DU LỊCH,  Khánh Lan

DU LỊCH ALASKA

Khánh Lan

Alaska giáp với Canada ở phía Đông, giáp Bắc Băng Dương ở phía Bắc, với Thái Bình Dương ở phía Tây và phía Nam, đối diện với đất liền Nga qua eo biển Bering. Alaska có diện tích 1,7 triệu km2 và là nơi chiếm gần một nửa lượng sông băng trên thế giới. Người bản địa chiếm giữ vùng đất nay là Alaska bắt đầu từ hàng nghìn năm trước và từ thế kỷ 18 trở đi, các thế lực Châu Âu đã có ý định việc khai thác lãnh thổ này.

Người Nga bắt đầu định cư ở Alaska vào năm 1784, dân số chưa đến 1.000 người. Khoảng thế kỷ XIX, lãnh thổ Alaska của Nga là một trung tâm thương mại quốc tế. Tại thủ phủ của Alaska, Novo-Arkhangelsk (ngày nay là Sitka), giới thương nhân đã buôn bán vải vóc, trà Trung Quốc và đá lạnh. Ở đây cũng phát triển ngành đóng tàu và có rất nhiều nhà máy, hay các mỏ khoáng sản, đặc biệt là vàng.

Sau cuộc chiến tranh Crimea từ năm 1853-1856, Nga bất ngờ quyết định bán lại Alaska cho Hoa Kỳ bởi khi đó, Hoa Kỳ và Nga là đồng minh, nên Nga tìm đến người Mỹ để thảo luận thương vụ Alaska. Nga đã cử một nhóm khảo sát đến Alaska để định giá tài nguyên thiên nhiên ở đây. Được định giá khoảng 10 triệu USD, song hầu hết các nhà khảo sát cho rằng Nga không nên bán Alaska, thay vào đó cần đặt vấn đề cải cách để phát triển. Bỏ ngoài tai lời khuyên của nhóm khảo sát, Sa hoàng Alexander II ra lệnh chuyển bản đánh giá đến chính phủ Mỹ. Sau các cuộc thảo luận, hai bên thương vụ mua bán hòn đảo ở mức 7,2 triệu USD. Tuy nhiên, các hoạt động thương thảo bị gián đoạn vài năm do nội chiến ở Mỹ.

Lễ ký hiệp ước chuyển nhượng vùng lãnh thổ Alaska cho Hoa Kỳ ngày 30 tháng 3 năm 1867. Từ trái sang: Robert S. Chew, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward, William Hunter, Mr. Bodisco, Công sứ Nga de Stoeckl, Charles Sumner, và Fredrick W. Seward (Ảnh: Alaska Library).

Đến ngày 30 tháng 3, 1867, tại Washington DC, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là William H. Seward và Công sứ Nga là Edouard de Stoeckl đã ký Hiệp ước bán Alaska cho Mỹ. Theo đó, Nga đồng ý bán vùng đất rộng xấp xỉ 1,7 triệu km2 cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD. Alaska trở thành tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ, một vùng đất lạnh lẽo, giàu tài nguyên đã “đổi chủ” sau một thương vụ kỳ lạ cách đây hơn 150 năm. Đến tháng 4, 1867, Thượng viện Mỹ phê chuẩn thương vụ và Tổng thống Mỹ Andrew Johnson ký thông qua và Nga chính thức bàn giao Alaska cho Mỹ vào tháng 10, 1867. Việc chuyển giao đất đai diễn ra tại Novoarkhangelsk rất cảm động, binh sĩ hai bên đứng thành hàng bên cạnh cột cờ, lá cờ Nga bắt đầu hạ xuống. Sau đó, người Mỹ bắt đầu tiếp nhận các tòa nhà ở thị trấn, và đặt lại tên là Sitka. Khoảng một năm sau đó, vài trăm người Nga không nhận quốc tịch Mỹ đã được di chuyển tới các tàu buôn để trở về đất liền của Nga, chấm hết cho sự hiện diện của Nga ở Bắc Mỹ.

Trong gần 30 năm đầu sau khi mua lại Alaska, Mỹ gần như không ngó ngàng đến vùng đất này. Alaska được điều hành thông qua các quy tắc quân sự, hải quân và tài chính. Năm 1884, Mỹ lập một chính quyền dân sự ở Alaska, đồng thời ban hành luật khai thác tài nguyên. Khu vực này trải qua một vài thay đổi về mặt hành chính trước khi được tổ chức thành một lãnh thổ vào ngày 11 tháng 5 năm 1912. Ngày 3 tháng 1 năm 1959, Alaska được công nhận là bang thứ 49 của Hoa Kỳ. Ngày nay, Alaska là một trong những tiểu bang giàu nhất của Mỹ với GDP hàng chục tỷ USD nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu mỏ, vàng và cá, cùng vùng đất hoang sơ rộng lớn. Ngoài lợi nhuận khổng lồ từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, vùng đất này còn tạo vành đai bảo vệ Mỹ khỏi sự tấn công của các nước phương Tây.

