Lời Giới Thiệu Hồi Ký Sinh Lầm Thế Kỷ của Nhà Văn Khánh Lan
Vương Trùng Dương (Bài viết vừa đăng trong mục Văn Nghệ nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa số 184, tháng 12/2024)
Trưa Chủ Nhật, 3 tháng 11 vừa, tại NT Studio, Westminster, ra mắt sách ba tác giả nữ Dương Hồng Anh, Khánh Lan và Kiều My, thuộc Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian. Buổi RMS đã được tường thuật của Văn Lan trên nhật báo Người Việt vào Thứ Thư 13/11/2024 và có buổi ra mắt năm tác và Khánh Lan, Kiều My trên trang mạng Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian.
Buổi RMS với các diễn giả Trần Huy Bích (Cõi Thơ của nữ sĩ Dương Hồng Anh), Phạm Thị Huê (Thi tập Bóng Thời Gian của Khánh Lan), Quyên Di (thi phẩm Như Lá Cỏ Tàn Phai của Kiều My), Phạm Gia Đại (Sinh Lầm Thế Kỷ của Khánh Lan) và Hoàng Đình Khuê (Tản văn Thêm Ngày Nửa Để Yêu Thương). Với các diễn giả trên thường tham dự và giới thiệu trong những lần RMS các tác giả, tác phẩm là niềm vinh dự trong nhóm NVNT & TTG suốt thời gian qua.
Với tác phẩm Sinh Lầm Thế Kỷ (Hồi ký của một linh hồn lạc lõng) của nhà văn Khánh Lan dày 146 trang, gồm 9 chương, trước khi ấn hành đã chuyển file M. Word cho nhà văn Phạm Quốc Bảo viết về cảm nghĩ và tôi viết Lời Giới Thiệu để in vào tác phẩm. Hồi ký không viết theo thứ tự thời gian các sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời.
Tác giả cho biết viết tác phẩm nầy trong một tuần lễ để theo dòng suy tưởng liên tục. Và sau đó tác giả dịch ra tiếng Anh với tựa đề Born In The Wrong Century. Thân phụ tác giả đã phục vụ trong Ngự Lâm Quân dưới thời Vua Bảo Đại (Quốc Gia Việt Nam) và sĩ quan trong QLVNCH vì vậy coi như thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn góp mặt trong dòng văn học hải ngoại trong nửa thế kỷ lưu vong.
Lời Giới Thiệu (trang 13-20)
Trong bài thơ Phương Xa của nhà thơ Vũ Hoàng Cương (1915-1976) có hai câu: “Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ. Một đôi người u uất nỗi chơ vơ”. Với hai câu thơ nầy, thế hệ chúng tôi trải qua thời chinh chiến, tù đày và lưu vong đã mượn ý thơ để viết về thân phận đời trai “sinh bất phùng thời” trên quê hương. Và lần nầy, nhà văn nữ Khánh Lan với tác phẩm Sinh Lầm Thế Kỷ khoảng một trăm bốn mươi trang, 9 chương từ “Ký Ức Ngày Cha Mất” đến “Khánh” (tác giả, con út trong 6 anh chị em). Theo lời tác giả là truyện dài (chỉ thay đổi nhân vật) với tôi là hồi ký vì qua chín chương, tác giả ghi lại tất cả sự kiện xảy ra rất thật, chân tình từ khi sinh ra đến nay.
Khi đọc Sinh Lầm Thế Kỷ, cảm thấy xót xa, thương cảm… với từng giai đoạn vì đã trải qua bao nghịch cảnh, bi đát nhưng rồi cũng may mắn “hết bĩ cực đến thái lai”.
Theo lời Khánh Lan “Quyển sách viết về cuộc đời bản thân, trong gia đình và vài người bạn thân” với “người thật việc thật” nhưng vì lý do riêng rất tế nhị nên khác tên.
