Thơ John Tạ: Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam
Người viết: Vương Thơ Sinh
John Tạ là người bạn thân 30 năm trên nước Mỹ. Anh sang xứ người bươn chải qua nhiều ngành nghề vất vả, rồi qua thời gian anh vươn lên thành công về 2 lãnh vực auto parts và thuốc dược thảo. Nghề thuốc bắc là ngành gốc gia truyền của anh. Gia đình John Tạ gốc Hoa, Anh lớn lên ở Việt Nam vượt biên thành công sang Mỹ, anh kể cho tôi nghe những kỷ niệm vui buồn ở quê nhà khi xưa. Việt Nam là quê hương canh cánh trong tâm thức của anh. Nay ở luống tuổi chuẩn bị về hưu, tuổi về chiều, càng về chiều anh nhớ Việt Nam hơn.
Gần đây, anh sáng tác một bài thơ, những ý tưởng tạo nên thơ xuất phát từ con tim: “Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam”. Bài thơ được nghệ sĩ Chí Tâm phổ thành nhạc. Nhạc mang nét đặc sắc của thể lọai “folk ballad” như kể chuyện (music of storytelling, musique à raconter, musique comme les contes). Bản ballad này là một bài hát kể một câu chuyện, và nó diễn tả nỗi nhung nhớ quê hương.
Sau đây là phần giới thiệu về thi phẩm và lời của bài thơ được chuyển sang thể nhạc…
Nỗi lòng ly hương nhớ quê cũ.
Quê hương luôn là nguồn cảm hứng thi ca bất tận của những nhà văn, nhà thơ trong mọi thời đại. Tình cảm đối với nơi được gọi là quê hương, linh thiêng không gì có thể thay thế được, que hương trong nỗi nhớ được chữ nghĩa ghi chép bằng những câu chữ đượm tình quê hương. Nó là nỗi niềm khắc khoải, chất chứa trong lòng, những kỷ niệm bỗng dưng hiện về trong trí tưởng cũng đủ khơi gợi tâm hồn nhạy cảm, hoài niệm về nơi quê xưa chốn cũ. Tình cảm thuần túy đó đã được thể hiện trọn vẹn trong thi phẩm của thi nhân
John Tạ qua bài Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam.
Do vậy, đi xa hơn trong ý tưởng, tình yêu với quê hương bắt nguồn từ những xúc cảm từ con tim. Nỗi xúc cảm dạt dào với quê hương được gói gọn trong từng câu thơ, hay lời nhạc, ví dụ như nhạc sĩ Frédéric Chopin dâng nỗi niềm nhớ quê hương Ba Lan qua nhiều tác phẩm ballad Mazurka; hay trường hợp nỗi nhớ ly hương của ca nhạc sĩ Enrico Macias nhung nhớ quê hương Algerie của ông; hoặc giả khi ta so sánh với bài Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Nỗi xúc cảm của các nhạc sĩ này về quê hương có thể xem như sự tương đồng của nội tâm John tạ.
Mời đọc tiếp:
1/ Chopin sáng tác nhiều bài nhạc nhớ quê hương Ba Lan
Chopin được sinh ra và lớn lên trên đất nước Ba Lan, quê hương của nhiều thể loại âm nhạc, Opera, nhạc đường phố, nhạc trong nhà… Đi nơi đâu cũng có thể thưởng thức những ca khúc Arian và Roman, các điệu vũ Polonaises và Waltzes. Rất nhiều người biết chơi các nhạc cụ như piano, violon, viola, cello,… Thuở niên thiếu, Chopin đã mục kích từ các ngang cùng ngõ hẻm của các làng mạc miền quê Ba Lan, để cậu bé say đắm trong các điệu dân ca, dân vũ. Chopin nhận ra nét hay tự sự của các bản folk ballad Mazurka chứa đựng một nỗi buồn mênh mang mà không thể diễn đạt bằng lời, nhưng lại được bộc lộ một cách giản dị trong âm điệu qua cung đàn dương cầm. Âm nhạc dân gian Ba Lan, đặc biệt là âm nhạc của các loại vũ khúc đã làm rung động tâm hồn non nớt của Chopin, là cội nguồn của những giai điệu đẹp như thơ mà ông sáng tác sau này.
