Văn Thơ

NHỚ BÀ QUÁ! BÀ ƠI!

Nguyễn Lân

Tôi sinh ra dưới một vì sao xấu. Mới lọt lòng đã phải xa mẹ vì người bị băng huyết, nằm liệt giường. Ngoại ẵm về nuôi nấng từ lúc ấy. Thuở nhỏ tôi là một đứa bé èo oặt lắm bệnh.  Chưa bao giờ tôi được một giọt sữa mẹ! Hệ miễn nhiễm đương nhiên không tốt. Nào thiếu máu, nào lở loét kheo chân, nào hen suyễn! Khoảng sáu tuổi mắt đã có vấn đề, ống thông nước mắt xuống xoang mũi tắc nghẽn nơi khóe mắt trái. Phải thông, phải mổ cũng chẳng khá hơn cho mãi tới ngày nay. Mắt kém, cận thị và loạn thị. Tương lai sẽ còn thêm viễn thị nữa. Bao nhiêu khó khăn săn sóc tôi, ngoại lãnh đủ! Bà vất vả, bà thương cháu nhưng bà không nuông chiều.

Những buổi sớm mùa đông. trời còn chạng vạng tối, mặt trời còn lười biếng chùm mây xám ngái ngủ, tôi đã bị đánh thức dậy. Nếu còn trì hoãn ườn mình trong lớp chăn bông êm ấm, thế nào chăn cũng bị tung ra, một bàn tay phát mạnh vào cái mông bé bỏng teo tóp của tôi kèm theo một giọng sắc lạnh oai nghiêm ra lệnh: “Sáng bảnh mắt rồi! Dậy!”

Những ngày xa xưa ấy sao mà khổ sở thế đối với một đứa bé ốm yếu! Tôi có cảm giác bị hành hạ. Nhất là thỉnh thoảng về nhà ba me chơi đôi ba ngày thấy anh Sáng, chị Minh nằm cuộn trong chăn sung sướng thoải mái dù đã thức giấc, lòng tôi nẩy sinh ra phân bì, ganh tị! Bé nhất nhà sao chỉ mình tôi ở với ngoại bị kỷ luật sắt đá thế? Nhưng nếu me tôi giữ lại chơi lâu, nhất định tôi không chịu, tôi nhớ “nhà”, tôi nhớ ngoại, tôi nhớ những buổi sáng bị đánh thức dậy, ngồi chồm hổm trên giường chờ u già bế xuống phòng ăn dưới nhà húp cháo trắng với đậu kho, món điểm tâm thường nhật. Bà tôi nói: “Ăn đi! Bạch trúc bổ hơn nhân sâm”. Tôi không thích cháo, tôi thèm những viên bơ vàng óng thơm bùi ăn với bánh mì tây nóng dòn, những ly sữa tươi béo ngậy vào những ngày về thăm ba me. Nhưng không bao giờ tôi đòi ngoại những món đó. Ngoại ăn sao tôi ăn vậy. Riết rồi cũng quen.

Ngoại dậy tôi cách húp cháo. Bà khó chịu nghe nghe tiếng “soàm soạp” khi tôi há họng nuốt cháo. Bà nói: “Ăn vậy không được lịch sự, con ạ. Vả lại, ăn uống ồn ào quá nhỡ bị bắt cóc, cướp biết ngay là con nhà có của quen no đủ, đói là thấy thức ăn vơ lấy ngấu nghiến, nó xẻo ta đòi tiền chuộc. Con nhà nghèo húp cháo quen nên ăn uống nhẹ nhàng”. Tôi sợ, đành sửa đổi lại lối ăn cháo. Ngồi vào bàn ăn mà chống tay vào cầm hay tỳ hai khuỷu trên mặt bàn là điều cấm kỵ. Trong khi ăn mà lấy đũa gẩy gẩy ra cái điều thức ăn không ngon hay thọc đũa lùa lùa chọn miếng mình thích là thế nào cũng bị đét vào tay. Hồi nhỏ tôi ngán đến nỗi chẳng thiết ngồi vào bàn ăn nữa. Tôi ốm nhom như que tăm. Bà tôi lại tìm cách “nhồi”. Tôi phải uống máu bò tươi hằng ngày cho đỏ da thắm thịt. Tôi phải nuốt mật rắn để bộ máy tiêu hóa năng hoạt. Mật rắn xanh biếc màu ngọc thạch, to bằng đầu ngón tay cái, vừa chạm vào lưỡi là để lại vị đắng chát, tanh tanh. Tôi được ăn cơm nấu với mỡ cừu cho béo bổ, và cũng để trị bệnh suyễn. Tôi sợ mùi gây gây của mỡ cừu nhưng vẫn phải nuốt vì món cơm này chính tay bà ngoại đút cho ăn. Bà nói: “Đáng lẽ cháu phải nuốt trọng nguyên con thạch sùng để trị chứng hen nhưng bà thấy tội cháu quá. Đến khi lớn mà vẫn còn “kéo cò cử” bà sẽ cho cháu nuốt thạch sùng”.