Lần đầu chúng tôi đến Alaska vào mùa hè của 30 năm trước (1995), Alaska là tiểu bang đầu tiên chúng tôi đi du lịch bằng đường biển và đây cũng là du thuyền đầu tiên chúng tôi đi. Du thuyền Majestic khởi hành từ Vancouver British Columbia qua 4  nơi của Alaska là Ketechikan, Skagway, Juneau, Hubbard Glacier và kết thúc tại port Seward, Alaska. Du thuyền Majestic đến từ Âu Châu vừa đẹp, sang trọng, lịch sự và giá cả phải chăng, nhưng rất tiếc là chỉ vài năm sau du thuyền này đã bị phá sản và hoàn toàn biến mất trên thị trường.

30 năm sau (2025) chúng tôi trở lại Alaska lần thứ hai vào mùa đông với du thuyền Celibrity Sumit. Du thuyền này khởi hành từ Seward, Alaska và kết thúc ở port Vancouver British Columbia, đi qua 5 địa điểm là Ketechikan, Skagway, Juneau, Systrait Point Alaska và Hubbard Glacier. Lần này, chúng tôi bay từ phi trường Los Angeles đến phi trường Anchorage International, Alaska.

Sau đó, chúng tôi mua vé xe lửa “The Alaska Railroad” đi đến thành phố Seward, Alaska, nơi mà du thuyền Celibrity Sumit sẽ khởi hành cho cuộc viễn du trên vịnh Alaska tuyệt diệu.

ALASKA RAILROAD:

Hơn 100 năm qua, những con đường sắt tại Alaska (Alaska railroad) là phương tiện để kết nối các thành phố lại với nhau, vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến khắp nơi trên tiểu bang như một phần quan trọng trong sự phát triển của Alaska. Không những thế, Alaska railroad còn cung cấp dịch vụ đưa các cư dân và du khách đến các khu vực dọc theo đường rầy xe lửa, đồng thời mang đến những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng như bạn có thể ngồi trong các toa xe có nóc làm bằng chất nhựa trong suốt, để tận hưởng những giây phút thoải mái và chiêm ngưỡng quang cảnh thiên nhiên đẹp nhất của Alaska. 

Thật vậy, không gì có thể diễn tả toàn vẹn được vẻ đẹp của thiên nhiên khi bạn  chọn du lịch ngắm cảnh bằng xe lửa trên Alaska railroad. Tuyến đường 500 dặm đường rầy trải dài từ Anchorage đến Seward. kéo dài 4.5 giờ đồng hồ với tốc độ 40 km/giờ  đã cống hiến hành khách những phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Những đỉnh núi cao nhất ở Bắc Mỹ, Denali kỳ diệu và những rặng núi phủ tuyết trắng xóa, nối tiếp nhau, trùng trùng điệp điệp tưởng chừng như bất tận.

Trên sườn đồi những rặng thông xanh vươn mình trong nắng ấm, dưới thung lũng sâu, những cành cây khô nằm phơi thây trên những vũng bùn màu xám xịt. ..nhưng lạ lùng thay, chính sự kết hợp giữa cái chết và sự sống của cây cỏ lại tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp trước mắt mà bạn không thể ngờ được…

những rặng thông xanh vươn mình trong nắng ấm

Chúng tôi như chìm đắm trong phong cảnh hữu tình, 4.5 giờ đồng hồ thoảng qua nhanh như một cơn gió nhẹ đưa chúng tôi đến thành phố Seward lúc 11:00 giờ sáng. Từ bến xe lửa đến Port Seward, Alaska mất khoảng 10 phút đường bộ. Tuy nhiên, Celibrity Sumit cũng gởi xe buýt ra bến xe lửa để đón khách lên tàu. Celibrity Sumit khởi hành đi Juneau lúc 8 giờ tối và là thành phố đầu tiên du thuyền dừng lại.

JUNEAU 

Nằm dưới chân núi Juneau ở Alaska Panhandle, nơi phù hợp với nguồn nước Ruby của vùng đất liền Gastineau Channel. Juneau vốn thừa hưởng một số vịnh hẹp tuyệt đẹp và vì được bao quanh bởi sông nước với những ngọn núi cao chót vót, Juneau đã mở ra một con đường nối liền nơi này với thế giới bên ngoài. Ngày nay, các thị trấn được phát triển với quang cảnh đặc biệt như  ở Phi Châu.

