CHIẾN HỮU…CỦA MÙA XUÂN
Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương
Dường như Xuân đang đến giữa mùa Đông trên vùng trời Nam California? Ánh nắng chan hòa lan tỏa khắp bầu trời xanh lơ, mang đến lòng người một sự ấm áp dịu dàng của ngày thứ bảy cuối tuần. Nơi một góc phố, từng lớp nam thanh nữ tú nô nức đến dự tiệc MỪNG XUÂN & LỄ THƯỢNG THỌ CỰU ĐẠI TÁ LÊ THƯƠNG. Lòng người đầy hân hoan như một ngày hội lớn, hòa lẫn tiếng cười tiếng nói giữa một rừng mai vàng rạng rỡ của mùa xuân, trong khánh phòng rực ánh đèn.
Đoàn trống Nghệ Thuật Thiên Ân
Quang cảnh nhà hàng White Palace thành phố Westminster, Nam California chiều nay rất náo nhiệt. Đoàn trống Nghệ Thuật Thiên Ân đã trình diễn màn trống “Đón Xuân” vô cùng ngoạn mục. Qua tiếng trống vang rền, các em thiếu nhi muốn gửi lời cầu chúc đến mọi người – Một năm mới THỊNH VƯỢNG, HẠNH PHÚC và DỒI DÀO SỨC KHỎE. Đây là niềm mơ ước của tất cả mọi người trong những ngày đầu xuân.
Trong khoảnh khắc, quan khách cùng hướng về cửa chính nhà hàng để chào đón các cựu sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đang hộ tống cựu Đại tá Lê Thương tiến vào khánh phòng, người chủ tọa buổi tiệc đêm nay. Nhìn hình ảnh già yếu của cựu Đại tá Lê Thương, chỉ huy trưởng sư đoàn 2 Pháo binh ngày nào oai phong lẫm liệt trước ba quân tướng sĩ… mà không khỏi chạnh lòng?
Hai MC Mộng Thủy và Trần Mạnh Chi đã làm bừng sáng sân khấu, khi ngỏ lời chào mừng quan khách, cùng tiếng nhạc trổi lên trong bầu không khí tưng bừng. Sự kiện hôm nay được tổ chức dưới sự phối hợp nhịp nhàng của gia đình cựu Đại tá và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian của nhà văn Trần Việt Hải. Những tà áo dài tha thướt đủ màu sắc và những áo dạ hội rực rỡ của phái đẹp, đã làm cho hội trường trở nên lộng lẩy. Lại tô điểm thêm những bộ quân phục với mũ: trắng, xanh, nâu, đỏ, xám…của những người hùng thuộc các binh chủng: Hải quân, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Không Quân…oai phong như gươm lạc giữa rừng hoa…đã gieo vào lòng người nỗi xúc cảm sâu sắc. Hình ảnh những chiến sĩ hôm nay, đã đưa mọi người trở về thời chiến của đất nước trong quá khứ. Nhìn cựu Đại tá tuổi già sức yếu, cũng như những cựu chiến sĩ không còn trẻ nữa…Trong tâm tư của từng người hiện diện trong khánh phòng, làm sao không khỏi hồi tưởng về quá khứ của một chiến sử cách nay đã 5 thập kỷ. Thời chiến của Việt Nam trước 1975 đã sống lại – qua hình ảnh của những chiến binh trong quân phục trước mắt, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân đời mình để phục vụ đất nước, giữ gìn non sông và bảo vệ đồng bào.
Chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ
Bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã trổi lên…Dưới màu cờ vàng ba sọc đỏ…mà các chiến sĩ đã thề nguyền bảo vệ Tổ Quốc thân yêu khỏi tay giặc thù…Âm vang hùng hồn của bản quốc ca với hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ thân thương, đã khơi dậy tình yêu Tổ quốc và chắc hẵn sẽ sống mãi trong lòng người Việt tha hương. Phút mặc niệm trong thinh lặng, cả hội trường nghiêm chỉnh cúi đầu tưởng niệm đến những anh hùng vị nước vong thân, những chiến sĩ vô danh, dân quân cán chính và những nạn nhân bỏ mạng trên con đường tìm Tự Do…trong bùi ngùi thương cảm! Xin thắp nén hương lòng để tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi trong ngậm ngùi chua xót!
Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương
Cựu Đại tá và ái nữ Thụy Lan ngỏ lời cảm tạ đến quan khách hiện diện trong buổi tiệc đầy ý nghĩa và đáng ghi nhớ này.
