LIÊN NHÓM NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN NHỚ MẸ QUA THI CA VIỆT NAM
Năm nay, trăm hoa đua nở qua thi ca với các văn thi sĩ của NVNT & TTG nhân ngày ngày 11 tháng 5, 2025, ngày lễ mừng tuổi Mẹ, những người Mẹ luôn hy sinh cả cuộc đời cho các con. Thế nên đã mấy hôm nay, Khánh Lan nhận được một số bài hát cũng như những bài thơ viết về Mẹ của các anh chị trong hội.
Ngày đầu tháng 5 vừa qua, Khánh Lan có dự lớp ChatGPT/AI của anh Phạm Hồng Thái, và để xem AI có thông minh thật không, Khánh Lan đã thử tài vận bằng cách nhờ Thông Minh Trí Tuệ AI sáng tác một bài thơ về Mẹ cho mình nhân ngày lễ Mẹ. Và dưới đây là bài thơ Lòng Mẹ do Thông Minh Trí Tuệ AI sản xuất (với chút sửa chữa vài chữ của Khánh Lan & Phạm Thái cho hay hơn):
Mẹ là ánh sáng giữa đêm sâu
Dìu con qua những lúc u sầu
Tấm lưng oằn xuống vì giông bão
Chở che con giữa cuộc bể dâu.
Mẹ là tia nắn ấm ban mai
Sưởi ấm hóa tan những u hoài
Cả đời mẹ đã luôn tận tụy
Dệt cho con giất mộng tương lai
(Khánh Lan & Phạm Thái & Trí Tuệ Thông Minh AI)
Bài thơ “Mẹ Ru Con” của Nữ Sĩ Lê Nguyễn Nga do CNS Lâm Dung phổ nhạc với giọng ca ngọt ngào, êm ái, nhẹ nhàng như lời ru của Mẹ. X;in bấm vào link phía dưới để nghe.
Mẹ Ru Con – Lê Nguyễn Nga – Lâm Dung
Mấy vần thơ lục bát sau đây của nhà thơ Việt Hải cho ta thấy rõ được những điều nói trên:
“Nếu mai mẹ sẽ qua đời
Con xin xuống tóc giữ lời quy y
Mẹ tôi trọn kiếp từ bi
Con quỳ lạy mẹ ra đi yên lòng”.
(Việt Hải – Trong bài “Nhớ mẹ”)
Thơ viết về Mẹ, Nhà Văn Thi Sĩ Việt Hải đã viết rất nhiều những bài thơ về Mẹ và anh đã chuyển dịch một số bài thơ ra anh ngữ và pháp ngữ:
Mẹ đã ra đi
Mẹ ơi, mẹ đã đi rồi, mẹ không còn nữa,
Và con sẽ không bao giờ quên mẹ,
Vì những kỷ niệm quý báu về mối liên kết giữa mẹ con mình,
Mẹ sẽ không bao giờ rời xa con.
Tình thương của chúng ta đã vượt qua những thăng trầm
Và đã giúp chúng ta trong suốt kiếp đời,
Và tình yêu đó sẽ tiếp thêm sức mạnh vững cho con
Để vượt qua nỗi mất mát này qua mỗi ngày.
Trong tâm hồn và trái tim con,
Mẹ ơi, mẹ sẽ mãi mãi ở bên con,
Vì con là một phần trong tim của mẹ,
Và mẹ là một phần của cuộc đời con!
Maman, tu es partie.
Maman, tu es partie, tu n’es plus avec moi.
Et je ne t’oublierai jamais.
Pour les précieux souvenirs de notre lien,
Tu ne me quitteras jamais.
Notre amour a traversé les hauts et les bas.
Et nous a soutenus tout au long de la vie.
Et cet amour me donnera une force inébranlable.
Pour surmonter cette perte chaque jour.
Dans mon cœur et mon âme,
Maman, tu seras toujours là, avec moi.
Car je fais partie de ton cœur.
Et tu fais partie de toute ma vie !
Mother, you’re gone
Mom, you’re gone, you’re no longer with me,
And I’ll never forget you,
For the precious memories of our bond,
You’ll never leave me.
Our love has endured the ups and downs
And has sustained us through life,
And that love will give me a rigid strength
To overcome this loss each day.
In my heart and soul,
Mom, you’ll always be around with me,
For I’m a part of your heart,
And you’re a part of my all life!