Trong cuộc đời long đong về nghệ thuật âm nhạc của 52 bản Mazurka do ông soạn thành tác phẩm để đời chính là tình yêu quê hương đất nước Ba Lan và khát vọng tự do mà nhạc sĩ đã gửi gắm. Những nhạc khúc ấy của Chopin được công chúng Ba Lan nhìn nhận là một gia tài quý báu của dân tộc. Hãy nghe nhạc bản Frederick Chopin Polish Song ‘Sad river’, Op 74 No 3, Nhạc khúc u buồn Melancholy ballad “Smutna rzeka” (The Sad River, 1831)
Link nhạc Chopin: https://www.youtube.com/watch?v=xFS3WkowqVg
2/ Enrico Macias sáng tác nhạc nhớ quê hương
Gaston Ghrenassia là tên thật của nghệ sĩ Enrico Macias, ông sinh năm 1938 tại Constantine, Algerie trong một gia đình gốc Do Thái và đã học chơi Guitar từ thuở thơ ấu. Gaston Ghrenassia bước vào đời với nghề giáo viên trung học, nhưng năm 1961, chiến tranh độc lập tại Algerie diễn ra dữ dội, vì dính líu vào một vụ ám sát, ông buộc phải rời khỏi Algerie, định cư ở Pháp và vĩnh viễn không bao giờ còn được trở về quê hương. Bài hát “Adieu mon pays” được ông viết trong tâm trạng buồn nhớ quê hương nên có sức truyền cảm rất mãnh liệt.
“J’ai quitté mon pays, j’ai quitté ma maison
Ma vie, ma triste vie se traîne sans raison
J’ai quitté mon soleil, j’ai quitté ma mer bleue
Leurs souvenirs se réveillent, bien après mon adieu
Soleil! Soleil de mon pays perdu…
Enrico Macias: Người nghệ sĩ lưu vong và ca khúc “Adieu Mon Pays” (hay J’ai quitté mon pays).
(Bỏ lại sau lưng Tổ quốc,tôi bỏ lại sau lưng mái nhà xưa
Đời tôi, một đời buồn chán cứ trôi đi chẳng còn ý nghĩa gì
Bỏ lại sau lưng ánh mặt trời, tôi bỏ lại cả đại dương xanh thẳm
Những kỷ niệm trong tôi bừng trỗi dậy, sau những lời tạ từ của tôi.
Mặt Trời, ôi Mặt trời của Tổ quốc xa xôi…)
3/ Nhạc nhớ nhà của Phạm Duy với bài Tình Ca ca ngợi quê hương: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”.
Về hoàn cảnh sáng tác, khi Phạm Duy không chịu được cuộc sống gò bó mất tự do tư tưởng trong chiến khu Việt Minh nên ông bỏ đi. Ông viết Tình ca để biểu lộ nỗi xúc cảm và lòng yêu nước của mình; đồng thời kêu gọi tinh thần ái quốc, đoàn kết ba miền trong bối cảnh đối đầu giữa người Quốc gia-Cộng sản.
Bàn về nội dung phần lời, nhạc phẩm Tình ca nói lên tình quê hương đất nước của một người Việt Nam qua sự phân chia có chủ ý như sau:
Đoạn 1 bày tỏ tình yêu với tiếng Việt, bắt đầu với câu “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”, rồi diễn giải cái ‘tiếng nước tôi’ đó qua tiếng mẹ ru, câu hò, câu hát, tiếng ‘khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’.
Đoạn 2 bày tỏ tình yêu đối với non sông đất nước Việt: “Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh…”, những hình ảnh dãy Trường Sơn, sông Cửu Long, sông Hương, sông Hồng… xuất hiện như vẽ lên một dải đất nước nối liền.
Đoạn 3 bày tỏ tình yêu với con người Việt Nam với “Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu…”, từ những người chân lấm tay bùn mà vẫn hiên ngang “mình đồng da sắt” suốt vài ngàn năm lịch sử đau thương, cho đến những đời Vua chúa nối nhau giành lại độc lập cho dân tộc. Rồi ở cuối mỗi phần lời, Phạm Duy dùng bốn câu thơ lục bát, là thể thơ riêng của Việt Nam.
Lời ca khúc này rất được yêu thích vì tính chất ballad ái quốc, tự sự mới mẻ và ít thấy trong nền tân nhạc. Bên cạnh đó, tác giả còn vận dụng một cách điêu luyện những thủ pháp, hình thức quen thuộc của các thể ca dao dân gian trong văn học dân ca Việt Nam.