Tiểu sử Cựu Đại tá Lê Thương
Sau đó, nhà văn Vi Khiêm đã nói về tiểu sử cũng như cuộc hành trình trên đường dài chiến binh của cựu đại tá Lê Thương. Ông là cấp chỉ huy có lòng nhân ái đối với hạ cấp, luôn thương yêu binh sĩ và gắn bó với họ đến giờ phút cuối cùng. Đây là nét son trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Chính vì thế, mà trong tiệc mừng thượng thọ thứ 98, các chiến hữu của mọi binh chủng đã đến với ông, chia sẻ niềm vui và cầu chúc ông những điều tốt đẹp nhất. Tình chiến hữu keo sơn đã thể hiện tốt đẹp nơi xứ người, qua thời gian dài mà vẫn không phôi pha. Quây quần bên ông, còn có những bạn hữu thân thương đã từng gắn bó với ông suốt mấy thập kỷ qua. Như cựu Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill đã từng nói: “Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận, nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”. Thật vậy! Tư tưởng của Churchill rất thâm thúy qua sự kiện hôm nay.
Trong quá trình hoạt động văn hóa, Thụy Lan là một thành viên trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, đã viết bài Tuổi Thơ Trong Bom Đạn. Trong bài tùy bút này, tác giả đã ghi lại những kỷ niệm thời quá khứ, mà tuổi thơ của cô gắn liền với thân phụ, người trót mang cuộc đời binh nghiệp. Trong tháng 3/1975 trước ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, thân phụ cô đã tìm đủ mọi phương tiện đưa gia đình từ Huế vào Saigon an toàn. Tác giả viết…
…“Nhưng cha tôi không thể bỏ Sư đoàn, bỏ nhiệm vụ để cùng gia đình bỏ trốn đi, và đành phải chia tay nhau tại phi trường Đà Nẳng để trở về lại căn cứ Chu Lai thu xếp mọi chuyện như: phá hủy giấy tờ quan trọng, thủ tiêu súng đạn, chỉ huy thu xếp chỗ trên các chiến hạm để cho tất cả quân nhân Sư đoàn 2 và gia đình họ vĩnh viễn rời khỏi căn cứ Chu Lai sau đó. Cha tôi cùng đoàn người di tản trên chiếc hạm cập bến tại cảng Đà Nẳng đi vào Nam ngày 3/4/1975, và cuối cùng tàu đã cập bến Phan Rang an toàn trước ngày Phan Rang thất thủ 16/4/1975. Cha tôi thoát chết sau 8 ngày phải lẫn trốn, và băng rừng vượt suối, để cuối cùng gặp lại gia đình tại Saigon ngày 24/4/1975. Đến ngày 30/4/1975, chính phủ do ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng CS.
Đó là những đoạn đường mà cuộc đời binh nghiệp đã đưa cha tôi qua không biết bao nhiêu gian truân, để cuối cùng thân xác bị lưu đày vào tù CS trong suốt 13 năm trời kể từ ngày mất nước.”
…Hình ảnh của cha tôi trong quân phục bộ binh là một hình ảnh mà tôi tôn thờ, ngưỡng mộ và yêu quý nhất đời mình. Vì vậy tôi luôn tôn kính và yêu thương những người lính đã hy sinh vì hạnh phúc và sự sống còn của quê hương và dân tộc, cũng như những ai đang phục vụ trong quân đội. Tất cả là từ hình ảnh tuyệt vời của cha tôi, người đã cho tôi thấy những nỗi đau, sự chịu đựng và lòng hy sinh quên mình vì dân tộc…”
Qua một đoản văn của bài viết “Tuổi Thơ Trong Bom Đạn,” Thụy Lan đã bộc bạch cho độc giả thấy về tinh thần trách nhiệm cao quý của vị chỉ huy trưởng sư đoàn 2 Pháo binh Lê Thương. Ông đã đặt tình đồng đội lên trên cả tình gia đình vợ con. Trong những lúc gian nguy của chiến cuộc, ông vẫn ở lại đơn vị để bảo vệ những người lính của ông, ông đã cho đi hết lòng. Vì thế mà trong tiệc mừng thượng thọ 98 hôm nay, các chiến sĩ đã đến với ông cho trọn tình “Huynh Đệ Chí Binh”. Anne Frank đã khẳng định: “Không ai trở nên nghèo túng vì cho đi”- “No one has ever become poor by giving” Thật vậy! Khi cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn thế!
