Văn Thơ

Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học của nhà văn Khánh Lan

Khi duyệt qua tác phẩm thứ nhất, mang tên “Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học” của nhà văn Khánh Lan, sách này có thể chia ra làm 4 loại khuynh hướng như sau:

  1. Bàn luận về nghệ thuật văn chương trong văn học: “Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học” (trang 01):

Nếu nghĩ đến tự bản chất tư tưởng của nghệ thuật của văn chương thì nó đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua. Theo quan điểm nho học của Khổng Tử và các nhà nho thuở xưa về sự kiện “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, xuất hiện sau gần 15 thế kỷ, vào đời Tống. Đây là một nguyên lý về bản chất và nhiệm vụ xã hội của văn học thuở xưa phiến diện, tiêu cực và như sự áp đặt. “Văn” nghĩa ở đây chỉ là văn chính luận. Còn “Đạo” là “luân lý học” của thuở Tống Nho, kết tinh một cách sẵn có những mặt tiêu biểu đạo đời theo tam giáo như Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Và văn “chở” cái đạo có sẵn như “phương tiện chuyên chở vật chất“, nghĩa là hoàn toàn tách rời giữa nội dung và hình thức; hay một cách suy nghĩ khác giữa ý nghĩ nội tâm và ý muốn trong đời sống chúng ta.

Trong nhận thức về sự bất phân giữa văn và sử, văn và triết ở thời kỳ đầu sự phát triển của văn chương. Ví dụ những người theo ý tưởng áp đặt Mác-xít cũng đặc biệt nhấn mạnh bản chất tư tưởng của văn chương, coi văn chương và nghệ thuật nói chung là một hình thái ý thức xã hội, một công cụ nhận thức, một khí cụ của tư tưởng. Tất nhiên cách nhận thức cuộc sống, tác động tư tưởng của văn chương nghệ thuật có những nét riêng, có tính đặc thù, so với các hình thái ý thức xã hội khác, như triết học, đạo đức, tôn giáo…

Trong khi văn chương vốn dĩ mang bản chất phóng khoáng, nhân bản không ràng buộc do yếu tố tư duy. Một xu hướng tiếp cận khác bên trời Âu lại chú trọng bản chất nghệ thuật của văn chương, mối liên hệ mật thiết giữa văn chương và nghệ thuật, coi văn chương là một loại hình nghệ thuật. Đây là cách xem xét của Aristote trong quyển Thi ca học có lúc gọi là Nghệ thuật thi ca. Đặc biệt ở các nhà mỹ học Đức từ cuối thế kỷ XVIII, theo lập luận Kant và Hegel, bản chất nghệ thuật của văn chương càng được nhấn mạnh, và họ coi nghiên cứu văn chương, thi ca học là một bộ phận của mỹ học. Theo hướng tiếp cận này, người ta lưu ý nhiều đến mối liên hệ giữa văn chương với âm nhạc, với bản sắc tư duy lãng mạn.

Cho nên bài văn “Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học” chuyên chở ý niệm về Nghệ thuật vị Nghệ thuật do thi sĩ Théophile Gautier hay Oscar Wilde cổ suý việc đề cao quan điểm riêng tư, mang tư duy lãng mạn. Ngược lại, xu hướng trên là “Nghệ thuật vị nhân sinh” thường được hiểu là nghệ thuật giữ vai trò hay mang nhiệm vụ phụng sự xã hội, kinh tế, quyền lực và tất cả nghệ thuật.  Như vậy nghệ thuật chỉ là công cụ cho phạm vi kinh tế, xã hội hay chính trị.  Do đó nghệ thuật vị nhân sinh (l’art pour la vie hay art for life) là lý thuyết khẳng định bản chất phạm vi xã hội của nghệ thuật, chủ trương nghệ thuật gắn bó với đời sống xã hội, chính trị, chống lại các khuynh hướng nghệ thuật và thoát ly khỏi ý tưởng lãng mạn trong cuộc sống. Bài viết đơn cử cho ý tưởng văn chương phục vụ nhu cầu xã hội điển hình qua những tiểu thuyết của Harriet Beecher Stowe, hay Mark Twain. Phía văn chương Việt Nam có 2 hệ phái tranh cải nhau kịch liệt như nhà văn Hải Triều chủ trương Nghệ thuật vị nhân sinh và nhà văn Hoài Thanh chủ trương Nghệ thuật vị nghệ thuật.

