhưng tôi đã nhiều lần được thưa chuyện cùng Thày trên điện thoại và email. Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên là một vị tu sĩ thông hiểu tường tận về Tam Giáo Đồng Nguyên, những tưởng như là Ngài đã đọc qua sách của tôi. Hơn thế nữa, khi xem qua Website của Thượng Tọa, tôi còn được biết Thày là một nhà văn, một nhà thơ.
Tôi gặp và mời được Thày làm diễn giả là do sự giới thiệu của chị Ngọc Châu. Gặp được Thày là cả một sự may mắn xảy ra cho tôi, bởi sau bao lần cố tâm tìm kiếm một vị “Tì Kheo” giúp làm diễn giả cho tác phẩm của mình, thì quả thật là nhiêu khê, bởi ngày RMS của tôi lại trùng với mùa Lễ Phật Đản, nên các Thày rất bận rộn, ngoại trừ Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên. Khi nhận lời, Ngài nói với tôi: “Chị Khánh Lan cho Thày nói trước 2:30 giờ chiều, vì Thày phải về Lễ Phật lúc 3:00 chiều.” Gặp được Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên và mời được Thày làm diễn giả cho sách của tôi, là một phép nhiệm màu đã xảy ra cho tôi. Xin được trang trọng gởi đến Thượng Tọa sự biết ơn của tôi.
Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, Ông Hoàng Đình Khuê, Chị Kim Ngân
Từ trái: NV Nguyễn Quang, NT Vũ Lang, GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum, NV Việt Hải
NV Dương Viết Điền, TS Lê Nguyễn Nga, NS Phan Đình Minh, Lệ Hoa “phu nhân của NV Việt Hải”, Ngọc Quỳnh
Từ trái: Phu quân của GS Huê, Bá Thu, Ánh Tuyết, NT từ San Jose, Khánh Lan và GS Huê
Ngoài ra, tôi còn nhận thấy sự hiện diện của rất nhiều quan khách, trong đó có Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, Thi Sĩ Lê Nguyễn Nga, Thi Sĩ Tha Nhân, Thi Sĩ Vũ Lang, GS Lê Văn Khoa, NV Phạm Quốc Bảo, NV Nguyễn Quang, NV Dương Viết Điền, GS Dương Ngọc Sum, Kỹ Sư Nguyễn Văn Viễn-chủ công ty xây cất Vincents Construction, Cô Kim Ngân-Giám Đốc Viện Việt Học, Nghệ Sĩ Phan Đình Minh (Texas), v.v… và các anh chị hậu duệ TLVĐ.
Giáo Sư Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân, Ca Sĩ Ngọc Hà
Nữ Sĩ Dương Hồng Anh và Cô Kim Ngân (Giám Đốc Viện Việt Học)
HẬU DUỆ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Hậu Duệ TLVĐ
Cô Sang, Bích Điệp (hậu duệ TLVĐ), Ngọc Châu, Ngọc Quỳnh, Khánh Lan
Phu nhân của cố Kiến Trúc Sư Nguyễn Tường Quý (hậu duệ TLVĐ) và Khánh Lan
NV Từ Dung và cô Tôn Nữ Quế Phương
Thi Sĩ Lê Nguyễn Nga, Nghệ Sĩ Phan Đình Minh, Nhà Văn Kiều My
Quan khách tham dự và CS Kiều Loan (mặc áo dài đen chấm trắng)
MUA SÁCH ỦNG HỘ
Nhà Thơ Tha Nhân
Kỹ Sư Xây dựng Nguyễn Văn Viễn, chủ công ty xây cất Vincents Contruction
Tiếp đến là nhật báo Người Việt, Ký Giả Lâm Hoài Thạch, ông đã phỏng vấn NV Ngọc Cường và tôi, ông cũng là ký giả đã viết bài báo tường trình về buổi RMS. Bài báo đã được đăng trên Nhật Báo Người Việt ngày 02, tháng 07, 2023. Cám ơn Ký Giả Lâm Hoài Thạch và tôi xin trích vài đoạn phóng sự của ông trong bài viết của tôi như sau:
Ký giả Lâm Hoài Thạch phỏng vấn NV Khánh Lan: Ra mắt sách nghiên cứu quý giá về Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon
July 1, 2023
Bài tường thuật của Ký giả Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều đồng hương và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn đến dự buổi ra mắt sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu” do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại NT Studio, thành phố Westminster. Cũng trong buổi này, ban tổ chức giới thiệu hai tác phẩm của nhà văn Khánh Lan là “Tam Giáo Đồng Nguyên” và “Phân Tâm Học và Đời Sống.”
Buổi ra mắt sách cũng là dịp tưởng niệm 60 năm ngày giỗ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1963-2023). Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chính của nhóm này. Cùng với nhiều người yêu nước thời bấy giờ, Tự Lực Văn Đoàn có công cổ xúy chữ Việt trong sáng và đóng góp rất nhiều cho bản sắc văn hóa Việt.