Trận đánh giải vây Tết Mậu Thân 1968
Thiếu tá Hồ Đắc Huân đã tường thuật về cuộc chiến giải vây thành phố Huế Tết Mậu Thân 1968, mà sư đoàn 2 Bộ Binh, đơn vị Pháo Binh của cựu đại tá Lê Thương đã chiến đấu ròng rã trong gian khổ hiểm nguy để dành lại cố đô Huế. Song song với bài tường thuật là màn hoạt cảnh của các chiến sĩ trong màu áo trận. Tiếng súng nổ vang rền, những binh sĩ (do hậu duệ QLVNCH trình diễn) kiên cường chiến đấu với quân thù để dành lại từng tấc đất của cố đô và bảo vệ người dân xứ Huế. Những người dân thành thị chưa bao giờ chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh; giờ đây, qua màn hoạt cảnh có thể hình dung được phần nào về cuộc chiến tàn khốc mà chính những người chiến sĩ có mặt nơi đây hôm nay đã dự phần. Tôi đã nghẹn ngào trong nước mắt! Tôi mạo muội xin thay mặt người công dân Việt Nam Cộng Hòa, gửi lời tri ân chân thành muộn màng đến cựu đại tá Lê Thương, cùng tất cả cựu chiến binh các cấp và thương phế binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã đóng góp xương máu và một phần đời mình trong cuộc chiến. Cầu chúc tất cả các anh chiến sĩ may mắn sống còn trong cuộc chiến, được hưởng cuộc sống an vui nơi xứ người và cũng không quên cầu chúc những cựu quân nhân, thương phế binh còn lại quê nhà luôn được bình an.
Hoạt cảnh giải vây Tết Mậu Thân 1968
Kỹ thuật chỉ huy pháo pháp như “đề lô” (delo pháo binh), thám thính mục tiêu tính toán tọa độ, trinh sát định vị mục tiêu tác xạ sao cho chính xác, chỉnh chu. Trong binh pháp chiến đấu “Tiền Pháo Hậu Xung“, đơn vị Pháo Binh sư đoàn 2 yểm trợ trận đánh đã chiến thắng vẻ vang ở mặt trần Sa Huỳnh. Một bài viết đã tường thuật công lao của Đại tá Lê Thương, trong Việt Báo, tựa đề “Pháo Thủ Sư Đoàn 2 Bộ Binh Tại Mặt Trận Nam Quảng Ngãi”, ngày 01/09/1999, do phóng viên Vương Hồng Anh, Mặt trận Nam Quảng Ngãi tháng 2/1972: ghi nhận như sau:
Trong loạt bài viết về trận tấn công của CQ vào hải cảng Sa Huỳnh, (phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, gần Quốc lộ 1) vào ngày 28 tháng 1/1973 ngay sau khi Hiệp định ngưng bắn có hiệu lực. Chúng tôi trình bày sơ lược về chiến tích yểm trợ hỏa lực của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh trong cuộc tổng phản công tái chiếm Sa Huỳnh. Đây là cuộc hành quân do bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 BB khởi động với nỗ lực chính là trung đoàn 5BB, tiểu đoàn 2/ trung đoàn 4, thiết đoàn 4 Kỵ binh thuộc Sư đoàn và liên đoàn 1 Biệt động quân tăng phái. Chính trong cuộc hành quân này, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã đóng góp đáng kể trong chiến thắng chung tại mặt trận Sa Huỳnh. Các trận hỏa công của pháo thủ Sư đoàn 2 BB đã được ghi vào chiến sử Pháo binh VNCH.
Tại chiến trường Nam-Tín-Ngãi (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi), trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã yểm trợ hỏa lực cho trung đoàn 5 Bộ binh tại mặt trận Quế Sơn. Cuối tháng tháng Giêng 1973, khi CSBV tung quân tấn công cường tập hải cảng Sa Huỳnh, vi phạm lệnh ngưng bắn của Hiệp định Ba Lê (có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 11/1972), bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 BB đã điều động cùng một lúc 2 tiểu đoàn Pháo binh 105 và 155 ly, đồng bộ yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 5 Bộ binh và Liên đoàn 1 Biệt động quân 12 phản công tái chiếm Sa Huỳnh, tổng số đạn tiêu thụ trong trận đánh này lên đến trên 200 ngàn quả, mở một kỷ lục cho Pháo binh QLVNCH.
* Pháo binh sư đoàn 2 Bộ binh và trận chiến Sa Huỳnh:
Pháo binh QLVNCH tác chiến
Dựa theo tài liệu của cựu đại tá Lê Thương, nguyên chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, đối chiếu với một số bài viết trong tạp chí KBC và tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, diễn tiến về các trận pháo chiến và pháo yểm trợ của Pháo binh Sư đoàn 2 BB tại mặt trận Quảng Ngãi được tổng hợp như sau:
Như đã trình bày, trong 12 ngày đầu của cuộc hành quân, các đơn vị bộ chiến đã gặp sự kháng cự quyết liệt của CQ, địch đã lập các cụm chốt kiên cố liên hoàn trên các lộ trình đến Sa Huỳnh, đồng thời sử dụng đủ loại đại pháo, hỏa tiển chống chiến xa AT 3 để ngăn chận các mũi tiến quân của lực lượng bộ chiến VNCH, nhất là ở hướng tiến quân của trung đoàn 5 BB từ phía Tây Quốc lộ 1. Trước tình hình đó, ngày 9 tháng 2/1973, trung tướng Ngô Quang Trưởng – tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1, đã bay đến bộ tư lệnh hành quân của Sư đoàn 2 Bộ binh để đôn đốc sự phản công. Trung tướng Trưởng đã ra lệnh thẳng cho đại tá Lê Thương chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh (gồm 3 tiểu đoàn 105 ly, 1 tiểu đoàn 155 ly) là phải tập trung tất cả phương tiện hỏa lực của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh, yểm trở mạnh mẽ cho các đơn vị bộ chiến tái chiếm gấp Sa Huỳnh trong vòng 7 ngày, trước khi Ủy hội Quốc tế đến giám sát và kiểm tra về sự vi phạm của Cộng quân.