Trong quá khứ đã có những tác phẩm (hồi ký) của phái nữ được nổi tiếng như The Liars’ Club của Mary Karr, Fun Home: A Family Tragicomic của Alison Bechdel, Girl, Interrupted của Susanna Kaysen, Lucky của Alice Sebold, Men We Reaped của Jesmyn Ward, First They Killed My Father: A Daughter of Cambodia Remembers của Loung Ung, Mom & Me & Mom của Maya Angelou của Autobiography of A Face của Lucy Grealy…
Trong 3 chương đầu của tác phẩm, Khánh Lan viết về hoàn cảnh gia đình, tác giả khi còn bé thơ đã chứng kiến nỗi đau: “Ngày tang lễ, chiếc quan tài của Cha tôi đặt giữa hai hàng nến và hai dàn sĩ quan đứng chào. Hôm sau, người ta đưa tiễn Cha tôi đến Nghĩa Trang Quân Đội, dưới cơn mưa nặng hạt của cuối tháng Tám…” (Chương I: Ký Ức Ngày Cha Mất)
Thân mẫu phải lo chăm sóc nuôi nấng đàn con, may nhờ bà ngoại, có chỗ nương tựa nên các anh chị em được học hành, dấn thân trong cuộc sống.
Với 6 chương kế tiếp, ghi lại giai đoạn vào thời điểm tháng Tư năm 1975 cho đến thời gian ở Mỹ, trong đó nhắc lại ngày tháng cũ, nỗi đau của người mẹ trong nghịch cảnh: “Lần cuối cùng anh Phương về lễ Cha tôi là năm 1967 và cũng là lần cuối cùng Mẹ tôi nhìn thấy con”. (Chương III: Buổi Chia Ly)
Với trường hợp “Đương là một sinh viên y khoa của đại học Y Khoa Sài Gòn, anh Phương đột nhiên mất tích. Hay tin dữ, Mẹ tôi như chết điếng trong lòng, vật vã than trách đất trời và khóc hết nước mắt cho đến ngày Mẹ tôi nhắm mắt xuôi tay. Sự biến mất của anh Phương không ai hiểu vì sao, cho mãi đến sau này, khi anh Phương lén lút về thăm nhà trong ngày giỗ mãn tang của Cha tôi, Mẹ tôi mới biết được lý do tại sao anh Phương đã rời bỏ khuôn viên đại học để theo ‘cách mạng’ tập kết ra Bắc: rồi biệt tăm từ đó…” (Chương VI: Thảm Cảnh Gia Đình).
Trong khi đó, hai người anh của Khánh Lan: “Ngày mất Sài Gòn cũng là ngày mà gia đình tôi tan nát, kẻ ở người đi. Gia đình tôi sau tháng 4, 1975 còn hai anh Tuấn, Bảo và hai chị Thu, Thảo còn kẹt lại Sài Gòn. Anh Phương đã hy sinh trong chiến dịch mùa Xuân, Mùa hè đỏ lửa 1972 và được nhà nước Việt Nam ghi vào danh sách “tổ quốc ghi công”. Anh Tuấn trở thành người tù không bản án. Anh Bảo là giáo chức nên chỉ phải đi học tập cải tạo 3 ngày. Hai chị Thu và Thảo rơi vào một cuộc sống lao đao lận đận như bao nhiêu người đàn bà còn ở lại Việt Nam, và tôi, Khánh sống cô đơn nơi đất khách quê người…
“Anh Tuấn cũng rời bỏ mái trường cùng các bạn lên đường nhập ngũ… Biệt Động Quân. Cuối năm 1979, anh Tuấn được thả về sau 4 năm rưỡi tù cải tạo.
Anh Bảo được tin Ngoại, Mẹ tôi và chị Oanh mất (khi định cư ở Mỹ), anh như người mất trí, sống lang thang như người không nhà (homeless). Anh bỏ Sài Gòn ra Phước Tỉnh, rồi lại tử Phước Tỉnh về Sài Gòn, có lẽ anh hy vọng là sẽ tìm lại được vợ và con lưu lạc nơi nào trở về chăng? Sau 2 tháng lăn lộn, sống nay đây mai đó, anh Bảo về sống chung với hai chị tôi, Thu và Thảo. Nhờ sự chăm xóc của hai em, anh Bảo nguôi ngoai và bớt đau khổ…”
Thời điểm bỏ nước ra đi “Ngày 27/4/1975, vượt biên con tàu đánh cá tại Phước Tỉnh 1975 “Mang theo gia đình tôi gồm: Ngoại, Mẹ, chị Oanh, đứa con 8 tháng của chị và anh Bảo, và tôi. Tôi chưa đi biển bao giờ nên khi ra khơi bị say sóng và chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình mình. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu của Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ USS Midway. Người y tá Mỹ cho tôi biết rằng tôi may mắn được mang lên tàu bởi một thủy thủ khi tôi nằm bất tỉnh trên boong tàu đánh cá. Tôi ngơ ngác nhìn quanh, không thấy gia đình tôi bên cạnh, tôi hoảng sơ, bật khóc!”
