TRỐNG ĐỒNG
Khánh Lan sưu tầm

Trống đồng là một trong những di vật của thế giới, một khảo cổ quan trọng được tìm thấy ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á và vùng phía Nam nước Tàu như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Nhật Bản. Trống đồng được tìm thấy ở những vùng có nhóm người dân tộc từng sống tại đây và đã sử dụng trống đồng từ thời tiền sử cho đến ngày nay, một số lớn trống đồng được tìm thấy ở những khu vực quan trọng, nơi có những ngôi mộ của các nhân vật quan trọng được mai tang tại vùng này, một số lớn trống đồng được tìm thấy dọc theo các con sông hay dọc theo các đường thủy ở trong vùng Đông Nam Á vì có thể đây là đường giao thông chính của dân cư bản địa thời thời đó.
Từ ngàn xưa đã có nhiều truyền thuyết cho rằng trống đồng chính là nguồn gốc của lịch sử thế giới, trống đồng cũng đã được các sử gia ghi lại trong sách sử như quyển Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái thế kỷ 14, và ngay cả các cuốn sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng nói đến trống đồng. Gần đây nhất, Nhà Biên Khảo, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang cũng đã bỏ ra một thời gian rất dài để tìm hiểu, nghiên cứu về trống đồng, đặc biết về loại trống đồng Đông Sơn. Ông cũng đã cho xuất bản một bộ sách gồm 7 tập chuyên về lĩnh vực này. Loại trống đồng do Nhà Biên Khảo, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang sưu khảo thuộc văn hóa Việt vùng Đông Sơn, một nền văn hóa được biết đến với những loại trống đồng: Đông Sơn và Ngọc Lũ.
TÌM HIỂU TRỐNG ĐỒNG QUA SÁCH VỞ CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN XUÂN QUANG
Đó lả một công trình mang giá trị khảo cứu đồ xộ đòi hỏi công sức, thì giờ sưu khảo quy mô mà tác giả Nguyễn Xuân Quang thực hiện, khiến tôi đã đọc và tìm hiểu sâu hơn về công trình khảo luận của ông. Trong bộ sách 7 tập, tổng cộng 7 cuốn suýt soát 3000 trang font chữ 10; mà hai tập đầu ông tập trung vào chủ điểm: Giải Đọc Tổng Quát Về Trống Đồng Nòng Nọc (Âm Dương). Do vì thời lượng có hạn, cho nên phần trình bày của tôi xin lượt qua những chủ điểm trong bộ sách này, chúng sẽ tập trung vào vấn đề chính cần biết về bộ sách gồm 7 tập khá chi tiết trong kho tài liệu của bộ sách.
TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU VÀ Ý NGHĨA CÓ GÌ?
Nguồn Gốc Trống Đồng Đông Sơn Và Ý Nghĩa Của Trống ĐồngTrống đồng Đông Sơn được xem là biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Với lịch sử hình thành lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay trống đồng Đông Sơn được rất nhiều người dùng để trang trí trưng bày hay cũng như làm quà tặng. Tuy nhiên Trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ đâu và có ý nghĩa đặc biệt gì? Thì trong bài viết Xưởng đồng Đông Sơn sẽ giúp quý vị giải đáp những thắc mắc này.
Nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn
Trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam, là loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công) và nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam.
Quê hương của trống đồng Đông Sơn là vùng đất Tổ trung du Phú Thọ và các tỉnh vùng Bắc bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn đã tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Đây là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ. Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo, họ đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau mang đậm yếu tố bản địa của người Việt. Từ đó tạo nên nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất ở Đông Nam châu Á.
Ý nghĩa của trống đồng Đông Sơn
Trống đồng không chỉ là vật linh thiêng mà còn là thông điệp làm nên biểu tượng tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội, và là quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta – Nhà nước Hùng Vương.
Đôi nét về Trống đồng Đông Sơn
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (700 TCN – 100) của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã lưu giữ một số lớn trống đồng Đông Sơn. Cho đến nay, theo các số liệu đã công bố, đây là bộ sưu tập lớn nhất thế giới.