Sau khi nhận lệnh của trung tướng Trưởng, ngay trong chiều ngày 9 tháng 2/1973, đại tá Lê Thương đã cho điều động hai tiểu đoàn Pháo binh với 6 pháo đội tác xạ (18 khẩu pháo 105 ly và 16 khẩu pháo 155 ly) khai triển đội hình để yểm trợ các đơn vị bộ chiến tấn công địch quân, tái chiếm các vị trí trọng điểm ở Sa Huỳnh, trong đó có hải cảng và căn cứ hỏa lực tại đây. Cũng cần ghi nhận rằng, theo tổ chức, lực lượng Pháo binh cơ hữu của mỗi sư đoàn Bộ binh gồm có: 3 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, 1 tiểu đoàn Pháo binh 155 ly, có thể được tăng cường 1 pháo đội 175 ly của Pháo binh Quân đoàn. Trong cuộc hành quân tái chiếm Sa Huỳnh, ngoài hai tiểu đoàn Pháo binh được sử dụng làm nỗ lực chính trong kế hoạch hỏa tập, trong giai đoạn đầu từ ngày 28/1/1973 đến ngày 9/2/1973, sự yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân được bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh phối trí như sau:
– Tiểu đoàn 21 Pháo binh yểm trợ trực tiếp cho liên đoàn 1 Biệt động quân tiến chiếm các mục tiêu Đông Quốc lộ 1, dọc theo bờ biển.
– Tiểu đoàn 22 Pháo binh yểm trợ trực tiếp cho trung đoàn 5 Bộ binh tiến quân tái chiếm các cao điểm phía Tây Quốc lộ 1.
* Các trận hỏa công của Pháo binh Sư đoàn 2 BB:
Diễn tiến kế hoạch hỏa yểm của Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh đã được cựu đại tá Lê Thương kể lại trong một bài viết được phổ biến trong tạp chí KBC với nội dung như sau:
Ngày 9 tháng 2/1973, tại phòng họp hành quân của trung đoàn 4 ở Đức Phổ (bộ chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 2 BB cũng đặt tại đây), sau khi nghe trình bày xong tình hình, trung tướng Ngô Quang Trưởng – tư lệnh Quân đoàn 1 đã hướng thẳng vào tôi và ra lệnh: “Tôi giao cho anh trách nhiệm, làm sao tôi không cần biết, tập trung tất cả phương tiện hỏa lực mà anh có thể có, đạn không hạn chế, bảo đảm cho quân bạn tiến gấp chiếm Sa Huỳnh. Chúng ta chỉ còn 7 ngày thôi. Phái đoàn Quốc tế đình chiến đang nằm chờ tại Đà Nẵng.” Sau lời “vâng” của tôi, trung tướng Trưởng hỏi có cần gì không. Tôi trả lời chỉ xin bộ Chỉ huy Tiếp vận tiếp tế đạn dược trực tiếp đến vị trí súng cho chúng tôi. Đây là một lệnh ban hành sai nguyên tắc, vì đúng ra phải qua chuẩn tướng Nhựt, người chỉ huy trực tiếp của tôi. Tôi cũng không lạ gì, vì tôi đã nhận những lệnh loại như vậy khi tôi phục vụ tại Sư đoàn 1 BB, chỉ vì yếu tố lòng tin vốn có. Cũng là dịp tốt cho tôi thực hiện được khả năng của mình và ý chí quyết tâm giúp quân bạn thành công.
Ngay chiều hôm đó là một sự điều động Pháo binh dồn dập, và hôm sau (ngày 10/2/1973), hai tiểu đoàn thống nhất đồng bộ do chính hai tiểu đoàn trưởng chỉ huy, đó là thiếu tá Thái Thanh Hội và thiếu tá Trần Thanh Hào với 6 pháo đội tác xạ được dàn ra. Từng đoàn xe có móc hậu lớn (Lowboy) chở đạn đến chiến trường. Hầu hết các tác xạ đều thực hiện đồng thời (TOT: target-on-time), bất ngờ như B 52 thả bom. Từ đó danh từ B 53 đã được trung đoàn 5 BB đặt tên khi xin yểm trợ để đối đầu với sự tăng cường của địch từ hướng Tây. Có lần chính đích thân trung tá Võ Vàng – trung đoàn trưởng, liên lạc thẳng, kêu gọi tác xạ khẩn cấp vì địch quá đông. Địch từ hướng Tây đang nỗ lực tăng cường cho cuộc chiến. Pháo binh làm hết sức mình để đáp ứng nhanh nhất và hữu hiệu nhất.