Nhà ngoại to, hai tầng. Bên hông nhà là garage xe hơi để được một ô-tô và một xe kéo tay. Đó là nơi chú tài xế dạy tôi làm quen với máy móc và anh xe chỉ tôi cách kéo xe điệu nghệ. Phòng khách rộng, chưng toàn đồ Tầu cổ từ thời Khang Hy, Càn Long. Những thống men xanh mầu cẩm thạch nổi hoa văn to bằng cái chum. Cả ba anh chị em tôi chui vào vẫn còn rộng. Những lọ lộc bình da ngà vẽ lan, mai, cúc, trúc màu lam phi yến cao nghệu như muốn vươn tận đến trần nhà. Có lần tôi leo lên nóc tủ chè rồi gắng sức nhẩy tới một lọ lộc bình. Thế là rơi tòm vào bên trong đau điếng, nằm dưới đáy lọ, la lối um sùm. Chẳng có ai trong phòng khách. Cả gần nửa buổi mới có người khám phá ra. Hai anh người nhà vạm vỡ hè nhau nghiêng lọ xuống mới kéo được tôi ra ngoài. Từ đấy bà cấm không cho tôi vào phòng khách một mình nữa.

Tôi chơi trên giường ngủ của ngoại. Chiếc giường gỗ gụ chạm trổ nhiều hình thù ky dị ở đầu, dưới chân và hai bên thành giường những sinh vật nửa người nửa thú nhe nanh giơ vuốt như doạ dẫm. Tôi sợ những hình thù đó nhưng tôi thích cái giường nệm Hongkong lò xo êm ái, tha hồ nhún nhẩy. Thế là tôi leo lên lò sưởi kế cận, nhẩy ùm xuống giường, tưởng tượng đang phóng mình từ ván nhún xuống hồ bơi. Chăn nệm nhăn nhúm nhầu nát. Bà tôi khám phá ra cảnh tượng hỗn loạn và cấm không cho tôi chơi trên giường nữa. Nhưng những gì trong phòng ngủ của bà đều là đồ chơi đối với tôi. Một cái tủ đứng to cao bằng gỗ cẩm lai khắc hình những quái vật nhẩy múa quanh tấm gương hình bầu dục chính giữa. Một cái móc treo áo hình người đầu thú bằng gỗ phương đàn xậm màu. Đồ chơi của tôi đó, một đứa trẻ 5, 6 tuổi. Phòng ngủ của bà cháu tôi chỉ có một cửa sổ dài và hẹp trông ra sân sau um tùm cây lá. Những ngày rực nắng, ánh sáng ùa vào phòng cũng đã khiêm nhường, chỉ lờ mờ thôi đủ để tôi thấy “đồ chơi” và giỡn nghịch những vật này. Những ngày âm u, ánh sáng yếu ớt quá, mơ hồ chẳng thể phân biệt giường, tủ, mắc áo, ghế tựa trong phòng. Nhưng tôi biết chúng ở đâu rồi, cứ mò mà chơi vẫn được.

Khởi đầu, trong khung cảnh âm u kỳ dị của căn phòng, tôi cảm thấy ghê ghê, rờn rợn. Dần dà quen đi. Đã mấy lần tôi lộ vẻ sợ bóng tối, sợ ma, tôi tìm ngoại. Bà nói: “Nhà thờ Phật, ma nào dám đến”. Từ đấy, mỗi lần lủi thủi trong nhà, mỗi lần tâm hồn xao động, tôi lẻn vào phòng thờ Phật, ngắm nhìn pho tượng Di Lặc bằng vàng ròng, mở rộng miệng cười tươi, lòng cảm thấy thanh thản, vững vàng hơn. Phật Di Lặc với cái bụng bự khiến lần nào vào phòng thờ tôi cũng lén ngoại thọc tay vào ngoáy lỗ rốn pho tượng