Nguồn gốc trống đồng và hành trình lịch sử
Trống đồng là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển, là di vật tiêu biểu cho nền văn hóa của người Việt cổ thời kỳ dựng nước. Nổi bật trong số ấy phải kể đến hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Đông Sơn. Trong bài viết này, hãy cũng Royal Gift tìm hiểu về Trống đồng Đông Sơn với họa tiết hoa văn vô cùng tinh xảo và độc đáo, thể hiện sự sáng tạo đỉnh cao về nghệ thuật từ những buổi đầu sơ khai của nền văn minh, văn hóa Âu Lạc.
Trống đồng Đông Sơn được phát hiện năm nào?
Trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (700 TCN – 100) của người Việt cổ. Về nguồn gốc ra đời của trống đồng Đông Sơn, có 3 luồng ý kiến khác nhau.
- Tại phương Tây, người ta đã biết về trống đồng từ năm 1682 nhưng mãi đến thế kỷ 19, mới có học giả bàn về trống đồng: điển hình như học giả Hirth (1890) cho rằng trống đồng là của Trung Quốc, nhưng học giả De Grooth (1901) cho rằng nguồn gốc trống đồng của Việt Nam.
- Các học giả Trung Quốc cho rằng quê hương của trống đồng là ở Vân Nam, Trung Quốc.
- Các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng khẳng định xuất thân của trống đồng là ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Bộ Việt Nam.
Mặc dù chưa có một kết luận nào chắc chắn và được công nhận nhưng bài viết đi theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam phân tích về nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn. Trong cuốn sách Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, tác giả Tạ Đức đã đưa ra các luận cứ với nhiều bằng chứng, chứng minh quê hương trống đồng chính là thành Cổ Loa (Hà Nội). Theo đó, An Dương Vương trị vì vùng trung tâm, nơi đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, giao thông đường thủy thuận lợi. Với tư cách là thủ lĩnh uy quyền, An Dương Vương là vị vua duy nhất huy động được nhân lực, tài lực để tạo ra chiếc trống đồng lớn và đẹp nhất tượng trưng cho vương quyền và thần quyền Bách Việt…

CHỮ NÒNG NỌC VÒNG TRÒN-QUE KHÁC VỚI CHỮ NÒNG NỌC KHOA ĐẨU
Trước hết xin nói ngay để tránh khỏi lầm lẫn hay ngộ nhận là chữ viết nòng nọc vòng tròn-que (cirle-rod writing) là loại chữ viết do tác giả Nguyễn Xuân Quang khám phá ra không phải là thứ chữ nòng nọc khoa đẩu (tadpole writing) mà hiện nay chúng ta thường nghe nói tới. Chữ viết nòng nọc hiện nay mà Hán ngữ gọi là chữ khoa đẩu tức là loại chữ viết có nét cong, ngoằn ngoèo trông như con lăng quăng bơi trong nước. Ví dụ như chữ Hán cổ, chữ Phạn, chữ Thái Lan, chữ Campuchia, v.v…Đúng ra Chữ khoa đẩu lăng quăng này chỉ là những chữ viết hậu duệ, những chữ viết con cháu của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que thật sự do tác giả Nguyễn Xuân Quang khám phá ra. Chữ Nòng Nọc Vòng Tròn-Que là thứ chữ có hai mẫu tự căn bản là mẫu tự vòng tròn (O) giống thân con nòng nọc và mẫu tự nọc que (I) giống đuôi con nòng nọc.
Để hiểu rõ về sự thành hình chữ nòng nọc vòng tròn-que xin nói thật sơ lược qua sự thành hình chữ viết loài người nói chung. Sự thành hình chữ viết của loài người nói đại lược khởi đầu từ một vạch, một nét vẽ của người tiền sử, rồi tiến tới một dấu hiệu (sign), một hình (picture). Sau đó có mang thêm ý nghĩa. Vậy chữ là chữ nòng nọc vòng tròn-que là thứ chữ có hai mẫu tự căn bản là chữ cái Nòng vòng tròn (O) và chữ cái Nọc que (I) có mang ý nghĩa.
