Lê Nguyễn Nga,  Tin tức,  Văn Thơ

NHỚ VỀ TRĂNG MỜ BÊN SUỐI VÀ TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN

NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN

Đầu tháng 7 nhận được tin buồn từ trang Web Cỏ Thơm do Chủ Nhiệm Phan Anh Dũng gửi đến các đọc giả. Đọc được hai chữ tưởng niệm NS Lê Mộng Nguyên (LMN) tôi cảm thấy rất buồn, dù biết rằng tin này rồi cũng sẽ đến. 

Cách đây khoảng vài tháng tôi có email hỏi thăm chị ca sĩ Trần Quang Hải, Bạch Yến và chị Quách Vinh Thiện Thanh Vân về tin không được tốt của ông. Nhưng hai chị đều trả lời không được biết. Có thể lúc đó ông đã yếu sức, là khoảng thời gian ông không thể đến gặp các ban văn nghệ sĩ như lúc trước.

Nói đến Lê Mộng Nguyên thì phải nói đến tác phẩm để đời “Trăng Mờ Bên Suối” ra đời năm 1949, lúc tôi được may mắn nghe ông kể lại, là câu chuyện của ông lúc đầu đời khi tuổi còn rất trẻ và đây là hai người đang yêu nhau. Ông nói tiếp rằng nguồn cảm xúc là gặp người yêu trước khi ông đi du học Pháp. Ấn khúc của bản nhạc là một chuyện tình buồn của Ông và người thiếu nữ tên Mai.  Khi giã từ người yêu đi du học nước ngoài năm 1950, Ông cứ đinh ninh sẽ có ngày trở lại đất nước và gặp người yêu. Nhưng, lần chia tay đó cũng là lần vĩnh biệt.  Cô Mai bị bệnh nặng và qua đời.  Nhà thơ Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim để khóc vợ; NS Lê Mộng Nguyên cũng quá đau lòng qua bài thơ “Ma vie sans toi” thương tiếc người con gái vắn số. 

Kỷ niệm nhiều lần gặp mặt với NS Lê Mộng Nguyên  và các nhạc sĩ khác tại Paris như vẫn còn mãi trong tâm trí tôi.  Đó là những ngày mùa thu 2005 và 2006 tại Paris. Khi lá vàng đã rơi đầy đường phố, đặc biệt trong và ngoài khu vườn Luxembourg. Quân 5, Saint Germain cũng là nơi ông bà LMN đã ở gần đây từ vài chục năm. 

Hai Người bạn tôi là Thy Như và Như Ninh giúp tổ chức cuộc hội ngộ các anh chị em nghệ sĩ tại quán Huế Imperial, khu Opera Paris.  Gặp được nhau đúng là một cái duyên. Tôi còn được gặp thêm các nghệ sĩ tiền bối như NS Lê Mộng Nguyên, TS Đỗ Bình, NS Trịnh Hưng, NS Bích Thuận và nhiều người nữa.  Nhưng riêng NS Lê Mộng Nguyên, tôi đã liên lạc trước qua phone và email để gửi sách và CD qua Pháp trước khi tôi đến.  

Tôi đến Paris lần đầu tiên với nhiều háo hức về Kinh Thành nổi tiếng này. Nhưng, cảm động hơn là được gặp các vị nghệ sĩ tiền bối này. Khí gặp NS Lê Mộng Nguyên tôi vui và ngạc nhiên lắm vì  trong chương trình ông nói rất rành mạch  về nhạc và thơ của NS Lê Trọng Nguyễn, kể cả thơ của Nga. Tôi hát “Trăng Mờ Bên Suối” thì được ông cất tiếng hát chung, song ca không dự định trước.  

Điều đó cho tôi thấy ông rất đam mê văn thơ và nhạc Việt Nam từ lúc trẻ.  Tuy ông đã đi du học năm 1950 và chưa bao giờ trở lại Việt Nam.  Tôi có hỏi thăm về cuộc sống và cảm nghĩ của một người lỗi lạc và yêu văn nghệ như ông, đã sống xa quê hương lâu dài. Ông Lê Mộng nguyên có tâm sự rằng ông không muốn nhìn lại Việt Nam trong cảnh đồng bào đau khổ dưới chế độ Cộng Sản .

