Dương Hồng Anh,  Văn Thơ

ĐẦU XUÂN ĐỌC THƠ CỦA NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH TRÊN NHẬT BÁO VIỄN ĐÔNG, BÀI VIẾT CỦA KÝ GIẢ THANH PHONG

Mời vào xem:
http://m.viendongdaily.com/dau-xuan-doc-tho-mau-thoi-gian-cua-nu-si-duong-hong-anh-XfIbSXBl.html
“Tuổi đời nay đã chín mươi
Vẫn vui với cảnh với người chung quanh
Vẫn làm thơ ngắm trời xanh
Vẫn đi dưới nắng một mình ngâm nga”

Tám câu thơ lục bát trên là một đoạn trong bài thơ “Hai quê hương một trời Tâm Sự” của nữ sĩ Dương Hồng Anh, nói lên tâm trạng lạc quan yêu đời và dòng thơ vẫn luôn chảy trong người của bà, một nữ sĩ nay đã 91 tuổi đời nhưng sức sống dẻo dai và một tinh thần minh mẫn ít người có được. Nữ sĩ Dương Hồng Anh không xa lạ gì với những người yêu thơ vì bà đã làm thơ và xuất bản tập thơ “Hương Mùa Chinh Chiến” chung với các nhà thơ Minh Tân, Tuyết Lan, Minh Đức từ năm 1952 tại Hà Nội.

Sau các tập thơ Hương Mùa Chinh Chiến, Từ Phương Trời Xa, Chiều Bến Đợi, Tiếng Thầm, Đôi Bờ Thương Nhớ, Mầu Trăng Thuở Ấy, Sợi Nhớ Sợi Thương, Tình Thu, Vương Vấn Hồn Quê, Nguồn Cội và tập thơ thứ 11 là Mầu Thời Gian. Mầu Thời Gian gói trọn 102 bài thơ mới sáng tác.

Ngoài ra, có 5 bài thơ của nữ sĩ được các nhạc sĩ Võ Tá Hân, Chương Lương, Lâm Dung, Trương Huy Tùng, và Trần Chương Lương phổ nhạc kèm theo những bài giới thiệu về tác giả của các văn thi hữu như Bùi Bích Hà, Huy Trâm, Trần Việt Hải, Hoàng Minh Chân, Nhật Thịnh, Trần Ngọc Quỳnh, Chinh Nguyên, Trịnh Mân, Tô Dũng, Trần Minh Trí...

Nữ sĩ Dương Hồng Anh, theo thế thứ họ Dương, bà tên là Dương Nguyệt Anh, ái nữ của cụ Dương Tự Tám. Bà sinh năm 1931 tại Hà Nội là cháu nội trực hệ của cụ Dương Khuê, một danh sĩ nổi tiếng của đất Hà Thành từ thế kỷ 19. Theo nhà văn Việt Hải cho biết, Cụ Dương Khuê xuất thân trong một gia đình Nho gia vọng tộc, làm quan thời nhà Nguyễn và rất mực thanh liêm. Năm 1897 không chấp nhận chính sách cai trị của Chính Phủ Bảo Hộ, cụ xin từ quan lúc mới 58 tuổi, được ban tặng hàm Thượng Thư Bộ Binh. Cụ mất năm 1902. Nghe tin bạn thân ra đi, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Khóc Bạn”. Bài thơ đã được ghi vào Văn Học Sử. Khi đọc hai câu đầu của bài thơ:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta....” 

Ai cũng biết bác Dương là cụ Dương Khuê mà Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã khóc thương... Dòng họ Dương của cụ Dương Khuê đều là những bậc nho nhã, có lòng yêu nước thiết tha và đặc biệt rất giỏi văn chương, thi phú. Trong số các cháu nội của cụ Dương Khuê có những người nổi tiếng như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, nhạc sĩ Dương Thụ, thi, nhạc sĩ Dương Hồng Kỳ, bác sĩ tim mạch Dương Hồng Tạo và nữ sĩ Dương Hồng Anh. Với một danh gia vọng tộc đáng quý như vậy nên thơ của thi sĩ Dương Hồng Anh luôn phảng phất nỗi hoài niệm về cố hương, niềm thương nhớ, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ cố nhân:

“Nắng tàn hiu hắt tóc pha sương
Đất khách xa mờ bóng cố hương
Mẹ ơi! Mẹ hiện thân hiền đức
Mẹ ở nơi nào, Mẹ ở đâu? (đoạn cuối bài Ngày Giỗ Mẹ)

Sau khi lên chùa lễ Phật hôm 30 Tết, nữ sĩ Dương Hồng Anh nghĩ đến cố nhân qua 4 câu thơ:

“Xuân mới về đây, xuân hỡi xuân
Hồn thơ dào dạt đã bao lần
Bao lần khai bút mừng xuân mới
Chén rượu đào nay vắng Cố Nhân” (bốn câu cuối trong bài Rượu Đào Vắng Cố Nhân). 

Không chỉ nhớ thương mẹ, cha; thương nhớ cố nhân, ước mơ của nữ sĩ được trở lại quê hương đang phải xa ngàn dặm:

Tôi vẫn làm thơ dưới nắng mai
Ước mơ đi hết quãng đường dài
Mơ về cố lý xa ngàn dặm
Bát ngát khung trời nắng lụa bay..”
(Ước Mơ) hay mòn mỏi trông ngóng ngày trở về cố hương:

“Tôi bước chân đi giữa sóng đời
Mênh mang tâm sự trải buồn vui
Quê người đất khách thơ hoài niệm
Mong ngóng ngày về, năm tháng trôi....”(Nhớ Trăng Xưa)



Nữ sĩ Dương Hồng Anh (mặc áo dài màu hồng) đang ủng hộ buổi ra mắt sách của nhà văn Khánh Lan hôm 19 tháng 9, 2021. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Không chỉ trải lòng mình trong những vần thơ yêu quê hương, thương cha, nhớ mẹ, mong ngóng ngày trở về thăm lại cố quốc, mà nữ sĩ Hồng Anh còn bày tỏ tâm tình Tạ Ơn với những người bạn hiền, với thân hữu, bạn đọc và những bạn thơ của mình qua bài thơ “Chiều Thơ Nhạc” với 4 câu thất ngôn cuối :

“Cám ơn bè bạn đã cho tôi
Những đóa hồng nhung thật tuyệt vời
Những nụ cười như viên ngọc quý
Cài hoa lên chữ “Tạ Ơn Đời”.

Với 102 bài thơ trong Mầu Thời Gian, chúng tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của nhà văn Chinh Nguyên vể nữ sĩ Dương Hồng Anh: “Phải một thi sĩ già dặn, tâm hồn bao la khoáng đạt mới có thể cảm xúc như vậy. Những cảm xúc ấy rung động một tấm lòng đầy ắp yêu thương, đượm thế thái nhân tình, giàu hoài niệm quê hương, chốn xưa cảnh cũ…”

Tác giả đã khéo chọn bài thơ “Những Gì Còn Lại” để cô động tâm tư, ước vọng của mình và để đánh dấu chấm hết cho tập thơ Mầu Thời Gian:

Những gì còn lại trong tôi
Bình minh vẫy gọi, mây trời lang thang
Đêm khuya một ngọn đèn vàng
Bút thơ làm bạn tri âm mấy mùa
Những gì còn lại trong mơ
Tôi ngồi đọc sách làm thơ cho đời
Nhạc chiều theo gió chơi vơi
Chiều lên khói biếc lá rơi chập chờn
Lá rơi hong nắng hoàng hôn
Con đò năm tháng thả hồn lãng du
Bể dâu trắng biển sương mù
Năm canh dệt mộng sông hồ…gửi ai…?

Cám ơn nữ sĩ Dương Hồng Anh đã gửi tặng chúng tôi tập thơ Mầu Thời Gian. Cầu mong sang năm mới Nhâm Dần 2022, nữ sĩ vẫn được Ơn Trên cho thể xác khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn để tiếp tục làm thơ cho đời và dệt mộng sông hồ gửi cố nhân.

Ký Giả Thanh Phong, nhật báo Viễn Đông