Trích trong hai quyển sách I và II trong bộ sách 7 quyển của tác giả Nguyễn Xuân Quang, ông giải thích: Chữ nòng vòng tròn (O) và chữ nọc que (I) là hai chữ cái cổ nhất của nhân loại có nguồn gốc nguyên khởi do hình vẽ diễn tả theo hình dạng của bộ phận sinh dục nường và nõ. Hình tự nường lỗ sinh dục phái nữ nòng tròn O và hình nõ nọc que I đàn ông còn thấy rất nhiều qua các hình vẽ trên đá (petroglyphs) thời tiền sử. Sau đó thấy trong tín ngưỡng thờ nường nõ như trong Ấn giáo thờ linga hình nõ nọc I que cắm trên bệ nường yoni hình nòng tròn O. Khi con người có một đời sống tâm linh cao hơn, hai chữ viết nòng nọc vòng tròn que trở thành hai chữ diễn tả cái đực, nường nõ, nòng nọc, âm dương, trở thành một thứ chữ căn bản có hệ thống của một tôn giáo cổ nhất của con người là vũ trụ giáo dựa trên cái đực, nòng nọc, âm dương, lưỡng hợp, vũ trụ tạo sinh, dịch học.
Tuy vậy không một nơi nào trên thế giới chữ nòng nọc vòng tròn-que được viết nhiều nhất, đầy đủ nhất, đa dạng nhất, chuẩn nhất, theo đúng ngữ pháp nhất như người Đông Sơn viết trên đồ đồng Đông Sơn, nhất là trên trống Đông Sơn, nó là Bộ Từ Điển Chữ Nòng Nọc Vòng Tròn-Que. Việt Dịch Đồng Đông Sơn là bộ dịch bằng hình viết bằng hệ thống chữ nòng nọc vòng tròn-que duy nhất của nhân loại.
Trống đồng Đông Sơn được xét qua những điểm như là:
- Trống thiêng liêng, trống thờ, trống mang tính biểu tượng, không phải là trống làm ra có mục đích chính dùng làm bộ gõ trong âm nhạc.
- Trống Đông Sơn là một loại trống đặc biệt mang tính nhị nguyên nòng nọc (âm dương)
- Về hình thể: mặt kín dương. Mặt đáy hở âm. Nội dung: mặt trời dương nằm trong vòng không gian âm.
- Mặt trời cũng có mặt trời dương và mặt trời âm.
Trên trống Đông Sơn có tượng loài lưỡng cư cóc/ếch.
- Trống có tượng cóc (chỉ sống trên đất mang dương tính) là trống sấm dông gió (mang dương tính, thiếu âm)
- Trống có tượng ếch sống được dưới nước mang âm tính thái âm là trống sấm mưa (mưa mang tính thái âm).
Những nét khắc vẽ trên trống có hoa văn, hìng tượng như:
- Chim thú, vật tổ biểu tượng của người Việt đều có nghĩa là Việt, là mặt trời (chim Việt: chim mỏ sừng Cắt Hồng hoàng, Hươu Việt: hươu sừng, Cá sấu Việt: sấu Lạc mõm dao, Rắn Việt: rắn mồng, rắn có sừng).
- Phụ nữ Việt đội nón thúng quai thao cổ truyền hình mặt trời mà J. Cuisinier gọi là Chapeau de Soleil. Phụ nữ Việt mang dòng máu Thái Dương Thần Nữ Âu Cơ, mặt trời rạng sáng (nhật tảo).
- Đền thờ Nhật Tảo ở làng Diềm, Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh thờ một vị thần làng nữ Nhữ Nhương, hình bóng của thái dương thần nữ Âu Cơ, mặt trời nhật tảo hừng rạng.
Tác giả Nguyễn Xuân Quang là người đích thân tìm vào Sử đồng như vào những khảo cổ học khác. Tác giả nghiệm ra rằng trống Đồng của đại tộc Đông Sơn là bộ sử đồng của Việt Nam trong Bách Việt. Ông giải thích: Sử đồng là hiện vật thấy được tận mắt, sờ thấy được tận tay cái căn cước Việt. Căn cước Việt đã được khắc ghi lại từ cách đây trên dưới 3.000 năm và được chôn vùi sâu dưới lòng đất không hề bị sửa đổi, không hề bị ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lại khác. Sử đồng Việt Đông Sơn thuần Việt, tinh ròng Việt có độ xác tín rất cao.
Yếu tố nguồn gốc chữ viết hay nét hoa văn nòng nọc được tác giả khai triển khá rõ. Như tìm hiểu về Nòng nọc âm dương mang ý nghĩa như sau:
Nòng nọc âm dương là nguyên lý nhị nguyên căn bản (biểu hiện cho âm O và dương là I, yếu tố cơ bản của vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, dịch học. Do vậy nhìn chung về vũ trụ quan trống đồng Đông Sơn biểu tượng vũ trụ giáo diễn đạt vũ trụ tạo sinh. Dịch học dựa trên nguyên lý nhị nguyên căn bản nòng nọc (âm dương). Nhìn riêng theo duy dương, ngành mặt trời vì trống có một khuôn mặt chủ là trống (đực: gà trống), dương, thì trống đồng là trống biểu tượng của mặt trời tạo hóa nhị nguyên thái dương.
