Từ Đứa Bé Đẻ Rơi Đến Bài Thơ Tình Thế Kỷ
Chùa Vân Lỗi nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân. Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa kể đã lan truyền rất lâu ở làng.
Chiều cuối xuân nhạt nắng, từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi đi khoảng 30km về trung tâm huyện Nga Sơn. Từ xa đã dễ dàng nhận thấy ngọn núi Vân Hoàn sừng sững vươn lên giữa đồng bằng.
Nép bên sườn núi, nhìn ra sông Mã, chùa Vân Lỗi nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân.
Được xây dựng từ thế kỷ XIV thời nhà Trần, vách núi của ngôi chùa từng mang tên Sùng Nghiêm Tự này vẫn còn in dấu nhiều bài thơ do tiền nhân để lại.
Nhưng không chỉ thế, 104 năm trước, nơi đây còn gắn liền với sự ra đời của một nhà thơ tên tuổi khá đặc biệt trong văn học Việt Nam: Hữu Loan.
Đứng trên những bậc đá cheo leo lên chùa, ông Nguyễn Hữu Dũng, người sãi giữ chùa, nở nụ cười thân thiện mời chào.
Nghe chúng tôi hỏi thăm về thi nhân Hữu Loan, ông “khoe” ngay: “Tôi gọi nhà thơ là chú, bố tôi với nhà thơ là anh em chú bác ruột. Hồi xưa, ông ấy được đẻ loi (đẻ rơi) ngay cánh đồng trước chùa đây chứ đâu”.
Vừa nói, ông Dũng vừa hướng ra đồng cói xanh xanh trước chùa, phía xa là con sông Mã hiền hòa uốn lượn.
Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa 76 tuổi kể đã lan truyền rất lâu ở làng.
Ban đêm, sư trụ trì Sùng Nghiêm Tự bỗng thấy một vầng sáng vàng lóe lên phía trên núi Vân Hoàn. Rạng sáng hôm sau, một người phụ nữ đang làm đồng phía trước chùa lên cơn đau đẻ bất ngờ. Lê vào tới thềm chùa thì bà sinh rớt con ngay ở đó.
Sư trụ trì ngày ấy nói với người phụ nữ rằng đứa bé con bà rất đặc biệt, hẳn sau này sẽ hơn người. Đứa bé đó chính là nhà thơ Hữu Loan.
Cậu bé Hữu Loan lớn lên với trí thông minh, học đâu nhớ đó càng khiến nhiều người làng tin vào “điềm trời”.
Dù nhà nghèo Hữu Loan vẫn được cha mẹ cho theo con đường ăn học. Để rồi năm 1938, 22 tuổi, con đường học vấn của Hữu Loan tỏa sáng khi đỗ “tú tài Tây” tại Hà Nội, bằng cấp thời ấy rất hiếm người đạt tới.
Chỉ cần có bằng tú tài là đủ để tìm việc trong một cơ quan hành chính đương thời, nhưng cơ hội ấy chưa bao giờ nằm trong ý định của Hữu Loan. Sau khi có bằng tú tài Tây, ông hành nghề dạy học ngay trên quê hương mình.
Trong suốt hành trình chúng tôi tìm hiểu về Hữu Loan, câu chuyện về xuất phát điểm của bài thơ được rất nhiều người kể lại gần như nhau.
Hồi đó ở số 48 Phố Lớn (Trần Phú, Thanh Hóa ngày nay), bà Tham Kỳ (tức Đái Thị Ngọc Chất, vợ ông Lê Đỗ Kỳ, chánh thanh tra Đông Dương về canh nông) mở cửa hiệu tạp hóa bán nhiều loại giấy bút, sách vở.
Là con ông Đái Xuân Quảng (một cử nhân Hán học, từng làm tri huyện), nên bà Tham Kỳ giỏi Hán ngữ lẫn Pháp ngữ, đam mê thơ phú, thuộc nhiều tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc…
Thời gian ở Thanh Hóa học tú tài, Hữu Loan vẫn thường xuyên lui tới cửa hiệu của bà Chất để thỏa mãn niềm đam mê sách vở. Rất quý mến chàng trai con nhà nghèo hiếu học, bà Chất đã mời Hữu Loan về dạy kèm cho ba con trai của mình.
