Kỷ niệm rời với Kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý.
Ngày 29 tháng 10, năm 2016 nhà văn Ngọc Cường cho ra mắt tác phẩm Hệ Lụy tại phòng hội của nhật báo Người Việt, tôi đươc gặp anh Nguyễn Tường Quý, Anh Quý có những đặc điểm như chuộng đội mũ “kết” (casquette) như mấy ông Tây tài tử cinéma Jean Gabin hay André Bourvil thường dùng. Điềm khác anh Quý ít nói nhưng luôn mở nụ cười xã giao trên môi, một nụ cười thân thiện và nhân ái chút gì như tranh La Joconde, rồi một nụ cười chút gì hiền hòa, đầy thiện cảm như Đức Di Lặc (Maitreya trong tiếng Phạn). Dù gì như La Joconde hay Maitreya thì là một nụ cười nhẹ rất bắt mắt và hạnh phúc khi giao tiếp.
Là một kiến trúc sư anh Quý nghiên cứu về những kiến trúc văn hoá về đình làng và chùa chiền xưa. Anh viết bài “Nói về cái đình làng ta” như sau:
“Truyền thống nước Việt Nam ta có câu “ Phép vua còn thua lệ làng”. Pháp luật của vua xuất phát từ Cung Điện Kinh Thành, còn tục lệ làng thì do dân tụ tập tại cái Đình của làng mà quyết định nên. Vì vậy vị trí của cái Đình cần phải ở trung tâm của làng, chính giữa làng để tất cả người dân trong làng có thể dễ dàng trông thấy, và đi đến đấy để mà tụ tập nhau. Nói một cách nôm na, vị trí của Đình trước hết cần phải tiện lợi cho mọị người sinh sống trong làng.
Tụ tập với mục đích gì? Đầu tiên, dân làng tụ tập nhau ở đình khi có vấn đề nào cần thảo luận hay tham khảo công khai chung cho tất cả những dân cư trong làng. Chẳng hạn họp để có ý kiến nhất quyết chung, như kiểu ‘Nên Hòa hay nên Chiến’ của Hội Nghị Diên Hồng vào thế kỷ 13 triều đại Nhà Trần để chống quân Mông Cổ sang xâm chiếm nước ta. Sau đó là những cuộc hội hè đình đám của làng… Do đó, nhu cầu bên trong Đình phải rộng rãi, tạo được sự mát mẻ cho những ngày đêm hè nóng nực mà phải có những tập họp lớn.
Nhưng cái đình làng hiện diện từ thủa nào? Chưa ai dám chắc biết được một cách chính xác. Chỉ có thể nói là hình dáng của cái Đình đã xuất hiện trong một khoảnh đất rộng và thường thì ở trọng tâm của làng, từ khi dân Việt ta biết tụ tập thành làng xã mà sinh sống làm ăn gần gũi với nhau lâu đời. Hình dáng cái đình như thế đã dần dần biến thành một ngôi nhà lớn (như loại nhà rồng có mái cao của người thượng du Việt Nam hiện giờ còn sử dụng). Tuy nhiên, dân chúng ở làng thuộc những vùng đồi và đồng bằng vì lối sống phức tạp hơn nên đã thiết lập các ngôi Đình có sức chứa nhiều hơn và có dáng trang nghiêm để thờ phụng các vị tiên hiền có công với làng xã, các vị Thần, các bà Chúa hoặc thờ Thần Nông, Thần Núi, Thần Hoàng Làng v.v.. Cho nên lối kiến trúc của Đình cần mang một sắc thái uy nghi và to lớn, phù hợp với các thần tượng mà cả làng tôn thờ.
Đình là nơi lưu trữ nếp văn hóa của dân làng.
Sự phong phú của kiến trúc Đình đặc biệt hơn cả là những bức trạm trổ gỗ mang nội dung cụ thể, như những phần “tài liệu” bằng hình ảnh, diễn tả rất sát với đời sống hằng ngày của dân làng khi xưa đã diễn ra. Những bức chạm trổ này có mặt hiện diện được bên trong một số ngôi đình cổ là do công lao của các nghệ nhân nước ta thời xưa đã bỏ công ghi tạc lại một số các sinh họat tiêu biểu của dân làng. Nào là cảnh uống rượu, cảnh đi săn bắn, đá cầu, đấu võ, tắm ở đầm sen, chơi trồng hoa, mẹ gánh con, đánh cờ, múa hát.