Juneau là một trong những nơi mà bạn có thể  thám hiểm để thử nghiệm về sự  hùng vĩ của đỉnh núi Robert đến Mendenhall Glacier và các băng đá rất độc đáo tại Juneau.

SKAGWAY

Skagway ngày nay với những con phố có vỉa hè bằng gỗ “buckboard” và các tòa nhà đã được phục hồi để chào đón du khách thì 100 năm trước, có đến 20,000 thợ đào mỏ chuyển đến sinh sống tại thị trấn nhỏ bé này, nhưng bởi sự khắc nghiệt của thời tiết khiến  chỉ còn khoảng 1000 người ở lại và lập nghiệp tại đây.

Nếu chúng ta quay ngược dòng thời gian và sống lại cơn sốt vàng vào cuối thế kỷ 19, đó là quãng thời gian mà những người thuộc cơn sốt vàng Klondike bất chấp gian khổ để hy vọng đào được trúng kho vàng (Klondike to strike it Rick). Thật vậy, trong cơn sốt vàng Klondike, Skagway, Alaska tràn ngập những người đi tìm kiếm vàng, họ quyết tâm và sẵn sàng mạo hiểm  với hy vọng đào được mỏ vàng. 

The White Pass và Yukon Route Railroad

Những người tiên phong này bất chấp  mọi trở ngại, họ đã lên đường, vượt qua The White Pass và Yukon Route Railroad nguy hiểm. Bởi lúc bấy giờ, Skagway là vùng đất được  ví như viên ngọc quý tinh khiết ẩn mình giữa những ngọn núi cao chót vót nằm ở phần cực bắc. Đây cũng là một hành trình lý thú mà du khách ngày nay có cơ hội trải nghiệm trên tuyến đường sắt lịch sử White Pass và Yukon Route Railroad này.

ICY STRAIT POINT HOONAH, ALASKA

Icy Strait Point nằm gần thành phố Hoonah, đây khu định cư lớn nhất của người Huna da đỏ thuộc bộ lạc Tlingit ở Alaska. Hoonah có nghĩa là “nơi gió bắc không thổi“, là nơi mà người Huna Tlingit di dân đến sinh sống và lập nghiệp từ khi có sự xuất hiện của những tảng băng hà nhỏ trên biển gần nơi ở ban đầu của họ ở Vịnh Glacier. 

Theo lời kể của người dân bản địa thì vùng biển này là nơi sinh sống của nhiều giống cá như cá voi lưng gù, cá voi sát thủ, cá heo Dall, hải cẩu, rái cá, cá bơn và năm loài cá hồi Thái Bình Dương. Vì vậy nếu bạn đi bộ dọc bờ biển, bạn sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra một chú cá voi lưng gù hoặc một chị cá voi sát thủ đang bơi lội ngoài khơi. Tại đây bạn có cơ hội để thưởng thức những món hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng như cá salmon và kinh crab cooktail.

Vào những năm 1880, những người buôn bán lông thú đã đến Hoonah định cư, họ xây trường học, nhà thờ, cửa hàng buôn bán thực phẩm và  lông thú.

Đến năm 1912, “ISP” của Eo biển đã xây nhà máy đóng hộp cá hồi lớn nhất ở Alaska, sản xuất tới 152,505 thùng trong một năm. Ngày nay, ISP là cảng du thuyền tư nhân duy nhất ở Alaska và hãng cá đóng hộp Huns Totem Corporation thuộc quyền sở hữu của 1350 người dân bản địa Alaska, mà nhiều người trong số ấy là tổ tiên của người Tlingit bản địa định cư ở đây.

KETCHIKAN

Ketchikan nằm gần mũi cực nam của vùng đất hẹp Alaska, nó trông giống như một chiếc khăn tay nhỏ bị kẹp giữa núi và biển. Người da đỏ Tlingit, Ketchikan  gọi nó là “Đôi cánh sấm sét của đại bàng” (Thundering Wings of an Eagle) và nó nhìn như đôi chân của con chim đại đang leo lên ngọn Deer  mountain cao 3000 foot nhìn ra thị trấn.

“Đôi cánh sấm sét của đại bàng” (Thundering Wings of an Eagle)

Toàn bộ trung tâm thành phố là khu vực di tích lịch sử quốc gia, là mối liên hệ của người dân bản địa với quá khứ văn hóa, Ketchikan cũng có bộ sưu tập cột mốc lớn nhất thế giới bởi Ketchikan nằm trong khu rừng mưa ôn đới trong khu rừng quốc gia Tongass.

