Chiều Thơ Nhạc Cung Trầm Tưởng
Những hạt mưa đầu mùa nhè nhẹ với tiết trời lạnh lạnh, như nhắc nhở chúng ta “Nàng Thu” đang hiện diện nơi đây và sắp sửa ra đi, để nhường lại cho những ngày đông lạnh giá sắp đến. Và như một sự tình cờ ngẫu nhiên, Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian đã tổ chức buổi chiều nhạc thơ để chào đón một nhà thơ rất thân quen, mà hầu như tất cả chúng ta đều biết đến từ đầu thập niên 60: Thi sĩ Cung Trầm Tưởng.
Đây cũng là buổi họp mặt lần thứ năm, mà Liên Nhóm NVNT & TTG đã chào đón Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, từ Minnesota lạnh lẽo về thăm thành phố “Tiểu Saigon”. Buổi nhạc thơ được tổ chức tại Cordoba plaza Club House, thành phố Westminster, California trong bầu không khí ấm cúng và thân mật. Mặc dù chương trình bắt đầu lúc 4:00 giờ chiều, nhưng mới 3:30, đã có khá đông những thân hữu yêu thơ Cung Trầm Tưởng, xếp hàng chờ sẵn ngoài cửa. Ngoài sự hiện diện của các thi sĩ và văn sĩ, như nhà thơ Dương Hồng Anh, Nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, Nhà thơ Cát Ngọc, Nhà thơ Tha Nhân, Nhà thơ Việt Cường, Nhà thơ Bích Ty, Nhà Văn/Giáo sư Dương Ngọc Sum, Nhà Văn Việt Hải, Nhà Văn/Giáo sư Quyên Di, và Nhà Văn Nguyễn Quang Huy, Nhà Văn Võ ý … còn có sự góp mặt của ký giả Uyên Vũ (báo Người Việt), Ca sĩ Thúy Anh, KTS Nguyễn văn Liêm, NAG Lê Hùng, v.v…
Mở đầu chương trình, MC Khánh Lan giới thiệu và chia sẻ cảm nghĩ của mình về tập thơ “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ, 1948-2008”. Tâp thơ này được xuất bản tại Virginia, Hoa Kỳ, năm 2012 và tái xuất bản lần thứ nhất tại California, Hoa Kỳ, năm 2019. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng cho biết đây là tập thơ cuối cùng và ông rất hài lòng và hãnh diện khi cho cho tập thơ này ra đời.
Trong tập thơ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng ghi rõ chi tiết của từng giai đoạn, những cảm xúc của mình theo dòng thời gian, qua những thăng trầm của cuộc đời cũng như vận nước nổi trôi trong suốt 60 năm qua. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng không quên ghi lại những điểm son trong đời và những cảm xúc của mình qua những chặng đường gian khổ, đau thương, nhớ nhung, uất ức, tuyệt vọng, phẫn nộ và hận thù mà ông đã đi qua.
Ngoài hai bài thơ bất hủ, có thể nói là vượt thời gian và làm nên tên tuổi của ông, là bài “Mùa Thu Paris” và “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, không thể nào không nhắc đến những vần thơ, mà Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã sáng tác trong trại tù tại Hoàng Liên Sơn vào mùa thu năm 1977. Những vần thơ nặng nét đau khổ và tuyệt vọng của người thua cuộc, đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ trong thể thức sáng tác thơ của ông, những vần thơ lãng mạn khi xưa, vội vàng xếp lại để nhường chỗ cho những lời thơ sắc xảo, cay đắng và chai cứng như sau:
Áo tù thẫn máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Môi cầm má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn.
Nhưng cũng không thể nào sánh được với những vần thơ mà Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đặt tên cho nó là “Nộ Thơ” khiến người nghe qua phải rùng mình khiếp sợ:
Mai về đạn nhảy ngang nòng súng
Trực trì đầu thù mổ thật nhanh.
Chiều nhạc thơ tiếp tục với những bài hát nổi tiếng của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Tiễn Em” và “Mùa Thu Paris”, qua sự trình diễn của ban hợp ca Tiếng Thời Gian. Ca sĩ Thúy Anh với nhạc phẩm “Mình Ơi Ở Lại Đừng Về” và “Paris Có Gì Lạ Không Em”. Ca sĩ Nhật Uyên với bài “Bên Ni Bên Nớ”. Cũng không quên nhắc đến Nhạc sĩ Nguyên Vũ (phu quân của Ca sĩ Thúy Anh), Nhạc sĩ/Guitarist Quốc Sĩ và Nhạc sĩ Keyboardist Tú Phạm đã giúp cho phần âm nhạc trở nên sôi động.
