Tin tức,  Việt Hải

Đọc Yên Sơn, Sách Mới “Mưa Nắng Bên Đời”

Trần Việt Hải

Yên Sơn là bút hiệu của người bạn tôi, cựu phi công máy bay Trương Nguyên Thuận, anh là nhà văn, nhà thơ, gần đây anh cho xuất bản một tác phẩm mới, tuyển tập truyện ngắn “Mưa Nắng Bên Đời”.

“Mưa Nắng Bên Đời” gồm 21 truyện ngắn, là những mảnh đời anh đã trải qua, khi ráp nối lại tạo thành một tác phẩm thẩm mỹ mosaic, hay hình dung cách khác những truyện ngắn này là những mảnh jigsaw puzzle khi ghép lại là một bức tranh nghệ thuật. Giở những trang sách, từ bài mở đầu “Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã” ở trang 17 cho đến bài cuối là “Muốn nối một nhịp cầu” ở trang 286.

Trước đây có những nhà văn kiêm gốc hoa tiêu lái máy bay như Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh (1930-XXXX), Antoine de Saint-Exupéry (người Pháp, 1900-1944), Samuel Hynes (Hoa Kỳ, 1924-XXXX), Roald Dahl (người Anh, 1916- 1990), Orville Wright (Hoa Kỳ, 1871-1948), Wilbur Wright (Hoa Kỳ, 1867-1912), Harriet Quimby (nữ phi công Hoa Kỳ, 1875-1912), Ernest K. Gann (Hoa Kỳ, 1910-1991)… Đấy là những nhà văn cầm bút và lái máy bay. Tôi xin được vinh dự được kể thêm là còn có bạn tôi, Yên Sơn Trương Nguyên Thuận.

Nhà văn kiêm phi công Samuel Hynes khi bàn luận về viết văn thì chẳng phải là lẽ thường mà một nhà văn có tay nghề cao biết bay đủ để viết về chuyện đó (Author/Pilot Samuel Hynes, “It isn’t often that a writer of superlative skills knows enough about flying to write well about it.”, trong tác phẩm “A Teller of Tales Tells His Own” (Một người kể chuyện thuật về bản thân của mình), in the New York Times, 7 September 1997). Samuel Hynes có phần đúng với Yên Sơn. Vậy Yên Sơn kể chuyện đời mình ra sao?

Truyện “Giấc Mơ Phi Công”, trang 17, tại Trường sinh ngữ Lackland AFB ở San Antonio, Texas; trường bay cho loại Cessna T41 ở căn cứ Randolph AFB. Trường bay này tọa lạc ở thành phố ven đô, Universal City, cách 24 dặm về phía đông bắc của San Antonio. Xong anh lại qua Keesler AFB ở tiểu bang Mississippi (cách San Antonio 9 giờ lái xe) để học bay loại Khu trục T28.

“Giấc mơ phi công và những chặng đường nghiệt ngã”, Yên Sơn kể tiếp:
“Thời ngồi trên ghế nhà trường tôi vẫn luôn ‘nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga, nằm bên dải Ngân Hà’. Những mẩu chuyện KQ làm tôi say sưa quên cả sách vở. Thấy các ngài phi công bên súng, bên dao xề xệ trong bộ áo liền quần phởn phơ dưới phố cho tôi mộng mị đêm dài. Nhất là bị ông nhà văn phi công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh qua cuốn ‘Đời Phi Công’ đưa mơ mộng của tôi vượt lên chín từng trời! Có lần bày tỏ với Mẹ tôi về ước muốn này bị Mẹ át giọng ‘học hành không xong Ba sẽ bắt về đi cày ruộng chứ ở đó mà mơ với mộng’! Mẹ biết tôi rất sợ sống ở ruộng vườn; rất sợ đời sống kham khổ với đất đai, nhất là đất đỏ cao nguyên dẻo quánh, nắng bụi, mưa… trời ơi là một nỗi cực hình! Tôi đã từng nói với Mẹ ‘bằng mọi cách con sẽ vượt ra khỏi nơi này”.