  • Chủ đề Tiểu thuyết Xã hội về Thân phận con người:

Phần này có 3 bài như sau: Những Kẻ Khốn Cùng (trang 27), Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (trang 99) và Ngư Ông và Biển Cả (trang 133).

  • Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Tác phẩm Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ.

Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình“. Những người khốn khổ cũng nổi tiếng vì đã được chuyển thể nhiều lần thành các vở kịch, bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới vở nhạc kịch mang cùng tên.

Les Misérables bản dịch đầu tiên tại Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1926, với tên “Những kẻ khốn khổ“, của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in song ngữ dài 10 tập khoảng 3000 trang.

  • Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventures of Tom Sawyer) là một quyển sách được nhà văn Mark Twain viết với bút pháp độc đáo, miêu tả tâm lý, cử chỉ, hành động của một chú bé sống tại một ngôi làng nghèo bên sông Mississippi. Tác giả đã miêu tả xuất sắc tính cách, tâm lý, hành động của chú bé thông minh, nghịch ngợm nhưng dũng cảm và có một tấm lòng nhân hậu giàu tình nghĩa. Ý tưởng hay từ bài viết như sau:

            Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer là tiểu thuyết của Mark Twain(1835 – 1910), ông là một nhà văn trào phúng nổi tiếng của Mỹ, những tác phẩm của ông, với tính chất châm biếm sâu sắc, tâm lý xã hội, chống sự áp bức thống trị của bọn cầm quyền phong kiến tư bản, nhất là chống cái chính sách dã man phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Mỹ.

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer kể về cậu bé Tom Sawyer nghèo khổ, lớn lên trong một thị trấn nghèo cạnh dòng sông Mississippi, St. Petersburg, Missouri. Tom Sawyer là một cậu bé yêu thiên nhiên, hiếu động, tinh nghịch, giàu trí tưởng tượng, thích các trò mạo hiểm, nghịch ngợm, nhiều khuyết điểm nhưng rất thông minh và nhiều tình cảm.

Đó là một lời nói dối cao thượng rộng lượng và hào hiệp,

lời nói dối đáng để người ta ngẩng cao đầu đi vào lịch sử.”

Câu nói của ngài thẩm phán Thatcher khi ông nghe cô con gái của ông là Becky kể rằng Tom đã nói dối để gánh chịu trận đòn chuyển từ lưng Becky qua lưng Tom.  Thẩm phán Thatcher lại càng lấy làm khâm phục và cho rằng Tom không phải là một cậu bé tầm thường, đó là một bản chất can đảm và lòng dũng cảm khi cậu bé đã cứu con gái của ông ra khỏi hang động.  Ông nói:

“Một ngày kia, Tom sẽ trở thành một luật gia lớn

hay một chiến sĩ vĩ đại.”

  • Ngư ông và Biển cả (The Old Man and the Sea): là truyện tiểu thuyết do Ernest Hemingway sáng tác ở Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952. Đây là truyện ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng được Hemingway viết (và được xuất bản khi ông còn sống), là tác phẩm nổi tiếng và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Tác phẩm đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953. Nó cũng góp phần quan trọng để nhà văn nhận Giải Nobel văn học năm 1954. Trong tác phẩm này ông đã triệt để dùng nguyên lý mà ông gọi là “tảng băng trôi“, chỉ mô tả ba phần nổi còn lại bảy phần chìm, khi mô tả sức mạnh của con cá, sự chênh lệch về lực lượng, về cuộc chiến đấu không cân sức giữa con cá rất dữ với ông già. Tác phẩm ca ngợi con người, sức chịu đựng và khát vọng của con người.