Tối đến, bà tôi cho thắp nến (đèn cầy) trong phòng ngủ, ánh sáng leo lét nhưng tôi không còn sợ bóng đêm chập chờn, sợ cô đơn nữa. Phòng khách và phòng ăn sáng chưng nhờ đèn “măng xông”. Họa hoằn, tôi tha hồ nghịch trong phòng ăn sau bữa cơm chiều. Đó là những lúc cụ cố tôi (bà cố) thấy khỏe trong mình nán lại trò chuyện với ngoại và âu yếm tôi. Bữa cơm chiều thường có bốn người: cụ cố, bà ngoại, bác Quế, cháu gọi bà tôi là cô ruột và tôi. Anh người làm bưng mâm cơm từ bếp lên nhà trên qua một sân rộng trồng những cây bàng sai trái. Tôi khoái lượm những quả bàng chin vàng thơm ngọt và ăn đến no thôi. Vì thế, bữa cơm chiều tôi không muốn ngồi vào bàn ăn, Tôi uể oải trông thấy. Ngoại bắt tôi ngồi kế cận. Bà không đút tôi ăn nữa, bắt tôi phải tự xúc cơm. Nhai cơm mà như nhai rác trong miệng. Tôi phải ăn hết bát cơm này. Nếu không phải đứng úp mặt vào tường cả mấy tiếng đồng hồ. Nhiều bữa, cụ cố phải năn nỉ bà ngoại tha cho. Những lúc ấy, tôi ghét ngoại vô cùng. Thế mà giờ đây, tôi nhớ ơn ngoại đã rèn luyện cho tôi biết thế nào là kỷ luật và biết miếng cơm là đáng quí.

Lang thang ngoài hành lang trên lầu, tôi tò mò quan sát hai căn phòng bác Quế và cụ cố nằm cạnh nhau, chênh chếch nhìn sang phòng ngủ hai bà cháu. Cửa phòng bác năm thì mười họa mới hé mở những lúc bác về nhà, bên trong bừa bộn. Tôi thầm nghĩ nếu ngoại biết được là bác Quế bị la ghê lắm. Đó là lý do bác khóa cửa phòng khi rời nhà. Phòng cụ cố hấp dẫn hơn với cỗ quan tài (hòm) bằng gỗ hoàng tâm sậm nâu nằm chình ình giữa buồng. Trong ánh nến chập chờn vừa đủ soi tỏ, cụ cố mặc áo vóc đỏ, vấn khăn đoạn màu huyết dụ khiến tôi rùng mình. Y phục cụ tượng trưng cho tuổi thọ. Cụ cố thọ đã gần trăm! Tôi hỏi ngoại tại sao lại bầy quan tài trong phòng, trông phát sợ! Bà trả lời: “Ai rồi cũng nằm trong đó. Con phải làm quen, không khiếp hãi những cái như thế. Người trọng tuổi, theo tục lệ ta, phải có cỗ hậu sự kế bên để lúc ra đi con cháu chuyển ngay vào khi thân thể còn ấm”. Lâu dần, tôi cũng quen với cảnh vật không thích hợp cho tuổi ngây thơ!

Thuở ấu thơ, tôi vui nhất là được u già đưa xuống nhà ngang chơi với mấy người làm. Nhà ngang là căn nhà gạch nhỏ hai tầng cách với nhà gia chủ, bà tôi, bởi cái sân rộng trồng bàng. Tầng trên là phòng bác bếp, chú tài xế và anh xe kéo. Tầng dưới là cái bếp rộng lớn thiết kế theo kiểu cổ xưa. Tôi sung sướng chạy chơi trong bếp này vì với tôi, đó là nơi sáng sủa ấm áp từ những ngày đầu thu cho đến cuối đông. Nhiều nồi niêu, soong chảo, bát đĩa tha hồ mà sờ mó lôi kéo không ai la mắng. Vắng mặt bà ngoại, người ăn kẻ ở đâu dám cấm cản cậu chủ nhãi ranh. Đã tưởng bà không biết, nhưng có lần ngoại nói: “Bà cho con chơi dưới bếp, con phải gọn ghẽ, bầy đến đâu dọn đến đấy, không kiểu công tử bắt người làm hầu mình”.