Tiếp theo phần văn nghệ là phần nhận định của nhà văn Việt Hải (anh cũng là con chim đầu đàn của Liên Nhóm NVNT & TTG) về hai bài thơ tiêu biểu thuộc thể loại “Thơ Mới” của thi sĩ Cung Trầm Tưởng: “Núi Và Suối, Một Huyền Sử” và “Phồn Thực Ca”.
Trong bài “Núi Và Suối, Một Huyền Sử”, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng kể lại khi ông ở trại tù Hầm Tân, tức trại Z30D, thuộc tỉnh Bình Thuận, nơi có suối nước trong và rặng mây tào, đã cho ông nguồn cảm hứng để sáng tác bài thơ này.
Đáy mắt có chiều sâu tráng lệ
Tháp chàm ảnh ảo ngậm hoàng hôn.
Bài thứ hai là “Phồn Thực Ca”, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng kể lại thời trai trẻ, khi ông còn là một phi công, trong một công tác ở miền tây, ông đã gặp và để ý đến một cô giáo dạy học tại đây, có nhan sắc tuyệt vời và hình bóng ấy đã đi vào hồn thơ của người thi sĩ trẻ, tạo nên nguồn thơ cảm hứng và ông đã sáng tác bài thơ ca tụng vẻ đẹp của cô giáo như sau:
Em ướp trầm hương ngân ngát thánh
Ngồi trong đời cũng ngự ngôi trên…
Nhà Văn Việt Hải kết thúc bằng nhận xét như sau, anh nói, thơ của Thi sĩ Tagore và Thi sĩ Cung Trầm Tưởng có điểm tương đồng về những triết lý thâm trầm của vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc, tình yêu, đề cao con người và triết lý nhân sinh.
Chiều nay, cũng là buổi chiều mừng sinh nhật và chúc thọ Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tròn 90 tuổi. Nhà Văn Việt Hải nhắc đến bài thơ Đêm Sinh Nhật mà thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã sáng tác khi ông 29 tuổi, tại Đa Kao, Saigon. Bài thơ viết theo thể loại 6-8, nói lên nỗi cô đơn của Thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Đêm ấy, 50 năm về trước, cũng có mưa rơi như chiều nay, nhưng hôm nay, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng không còn cảm thấy cô đơn, vì quanh ông, đã có rất nhiều người yêu mến ông và yêu mến cả thơ của ông nữa. Bài thơ “Đêm Sinh Nhật” được thi sĩ Bích Ty diễn ngâm để mừng sinh nhật thứ 90 của ông.
Sau bữa ăn tối, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng say sưa phát biểu về những sáng tác, quan điểm, nguồn cảm hứng, nỗi xúc động của ông qua thơ văn. Ông nói về những kỷ niệm khi ông du học tại Paris, nơi ông đã sáng tác những bài thơ có nhiều phong thái lãng mạn, qua những ảnh hưởng bởi đời sống, văn hóa Âu Tây, nhóm văn học hiện sinh (Existentialisme) và nhóm thơ triết học (Philopoésie)….Thi sĩ Cung Trầm Tưởng tâm sự, “Thơ là sự chuẩn mực từng từ ngữ thích hợp, cho tỏa sáng ý tưởng mình muốn nói “.
Và sau cùng, Nhà Văn Quyên Di bình luận về chủ đề “Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Một Gương Mặt Văn Học Của Việt Nam “. Ông nói: “Thi ca Cung Trầm Tưởng có những ý tưởng tôn giáo triết học. Qua lăng kính tín ngưỡng, Phật giáo/Công giáo đều được thể hiện qua ý niệm tình thương và sự sống.
Nhà Văn Quyên Di kết thúc buổi “Chiều thơ nhạc Cung Trầm Tưởng” với một câu chuyện thật hay và dí dỏm “Ai Đã Tạo Dựng Nên Người Đàn Bà?”
Buổi chiều thơ nhạc đã chấm dứt trong niềm hân hoan và luyến tiếc. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng nói, “Tôi vô cùng xúc động khi có được những giây phút hạnh phúc như thế này, xung quanh những người bạn thân quý và thương mến tôi cũng như thơ của tôi”. Trước khi ra về, Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã ký tặng bạn bè hiện diện trong buổi chiều thơ nhạc tập thơ “Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ-1948-2008”.
Ghi dấu lại một ngày vui.
Khánh Lan tường trình từ thành phố Westminster.