Kiều My,  Văn Thơ

NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HỌC

Vừa qua tại Nam California, lễ vinh danh và mừng thọ “bách niên chi lão”cho nhà văn, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ được diễn ra thật trang trọng. Với sự có mặt của gia quyến ông, cùng giới nhà giáo, nhân văn thi sĩ, thân hữu, cựu học sinh và giới truyền thông v.v… Cũng nhằm mục đích vinh danh ông là một nhà giáo hiền đức, một nhà văn lỗi lạc, đã đóng góp trong kho tàng văn chương Việt Nam những tác phẩm ưu việt cho mai sau. Qua những tác phẩm của ông trải dài hơn một nửa thế kỷ cầm bút, cho ta nhận thấy trí tuệ của một hiền nhân đích thực bàng bạc trong văn chương của một kẻ sĩ yêu nước chân chính, một tấm lòng trung hậu đầy tình người, một tinh thần lạc quan sáng ngời. Lối văn phong thật trong sáng, và chân thật trong những tác phẩm của ông đã đi sâu vào lòng người qua bao thế hệ.

VÀI NÉT VỀ DOÃN QUỐC SỸ:  

Ông sinh năm 1927 tại Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong một gia đình thấm nhuần Nho giáo. Ông lập gia đình với ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ thị Thảo. Trong cuộc đời, ông đóng hai vai trò rất hoàn hảo – một nhà giáo tận tâm hiền đức và – một nhà văn tên tuổi lẫy lừng. Đến năm 1954 ban hành hiệp định đình chiến được ký kết tại Geneve, Thụy Sĩ; nhằm chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông dương. Hiệp định này dẫn đến Việt Nam bị chia đôi đất nước- miền Bắc thuộc về Cộng sản; miền Nam thuộc về Dân chủ. Như hàng triệu người dân miền Bắc không chấp nhận chế độ Cộng sản, ông cùng gia đình phải rời bỏ quê cha đất tổ di cư vào miền Nam, vùng đất tự do để sinh sống.

  • NHÀ GIÁO DOÃN QUỐC SỸ –  Ông được mọi người và học sinh quý trọng vì tấm lòng đôn hậu và tận tâm của một bậc thầy, vì thế ông được mệnh danh là một kẻ sĩ chân chính. Ông bắt đầu dạy học (1951-1952)  tại trường trung học Nguyễn Khuyến, Nam Định, kế đến là Chu Văn An, Hà Nội (1952-1953). Khi vào miền Nam, ông tiếp tục dạy học trường Trần Lục, Sài Gòn (1953-1960). Sau đó, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học công lập Hà Tiên (1960-1961). Trong những năm đầu thập niên 60, ông là giảng sư các trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn và trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài ra, ông được du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và về nước tiếp tục giảng dạy cho đến năm 1975.
  • NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ – Trong tiệc mừng thượng thọ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, GS. Nguyễn văn Sâm đã vinh danh Doãn Quốc Sỹ là: “nhà văn của thế kỷ 20” Thật vậy, ông rất xứng đáng được ban tặng tước hiệu này qua phẩm chất đức độ cao quý của một kẻ sĩ và là nhà văn tài ba đã sáng tác nhiều tác phẩm trong thế kỷ 20. Qua những tác phẩm mà Doãn Quốc Sỹ viết đã chứng tỏ được tính chất đích thực của một kẻ sĩ phương đông – luôn chân thành và tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống và hướng về chân trời tốt đẹp của CHÂN THIỆN MỸ. Sau khi di cư vào miền Nam, thể chế chính trị của Việt Nam chuyển từ Quân chủ Lập hiến sang Dân Chủ Cộng hòa; đồng thời nền văn học bấy giờ ở miền Nam cũng phát triển theo chiều hướng đa dạng và phong phú hơn. Doãn Quốc Sỹ là gương mặt hàng đầu trong những nhà văn nổi tiếng như: Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc , Nguyên Sa, Võ Phiến v.v…của hai mươi năm văn học miền Nam, Việt Nam ( 1954-1975).  Ông cũng là một cây bút chủ lực trong nhóm tạp chí Sáng Tạo. Tác nhân chính nào đã tạo nên sự chuyển hướng lớn lao về văn học này? Phải nói đến cuộc di cư từ Bắc vào Nam vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam. Hàng triệu người Bắc đã bầm gan tím ruột khi phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ lại làng mạc mồ mả tổ tiên để tìm đến vùng đất tự do. Yếu tố tâm lý này đã khuấy động mãnh liệt lòng người; nhờ thế mà các nhà văn, điển hình là Doãn Quốc Sỹ đã cho thành hình những tác phẩm văn chương của thời cuộc thật mạnh mẽ. Định mệnh đã đưa đẩy con người đi vào những nẻo đường khác nhau, như những chuyến xe của cuộc đời, kẻ đi hướng này người về hướng khác, mà chúng ta được tìm thấy trong trường thiên tiểu thuyết KHU RỪNG LAU hay DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH, BA SINH HƯƠNG LỬA, GÌN VÀNG GIỮ NGỌC, CHIẾC CHIẾU HOA CẠP ĐIỀU. ĐI,  v.v…

