Kiều My,  KÝ SỰ

 50 năm…khát vọng !

Kiều my

Năm mươi năm đã trôi qua, đánh dấu sự kiện miền Nam Việt Nam sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lịch sử Việt Nam đã sang trang và nền tự do dân chủ của miền Nam cũng chìm vào quá khứ. Tuy vậy, dù ở trong nước hay hải ngoại, người Việt vẫn luôn nhớ về những năm tháng êm đềm của hai nền Cộng Hòa nhân bản trước năm 1975.

Đối với những người Việt tị nạn đang sống cuộc đời lưu vong khắp hành tinh này, vẫn luôn nuôi  khát vọng một ngày được trở về quê hương—Giống như dân tộc Do Thái, dù lưu lạc hơn 2000 năm khắp nơi trên thế giới, vẫn không ngừng khao khát trở về quê cha đất tổ. Và cuối cùng, họ đã đạt được ước nguyện!

Cũng vào một buổi sáng của tháng Tư cách đây 50 năm, Tổng thống lâm thời Dương Văn Minh đã tuyên bố: chính phủ Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng Mặt trận Giải phóng miền Nam. Toàn dân chìm trong bàng hoàng và sợ hãi như tiếng sét giữa trời quang, bầu trời tự do của miền Nam dường như đang sụp đổ trước mắt!

Trong khoảnh khắc chua xót ấy dù tuổi đời còn non nớt, tôi đã phần nào cảm nhận được sự mất mác to lớn cho một tương lai tươi sáng… và tôi đã bật khóc! Tôi khóc cho những người trai trẻ đã hy sinh tuổi xuân, tình yêu, hạnh phúc gia đình, thậm chí cả mạng sống, để trấn giữ biên cương, bảo vệ Tổ quốc và mang lại bình an cho dân lành ở hậu phương. Xương máu của họ đã đổ xuống vì lý tưởng Tự Do; nhưng giờ đây, sự hy sinh ấy dường như trở nên vô nghĩa! Đó là nỗi đau tột cùng của những kẻ thua cuộc!

Tôi khóc cho một tương lai mịt mù, u ám phủ bóng lên thế hệ hôm nay và mai sau.  Những giọt nước mắt tuyệt vọng của tôi hòa cùng nỗi ám ảnh kinh hoàng về cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn, Gia Định dịp Tết Mậu Thân 1968, khi máu đổ tang thương tràn ngập, và tài sản bị tàn phá không kể xiết. Cùng thời khắc ấy, tại cố đô Huế, hàng ngàn người vô tội đã bị thảm sát dã man chôn vùi trong những nấm mồ tập thể—những hình ảnh ấy vẫn còn đó, chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của người Việt.

Đi lần về quá khứ. Theo Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 bởi dòng sông Bến Hải: miền Bắc theo chế độ Cộng sản; miền Nam thuộc chế độ Tự do. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1954 đến năm 1975, miền Nam đã xây dựng và củng cố một thể chế chính trị  Dân chủ dưới hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa. Dù còn non trẻ, nhưng nền Tự do Dân chủ miền Nam đã hình thành một cách tốt đẹp và vững vàng.  Người dân được hưởng quyền bầu cử, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và nhân quyền được tôn trọng. Nền giáo dục được xây dựng trên nền tảng đạo đức, hướng đến việc đào tạo thế hệ tương lai theo nền văn minh khoa học tiên tiến để bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều trường học từ tiểu học đến đại học, mở mang tri thức cho mọi người, nhất là giới trẻ là những mầm non – tương lai của đất nước. 