Nội dung của bài viết, anh kể lại tác phẩm “Đời Phi Công” cho anh những ấn tượng đẹp đẽ của tuổi thanh niên, anh thích thú khi đọc ngay từ chương một, anh nhớ lại thời gian của đầu thập niên 1960, Không Quân VNCH trên đà thành hình bảo vệ không phận giang sơn miền Nam Việt Nam. Mộng chinh nhân của người trai thế hệ lấy Tổ Quốc Không Gian là lẽ sống với những cánh sắt ru giấc mộng: Cessna T-41 Mescalero, North American T-28 Trojan, Douglas AD-4 Skyraider,… hay trực thăng. Trở về xứ là phi công Gunship Huey, loại phi cơ được trang bị hệ thống hỏa lực khạc đạn súng máy M60, cùng hỏa tiển AS-10 và SS-11, Yên Sơn và Giấc Mơ Phi Công chiến đấu đã được kể lại một thuở chiến chinh.

Nào, hãy nói tiếp về tác giả Yên Sơn. Có một dịp sang Houston, tôi mục kích Võ Sư Trương Nguyên Thuận quán xuyến những lớp võ thuật tại Võ đường Thần Phong (Than Phong Martial Arts Academy), Kingwood, Southwest Houston. Như chúng ta biết, môn phái Taekwondo do chưởng môn đại sư Choi Hong Hi sáng lập, kết hợp giữa Taekkyon và Karaté, cho ta thấy nhiều điểm tương đồng với Karate về bộ pháp nhưng chú trọng vào đòn cước nhiều hơn. Võ sư Yên Sơn (tức Võ Sư Trương Nguyên Thuận) là chủ một võ đường dạy những thế võ Thái Cực Đạo bên Houston, anh dạy võ tại Bắc Cali, rồi dời đô sang Texas. Võ sư Yên Sơn là loài chim ưng tung thủ, phi cước đẹp mắt; những kỹ thuật thủ pháp Subakhi hay những đòn cước pháp Taekkyon anh am tường, một vị thầy võ thuật tôi luyện môn sinh cách đi quyền thái cực đạo, những thế đánh Taekwondo chú trọng đặc biệt vào những đòn chân (chokki, cước pháp), rồi nào những quyền pháp, những pha ngoạn mục của Kim Cương quyền (Keumgang), Thái Bạch quyền (Taebaek), Bát quái quyền (Palgwe Jang),… Do vậy, nói đến một Yên Sơn là sức mạnh cơ thể, kỹ luật đấu pháp đánh đấm. Đòn thế pháp vi thủ (sugi) và đòn thế pháp vi cước (chokki), v.v… Ít khi ta nghĩ Yên Sơn cũng là của thi ca lãng mạn, ướt át như dòng chữ nghĩa sau đây:

Gửi cô bé bên kia dòng nước ngược

Sáng thức dậy lòng buồn nhớ Bé
Biết bao giờ gặp lại Bé ơi
Hai phương trời chẳng mấy xa xôi
Nhưng ngang trái rụng đầy lối nhỏ

Sáng cũng nhớ, trưa chiều cũng nhớ
Rồi đêm về mộng tưởng mơ hoang
Hết đông rồi xuân thắm lại sang
Rồi mùa hạ, mùa thu đi mãi

Có những lúc lòng buồn tê tái
Nhìn dòng đời lặng lẽ đi qua
Cây tình si chưa kịp nở hoa
Lá vàng úa rung rinh trước gió

Không biết bây giờ phương trời đó
Bé của anh có nhớ anh không
Mỗi bình minh tư lự hoài mong
Nhìn biển cả chắc lòng xa xót

Hương tình yêu ngạt ngào ngào ngạt
Giữa cuộc đời ngang trái trái ngang
Gọi ông xanh than thở thở than
Cho vơi bớt nhớ thương thương nhớ…

(thơ Yên Sơn)

Chưa hết, đọc sách mới, Tuyển Tập “Mưa Nắng Bên Đời”, trang 86-87, chương Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương; tác giả nhận việc làm tại Mỹ nghề dạy võ, bị thách giao đấu Yên Sơn dùng kỹ thuật võ luyện hạ một anh Mễ, một anh Mỹ gốc Phi châu. Tôi xem từ chương 1, trang 19 với bài Giấc Mơ Phi Công và Những Chặng Đường Nghiệt Ngã đến trang 79 với bài Ra Đi Về Phía Mặt Trời Lặn. Một giai đoạn có chiến tranh, những chàng trai thế hệ khoác áo chiến binh. Có Tổ Quốc Không Gian, với Đời Phi Công như sách Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh; có khó khăn nghiệt ngã đường chân trời của biến cố 1975. Khiến cho tôi chút gì liên tưởng về người phi công kiêm nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry gập ghềnh trên đường bay tại chiến trường, cuộc chiến chống lại Đức quốc xã, Saint-Exupéry bay qua Địa Trung Hải vì một sứ mệnh thám sát vào năm 1944 của cuộc chiến giải phóng nước Pháp. Yên Sơn cũng có giấc mơ làm phi công như Le petit Prince, L’aviateur, Pilote de guerre hay Vol de Nuit của Saint-Exupéry, xông pha trên bầu trời lửa đạn Bắc Phi, Pháp và Tây Ban Nha. Trang 69, Yên Sơn viết: “Cứ mỗi lần ngồi vào máy computer muốn viết lại vài mẩu chuyện đời lính của mình là một lần cho trí nhớ chạy lang bang, chạy tung tăng trên những chiến trường khắp vòm trời Miền Nam Nước Việt. Những ngày tháng xa xưa đó như một cuộn phim hấp dẫn, rất dài, quay rất chậm rãi… khiến đầu óc lụ mụ với bao nỗi nhớ niềm thương. Đôi khi nước mắt trào dâng khi tưởng tượng những khuôn mặt bạn bè thân thương đã nằm xuống, đã ra đi với bao nỗi ngậm ngùi…”