Cứ tưởng tượng rằng mỗi yếu tố chỉ bắn hai quả/khẩu để bao trùm mục tiêu nhanh nhất. Mỗi pháo đội bắn 9 yếu tố bao trùm 300 x 300 mét. Mỗi tác xạ TOT với 6 pháo đội tiêu thụ 648 quả đạn có thể bao 300 x 1800 m, hoặc 600 x 900 mét, hoặc thu hẹp hơn tùy mục tiêu và cách sắp xếp. Điều đáng nói là 34 quả đợt đầu rơi đồng loạt rồi kế tiếp liên hồi bắn nhịp độ nhanh nhất để địch không thể tìm nơi ẩn núp. Nếu đúng chỗ, địch khó mà thoát thương vong. Nếu chỉ có một pháo đội, dù bắn đến 5 ngàn quả, hiệu quả vẫn chưa bằng.
Chiến thuật này còn gây cho địch tình trạng tâm lý hoang mang thường trực, tinh thần phải luôn luôn đề phòng lo sợ. Hễ nghe súng nổ bất kỳ từ đâu, bất kỳ ai bắn, cũng đều run. Về phần Pháo binh, việc thực hiện không phải là đơn giản. Phải có sự tự tin vào khả năng vì rất dễ bắn nhầm vào quân bạn. Chẳng hạn phải có công tác địa hình chính xác, yếu tố bắn phải tính kỹ không sai, và khi bắn, vô tuyến im lặng hoàn toàn để nhận lệnh ngưng bắn kịp thời khi bất trắc. Có lần đã cho kinh nghiệm, địch lợi dụng bắn cùng lúc để cho ta tưởng bắn lầm mà ngưng tác xạ.
Ở đợt tấn công cuối vào thị trấn Sa Huỳnh, từ trực thăng bay dọc bờ biển, tôi đã điều khiển bắn ba đợt hơi cay xen kẽ với ba đợt đạn nổ vừa cao, vừa chạm, vừa chậm, bao trùm suốt triền núi phía Tây, quyết diệt địch không cho cơ hội ẩn náu, bảo đảm an toàn cho quân bạn chiếm Sa Huỳnh. Đa số súng lớn và phòng không đã đặt tại khu vực này. Cùng hôm đó, nhìn ra biển tôi thấy một hàng rải rác mấy trăm thùng phuy màu đỏ gạch, chắc đựng xăng, và nhìn kỹ bằng ống nhòm xác định được vô số bao cùng màu nước biển. Sau này xác nhận là gạo bao loại 100 ký bọc hai lớp ny lông, vừa khỏi thấm vừa dễ nổi.
Hoạt cảnh dánh chiếm Sa Huỳnh.
Những ngày cuối của cuộc hành quân, trong phòng thuyết trình Sư đoàn, mọi người hân hoan chia xẻ niềm hãnh diện của chúng tôi khi nhìn tổng số đạn dược được tiêu thụ ở con số khinh khủng, trên 200 ngàn quả, kể cả hải pháo, một kỷ lục suốt mọi chiến trường Việt Nam. Xử dụng cùng một lúc trọn hai tiểu đoàn Pháo binh đồng bộ yểm trợ trực tiếp cũng là một kỷ lục của Pháo binh VNCH trong thời chiến.
Ngày 15/2/1973, Quốc lộ 1 khai thông một ngày trước hạn định. Đoàn xe dân sự dài mấy cây số, chờ đợi cả nửa tháng nay vui mừng lăn bánh trở vào Nam. Ngày 16 tháng 2/1973, trung tướng Ngô Quang Trưởng tư lệnh Quân đoàn 1 dẫn phái đoàn Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến chứng kiến, sau đó dạo một vòng thăm tỉnh Bình Định (phía Nam Sa Huỳnh) trước khi trở về Đà Nẵng.