Gặp được các vị văn, thi, nhạc sĩ Paris trong những mùa Thu năm 2005 , 2006, 2007 thật là điều may mắn và hân hạnh trong kỷ niệm này. 

Năm 2010 tôi đến Paris tham dự tiệc cưới con gái một người bạn. Tôi may mắn được gặp gỡ đi chơi thăm viếng vài nơi  do anh chị NS Quách Vĩnh Thiện -Thanh Vân đưa  đi chơi, tôi được dịp thăm viếng nhiều thắng cảnh của Paris  rất đẹp. 

Kế đến là một dịp thật vui, Năm 2008 NS Lê Mộng Nguyên báo tin là ông cùng TS Đỗ Bình đến ra mắt sách tại Virginia, DC.  Nga liên lạc qua phone cùng thi sĩ Lam Thuy, nguyên Chủ Tịch Văn Bút vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, là một người đã luôn giúp Nga trong những lần đến VA. Nga nhớ mãi Lãm Thúy đã đưa Nga đến thăm cựu Chủ Tịch VB  Văn Duy Tùng, một người đang sống trong kỷ niệm buồn với sự ra đi của người vợ hiền.

Bữa cơm tối trước ngày Ra Mặt Sách  Nga được gặp nhiều văn thi sĩ địa phương vùng VA, DC.

Miền Động Bắc Hoa Kỳ, DC.  trong tháng 4,  2008, mùa xuân và vạn vật tươi vui đã quyến rũ khách phương xa.  Ns Lê Mộng Nguyên và Nga thật vui mừng trong lần hạnh ngộ này.

Hôm  đó là ngày RMS ,Nga được gặp rất nhiều bạn của chồng mình là thi-họa-sĩ Vũ Hối và các bạn, nhà văn Hồng Thủy, Hải Yến – Đoàn Định.  Nhà văn Đỗ Hồng Anh khỏan đãi khách tại tư gia và đã tổ chức một ngày văn nghệ vui họp mặt thân mật của các bạn.

Không khí ngày RMS của 2 tác giả thật trang trọng, ấm cúng. Nga thật vui vì có dịp bày tỏ và cảm ơn NS Lê Mộng  Nguyên, Ông luôn nhắc về tình thân giữa đạo diễn Lê Mộng Hoàng và NS Lê Trọng Nguyễn, đặc biệt với cuốn phim “Nắng Chiều”, phát hành và trình chiếu năm 1972 tại Saigon.

NS Lê Mộng Nguyên, Thi sĩ Đỗ Bình thăm Hoa Thịnh Đốn – Falls Church, Virginia 2008.

Sau 3 ngày vui hạnh ngộ,  thi sĩ Lãm Thúy tình nguyện làm tài xế đưa đón anh chị em.  Cuộc vui  nào rồi cũng tàn.  Chúng tôi trở lại Cali với những nhớ nhung vô vàn và nhiều kỷ niệm đẹp.  Sau khi về lại Cali, Nga nhận được 1 tấm hình từ nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên chụp kỷ niệm ông solo đi viếng thăm cảnh DC với những cành đào không còn hoa vì đã vào sau ngày 10 tháng 4 năm 2008. Ngẫm nghĩ lại cuộc đời này hơi buồn, đúng là lạc hoa lưu thủy, gặp đó rồi tan đó.

Cảm ơn PAD – TH đã cho Nga lại những tấm hình với kỷ niệm mến thương một nhân tài.

Cầu chúc linh hồn ông được thanh thản ở chốn bồng lai, ở đó có ánh vàng lung linh và giòng suối luôn chảy mãi. Mong ông được gặp lại người thương trong tuyệt phẩm Trắng Mờ Bên Suối, với mối tình tuyệt vời của ông đã được ông ôm ấp hơn 70 năm trước.

Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối. …

… Một đêm thiết tha rồi đây  xa cách 

…Đường chia đôi ngã biết đến Phương nào…

Lê Nguyễn Nga, Cali  10 tháng 7 năm 2023.

