Đôi dòng về nghệ thuật
* Ngọc Cường
Chúng tôi định cư ở Ohio.Các anh chị em khác trong gia đình và phần đông thân hữu,bạn bè,đều ở miền Tây Hoa-Kỳ;còn lại,một số ít sinh sống quanh vùng Maryland-D.C-Virginia. Hằng năm, thường vài ba lần, chúng tôi đi Cali:Trước là thăm gia đình, thân hữu (nếu là mùa Đông,cũng là để lánh cơn lạnh buốt da của Dayton này,mà tìm về nắng ấm của Bolsa, thủ đô của người tỵ nạn). Sau nữa, không kém phần quan trọng là để thưởng thức các món ăn ta, mà nơi thành phố chúng tôi đang ở – một tỉnh nhỏ tiêu biểu của Hoa-Kỳ – không tài nào kiếm ra được!
Trước khi lên đường, tôi gọi điện thoại báo tin. Sau vài lời thăm hỏi nhau thường lệ, thế nào người thân bên Ca-li cũng kèm theo lời chào đón quen thuộc : “Thế thì vui quá. Qua đây mình sẽ đi ăn các tiệm ăn mới mở mọc nhiều như nấm: nào phở đuôi bò …cơm gà…đang sale vừa rẻ vừa ngon , còn ngon hơn cả ở Việt-Nam … À, tụi này mới về Sài Gòn, đi ăn khắp nơi, đủ món mà chả đâu ngon bằng ở Cali.”
Bây giờ món ăn Việt Nam không đâu ngon bằng ở Little Saigon? Đúng thế! Ý kiến đó cũng là của đa số, khiến tôi tự hỏi: tại sao lại như vậy? Có phải nhiều đầu bếp tài tình người Việt của chúng ta đồng thanh rủ rê nhau trôi dạt tới Cali hết? Hay do thực phẩm, chất liệu, rau cỏ tươi sẵn có ở đó?..Và , chẳng lẽ khẩu vị của chúng ta, một khi ra đi -tha phương cầu thực lâu- đã thay đổi cho phù hợp theo cảnh vật , khí hậu nơi sinh sống? Không khác chi mấy ông Tây già, sau cả một đời sống ở Việt Nam, năm 1954 không chịu về Pháp, vì yêu thích mắm tôm chăng? Nhưng dù sao đó mới chỉ nói đến nhu cầu sinh tồn của cái bao tử, còn về món ăn tinh thần như văn chương, âm nhạc.., liệu có thay đổi luôn không?
Qua chơi Cali được vài ngày, và sau khi đã no nê đủ chầu “canh gà cá gỏi”,“ trà dư tửu hậu” , và bắt đầu lo ngại cho cái sức chứa của bao tử, như người ta thường than thở : “no dồn đói góp”…Thì bắt đầu như không báo trước, tự nhiên nhu cầu về tâm thần chợt lẳng lặng đến( Như đang từ một dân lao động phàm phu tục tử, tôi bỗng trở thành một nhà trí thức hào hoa phong nhã!) thôi thúc tôi tìm mua sách báo tiếng Việt (mà Ohio không có ) đem mang về để thỏa mãn cho cái đầu, cái tâm tình. Nghĩa là đi tản bộ qua nhiều khu chợ búa sầm uất, tôi vẫn thường ghé vào các tiệm sách ở Bolsa, thấy bày bán đủ loại tác phẩm, la liệt vui mắt như đang thực sự diễn ra cảnh“trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, khiến tôi hân hoan, vui mừng cho tiền đồ tiếng Việt và nền văn học hải ngoại. Đó chỉ là về số lượng, còn phẩm chất thì có lẽ phải hạ hồi phân giải, bàn đến sau, vì hay hoặc dở, thành công hay thất bại là do độc giả quyết định, nhưng thị hiếu quần chúng không nhất định, như lịch sử đã chứng minh: sở thích thay đổi theo thời gian và không gian.