Tác giả Khánh Lan chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi mới bước vào làng văn chừng bốn năm nay, từ một cái duyên tôi gặp được anh Trần Việt Hải, anh đã dẫn dắt tôi đi vào nghề viết sách. ‘Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,’ quyển sách này tổng hợp nhiều nghiên cứu công phu của nhiều người như Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Trần Việt Hải, Kiều My, Thế Uyên, Khánh Lan, Giáo Sư Maria Strasakova, Giáo Sư Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tường Tâm…”
“Quyển thứ hai là “Tam Giáo Đồng Nguyên”, nội dung ghi lại sự tương đồng giữa ba nguồn tư tưởng Nho Giáo, Lão Giáo, và Phật Giáo. Tuy tôi là đạo Công Giáo, nhưng tôi muốn tìm hiểu và nghiên cứu các đạo khác. Bởi vì đạo nào cũng dạy cho chúng ta nhân đức và hiếu nghĩa. Vì thế, tôi muốn tìm hiểu về chân lý của mỗi tôn giáo, và từ đó cuốn tôi vào dòng văn học này. Chính anh Việt Hải đã khuyến khích tôi viết quyển này,” bà giới thiệu.
“Về tác phẩm “Phân Tâm Học và Đời Sống”, đây là một lý thuyết mà tôi được học từ nhiều trường lớp, và đây cũng là nghề của chúng tôi. Trong đó có môn Phân Tích Về Tâm Lý Nội Tâm của mọi người và làm sao để giải thích những uẩn khúc và tiềm thức ở trong cõi vô thức, mà chúng ta không biết được. Nhờ có Phân Tâm Học đã giúp cho chúng ta giải tỏa được những nỗi u sầu đó. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta hiểu được, tại sao chúng ta lại hành động như thế,” bà Khánh Lan chia sẻ. (Ký giả Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
CHƯƠNG TRÌNH RA MẮT SÁCH
Ban hợp ca Tiếng Thời Gian
Đúng 1:15 chiều, MC Mộng Thủy chào đón quan khách và khai mạc buổi RMS, lễ chào Quốc Kỳ Mỹ-Việt với ban hợp ca Tiếng Thời Gian. Tiếp theo là phút mặc niệm để ghi nhớ đến công ơn của các vị tiền nhân đã có công dựng nước và gìn giữ nước. Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến các quân nhân cán chính VNCH đã hy sinh ngoài chiến trường để bảo vệ cho tự do độc lập. Phút mặc niệm để nhớ đến các nhà văn hóa và các văn nghệ sĩ đã ra đi và để lại những di sản văn hóa cho chúng ta.
Theo sau là MC Hồng Quyên, cô nói: “Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời gian ghi nhận, cảm kích và cám ơn sự hiện diện của quý quan khách trong buổi RMS ngày hôm nay, nhưng vì thời gian không cho phép và chương trình khá dài, chúng tôi xin được phép không giới thiệu danh sách quý khách đến tham dự.”
MC Mộng Thủy tiếp lời MC Hồng Quyên, cô nói buổi họp mặt hôm nay gồm 2 phần: Phần Văn Học và phần Văn Nghệ.
PHẦN VĂN HỌC là buổi RMS của 3 tác phẩm văn học, gồm:
1) Tác phẩm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, HẬU DUỆ & THÂN HỮU, tuyển tập số 2 do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật thực hiện.
2) Hai tác phẩm tiếp theo là TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN và PHÂN TÂM HỌC & ĐỜI SỐNG của Nhà Văn Khánh Lan.
Mở đầu phần văn học, MC Hồng Quyên giới thiệu Nhà văn (NV) Việt Hải, ông là một trong 3 vị đã sáng lập ra Nhóm Văn Học Thời Nay gồm thi sĩ Hoài Mỹ và NV Đỗ Cường (Cố vấn: Giáo Sư (GS) Trần Bích Lan và GS Lưu Trung Khảo). Ông cũng cùng NV Tạ Xuân Thạc và GS Doãn Quốc Sỹ (cố vấn: GS Nguyễn Thanh Liêm, GS Doãn Quốc Sỹ, GS Nguyễn Xuân Vinh, GS Lê Hữu Mục và Luật Sư Trần Thanh Hiệp) đồng sáng lập ra Nhóm Văn Đàn Đồng Tâm. Ngoài ra, ông và nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng lập ra Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và sau cùng, nhà văn, thi sĩ Trần Việt Hải, là một trong những người sáng lập và là cánh chim đầu đàn của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG). Ông nói về tôn chỉ và sinh hoạt của Liên nhóm NVNT & TTG và đại diện ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách đến dự.