TRỜI ÂU THAM THẲM

  HAY LÀ KHÚC NHẠC TÌNH DANG DỞ KIẾP THA HƯƠNG

*** Lê Mộng Nguyên ***

Mến tặng chị Lê Trọng Nguyễn thị Nga (trả lời vài câu hỏi dẫn khởi trong một phỏng vấn sau này)

Trời Âu thăm thẳm, một trời Âu

Ba-Lê vạn ngả lắm phương sầu

Năm năm tháng tháng ngày vô tận

Vẫn nhớ nhung hoài thuở có nhau

(trích Đời Không Có Em của Lê Mộng Nguyên)

    Một buổi chiều cuối thu mưa tầm tã trên thành phố hoa lệ Paris, năm 1953. Gió rét thổi từng hồi, lá vàng rơi tan tác trên những con đường ẩm ướt, vắng lạnh, trong ánh chập chờn của một mùa hoàng hôn ngắn ngủi. Chiếc xe hàng vừa đỗ tại công trường lớn Denfert-Rochereau, một thiếu niên người Việt hối hả bước xuống, nhìn đồng hồ tay, rồi gấp gáp chạy qua đường, tiến về quận 14 (đại lộ Saint Jacques), nét mặt ra chiều lo lắng. Rẽ vào con đường nhỏ, chàng đến trước một căn nhà cũ kỹ, mở cửa vào phòng trọ. Thấy một bức thư dày nằm trọn trong hộp thư, chàng vội vàng quăng mũ áo trên giường, hồi hộp bóc thư ra. ”Thư của Mai’‘, Lê Nguyên tự nhủ thầm. Thoáng thấy dòng đầu của lá thư: ”Anh nhận được thư này thì Mai của anh không còn nữa... ”, chàng cảm xúc lạnh người, đầu óc quay cuồng, choáng váng, con tim như ngừng đập, chàng đọc tiếp bức thư…

    Cách đây ba năm, lần đầu tiên chàng rời thành phố Huế thơ mộng qua Pháp du học:

Ai đi xa Huế ngàn năm nhớ làn mắt ướt  

Đây cô gái Huế làm duyên dáng cười với ai?

Mây trời nước bên dòng Hương

 Đò ai nghiêng mái chèo bên chùa Thiên Mụ,

 Ngược bến Bao Vinh theo tình nước mây...

(Nhớ Huế, Nhạc & Lời của Lê Mộng Nguyên).  

Xa nhà ! Từ nay cha già mẹ yếu ai ngườI lo lắng sức khỏe ? Và Thúy Mai, ngườI thiếu nữ xinh đẹp chàng đã gửi tất cả tình thương ? Nhưng vì chiến tranh sắp bùng nổ, vả lại gia đình đôi bên đều nghĩ rằng hai đứa này còn quá trẻ, nên phải đình chậm việc kết hôn. Chàng là ngườI con chí hiếu nên vâng lời ra đi, nhưng ruột đau như cắt vì rồi đây trờI Âu mịt mờ, ngày về không ước định. Mai đã khóc rất nhiều và thề nhất quyết sẽ đợi chàng :

Hôm nay lạnh quá em ơi

Anh run run dở mấy lờI trong thư

Duyên xưa sống lại đôi giờ

Ngày qua tháng lại em chờ đợi mong

(Mấy Tờ Thư, Thơ LMN).

     Hôm đầu tiên đến Paris, trong lúc xách va li bâng khuâng tìm chỗ trọ, chàng may mắn gặp một người bạn đồng hương – Trần Xuân Sanh – giới thiệu cho chàng một căn phòng tạm ở ngay khách sạn của mình, và từ dạo ấy hai người trở nên thân thiết. Sanh có người anh học ở tỉnh từ lâu, đã thành hôn với một thiếu nữ người Pháp. Mồ côi cha mẹ, họ hàng thân thích chỉ còn anh em và chú bác thành thử việc ấy không có ảnh hưởng gì to lớn đến gia đình. Nhưng Sanh cảm thấy xa anh mình hơn trước… Sanh là một họa sĩ, sinh viên trường cao đẳng Mỹ Thuật, gặp được Lê Nguyên, một nhạc sĩ, sinh viên Đại học Luật khoa sắp ra trường, hai người đồng nghệ sĩ thành thử rất gần nhau trong lý tưởng nên trong những lúc buồn hay tâm sự cùng nhau. Trong mấy tháng đầu ở kinh đô hoa lệ, Nguyên quá nhớ nhà, nhớ Mai: Mai ơi, nếu anh là con chim phượng, anh sẽ bay về cố hương để tìm em! Trời ơi nhớ em quá làm cho tim anh nhức nhối, sắp rã tan. Thôi chết vì tình cũng là may mắn vì linh hồn anh mãi mãi bên cạnh em… Anh nhớ hai chúng ta đã cùng hát ”Một Chiều Thương Nhớ” (của LMN) lúc đi dạo chơi trên đường Nam Giao hoặc bên núi Ngự Bình:

Chiều vàng có đôi chim ngừng cánh,

Nguyền song song một tình đắm say,

Thề ước dù đời đắng cay mà bóng chiều xưa

 Màu thời gian không hề úa phai.

     Để giải sầu, chàng đọc sách rất nhiều, viết thư luôn về thăm gia đình, thăm Mai. Chàng nhận được rất nhiều tin của Mai, cứ đều đều khoảng hai ba bức mỗi tuần. Chàng luôn trả lời, với tất cả tấm lòng tha thiết của mối tình yêu ban đầu. Tuy nhiên dần dà, vì bận học, chàng ít trả lời ngay cho thư Mai, có lúc để dồn lại gần mười lá mà không có dịp hồi tin. Nhưng Mai vẫn kiên nhẫn viết rất nhiều cho chàng, thư nào cũng nồng đượm lời hẹn ước những ngày qua, mặc dầu thư đi thì có mà thư về thì đã bắt đầu thưa dần…

Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng

Trời bày chia ly chi cho lòng héo?

(Trăng Mờ Bên Suối của LMN)

Mai có ngờ đâu Paris muôn vàn ánh sáng đã quyến rũ Nguyên. Sự chung đụng hàng ngày của nam nữ sinh viên Pháp, lúc đầu chỉ là thoáng qua, nhưng lâu hóa thành đậm đà. Nhiều lúc nhận được thư Mai van lơn thảm thiết, chàng tự khuyên nhủ, trắng trợn : ”Làm sao tin đuợc những lời ấy là chân thật. Xa mặt thì rất dễ cách lòng !” Sanh hay khuyên chàng nên trở lại với Mai và coi tình yêu với một cô gái Pháp chỉ là thú vui chốc lát, nhưng Nguyên không bằng lòng, có lúc đã giận bạn lâu ngày.

     Rồi bẵng đi một dạo, chàng không nhận được thư Mai nữa. Nàng đau chăng ? Hay đã nghe lời khuyên của Nguyên xây đắp một tình yêu mới khác? Hèn nhát, Nguyên thấy bớt một gánh nặng của tâm hồn: phải chăng Mai đã quên chàng ? Từ ngày ấy, chàng lại càng yêu tha thiết Mireille mà chàng gọi là Mimi, ý muốn ngày sau xin cưới hỏi nàng… Nhưng trước những lời lẽ đanh thép của Sanh chống việc thành hôn với một người ngoại quốc, đôi lúc một mình, Nguyên tự hỏi băn khoăn: Ta yêu Mimi, nàng cũng chân thật yêu ta, nhưng lấy nhau rồi, hai đứa Á Âu cách biệt có thể được hạnh phúc lâu bền không? Hơn nữa, sẽ còn biết bao nhiêu vấn đề phải giải quyết: dân tộc, tư tưởng, phong tục, tôn giáo… Lấy nhau rồi, liệu có cùng chung sống ở nước nhà một cách bình thường (như mọi người) không? Nhưng trước vẻ đẹp sắc sảo và tính nết dịu dàng của Mimi, Nguyên cố quên tất cả để vui sống hạnh phúc quê người. Tuy nhiên, không ai lãng việc học hành, cuối năm nào hai người cũng đều thi đỗ cho tới năm nay vẫn học cùng lớp với nhau…

     Cho đến chiều hôm nay, đọc thư Mai viết trong nước mắt, Lê Nguyên hầu như tỉnh một giấc mơ. Chàng đã cố sống lại những ngày qua:

Rồi đây sương gió duyên kiếp lỡ làng

Trời xa xăm lắm em biết đâu tìm

 Lòng anh khắc khoải chờ mong

 Mờ mịt trời Âu đôi lứa khóc âm thầm…

(Một Chiều Thương Nhớ của LMN).