Nét đặc biệt về lối sáng tác của nhà văn Doãn Quốc Sỹ khiến chúng ta phải thán phục là dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi ông bị giam cầm khốn khổ trong ngục tù; lối văn phong của ông vẫn mang tâm trạng ung dung, thần thái ôn hòa, vị tha, không oán hận đối với những kẻ luôn xem mình là kẻ thù. Ông trải lòng mình, ý tưởng mình lên trang giấy bằng thái độ tự tin, luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, mà hình ảnh của “CHÂN THIỆN MỸ” luôn lấp lánh trong xã hội loài người… đã có tác dụng truyền tải mạnh mẽ đến người đọc. Đối với ông, viết văn là  phương cách “văn dĩ tải đạo” của riêng ông, như một cách để làm đời sống tốt đẹp thêm qua đạo lý làm người…Trong những cơn lốc của thời cuộc, qua những biến cố của lịch sử Việt Nam, đã phô bày biết bao hình ảnh đặc trưng, hay những chân dung rất thực của con người… để tạo nên nguồn cảm hứng dưới ngòi bút sáng tác của ông. Điển hình trong những sáng tác, “thời thế “đóng vai trò chủ yếu trong văn phẩm của ông; đã ghi lại những dấu chấm phá trong những biến cố của xã hội, của đất nước, như những vết hằn khó phai trong tâm khảm của người dân Việt. Hãy điểm qua vài nét đại cương nổi bật trong những tác phẩm đặc sắc của Doãn Quốc Sỹ:

  1. TRƯỜNG THIÊN TIỂU THUYẾT KHU RỪNG LAU – Chúng ta được chứng kiến một thời kỳ oai hùng của lịch sử, mà trong đó con người bị cuốn hút vào những cơn lốc dữ dội qua một trường thiên tiểu thuyết, gồm: Ba Sinh Hương Lửa (1962) Người Đàn Bà Bên Kia Vỹ Tuyến (1964) Tình Yêu Thánh Hóa (1965)…

Qua Khu Rừng Lau, tác giả diễn tả về đời sống và tâm tư của những người phải sống dưới chế độ Cộng sản. Có thể xem như một phác họa về những diễn biến thời cuộc qua từng giai đoạn của lịch sử, mà được ghi giữ lại trong văn học Việt Nam dưới ngòi bút của một nhà văn. Ông ghi chép lại tất cả nỗi niềm của một thế hệ thanh niên yêu nước tham gia chống Pháp vào thập niên 40-50. Nhưng những người trẻ đầy nhiệt huyết này đã bị lừa gạt bởi đám người cùng dòng giống tổ tiên với mình. Họ là những kẻ phản bội đất nước, vô nhân tàn bạo như đảng Bolsheviks do Lenin lãnh đạo vào đầu thế kỷ 20 của Liên Sô, dùng họ như một công cụ đấu tranh giai cấp của Cộng sản…Lớp thanh niên trẻ Việt đã có ý thức về giặc ngoại xâm và mầm móng của Cộng sản đang nhuộm đỏ đất nước và người dân Việt đã chịu quá nhiều đau thương vì chiến tranh. Chiến tranh là tội ác của nhân loại, đó là sự thật! Như nhà văn Muriel Lester đã viết trong It Occurred To Me (1937) rằng: “Nạn nhân đầu tiên trong mọi cuộc chiến là sự thật” The First casualty in every war is truth. Đọc Khu Rừng Lau, cho ta liên tưởng đến đến tác phẩm nổi tiếng War and Peace (Chiến Tranh và Hòa Bình của văn hào Nga Leo Tolstoy 1828-1910) vào cuối thế kỷ 19, nói về cuộc nội chiến của Nga và sự xâm lược của thực dân Pháp.

