Kiều My,  Sinh Hoạt

NGÀY HỘI NGỘ PETRUS KÝ 2022 DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA KIỀU MY

Petrus Trương Vĩnh Ký

Những ngày mây mù ảm đạm có mưa gió lạnh đã qua! Bầu trời chợt bừng sáng với nắng thu nhẹ nhàng lan tỏa khắp vùng trời nam California, để đón chào buổi sáng Chủ nhật ngày 4 tháng 12 năm 2022. Ngày họp mặt của hội Ái Hữu Petrus Ký. Hình như thiên nhiên đã ưu đãi cho hội có một ngày hội ngộ thật đẹp và đồng thời cũng mang niềm phấn khởi đến cho mọi người.

Mới 10:30 sáng, quan khách đã lần lượt đến hội trường với vẻ mặt vui tươi, ánh mắt rạng ngời, tay bắt mặt mừng, xôn xao chào hỏi nhau trong tình đồng môn và thân hữu.

Trên sân khấu, hai câu đối bằng chữ đỏ thật lớn, sáng ngời, nổi bật dưới ánh đèn:

Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt

Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm

Đây là hai câu đối được khắc trước cổng trường Petrus Ký từ khi mới thành lập và đã cưu mang một lý tưởng giáo dục vẹn toàn về cả hai mặt: Đức dục và trí dục, mà được cựu học sinh của trường luôn khắc cốt ghi tâm. Tưởng cũng nên điểm qua vài nét đại cương về trường Petrus Ký – Là trường nam trung học được thành lập trong thời Pháp thuộc vào năm 1928, do Thống đốc Nam kỳ Blanchard De La Brosse, lấy tên nhà văn học và cũng là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (gọi tắt là Petrus Ký 1837 – 1898) đặt tên cho trường. Tượng đồng bán thân của nhà bác học được nhà diêu khắc cắt xén khéo léo và đặt ngay giữa sân trường.

Trường Petrus Ký, Saigon

Được biết, Petrus Trương Vĩnh Ký thông thạo 26 ngôn ngữ; vì thế vào năm 1874, ông được thế giới chọn là nhà bác học ngôn ngữ của thế kỷ 19 và được danh dự ghi tên trong tự điển Larousse. Lễ khánh thành của tượng đồng Petrus Trương Vĩnh Ký và Lycee’ Petrus Ký được đặt dưới sự chủ tọa của Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse. Dù đã qua gần một thế kỷ mà ngôi trường Petrus Ký vẫn uy nghi, tọa lạc tại trung tâm thành phố Saigon và nổi tiếng về mẫu mực tốt đẹp của nền giáo dục học đường. Trường đã đào tạo những học sinh ưu tú, những nhân tài, những chính khách cho chế độ dân chủ xưa và những sĩ quan chỉ huy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ngày nay, đa số những cựu học sinh của trường Petrus Ký đã thành đạt ở hải ngoại. Vì thế, họ là những người xứng đáng và hãnh diện là học sinh của trường. Sự thành công vượt bực của các cựu học sinh trong và ngoài nước là do họ được đào tạo bởi các vị giáo sư tài đức, dạy dỗ, rèn luyện bằng kỷ luật nghiêm khắc, nhưng đầy tình yêu thương dành cho học trò.

Khai mạc chương trình cho buổi hội ngộ hôm nay, bài nhạc chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ hùng hồn lần lượt trổi lên. Tất cả mọi người trong hội trường đứng nghiêm chỉnh, nghiêng mình dưới màu cờ của hồn thiêng sông núi. Tiếp đến là phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những vị anh hùng dân tộc, vì nước vong thân, hay những người dân Việt đã bỏ mình trên đường tìm tự do. Đó là khoảnh khắc xúc động cho những người may mắn còn sống sót qua cuộc bể dâu, đồng thời bùi ngùi nghĩ đến những người đã ra đi mãi mãi.

Buổi tiệc hôm nay quy tụ khoảng 200 người, hội trường thật đông với sự hiện diện của các cựu giáo sư Petrus Ký như GS Dương Ngọc Sum, Châu Thành Tích, Nguyễn ngọc Thọ, Lê Tiến Đạt, Nguyễn Văn Hiếu, Đặng Quốc Khánh, v.v… và các cô Hồ Thị Hiệp, Phạm Thu Yến v.v… Trong bầu không khí vui tươi ấy, các cựu học sinh Petrus Ký cũng không quên tưởng nhớ đến các cựu giáo sư đã vĩnh viễn ra đi trong năm qua như Tư Lệnh Không Quân, Giáo Sư, Khoa học gia, Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh… Và bùi ngùi thương tiếc cho những người bạn đồng môn đã vội vã bỏ cuộc vui như Bác sĩ, võ sĩ, chiến sĩ nhảy dù, nhạc sĩ Phạm Gia Cổn vừa qua đời vào sáng Thứ Tư, ngày 30 tháng 11 năm 2022.

Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái và các cựu học sinh Petrus Ký cùng GS Dương Ngọc Sum khai mạc buổi họp mặt.

Trên sân khấu, Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái đại diện ban tổ chức chào mừng quan khách cùng với các cựu học sinh trong ban tổ chức với đồng phục áo chemise trắng, quần tây đen, giản dị nhưng không kém phần lịch sự và trang nhã. Ngoài BS chủ tịch Đỗ Trọng Thái, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của BS Ngô Bá Định, Ca Sĩ Nguyên Hồng (San Jose), các anh Trần Anh Dũng, Trần Vĩnh Trung, Đặng Mão, Lê Anh Dũng, v.v…

Hàng đứng: Mạnh Bổng, NV Khánh Lan, GS Dương Ngọc Sum, Hồng Nguyên.
Hàng Ngồi: NT Lê Nguyễn Nga, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, NV Kiều My

Đặc biệt ghi nhận, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã có mặt rất sớm và góp phần đắc lực vào chương trình văn nghệ, giúp vui không ít vào sự kiện hôm nay. Kiều My nhận thấy Nữ Sĩ Dương Hồng Anh và Nhà Thơ Lê Trọng Nguyễn Nga đến rất sớm với sắc diện vui tươi.

LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN

Nhà văn đàn anh Nguyễn Quang bao giờ cũng bảnh bao trong mọi buổi họp mặt.Hôm nay trông nhà văn Trần Việt Hải có vẻ hồng hào và rất vui, anh là cựu học sinh Lycee’ Petrus Ký và ca sĩ phu nhân Lệ Hoa đến hơi muộn, có lẽ vì “Kẹt xe” làm Kiều My cứ nhìn ra cửa trông ngóng. Đôi trai tài gái sắc Mạnh Bổng và Nhà Văn Khánh Lan đã có mặt và ngồi kế bên Kiều My. Ngoài ra còn có nhà văn Phạm Gia Đại, ngồi cùng bàn và chung vui với cả nhóm. Ba người đẹp: Lâm Dung, Ngọc Quỳnh và Ái Liên của ban Tiếng Thời Gian, tha thướt trong chiếc áo dài rất nổi và thật đẹp mắt. Ban tam ca này hứa hẹn những màn trình diễn hấp dẫn trong chương trình văn nghệ sắp đến.

Mùi thức ăn thơm ngon từ các khay trên tay của những tiếp viên, làm mọi người cảm thấy cái đói đang lên tiếng. Thức ăn của nhà hàng Diamond Seafood Palace khá ngon đủ làm hài lòng thực khách. Còn gì thú vị cho bằng khi vừa thưởng thức món ăn ngon, vừa nghe cựu học sinh Trần Vĩnh Trung kể lại những kỷ niệm vui buồn dưới mái trường. Bạn ấy kể chuyện về nét đặc biệt của thầy Đặng Quốc Khánh rằng: Thầy chạy xe Vespa, chải đầu tém và thích nhảy đầm… Khi anh Trần Vĩnh Trung vừa dứt lời, Thầy Đặng Quốc Khánh ngay lập tức, cải chính. Thầy bảo rằng thầy khiêu vũ chứ không nhảy đầm…vì thầy không có mặc áo đầm…hihihi…Khiến mọi người vừa ăn vừa cười tủm tỉm… Nhìn các thầy cô mà thương! Không còn khỏe mạnh đầy nghị lực như ngày xưa, giờ đã già yếu, tóc đã bạc nhiều. Thời gian đã làm hao mòn hết tất cả! thật vậy, không gì có thể chống chọi lại được với thời gian cả! Con đường mà mọi người lần lượt phải đi qua!

Các cựu học sinh Petrus Ký hàng năm vẫn không quên sinh nhật của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, đặc biệt năm nay, họ cũng không quên sinh nhật thứ 88 của thầy Dương Ngọc Sum và thầy Đặng Quốc Khánh. Cả hội trường cùng đồng thanh ca Happy Birthday chúc mừng sinh nhật cho hai thầy thật tưng bừng. Chiếc bánh sinh nhật ngon ngọt được cắt ra, chia cho mọi người như tình thầy trò luôn khắng khít, cho nhau tình cao nghĩa trọng.