Ngày 4 tháng 5, 2025, Thi Sĩ Huy Anh Nguyễn Đại Thành tham dự tiệc Mother’s Day của ca sĩ Tuấn Đạt và một số ca sĩ khác tổ chức với chủ đề “Lời Ru Của Mẹ“. Và gần đây, khi giúp lay-out Tập San Nhân Văn Nghệ Thuật số 1, Huy Anh được đọc bài ĂN NỬA TRÁI SIM của nhà văn Bạch Phụng. Bài viết này có chủ đề khác, nhưng có nhắc nhiều về “Lời Ru Của Mẹ”. Cảm hứng với đề tài này, Huy Anh đã sáng tác bài thơ trên.
Lời ru mẹ hát ngày nào
Nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng ta
Như dòng sông, suối đi qua
Lời ru của mẹ đưa ta vào đời
Bao nhiêu ngày tháng qua rồi
Lời trong tâm thức trao dồi trí con
Nhận, ghi tình nghĩa sắt son
Tri ân lời mẹ ru con ngày nào
Huy Anh
Hai thi sĩ Kiều My và Thanh Ngọc cũng đã viết và sáng tác thơ về Mẹ và đã được đăng trên trang Website của NVNT & TTG gồm: Mẹ Ơi và Vu Lan Mất Mẹ
Lá Thư Gửi Mẹ Cõi Thiên Thu do Ký Giả Nhà Văn Vương Trùng Dương gởi, ông viết: “Trong cõi nhân gian, không có trái tim nào vĩ đại như trái tim người mẹ”

Vào Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) theo truyền thống của Hoa Kỳ vào tuần lễ thứ hai của tháng Năm, với người Việt sống tha hương trên mảnh đất nầy thường chia sẻ, bài viết để tưởng nhớ, vinh danh công ơn sinh thành, dưỡng dục của Mẹ.
Thế hệ chúng tôi nay ở ngưỡng cửa tám mươi trở lên, sống trong trong thời chiến và năm tháng lao tù, không được gần gũi bên Mẹ rồi xa Mẹ khi tị nạn xứ người nay đã mất Mẹ, đó là nỗi bát hạnh nhất trong cuộc đời!
Trong bài viết trước đây của tôi: Viết Về Mẹ Trong Ngày Hiền Mẫu với những dòng chia sẻ:
“Từ nghìn xưa cho tới nay, từ Đông sang Tây… hình bóng người mẹ cao quý, thiêng liêng, sự hy sinh vô bờ bến trong tình mẫu tử, với trái tim đầy nhân ái, cao cả đã in sâu trong lòng người con từ lúc được sinh ra cho đến khi lìa đời. Hình bóng đó đã được thể hiện qua thơ, văn, nhạc và trong nhiều lãnh vực khác… không thể nào liệt kê hết trong bao nhiêu tác phẩm của nhân loại…”. Và trích dẫn nhiều ca khúc trong thời chinh chiến của các nhạc sĩ như Lòng Mẹ của Y Vân, Thư Về Thăm Mẹ của Mạnh Phát, Lời Ru Của Mẹ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Thương Về Quê Mẹ của Trần Công Tấn, Lời Mẹ Khuyên của Thùy Linh, Mùa Xuân Của Mẹ của Trịnh Lâm Ngân, Giữa Lòng Đất Mẹ của Châu Kỳ, Mẹ Ơi của Trần Văn Lý, Xin Mẹ Thương Con của Giao Tiên & Đỗ Yến, Xuân Về Với Mẹ của Nhật Ngân, Lối Về Đất Mẹ của Duy Khánh… Trường Ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy gồm 4 phần: Đất Mẹ – Núi Mẹ – Sông Mẹ – Biển Mẹ, Bà Mẹ Gio Linh…
Với bài thơ Lá Thư Gởi Mẹ của Thái Thủy viết thay cho những người lính chiến xa nhà:
“Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương.
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương…
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương”
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc bài thơ nầy cùng tên, là một trong những ca khúc viết về Mẹ, tôi rất tâm đắc.
Bây giờ thì nơi cõi thiên thu không biết Mẹ có khóc, và nơi viễn xứ không quên tình cố hương vì nơi đó với hình bóng của Mẹ.
Thế hệ chúng tôi đã “sinh nhầm thế kỷ” nên đã lấy đi nhiều giọt nước mắt của Mẹ.
