GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG
Đỗ Bình, Paris
Xuân đã về, thời gian như gió thoảng, một thoáng 50 năm! Xin gởi đến các anh chị mấy bài thơ năm xưa thuở mà Sài gòn mới thay tên. Có bài thành kỷ niệm nên tôi còn giữ, nhưng cũng có bài đã quên vì dòng thời gian cuốn trôi.

Trong cuộc bể dâu thời thế thay đổi ấy có rất nhiều cảnh đời bi thảm, mà cho đến hôm nay có rất nhiều người là nạn nhân của cuộc đổi đời bi thảm đó đã kể lại trên các đài phát thanh, truyền hình ở hải ngoại trong các chương trình chủ đề về lịch sử. Những nỗi đau thương đó được in thành sách, báo và phim ảnh do chính các tác giả là những nạn nhân viết ra. Nhưng có lẽ người thân của những người bị đi “cải tạo” ở bên ngoài phải nuôi tù là chịu nhiều đau khổ! Đó là các bà mẹ, các người vợ, những người tình… Người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đã chịu bao nỗi gian nan vất vả, trong lúc còn chiến tranh, hay trong thời bình vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ luôn luôn thể hiện tấm lòng cao cả, suốt đời tận tụy hy sinh cho gia đình. Xin nghiêng mình ngưỡng mộ đức tính hy sinh cao đẹp đó. Xin Cảm Ơn Các Bà.
Người nghệ sĩ trong bất cứ mọi hoàn cảnh nào dù lúc thăng hay trầm, tự do hay bị quản thúc vẫn luôn phóng tâm hồn mình hòa nhập với không gian, thời gian để ghi lại những trạng thái cảm súc, hoàn cảnh sống của chính mình hoặc tha nhân.
Xin kể với các anh chị một giai thoại văn chương:
Ngày đó tôi và người bạn cũ là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật ở chung một trại tù, cùng nằm chung bệnh xá. Dù cuộc sống trong tù gian khổ nhưng nguồn cảm hứng của nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật vẫn dồi dào, lúc nào anh cũng làm thơ. Anh thường đọc cho tôi nghe một số bài thơ Không Đề. Một số bài thơ đó tôi còn nhớ nên sau này ra hải ngoại, gặp lại anh tôi đọc cho anh nghe và anh đã đưa vào những thi tập của anh.
NGHĨA MẸ
“Mẹ là suối, là hoa
Dòng êm tóc lượn, hương sa nụ cười
Mẹ là đất, mẹ là trời
Ngọt thơm hạt gạo, sáng ngời ánh trăng.”
KHÔNG ĐỀ
«Mẹ ngồi tụng kinh Liên Hoa
Làm thơm suốt cả dãy nhà ba gian.
Mình con ngủ gật cạnh bàn,
Bài chưa thuộc hẳn, mộng toàn hoa sen. »
KHÔNG ĐỀ
« Trăng lồng bóng nước in trăng,
Nước gương soi sáng, ánh trăng chiếu ngời
Ngọn ngành lấp lánh biển khơi,
Dẫu trôi con nước, chẳng rời bóng trăng. »
KHÔNG ĐỀ
“Cô vào lớp dạy học trò,
Văn chương trong sáng dạy cho yêu người.
Ngoài cửa xổ, là cuộc đời,
Thế cô có dạy khi cười mà lại đau?
Đêm về nằm mộng gặp nhau,
Bẻ đôi cục phấn ngày sầu dài thêm!”
KHÔNG ĐỀ
“Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,
Thì em thử đợi một lần xem?
Chỉ sợ khi anh thành núi biếc,
Ngàn năm không thấy dấu chân em!”
NHỚ NGUỒN
«Em không chỉ làm vợ anh,
Mà là tất cả đời anh vui buồn.
Con sông ra biển nhớ nguồn,
Nằm nhe sóng vỗ bờ còn biết đau.»
Đến khi vợ sau của anh là nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nngười cuối cùng trong Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đến thăm nuôi anh, tôi thấy Nguyễn Hữu Nhật bỗng vui hơn, và sau đó anh làm bài Hoa Cúc Vàng để tặng vợ.