Nhưng, tại sao có hiện tượng nhiều người cầm bút,chịu khó sáng tác như thời nay vậy? Phải chăng từ điều kiện dễ dàng về ấn loát? Cái bầu không khí tự do (của xứ sở này) khích lệ họ? Hay một khi gia đình yên bề, êm ấm, và tuổi tác đã “gần đất xa trời” rồi thì chúng ta mong muốn để lại chút gì, nên ‘hạ sinh’ đứa con tinh thần? Tìm không ra câu trả lời, vì khả năng có giới hạn, tôi mong những nhà nghiên cứu văn học sẽ cho lời giải đáp …
Sách được bầy bán nhiều quá, đầy trên kệ, còn la liệt trên bàn nữa.Không biết lựa chọn cuốn nào, dở trang đầu, đọc lướt qua mục “Lời Tựa”, tôi nhận thấy ở nhiều tác giả (thường là họ mới có tác phẩm đầu tay), hay nói về lý do cầm bút. Họ giải thích “tôi viết để mà viết …” , hoặc“tôi không dám tự nhận là một nhà văn ..”Những câu tâm sự như vậy trở nên như một thông lệ ở phần đầu cuốn sách. Có thể do sự khiêm nhường hay dè dặt của họ, như để “rào trước đón sau”, phòng trường hợp có bị chê thì..vì tôi đâu phải một nhà văn? …Điều này theo tôi đáng tiếc, vì lẽ ít ra họ phải có chút tự tin, và cần được khích lệ vì một khi tác phẩm được xuất bản, hiển nhiên họ là một nhà văn ( theo định nghĩa) ,không nên tự phủ nhận một tất yếu như vậy ; Và một khi bỏ công ra viết là cố gắng hơn nhiều người, là điều đáng được khuyến khích, nếu không nên được khen thưởng? Người cầm bút không nên có mặc cảm. Mong độc giả rộng lượng, lên tiếng khuyến khích. Còn nếu nói viết chỉ để viết thì cũng không trọn nghĩa, vì một khi đã ra mắt , sách là để người khác đọc , nếu không , nên bỏ ở xó nhà chỉ là đống giấy lộn . J. P. Sartre trong bài tiểu luận“Văn Học Là Gì” đã khẳng định là một tác giả chỉ thành một nhà văn khi có người đọc. Thật vậy , tác giả nào chả mong có nhiều độc giả, còn nếu không thì đừng mang tác phẩm ra xuất bản – Sách bầy ra tất sẽ có người mua đọc. Và như vậy , động lực cầm bút (của một nhà văn ) , đầu tiên có thể chỉ là viết để mà viết , nhưng thật ra nó đã chứa đựng tiềm ẩn nhiều nguyên nhân : giải bày một tâm sự, chia sẻ một kỷ niệm .v.v…,và lý do khác như muốn thỏa mãn tự ái, kiếm chút danh vị…Nên, không thể nói : viết chỉ để viết đơn thuần , mà phải là viết cho người khác thưởng thức.Tất nhiên, cũng có nhiều cuốn hồi ký chỉ nhằm vào số nhóm độc giả chọn lọc nào đó …Một tác phẩm không xuất bản, để quên vùi một xó, không ai biết thì vốn không là một tác phẩm nghệ thuật. Theo Tolstoy: sự thông tin, giao cảm giữa tác giả và người đón nhận tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Nhật ký Ann Frank nếu không được ông bố cô bé đem ra in sau khi cô qua đời, thì cũng sẽ chỉ là một sản phẩm riêng tư, nó trở thành tác phẩm nghệ thuật khi được chia sẻ, có người thưởng thức. Sở dĩ nêu lên khía cạnh này, vì tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của độc giả.Theo tôi, dù tác giả có công sáng tạo, nhưng chính người đọc mới là sở hữu chủ của tác phẩm, ít ra thì đó là dưới quan điểm kinh tế của một cuốn sách. Còn về giá trị, hay hoặc dở là do chủ quan thưởng thức của người đọc quyết định. Một khi cuốn sách được xuất bản, nhiệm vụ nhà văn chấm dứt, như đứa con ( tinh thần ) đã trưởng thành .
Thường khi cầm bút viết về một đề tài gì, tác giả nếu không qua sự tìm tòi, nghiên cứu thì cũng phải được đào tạo chuyên môn về đề tài đó. Tác giả hẳn có đủ hiểu biết, nắm vững những gì viết ra.Đó là điều kiện tối thiểu, để tôn trọng chính mình và cả độc giả. Độc giả không dễ bị lừa: Bởi qua đôi giòng đầu sách, có thể họ tin vào tác giả mà không cần suy xét sâu xa; nhưng khi càng đọc họ càng thêm khám phá ra những điều sai hay phi lý của toàn bài…Như vậy điều kiện tiên khởi của một tác giả là biết về điều mình viết .