Về chiến lợi phẩm, chỉ kể riêng súng lớn, có 8 khẩu phòng không 12 ly 8, một khẩu 14 ly 5, một súng không giật 75 ly, và đặc biệt một hỏa tiễn AT 3 còn nguyên vẹn và mới tinh, xăng và gạo dân chúng ra biển tha hồ vớt về dùng. Hai cánh quân thâu lượm chiến lợi phẩm nhiều nhất là liên đoàn 1 Biệt động quân và tiểu đoàn 2/4. Nếu ai muốn đặt vấn đề công lao, ai nhiều ai ít, thì người pháo thủ xưa nay ít can dự, vì thông cảm với sự hy sinh của những chiến hữu dùng hai chân cuốc bộ, dơ ngực ra đỡ đạn quân thù. Khi chiến thắng xong, thông thường ít có cấp chỉ huy nhắc công lao pháo thủ. Riêng trận chiến này, chúng ta hãy xét kỹ và cho đó là một thắng lợi chung.
Cũng theo lời đại tá Thương, trước khi có quyết định của trung tướng Trưởng cho trung hỏa lực để yểm trợ cho các đơn vị tái chiếm SA Huỳnh, ông đã đề nghị với chuẩn tướng Nhựt – tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, cần phải hy sinh một vài nơi khác, tập trung hỏa lực cho cuộc hành quân tái chiếm Sa Huỳnh; nhưng chuẩn tướng Nhựt do dự rồi bỏ qua vì tình hình chung lúc đó nơi nào cũng căng thẳng cả.
*Trong tiệc hôm nay, cũng có sự hiện diện của cựu chiến sĩ khóa 1 Chiến Tranh Chính Trị – nhà văn, nhà báo và nhiếp ảnh gia Vương Trùng Dương. Anh đã lưu lại những hình ảnh đẹp và mang đầy ý nghĩa trong bài viết “Chiến Hữu… Của Mùa Xuân”. Kiều My chân thành cảm tạ Nhiếp ảnh gia Vương Trùng Dương.
Nhạc Xuân và Dạ tiệc
Tiếng nhạc rộn ràng của mùa xuân lại trổi lên. Ban tù ca Xuân Điềm đã mang đến niềm phấn khởi cho mọi người qua ca khúc Xuân Quê Hương. Tiếp đến là một giai điệu vui tươi, thoang thoảng hương vị ngày Tết miên man qua khúc nhạc Đón Xuân được trình bày bởi Ngũ Long Công Chúa: Lan, Mai Bích, Loan, Anh (những ái nữ của cựu đại tá Lê Thương) Giữa muôn cánh mai vàng rực rở với những bao lì xì đỏ treo lủng lẳng trên những cành cây, là những nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống; khiến trong tâm hồn người cảm thấy nao nức như những ngày còn thơ.
Đặc biệt hôm nay có sự hiện diện của Linh mục Vũ Minh, ngài là Tuyên úy của Không quân, đã ban phép lành cho thức ăn và tạ ơn thực phẩm mà Thiên Chúa ban cho. Giờ đây bắt đầu phần dạ tiệc! Những món ăn thơm ngon bốc khói được nhân viên phục vụ dọn lên bàn, trông hấp dẫn làm sao! Quan khách vừa thưởng thức món ăn, vừa nghe nhạc và được xem những màn hoạt cảnh rất linh động do ban hậu duệ QLVNCH thực hiện, vô cùng thích thú!
Văn nghệ chủ đề LÍNH và XUÂN
Bản Lục Quân Hành Khúc trong điệu quân hành rất đỗi hùng hồn, do hậu duệ QLVNCH trong những bộ quân phục của 6 binh chủng trình bày đầy khí thế hào hùng:
“…Muôn bóng quân Nam chập chùng
Xây thành vinh quang tiếng vang
Muôn đời Lục Quân Việt Nam”
Âm vang kiêu hùng của bản nhạc “Lục Quân Hành Khúc” gợi lại một thuở oanh liệt của QLVNCH, đã lập nên những chiến công hiển hách vang danh muôn đời trong quân sử như: trận Tết Mậu Thân, Cổ thành Quảng Trị, Sa Huỳnh, Bình Giã, Khe Sanh, Hạ Lào, v.v…
Màn hoạt cảnh “Anh Không Chết Đâu Em” với giọng ca đầy xúc cảm của ca sĩ Trần Hào Hiệp, là nhạc trưởng của ban nhạc, phối hợp với ban hậu duệ QLVNCH đồng diễn…Mang đến nỗi xúc động dào dạt trong tâm hồn của những người đã từng sống trong thời chiến. Là những người đã trải qua hay chứng kiến cảnh chia lìa của những đôi uyên ương bằng nước mắt, hay vành khăn sô trên đầu của những góa phụ trẻ và những đứa con thơ dại. Đây là một thảm cảnh trong thời chiến mà nhiều gia đình phải hứng chịu niềm đau mất mác người thân yêu.