Nhà văn Trần Việt Hải tâm tình: “Tôi rất vui khi được hướng dẫn Khánh Lan trong lãnh vực biên soạn. Cô là người rất chịu khó sưu tầm những tài liệu quý giá để nghiên cứu, nhằm tạo dựng ra tác phẩm của mình, và trong tương lai, Khánh Lan còn cho ra đời nhiều tác tác phẩm có giá trị khác.”(trích dẫn bài của Ký Giả Lâm Hoài Thạch)
Nhà văn-thi sĩ Trần Việt Hải phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Để tưởng niệm 60 năm ngày mất của Nhất Linh, bài thơ IM LẶNG của ông Nhất Linh đã được phổ nhạc bởi Nghệ Sĩ Phan Đình Minh. Nhất Linh đã chọn sự im lặng theo cung cách riêng của mình trước ngày ra hầu tòa, như ông đã viết trong bài thơ Im Lặng của ông. Nhân đây, BTC giới thiệu về Nghệ sĩ Phan Đình Minh: Nghệ sĩ Phan Đình Minh đến từ Rowlett, Texas. Hiện nay, ông phụ trách chương trình “Từ Cánh Đồng Mây” trên Radio Saigon Dallas – KBDT 1160 AM. Từ Cánh Đồng Mây là một chương trình phát thanh, truyền âm và truyền hình đi toàn cầu, hiện đại và mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, phục vụ đồng hương trong và ngoài nước. Nhạc phẩm này do chính Nghệ sĩ Phan Đình Minh trình diễn.
Đồng thời, một bài thơ của Khái Hưng đã dịch một tác phẩm bất hủ của nhà thơ người Pháp, Félix Arvers (1806-1850). Bài thơ Sonnet Un Secret (Điều bí mật) hay TÌNH TUYỆT VỌNG là tựa đề do Khái Hưng đặt, Nghệ Sĩ Phan Đình Minh phổ nhạc. Một lần nữa, nhạc phẩm Tình Tuyệt Vọng sẽ được Nghệ Sĩ Phan Đình Minh trình diễn.
Nhạc sĩ Phan Đình Minh hát bài “Im Lặng,” thơ Nhất Linh, do ông sáng tác. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Bước qua phần Văn học, diễn giả đầu tiên là Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, giới thiệu quyển “Tam Giáo Đồng Nguyên” (TGĐN) của tác giả Khánh Lan. Diễn giả Tì Kheo Thích Liễu Nguyên, là viện chủ chùa Diệu Phát Liên Hoa, Anaheim, California, Ngài nói:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mô Ni Phật.
Trước hết Liễu Nguyên xin cám ơn tác giả Khánh Lan đã tặng cho Thày quyển sách TGĐN.
Bài diễn đọc của Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên
Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trong buổi diễn thuyết, Thày Thích Liễu Nguyên nói thêm về chân lý của Phật Giáo, Ngài nói: “Phật giáo bắt nguồn từ nước Ấn Độ cổ đại mà chính Thái Tử Tất Đạt Da, con vua Thịnh Phạm đã giác ngộ thành Phật của cõi Tà Ba, lấy hiệu là Thích Ca Mô Ni Phật, vào thế kỷ thứ VI trước CN. Mục đích của Thích Ca Mô Ni ra đời không phải là sáng lập ra Phật giáo mà mục đích là diện tánh đạo từ bi trí tuệ, giải thoát, đem hạnh phúc giải thoát ngay trong cuộc sống này để trải khắp muôn nơi, nhân loại chúng sanh, để thoát khổ. Ngài nói hết thảy chúng sanh đều có phật tính giống như ta, đều có từ bi trí tuệ bao la giống như ta, cũng có hạnh phúc giống như ta, để trở về nơi từ bi và trí tuệ ấy.“
“Muốn đến hạnh phúc của phật tầng thì phải tiến sâu và hiểu rõ về nhân quả luân hồi của chính bản thân mình và đặc biệt phải giác ngộ 3 điều căn bản: Đó là vạn pháp xưa nay vẫn vô thường, duyên sanh và vô ngã. Từ đó với từ bi trí tuệ chúng ta phải thực hành Tứ Diệu Đế để đem lại hạnh phúc cho chính mình và khi có hạnh phúc cho chính mình rồi, thì hãy đem hạnh phúc đó để cứu giúp muôn loại chúng sanh. Đó là nét đẹp của vị Bồ Tát trong đạo Phật vậy.“
“Nói về nho giáo thì được Đức Khổng Tử sáng lập tại Trung Hoa cổ đại. Ngài sinh năm 551 và ngài sống đến 491 trước CN. Nho giáo lấy Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín làm căn bản để phát triển tôn giáo và nếp sống trong con người hướng thượng. Nho giáo cũng có Tứ Thư, Ngũ Kinh trong kinh cổ đại của Nho giáo, và cũng để lại nhiều nét đẹp văn hóa, văn học nghệ thuật cho đời như Kinh Dịch, Kinh Thư Cổ. Nho giáo cũng lấy tâm thiện làm gốc để phát triển như trong câu “Nhân chi sơ tánh bản thiện” là vậy. Nho giáo lấy Thượng Thư Ngũ Kinh làm căn bản và lấy sự dung hòa giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan, để cùng nhau phát triển tốt đẹp”
“Còn nói về Đạo Giáo hay còn gọi là Tiên Đạo, sáng lập từ Đức Lão Tử. Ngài sinh ra từ năm 571 trước CN. Ngài cũng được gọi là một vị triết gia, đệ tử của Đức Khổng Tử. Đạo giáo được sáng lập khi Ngài viết ra Đạo Đức Kinh, lấy làm nền tảng đạo đức sống và phát triển Đạo Giáo. Căn bản là lấy sự duy hòa giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan để cùng nhau phát triển tốt đẹp.”