  • BA SINH HƯƠNG LỬA – tác giả đã đưa người đọc trở về thời kỳ đất nước chìm trong cảnh bể dâu qua nhiều biến chuyển của lịch sử. Người dân Việt đã phải oằn mình dưới thời Pháp thuộc, tiếp đến là giai đoạn bi đát của thời Nhật chiếm đóng, sau đó là thời kỳ đầy tai ương của Việt Minh. Lịch sử sang trang khi hiệp định Geneve, Thụy Sĩ  được ký kết 1954 – Việt Nam bị chia đôi đất nước thành hai miền Nam và Bắc bởi dòng sông Bến Hải…đã đưa đến những hệ lụy đau thương. Một đất nước đầy bất hạnh đã đưa con người rời Bắc vào Nam; và định mệnh đã đưa đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau, đã tạo thành những cuộc chia ly tan tác đầy nước mắt. Tuy Ba Sinh Hương Lửa như một thước phim quay lại thời kỳ gian khổ của dân tộc, nhưng người đọc có cảm tưởng được an tâm khi đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại.
  • DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH – Dưới ngòi bút của Doãn Quốc Sỹ, “dòng sông” theo ông như một triết lý nhân sinh. Dòng sông là biểu tượng của tình yêu lứa đôi,  là ân điển của Thượng đế ban cho nhân loại. Dòng sông đầy vẻ nghệ thuật của thiên nhiên, nó mang đến vẻ đẹp cũng như lợi ích cho cuộc sống con người. Dòng sông mang theo nỗi vui buồn của vận mệnh đất nước khi thịnh cũng như suy, như một chứng nhân lịch sử của quê hương không thể thiếu. Dòng sông có vẻ như một huyền thoại mang đầy những câu chuyện hư hư thực thực trong dân gian. Tuy nhiên đối với Doãn Quốc Sỹ, dòng sông không phải lúc nào cũng êm đềm thơ mộng, nhưng nó cũng lắm đoạn trường như ông đã viết:

Ôi con sông dài

Nó dài làm sao?

Con sông dài như chẳng bao giờ gặp biển!

Nhưng cuối cùng sau cơn mưa trời lại sáng, vì dòng sông định mệnh sắp chảy ra biển rồi, sông đã mở rộng đôi cánh tay nhỏ bé để ôm lấy mẹ là biển cả. Trong sáng tác, Doãn Quốc Sỹ đặt vai trò nghệ thuật lên vị trí cao và “dòng sông” được ông dành cho một chỗ đứng rất trang trọng trong các tác phẩm của ông. Trong Dòng Sông Định Mệnh ông viết về tình yêu là chính yếu, nhưng mùi vị của cuộc kháng chiến Việt Pháp được ông mô tả sâu đậm không kém, nó đi song song với những cuộc tình lãng mạn da diết.

  • GÌN VÀNG GIỮ NGỌC– “Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn. Ở thế giới Cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành”. Qua tư tưởng siêu việt trên của Doãn Quốc Sỹ, cho ta nhận thấy ông có một tấm lòng thật cao cả tuyệt vời. Sự trưởng thành trong tư tưởng của ông đã vượt bực qua những triết lý hay nhân sinh quan bàng bạc trong những tác phẩm giá trị của ông. Ông cho rằng: “Không có sự trưởng thành nào đáng kính bằng sự trưởng thành trong đau khổ.”Thật vậy, khi con người đã từng kinh qua những khổ đau trong cuộc sống, đó là những bài học, những trải nghiệm trên trường đời, mà nỗi đau bất hạnh đã rèn luyện cho ta trở nên trưởng thành. Cái “tâm” của ông luôn vằng vặc chiếu sáng như ánh trăng rằm trong đêm với ý tưởng- “Con người dù ở trong cảnh ngộ nào, cái tình đối xử với nhau mới là quan trọng. Cái đói khổ không làm hạ phẩm giá con người bằng sự tha hóa tâm hồn.” Thật vậy, một tâm hồn cao thượng, một tâm hồn không bị tha hóa luôn vượt trên những tầm thường nhỏ nhen, ngay cả sự đói khổ cũng không thể quật ngã được phẩm giá của người chân chính. Vì: “Quân tử thực bất cầu bão” ( theo triết lý của nhà Nho xưa).