Từ trái sang phải: NV Phạm Gia Đại, GS Dương Ngọc Sum, BS Đỗ Trọng Thái

NV Phạm Gia Đại thay mặt nhà văn Việt Hải và Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian chúc thọ GS Dương Ngọc Sum. Bài thơ như sau:

KÍNH MỪNG SINH NHẬT THẦY SUM 

Kính mừng sinh nhật Thầy Sum.

Nhà văn, nhà giáo họ Dương song toàn. 

Tám tám tuổi hạc trời ban.

Vẫn còn minh mẫn luận bài văn chương. 

Cộng đồng bè bạn mến thương. 

Môn sinh lui tới đón mừng tôn vinh.

Văn chương chung một hành Trình. 

Những chiều thơ nhạc ấm tình quê hương. 

Mấy vần lục bát kính mừng. 

Chúc Thầy mạnh khỏe thọ trường an khang.

Vườn hoa văn nghệ thênh thang.

Thêm bông hồng thắm, một làn hương bay.

NS Dương Hồng Anh . Westminster,  ngày 29 tháng 11, 2022.

GS Dương Ngọc Sum và GS Đặng Quốc Khánh

Chương trình văn nghệ được mở đầu với nhạc phẩm Giòng An Giang của Anh Việt Thu, được hát bởi ban Tam ca Tiếng Thời Gian: Lâm Dung, Ngọc Quỳnh và Ái Liên và được tán thưởng nhiệt liệt bởi tràng pháo tay vang dội cả căn phòng. Giai điệu luân vũ nhẹ nhàng vui tươi của Giòng An Giang đã chinh phục được khán giả dù khó tính.

Tam ca Tiếng Thời Gian, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Lam Dung

Để đáp lại, Petrus Ký cống hiến nhạc phẩm Tình Khúc Chiều Mưa của Nguyễn Ánh 9 qua hai giọng ca của BS Đỗ Trọng Thái và anh Nguyên Hồng. Qua nhạc phẩm này cho ta gợi nhớ lại người nhạc sĩ piano tài ba Nguyễn Ánh 9, lúc sinh thời đã sáng tác và đóng góp cho kho tàng âm nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm giá trị.

Kế tiếp là màn trình diễn của cô Song Ngân trong bộ áo tứ thân cổ truyền qua nhạc phẩm Em Đi Chùa Hương. Gợi lại hình ảnh của đất Bắc thân yêu đã đi vào văn chương hay thi ca muôn thuở của Việt Nam. Sau những bản nhạc nhẹ nhàng êm dịu, cả hội trường như bừng lên sức sống khi giai điệu pasodoble của Ô Mê Ly, do nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác trổi lên. Tiếng hát của Ái Liên, Lâm Dung và Ngọc Quỳnh một lần nữa đã làm những người thích nhảy nhót không thể ngồi yên, bèn ồ ạt ra sàn nhảy cho thỏa thích.

Khi hơn phân nửa khách đã ra về, còn lại một số thành viên Petrus Ký. Riêng nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian vẫn còn đông đủ và rất chịu chơi để đánh một cú chót. Bản nhạc sở trường của nhóm được tung ra khiến mọi người vô cùng thích thú, đó là bản NẮNG CHIỀU của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn do toàn ban đại hợp xướng của nhóm trình bày. Kiều Mỹ nghĩ rằng: với bản Nắng Chiều ít nhiều cũng đã mang đến niềm vui cho Nhà Thơ Lê Nguyễn Nga, bà là phu nhân của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và là bố của cháu Minh Thư có mặt trong buổi tiệc. Kiều My cũng đã nhìn được ánh mắt vui mừng xen chút cảm động của nhà thơ Lê Nguyễn Nga, vì đây cũng là niềm hãnh diện của riêng bà và cả Minh Thư.

Bế mạc chương trình, mọi người cùng cất tiếng hát nhạc phẩm Việt Nam Việt Nam…trong niềm yêu nước dạt dào. Bản nhạc này riêng tặng cho thầy Dương Ngọc Sum vì đó là nhạc phẩm mà thầy rất yêu thích.

Mọi người cùng cất tiếng hát nhạc phẩm Việt Nam Việt Nam…trong niềm yêu nước dạt dào

Cuộc vui nào cũng phải tan, mọi người lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại ngày này năm sau.

KIỀU MY, KHÁNH LAN, MẠNH BỔNG KÍNH CHÀO VÀ HẸN TÁI NGỘ TRONG NĂM 2023

Kiều MyNam California 2022.