“Tam Giáo Đồng Nguyên là sự đồng nhất về quan niệm nhân sinh quan, vũ trụ quan và nhân quả luân hồi nghiệp báo của nhân loại chúng sinh trong 6 cõi, luôn luôn khuyên chúng sanh tránh ác làm thiện để cùng nhau hướng thượng. Bên cạnh đó, Phật giáo chú trọng giác ngộ về 3 chân lý: vô thường, duyên sanh và vô ngã. Mà muốn giải thoát sinh tử luân hồi thì phải tu tập trọn vẹn về Tứ Diệu Đế để từ đó đem hạnh phúc, để cùng nhân loại chúng sanh. Đó là con đường Bồ Tát đẹp đẽ vậy.”
“Trong Phật giáo thì gọi Thiên Chúa là Đế Thiên trên cõi trời. Còn Nho giáo và Đạo giáo thì gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế và Tây Phương gọi là Thiên Chúa vậy. Tuy ngôn ngữ và hình dáng hơi khác nhau do văn hóa của mỗi quốc gia, chứ không phải là điều chi khác vậy.”
MC Hồng Quyên giới thiệu diễn giả thứ hai Trần Kim Thoa, bà là Licensed Clinical Social Worker and Project Focus Clinical Director và là bạn đồng môn của của Nhà Văn Khánh Lan hơn 30 năm qua. Hôm nay, Bà sẽ nói về tác phẩm PHÂN TÂM HỌC VÀ ĐỜI SỐNG của NV Khánh Lan.
LCSW & Clinical Director of Focus Group, Trần Kim Thoa
Clinical Director Trần Kim Thoa nói: “Thưa quý vị, vào đầu tuần của tháng 5, khi tôi bất ngờ nhận được một cú điện thoại thật thú vị, từ một người bạn đồng nghiệp Khánh Lan. Cô đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi cô mời tôi đến tham dự buổi Ra Mắt Sách của cô. Bởi sau hơn 30 năm là bạn, Khánh Lan không hề nói đến việc viết sách. Chính tôi, có đôi lúc, khi bạn bè chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, chúng tôi thường đùa là sống lâu năm ở Mỹ, “tiếng Mỹ thì chưa rành mà tiếng Việt thì đã quên mất rồi”.
“Nhưng điều làm cho tôi vô cùng vui và thán phục cô bạn Khánh Lan của tôi, thì không những Khánh Lan viết được tiếng Việt, mà lại còn viết rất rõ, rất hay, nhất là viết về Phân Tâm Học, một lãnh vực mà tôi cho là bao la, phức tạp, khó hiểu và đòi hỏi nhiều thời gian để giải thích về nguyên lý của nó. Nhưng trong tác phẩm này, mục đích và các phạm vi áp dụng của ngành phân tâm học được viết lại qua ngòi bút nhà văn Khánh Lan, với tựa đề: “Phân Tâm học và Đời sống”. Với lối văn phong giản dị và những dẫn dụ thực tế, Nhà văn Khánh Lan đã đơn giản hóa sự phúc tạp của học thuyết Phân Tâm Học, làm cho nó trở nên bớt khô khan và dễ hiểu hơn.”
Diễn giả Trần Kim Thoa nói tiếp: “Vậy Phân tâm học là gì? Kính thưa quý vị, đó là học thuyết về kỹ thuật trị liệu tâm lý, có nguồn gốc từ những công trình nghiên cứu theo học thuyết của Sigmund Freud. Phân tâm học cũng là một học thuyết nghiên cứu về thế giới nội tâm, nhằm tìm ra lời giải thích cho những hành vi của con người. Freud cho rằng, tất cả mọi người đều sở hữu những suy nghĩ, cảm xúc, ham muốn, ẩn sâu trong vùng vô thức. Chính ngành Phân tâm học đã giúp chuyển tải những suy nghĩ trong vùng vô thức sang vùng ý thức. Qua sự trợ giúp của nhà cố vấn tâm lý, những vướng bận về mặt tâm lý sẽ được giải thoát, bằng phương pháp nghiên cứu, phân tích những hành động, cách cư xử của từng bệnh nhân, đã hoặc đang bị tác động bởi những suy nghĩ tiềm ẩn trong vùng vô thức. Phương pháp nghiên cứu tâm lý là cách thức thu thập, tìm hiểu và học hỏi về hiện tượng tâm lý của từng cá nhân qua nhiều lãnh vực khác nhau, trong quá khứ cũng như những sinh hoạt hàng ngày. Những trạng thái xúc cảm, những áp lực của môi trường sống, các quan hệ xã hội và sự nhận thức của con người, đều là do sự phản ảnh hiện thực bản chất xã hội, lịch sử hay bất kỳ hoạt động nào của con người vào não.”