Trong hồi ký Bà Mẹ Quê của nhà văn Tô Văn Cấp, anh phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, gan dạ vào sinh ra tử, khi viết về Mẹ:
“Sáng ngày N tháng 6/1966, một xe GMC chạy vào xóm và từ từ dừng lại khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống, nhưng người lính TQLC tìm nhà bà Châu, bà hàng xóm và cũng là người cùng quê, để báo tin con trai bà là thằng Mão đã tử trận! Bà Châu xỉu, bu tôi hoảng hốt lo lắng muốn xỉu theo, vì Mão và tôi là bạn và cùng tình nguyện vào TQLC. Mão Tiểu Đoàn 1, tôi Tiểu Đoàn 2, cả hai vừa đụng trận tại ngã ba sông Định, thuộc Bích La Thôn Quảng Trị, nó tử thương, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên tôi đã nói với hậu trạm là đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu cứ ở Thủ Đức cứ theo đúng thủ tục mà báo tin nên hai ngày sau lại một xe nhà binh đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả của chúng tôi, người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi không còn biết gì nữa!
Vì bị thương nhẹ nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép. Bu tôi đang nằm trên giường bệnh, thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao? Bu tôi không nói gì mà chỉ khóc, có lẽ cụ khóc vì lo âu, cụ khóc vì hạnh phúc còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về, những bà mẹ của lính chiến thấy mặt con lúc nào thì hạnh phúc lúc đó…
Cuối cùng thì ngày 19/6/1969, trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến, nhưng may mắn hơn Chiêu, Sơn, Tuấn, Thanh (con cháu trong họ hàng cũng trong TQLC đã tử trận)…, tôi còn nặng nợ, chưa đi được nên khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường bệnh bệnh viện, toàn thân những dây cùng nhợ! Mờ mờ nhìn qua lớp băng quấn đầu, tôi nhận ra bu tôi đang lấy cạy vết máu, vết sình đã khô trên mặt tôi, tôi mấp máy đôi môi, gọi qua hơi thở của bình dưỡng khí:
– “Mẹ”.
Tiếng “Mẹ” dễ gọi dễ thương là thế nên tôi quen với chữ “Mẹ” từ đó.
Tôị bị trọng thương, bị loại khỏi vòng chiến thì cũng là lúc mẹ tôi bớt được một phần lo âu, thấy tôi lê lết với đôi nạng gỗ kẹp nách thì mẹ lại mỉm cười
– “Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo”.
Khí giới của đàn bà là những giọt nước mắt.
Khi anh gửi bài viết cho tôi để đăng báo, khi đọc những dòng trên không thể cầm được nước mắt. Sự chịu đựng, hy sinh của người Mẹ rất cao cả đến nỗi khi anh bị thương trầm trọng mà người Mẹ “Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo”. Thà bị thương, tàn phế nhưng vẫn còn sống để mẹ con có nhau.
Trong vài bài viết của tôi khá lâu có nhắc đến hình ảnh người mẹ và với những dòng chia sẻ với tính cách gia đình của đứa con út cho thế hệ thứ hai, thứ ba để nhớ hình ảnh bà cố, bà nội, bà ngoại với trái tim, tấm lòng cao đẹp… đã ảnh hưởng sâu đậm cho các người chị của tôi.
Tuy không được may mắn sống gần mẹ vì học hành và đời quân ngũ nhưng tuổi thơ của tôi với mẹ với bao kỷ niệm thương yêu không bao giờ phai. Ngay cả các món ăn của mẹ từ lúc trẻ thơ cho đến bây giờ nơi xứ người, tôi vẫn thích, và mỗi khi có món ăn đó, tôi thường nói “món mẹ cho ăn”.
“Lũ chúng tôi đầu thai nhầm thế kỷ” (Vũ Hoàng Chương) bởi trưởng thành trong cơn binh lửa, trai thời chiến, người đau khổ nhất là mẹ. Hầu như người Mẹ VN nào trong truyền thống dân tộc cao đẹp cũng nghĩ đến con cái hơn bản thân mình. Mẹ đã mang nặng đẻ đau, lo từ giọt sữa cho con khi chào đời đến khi khôn lớn, thành danh, lập gia đình, dưới mắt Mẹ vẫn còn là đứa trẻ ngày nào… cho đến khi Mẹ vào cõi vĩnh hằng.