Xét riêng về cá nhân, tôi đang viết về đề tài văn chương, cống hiến và mua vui quý vị mà tôi chẳng có khả năng chuyên môn gì về văn học nghệ thuật cả ! Tại sao tôi lại dám liều mạng, cả gan đến vậy? Câu trả lời thực sự nằm trong nội dung bài này. Hy vọng rằng khi đọc xong lời bạt , quý vị có được sự thông cảm …và đồng ý với tôi là : riêng nghệ thuật, điều kiện đó là một ngoại lệ , ai cũng có thẩm quyền nêu ý kiến, không riêng gì các nhà nghiên cứu hay văn nghệ sĩ mà thôi .
Một điều căn bản khi nói đến nghệ thuật, là xem nó là gì, thường nghệ thuật gồm 6 bộ môn chính như văn học, múa, kiến trúc, hội họa, sân khấu và âm nhạc, và gần đây thêm nghệ thuật thứ 7: ngành điện ảnh . Theo các cuốn từ điển thông dụng, từ nghệ thuật được định nghĩa rất vắn tắt và giản dị là …thực hiện hay diễn tả vẻ đẹp, thực tế…là sản phẩm trí thức và không là khoa học …
Văn học bao gồm cả văn chương nhưng cộng thêm về lý luận và phê bình.Có thể nói văn học dùng phương pháp khoa học nghiên cứu văn chương, trong khi văn chương thuần túy là sáng tạo do diễn đạt xúc cảm , như định nghĩa của nó.Văn chương (thơ và văn xuôi) là nghệ thuật dùng chữ để diễn tả tư tưởng và cảm xúc.Như vậy,trước khi nói đến văn chương, ta thử tìm hiểu rõ thêm xem nghệ thuật là gì?
Từ lâu, cách đây trên hai ngàn năm, Plato đã tìm về ý nghĩa của nghệ thuật; và từ đó đến nay, nhiều người cũng đã làm công việc này nhưng vẫn chưa ai hoàn thành vì nó phức tạp và khó khăn cho định nghĩa nghệ thuật. Văn hào Tolstoy nước Nga đã viết một cuốn sách nhỏ (Nghệ Thuật Là Gì, Tolstoy,1896), chỉ nhằm định nghĩa hai từ nghệ thuật! Dù vậy, định nghĩa của Tolstoy vẫn chưa toàn hảo,chính xác. Một tiêu chuẩn Tolstoy nêu ra (ngoài rất nhiều chi tiết khác) là : nghệ thuật không phải để giải trí ,mua vui mà là phương tiện giao cảm giữa tác giả và người khác… Điều này …có vẻ trái với ý của cụ Nguyễn Du nước ta , khi cụ viết :
“Lời quê chắp nhặt dông dài ,
Mua vui cũng đươc một vài trống canh.”(câu kết của Truyện Kiều )
Ở đây , xin đồng ý với cụ Tiên Điền, không phải vì tôi cũng là người Việt, ghét ông người Nga, nhưng vì tận cùng thì nghệ thuật là một vấn đề triết lý,mà triết lý thì đã bị chôn sống rồi( “Triết Học Đã Chết” , S. Hawking, trong cuốn The Grand Design, 2010, theo đó, những khám phá mới về vật lý và toán đã có giải đáp khoa học về vũ trụ và đấng tạo hóa…,do đó triết học trở nên lỗi thời.)
Căn bản của nghệ thuật là ở tính hấp dẫn, mua vui,thích thú và tự nguyện. Nếu Truyện Kiều được giảng dậy trong lớp học, khi bị bắt buộc phải đọc đối với học sinh thì Kiều chỉ là cuốn sách giáo khoa dùng để học, chứ không còn tính nghệ thuật; nhưng khi, cũng ở người học sinh đó, qua lời giảng của vị thầy mà đột nhiên cảm thấy hay, cảm thấy thú vị thì lúc đó Truyện Kiều nó lại mang tính nghệ thuật! Như vậy nghệ thuật không có mục đích rõ ràng vì không thể có nghệ thuật hoàn toàn vị nghệ thuật hay nghệ thuật hoàn toàn vị nhân sinh được, mà thường như trong cuộc đời, lẫn lộn cả hai thứ, không có gì trắng hoặc đen mà lẫn lộn giữa hai thái cực, trung dung.