Trang 154, bài viết “Tiễn Con Đi Chiến Trường Iraq”, tác giả Yên Sơn cảm động kể lại khi người con trai nối nghiệp cha, gia nhập vào nghiệp kaki, “hổ phụ sinh hổ tử”, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, just like father like son dòng máu anh hùng. Cháu PQ nhận nhiệm sở chiến trường sôi động Iraq. Truyện kể này tôi xem trên internet nhiều lần mà tôi vốn thích vì tình phụ tử của anh. “Tiễn Con Đi Chiến Trường Iraq”, Yên Sơn viết,…

“Ðang lái xe, suy nghĩ mông lung trên đường từ nhà đến trường; tiếng reng của cell phone làm tôi giật mình, rung tay lái:
– Ba ơi Ba, con là PQ đây!
Tôi vui mừng nghe tiếng nói của đứa con xa, mặc dù nó mới về phép mấy tuần trước đây để dự đám cưới của chú em trai họ dì cậu của nó. Con cái mặc dù bao lớn, người làm cha mẹ vẫn thấy chúng trẻ thơ, cần được săn sóc:
– Con khoẻ không?
– Dạ thưa Ba con rất khoẻ, con có võ mà, con là Lục quân mà!
Nó cười thành tiếng làm tôi cũng cười theo. Nó thường trả lời chúng tôi như vậy mỗi khi được hỏi về tình trạng sức khoẻ. Nó có tính khôi hài giống tôi, theo lời mẹ nó nói. Cũng theo mẹ nó, như bất cứ bà mẹ nào trên cõi đời này, cái thói hư tật xấu gì của con cũng giống bố; ví dụ như cái tính ham bạn, mê chơi, hút thuốc, uống rượu của nó…
– Con gọi thăm Ba hay có chuyện gì không con?
– Dạ cả hai!
– Chuyện gì quan trọng không con?
– Dạ con đang làm giấy tờ để đi Iraq! Có một cái form cần quyết định của Ba trước khi con điền. Câu hỏi là nếu con bị tử nạn, Ba muốn gia đình tự lo việc chôn cất cho con hay để cho Quân đội sắp đặt theo truyền thống của họ?

