Lễ Thượng Thọ Đại Tá Pháo Binh Lê Thương 95 tuổi
Ánh nắng đã dịu đi và bóng chiều đang ngả xuống trên những tàng cây cao dọc hai bên đường Beach Boulevard, ngã tư với Lampson, dẫn đến nhà hàng Diamond, nơi tổ chức Lễ Thượng Thọ cho Đại Tá Lê Thương, năm nay tròn 95 tuổi hạc vào buổi chiều ngày Chủ Nhật 12 Tháng 6 năm 2022. Thụy Lan, con gái của Đại Tá Lê Thương, người có ý định tổ chức cho thân phụ của mình một lần làm kỷ niệm trong đời vì niên kỷ của bác đã cao. Chương trình dự định từ nhiều tháng trước nhưng đã phải lùi lại vì tình hình con virus Vũ Hán, thế nhưng số quan khách đến tham dự cùng với thân nhân không ngờ đã từ dưới 10 bàn, hôm nay đã lên đến trên 30. Ngoài gia đình là ban tổ chức chính, Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian mà Việt Hải là con chim đầu đàn cũng đóng góp một phần không nhỏ với hai MC Mộng Thủy và Lệ Hoa, và bình hoa hồng vàng trăm đóa thật đẹp tượng trưng cho bách niên giai lão và những món quà giá trị khác.
Tiểu Sử Đại Tá Lê ThươngTrong số quan khách đến tham dự có nhiều sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trước kia đã từng chiến đấu bên cạnh Đại Tá Lê Thương, hay cùng chia sẻ những đau thương nhọc nhằn với ông trong những năm tháng trong lao tù cộng sản sau khi Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975. Tất cả đều ca ngợi ông là một sĩ quan ưu tú cao cấp trong ngành pháo binh của VNCH, với tài tính toán chính xác như thần đã bao lần cứu nguy cho các đơn vị bạn khi bị địch quân bao vây nguy khốn. Khi Đại Tá Lê Thương, lúc đó còn là Trung Úy, đã được tuyển chọn sang Hoa kỳ để thụ huấn thêm về ngành pháo binh, trong các cuộc thi trong lớp, ông luôn cùng với một sĩ quan VNCH khác tham dự khóa học thay nhau chiếm hàng đầu khiến cho các sĩ quan các nước bạn và Hoa Kỳ đồng khóa phải nể trọng.
Năm 1966, các lực lượng cộng quân, vì liên tiếp thất bại trong các trận chiến tại Quảng Ngãi, và vì thấy đơn vị pháo binh mà Trung Úy Lê Thương chỉ huy là cái gai cần phải nhổ, nên chúng quyết định dùng đặc công để tấn công tiêu diệt đơn vị pháo binh này tại Sa Huỳnh vào năm 1967, cũng để gây tiếng vang. Đêm hôm đó, toán đặc công đã đột nhập được vào bên trong doanh trại và phá hủy hết các phương tiện truyền tin và các sĩ quan đã không liên lạc được nữa với binh sĩ dưới quyền. Thế nhưng vị chỉ huy pháo binh Lê Thương trong đêm tối đã chợt có sáng kiến dùng loa tay ra lệnh cho tất cả binh sĩ dưới quyền, những pháo thủ không phải là tác chiến, nằm xuống hết, và ông ra lệnh bắn tất cả các bóng đen di động trong doanh trại. Bị bại lộ, cộng quân phải bắn pháo sáng để tìm đường tháo chạy, để lại 15 xác đồng đội của chúng cùng nhiều súng đạn. Chính vị tướng Mỹ cố vấn của vùng đã đến, khen ngợi và cảm phục Trung Úy Lê Thương.
Tặng Vòng Hoa 100 Đóa và Tấm Plaque
Dòng tư tưởng của tôi chợt ngưng lại khi nhà báo Vương Trùng Dương, ngồi cạnh húc vào tay tôi nói anh xem ông cụ sung mãn chưa, tôi nhìn anh và gật đầu thán phục. Trước mắt tôi là một ông cụ lưng vẫn thẳng, đang đứng vỗ tay theo nhịp với các bài hát oai hùng của VNCH ngày trước như “Anh Đi Chiến Dịch”, “Giờ Này Anh ở Đâu”, “Anh Về Thủ Đô”, v.v… Dù đã 95 tuổi, ông cụ đi tuy chậm nhưng vẫn không cần chống gậy, và tôi với anh Vương Trùng Dương, cũng như anh Việt Hải, GS Sum, Quyên Di, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Liêm Nguyễn (trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian) ngồi cùng bàn, càng ngạc nhiên hơn khi thấy chỗ ngồi không vừa ý thì ông cụ tự động đứng dậy dùng tay kéo xềnh xệch chiếc ghế bành mà con cháu đã kê ngay bên dưới sân khấu cho cụ để xích nó ra xa một chút. Điều làm cho tôi phục ông cụ nhất là sau một loạt các bài hát trong suốt hai tiếng đồng hồ mà con cháu lên hát tặng cho cụ, làm thơ tặng cho cụ trong lễ đại thọ, là một màn trình diễn đặc biệt, mà cụ từ từ bước lên sân khấu và song ca với cậu con trai bài hát “Giã Từ Vũ Khí”, rồi từ từ đi xuống ngồi lại vào chiếc ghế bành dưới sân khấu, niềm vui hiện trên nét mặt.
Thụy Lan cho biết gia đình có đến 12 người con, sáu trai và sáu gái, không biết sao sanh khéo như vậy, hai con trai đã mất và còn lại 10 người con và đàn cháu vài chục người đứng chật trên sân khấu. Cô cho biết suốt thời gian chinh chiến hai chục năm trường, ba cô luôn phải đóng quân cắm trại, thỉnh thoảng mới có dịp về phép thăm gia đình, hoặc mẹ cô phải lên tiền đồn thăm chồng. Đời lính chiến là như vậy, người lính luôn cảnh giác vững bền tay súng bảo vệ quê hương, và người vợ lính luôn son sắt bên chồng, hy sinh tất cả cho chồng cho con để người chồng yên tâm chiến đấu. Nhiều khi người vợ lính và con lính cũng nằm trong cùng chiến hào với chồng chống địch quân, và cùng hy sinh trong một chiến hào, đó là những gương anh hùng lẫm liệt trong quân sử QLVNCH.
Chúng tôi đã ở lại cho đến giờ phút cuối của chương trình Lễ Thượng Thọ dành cho Đại Tá Lê Thương, và trước khi ra về, tôi bước đến bên cạnh chiếc ghế bành, nắm tay ông và chúc ông nhiều sức khỏe trường thọ. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của ông một niềm vui hạnh phúc to lớn vì Lễ Thượng Thọ năm nay lại gần ngày Lễ Father’s Day và Ngày Quân Lực 19 tháng 6, nhưng le lói đâu đó một chút u buồn vì người vợ thân yêu của ông đã giã từ ông đi vào cõi hư vô một năm trước.Khán giả đã ra về gần hết, đồng hồ chỉ 11:30 tối, tôi chào Thụy Lan, MC Mộng Thủy, ban nhạc và các bạn, cùng phụ với Lệ Hoa dìu anh Việt Hải còn phải chống gậy ra xe trong khu parking vắng bóng người, hơi sương đêm bắt đầu se lạnh xuống đôi vai gầy. Tôi kéo cao cổ áo lái xe về trong đêm khuya, loang loáng ánh đèn bên đường chiếu một mầu vàng vọt vào trong xe, một ngày nữa đang tàn trên hè phố Little Saigon.
Ghi Nhanh: Phạm Gia Đại