Hình ảnh đẹp của trường nữ trung học Gia Long trước 1975

Dù đất nước vẫn trong tình trạng khói lửa chiến tranh, nhưng chính phủ miền Nam vẫn mang đến cho người dân một cuộc sống sung túc và bình an trong nhịp sống thường nhật êm đềm chan chứa tình người. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của miền Nam trên mọi lĩnh vực—từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự, và bang giao quốc tế…—Chỉ trong thời gian 20 năm ngắn ngủi đã biến thủ đô Sài Gòn trở thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” của Đông Nam Á. Các quốc gia láng giềng trong khu vực không chỉ khâm phục, mà còn mơ ước đạt được sự phồn thịnh như miền Nam Việt Nam vậy.

Miền Nam không chỉ là vựa lúa dồi dào, cung cấp lương thực cho người dân nội địa, mà còn xuất cảng gạo sang các nước láng giềng. Nguồn thủy sản phong phú từ sông hồ đến biển cả đã giúp bảo đảm cuộc sống no ấm cho người dân. Dưới chế độ tự do, miền Nam trở nên trù phú và thịnh vượng. Người dân được quyền tự chủ về kinh tế, tư tưởng và tương lai của chính mình. 

Nhưng sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, hoàn cảnh Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn. Cả thế giới bàng hoàng trước cuộc di tản khổng lồ và làn sóng vượt biên đầy bi thương của hàng triệu người Việt Nam đi tìm tự do. Họ ra đi bằng mọi cách—máy bay, đường bộ, hay vượt biển trên những con thuyền mong manh giữa đại dương mênh mông. Trên hành trình tìm kiếm Tự do, họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả mạng sống. Nhiều người đã bỏ mình dưới lòng biển cả hay trong rừng thẳm. Trong số những nạn nhân xấu số đó, có cả người thân yêu của tôi. Đã mấy mươi năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại biến cố đau thương này, tôi vẫn không khỏi ngậm ngùi! 

Biết bao gia đình đã ly tán vì hệ lụy của cuộc đổi đời. Người cha, người chồng bị đưa vào các trại tù cải tạo, để lại vợ con nheo nhóc, bơ vơ. Nhiều người phải rời bỏ thành phố, nhà cửa để đi đến “vùng kinh tế mới”—nơi rừng thiêng nước độc, để khai hoang những vùng đất đai cằn cỗi hoang vu.

Sau năm 1975, ngay cả miền Nam là vựa lúa của cả nước cũng lâm vào  hoàn cảnh đói khát. Người dân phải ăn độn ngô, khoai, bo bo… Cuộc sống trở nên cùng cực sau thời hậu chiến. Những khẩu hiệu tuyên truyền tốt đẹp không thể che lấp nỗi cơ cực, nghèo đói và đàn áp…đè nặng lên tinh thần người dân miền Nam; khiến họ phải tìm mọi cách để thoát khỏi đất nước bằng bất cứ giá nào. 

Những ai không có cơ hội hay khả năng ra đi đành chấp nhận số phận trong cảnh khốn cùng. Thanh niên không có việc làm, nhà nước phải “xuất khẩu lao động” đưa họ ra nước ngoài kiếm sống; còn nhiều phụ nữ bạc phước bị đẩy vào con đường mại dâm nơi xứ người. Kinh tế kiệt quệ, xã hội suy đồi, văn hóa và đạo đức xuống cấp trầm trọng. Một đất nước từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” giờ đây chỉ còn lại nỗi buồn và sự tủi hổ!

Hồi tưởng lại lần đầu tiên trở về thăm gia đình sau nhiều năm xa cách. Vừa bước ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, tôi sững sờ và hụt hẫng khi nhìn thấy một biển người đang chờ đón thân nhân từ nước ngoài. Họ trông xơ xác, làn da sạm đen, vẻ mặt hốc hác, bệnh hoạn… Một nỗi xót xa tràn ngập trong lòng, nước mắt tôi cứ tuôn rơi không sao ngăn được. Tôi đưa mắt tìm kiếm gia đình… Kìa, Ba Mẹ và các chị em đang đứng ngóng cao cổ chờ đón tôi. Cảm xúc càng dâng trào khi nhận ra những người thân yêu của mình cũng chẳng khác gì những người xung quanh – gầy gò, xanh xao… Tôi đau lòng đến nghẹn ngào. Người nước ngoài, dù sống ở đâu, da dẻ họ vẫn hồng hào, khỏe mạnh; còn gia đình tôi và đồng bào tôi giờ ra nông nỗi này sao? Họ tiều tụy đến mức tôi không dám nhìn thẳng vào mặt họ, kể cả người thân của tôi, e rằng họ sẽ tủi hổ. 