Lời Giới thiệu bài – Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam
Tương tự như bài Tình Ca, ta chia thơ ra 3 phân đoạn:
Đoạn 1: Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam Hỡi Tổ Quốc tôi kính yêu
Việt Nam, thật đẹp tuyệt vời ơi cố hương…
Tôi sinh ra nơi vùng bình yên, ôi hoa niên xuân thì hồn nhiên,…
Đoạn 2: (Ly hương) Tôi nhìn lên mây trắng quyến luyến ánh mắt trên trời xanh,
Và nước mắt thầm rơi hướng trông đại dương xanh ngút trời…
Hỡi trùng dương!… tìm đâu mái nhà của tôi?…
Đoạn 3: Lòng mang ơn nặng sâu, Tổ Quốc ơi!…
Tổ Quốc tôi mến yêu Việt Nam, niềm mến yêu tự hào…
Lòng tôi càng yêu Việt Nam mãi không quên…
Quê hương Việt Nam nỗi nhớ… (John Tạ)
Đất nước Việt Nam, nơi đã cưu mang tôi, thuở nhỏ tôi sống hồn nhiên và lớn lên trong tâm thức vô tư theo giòng thời gian trôi chảy…
Bỗng nhiên, cuộc đời tôi lại bị cuốn theo mệnh nước, tang tóc thê lương, ruột thắt lòng đau phải bỏ xứ lìa quê,
trĩu nặng trong tôi ngút ngàn niềm thương, nỗi nhớ…
Rồi một ngày kia tôi rời xa đất nước, vất vả lênh đênh trên đại dương mênh mông xanh thẳm… thuyền ghe mong manh quá làm sao vượt qua với sóng xô bão nổi. Tôi ngước mắt nhìn trời xin ông tha mạng, cứu vớt chúng tôi, đừng nhận chìm chúng tôi dưới lòng đại dương sâu thẳm… bởi vì trong tôi còn ôm ấp những mộng tưởng, những ước mơ, đường tương lai tươi sáng, tạo dựng hạnh phúc ấm no cho người, cho đời, cho dân tộc tôi cùng chung hưởng…
Này bạn ơi!, Quê hương Việt Nam tôi, sông núi hữu tình, nét đẹp quê hương tôi đâu thua gì những danh lam thế giới. Dù hôm nay tôi có sống tha hương nơi chân trời góc biển, tôi vẫn nhớ muôn đời không thể nào quên…
Tôi vẫn mãi mãi yêu Người… “Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam”…
BẢN NHẠC “TÔI YÊU TỔ QUỐC VIỆT NAM”
Phần Thơ Nhạc:
Lời: John Tạ Pricess Life, Chí Tâm phổ nhạc, hòa âm và trình bày.
Tôi Yêu Tổ Quốc Việt Nam Hỡi Tổ Quốc tôi kính yêu
Việt Nam, thật đẹp tuyệt vời ơi cố hương…
Tôi sinh ra nơi vùng bình yên, ôi hoa niên xuân thì hồn nhiên,
Vì đâu ai gây biến thiên, quê hương khói lửa triền miên,
Bao nhiêu nghiệt oan, vô thường vây quanh tử sinh,
Ôi thương cho dân tộc Việt Nam, lòng nặng buồn cho đất nước tôi…
Năm xưa tôi rời xa cố hương…
Tôi nhìn lên mây trắng quyến luyến ánh mắt trên trời xanh,
Và nước mắt thầm rơi hướng trông đại dương xanh ngút trời…
Hỡi trùng dương!… tìm đâu mái nhà của tôi?…
Ác tâm trời mưa lại thêm bão giông, sóng gió dập vùi…
tội nghiệp bao sanh linh, thuyền ghe mong manh đã vở tan rồi…
Hỡi cao sanh!… Cầu xin ông, đừng đem tôi, xa cuộc đời,
về nơi miền xa biển sâu, bởi vì, tôi vẫn… còn bao ước mơ đời tôi…
niềm mơ ước tương lai hạnh phúc thênh thang rộng mở…
trong tôi… còn đợi chờ… *Số kiếp nhân sinh đi qua bao lần gian nan khổ đau?
vững chí tiến bước kiên gan tô đẹp tương lai thêm sáng tươi…
Cho đời, cho người trên thế gian,
Ta cùng, trọn niềm vui chung với nhau, hưởng cảnh an bình lâu dài…
Ha ha… đẹp quá quê hương mến yêu,
Sánh vai trên khắp thế giới, chốn đây tươi đẹp gấm hoa…
Thân tôi dù cho, xa xôi biển trời… niềm nhớ thương, làm sao quên lãng…
Lòng mang ơn nặng sâu, Tổ Quốc ơi!…
Tổ Quốc tôi mến yêu Việt Nam, niềm mến yêu tự hào…
Lòng tôi càng yêu Việt Nam mãi không quên…
Điệp khúc: thêm câu: Hỡi Bạn ơi… * Số kiếp nhân sinh…
June 20, 2019.
———————————————————————————
Los Angeles, 01 tháng 11, 2019.
Vương Thơ Sinh ghi nhận.