“Kính thưa quý vị, mô thức phân tích tâm lý của tác giả Khánh Lan rất chuyên môn, tinh tế do kiến thức văn hóa và kinh nghiệm nghề nghiệp của tác giả. Bối cảnh phân tích tâm lý bệnh nhân hay tâm lý nhân vật trước một sự kiện, bối cảnh hay ví dụ rất hợp lý, chỉnh chu và cho kết quả đúng đắn. Đọc tác phẩm Phân Tâm Học và Đời Sống, tác giả trình bày chủ đề triết phân tâm qua lăng kính phân tích chuyên nghiệp. Về khía cạnh phân tâm học ứng dụng trong đời sống, tác giả trình bày những phương pháp áp dụng của ngành phân tích tâm lý qua các phạm vi y học, tư pháp cũng như lãnh vực văn học, nghệ thuật và điện ảnh rất rõ ràng, mạch lạc. Tôi xin đưa ra một vài thí dụ điển hình sau đây:”
Theo diễn giả Trần Kim Thoa: “Phân Tâm Học không những được sử dụng trong khoa học, xã hội và nhân văn mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, nhân học, giáo dục, luật pháp, sử học, và ngay cả trong đời sống của con người.”
- Nghiên cứu tâm lý trong lãnh vực y học: được dùng để chữa bệnh sau khi xác nhận rõ lý do và nguyên nhân của sự thương tổn. Thí dụ: Bệnh trầm cảm là do sự thương tổn gây ra cho bệnh nhân, khi họ đã trải qua hoặc chứng kiến một sự việc khủng khiếp trong quá khứ, như thảm sát, chiến tranh, tù đày, v.v… Khi đã xác định được nguyên nhân cội rễ gây bệnh, bác sĩ tâm lý sẽ áp dụng phương pháp phân tích tâm lý để chữa cho bệnh nhân. Thông thường phương pháp này đi song song với sự dùng thuốc mới có hiệu quả nhanh chóng.
- Trong lãnh vực tư pháp hình sự: Cơ quan điều tra dùng phân tâm học để phân tích và phỏng vấn bị can, đề tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ án. Trong tác phẩm này, Nhà Văn Khánh Lan đã áp dụng phân tâm học để phân tích tâm lý vụ án mạng của gia đình Christopher Watts xảy ra tại tiểu bang Colorado. Một gia đình hạnh phúc và học thức. Chris làm việc ở công ty dầu khí và Shannan Watts và người vợ tài giỏi, xinh đẹp, là đại diện thương mại cho công ty tiếp thị Level. Chris đã bóp cổ vợ, chôn xác vợ, sau đó giết chết hai đứa con gái: bé Bella và bé Celeste rồi phi tang vào các phi dầu với toan tính rằng mùi xăng dầu nồng nặc sẽ át đi mùi thi thể khi đang bị phân hủy.
- Trong lãnh vực văn chương, Nhà văn Khánh Lan đã đưa ra tác phẩm văn chương điển hình là Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu) của nhà văn người Pháp, Marcel Proust, bộ tiểu thuyết gồm 7 tập, được viết từ 1908-1909 đến 1922 và xuất bản từ 1913 đến 1927.
- Trong lãnh vực Điện Ảnh: Tác giả phân tích về những hành vi hài hước của vua “Hề” Charlie Chaplin. Năm 1910, Charlie Chaplin xuất hiện, khởi đầu cho một loạt phim hài có tầm vóc ảnh hưởng rộng lớn và được nhiều người biết đến. Nhưng trên thực tế, Chaplin có một tuổi thơ đầy bão tố, sự nghèo đói, cái mặc cảm bị cha mẹ bỏ rơi khi còn quá nhỏ đã ám ảnh tâm trí ông trong nhiều năm dài, ngay cả đến khi ông trưởng thành và trở nên nổi tiếng. Nỗi ám ảnh này đã tạo nên nhiều ảnh hưởng tâm lý trong sự suy nghĩ, niềm cảm xúc và phản chiếu rõ rệt trong cuộc sống cũng như sự nghiệp điện ảnh và nghệ thuật sáng tác phim truyện của ông.”
Và sau cùng, diễn giả Trần Kim Thoa đã mượn lời giới thiệu trong tác phẩm PTH & ĐS của Bác sĩ Nguyễn Cao Cường, GS. Y Khoa, Mayo Clinic College of Medicine and Science. Associate Dean, Global Professional Education, School of Continuous Scottsdale, Arizona, USA để kết thúc bài diễn văn của bà: “Phân Tâm Học Và Đời Sống của nhà văn Khánh Lan là một tập hợp những phương pháp được áp dụng vào đời sống. Ý niệm căn bản, định nghĩa, lịch sử về Phân Tâm Học xuyên qua các yếu tố như Học thuyết phân tâm học của Sigmund Freud; Các phương pháp nghiên cứu tâm lý trong lãnh vực y học; tư pháp; văn chương nghệ thuật; điện ảnh của Hoa Kỳ… Sách còn điểm qua quan điểm của nhiều học giả Âu Mỹ nhìn về phạm vi phân tâm học ứng dụng trong đời sống. Nhà văn Khánh Lan đã dùng quan điểm của Linh mục Giuse Nguyễn Công Lai khi Ngài cho rằng: “Phân tâm học của Sigmund Freud có một ý nghĩa lớn đối với những ai muốn tìm hiểu các hiện tượng tâm lý của con người, nhất là cõi vô thức”; và thêm rằng “Có thể nói, Sigmund Freud đã mở ra cho các nhà tâm lý một hướng đi mới, đặt một nền tảng mới khi nghiên cứu về con người dưới cái nhìn tâm lý”. Đọc tác phẩm của tác giả Khánh Lan, chúng ta rút tỉa ra những điều hữu ích cơ bản, cần thiết về phân tâm học ứng dụng trong đời sống như cái tựa đề của sách. Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Phân Tâm Học và Đời Sống của nhà văn Khánh Lan.”