Tôi nghẹn ngào, thảng thốt! Như có ai vừa đâm sâu một mũi nhọn vào tim dù biết đây chỉ là hình thức giấy tờ tự nhiên. Vậy mà tôi vẫn xúc động, ngay cả lúc này ngồi viết ra những lời đối thoại với con. Dù tôi cũng đã từng sống trên bờ sinh tử trong cuộc chiến năm xưa; dù biết trước sau gì con tôi cũng tham dự chiến trường Iraq, vậy mà tôi cứ lo, cứ buồn. Bạn bè vẫn hỏi tôi có lo lắng gì khi con đi Iraq, tôi vẫn nói dối một cách tỉnh bơ “lo thì được cái gì, cho con đi lính thì phải chấp nhận”… nào là mình đã ở trong lòng cuộc chiến năm xưa, thô bạo hơn, khốc liệt hơn mà mình đâu có sợ!!! Nói chỉ để giữ vững tinh thần cho mẹ và các em nó, che lấp những nỗi lo sợ ám ảnh của một người cha trước mặt mọi người, chứ làm sao an tâm cho được! Chẳng thà chính mình tham dự còn đỡ lo hơn. Tôi chạnh lòng nghĩ tới cha tôi cứ mỗi lần loay hoay trong trách nhiệm làm cha, tôi lại nghĩ đến người! Tôi chỉ có một đứa con đi quân đội, trong khi Ba Mẹ tôi có tới ba người và hai đứa ở tuổi động viên! Tôi nhớ thương Ba Mẹ tôi quá đỗi! Nhớ những năm còn đi học, hai anh tôi trong quân ngũ, tôi đã nhiều lần thấy sự âu lo của Ba Mẹ tôi mỗi khi nghe tin qua đài phát thanh cho biết có đụng trận ở những nơi các anh tôi trú đóng. Nhất là Ba tôi. Bao giờ Người cũng tỏ ra cứng rắn với tinh thần chịu đựng và chấp nhận. Thế nhưng, giữa những đêm thâu tôi tình cờ bắt gặp Người ngồi hút thuốc ngoài hiên, mắt nhìn mông lung về hướng trời xa với những tiếng thở dài đầy ấp âu lo, với bao nỗi băn khoăn, trăn trở.
– Ba! Ba có nghe con nói gì không Ba?
– À, Ba… Ba… Ba cũng không biết nữa tôi ngập ngừng trả lời, trong khi đầu óc như tê điếng trong nỗi muộn phiền.
– Chỉ có một trong hai chọn lựa; hoặc gia đình tự lo hay là Quân Đội họ lo hết!
– Ba không biết Mẹ con muốn sao, theo Ba thì Ba muốn…
Trong đầu óc tôi chớp nhoáng những ý nghĩ đen tối… nếu nhỡ con mình… một ngày nào đó… ôi kinh khủng quá… làm sao đây? Làm sao đây? Mình phải tự lo cho con mình chứ, mình phải được nhìn thấy nó… lần cuối cùng chứ!…”
Anh suy tư về chuyện cũ, lo lắng về chuyện mới, tôi hiểu anh từ ý nghĩ.
“Những người lính Mỹ đã rời chiến trường Việt Nam trong đau thương và tủi nhục hơn ba thập niên trước; tôi cầu mong con trai tôi và hàng trăm ngàn quân nhân Mỹ đang ngày đêm cận kề sinh tử tử sinh sẽ không bị bán đứng bởi lũ chính trị gia ngồi ở văn phòng, hoặc do sự vô trách nhiệm của đám truyền thông báo chí. Tôi cầu mong họ trở về nước từ chiến trường Iraq trong huy hoàng của một chiến thắng rực rỡ và trong niềm hãnh diện và hoan lạc của toàn dân.”

Mang hai màu áo như một võ sư trong võ phục Taekwondo hay trong bộ chiến y của một phi công flight jumpsuit, mà thú thật người viết bài rất mê thích một thuở, tác phẩm “Mưa Nắng Bên Đời” cho tôi một sự gần gũi và cảm thông nào đó, vì có không gian bay bổng cùng võ thuật bay cao.

Sang truyện “Một Thoáng Hương Xưa”, Yên Sơn, trang 131. Thu Dung vượt biên sang trại tị nạn Songkhla, Thái Lan. Tuấn cố dỗ giấc ngủ trở lại nhưng không thể nào chợp mắt được. Tiếng kim đồng hồ gõ từng nhịp giữa đêm thanh vắng nghe rõ mồn một làm hắn sốt ruột vô cùng. Hắn ngồi dậy lấy bút viết vội những trào dâng trong tâm khảm:

Ta ngồi chép lại pho tình cũ
Gọi trái tim đau nhỏ mực buồn
Sầu đọng chân mây trời viễn xứ
Vo tròn hoài niệm góc quê hương”

Một chuyện tình dang dở, rồi trùng phùng trong bối cảnh không trọn vẹn vì mọi việc đã an bài vì biến cố chia ly. Yên Sơn viết truyện tình éo le.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng làm thơ ru ngủ một thế hệ về mối tình dị chủng trai Việt và gái Pháp, người em gái xóm học Michèle de Paris, tóc vàng sợi nhỏ. Sự thể như truyện tình của nhà văn Marguerite Duras và Léo trong tác phẩm L’Amant. Sự thể cũng như giữa cô gái Mỹ Martha và Chương mà hồn ái ân dâng trào, môi hôn liền môi như trong “Dấu Chân Cát Xóa” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, trang sách Yên Sơn kể về chuyện tình giữa Tuấn và nàng thiếu nữ Mỹ Deana, họ hẹn nhau chơi môn cưỡi ngựa (thú thể thao equestrian hay horseback rider),…