Lần đầu tiên Hữu Loan về nhà bà Chất, con gái thứ tư của bà vẫn còn là cô bé con.
Bẵng đi một thời gian, khi đã là thầy giáo đang dạy Trường Alexandre de Rhodes do nhà thờ Công giáo ở Thanh Hóa lập, Hữu Loan lại được bà Chất mời về nhà dạy cho chính cô con gái này, lúc đó đã là cô bé Lê Đỗ Thị Ninh 8 tuổi.
Một thời gian sau, Hữu Loan tham gia kháng chiến.
Ông Nguyễn Hữu Đán, con trai út Hữu Loan, tâm sự: “Bố tôi kể sau ngày độc lập 2-9-1945, khi đang làm tuyên huấn, cụ đã diễn thuyết vận động nhân dân ủng hộ cách mạng trong Tuần lễ vàng ở Thanh Hóa.
Vô tình thấy cụ đang diễn thuyết, lúc đó là con nhà giàu đeo nhiều nữ trang, mẹ Ninh đã tháo ra hết ủng hộ cách mạng.
Về nhà, mẹ giải thích chuyện không còn vàng bạc với người mẹ là bà Tham Kỳ, rằng: “Mẹ ơi, hôm nay con gặp anh Loan. Anh đọc diễn văn Tuần lễ vàng trước bao nhiêu người, anh thông minh, giỏi lắm mẹ ạ”.
Là phụ nữ, biết “bệnh” tương tư, người mẹ hiểu rõ tâm tình của cô con gái hay nhắc đến “anh Loan”.
Sẵn mối cảm mến đặc biệt với thầy giáo và biết được tình ý của con gái, bà Tham Kỳ đã viết bức thư rồi sai người cậu tên Ngân chuyển vào nơi Hữu Loan đóng quân.
Nội dung nôm na: Cái Ninh nhà tôi nó khen anh lắm, hôm nọ vì anh mà nó tháo hết vàng bạc để ủng hộ cách mạng. Nó nhắc anh suốt. Nếu anh có ưng thì gia đình sẽ gả Ninh cho anh, đồng ý thì anh về sớm…
Cũng chính bà Chất đã kết duyên cho mối tình đầu đời của Hữu Loan. Sau tiêu thổ kháng chiến, khi bà Chất các con về sơ tán ở ấp Thị Long, Nông Cống (cách thành phố Thanh Hóa chừng 30km), Hữu Loan đã xin về phép và có một đám cưới giản đơn nhưng đầy hạnh phúc.
Một đám cưới chân thật như lời thơ của ông:
“Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!”.
Để rồi ba tháng sau đó, người vợ qua đời trong đau đớn.
Một trong những người ở cùng Hữu Loan trong kháng chiến lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Cao từng viết lại thời khắc đau thương nhất của Hữu Loan: “Trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh”.
Và những đau đớn ấy theo suốt đường hành quân xa, những vần thơ bất hủ cứ thế theo dòng cảm xúc của nhà thơ tài ba ra đời.
Sau thời gian “truyền tụng ngầm”, bài thơ Mầu tím hoa sim lần đầu tiên được Nguyễn Bính cho đăng trên báo Trăm Hoa. Không ít ý kiến “quy kết” bài thơ là “thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản”, được xem là nguyên cớ để Hữu Loan rời báo Văn Nghệ về quê lao động, thồ đá nuôi con.
Ở miền Nam, tác phẩm Mầu tím hoa sim được các nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Anh Bằng, Dzũng Chinh phổ nhạc, làm thổn thức biết bao trái tim.
Đến năm 2004, Mầu tím hoa sim được một công ty ở TP.HCM mua tác quyền với giá 100 triệu đồng…