GIỚI THIỆU HAI TÁC PHẨM: BA CHỊ EM CỦA NV NGỌC CƯỜNG & HỒI TƯỞNG CỦA NV TỪ DUNG
LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM BA CHỊ EM CỦA NV NGỌC CƯỜNG
Có thể nói, sách tiếng Việt của người Việt Nam Hải ngoại đang ở trong buổi hoàng hôn, vì thế hệ của những nhà văn một thời vang bóng của Việt Nam Cộng Hoà đã lần lượt ra đi gần hết, những người còn lại hầu như đã rửa nay gác bút. Trong khi đó người viết mới bằng tiếng Việt lại vắng bóng, năm thì mười họa mới thấy một cây viết mới xuất hiện trên văn đàn Hải ngoại.
Hiện nay, ở Hải ngoại chỉ còn lại một nền văn chương lão hoá, giống như ngọn đèn cạn dầu sắp tắt. Sở dĩ tôi ví von như vậy vì người viết ở Hải ngoại ngày càng ít đi, ít đến độ có thể đếm được trên đầu ngón tay, đồng thời số lượng độc giả gần như biến mất không còn nữa.
Tôi nhớ nhà văn Ngọc Cường có viết trong phiếm luận “72 năm nhìn lại” một đoạn như sau: “Ngày nay quý độc giả ghé qua tòa soạn báo Người Việt ngay chỗ hành lang, sẽ thấy trên tường, đầy rẫy sách bày bán, người viết có thể nhiều hơn người đọc”. Tôi mạo muội góp ý với ông Ngọc Cường: “Người Viết ở Hải ngoại không còn nhiều lắm đâu, làm gì có chuyện đầy rẫy, tuy ít như vậy nhưng số lượng người viết vẫn còn nhiều hơn người đọc”. Đó là điều tôi muốn chia xẻ với nhà văn Ngọc Cường.
Thực vậy, theo con số thống kê của Wikipedia thì năm 2017, có hơn 4 triệu rưởi Việt kiều sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có hơn 2 triệu 2 trăm ngàn. Và, Quận Cam thuộc miền Nam của tiểu bang California có tròm trèm gần 2 trăm ngàn người Việt sinh sống. Với một số dân đông đảo như vậy nhưng ở Quận Cam chỉ còn lại hai tiệm sách. Hai tiệm sách cho hai trăm ngàn dân, quả thật là một con số hết sức khiêm nhường.
Trong buổi hoàng hôn của một nền văn chương lão hoá như vậy, nhà văn Ngọc Cường một thân một mình lửng thững đi vào nơi gió cát, đi mà không một chút e dè ngại ngùng, chuyện ông đang đi giữa hoàng hôn. Năm 2014, ở vào cái tuổi 67, đang đứng trước ngưỡng cửa Cổ lai hy, thay vì trút bỏ mọi lo toan nhọc nhằn để an hưởng tuổi già thì ông Ngọc Cường lại cầm viết. Ở cái tuổi này mới bắt đầu viết, rõ ràng là đã quá muộn. Biết là muộn nhưng tại sao ông vẫn viết? Câu hỏi đặt ra, phải chăng có một động lực nào đó đủ mạnh để thúc giục ông viết. Riêng cá nhân tôi, tôi tin là có. Với sức viết khá mạnh, trong vòng 4 năm, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời ba tập truyện: năm 2014 BÈO GIẠT, năm 2016 HỆ LỤY, năm 2018 BÂNG KHUÂNG. Tất cả ba cuốn sách trên đều do Nhà xuất bản Người Việt phát hành. Và hôm nay, năm 2020 giữa cơn đại dịch COVID 19 có một không hai trong lịch sử, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời tác phẩm thứ tư: “BA CHỊ EM”.
BA CHỊ EM là tập truyện gồm có bảy truyện ngắn và một phiếm luận của nhà văn Ngọc Cường vẫn do Nhà Xuất Bản Người Việt phát hành năm 2020. Trong tập truyện này, hình như truyện “Ba chị em” là truyện tác giả ưng ý nhất cho nên ông đã lấy tên truyện ngắn này đặt cho tên sách. Sau đây tôi xin lướt qua vài truyện ngắn trong tập truyện BA CHỊ EM. Truyện “Người bạn vong niên”, nói về ba người bạn học ở trường Luật, sau 20 năm xa cách, họ gặp nhau ở Cali. Truyện “Hai buổi chia tay”, ba người bạn ngày xưa cùng học Đệ nhất Chu Văn An Sài Gòn. Sau khi đậu Tú tài toàn phần, hai người sang Pháp du học, người ở lại đi lính. Mấy chục năm sau họ gặp lại nhau ở Pháp với hai lần chia tay tại Gare Du Nord.