Ánh sáng trong khánh phòng đã dịu hẵn, làm nổi bật những ánh đèn lập lòe như những con đom đóm trên tay các con cháu của cựu đại tá Lê Thương qua màn hoạt cảnh You Raise Me Up. “You Raise me Up” là bài Thánh ca (Gospel ballad) do Rolf Lovland viết nhạc và Brendan Graham phổ lời. Ca khúc này dựa trên một câu chuyện rất đẹp về tâm linh giữa Thiên Chúa và chàng trai trẻ. Nhưng qua hoạt cảnh của những con cháu cựu đại tá, để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với đấng sinh thành qua bao năm gian khổ nuôi con cái khôn lớn, đã gây xúc động trong lòng người. Tiếng hát đồng ca cất lên qua ánh nến lung linh:
“…Cha nâng đỡ con, vì vậy con có thể đứng trên những đỉnh núi
Cha nâng đỡ con, để con có thể đi trên biển giữa trời giông bão
Con mạnh mẽ khi dựa vào bờ vai cha
Cha nâng đỡ con, khiến con vượt lên hơn cả chính mình”
***
You raise me up, so I can stand on mountains
You raise me up, to walk on stormy seas;
I am strong when I am on your shoulders
You raise me up…To more than I can be.”
Ngũ Long Công Chúa xướng ca bản Quê Mẹ”
Sau đó, Ngũ Long Công Chúa xướng ca bản Quê Mẹ, một sáng tác của cố nhạc sĩ Thu Hồ để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố. Các nàng công chúa rưng rưng nước mắt khi hát bản này. Tôi cũng đã chạnh lòng, nhớ lại những ngày vượt biên tạm cư ở Singapore, tôi thường hay nghêu ngao bản Quê Mẹ…Tôi nhớ khôn xiết đến gia đình, cha mẹ, chị em, những bạn hữu và quê hương…mà nước mắt cứ tuôn rơi!
“Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…”
Sau đây là lời tâm tình của ái nữ Đại tá Lê Thương:
Chúng con xin kinh chào quý Bác, quý Cô Chú, và toàn thể quý vị đến tham dự tiệc mừng Đại Thọ của thân phụ chúng con hôm nay. Sự hiện diện của quý vị nói lên tấm lòng quý mến dành cho gia đình chúng con. Đặc biệt cho Ba chúng con, cựu Đại Tá Lê Thương, là một người bạn, một vị chỉ huy, đã cùng đồng hành sát cánh với các chiến sĩ VNCH bảo vệ quê hương trên khắp các vùng miền Trung Việt Nam đầy khói lửa trên hai thập kỷ, cho đến ngày 30/4/1975. Rồi bị giam giữ nghiệt ngã trong lao tù Cộng sản suốt 13 năm, cùng với nhiều vị sĩ quan trong quân lực VNCH sau ngày mất nước…
Một vị sĩ quan phục vụ dưới sự chỉ huy của Ba trong SĐ2BB là chú Phạm Đình Long trên Minnesota cho biết chú ấy RẤT TIẾC không vể Cali dể chúc mừng Ba, vì chú trải qua cuộc giải phẫu tim. Chú viết trong email:
“Tôi hãnh diện niên trưởng Lê Thương CHTPB/SD2BB kiêm nhiệm Trung tâm trưởng trung tâm Phối hợp hỏa lực đã ở bên cạnh anh em chiến sĩ chiến đấu cho tới phút cuối cùng khi chiến tuyến Phan Rang thất thủ. Từ đó đến nay tôi không được gặp niên trưởng nữa.Tôi bị bắt cùng một số chiến hữu khác. Tôi đã được đi cùng với Chuẩn tướng Sang và VC đã áp giải ra đất Bắc. Trong khi Đại tá Lê Thương vẫn theo Sư Doàn vào tử thủ tại Phan Rang. Tôi rất kính trọng Đại tá Lê Thương đã không rời bỏ anh em chiến hữu vào phút cuối cùng. Đáng ngả nón cúi đầu và trân trọng.”
Thưa Ba, theo con đây là món quà cao quý chú Long gửi đến Ba: “Một vị chị huy trong cơn nguy khốn, đã không bỏ thuộc cấp”. Con cám ơn Ba về nguyên tắc này.
Thưa quý vị, theo Tổng thống Abraham Lincoln cho cảm nghĩ là: “Hãy vinh danh những người chiến binh xả thân cho quê hương xứ sở chúng ta, những người lính dũng cảm gánh vác giang sơn đất nước. Ngoài ra, hãy tôn vinh những người đồng đội lo lắng cho những người chiến sĩ dồng đội của mình trên các mật trận mà ông ta đã cật lực phục vụ cho một mục tiêu lý tưởng như vậy”.
Thưa quý vị,
Từ thuở bình minh trong lịch sử con người, sống thọ là Thiên tước tức là tước vị Trời ban cho – 70 năm được kể là thọ, 80 năm là thượng thọ. Thân phụ chúng con nay đã được 98 niên tuế, mà trong thời đại này, được kể vào thành phần “cổ lai hy”.