Hình ảnh mẹ thiêng liêng, cao quý không ai có thể nói hết. Trong kho tàng văn chương Việt Nam, ca dao, tục ngữ cũng không thể nào nói hết kho tàng trái tim người Mẹ.
Và nay, với những ai không còn mẹ, mượn ý thơ của bạn tôi, cầu mong “Trong cõi hư vô ấy, mẹ thảnh thơi, mẹ yên nghỉ ngàn thu” (Trạch Gầm). Mẹ không còn nhưng trái tim, hơi thở của Mẹ trong con.
Cha tôi qua đời năm 1963 lúc còn đi học và thời điểm đó sống trong hạnh phúc gia đình nên ít nhiều kỷ niệm. Lần đầu tiên tôi chứng kiến Mẹ khóc, đau khổ, tiều tụy! Rồi từ đó cuộc đời lính xa nhà, lao tù… mẹ con không được gần nhau, tuy không chứng kiến giọt nước mắt của Mẹ nhưng cũng hình dung Mẹ đã khóc rất nhiều.
Tuy đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, tôi chẳng có điều gì phải hối hận, ngay cả thời điểm cuối tháng Tư năm 1975 ở Vũng Tàu trước quyết định ở lại hay đi. Chỉ hối hận khi Mẹ qua đời mà không được nhìn nhau lần cuối cùng, lúc trở về phục tang rồi mang mảnh khăn tang nhỏ hình bình hành màu đen trên áo đi Mỹ. Tuy các cháu, nay cũng ở tuổi sáu mươi, bảy mươi coi chú, cậu cũng như Cha Mẹ cháu đều mang trái tim của bà nội, bà ngoại. Nhưng với tôi vẫn coi bản thân như “đứa con bất hiếu” vì chưa trả được chữ hiếu khi Mẹ còn sống! Tháng 5 âm lịch là ngày giỗ song thân nơi căn nhà từ đường nơi cố hương, tuy chưa lần nào hiện diện nhưng với bổn phận người con xa xứ nhờ các cháu lo cho ngày kỵ và ngày Tết, mỗi năm chỉ hai lần chính thức bà con, dòng họ có dịp hội ngộ.
Ngoài trang thờ Cha Mẹ, trong ví và trước computer làm việc trong garage, nên lúc nào chân dung Mẹ vẫn hiện diện trong tôi. Mẹ ơi! Con vẫn còn đây. Mẹ ơi!“Trong cõi nhân gian, không có trái tim nào vĩ đại như trái tim người mẹ”.
Vương Trùng Dương–Little Saigon, Mother’s Day 2025
Sau ngày 30/4/75, tất cả các chiến sĩ thuộc QLVNCH đều sống trong cảnh tù đầy, Thi Sĩ Hạ Ái Khanh Dương Viết Diền đã dệt mấy vần thơ sầu thảm qua bài “Ngày Về” để nhớ về người Mẹ.
“Mười ba năm “cải tạo”
Ngày về không còn ai
Cây soan bên thềm cũ
Bây giờ cũng tàn phai
Mái nhà tranh còn đấy
Vẫn nghiêng nghiêng thuở nào
Trong nhà sao vắng lặng
Không một bóng người vào
Mẹ già chờ lâu quá
Vẫn không thấy con về
Tháng ngày rưng rưng lệ
Mẹ mất giữa chiều quê
Bên nấm mồ con khóc
Nhớ thương mẹ não nề
Sao mẹ đành vĩnh biệt
Mẹ ơi, con đã về!”
Hạ Ái Khanh – Trong thi phẩm “Ngậm ngùi”
Cho dù ở trong ngục tù hay ở quê người đất khách, cho dù ở trên rừng sâu hay góc bể chân trời, ai ai cũng triền miên nhớ mẹ mỗi lần vọng về quê cũ sau lũy tre xanh. Ta hãy nghe mấy vần thơ lục bát sau đây
“Mỗi lần nhìn khói lam chiều
Nhớ về quê mẹ hắt hiu nỗi buồn
Mẹ già nước mắt trào tuôn
Lom khom chống gậy bên đường chờ con
Bâng khuâng mẹ nhớ mỏi mòn
Bao mùa lá rụng héo hon thân gầy”.
(Hạ Ái Khanh –“Thương mẹ”: thi phẩm “Ngậm ngùi”)