Nói chung, nghệ thuật phản ảnh cuộc sống nên cũng mơ hồ, phức tạp như thế; và giá trị của nghệ thuật mang tính chủ quan, không thể chỉ do các nhà phê bình đơn thuần cho là hay hoặc dở, đẹp hay xấu, mà chỉ có nhận định chủ quan của người thưởng ngoạn quyết định. Nếu khai triển thêm ra, nghệ thuật là sáng tạo có tính hấp dẫn: khen chê là do quyết định của người nhận, độc giả, thính giả hay người xem tranh …Trước kia, khi mới được khai sanh,trường phái họa “ấn tượng”ở Pháp đã bị chê bai gắt gao, ngay cả danh hiệu của họ ( impressionism, môn phái ấn tượng )- xuất phát từ bức tranh“Ấn tượng, một buổi bình minh” của Claude Monet- bị nhà phê bình Louis Leroy gắn cho cái tên“Bọn Ấn Tượng” một cách mỉa mai qua bài đăng trên báo Le Charivari. Không ngờ từ đó Ấn Tượng lại trở thành môn phái quan trọng trong nền hội họa: và gần đây, ở nước ta, thấy xuất hiện một văn phái, họ viết rất hấp dẫn, dùng nhiều từ khó hiểu, ra vẻ cao siêu, đầy triết lý mà độc giả bình thường không hiểu nổi. Xin thí dụ một đoạn như sau “…tiểu thuyết Việt-Nam hiện nay , không phải là xác nhận một trở thành đã hoàn tất , mà là theo dõi những chặng đường của một vận động đang tuần tự hình thành.Vận động đó là một vận động của ý thức, một vận động của nghệ thuật…”( Mai Thảo,1965) : Những luận điểm như trên khó hiểu và dễ làm lẫn lộn, hoang mang người đọc. Họ tự nhận là nhóm sáng tạo, gay gắt với trào lưu văn nghệ tiền chiến, nhưng hình như họ muốn đồng nghĩa khó hiểu với xâu sắc, tối nghĩa với triết lý. Sự thật, chuyện bình thường và giản dị trên đời như tình yêu, gia đình, vui, buồn …là những vấn đề sâu xa nhất của con người. Nhóm sáng tạo là môn phái lập dị thì đúng hơn (Lê Huy Oanh, Về thơ tự do, 1957 ). Dù sao, chỉ có thời gian mới là quan tòa, mới có lời phê phán cuối cùng cho nghệ thuật: Tác phẩm có giá trị khi nó vượt được thử thách của thời gian và không gian ( Nhất Linh,Viết và đọc tiểu thuyết,1958 ).
Nếu đồng ý như vậy, ta có thể nói rằng không có tác phẩm nào tuyệt hảo cả: Nói cho cùng thì dù chỉ được một độc giả yêu thích cũng đem niềm vui cho tác giả. Nghệ thuật rõ rệt là chủ quan và phi thời trang nhưng lại mang tính dân chủ (số đông quyết định giá trị). Như trường hợp của Van Gogh, cả một đời vẽ tranh( rất nghèo lại vắn số, chết sớm) chỉ bán lèo tèo vài bức( dù người em là môi giới hội họa đã cố gắng giúp anh). Thế mà ngày nay, bức“Hoa Diên Vỹ”( Irises,1889) được bán với giá mấy chục triệu đô! Cùng số phận hẩm hiu với Van Gogh là nữ văn hào Emily Bronte, tác giả cuốn “Đỉnh Gió Hú”( Wuthering Heights,1847) khi xuất bản đã không được độc giả hưởng ứng mà phải chờ đến cả trăm năm sau mới có lời khen. Ngày nay, tác phẩm duy nhất này của bà trở thành một tuyệt tác của thế giới, được mọi người, mọi nơi công nhận! Sự kiện tương tự sẽ là niềm an ủi cho nhiều nghệ sĩ không thành công ngày hôm nay ( trong đó có tôi, nói một cách tự an ủi),và hy vọng rằng có thể sau này, vài chục năm nữa, sẽ có người yêu thích? Phải chăng con người bao giờ cũng bám víu và sống với chút hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn hôm nay?