Xét về nội dung thì câu chuyện về nếp sống đánh cá lênh đênh, gian nan của ông lão người Cuba, Santiago, người đã cố gắng chiến đấu trong ba ngày đêm với một con cá kiếm khổng lồ trên biển vùng. Gulf Stream (Vịnh Hải lưu) khi ông câu được nó. Sang đến ngày thứ ba, ông dùng lao đâm chết được con cá, buộc nó vào mạn thuyền và mang về nhưng đàn cá mập lại đánh hơi thấy mùi của con cá mà ông bắt được nên đã ùa tới, ông cũng rất dũng cảm đem hết sức mình chống chọi với lũ cá mập, phóng lao và thậm chí dùng cả mái chèo để đánh. Cuối cùng ông giết được khá nhiều con và đuổi được chúng đi, nhưng cuối cùng khi ông về đến bờ và nhìn lại thì con cá kiếm của mình, nó đã bị rỉa hết thịt và chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng.

  • Chủ đề Tiểu thuyết với nét Triết tính:

Phần này có 3 bài như sau: Hermann Hesse, Một bậc hàn lâm văn chương (trang 45), Khung cửa hẹp (trang 87) và Đi tìm thời gian đã mất (trang 115).

  • Hermann Hesse, Một bậc hàn lâm văn chương: là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học. Tác giả kể ông là bạn thân tri kỷ với nhà văn Thomas Mann. Tình bạn giữa Hermann Hesse và Thomas Mann đã tạo ra những chủ đề về tương quan hiện diện trong dòng văn triết học của Hesse và Mann.

Những tiểu thuyết của Hermann Hesse chứa đựng những ý tường, nhân sinh quan về đời sống phương Đông với các tôn giáo thần bí; về tâm lý của các nhân vật của ông; phong cách đạo đức như triết gia Nietzsche. Bài viết đi sâu về tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha) là một cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của Hermann Hesse kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha trong thời đại của Thích Ca,  Hesse gọi là Hoàng tử Siddhartha Gautama.  Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, sau khi Hesse trải qua một thời gian ở Ấn Độ trong thập niên 1910. Sách được xuất bản ở Mỹ năm 1951 và trở nên có ảnh hưởng lớn vào thập niên 1960. Tác phẩm kể lại chuyện xảy ra ở Ấn Độ vào thời cổ đại vào khoảng thời gian của Đức Phật ở thế kỷ thứ 6 TCN. Truyện bắt đầu khi Siddhartha, con của một Brahmin, bỏ nhà ra đi để tham gia những nhà tu khổ hạnh cùng với người bạn thân là Govinda. Cả hai đều ra đi để tìm sự khai sáng. Câu Chuyện Dòng Sông đã đi qua một chuỗi các thay đổi và tự nhận thức khi anh cố gắng đạt được mục đích này.

  • Khung cửa hẹp (La porte etroite): là tiểu thuyết của văn hào Pháp André Gide được coi là một cuốn tiểu thuyết kinh điển và còn là một trong những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết được dịch giả Bùi Giáng dịch sang Việt ngữ, xuất bản bởi NXB An Tiêm năm 1966. 

Năm 1946, André Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng giải Nobel năm 1947. Đây là một cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu lãng mạn, để cao lòng trinh bạch, sự hy sinh và những đấu tranh nội tâm giữa cõi thực và hư vô trong đạo giáo của xã hội Tây Phương thời ấy. André Gide đã dùng một lối viết cầu kỳ, ngôn ngữ khó hiểu, nó kén chọn người đọc ở một trình độ cao và thấu hiếu về lý thuyết đạo giáo cũng như triết học hiện sinh và lý thuyết nhân sinh quan. 

  • Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche du temps perdu): là bộ tiểu thuyết gồm 7 tập của nhà văn Pháp Marcel Proust, được viết từ 1908-1909 đến 1922 và xuất bản từ 1913 đến 1927, trong đó 3 tập cuối chỉ được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Tiểu thuyết này được xếp vào trong danh sách mười cuốn tiểu thuyết được thanh niên Pháp ưa thích nhất trong thế kỷ XX. Tạp chí Time cũng chọn Đi tìm thời gian đã mất trong danh sách mười cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại.

Qua nội dung của tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất” là loại tiểu thuyết tự truyện với nhân vật chính là người kể chuyện về chuyện tình của mình với những ước mơ, dằn vặt qua mối tình đẩu với Gilberte, rồi đến mối tình thơ mộng và đau xót với Albertine sống  trong cái thiên đường của một xã hội thượng lưu giả dối và nhạt nhẽo, rồi chết một cách thảm thương. 