(Chương IV: Những Ngày Đen Tối Của Đất Nước, 30 Tháng 4 Năm 1975)
Ở Chương VII: Trái Tim Vụn Vỡ, đề cập đến người chị (Thu), theo lời kể với mối tình ngang trái với anh Hoài An, Thiếu Tá Cảnh Sát với bản án 13 năm tù ở núi rừng miền Bắc. Đây là chương tác giả viết dài nhất về người chị với anh Hoài An (tuy không chính thức) nhưng đã lặn lội thăm nuôi… Trong chuyến vượt biên, Thu cùng người em Thảo gặp phải hải tặc “Có 15 cô gái bị hiếp, nhiều cô mang bệnh giang mai, một cô có bầu, một cô nhảy xuống biển tự vẫn nhưng đã được cứu sống”. May mắn hai chị em nhờ lanh trí nên không lâm vào thảm cảnh đó. Khi định cư tại Mỹ, Thu đợi chờ Hoài An ra tù và sau đó được đoàn tụ ở Los Angeles.
Chương VIII: Hồng Nhan Đa Truân với người chị (Thảo) “Cuối năm 1979 khi chị Thảo định cư tại Mỹ thì anh Đức cũng được gia đình bảo lãnh qua Canada.
Một tháng sau, anh Đức đột nhiên biến mất mà không để lại một lời từ giã. Một tháng sau ngày anh Đức mất tích, chị Thảo nhận được một lá thư bí mật gởi từ Canada, tiết lộ là anh Đức hiện đang sống với một người đàn bà tại Texas… Chị Thảo như chết điếng trong lòng, chị khóc cả tuần, rồi cả tháng và buồn cả năm…”. Hết nỗi đau nầy đến nỗi đau khác, khi gặp Rahul, lái xe vận tải xuyên tiểu bang, tưởng chứng cuộc tình êm đẹp nhưng nào ngờ “Lần này chị mất cả chì lẫn chài vì khi đưa tiền cho Rahul chị không làm giấy tờ”. Và sau đó cũng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu! Trong ba chị em thì người chị nầy của tác giả đáng thương hại nhất!
Qua hình ảnh của Phương (bạn của anh ruột tác giả), Tuấn là chồng của bạn thân, Thu là bạn khi định cư ở Mỹ, Thảo là chị của dâu (vợ của người anh ruột Bảo)… qua từng mẩu chuyện được kể lại và chứng kiến, tác giả linh động lồng vào người thân trong gia đình như “tự truyện”.
Chương IX: Khánh
Khánh Lan rời quê hương vào thời điểm đen tối của lịch sử trong tháng 4 năm 1975, tuy rời quê hương với phương tiện khác nhưng trường hợp của gia đình người bạn thân trong hoàn cảnh bi thảm ra đi bằng đường biển, bất chấp mạng sống để tìm lối thoát…
Dòng cuối của tác phẩm “Có lẽ trong 6 anh chị em tôi, tôi là người may mắn nhất và có một cuộc sống êm đềm không nhiều sóng gió”.
Như đã đề cập ở trên, tác giả viết bởi cảm xúc, chân tình cả người và sự kiện xảy ra, không có gì hư cấu, cường điệu. Trong những nhân vật được đề cập cả tốt lẫn xấu, nỗi khổ và niềm vui.
Với tựa đề Sinh Lầm Thế Kỷ, bản thân tác giả và trong gia đình cũng như những người thân đã lâm vào trường hợp như vậy cũng tương tự như nhiều gia đình khác trong thời kỳ chiến tranh, khi mất nước. Đây chỉ là vài ý chính trong tác phẩm, với cách hành văn và diễn đạt của tác giả sinh động và lôi cuốn, dẫn dắt người đọc cảm nhận những điều chia sẻ từ khổ đau đến hạnh phúc.