Đến tuổi học, mẹ mướn cô giáo tới kèm dạy cả ba chị em tại nhà bà ngoại. Tên cô là Hoàng Diệp. Tôi thích tên cô vì tôi mê ngắm lá thu. Chị Minh lớn nhất đọc, viết thành thạo. Anh Sáng cũng đã biết cộng, trừ, nhân, chia. Riêng tôi, mới bắt đầu “ê a” i tờ. Tuy vậy, cô giáo ngán tôi nhất, cô gọi là “bé hạt tiêu”. Cô giáo tôi rất hiền thục. Chỉ một buổi học là tôi biết tính cô. Tôi bắt đầu suy nghĩ những trò trêu chọc.

Một tối ba chị em tôi được bà ngoại dắt đi xem tuồng “Quan Âm Thị Kính”. Sáng hôm sau, khi cô Diệp tới dạy học, tôi hỏi: “Tại sao cô đánh phấn trắng thế? Cô biết Thị Mầu trong tích Quan Âm Thị Kính không? Trông mặt cô bết phấn như y thị vậy”. Cô ngẩn người nhìn tôi, không nói gì. Một bữa chúng tôi được ngoại dẫn đi xem kịch “Bao Công xử án” mặt sắt đen xì. Khi gặp cô, tôi hỏi một cách rất ngây thơ: “Mặt cô trắng bốp thế kia phải lấy Bao Công mặt đen thùi lui  thì mới hòa hợp sinh con bình thường được”. Cô không nói, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Lại một lần, tôi không thuộc bài, sợ quê, làm vẻ suy tư, nói” “Diệp là lá. Hoàng Diệp là lá vàng. Lá vàng là lá rụng. Cô coi chừng mùa thu sắp tới đấy, dám cô “ngủm”! Lần này cô bật khóc. Sau buổi học, chị Minh mách bà. Ngoại mua cây roi mây, đưa cô. Ngoại lớn tiếng: “Cô treo roi mây này trên tường. Đứa nào hỗn, cô thẳng tay quất cho tôi”. Và bà nhốt tôi trong phòng tắm tối om suốt buổi chiều hôm ấy. Tới tối, bà mở cửa, dắt tôi ra ăn cơm. Tới bàn ăn, tôi dằng tay ngoại, lon ton chạy chạy vào đứng ngay chỗ cũ trong phòng tắm. Ngoại theo vào, phát mạnh vào đôi mông bé nhỏ khiến tôi bắn tung ra xa vài thước. Nghiêm giọng, bà ra lệnh: “Ra bàn ăn”. Lì thế, nhưng sợ đau, đành chịu thua bà thôi!

Từ ngày ấy tôi không còn dám “ăn hiếp” cô giáo Diệp nữa. Sau ngoại, cô là người thứ hai gần gũi tôi. Thỉnh thoảng, cô ở lại ngủ đêm tại nhà ngoại. Hết giờ học, ba chi em được cô dẫn đi chơi, dạo quanh ven hồ Hoàn Kiếm ngắm liễu rủ, nghe sự tích thần Tháp Rùa. Ôi! Những hàng liễu tha thướt gợi nhớ tới mái tóc huyền của mẹ buông lơi trước gió. Cô dẫn chúng tôi tới vườn hoa Con Cóc nghe nhạc, thưởng thức những tiếng hát tuyệt diệu của Minh Đỗ, Thanh Tước, Ngọc Bảo và giọng ngâm ru hồn của Hoàng Giác (những ca sĩ nổi tiếng Hà Thành của những thập niên 50-60) vào những chiều nắng hạ. Tối đến, chúng tôi quây quần bên cô lắng nghe chuyện cổ tích rồi gục ngủ trong lòng cô giáo. Đó là những giây phút thần tiên của tuổi ấu thơ. Cô Diệp đã gieo vào trí óc non nớt của học trò những vị anh hùng mã thượng, đã cấy vào con tim nhỏ bé của tôi tính ham mê trở thành lãng tử với tâm hồn phóng khoáng yêu thích tự do.