Mai vốn yếu tim, chàng ra đi lại thêm buồn bã, nhất là từ ngày vắng thư người trai trẻ, bệnh tình lại càng trầm trọng hơn… Dù muốn dù không, trong cái chết của Mai, chàng phải gánh một phần trách nhiệm. Hối hận, chàng gục đầu xuống bàn, nức nở. Có tiếng gõ cửa mạnh, nhiều lần. Nửa mê nửa tỉnh, Nguyên lê bước nặng nề ra mở, sực nhớ hôm nay chàng có hẹn với Mimi lại thăm cho nên lúc nãy chàng đã hối hả đi gấp trên con đường mưa gió đặng về cho kịp. Mimi bước vào, vừa chào vừa xin lỗi đến chậm vì bận việc phút cuối cùng và phàn nàn trời nắng đẹp đã không còn nữa. Cánh cửa bật ra, chưa kịp đóng lại thì một luồng gió mạnh thổi tạt vào đánh rơi cái bì thư từ nãy nằm trên bàn xuống đất. Một cánh hoa tàn bay lả tả, cùng cái ảnh cũ của Mai đã phai màu. Mimi định cúi xuống lấy thì Nguyên đã hoảng hốt hấp tấp nhặt lên, bỏ tấm ảnh người xưa vào túi và nhìn cánh hoa tàn một cách âu yếm… Trong khoảnh khắc, chàng nhớ lại một ngày thu năm ấy hẹn cùng Mai bên bờ suối nhỏ cuối làng, cạnh núi Ngự Bình:

Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu

 Một đêm thiết tha rồi đây xa cách

Rồi đây hai ngả biết tới phương nào…

(TMBS).

Chàng còn nhớ đêm hôm ấy đã âu yếm tặng Mai một đóa hoa hồng. Kỷ vật ấy, nàng ấp ủ đã từ lâu… cho đến ngày tận thế.

     Mimi ngạc nhiên thấy Nguyên không vồn vã như thường lệ giúp nàng cởi áo ngoài và chào hỏi. Chàng thờ thẩn mời nàng ngồi cạnh lò sưởi rồi lại chìm đắm trong quá khứ thương đau:

NgườI của ta giờ nay ở đâu?

Trời Âu thăm thẳm một trờI Âu

Ba-Lê vạn ngả đường vô tận

Để hận muôn đời không có nhau!

(Trời Âu, thơ LMN)

    Mimi săn sóc hỏi duyên cớ: Mais qu’est-ce que tu as, mon chéri ? Tu as l’air gêné de me revoir… Thấy Nguyên im lặng, nàng sinh lòng nghi ngại. Rồi đổ ghen tuông vì sực nhớ cử chỉ của Nguyên vừa rồi khi cúi lượm tấm ảnh và cánh hoa tàn. Nàng dồn dập hỏi chàng với giọng đầy cay đắng. Trước còn muốn giấu, sau chàng đành kể lại tất cả mối tình u ẩn ở nước nhà cùng cái chết của Mai. Niềm hối hận thúc chàng nổi giận Mimi, kiếm cách gây chuyện. Theo chàng, dù muốn dù không, Mimi đã gián tiếp nguyên do cái chết của Mai. Mimi khóc lóc, bỏ giận ra về, sau khi nói trong nước mắt: Je te souhaite tout le bonheur possible avec une de tes compatriotes!