Tác phẩm (truyện) nhưng ghi Hồi Ký Viết Dưới Hầm của nhà văn Nga Dostoevsk năm 1865 (Memoir from Underground – Note du Sous-sol), tác giả ghi, chép (memoir – note) từ những sự kiện “tai nghe mắt thấy” xảy ra trở thành chứng nhân của giai đoạn lịch sử.
Và đây là tác phẩm thứ tám của nhà văn Khánh Lan. Trong bốn năm đã ấn hành tám tác phẩm gồm nhiều thể loại từ thơ, văn, tôn giáo, triết học… và sẽ ấn hành vài tác phẩm khác. Đọc tác phẩm Dĩ Vãng Khôn Nguôi, nay đọc Sinh Lầm Thế Kỷ, thật không ngờ nhà văn Khánh Lan trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian đã bước vào cõi văn chương nơi hải ngoại với “đôi hia bảy đạm”.
(Little Saigon, July 24. 2024 – Vương Trùng Dương)
*
Ngày xưa học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) với tác phẩm Nỗi Oan Thế Kỷ đề cập đến thời kỳ của cụ trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, người lính, nhà thơ Trần Hoài Thư đã viết nhiều bài thế hệ của anh (chúng tôi) sinh ra và lớn lên trong thời chinh chiến với vết sẹo từ một cuộc chiến tàn khốc. Vết sẹo từ những kẻ sinh lầm thế kỷ. Và hai câu thơ: “Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹo. Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn”. Anh và tôi quen nhau khi ở trong Ban Biên Tập SVSQ ở trường Bộ Binh Thủ Đức khi tôi được gởi học giai đoạn đoạn I đầu năm 1967. Trong bài viết của tôi: Trần Hoài Thư & Thủ Đức Gọi Ta Về:
“Là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, gầy gò, cận thị… nhưng khi ra trường BB Thủ Đức lại về đơn vị tác chiến trong cương vị Trung Đội Trưởng của Đại Đội Thám Kích 405. Trần Hoài Thư đã 3 lần bị thương ngoài mặt trận… Thế nhưng anh không oán hận. Người lính vừa đánh giặc vừa cầm bút, “Cảm thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi nguyên một giáo sư đệ nhị cấp, với đôi mắt cận 7 độ, gầy như que củi, từng được hoãn dịch vì lý do sức khỏe, lại có mặt tại một đơn vị đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH. Khó có một ai trong bất cứ đơn vị nào được Tướng Đỗ Cao Trí thăng cấp hai lần trong vòng hai tháng ngay tại mặt trận.” (Về Một Đại Đội Cũ). Và “Từ 405, tôi cũng đã mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả”. Thật là “Đại Đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào tâm trí của một người lính cũ” (Về Một Đại Đội Cũ). Đây cũng là chất liệu, môi trường trong sự nghiệp cầm bút của anh.
Tập truyện Ra Biển Gọi Thầm của Trần Hoài Thư gồm hai mươi truyện ngắn. Là người lính, Trần Hoài Thư thấm được cái đau của bản thân, cùng thế hệ trong cuộc chiến, của đồng đội khi vào sinh ra tử. Người lính bại trận bị đày đọa trong ngục tù, khi ra tù sống bất hạnh bên lề xã hội…
Trong tập truyện nầy, anh đã nói lên nỗi đau, bi phẫn trước và sau cuộc chiến với thế hệ tuổi trẻ của chúng tôi phải gánh chịu. Và có nhiều tác phẩm của người lính VNCH đã nói lên trong giai đoạn lịch sử bi thương nầy.
Với Khánh Lan tuy không trải qua “đoạn đường chiến binh” như chúng tôi trong thời chiến nhưng cũng là con người lính như bao cô gái khác chẳng may mang nỗi bất hạnh, bi thương, và thay mặt cho thế hệ hệ nầy của cô để trang trải nỗi đau đó qua Sinh Nhầm Thế Kỷ.
Little Saigon, November 2024
Vương Trùng Dương