NGƯỜI QUẢNG NAM VIẾT NHẠC BOLERO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Bolero có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ trước. Nhờ vào sự sáng tạo độc đáo của các nhạc sĩ tiền bối, điệu nhạc này đã được phát triển thành một nhánh riêng biệt gọi là “Bolero Việt Nam”. Bolero trở thành một dòng nhạc lớn của nền tân nhạc nước nhà. Nhiều bản nhạc Bolero do các thế hệ nhạc sĩ sáng tác đã làm say mê không bao nhiêu người yêu âm nhạc. Nhạc Bolero cũng chinh phục rất nhiều đối tượng người nghe nhạc từ bình dân cho đến trí thức, Boler có mặt trong mọi góc cạnh đời sống ở miền Nam từ thập niên 60-70 nhưng…
….Kể từ 30/4/1975 và nhiều năm sau đó, nhạc Bolero bị xếp vào thể loại “nhạc vàng”, “nhạc sến“, “văn hoá phẩm đồi truỵ của chế độ cũ“, thậm chí bị sếp vô loại “nhạc phản động” cho nên hàng ngàn bản nhạc Bolero cùng nhiều thể loại nhạc khác không được phép lưu hành. Gần hai thập kỷ bị cấm, nhưng Bolero vẫn không chết. Bằng cách này cách khác Bolero vẫn âm thầm tồn tại trong đời trong sống âm nhạc của người Việt. Người ta lén nghe Bolero từ các băng đĩa phát hành ở hải ngoại được giấu mang về Việt Nam theo đường xách tay.
Mãi đến năm 1989, Cục Âm Nhạc Và Múa (nay là Cục Nghệ thuật và Biểu diễn) mới bắt đầu cấp phép cho các bài hát trước 1975 được phổ biến dần dần trở lại. Cũng từ thời điểm đó những ca khúc Bolero sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam đã được thẩm định và cấp phép cho phát hành một cách rất dè chừng và từ từ…Nhưnh nhờ vào đó mà trong ba thập niên gần đây Bolero được hồi sinh và trở thành dòng nhạc có nhiều người thích nghe nhất. Đặc biệt Bolero cũng được “danh chính ngôn thuận” phát trên các phương tiện truyền thông do nhà nước quản lý.
Cái hay cái đẹp của dòng nhạc Bolero đã được nhiều người biết đến, nhưng hiếm có ai nhắc đến nơi khai sinh và người viết bản Bolero đầu tiên của Việt Nam là ai.
Xin nói ngay là bản nhạc Bolero đầu tiên của Việt Nam được sáng tác bởi một người người Điện Bàn – Quảng Nam tên là Lê Trọng Nguyễn.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông là hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique – SACEM).
Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông gần Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).
“Nắng chiều” được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết vào năm 1952 giữa thời điểm quê hương ly loạn và chiến tranh. Có tài liệu nói rằng “Nắng chiều” ra đời trong một lần hứng tác của Lê Trọng Nguyễn khi ông đứng trên cầu Vĩnh Điện nhìn chiều xuống bến sông Thu Bồn.
Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí đương thời nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cho biết: “Tâm sự tôi trong bài “Nắng chiều” nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 5 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”
“Nắng chiều” được ca sĩ sĩ Minh Trang hát và thu âm ghi trên đĩa nhựa lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 1955. Đó cũng là năm người em gái duy nhất của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời, ông đau buồn và đem bản “Nắng chiều” ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi nấng cháu.
Năm 1957, Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản “Nắng chiều” và bản này đã được cô ca sĩ nhật Midori Satsuki hát.
Năm 1960 Ki Lo Ha, một ca sĩ người Hoa, cô yêu mến bản “Nắng chiều” nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. “Nắng chiều” đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Bản nhạc “Nắng chiều” cũng là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựng thành bộ phim cùng tên. Phim phát hành tại miền Nam từ năm 1971 -1975.
Năm 1994, đạo diễn Pháp Trần Anh Hùng (cũng là một người Quảng) làm phim “Xích lô” có đưa bài hát “Nắng chiều” vào làm nền trong một phân cảnh không lời thoại trong phim. Và có một chi tiết rất đặc biệt nhưng ít ai để ý là một đoạn của bài hát “Nắng chiều” do hai người lính cụt chân hát bằng giọng Quảng Nam trong một quán ăn.
Tiểu Vũ