Thời gian lại tìm thấy” có nghĩa là tìm tìm ra lẽ sống của mình, là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật. Tất cả những hoạt động xã hội chỉ là “thời gian đã mất” và biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo như Proust đã viết: “Những thiên đường thật đó là những thiên đường đã mất“. Cốt truyện của “Đi tìm thời gian đã mất” có giá trị ở lối kiến trúc diễn đạt thâm sâu, phân tích suất sắc, nặng phẩn mộng tưởng, cho ta những cảm giác dào dạt và thu hút người đọc. 

Đi tìm thời gian đã mất” đã mở đầu cho loại tiểu thuyết mới trong thế kỷ XX và có giá trị cao đượm nét triết tính, với những câu văn dài bất tận như dòng suy tư, cấu trúc ngữ pháp đặc biệt tạo nên những lớp thời gian chồng chất lên nhau, hoài niệm chồng chéo lên hoài niệm, hồi ức kéo theo hồi ức, những thể nghiệm được mô tả theo tốc độ tiệm tiến tương ứng với thời gian của chuyện kể. Câu chuyện tưởng như chỉ xoay quanh những chủ đề mang tính chất riêng tư của một nhân vật, nhưng khi đọc lại cho ta một cảm giác lùi về thời gian đáng kể ở dĩ vãng. 

Chính các nhà văn thế kỷ XX thừa nhận, dù thích hay không thích thì tác phẩm này cũng đã là một biểu tượng cụ thể buộc các nghệ sĩ hiện đại phải thay đổi cách nhìn của mình về thế giới hiển nhiên và cách biểu hiện thế giới bên ngoài. “Đi tìm thời gian đã mất” vì thế trở thành một cột mốc trong hành trình thời gian của tiểu thuyết hiện đại của thế kỷ XX.   

  • Chủ đề Tiểu thuyết Tình cảm Chiến tranh:

Phần này có 2 bài như sau: Một thời để yêu và một thời để chết (trang 13) và Bác sĩ Zhivago (trang 167).

  • Một thời để yêu và một thời để chết (A Time to Love and a Time to Die): của Erich Maria Remarque là tình yêu giữa chiến tranh đầy máu lửa, đắng cay, nuớc mắt và hoài vọng với lời viết đậm nét vị tha, nhân đạo, an phận, yêu quê hương và chấp nhận số mệnh của một người thanh niên trót sinh ra trong thời chiến. Tình yêu và chiến tranh là những tiếng khóc của trái tim, là xót xa cho thân phận và là rạo rực của nhớ mong. Qua lời văn của Erich Maria Remarque đã đưa người đọc hình dung ra được một chiến trường khốc liệt với xác người không vẹn toàn, xình thối, vùi chôn dưới từng lớp tuyết, những cảnh điêu tàn, những nóc nhà cháy, những bức tường đổ nát, những đống gạch vụn. 
  • Bác sĩ Zhivago (Dr. Zhivago): “Cánh tay phải của tôi. Lau nước mắt giùm tôi.” Đó là hai câu trong một bài thơ của Boris Leonidovich Pasternak đã viết để diễn tả những uẩn khúc trong tim khi tác phẩm Bác sĩ Zhivago ra đời năm 1957, bị cấm xuất bản cũng như lưu hành tại Nga, nhất là khi nội dung của tác phẩm bị nhà nước cho là bôi nhọ chính sách và buộc ông phải từ chối nhận đề cử lãnh giải thưởng Nobel văn chương năm 1958, với lý do sự việc này làm giảm uy tín của Đảng Cộng Sản Liên Xô. 

Trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, Boris Pasternak “Chống Xô Viết”, chỉ trích rất tế nhị các chế độ “Stalin-nít”, chế độ “tập thể hóa”, cuộc “Đại Thanh Trừng” (the Great Purge) và Quần Đảo Ngục Tù (the Gulag). Tác phẩm Bác sĩ Zhivago còn bị nhà cầm quyền gán cho tội nói xấu cuộc Cách mạng Xô viết. Tháng 12 năm 1989, người con trai của Văn Hào Boris Leonidovich Pasternak tên là Yevgenii Borisovich Pasternak đã được phép đi tới thành phố Stockholm để nhận lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương của cha cậu. 