Cô Diệp còn kể cho ba chị em tôi về cha của chúng tôi, người mà họa hoằn tôi mới gặp. Cô thán phục cha tôi lắm. Cô cho chúng tôi một cảm giác hãnh diện là con của người, một anh hùng suốt đời hy sinh cho dân Việt, cho đất Việt. Thế nhưng, mỗi khi cha tôi về nhà, tôi quên hẳn người hùng ấy. Ông chỉ là bạn đùa nghịch với ba chị em tôi. Ông bầy trò giáp lá cà chiến trận. Một bên là chúng tôi, kẻ địch của tụi này chính là ông. Chúng tôi chiến đấu rất hăng. Đánh ông tơi bời. Có lần ông rách tai, máu chảy ròng ròng. Me về phải băng bó cho chồng. Me la và mách bà vì tôi là đứa nhỏ dữ nhất, cầm gậy đập cha tàn nhẫn.

Tôí đến, nằm bên ngoại, bà nói: “Con không được chơi ác, gây thương tích cho bất cứ ai. Bà đánh con có bao giờ bật máu không? Con làm không đúng, bà phải dạy, phải lo cho con nên người. Đánh đau, con mới nhớ, không phạm lỗi nữa, chứ không phải làm con khiếp hãi. Gây thương tật cho người khác là làm người ta sợ mình, tránh mình”. Từ ngày ấy, tôi “hiền” với cha tôi hơn. Nhưng cũng chẳng được bao lâu! Năm tôi mười tuổi, ông đã ra người thiên cổ! Ông mất tại một thị trấn hẻo lánh xa xôi bên Trung Quốc. Cũng không còn lưu lại nắm xương tàn!

Ngoại thương quý cha tôi, dù ông chỉ là rể, lại chẳng mấy khi có nhà, có thì giờ lo cho vợ con. “Cha con là người của dân tộc, của xã hội. Dù cha không kề cận bên con, con vẫn phải lấy làm vinh dự có một người cha như vậy”. Mỗi lần cha tôi về nhà, ngoại lại nấu cao Ban Long cho ăn lấy sức.

Tôi lớn dần trong vòng tay ngoại. Nhưng tôi nhớ mẹ, hỏi ngoại về mẹ luôn luôn. Mẹ tôi còn bận săn sóc em bé. Mãi tới năm mười tuổi tôi mới có em. Tôi thích bồng ẵm, nâng niu em vì con bé bụ bẫm dễ thương lắm. Nhưng mẹ không cho bế nhiều, sợ làm té em vì tôi cũng còn nhỏ lại ốm yếu. Về ngoại, tôi cứ thắc mắc tại sao tôi không được ở với mẹ, không được chơi em bé lâu. Ngoại nói: “Con lắm bệnh từ thuở lọt lòng. Bà phải thay mẹ nuôi con. Thế, nếu mẹ đòi con, con có bỏ bà đi không nào?” Dĩ nhiên là không. Cạnh bà, tôi mới thấy thoải mái. Cạnh bà, tôi mới thấy mình vô tư, có tính độc lập, tự tin, không hãi sợ vô cớ như nhiều trẻ em cùng trang lứa. Thế thì tại sao tôi lại rời ngoại? Vả lại, mẹ tôi cũng không đòi. Có lẽ mẹ sợ ngoại buồn. Có lẽ mẹ nghĩ tôi sống với bà đã quen, mang đi tôi sẽ nhớ ngoại phát bệnh. Nhưng dù tha thiết với ngoại thế mấy, tôi vẫn cảm thấy thiếu tình mẫu tử. Lâu lâu mới gặp mẹ, tôi thèm ngồi lòng mẹ, nhưng mẹ chẳng chịu ẵm bế! Thuở tôi còn bé xíu, mẹ phải chăm sóc anh Sáng. Đến năm tôi lên mười, mẹ lại có em bé. Mẹ không có thời giờ cho tôi. Mẹ bận!

Ngày qua… ngày lại qua… Tôi đã 16 tuổi. Cái tuổi ngang ngang, ương ương, dở dở ấy, cái tuổi dễ nổi loạn ấy… thật sự manh nha trong tôi từ lâu nhưng chưa có dịp bộc phát. Bà ngoại đã rèn luyện tôi thuần thục. Tôi là một thiếu niên hiếu học, mê đọc sách, mê văn thơ, luôn luôn đứng đầu lớp. Bà tôi mừng lắm. Bà vui vì đã nuôi một đứa trẻ èo oặt nên người. Bà khuyến khích cháu vào ngành Sư Phạm khi biết cháu có ý định muốn trở thành một chuyên gia giải phẫu. Theo ngoại, nghề giáo thanh bạch nhưng được nhiều phúc đức vì không thể làm chết ai. Xúc động vì ý tưởng hiền hòa của bà, tôi thi vào Đại Học Sư Phạm.