Từ những bức chạm trổ này, chúng ta mới biết thêm được rằng xưa kia dân làng sử dụng ngôi đình làng không những chỉ để hội họp, để thờ các bậc tiên hiền, các Ông Thần Bà Chúa của làng… mà đình còn là nơi dân làng vui chơi trong các dịp lễ hội, và chính đình còn là nơi tiêu biểu thể hiện được những hình thức sinh hoạt có tính cách văn hóa của đời sống dân làng nữa. Cho đến nay, chúng ta có thể nói rằng Đình là ngôi nhà chung của làng, đóng nhiều vai trò đa chức, đa năng: hành chánh, tôn giáo, văn hóa.. mà hơn thế nữa, Đình còn là mẹ của các hình thức văn minh – văn hóa cổ truyền: Từ những nghi thức tế lễ, đến các hoạt cảnh hội hè đình đám, những câu hò điệu hát, những nghệ thuật trình diễn như hát trống quân, hát quan họ, đấu vật, múa võ.., và những sinh hoạt dân làng như gặt và đập lúa, cấy mạ, chăn trâu…
Ngôi đình xưa nhất còn lưu lại được mấy thế kỷ?
Nhìn lại lịch sử nước ta, sau các đời vua Đinh, Lê thì hai triều đại Lý và Trần đã xây dựng nên một nền văn hiến thịnh trị với các thể hiện tự chủ về chính trị, xã hội văn hóa… mà một trong những thể hiện này là lối kiến trúc riêng biệt tiêu biểu như Chùa Thầy, Chùa Một Cột… Và cũng chính vì nền văn hiến rõ rệt phồn thịnh một cách Việt Nam đó đã khiến nhà Minh bên Trung Hoa khi mang quân xâm chiếm nước ta thành công thì tìm cách phá huỷ tận gốc các công trình kiến trúc mang nặng chất văn hóa Việt. Phải chăng sự tàn bạo độc địa của người phương Bắc đối với các công trình kiến trúc dân gian, thuần túy tiêu biểu cho sức đề kháng tự chủ của dân Nam, mà hầu hết là các ngôi Đình làng đã bị phá hủy? Sự phá hoại này có phần ít hơn đối với chùa chiền, đền miếu…, có thể là vì lý do tôn giáo của hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam hồi đó giống nhau? Đây là một vấn nạn, chúng ta sẽ có dịp đi sâu vào phân tích rõ hơn ở các bài khác.
Hiện nay có thể nói là không tìm được một ngôi đình nào nguyên vẹn của các triều đại Lý, Trần mà chỉ còn các Đình Làng được tái xây cất từ thời nhà Mạc, nhà Hậu Lê (thế kỷ 15), tuy rằng vẫn giữ được ảnh hưởng những đường lối kiến trúc của thời nhà Lý – Trần và rất là đặc biệt Việt Nam. Chẳng hạn như Đình Tây Đằng (thuộc tỉnh Hà Tây) là một trong những ngôi đình cổ nhất được tái dựng vào thế kỷ thứ 16.
Riêng đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh) đã được xây theo hình chữ công của Hán tự, dài tới 30 mét gồm 9 gian, rộng 15 mét, cao hơn 9 mét, có 60 cây cột gỗ lim và chu vi của cột chính có khi to tới 2 mét; mái nhọn như cái nón khổng lồ, chiều cao chiếm 3/4 chiều cao của tòa nhà, rất độc đáo Việt Nam. Đây là một trong những kiến trúc gỗ thuộc loại đồ sộ và cổ nhất Việt Nam.
Đình xây theo hình gì, chạm trổ ra sao?
Bình đồ các ngôi đình làng Việt Nam cổ tiên khởi chỉ có hình chữ nhất. Riêng chỉ có một đại đình là Đình Tây Đằng (Hà Tây) có bình đồ hình chữ tam, nghĩa là đình này có ba ngôi nhà song song. Hoặc bình đồ hình chữ Đinh thì có thêm một nhà thờ hậu phía sau, như Đình Thổ Hà – Bắc Giang. Hay hình chữ Công thì có thêm một căn nhà giữa nối phần đại đình với nhà hậu; hoặc bình đồ chữ khẩu thì có 4 căn vuông góc với nhau như đình Võ Liệt – Nghệ An.
Bên trong ngôi đình làng Việt cổ là cả một hệ thống vì kèo gỗ đồ sộ. Chính hệ thống vì kèo gỗ này là thành tựu có một không hai của Kiến trúc Việt Nam. Tại sao? Vì tự nó đã toát ra một vẻ đẹp kiến trúc kết cấu trang trí duyên dáng và mạnh mẽ: Trên các vì kèo ấy là những chạm trổ công phu xuất sắc nhất của nghệ thuật điêu khắc và trang trí gỗ của các nghệ nhân ta thủa trước!