     Cánh cửa vừa đóng lại một tiếng mạnh thì như điên dại, Nguyên vội vàng lấy áo mũ ra đường đi tìm quên lãng. Quên cả đói bụng, chàng đến ngay một tửu điếm… chuốc sầu, trong vùng Saint-Germain-des-Prés… Đêm ấy, Nguyên uống rất nhiều rượu và hút rất nhiều thuốc lá. Trong lúc mơ màng qua khói xám, chàng bỗng giật mình cảm giác một bàn tay nhè nhẹ đặt trên vai. Chàng nhận ra Sơn, bạn chàng, muốn mời lại cùng vui chuyện trò với anh chị em đồng hương ở góc phòng, vì đêm nay thứ bảy, tha hồ thức khuya. Nguyên nhận ra trong nhóm có Khánh Ngọc, một nữ sinh viên trường Thuốc mà chàng đã có dịp gặp đôi lần ở Xóm Latin. ”Trông chị Ngọc hôm nay có sự gì buồn lắm”, nghe giọng phê bình của một bạn trai, Nguyên liếc nhìn trông người đẹp có đôi mắt quầng thâm, tuồng như đã khóc rất nhiều. Nhạc cử một bài êm dịu. Mọi người đều ra nhảy, chỉ trừ Nguyên và Ngọc, mỗi người đắm chìm trong một thế giới riêng… Khánh Ngọc cách đây không lâu đã từng gửi tất cả tình thương cho một sinh viên trường Thuốc học trên nàng ba lớp, tên là Nguyễn Mạnh Toàn. Toàn và Ngọc yêu nhau tha thiết, hứa hẹn sẽ lấy nhau khi chàng tốt nghiệp. Nhưng sau khi thi đậu, Toàn vì việc nhà phải hồi hương ngay. Chàng hẹn với Ngọc sẽ trở lại Pháp đoàn viên. Từ dạo ấy, Toàn rất ít viết thư, chỉ trừ một lần cho biết chàng đã đến Sài Gòn. Ngày, tháng, năm qua… cho tới một hôm, nàng được tin – do một người bạn gái từ nước nhà – người yêu của Ngọc đã làm lễ thành hôn với một cô gái nhà giàu bậc nhất thành phố. Nàng chán đời, muốn tìm quên lãng, nên nhận lời mời các bạn quen tới quán rượu đêm nay.. Ngọc vừa kể xong, Nguyên an ủi khuyên nàng nên can đảm, mặc dầu con tim chàng cũng tan rã như người đối diện. Từ giây phút ấy, hai kẻ đồng bất hạnh tuy không nói ra, đã ngấm ngầm có cảm tình với nhau. Nguyên thấy Ngọc tương tự giống Mai. Trong bâng khuâng, chàng cảm giác Ngọc là hiện thân của Mai. Chàng tưởng tượng Mai gầy gò trên giường bệnh, đôi mắt đăm đăm nhìn chàng như trách móc. Hoảng hốt chàng đứng dậy, không kịp chào Ngọc, hấp tấp bước ra khỏi tiệm như muốn xua đuổi một hình ảnh đau thương. Trong vội vàng, Nguyên thả rơi cuốn sổ tay nhỏ mà không hay. Ngọc nhặt lên, định chạy theo gọi chàng, nhưng quá chậm, chàng đã biến mất. Ra ngoài đường, Lê Nguyên như điên dại: hình ảnh Mai trở lại ám ảnh chàng. Mimi và Ngọc chỉ thoáng qua tâm trí, lúc mờ ảo, lúc rõ ràng. Trái lại, Mai với nét mặt buồn bã trước khi mất, cứ lảng vảng hoài trong óc não. Dạo bước ven bờ sông Seine lúc trời hừng sáng, gió ban mai cùng tiếng nhạc của trời đã reo vang trong lòng chàng. Trước cảnh bao la vạn vật, một bình minh hòa nhịp với con tim chàng hiện giờ, chàng cảm hứng sâu đậm, vội ghi lại trong một bản nhạc lòng ai oán:

Chỉ thiếu một mình em

từ nay bên trời Âu xa vời

Mây kéo lê thê, trời nước bao la

kìa dòng sông Seine lơ lửng xuôi ngày tháng…

(Xuân Tha Hương, nhạc và lời LMN).