Diễn giả Trần Kim Thoa kết luận: “Kính thưa quý vị, đây là một quyển sách có giá trị và là sự khởi đầu cho một lãnh vực mới trong văn học. Tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm thứ sáu của nhà văn Khánh Lan: Tác phẩm Phân Tâm Học và Đời Sống và chúc mừng Nhà Văn Khánh Lan. Xin cám ơn quý vị.”
Kết thúc phần văn học là bài diễn văn của NV Ngọc Cường. Khi MC Mộng Thủy giới thiệu diễn giả thứ 3, NV Ngọc Cường, cô nói: “Vào đầu thập niên 1930, một tổ chức văn học đã nêu lên một phong trào cách mạng văn học và cải cách xã hội, đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội thời đó và ngay cả những thế hệ về sau. Chúng tôi muốn nói đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). Hôm nay, Mộng Thủy xin hân hạnh giới thiệu một hậu duệ của TLVĐ, đó là ông Nguyễn Tường Cường, tức NV Ngọc Cường, cháu ruột của NV Nhất Linh Nguyễn Trường Tam. Ông Nguyễn Tường Cường sẽ nói về tác phẩm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, HẬU DUỆ VÀ THÂN HỮU, tuyển tập số 2.”
Nhà văn Ngọc Cường phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Diễn giả NV Ngọc Cường đại diện nhóm hậu duệ TLVĐ nói về tác phẩm TLVĐ, Hậu Duệ & Thân Hữu, ông cho biết đây là một tác phẩm dày gần 600 trang gồm nhiều tài liệu về TLVĐ. Riêng trang bìa của quyển sách là của ông Kiến Trúc Sư Nguyễn Tường Quý được anh chị NV Huy Văn Trương đã thực hiện. Khi nói đến nội dung của quyển sách, NV Ngọc Cường cho biết cuốn sách được chia thành 3 phần, vì là cuốn tưởng niệm của Nhất Linh, nên phần đầu nói về ông và phần hai là những bài phê bình, nghiên cứu về TLVĐ và phần cuối cùng là những sáng tác của hậu duệ và thân hữu gồm: truyện ngắn, bút ký và nhạc. Số tác giả đóng góp cho bài viết là 27 người, ban biên tập do Khánh Lan là trưởng ban và chúng tôi là chị Kiều My, Việt Hải, Phạm Thái và Ngọc Cường.
NV Ngọc Cường tiếp: “Mặc dầu nhóm TLVĐ đã xuất hiện từ hơn một thế kỷ qua, được thành lập năm 1932, chính thức ra mắt năm 1934 trên tờ Văn Hóa và ông Nhất Linh đã qua đời từ 60 năm qua, ông mất ngày 07 tháng 07, 1963, như vậy, thứ bảy tuần tới đúng là ngày giỗ của ông. Và kể từ ngày đó đến nay đã có cả trăn người nghiên cứu về TLVĐ, cũng như thân thế và sự nghiệp của Nhất Linh…”
Theo Ký Giả Lâm Hoài Thạch, Nhà văn Ngọc Cường trình bày: “Qua tuyển tập này, chúng tôi không có ý lặp lại những ý tưởng cũ, những phê bình đã được dựa vào văn học sử. Nhưng thiết nghĩ, dựa theo căn bản là văn học sử không phải là một bản văn chết, mà cần luôn có sự đóng góp, có cái nhìn mới mẻ từ nhiều góc cạnh. Do đó, chúng tôi mạnh dạn cống hiến những nhận xét, phê bình mới,” nhà văn Ngọc Cường cho hay.
Nói về sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” diễn giả Ngọc Cường nói rõ thêm: “Đây là một tuyển tập gồm bài vở của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu thân hữu ưu ái đến Tự Lực Văn Đoàn, và cộng thêm sự đóng góp của các cây bút tài tử, trong phía hậu duệ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam.” (Ký giả Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trước khi bước sang phần văn nghệ giúp vui, Mộng Thủy giới thiệu Nhà Văn Khánh Lan, tốt nghiệp bằng Cao học tâm lý, ngành Cố vấn Hôn nhân và Gia đình tại California State University, Fullerton; là trưởng nhóm Văn Học của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian. Bà đã có một số tác phẩm xuất bản với nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết tình cảm xã hội, trinh thám, biên khảo, nghiên cứu và phân tích tâm lý.