Truyện “Ký ức huyền ảo”, với nhân vật chính tên Ân, âm thầm yêu một nữ sinh Văn khoa ở Sài Gòn, mối tình câm này đeo đẳng anh ta hơn 40 chục năm. Phiếm luận “72 năm nhìn lại”, nhân vật xưng tôi lúc nhỏ học trường Tây, đậu Tú tài toàn phần vào lúc 17 tuổi, băn khoăn trước ngưỡng cửa Đại học, động viên vào Thủ Đức, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, học tập cải tạo, sang Mỹ tốt nghiệp Đại học, công chức tại tỉnh nhỏ ở tiểu bang Ohio. Sống yên lặng, trôi theo vận mệnh cho đến cuối đời chợt nhìn lại không biết mình là ai.
Nhà văn Ngọc Cường đã tẩn mẩn tỉ mỉ viết về những kinh nghiệm của cuộc sống, những đổi thay mà ông đã trải qua trong suốt hơn bảy chục năm hiện diện trên cõi đời, từ lúc còn là cậu học sinh trung học, sinh viên đại học rồi đi lính cho đến ngày mất nước, tiếp theo là những năm tháng sống lưu vong nơi xứ lạ quê người. Trong suốt cuộc đời tỵ nạn, cùng với vợ con sống hơn 40 năm trong một tỉnh nhỏ của tiểu bang Ohio nước Mỹ, hình như lúc nào nhà văn Ngọc Cường cũng BÂNG KHUÂNG về thân phận ăn nhờ ở đậu của mình, thân phận của những giề lục bình trôi nổi trên sông với vị trí thấp kém của tấm thân BÈO GIẠT, để rồi sau đó tấp vào bờ lau, bãi sậy, mà những HỆ LỤY của nó nếu có sẽ là câu hỏi muôn đời không có câu trả lời.
Giống như nhân vật xưng tôi trong phiếm luận “72 năm nhìn lại” của nhà văn Ngọc Cường, khi viết xong cuốn truyện, ông băn khoăn tự hỏi, không biết ai là tác giả. Với cái nhìn đầy chủ quan của một người ngoại cuộc, tôi tin rằng đó là nguyên nhân sâu xa, thầm kín, khiến nhà văn Ngọc Cường bắt đầu cầm bút khi ông ta sắp bước vào cái tuổi Cổ lai hy.
Huy Văn Trương, California, May 2020
LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM HỒI TƯỞNG CỦA NV TỪ DUNG
Hồi Tưởng là tác phẩm đầu tay của nhà văn Từ Dung được viết theo dạng hồi ký (hay truyện ký), nội dung về đời thật và người thật của tác giả và gia đình (ngoại trừ một truyện ngắn hư cấu Những Ngày Tháng Hawai). Đây là một tuyển tập gồm nhiều bài mới và cũ (đã được đăng trên các tạp chí văn chương ở hải ngoại). .
Là một cuốn tự truyện (autobiography), nhưng chú trọng nhiều về tình cảm, và tâm sự riêng tư của tác giả, hơn là nhằm truyển đạt một thông điệp về một chủ đề . Tác phẩm gồm những câu chuyện tình, đôi khi éo le, được lồng thêm vào chi tiết tinh tế của cảm xúc riêng tư, nhiều dữ kiện, biến cố trong cuộc đời trải dài trên 70 năm của tác giả.
Cầm bút sáng tác rất sớm (làm thơ từ thủa còn bé, lúc mới 6 tuổi), nhưng lại viết văn trễ, cho đến khi nghỉ hưu. Dù Hồi Tưởng là tác phẩm đầu tiên, nhưng nhà văn Từ Dung không xa lạ gì trong giới văn nghệ sĩ trước năm 1975: khi đó, tác giả được biết đến như một ca sĩ : ca sĩ Từ Dung; thường hát đôi với nhạc sĩ Từ Công Phụng và là người chồng đầu tiên của cô. Với giọng ngân nga, véo von, rất lả lướt (nhiều người cho là gần với của ca sĩ Châu Hà) ,tiếng hát Từ Dung thích hợp và lột trần được linh hồn của những bản nhạc trữ tình của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ví dụ như bài Bây Giờ Tháng Mấy đã nổi danh một thời.
Nhà văn Từ Dung có lý do chính đáng để viết về cá nhân và người thân trong gia đình vì ngoài phần đi trình diễn trước công chúng, tác giả còn là hậu duệ một gia đình gồm có nhiều văn sĩ, các nhà hoạt động cách mạng, được ghi vào văn học sử . Vì lý do đó, viết về người thân này không phải là quá đáng hay có ý định khoe khoang (nhân vật thuộc vào lãnh vực của công chúng celebrity). Là một ca sĩ có tiếng một thời trong giới sinh viên Đại Học Sài Gòn, Từ Dung còn là con út của Hoàng Đạo (tên thật là Nguyến Tường Long, một nhà văn sáng lập và chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn, đảng viên nồng cốt và lý thuyết giá của Việt-Nam Quốc Dân Đảng, là em của Nhất Linh và anh của Thạch Lam), về phía bên họ ngoại, tác giả là cháu của nhà văn, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến.