Đó là những mảnh phù điêu diễn tả sinh động và rất cân đối cảnh sinh hoạt của người nông dân ở làng quê Việt Nam thời xa xưa. Khắp các vì kèo phủ kín các chạm gỗ trang trí làm cho khung kiến trúc trở nên nhẹ nhàng bay bổng nhưng không kém phần mạnh mẽ để đỡ được sức nặng của mái đè xuống.
Đây là cô tiên cưỡi rồng, cưỡi phượng nhưng đấy chính thực là các cô gái làng yếm thắm thắt lưng bao xanh. Kia là chạm trổ người cưỡi hổ, cưỡi voi, chế ngự sức mạnh hoang dã. Nét chạm dứt khoát, liên tục. Có nhiều cách chạm, chạm thủng, chạm bong, chạm lồng nhiều lớp… Mặt khác, hình những người dân quê cưỡi lên các biểu tượng rồng phượng mà ngoài tỉnh thành và cung vua vốn chỉ được sử dụng cho vua chúa, thần thánh thôi. Hầu hết các hình tượng chạm trổ này là do những nghệ nhân địa phương tập trung khắc chạm nên để mô tả các sinh hoạt đời sống rất gần gũi ở trong xóm trong làng của họ. Chẳng hạn như hình chạm trổ một cuộc chọi trâu truyền thống như ở Đồ Sơn… , chứ còn đấu vật thì làng nào ngày xưa ở Việt Nam mà chẳng có.
Còn các hình tượng người thì được chạm trổ ra sao? Hầu hết các nhân vật ấy trông như lùn. Trước đây dĩ nhiên người Việt Nam thấp hơn bây giờ song đây là do các nghệ nhân điêu khắc đã nhấn mạnh vào phần chính là cái đầu và bóp ngắn thân người lại cho hợp chiều cao của đà gỗ… Lại nữa, thêm nhiều điêu khắc trên các đà kèo còn có các tầng tầng lớp lớp người, thú, hoa, trái phủ kín, những cảnh uống rượu, đi săn, đá cầu, tắm ở đầm sen, chơi trồng nụ trồng hoa, mẹ gánh con, tấu nhạc, đánh cờ, múa hát… Ngoài ra, còn có các bia đá khắc và các bản vẽ và viết trên gỗ ở hầu hết các đình chùa, ghi lại nhiều di tích quí báu của nền văn hóa Việt Nam cả ngàn năm về trước…”
(Kiến Trúc Sư Nguyễn Tường Quý, trích ‘nguoi-viet.com’, 16/11/2004)
—————————
Còn nhớ trước 1975, những tay sinh viên phản chiến tại Sài Gòn, vốn thân cộng, chống chính quyền VNCH, như những Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Hữu Thái, Lê Hiếu Đằng,… Những vụ phá hoại của những bộ mặt sinh viên theo CS, qua 2 vụ điển hình là biến cố Biệt Động Thành mà Việt Cộng đã ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật (ngày 28-6-1971) và giáo sư Nguyễn Văn Bông (ngày 10-11-1971) thì Huỳnh Tấn Mẫm bị bắt giam (ngày 5-1-1972) cho đến 20-2-1974 thì phía chính quyền miền Nam VNCH chúng ta trao trả y tại Lộc Ninh (chung với tay gián điệp Huỳnh Văn Trọng, luật sư Nguyễn Long, sinh viên Cao Thị Quế Hương,… Trong hàng ngũ sinh viên quốc gia, nhà văn Ngọc Cường viết về KTS Nguyễn Tường Quý như sau: “Trong bối cảnh nhiễu nhương của thời thế và cam go của chiến tranh, anh lao vào cuộc tranh đấu phục vụ cộng đồng, không phải để tranh giành được một ngôi vị, mong trở thành một chức sắc, mà vì lý tưởng nhân bản, tinh thần Quốc Gia và noi theo truyền thống của tổ tiên. Do đó, anh không thể ngồi lặng yên để xem con tạo xoay vần như nàng Kiều :
Cũng liều nhắm mắt đưa chân.
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.