Tiệc mừng hôm nay, cũng như bao gia đình khác, chúng con đã mạn phép tổ chức để mang tâm tình tạ ơn công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mừng Cha đại thọ, chúng con tưởng nhớ Mẹ, người đã về miền miên viễn lìa xa chúng con hơn 3 năm trước. Mừng thọ cha mẹ, ông bà là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn xưa của người Việt Nam, thể hiện đạo lý làm người mà chúng con muốn nêu gương cho con cháu mai sau.
“Dẫu con đếm được cát sông
Làm sao đếm được tấm lòng mẹ cha”.
Người ta nói rằng trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ, và tấm lòng của Cha. Đúng như thế, Cha là ngọn Thái Sơn hùng vĩ, là điểm tựa vững vàng cho chúng con giữa dòng đời nổi trôi với bao gian nan thử thách.
Trong ngày trọng đại hôm nay, chúng con xin phép dâng kính Cha chúng con lời thơ của nhân gian:
“Tuổi già chí vẫn sáng tươi
Sống vui, sống khỏe, sống đời thanh tao
Cõi xuân tuổi hạc càng cao
Cây bền, gốc vững thắm bao nhiêu cành
Nhờ cây muôn lá tươi xanh
Xum xuê tỏa bóng, mát cành cháu con”
Quý vị hiện diện nơi đây cùng với Nhóm NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN để chia sẻ niềm vui với gia đình chúng con, cũng như chứng kiến việc làm nhỏ bé này, nhưng gói trọn trái tim chúng con trong việc tỏ lòng đền đáp công ơn của Đấng Sinh Thành.
oOo
Xin chân thành cảm tạ sự hiện diện cùng với tấm lòng ấm áp của toàn thể quý vị.”
Phần cắt bánh và Chúc thọ
Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương
Chiếc bánh sinh nhật 98 được cắt ra để chia sẻ những vị thơm ngon ngọt bùi cho mọi người sau khi ban nhạc trổi lên…Happy Birthday to you…Happy Birthday to you…rất vui nhộn. Từng người đại diện của nhóm, đến chúc mừng cựu đại tá Lê Thương những lời chúc tốt đẹp nhất và chụp ảnh lưu niệm với ông.
Sau đó, ban hậu duệ QLVNCH kết hợp với đội Biệt Kích biên phòng trong màu áo trận, trình diễn màn hoạt cảnh Chiến Sĩ Vô danh, sáng tác của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Thêm một lần nữa, những chiến sĩ oai hùng đã gây xúc động mãnh liệt trong lòng người, khiến nước mắt lại lưng tròng! Chiến Sĩ Vô Danh là ai? Là “Những anh hùng không tên tuổi. Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông” …Họ đã gục ngã không toàn thây trên chiến trường đẫm máu, đã hy sinh mạng sống mình cho đất nước, mà tên tuổi chưa được một lần ghi danh trong quân sử. Trong giây phút bồi hồi… nghe trong tôi một dấu “lặng”… âm thầm…!!!
…”Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh
Dạ Vũ
Để xóa đi những khoắc khoải trong lòng, giai điệu của nhạc khiêu vũ vang lên…lôi cuốn vô cùng! Từng cặp dìu nhau ra sàn nhảy, lả lướt theo từng điệu nhạc: Pasodoble, Rumba, Chachacha, Twist, Tango, Slow Rock…Môn khiêu vũ chẳng những có ích lợi đơn thuần về thể chất, mà còn giúp cho tinh thần được sảng khoái, ngoài ra còn giúp ích cho việc trị bệnh. Vì thế, nhiều người thích bộ môn này, được xem như môn thể dục thể thao lành mạnh cao cấp cho mọi lứa tuổi, và sẽ còn yêu chuộng mãi theo thời gian.
Ngày Birthday 98th chúc mừng cựu đại tá Lê Thương
Trời đã vào đêm và cuộc họp mặt đã tan. Mọi người từ giả ra về. Chắc hẵn trong ký ức từng người sẽ ghi lại những hình ảnh, cũng như những kỷ niệm đậm nét trong buổi tiệc Mừng Xuân và Thượng Thọ của cựu Đại tá Lê Thương đêm nay. Tiệc đã kết thúc! Nhưng dư âm về lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha ông, là cựu Đại tá Lê Thương, sẽ còn mãi vang vọng trong lòng người. Mặc dù sống ở hải ngoại, nhưng gia đình của cựu Đại tá vẫn duy trì văn hóa đạo đức Việt Nam – là sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đây là niềm an ủi và cũng là nguồn hạnh phúc vô biên dành cho cựu Đại tá Lê Thương trong tuổi hoàng hôn vậy! Cầu chúc ông Phước như Đông Hải, Thọ tựa Nam Sơn!
Kiều My
Xuân Giáp Thìn 2024.