Tác phẩm Bác sĩ Zhivago nhận định một cách rõ ràng về số phận và lựa chọn của người trí thức trong sự xoay vần của thời cuộc bên cạnh chuyện tình yêu ngang trái giữa Yury Zhivago và Lara Guishar. Một chuyện tình đau đớn của những người tình lạc nhau trong chuyến tàu định mệnh, chiến tranh tạo nên sự chia ly, đặt con người trong chấp nhận hy sinh và số phận con người-tình yêu trong những dòng xoáy của lịch sử. 

  • Chủ đề Tiểu thuyết Tinh yêu Lãng mạn:

Phần này có 2 bài như sau: Trà Hoa Nữ (trang 75), Chuyện Tình Yêu (trang 147).

  • Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias/The Lady of the Camellias): Alexandre Dumas, Jr. là tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch nổi tiếng người Pháp), ông được vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1874 và được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh năm 1894. Trà Hoa Nữ là một tiểu thuyết được viết bởi Tác giả Alexandre Dumas Jr. năm ông 23 tuổi và được xuất bản lần đầu vào năm 1848. Tiểu thuyết Trà hoa nữ đã khẳng định tài năng và đem lại vinh quang rực rỡ cho Alexandre Dumas Jr., nhất là sau khi tác phẩm được ông chuyển thể thành kịch, trình diễn vào năm 1852 ở Paris, tại Nhà hát de Vaudeville, Paris. 

Theo tài liệu cho biểt, trước năm 1975, nhà soạn kịch/nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã chuyển thể cuốn truyện Trà Hoa Nữ và được trình diễn lần đầu tiên tại Sài Gòn, Việt Nam. Vở kịch này lại được trinh diễn thêm hai lần nữa do ban kịch Kim Cương (2002) tại Sài Gòn và ban kịch Sống (2013) tại California, Hoa Kỳ. Tác phẩm Trà hoa nữ được dịch ra nhiều loại ngôn ngữ, lan truyền rộng rãi trong lãnh vực phim ảnh, kịch nghệ ở nhiều quốc gia, được người xem hâm mộ và ưu ái đón nhận.

Cốt truyện Trà Hoa Nữ dựa trên bối cảnh tại nước Pháp vào giữa thế kỷ 19, cuốn tiểu thuyết kể về chuyện tình đau thương, một bi kịch cuộc đời của nàng kỹ nữ xinh đẹp Marguerite Gautier và một nhà trí thức trẻ tuổi, luật sư Armand Duval. Tác phẩm Trà hoa nữ không những được coi là một tác phẩm lãng mạn, trữ tình, cảm động mà còn chứa đựng nhiều yếu tố hiện thực, đảm bảo được nghệ thuật văn chương, có giá trị tinh thần, lòng nhân đạo và sự hy sinh cao cả cho tình yêu, đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của nàng kỹ nữ vắn số Marguerite Gautier. 

Cuốn sách ghi lại câu chuyện qua lời kể của Armand Duval về một mối tình ngang trái, một tình yêu đích thực mà Armand đã dâng hiến cho nàng kỹ nữ trẻ Marguerite. Chính tình yêu chân chính ấy, đã cứu vớt tâm hồn Marguerite và đưa nàng về với cuộc đời mới, thanh cao, trong sạch. Marguerite đã quyết định từ giã cuộc sống xa hoa, vật chất, nhung lụa đầy ô nhục để đổi lấy một cuộc sống lương thiện, dẫu biết rằng con đường ấy sẽ đầy chông gai và phải chịu nhiều đau khổ.

  • Chuyện Tình Yêu (Histoire d’Amour/Love Story): là tiểu thuyết của Erich Segal, ông là một nhà viết tiểu thuyết, kịch bản gia và là giáo sư văn học Hy Lạp và Latinh tại Đại học Harvard, Đại học Yale (1958), Princeton University, Dartmouth College ở Hoa Kỳ, Oxford University, Anh quốc, University of Munich, Đức quốc và lấy bằng Tiến sĩ Văn học Thế giới vào năm 1965. Erich Segal là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về hài kịch thời La-mã, năm 1967 bắt đầu viết kịch bản cho phim ảnh và chuyển thể cuốn truyện Yellow Submarine thành cuốn phim ca nhạc có cùng tựa của ban The Beatles. Cuối thập niên 1960, Erich Segal viết kịch bản cho cuốn phim Love Story, rồi chuyển thể thành cuốn tiểu thuyết có cùng tựa, đạt thành công rực rỡ.