Khi được bầu là Trưởng Tràng trường Đại Học Kiến Trúc, anh đã cương quyết với đám sinh viên thiên tả phản chiến, và luôn luôn ủng hộ chính thể Quốc Gia. Tuy bản chất hiền lành nhưng anh cương quyết với kẻ thù và kiên trì với lý tưởng của mình, tấm gương này đã soi sáng cho tôi noi theo… ”
Bây giờ sang nghệ thuật thưởng ngoạn trong đời sồng, anh Quý vừa là kiến trúc sư, vừa là họa sĩ. Nghệ nhân Nguyễn Tường Quý ưa chuộng môn hội họa cũng như nghiên cứu về hoa sen và hoa lan. Xin xem tranh kèm về bức tranh triển lãm hoa sen của họa sĩ Nguyễn Tường Quý. Trong một dịp triển lãm tranh tại hội trường nhật báo Người Việt, năm 2012, anh tâm sự với báo chí: “Mỗi lần triển lãm tôi đều thấy rất vui vì được sự hỗ trợ, khuyến khích của mọi người. Cám ơn những ai đến dự triển lãm, và tôi cũng hy vọng sẽ có được phần nào kinh phí giúp cho trẻ em mồ côi tại Việt Nam, vì mình già rồi, có còn làm được gì nữa đâu.”
Khi ly hương họa sĩ Nguyễn Tường Quý định cư tại Canada, khí trời lạnh lẽo, cùng những nỗi nhớ nhà, anh bắt đầu vẽ tranh. Sau khi qua Mỹ như lúc về hưu, với thời gian rảnh rỗi anh lại tiếp tục vẽ. “Với tôi, vẽ là một cách thiền,” họa sĩ Nguyễn Tường Quý kể lại.
Vì sao họa sĩ Nguyễn Tường Quý chọn vẽ hoa sen?
Hoa sen anh quan niệm là loài hoa mang ý nghĩa triết học và văn học khi biểu tượng cho nhân sinh quan thanh cao, và tinh khiết, hàm ý nghĩa về âm dương ngũ hành và chứa đựng sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh hoa sen mang đậm nét bình dị, dân dã nơi thôn quê, và hoa sen tượng trưng trong triết lý sống thoát tục, giúp con người buông bỏ mọi ưu phiền, để tĩnh tâm, an hưởng hạnh phúc. .
Hoa Sen với văn học của người Việt vốn tượng trưng cho hồn văn hóa dân tộc, loài hoa kín đáo, dịu dàng, thanh tao như ý thơ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Ngoài hoa sen, anh Quý cũng thích nuôi dưỡng và nghiên cứu hoa lan. Xét về đặc điểm của hoa lan, anh ưa chuộng hoa lan như nhiều người chúng ta. Sắc màu hoa thắm tươi, mang vẻ thanh lịch của hoa lan, từ bên trong như ngọc, trắng như ngà, êm mượt như nhung lụa, mịn màng như phấn, tím sậm, đỏ nhạt, màu của hoa lan từ nâu, xanh, vàng, tía cho đến đốm chấm phá, loang, sọc, vằn,… ta thấy nhiều hoa lan không thiếu. Loài hoa phổ thông, tuy hoa bình dị, nhưng mang đầy nét thanh lịch, chứa vẻ đài các. Hoa lan mọc ở nhiều nơi trên thế giới và chia ra làm 4 loại sau đây:
Epiphytes Phong lan bám vào cành hay thân cây.
Terestrials Địa lan mọc dưới đất.
Lithophytes Thạch lan mọc ở các kẽ đá.
Saprophytes Hoại lan mọc trên lớp rêu hay gỗ mục
Lan mọc hiện diện ở khắp năm châu, bốn biển, từ dãy núi Andes miền Nam Mỹ và đến rặng cao Hy mã lạp sơn thuộc Á châu. Những nơi này ở độ cao từ 3000 bộ đến 7000 bộ và hoa lan là loài góp mặt nhiều giống nhất trong các loài hoa. Hoa loa có khoảng 750 loài và 30,000 giống nguyên thủy và chừng độ một triệu giống đã được ghép lai giống nhân tạo hay thiên tạo. Thú nghiên cứu về hoa lan và hoa sen của anh Quý chất chứa vẻ “vui thú điền viên tuế nguyệt”. Anh Quý ơi, hai loài hoa anh chọn lựa đưa con người về chốn thiên nhiên của sự thanh cao và an bình.
Người viết bài xin gửi bài viết này đến hương hồn anh Nguyễn Tường Quý, Pháp danh Trí Bảo, như lời chào vĩnh biệt.
Cõi trần đất khách tạm dừng chân.
Buông tay giã biệt chẳng ngại ngần
Viên mãn siêu sanh anh Trí Bảo
Ưu phiền nhọc não bỏ lại sau!
Trần Việt Hải, Los Angeles.