Trống đồng là một hiện vật do con người làm ra. Vậy chủ nhân ông của trống là một đại tộc có vũ trụ quan là vũ trụ tạo sinh theo vũ trụ giáo, mặt trời giáo. Đó là biểu hiệu của người Việt làm ra, người Mặt Trời Thái Dương (tác giả ghi nhận là ông đã tìm ra trên 100 bằng chứng Người Việt là Người Mặt Trời) theo vũ trụ tạo sinh, vũ trụ giáo, mặt trời giáo dựa trên nguyên lý nhị nguyên căn bản nòng nọc (âm dương), Chim-Rắn, Tiên Rồng. Tổ Hùng Lang sinh ra từ Bọc Trứng Chim có một khuôn mặt là mặt trời tạo hóa nhị nguyên phân ra hai ngành. Như vậy thì người Việt chính là chủ nhân của loại trống đồng Đông Sơn. Lý do vì trống đồng được cho là làm ra vào thời đại Hùng Vương. Mỗi tộc người, mỗi bang người Việt trong liên bang Văn Lang thuở xưa có ít nhất một trống biểu riêng. Do đó ta mới có cả trăm trống khác nhau.
PHÂN LOAI TRỐNG ĐỒNG THEO NHÀ KHẢO CỔ HỌC NGƯỜI ÁO FRANZ HEGER
- Trống Heger I, còn được gọi với tên là trống đồng Đông Sơn, thuộc loại trống lớn và lâu đời nhất và đã giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa được biết đến với những trống đồng trang trí cầu kỳ, được tìm thấy ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á và Bắc Việt Nam. Số lượng lớn trống Đông Sơn đã được tìm thấy tại Mê Linh, trung tâm của văn hóa Đông Sơn và ở đồng bằng sông Hồng, vùng dân cư đông đúc thời cổ.
Trống Hegers I được phân phối ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, của Trung Quốc và ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều nhà khảo cổ Trung Quốc tin rằng Vân Nam là vùng nguyên thủy có sự xuất hiện của trống đồng. Nhưng trên thực tế cho thấy một số trống có tuổi lâu đời hơn đã được khai quật ở miền Bắc Việt Nam nên không thể kết luận Vân Nam là cái nôi của trống đồng vì những lý do dưới đây:
a) Giai đoạn một: (thế kỷ thứ III-thế kỷ thứ I, TCN)
Nhiều chiếc trống thuộc loại hóa thạch (Thạch Sơn) đã được phát hiện ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam có những chiếc trống thuộc văn hóa Đông Sơn đã được khai quật. Hai chiếc trống Thạch Sơn đã được tìm thấy ở Thái Lan, Indonesia và 10 chiếc trống Đông Sơn cũng tìm thấy ở hai nước này.
b) Giai đoạn hai (thế kỷ thứ I TCN-thế kỷ thứ I CN)
Trong giai đoạn này chỉ có bốn chiếc được phát hiện ở Vân Nam và Quảng Tây. Do đó có thể trống đồng đã biến mất khỏi miền Nam Trung Quốc và Văn hóa Đông Sơn của Việt Nam bắt đầu mở rộng vào tỉnh Quảng Tây và các vùng lân cận. Trong khi đó Việt Nam vẫn sản xuất trống đồng, mặc dù số lượng trống đồng ở Thanh Hóa đã giảm đi, nhưng ở Thái Lan, Mã Lai và nhất là Indonesia đã phát hiện với số lượng khá nhiều và với hình dáng, hoa văn trông giống với trống đồng tại Việt Nam.
c) Giai đoạn ba (thế kỷ II trở đi)
Người ta tìm được hai mẫu trống đồng phát xuất từ Việt Nam, nhưng ở khu vực miền Nam có ba chiếc trống được phát hiện theo tiêu chỉ của văn hóa Đông Sơn, cho thấy loại trống này có nguồn gốc từ khu vực miền nam Việt Nam. Tuy nhiên, loại trống Kham Cha từ Thái Lan, đã thay đổi rất nhiều so với truyền thống Đông Sơn, cho thấy chúng có cùng loại với trống Pejeng của Indonesia hơn.