“Chỗ em đứng chờ anh ra Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng Mỗi lần có dịp đi ngang Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay.” Nguyễn Hữu Nhật
Hai người bạn văn thơ của tôi đã thành thiên cổ đã lâu, nhưng thơ văn và kỷ niệm của anh chị ấy vẫn còn. Theo quy luật của tạo hóa, dòng thời gian đã mang đi quá nhiều văn hữu, khiến tôi buồn và cô đơn nên ít muốn viết! Nhưng vườn Thơ Văn Hải Ngoại hôm nay vẫn nở rộ, vẫn rực rỡ những bông hoa mới đầy hương thơm và muôn sắc. Mừng cho dòng văn học nghệ thuật được tiếp nối.
Xin cảm ơn Văn Thơ Nhạc và cảm ơn Người.
Chúc các Anh Chị nhiều sức khỏe.
thân mến
Đỗ Bình
TÌNH MẸ
Tình mẹ ngút cao tận cuối trời,
Là trăng soi sáng khắp muôn nơi.
Mỗi lần con ngã trên đường dốc .
Nhớ tiếng mẹ ru ấm cuộc đời.
LÒNG MẸ
Mẹ ngồi bên cửa buồn như liễu
Tóc trắng mong con cảnh tịch liêu.
Năm tháng mắt lòa trong nỗi nhớ
Thương con mù khuất áng mây chiều!
TÌNH NGHĨA
Thời thế đổi thay quá ngỡ ngàng,
Người đi xóm vắng kiếp lang thang.
Em thôi đến lớp trò thôi học,
Phấn trắng bảng đen cũng bẽ bàng!
Ngày tháng giăng sầu hồn tím mãi
Thương ta đày ải áo sờn vai.
Mây trắng ngàn năm là sương khói,
Làm sao phải hẹn đến kiếp mai.
Nếu muốn chờ nhau ngày tháng đó
Thăm ta em chớ có dặn dò,
Lén bỏ trong qùa bài thơ cũ,
Phòng tối ta cần gẫm tự do!
Ta phóng đời qua lỗ khóa con,
Để còn trông thấy bóng trăng non.
Thèm nghe tiếng gió lời tâm sự,
Và biết em buồn nhưng sắt son.
Ta muốn làm chim cất cánh bay,
Về miền xa thẳm tít trời mây
Thả hồn lướt cánh bay trong nắng,
iải thoát đời qua kiếp đọa đày!
Lặng lẽ thời gian nỗi héo hon,
Mặc ngày tháng úa giết hao mòn,
Quanh ta đôi mắt màu đêm tối,
Vẫn thấy em buồn như nước non!
CHỜ ANH
Từ độ xa anh đời ngõ vắng
Xóm đông người lạ đến hung hăng!
Nửa đêm tiếng dế buồn hiu hắt
Cuộc sống chênh vênh cứ nhập nhằng!
Chó đói sửa ăn, chồm cắn bóng
Kẻ giàu lơ láo bước long đong!
Phố nghèo tơi tả đời thêm rách
Cơm áo giành nhau thấy não lòng.
Năm tháng quắt quay con mắt đỏ
Vỉa hè manh chiếu kẻ co ro!
Chiều nghiêng nắng ngả cành hoa tím
Em đến trường nay sợ học trò!
Thời buổi đỉnh cao làm hướng tiến
Văn chương trong sáng chỉ ưu phiền.
Con đường chủ nghĩa đầy hoa mộng
Là sự đổi thay đời đảo điên!
Cây đàn em giữ, nghèo không bán
Sợ phiếm cung xưa vẳng tiếng than.
Đã mấy mùa trôi xuân gối chiếc
Chờ anh nào biết độ trăng tàn!
HẠNH PHÚC CUỐI TRỜI
Em đến thăm từ ngàn trùng cách trở,
Ở nơi đây miền rừng núi hoang xơ.
Thoáng gặp nhau nói gì vơi nỗi nhớ,
Đường về xa đừng lưu luyến thẫn thờ!
Tình em đẹp như nắng mai huyền ảo,
Buồn làm chi cho mắt úa xanh sao.
Ngày tháng mộng cuốn theo mùa gió bão,
Chim bỏ rừng cũng sợ tiếng lao xao.
Đời biến đổi cách ngăn lòng nhân ái
Nhìn lá rơi ta bỗng thấy tàn phai.
Rừng quạnh quẽ vẫn tiêu điều cỏ dại,
Người liêu xiêu những da bọc hình hài!
Em khóc nữa chỉ buồn cho kẻ ở
Về biển xanh theo nốt nhạc chiều mơ,
Miền đất mới trời tự do rộng mở,
Đời bay cao sẽ hạnh phúc đón chờ.
Đỗ Bình