“Cô nhỏ ngồi áp sát người hắn, với nhịp bước đi của ngựa, hai thân người cọ xát vào nhau làm hắn bấn loạn, hơi thở dồn dập, rúng động trong lòng, tim đập như muốn vỡ tung lồng ngực. Cảm giác lâng lâng, rạo rực như vừa uống vài ba chung rượu mạnh. Vì cô nhỏ tựa sát người nên hắn cũng cảm giác thấy tim cô nhỏ đập chẳng thua gì mình, cô nhỏ chắc cũng đang say sưa như hắn! Tiếng cô nhỏ nhẹ như ru:
– Twan! Anh thích chúng ta đi như thế này không?
– Deana! Tôi thích lắm! – Tiếng hắn nghe đến thì thầm, mơ hồ như sợ khuấy động trời chiều, hoặc sợ làm choàng tỉnh cơn mơ. – Tôi muốn được đi hoài như vầy!
– Twan! Anh muốn hôn tôi không?
Bất giác Deana ghì cương ngựa đứng lại, chồm lên xoay mặt hắn lại rồi hôn vội vã trên môi. Hắn chới với muốn té. Deana buông ra, nhảy xuống ngựa, hắn cũng xuống theo và hai người quấn chặt nhau, môi gắn liền môi bên hông ngựa.”

Trang 109, truyện tình dị chủng Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh, Yên Sơn dùng tựa đề là tên của một cuốn truyện của cố văn sĩ Pháp Francoise Sagan, nguyên văn là “Un peu de soleil dans l’eau froide” xuất bản năm 1971 và đã quay thành phim. Anh kể “Đọc và xem phim lâu rồi, không còn nhớ nội dung của nó là gì. Cũng không cần thiết vì chắc chắn nó chả dính dáng gì tới bài tôi định viết, đúng ra là sẽ dịch lồng vào với bài viết này. Chỉ chợt thấy là cái tựa hơi có chất lãng mạn này tình cờ có vẻ thích hợp với thực tại, một thực tại thực ra chả có tí lãng mạn nào…”

Người viết xin đề cập một chút về cốt truyện này của Françoise Sagan, vì sự lãng mạn của Yên Sơn không xa Sagan là bao. Quyển Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide (Chút mặt trời trong nước lạnh), ta thấy mối tình tay bốn giữa nàng Nathalie Silvener, Nhà báo Gilles Lantier, vị Giáo sư Văn chương Pierre Lacour, ông chồng của Nathalie là Francois Silvener. Anh chàng Gilles Lantier là một gã đào hoa bay bướm, mà nàng Nathalie say mê đắm đuối, sự thể của ngoại tình trong hôn nhân.

Yên Sơn kể truyện với tình tiết…

“Như cuốn phim chiếu thử chớp qua mau lẹ, mớ hình ảnh ngổn ngang, lộn xộn trong đầu… một tuần lễ thoáng qua như giấc mơ choáng ngập đường về. Hắn biết là khó thể quên hình bóng mỹ miều đầy nguy cơ đó trong một ngày một bữa, khó cho giấc ngủ hắn không mộng mị vào những tháng ngày bấp bênh phía trước, ở một nơi chốn mà hắn nghĩ muôn đời vẫn sẽ là người khách lạ! Hắn quyết định không về nhà đêm nay như một trốn chạy cô nhỏ, đưa hai chú em đi thăm gia đình một người bạn ở đó hơn một giờ lái xe mà hắn vừa liên lạc được.

Hắn thở dài khi hình dung khuôn mặt đầy thất vọng của cô nhỏ khi thấy cửa nhà hắn đóng im lìm đêm nay, nhất là sáng mai khi lên xe về lại Houston, cô bé cũng chẳng nghe được một câu giã từ của hắn.
Deana! Cô như tia nắng mặt trời vô tình đậu trong ly nước lạnh đời tôi!”

Vì tuổi tác và khác văn hóa khiến kết cuộc là một kỷ niệm đẹp.

Xét về truyện cuối cùng của sách, trang 288, Muốn Nối Một Nhịp Cầu, đây là một truyện tình cảm bắc một nhịp cầu mai mối. Xuân về mang tình yêu đến trùng phùng, kết cuộc có hậu của truyện. Tác giả sử dụng phương ngữ xứ Quảng. Đây là nét đặc trưng của văn phong Yên Sơn.
Chúc mừng nhà văn Yên Sơn với tác phẩm mới “Mưa Nắng Bên Đời”. Xin trân trọng giới thiệu và hẹn nhau ngày ra mắt sách tại California.


Trần Việt Hải, Los Angeles.