Nhà Văn Khánh Lan ngỏ lời cám ơn quan khách
Ngỏ lời cám ơn quan khách, NV Khánh Lan nói: “Trước hết Khánh Lan xin gởi lời cám ơn đến các quý Giáo Sư, quý Văn Thi Sĩ, quý truyền thông báo chí và tất cả quý quan khách hiện diện trong buổi RMS ngày hôm nay. Khánh Lan vô cùng xúc động bởi trong cộng đồng của chúng ta ngày hôm nay, có biết bao buổi sinh hoạt khác. Trước nhất là buổi họp mặt của các anh chị thuộc liên trường trung học toàn quốc tại Việt Nam trước năm 1975. Nhưng Khánh Lan vô cùng xúc động khi thấy các quan khách, cũng như các anh chị trong nhóm NVNT & TTG đã bỏ chút thì giờ, để đến đây chung vui cùng Khánh Lan và các anh chị Hậu Duệ Tự Lực Văn Đoàn.
Khánh Lan không biết nói gì hơn là gởi đến quý quan khách lời cám ơn chân tình của Khánh Lan. Cám ơn các độc giả yêu sách đã thương mến Khánh Lan trong suốt 5 năm nay khi Khánh Lan quyết định bước vào lãnh vực văn học, một lãnh vực đòi hỏi nhiều sự hy sinh, chịu khó và phải dấn thân. Dẫu vẫn biết, đây là một lãnh vực rất khó khăn để chèo lái, nhưng với sự khuyến khích, hướng dẫn tận tình của NV Việt Hải và các vị cố vấn văn học trong nhóm như GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di và NV Nguyễn Quang đã giúp Khánh Lan vượt qua mọi khó khăn để tiến lên, để sánh bước cùng với các văn thi sĩ. Khánh Lan vô cùng hãnh diện và vui sướng nhận thấy sự cố gắng của mình đã vượt qua mọi chướng ngại để có được ngày hôm nay, nhất là sự quý mến của quý khán giả.” Và điều quan trọng nhất là chúng ta bảo tồn được nền văn hóa của nước Việt. Khánh Lan hy vọng và mơ ước các vị cố vấn và nhà văn của Liên Nhóm NVNT & TTG sẽ tiếp tục dẫn dắt giới trẻ trên bước đường văn học.
Trong sự xúc động, NV Khánh Lan kết thúc “Một lần nữa, Khánh Lan xin trân trọng chuyển lời cám ơn của chính Khánh Lan đến tất cả quý khán giả, quý văn thi sĩ, quý giáo sư cũng như hai MC Mộng Thủy và Hồng Quyên đã giúp Khánh Lan rất nhiều trong buổi RMS.”
Khánh Lan rất vui và cho đây là một buổi RMS thành công, bởi trong ngày hôm ấy, đồng hương đến tham dự mỗi lúc một đông, mua sách cũng như ủng hộ nồng nhiệt, nên chỉ trong 2 tiếng đầu, cả ba tác phẩm đều bán hết. Quan khách yêu sách ra về vui vẻ với ba tác phẩm văn học trong tay và đây chính là một khích lệ lớn cho Ban Biên Tập nói riêng và cho Ban Tổ Chức nói chung.
Đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Clinical Director Trần Kim Thoa, Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, Ông Hoàng Đình Khuê, Giám Đốc Viện Việt Học Kim Ngân
NV Nguyễn Quang, NT Vũ Lang, GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum
PHẦN VĂN NGHỆ: Do Tiếng Thời Gian đảm trách với những nhạc phẩm tiền chiến, trong đó, một số bài hát được sáng tác trước và sau năm 1954, hướng về quê hương Hà Nội của những năm trước khi Hiệp Định Geneve ký kết. Tác phẩm nói lên nỗi lòng thương nhớ quê nhà thuở thanh bình, yên vui của những người Việt từ miền Bắc di cư vào Miền Nam. Gồm những nhạc phẩm nổi tiếng như: Giấc mơ hồi hương, một nhạc phẩm tiêu biểu cho tâm tư sâu kín của hơn một triệu người di cư từ miền Bắc vào Nam, xuất hiện vào khoảng năm 1970. Tác phẩm ra đời do nguồn cảm hứng từ một bài thơ mà Nhạc Sĩ Vũ Thành đã đọc được trên một tạp chí văn nghệ. Ca Sĩ Ngọc Hà với nhạc phẩm GIẤC MƠ HỒI HƯƠNG của Vũ Thành.
Theo sau là phần trình diễn của các giọng hát hay và những bài hát tiền chiến nổi tiếng: Kiều Loan với nhạc phẩm Gửi Người Em Gái Miền Nam (Đoàn Chuẩn & Từ Linh). Kiều My với nhạc phẩm Besame Mucho (Luis Muguel). Mạnh Bổng với nhạc phẩm Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng). Ngọc Quỳnh với nhạc phẩm Hướng Về Hà Nội (Hoàng Dương). Minh Thư với nhạc phẩm Tiếng Hát Với Cung Đàn (Văn Phụng). Hồng Quyên với nhạc phẩm Hà Nội Ngày Tháng Cũ, của Nhạc Sĩ Song Ngọc. Giọt Tình Sầu, thơ: Khánh Lan, Nhạc Phan Đình Minh, do chính tác giả trình bày.
GIỌT TìNH SẦU
Thơ Khánh Lan, Nhạc Phan Đình Minh
Tình như lá rơi rơi.
Với nỗi buồn không nguôi.