- Trống Heger II, thân trống chỉ có 2 phần, trên mặt trống không có hình ảnh của người hoặc con vật, thay vào đó toàn là hoa văn hình học kinh tế. Trên mặt trống thường có 4 hoặc 6 con cóc và ngôi sao 8 cánh tượng trưng cho mặt trời. Loại trống này được tìm thấy ở Nam Trung Quốc và Bắc Việt. Ở miền Nam Trung Quốc, loại trống Heger II được tìm thấy phần lớn là ở vùng Quảng Đông và Quảng Tây. Ở Việt Nam, loại trống này xuất hiện tại các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, phần lớn loại trống này được tìm thấy và khai quật tại các vùng của người Mường sinh sống. Hiện nay, có nhiều loại trống Heger II vẫn còn được người Mường sử dụng, nên chúng có tên là trống Mường. Nhưng cũng có một số nhà khảo cổ học cho rằng những chiếc trống này thông dụng ở các đời vua nhà Lý-Trần.
Trước đây, một số học giả chia loại trống này thành hai nhóm:
- Nhóm 1, thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa.
- Nhóm 2, thuộc các tỉnh Nghệ An.
Hầu hết các nhà khảo cổ đều cho rằng niên đại của trống đồng Heger II Khoảng từ 1000 niên kỷ I SCN đến thế kỷ XVI-XVII. Tại Hội nghị Khoa học Trống đồng Việt Nam năm 1985, một số nhà khảo cổ học đã chia trống Heger II thành 3 nhóm có niên đại khác nhau:
- Nhóm từ năm 1005 SCN.
- Nhóm triều đại Lý-Trần
- Nhóm sau thời Lý-Trần.
- Trống Heger III, (trống đồng Tân Độ), hiện trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. Trống Heger III có quai nhỏ đẹp, nổi bật với hoa văn hình học, đẹp và tinh tế, thân trống thường không cân đối, phần trên to phần dưới thon, đường kính của mặt trống lớn hơn các phần còn lại. Mặt trống được trang trí với ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho mặt trời, 12 con cóc chia ra 4 góc, chung quanh là các hoa văn hình học. Dưới chân có đoàn voi đúc nổi đi chung quanh cây “đời sống“. Đôi khi ốc thay voi. Được phát hiện ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma và Vân Nam (Trung Quốc). Trống Heger III được tìm thấy ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Loại trống này được chia làm hai nhóm:
- Nhóm DânTộc thuộc hệ ngôn ngữ Khmer.
- Nhóm dân tộc thuộc ngôn ngữ thái cổ. Ở Việt Nam số lượng trống này ít hơn loại trống Heger I và Heger II.
- Trống đồng Heger IV (trống đồng Long Đọi Sơn), trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. Trống Heger IV có kích thước và có quai nhỏ, không có cóc. Trang trí của trống này tương tự như trống Heger I, nhưng hình dáng không cân đối và họa tiết hình học không cầu kỳ. Hình mặt trời có 12 cánh sao tượng trưng cho 12 con giáp, 4 góc-mỗi góc có ba con cóc chồng lên nhau thành 12 con. Dưới chân có đoàn voi hay ốc đúc nổi đi chung quanh cây “đời sống“. Loại trống Heger IV thường được phát hiện ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và Vân Nam (Trung Quốc).
Có rất nhiều dân tộc sử dụng loại trống này trong đó có một số người phương Bắc như người Hán, người Mông Cổ. Loại trống này có liên quan mật thiết với các dân tộc bản địa như người Giày, Giao, Thái … Ở Việt Nam, nhiều loại trống này đã tìm thấy ở các vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Heger IV là loại trống đồng Nam Dương như Java, Sumatra, ảnh hưởng hồi giáo…
PHÂN LOAI TRỐNG ĐỒNG THEO TÁC GIẢ NGUYỄN XUÂN QUANG
Với tác giả Nguyễn Xuân Quang, ông phân loại trống đồng thành 6 loại như sau: NXQ I, NXQ II, NXQ III, NXQ IV, NXQ V, NXQ VI.
- Trống Trứng Vũ Trụ [Cosmic egg drums or Nguyen Xuan Quang type I (NXQ I)] drums. Tức trống Nguyễn Xuân Quang I (không có trong sự phân loại của Heger) có hình trứng giống như trống cái, trống thùng (barrel) bịt da nhưng hở đáy (mang tính nòng nọc, âm dương) ví dụ như trống đồng để ở chùa Cổ Lễ, chùa Keo, đền Hùng Vương… (4).