TÁC PHẨM “ĐI”. Được xuất bản ở hải ngoại mà chính Doãn Quốc Sỹ là tác giả mang tên Hồ Khanh để ngụy trang. Trong tác phẩm “Đi”, tác giả đã viết lại một thời kỳ vô cùng đen tối của đất nước. Ông giáo là một trong những kẻ bị tù đày xuống tận cùng vực sâu, có lúc tưởng chừng như đã mất hết niềm tin, nhưng cũng đã tìm lại được tình người từ những đứa trẻ thơ trên những vùng miền núi hẻo lánh quanh trại tù. Ngoài xã hội, người dân bị đẩy vào cảnh ngộ bi đát không lối thoát và đã mang chính bản thân mình, gia đình mình đánh canh bạc với may rủi, mà rủi ro chắc chắn nhiều hơn may mắn.  Nhiều người đã phải trốn chạy Cộng sản bằng mọi cách: liều mình ra khơi trên những chiếc thuyền mong manh phải hứng chịu những con sóng dữ hay chịu những cơn đói khát nhiều ngày, hoặc bạc phước hơn nữa là vùi thây dưới lòng biển cả. Nhiều người bị bắt vào tù mất nhà cửa phải sống lang thang trên vĩa hè…Vì họ muốn thoát khỏi “thiên đường Cộng sản” nên phải trả giá quá đắt bằng chính mạng sống mình qua mọi phương tiện để đi tìm sự sống trong cái chết, với muôn vàn hiểm nguy trên bước đường thoát. Trong “ĐI” Doãn Quốc Sỹ đã viết rất chân thực về thực trạng của một xã hội suy sụp về mọi mặt. Về luân lý đạo đức trong xã hội đã tuột dốc, nhân phẩm con người đã bị chà đạp dưới chân của những kẻ độc tài vô tâm. Đời sống kinh tế vô vàn khó khăn, tạo nên một xã hội băng hoại đầy dẫy nạn trộm cướp, mãi dâm… Trẻ em thiếu vắng sự giáo dục lành mạnh, vì nhà trường chỉ là nơi nhồi sọ học sinh bằng những tư tưởng ngoại lai.

Theo nhà văn Vương Trùng Dương nhìn về phong cách đạo đức của nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau: “Với tâm hồn nhà giáo, nhà văn mang nặng tính nhân bản ghi lại những hình ảnh trong “ĐI” nó bàng bạc trong muôn nghìn gia đình và con cháu trong gia đình ông vào thời điểm đó. Ông không phóng đại, cường điệu, dùng chữ “đao to búa lớn” để chưởi bới lên án…mà là tâm tình của ông giáo nặng tình yêu với người thân trong hoàn cảnh đen tối đành “đứt ruột” chia tay…..”

  1. NGƯỜI VIỆT ĐÁNG YÊU – Tôi rất tâm đắc với Doãn Quốc Sỹ về câu kết luận rất khiêm tốn và thực tế của ông trong tác phẩm này: “Hãy dùng đau khổ làm đầu mà thắp lên ngọn lửa tin yêu, bởi quả thật dân tộc mình vì đã kinh qua quá nhiều đau khổ mà có thừa chất “Người” để trở thành một trong những dân tộc đáng yêu nhất của nhân loại.” Trong sách này, ông viết về những kinh nghiệm hay những suy nghĩ của ông về người Việt; từ ngôi làng thân yêu tới lũy tre xanh êm đềm cho đến chốn thành thị náo nhiệt…Đây là quê hương của ông! Ông cho rằng: thi ca là nguồn nuôi dưởng tâm hồn người Việt, tạo nên mỹ cảm nơi con người Việt. Ông đã không thi vị hóa về điều này, mà quả thực là như thế! Biết bao văn nhân thi sĩ mang nặng tâm hồn Việt đã xót xa cho vận mệnh nổi trôi của đất nước, hay ca tụng muôn vẻ đẹp của hồn thiêng sông núi…trong thi ca hay trong sáng tác âm nhạc, văn chương và ngay cả trong nghệ thuật điêu khắc hay tranh vẽ….

Để đúc kết về luận đề Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ Dưới Góc Nhìn Văn Học, tôi có vài nhận xét thô thiển về mặt văn học mà ông đã đóng góp trong kho tàng văn chương Việt Nam. Ông là một ngòi bút chân phương đôn hậu. Ông luôn đề cao nét đẹp tuyệt vời của CHÂN THIỆN MỸ trong đời sống nhân loại và luôn đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang đến. Bằng với nguyện vọng tha thiết, nhà văn Doãn Quốc Sỹ muốn truyền đạt đến cho mọi người những kinh nghiệm sống hay những triết lý tốt đẹp về NHÂN SINH QUAN trong sự tương kính dưới ngòi bút khiêm hạ của ông. Như văn sĩ người Anh Lord Byron từng nói:

Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ, một cuốn sách

 hay có thể thay đổi số phận biết bao người.”.

Thật vậy, và như thế!

Muôn vàn tri ân nhà văn, nhà giáo mang tư tưởng thiền triết Doãn Quốc Sỹ, đã mang đến cho đời những tác phẩm đầy tính nhân bản; ông là ngôi là sao bắc đẩu cho con đường hoàn hảo dẫn đến CHÂN THIỆN MỸ trong xã hội loài người. Tư tưởng tuyệt vời của ông sẽ ảnh hưởng thật sâu rộng trong quần chúng và sẽ còn lưu truyền mãi mãi…

Kiều My, California 2023

Tài liệu tham khảo: Wikimedia, Vương Trùng Dương, website Doãn Quốc Sỹ.