Thẩm mỹ , hay cái đẹp, – đối tượng chính của nghệ thuật- hiển nhiên là do nhận định chủ quan mỗi người , nhưng liệu ta có thể tìm thấy một tiêu chuẩn, hay mẫu số chung , dựa vào đó , mọi người cùng đồng ý hoặc chấp nhận, dù họ ở đâu và sống ở bất cứ thời đại nào? Lúc trước , khi xem hình ảnh bên Phi Châu chụp mọi cà răng căng tai, ít ai coi đó là thẩm mỹ , mà còn cho là man di mọi rợ , nhưng đâu ngờ , gần đây, ngay ở Bolsa bên Mỹ , lại xuất hiện người đi căng tai , chà răng và đeo vòng ở lưỡi ! Theo tôi, vẻ đẹp (có lẽ) phát xuất từ ấn tượng người tiền sử cảm nhận qua thiên nhiên (tranh vẽ, khắc trên đá, mô tả thú vật ở hang Lascaux, Pháp, khoảng 20,000 ngàn năm trước) và sau này, khi lòai người đã hợp quần thành xã hội), thì từ tình yêu , trước tiên là tình mẫu tử , đôi lứa , vợ chồng …rồi nâng cao, biến dạng trở thành lòng trắc ẩn, thương yêu đồng loại. Không khác gì các giống vật hợp quần (con kiến, loài ong…) để duy trì giống nòi , con người phải hy sinh ; và khi sống cho tha nhân, cảm thấy thỏa mãn vì đó là bản tánh chân thật của mình (Nhân chi sơ tính bản thiện, Khổng Tử, 500 năm trước Công Nguyên).Thâm tâm con người , không một ai muốn gây đau đớn sầu khổ cho người khác. Phải chăng , tội ác do hoàn cảnh gây ra , vì mà có ai thực sự làm chủ được vận mệnh của mình đâu , nếu như vậy : ý chí tự do ( free-will ) chỉ là một ảo tưởng , như người ta thường ví : cuộc đời là một vở kịch hay canh bạc , trong đó , con người đóng một vai hay tùy thuộc vào may mắn ! Vậy tôi là ai ?
Nếu một tác phẩm là đứa con tinh thần của người sáng tác, thì sự liên hệ giữa tác giả và tác phẩm rất mật thiết, như chuyện của một gia đình:Vì lẽ đó,muốn hiểu thấu đáo bức tranh, hoặc cuốn tiểu thuyết , sự hiểu biết về tác giả giúp ta tận hưởng rõ hơn tác phẩm của họ. Nhưng ta cũng tránh có quan điểm quá khích: như ghét tác giả ( vì lý do gì đó, chính trị chẳng hạn) rồi vơ đũa chê tác phẩm của họ luôn! Ngược lại, cũng đừng tôn thờ tác giả như là một fan của họ (nguyên ngữ từ fanatic ra, nghĩa quá khích).
Nghệ thuật không là bản sao chép thiên nhiên mà là cách diễn tả cuộc đời qua nhận thức của tác giả- Phải chăng con người nhìn mọi thứ trên đời qua nhận thức chủ quan của mình- Nhưng chính nhờ đó mà tác phẩm trở nên sống động , như được tái sinh, có cuộc sống thứ hai, vì vậy đã đem lại sự thích thú cho người thưởng ngoạn: thu hút họ, làm như chính họ được sống như một nhân vật trong truyện dù câu chuyện đã xẩy ra cả trăm năm trước ; hay chính mình, như họa sĩ, đang đứng trước cảnh của bức tranh , dù ở một nơi ta chưa hề đặt chân tới .Đó là sự kỳ diệu của nghệ thuật,chứ không phải vấn đề triết lý cao siêu.Câu hỏi nên đặt ra, không phải là“con người,cuộc sống là gì?”mà trở thành“Cái gì có thật trên cõi đời này?”(Rainer Rilke,1912 );và đối với người nghệ sĩ thì cảm giác phải là thật (Bạn cứ thử đá chân vào hòn đá thì biết!).
Để kết luận, có thể nói, nghệ thuật có rất nhiều mục đích, tùy quan niệm của tác giả: như giúp ta trở nên cao thượng, tận hưởng cuộc sống hơn( như nhận xét của Thạch Lam, Nhất Linh), giải bầy vấn đề triêt lý ( như Sartre, Camus) .v.v..nhưng theo tôi, tất cả những mục đích ấy chỉ là phụ, đến sau, không chủ tâm , nhưng xuất hiện như mấy phản ứng phụ của thuốc tây (side effect ) mà có thể lại mãnh liệt hơn cả mục đích chính là mua vui dù là một thú đau thương! Nghệ thuật phải có tính hấp dẫn trước nhất, để giải trí thiên hạ (Nguyễn Du), một món ăn tinh thần cho công chúng. Nếu không có tính hấp dẫn thì nghệ thuật không tồn tại và sẽ không truyền đạt các mục đích khác nữa được.
Phải chăng,với chủ quan và hiểu biết hạn
hẹp,tôi đã vừa liều lĩnh trả lời về điều kiện tối thiểu của người viết nêu ra ở phần đầu :
đó là ai cũng có thẩm quyền bàn về nghề thuật cả ?
Xin
cảm tạ quý độc giả .
* Ngọc Cường.