Ngọc Cường,  Sinh Hoạt,  Tin tức,  Văn Thơ

Little Saigon ra mắt 3 cuốn sách nghiên cứu quý giá về Tự Lực Văn Đoàn, Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Hoc & Đời Sống

Một buổi ra mắt sách không thể bỏ qua. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian sẽ tổ chức buổi ra mắt sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” “Tam Giáo Đồng Nguyên” và “Phân Tâm Học và Đời Sống” lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại NT Studio, 15436 Brookhurst St., Westminster, CA 92683 (góc với McFadden).

Đây cũng là dịp tưởng niệm 60 năm ngày giỗ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1963-2023). Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chính của nhóm này. Cùng với nhiều người yêu nước thời bấy giờ, Tự Lực Văn Đoàn có công cổ xúy chữ Việt trong sáng và đóng góp rất nhiều cho bản sắc văn hóa Việt. Ba cuốn sách này nhằm phát huy ngôn ngữ Việt cho bây giờ và cho thế hệ mai sau.

Nhà văn Ngọc Cường, đại diện ban tổ chức, cho biết cuốn thứ nhất, “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” là một công trình tổng hợp nhiều nghiên cứu công phu của nhiều người như Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Trần Việt Hải, Kiều My, Thế Uyên, Khánh Lan, Giáo Sư Maria Strasakova, Giáo Sư Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tường Tâm…

“Ngoài ra, cuốn sách còn có nhiều sáng tác văn thơ của nhiều thân hữu và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn như nhà văn Tường Nhung, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Việt, Ngọc Cường, Phạm Quốc Bảo, Từ Dung, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Tường Giang, Lê Phi Thuần, Lê Mỹ Hoàn, Nguyễn Lân, Nguyễn Thị Dung…,” nhà văn Ngọc Cường cho biết.

Cuốn thứ hai, “Tam Giáo Đồng Nguyên” của nhà văn Khánh Lan, là một công trình nghiên cứu về sự liên kết cũng như sự tương đồng giữa ba nguồn tư tưởng Nho Giáo, Lão Giáo, và Phật Giáo, đồng thời tìm hiểu về nguồn gốc, sự du nhập, sự hình thành, và ảnh hưởng của tam giáo đối với văn hóa Đông Phương.

Cuốn thứ ba, “Phân Tâm Học và Đời Sống,” cũng của nhà văn Khánh Lan, là cuốn sách nghiên cứu và phân tích những ước mơ tiềm tàng trong vùng vô thức và những hành vi xuất hiện trong vùng ý thức. Đây là một nghiên cứu về sự ứng dụng của ngành phân tích tâm lý trong lĩnh vực y khoa, tư pháp, văn chương, điện ảnh, và đời sống tâm linh.

Buổi ra mắt sách có hai phần.

Phần đầu do ba diễn giả là Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, nhà văn Ngọc Cường, và chuyên viên tâm lý học Trần Kim Thoa trình bày về ba cuốn sách và phần thứ nhì là văn nghệ.

“Văn nghệ có các giọng ca Ngọc Hà, Hạ Lan, Hồng Quyên, Kiều Loan, Lệ Hoa, Minh Thư, Kiều My, Thụy Lan, Ngọc Quỳnh, Dũng Lai, Mạnh Bổng, Đình Ngọc, Nguyễn Đức,” ông Ngọc Cường nói. Ông thêm: “Ngoài ra, phần văn nghệ có một số nhạc phẩm phổ thơ của nhạc sĩ Phan Đình Minh.” Trong những nhạc phẩm này có bài “Tình Khúc Cho Em,” phổ thơ Ngọc Cường, bài “Im Lặng” phổ thơ của Nhất Linh, bài “Tình Tuyệt Vọng,” phổ thơ Khái Hưng và bài “Nắng Xuân Về Bên Em” phổ thơ Khánh Lan.

Chương trình sẽ do Mộng Thủy và Hồng Quyên điều hợp.

Nhà văn Ngọc Cường chậm rãi nói: “Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn muốn phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp trên quê hương Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đang phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp khắp nơi trên thế giới.”

Mọi ủng hộ hay chia sẻ ý kiến, liên lạc nhà văn Ngọc Cường (937) 269-9217. [đ.d.]
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com