Ketchikan là một vùng đất hoang dã được tạo ra do đất bồi của dòng sông băng tuyết và được bao quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết, thác nước. Những dòng suối của vùng đất này là nơi sinh sản của cá hồi biến Ketchikan thành một thị trấn đánh cá nổi tiếng trên thế giới. 

Alaska vào tháng năm vẫn còn lạnh, nhưng lạ lùng thay công viên “Whale Park” lại rực rỡ với những cây hoa khoe sắc thắm bên cạnh những cành Japanese Mable đỏ rực như độ tiết thu.

The Whale Park tại Ketchikan, Alaska

Đẹp như mùa thu ở Japan

HUBBARD GLACIER

Khi du thuyền đến Hubbard Glacier thì đã 4 giờ chiều, khí hậu hôm ấy lạnh buốt và có mưa lất phất, nhưng trời mưa thì mặc trời mưa, tất cả mọi người ùa ra hai bên boong tàu như những đàn ong vỡ tổ. Trên tay của chúng tôi, người thì ống nhòm, kẻ thì máy ảnh, iPhone, miệng líu lo, tay chỉ  trỏ, không khí trở nên vui như ngày hội.

Hubbard Glacier được đặt theo tên theo luật sư Gardiner Hubbard, dòng sông băng này mang một vẻ đẹp bao La với màu xanh phi thường mà từ xa trông như một tấm thảm màu xanh bằng đá dựng đứng, rất ngoạn mục. Hubbard Glacier là một sông băng nằm trong Công viên quốc gia và Khu bảo tồn Wrangell–St. Elias ở phía đông Alaska và Công viên quốc gia và Khu bảo tồn Kluane ở Yukon, Canada. Hubbard Glacier là sông băng thủy triều lớn nhất Bắc Mỹ. Nó dài 76 dặm, rộng 7 dặm và cao 600 feet ở mặt cuối (350 feet lộ ra trên mực nước và 250 feet bên dưới mực nước).

Hubbard Glacier hay bất cứ một dòng sông băng tại Alaska đều là những kỳ quan thiên nhiên nằm trong vùng nước được bảo vệ. Hubbard Glacier nằm ở phía sau của Vịnh Yakutat và là một nhánh sông băng bắt đầu ở đỉnh cực đông trên sườn Núi Logan ở độ cao khoảng 5,600 nét. Trước khi trôi ra biển, Hubbard  Glacier được nối với sông băng Valerie ở phía tây qua các đợt dâng băng về phía trước đã thúc đẩy dòng chảy băng và cuối cùng sẽ chặn Vịnh hẹp Russell từ vùng nước của Vịnh Disenchantment.

Tour Hubbard Glacier: Bạn có thể book tour để lên trên đỉnh của sông băng bằng máy bay trực thăng, giá khá cao nhưng bạn sẽ nhìn thấy tận mắt những tảng đá màu xanh biếc, những hồ nước đông đá mà bạn có thể đứng lên trên và những dẫy núi phũ đầy tuyết bao quanh. Đó là một cuộc mạo hiểm đầy lý thú.

Hubbard Glacier đã tiếp tục phát triển trong khoảng một thế kỷ. Vào tháng 5 năm 1986, Hubbard Glacier dâng cao về phía trước, chặn lối ra của Vịnh hẹp Russell và tạo ra “Hồ Russell” và mùa hè năm đó, hồ đầy nước với mực nước tăng 25 mét và sự giảm độ mặn đã đe dọa sinh vật biển ở vùng này. Theo các nhà chuyên gia tiên đoán phải mất khoảng 400 năm để một khối băng đi hết chiều dài của sông băng, nghĩa là lớp băng dưới chân sông băng có tuổi đời khoảng 400 năm.

Sông băng thường xuyên làm vỡ những tảng băng trôi có kích thước bằng một tòa nhà mười tầng. Nơi sông băng gặp vịnh, phần lớn băng nằm dưới mực nước và những tảng băng mới hình thành có thể bắn lên khá đột ngột, vì vậy các con tàu phải giữ khoảng cách với mép sông băng ở Vịnh Disenchantment.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn và chuyến du lịch nào rồi cũng phải kết thúc. Khi du thuyền Celibrity Sumit kết thúc tai cảng Vancouver, British Columbia đồng hồ chỉ 8 giờ sáng. Lấy hành lý xong, chúng tôi đón taxi ra phi trường Vancouver Internationa, từ bến tàu đến phi trường là 210 nautical miles.

Chúng tôi về lại California lúc 4:30 chiều, chấm dứt một chuyến du lịch đầy lý thú.

Khánh Lan, California 2025

Sent from my iPhone