     Ba hôm sau, chàng nhận được thư của Mimi. Nàng chia buồn về chuyện Mai, mong chàng tha thứ sự đáng tiếc xẩy ra hôm nọ. Suy đi nghĩ lại, nàng xin chàng nên quên nàng vì Âu Á khó lòng được gặp nhau. Nàng quả quyết hy sinh mối tình đầu cho chàng rồi đây sẽ được hạnh phúc hoàn toàn với một thiếu nữ đồng hương. Đau khổ cực độ, nàng chỉ ước vọng thời gian mới hàn gắn được vết thương sâu. Đọc xong thư, Nguyên như người mất hồn. Thế là hết: người xưa đã mất, vì chàng, mà nay người yêu trên đất khách cũng bỏ ra đi. Lòng tan nát, Nguyên cần có một người an ủi: Khánh Ngọc! Chàng tiếc rằng hôm ấy quá hấp tấp chàng quên xin địa chỉ nàng. Vội vàng trở lại tửu điếm hôm ấy dò tin tức thì may gặp một bạn quen cho biết nàng ở một vùng ngoại ô phía Nam Paris, nhưng không rõ đường nào. Nguyên vội vã thuê xe taxi chạy đến vùng ấy để vừa hỏi vừa tìm kiếm. Làng mạc đây rộng mênh mông, ai biết cô gái Việt ở chốn nào. Lang thang đường này qua ngõ khác, lúc bước hối hả, lúc chậm dừng lại để hỏi người qua đường. Như mất hồn, chàng chạy qua một ngả sáu, vì mê mải, không nghe rõ tiếng còi, một chiếc xe hơi chạy nhanh phải ngừng ngay trước mặt chàng. Tiếng phanh rít lên, chàng hãi hùng lảo đảo ngã xuống đất, bất tỉnh, đầu chạm phải xe, một dòng máu nhỏ rỉ ra.. Nguyên được đưa ngay đến nhà thương Kremlin-Bicêtre. Nghe tin, Sanh vội vã tới thăm, thấy vết thương trên đầu không nặng, đem bạn về chăm lo.

     Nằm trên giường lúc tỉnh lúc mê, Nguyên được Sanh săn sóc chu đáo. Trong giấc mơ màng, chàng thấy Mai và Ngọc quá giống nhau. Trái lại, hình ảnh Mimi mờ dần trong ký ức… Có tiếng gõ cửa. Ngọc vào lo lắng hỏi Sanh về sức khỏe của Nguyên. Từ hôm gặp chàng ở quán rượu, nàng có cảm tình ngay. Biết địa chỉ Nguyên trong cuốn sổ tay nhỏ, nàng thấu rõ mối tình dang dở của chàng với Mai qua mấy dòng chữ nghẹn ngào mà chàng đã ghi lại:

Ta biết tìm em ở chốn nào ?

 Đường đời muôn dặm bước thương đau

Ta lê cuộc sống, hồn tê tái,

Xây mộng không thành, hẹn kiếp sau !

Nơi đây, đất khách còn ghi lại

Một chút hương lòng tới cố nhân

Hôm nay trong lá thư lần cuối

Ta viếng thăm em được mấy vần

(Trời Âu, thơ LMN)

Hôm nay, do dự mãi, nàng lấy cớ đem trả cuốn sổ tay để được gặp lại Nguyên. Nàng cũng không biết vì sao, nhưng cảm thấy lòng đỡ khổ. Có ngờ đâu biết chàng xuýt tai nạn trên con đường tìm kiếm gặp lại nàng:

Em của anh giờ nay ở đâu ?

Tìm em anh dạo suốt canh thâu

Đường chia hai ngả anh đâu biết

Là sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau

Em của anh giờ nay ở đâu ?

Mình anh thui thủi suốt canh thâu

Đêm nay thức trắng bên bờ gió

Mặc tuyết mưa rơi, bạc mái đầu !

(Tìm Em, thơ LMN)

     Thấy Nguyên kêu khát, nàng vội xuống bếp pha trà rồi tự mình đem lên mời bạn. Nguyên mở mắt, tỉnh dậy, thoáng thấy Ngọc đưa chén nước đầy hơi, mỉm cười âu yếm ra vẻ cảm ơn. Ngọc mỉm cười trả lại. Sanh hiểu ý, lặng lẽ ra khỏi phòng, rồi không biết vì lơ đãng hay cố ý, quên khép cửa lại. Ngoài đường, sau một trận mưa tầm tã, trời tạnh ráo, vài tia sáng xuyên qua cửa mở chiếu vào nhà… Ngọc vội vàng đứng dậy, định ra đóng cửa lại, nhưng thoáng thấy Nguyên lắc đầu ra hiệu, nàng chợt hiểu, hai người thương mến nhìn nhau… TrờI thu bỗng nắng lên, như một nguồn hy vọng sưởi ấm lòng đôi bạn mới của tình yêu.

Lê Mộng Nguyên (Paris)