Trong “Mẹ Tôi” , viết về bà Hoàng Đạo Nguyến Tường Long và “ Cậu Tôi” , viết về Như Phong Lê Văn Tiến (con nuôi của bà ngoại tác giả, được coi như một người cậu, được đăng trên tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ 21) , tác giảđã cống hiến độc giả nhiều chi tiết quan trọng về hai nhân vật văn học sử và lịch sử này. Bài Mẹ Tôi, khi được phổ biến, đã có người cho rằng tác giả đã quá khen người mẹ của mình (Từ Dung coi bà như mẫu mực một người đàn bà vẹn toàn theo quan niệm Đông Phương về công, dung, ngôn và hạnh!), nhưng theo thiển ý, khen thân mẫu, nuôi nấng mình là bình thường, chỉ nếu có chê mới là đáng bàn tán.
Khi đọc “Mẹ Tôi”, tôi không chú ý đến sự việc tác giả đã khen bà mẹ, nhưng thú vị được thưởng thức lời văn trong sáng, nhẹ nhàng mạch lạc nên lột được cá tính của bà Hoàng Đạo và cuộc sống của một thời trong cuộc đời tác giả Chê bai có khi dễ hơn là khen tặng, bởi vì khen cần có sự tể nhị và lòng thành thật, về hai điểm này, tác giả Từ Dung đã có được cả hai, Theo tôi, bài “Mẹ Tôi” là một tài liệu đáng quý , và một áng văn hay.
Nổi bật trong Hồi Tưởng là các câu truyện được kể theo lối tâm sự về những mối tình của tác giả. Tất nhiên , trong những cuộc tình đó, đều có vui buồn, đôi khi có cả đam mê và …rất nhiêu thất vọng. Những mối tình tan vỡ thường đưa đến hận thù, nhưng ở đây, sau các lần chia tay, tác giả vẫn bao dung như tha thứ tất cả, cũng có thể vì Từ Dung đã yêu chính mình hơn tất cả mọi người ?
Với giọng văn đọc lên như lời thầm thì, than vãn của một người kể chuyện, phải chăng, tác giả muốn trút bầu tâm sự và mong được chia sẻ với độc giả , hay vì đã bị ám ảnh và ray rứt về những mối tình không thành và mong có lối thoát? Tôi có cảm tưởng nhà văn Từ Dung , trong suốt cuộc đời, đã cố đi tìm một người yêu lý tưởng, nhưng đã không kiếm ra, và rồi thất vọng như lời kêu cứu không được hồi âm, chỉ là tiếng vọng của chính mình, vang lên từ đáy vực ! Làm sao có thể tìm ra một người yêu sánh với người cha lý tưởng của chị (nhà văn Hoàng Đạo, một người tài hoa về văn chương và có lý tưởng, suốt đời tranh đấu và hy sinh cho Dân Tộc và Tổ Quốc). Cũng có thể Từ Dung đã say mê cái tình yêu mình tạo ra hơn là người yêu, bởi vậy, những người đàn ông tác giả tưởng rằng đã yêu, lại hóa ra họ là nạn nhân của chị? Theo tôi, ranh giới giữa thật và ảo rất mơ hồ, như nhà văn Kafka, suốt đời vẫn thắc mắc với câu hỏi :trên đời, cái gì là có thật!
Tuy thuộc về dạng hồi ký, nhưng nhờ có tâm hồn dễ xúc cảm và bén nhạy, và cách xử dụng ngôn từ chính xác, những câu chuyện riêng tư của tác giả viết lên vẫn hấp dẫn nhờ vào tài diên tả nhiều chi tiết tinh tế của tâm hồn (Tác giả có bằng cử nhân Văn Khoa Sài Gòn, 1969). Ngoài ra, lôi cuốn người đọc là giọng văn trong sáng và thành thật, điều đó làm cho câu chuyện kể trở nên hiện thực, mường tượng như khung cảnh đang hiện ra trước mắt, khiến độc giả dể rung động, cảm thông như hai âm thanh cộng hưởng vì có cùng tầng số!
Khi đọc xong Hồi Tưởng và đặt cuốn sách xuống… tôi bỗng ngẩn ngơ và bâng khuâng như đang đi lạc vào miền quá khứ xa vời …
Ngọc Cường, Ohio Mùa Hè 2021