Em có còn lệ rơi
Cho cuộc tình đơn côi
Thời gian cứ trôi xuôi
Vẫn tháng ngày trôi theo
Tháng ngày là của ta
Tình yêu không có lỗi
Lỗi do người đổi thay
Ôi! Giọt nước mắt nào
Chảy xuống bờ môi khô
Uống cho vơi giọt sầu
Buồn làm chi em ơi
Bao kỷ niệm sầu đau
Trong trái tim u hoài.
Thời gian vẫn vô tình
Chia cắt tình đôi ta
Có những lúc có những lần sau
Có những lúc sẽ có ngày mai
Nhưng ta mãi mãi vẫn đi tìm nhau.
Trước khi trình diễn bài Giọt Tình Sầu, NS Phan Đình Minh tâm sự: “Trên đường đi sang California, tôi tự nghĩ với lòng câu “Cali đến dễ khó đi, rượu ngon bạn tốt chân đi sao đành”…Tôi nghĩ còn mấy phút nữa, tôi sẽ riêng một góc trời tại Dallas, với những người bạn…xin phép khán giả cho phép tôi gọi là bạn vì ngay anh Bích, anh Sum…chúng ta đều là bạn đồng hương cả, nhất là với các anh chị NVNT & TTG. Cách đây mấy tháng, tôi không biết ai ngoài Việt Hải, cả mấy chục người đã đến San Jose để giúp tôi tổ chức chương trình “Từ Cánh Đồng Mây”.”
“Khi tôi đặt chân xuống phi trường Long Beach ngày thứ Sáu, người bạn quý Ngọc Cường đã đón tôi và tiếp đãi tôi rất nồng hậu từ ngày thứ Sáu cho đến bây giờ. Thường người ta cho rằng sau sự thành công của người đàn ông có hình bóng của người đàn bà để support, tôi muốn nói ngược lại là sau một người đàn bà thành công, có cánh tay mạnh, có một cánh tay Bổng. Tôi muốn nói sau một người đàn bà thành công, Khánh Lan có Mạnh Bổng đứng đằng sau để giúp. Một điều đặc biệt là trong nhóm này, đa dạng đa tài, bản nhạc mà tôi sẽ hát cho Khánh Lan rất là đặc biệt, ngoài những tài viết văn của Khánh Lan, mà Mộng Thủy đã giới thiệu, tôi muốn giới thiệu thêm. Khi Khánh Lan gởi cho tôi bài Giọt Tình Sầu, tôi thích. Tôi cũng đã đọc những đoạn văn mà Việt Hải trích từ những bài viết của Khánh Lan và gởi cho tôi, nhưng tôi không nghĩ Khánh Lan viết và xếp chữ thơ hay như vậy, đặc biệt như vậy. Xin nghe bài Giọt Tình Sầu, ướt át lắm, dễ thương lắm của Khánh Lan. Ok, Khánh Lan, nghe anh nhé, anh hát cho em.”
Khánh Lan cám ơn Nghệ Sĩ Phan Đình Minh đã phổ nhạc và trình diễn bài thơ GIỌT TÌNH SẦU
Tiếp theo phần văn nghệ, Ca sĩ Ngọc Hà với nhạc phẩm Đẹp Giấc Mơ Hoa (Hoàng Trọng, lời Thanh Nam). Hạ Lan với nhạc phẩm (Dạ Khúc) Serenade của Frank Schubert, lời việt Phạm Duy. Kiều My với nhạc phẩm Chiều Tím của Đan Thọ, thơ Đinh Hùng và Mạnh Bổng với nhạc phẩm Thuở Ban Đầu của Phạm Đình Chương. Bài hát Thuở Ban Đầu cũng là ca khúc cuối cùng trước khi bế mạc buổi RMS và sau khi hai nhà văn Ngọc Cường và Khánh Lan ngỏ lời cám ơn quan khách đã đến tham dự.
Hai NV Ngọc Cường và Khánh Lan cám ơn khán giả đã ủng hộ nồng nhiệt cho buổi RMS
Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian
Chương trình RMS 3 tác phẩm do Liên nhóm NVNT & TTG tổ chức đã chấm dứt lúc 4:00 chiều, 20 anh em chúng tôi cùng nhau đến nhà hàng Ngọc Sương ăn mừng cho sự thành công của buổi RMS và lưu luyến chia tay, hẹn gặp lại vào ngày 06 tháng 08, 2023, kỷ niệm 8 năm thành lập Liên Nhóm NVNT & TTG.
Liên Nhóm NVNT & TTG ăn mừng sự thành công của buổi RMS ba tác phẩm: TLVD, Hậu Duệ & Thân Hữu, Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Học & Đời Sống tại nhà hàng Ngọc Sương
Khánh Lan, California June 25, 2023
P.1_VĂN NGHỆ MỞ ĐẦU_NVNT & TTG GIỚI THIỆU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN & CÁC CÂY BÚT HẬU DUỆ
P.2_KHAI MẠC_NVNT & TTG GIỚI THIỆU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN & CÁC CÂY BÚT HẬU DUỆ
P.3_VĂN HỌC_ NVNT & TTG GIỚI THIỆU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN & CÁC CÂY BÚT HẬU DUỆ