- Trống tượng Lửa [Fire-drums or Nguyen Xuan Quang type II (NXQ. II)]. Tức trống Nguyễn Xuân Quang II (không có trong sự phân loại của Heger) hình trụ (tubular or cylindrical forms). Trống moko hình trụ có eo của Nam Dương là trống biểu tượng cho tượng Lửa của ngành nước.
- Trống tượng Gió [Yang Wind sun Drums or Parasol-Shaped drums or Nguyen Xuan Quang Type III (NXQ. III) or Heger III]. Tức trống Nguyễn Xuân Quang III (Heger III) hình lọng, dù, ô (thân và đế thẳng tuột như thân cây lọng), thấy nhiều ở tộc Shan thuộc sắc tộc Tai, nói tiếng Tai-Kadai. Tộc này có nhà hình vòm mu rùa biểu tượng cho bầu trời, bầu không gian, gió.
- Trống tượng Nước [Yang Water drums or Squat drums or Nguyen Xuan Quang Type IV (NXQ IV) or Heger IV]. Tức trống Nguyễn Xuân Quang IV (Heger IV) trông giống cái âu (vật đựng mang âm tính liên hệ với nước) không có thân trống nên trông lùn tịt gọi là trống trệt (squat drum) mang nhiều âm tính biểu tượng cho nước (trống này thấy nhiều ở Nam Trung Hoa nên Heger gọi là trống trệt Nam Trung Hoa). Có thể loại trống này thấy nhiều ở tộc Choang (Zhuang). Người Zhuang nhận mình là con cháu của Rồng và có một chi tộc tên là Shui (Thủy) liên hệ với Lạc Long Quân.
- Trống tượng Đất, núi Trụ Thế gian [Pillar-shaped drums or yang Earth-drums or Nguyen Xuan Quang type V (NXQ. V) or Heger II]. Tức trống Nguyễn Xuân Quang V (Heger II, trống vùng cao, vùng núi ở Bắc Việt Nam).
- Trống Vũ Trụ Tạo Sinh, trống biểu của Vũ Trụ giáo [Cosmogenic drums or Cosmic Mushroom drums or Nguyen Xuan Quang Type VI (NXQ.VI) or H.I]. Tức trống Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) có hình Cây Nấm Vũ Trụ, tức trống Đông Sơn của các tác giả Việt Nam. Trống này có nhiều nhất ở Việt Nam.

Trống Cây Nấm Vũ Trụ biểu tượng cho Vũ Trụ giáo có chu vi vòng ngoài hình trứng tức trống Trứng Vũ Trụ NXQ I (xem hình bìa quyển Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á, tập I). Trống Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI nằm trong trống Trứng Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang I.
Như trên cho thấy sự khảo sát trống đồng dựa theo 2 tiêu chuẩn của Franz Heger và của Nguyễn Xuân Quang có điểm tương đồng như trong Trống tượng Gió (Heger III), Trống tượng Nước (Heger IV), Trống tượng Đất (Heger II), Trống vũ trụ tạo sinh (Heger I). Hầu như tất cả các trống đồng Đông Sơn được chia thành ba phần: phần trên, phần giữa và phần cuối. Chúng có thân hình trụ thẳng đứng, mặt dưới của chúng không có hình, mặt trên có hình sao được đúc nổi với 12 cánh. Một số trống đồng có tám cánh như trống đồng Quảng Xương, hoặc 14 cánh như trống đồng Ngọc lũ, Sông Đà, Thượng Lâm, thậm chí có khi lên đến 16 cánh như hoàng Hạ và Salayar.
Tóm lại: Việt Nam được xem là nơi tập trung nhiều trống đồng đa dạng nhất. Trống trống đồng Đông Sơn không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo mà còn là một cổ vật lịch sử phản ảnh văn hóa sâu sắc của Việt Nam. Từ kỹ thuật đúc chảy kim loại đến hình dáng tinh tế, mỗi chiếc trống là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của nền văn minh Đông Sơn. Nhiều khoa học gia cho rằng các nước lân cận có thể bị ảnh hưởng hoặc đã du nhập nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ vào nước của họ.
Khánh Lan, Mùa Xuân 2025