Ra trường tôi được bổ nhiệm tại trường nữ trung học Gia Long, một trường lớn nhất Đô Thành. ngoại mừng lắm. Theo bà, nữ sinh ngoan, nhiều tình nghĩa hơn nam sinh. Chung chung là vậy. Nhưng “năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn”. Những khi gặp chuyện trục trặc với mấy cô học trò, tôi lại than thở với ngoại. Bà nói: “Âu cũng là cái nghiệp của cháu”.

Năm tháng trôi… năm tháng dần trôi… Ngoại còn đó nhưng lưng đã oằn theo dấu thời gian, tóc đã bạc phơ, da đã nhăn nheo theo tuổi đời. Tôi đã ra riêng. Cụ sống với vợ chồng cô em út trong căn nhà của mẹ thuở xưa. Cứ cuối tuần tôi tới thăm bà, mang bánh giò cho ngoại vì cụ thích loại bánh này, vừa thơm vừa mềm, hợp khẩu với người cao tuổi. Lúc ấy cụ đã 86. Ngoại đã già nhưng không lú lẫn, cụ vẫn tinh tường. Ngoại chỉ buồn vì mẹ tôi đã mất. Cụ luôn thở dài: “Con đi trước mẹ là nhà ta không đủ phước!”

Một chiều Chủ Nhật, trở về nhà riêng sau khi thăm cụ, bỗng nhiên lòng tôi dấy lên một niềm lo âu bồn chồn khó tả. Đêm ấy tôi mơ thấy mẹ tôi về đón ngoại. Nhưng mẹ tôi là một đứa bé chừng 3 tuổi, cứ nằng nặc đòi ngoại bế đi! Trong giấc mơ hoảng loạn, tôi hét lên vì sợ bà theo mẹ.  Tiếng hét kinh hãi của tôi làm người nhà tỉnh giấc. Tôi thao thức trong đêm dần tàn. Sáng sớm hôm sau, người em rể đến, buồn rầu báo tin bà đã qua đời đúng thời khắc bản thân tôi trong cơn mê loạn! Mẹ đón ngoại vĩnh viễn ra đi!

Khi chị Minh và em út Từ sửa soạn khăn áo cho cụ lần cuối, tôi thơ thẩn trong bếp, nơi ngoại vẫn thích ngồi trên một ghế gỗ nhỏ nhặt rau. Tôi nhớ ngoại. Một cánh bướm nâu nhạt chập chờn trước mắt. Bần thần, tôi gọi khẽ: “Bà ơi!” Bướm bay tới đậu trên vai tôi. Cánh bướm màu nâu nhạt. Vào phòng ngoại, nhìn người lần cuối trên giường. Ngoại đã được lau rửa sạch sẽ. Cụ mặc tấm áo gấm màu beige, màu nâu nhạt – tấm áo ngoại ưa thích!

Hôm nay là ngày giỗ đầu cụ. Cứ tưởng như ngoại vẫn bên cạnh mình khi tôi gặp chuyện khó giải quyết. Lớn rồi, không còn ai khuyên ngăn chí tình nữa. Nhưng những lời ngoại dậy từ thuở nhỏ đã thấm sâu trong tôi – không ngại khó, không nhút nhát, không kiêu ngạo, không ganh tị. Phải có chí khí, phải kiên trì, phải dấn thân, phải công bằng. Ngoại thường nhắc nhở: “Làm gì cũng nên suy tính kỹ để khỏi ân hận về sau”. Ngoại còn nhấn mạnh: “Cha con như vậy… con gắng noi gương người”.

Bà ơi! Cháu vẫn cố theo lời bà dậy, cần cho đời cháu và cũng để nhớ công ơn bà. Tóc cháu giờ đã điểm sương, cháu vẫn cần bà, bà ơi!”

&

Năm nay, vừa đúng 80, tôi cũng chỉ thích ăn bánh giò mềm như ngoại hồi xưa. Giờ đây, đã chuệnh choạng bước vào hoàng hôn của cuộc đời, sẽ phải qua “cây cầu ấy” như bà tôi đã qua. Qua “cây cầu ấy” tôi sẽ gặp lại bà.  Tôi chưa “qua” nên tôi vẫn nhớ bà. Ngày tôi “qua” rồi, biết có ai nhớ tôi không?

                                                                                   Nguyễn Lân