Bộ phim từng nhận được nhiều thưởng Oscar: Giải thưởng Golden Globe Award for Best Screenplay-Motion Picture, Guggenheim Followship for Humanlities, US & Canada. Giải Quả cầu vàng cho Bộ phim xúc động nhất, Giải Quả cầu vàng cho Diễn viên nữ đóng cảm động nhất dành cho Ali MacGraw. Giải Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Arthur Miller. Giải Oscar cho Âm nhạc hay nhất dành cho Francis Lai. Giải Quả cầu vàng cho Âm nhạc hay nhất dành cho Francis Lai. Giải Quả cầu vàng cho Kịch bản phim hay nhất dành cho Erich Segal, cùng 11 đề cử khác. Nổi bật câu nói bất hủ trong cuốn tiểu thuyết đã trở thành tuyên ngôn kinh điển của tình yêu.

“Yêu có nghĩa là không bao giờ nói lời hối tiếc”.

Love Story thuộc loại tiểu thuyết tình cảm xã hội, lãng mạn, trữ tình, một là câu chuyện tình đích thực, nồng cháy nhưng lại quá thảm sầu của một mối tình bất điệt, đã làm thổn thức và tê tái không biết bao nhiêu trái tim khán giả. Khởi đầu câu chuyện với chuyện tình của một cô gái mới lớn đi song song với bản tính năng động, tự lập, cao ngạo, tự hào của một chàng sinh viên Harvard thuộc gia đình thượng lưu và nổi tiếng. Sự tranh đấu cho tình yêu không cùng giai cấp, người giầu và kẻ nghèo, đưa đến những thử thách để bảo vệ hạnh phúc cho một tình yêu đích thực và tận cùng là bệnh tật & sự chết…

Điều đáng kể trong tác phẩm là tác giả Erich Segal đã nêu rõ sự kỳ thị của một xã hội định kiến Mỹ trong thế kỷ 20, nơi mà sự phân biệt giai cấp vẫn tồn tại.  Sự thủ cựu trong quan niệm sống mà thế hệ trẻ của thập niên 1970 không còn tin tưởng vào quan niệm cũ kỹ già nua trong xã hội phong kiến và nó không còn thích hợp với suy nghĩ của giới thưởng ngoạn đang nuôi dưỡng một quan niệm sống mới:  Tự quyết, tự lập, tự hành động cụ thể và tự áp dụng dựa theo tiếng gọi của con tim. 

xXx

Tóm lại, tác phẩm Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học của nhà văn Khánh Lan ra đời có  thể nói là để đóng góp vào kho tàng văn học chữ Việt nói chung được chút nào đó phong phú hơn, nhất là ở khía cạnh bàn luận về nghệ thuật của văn học; cũng như giới thiệu một số tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học của thế giới. Tác phẩm này gồm những bài viết trình bày đôi nét chính của những danh tác lẫy lửng như kiến thức chung của con người ở mọi thế kỷ.

Đọc tác phẩm Những ý nghĩ về Nghệ Thuật trong Văn Học của nhà văn Khánh Lan giúp cho những ai muốn theo một khoá văn học thu gọn ít tốn kém thời gian đi sưu tập nhiều tác phẩm thời danh qua nét nhận định của nữ bỉnh bút Khánh Lan. Theo ý tưởng của nhà văn người Anh Edward Morgan Forster cho là:  “Điều tuyệt vời về văn học vĩ đại là nó biến người đọc nó trở thành tình trạng của người đã viết tác phẩm.” (E. M. Forster: What is wonderful about great literature is that it transforms the man who reads it towards the condition of the man who wrote.); Đọc những danh tác giá trị, sự vĩ đại của những danh tác giúp cho kiến thức con người phong phú hơn.

Thật vậy.

Trần Hoàng Nam.