Không chỉ gia đình tôi, mà biết bao người khác cũng mơ ước được sống trong bầu không khí tự do, được hưởng cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, để con cái họ có  tương lai tươi sáng, không còn cảnh tha phương cầu thực, không còn bị áp bức … Đó là niềm khát vọng lớn lao vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng mọi người của từng giai cấp xã hội, là tia hy vọng duy nhất để họ bám víu mà sống qua ngày. 

Cụ già bán hàng rong

Thật chua xót! Trên những con phố đông đúc, nhiều người buôn gánh bán bưng, kể cả những cụ già lưng còng gánh hàng buôn bán mưu sinh qua ngày. Những người đạp xích lô còm cõi chở khách dưới cái nắng gay gắt, hoặc dầm mình trong những cơn mưa dai dẳng. Thật tủi nhục!  có cả những thầy giáo, giáo sư từng cầm phấn đứng trên bục giảng, nay phải lang thang mưu sinh bằng nghề đạp xích lô chỉ vì từng phục vụ trong chính quyền cũ. Họ trở thành những “trí thức đạp xích lô” – một hình ảnh thực tế đau lòng được nhắc đến trong tác phẩm “Sài Gòn: Một Góc Ký Ức và Bây Giờ” của tác giả Vũ Thế Thành.

Hình ảnh“Trí thức đạp xích lô”

Phải chăng nền giáo dục đương thời đã và đang xuống cấp trầm trọng? Tầng lớp trí thức bị bạc đãi vì chế độ chủ trương chính sách “ngu dân” để  dễ dàng thống trị người dân? Ngay sau 30 tháng tư 1975, nền văn hóa cũ phải bị xóa sạch bằng cách đốt sách vở, báo chí, tài liệu giáo khoa trong các nhà sách, thư viện, trường học, nhà xuất bản… Một hành động thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết và đố kỵ đối với nền văn hóa văn minh tiến bộ của miền Nam. Dưới chế độ Tự do Dân chủ, miền Nam đã đào tạo ra biết bao nhân tài, từ những tướng lãnh tài ba, những chiến binh dũng cảm trong quân đội, đến những Bác sĩ tận tâm, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Luật sư, Giáo sư, Văn nghệ sĩ, Linh mục, Thượng tọa… Họ là những bộ óc sáng suốt, những  người có năng lực có thể góp phần xây dựng đất nước; nhưng thay vì được trọng dụng, họ lại bị gạt ra bên lề xã hội. Xót xa hơn nữa, họ lại bị giam cầm, đày ải trong lao tù – chỉ vì họ là “trí thức”. 

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những đau thương của cuộc nội chiến đẫm máu vẫn chưa phai mờ trong lòng người Việt và trang sử đen tối vẫn chưa được khép lại. Người dân còn ở lại trong nước vẫn khắc khoải mong chờ một ngày mai tươi sáng,  khát vọng được hít thở bầu không khí tự do, mong mỏi có một cuộc sống đầy đủ và bình an. Những người Việt viễn xứ khắp bốn phương trên thế giới, lòng vẫn luôn hướng về quê hương, vẫn nhớ về Sài Gòn yêu dấu – nơi có gia đình, bạn hữu, thầy cô, và những ký ức của một thời tuổi trẻ không thể  phai nhòa!  Vẫn luôn khát vọng ngày trở về mảnh đất quê hương Việt Nam dấu yêu!

Sai gon…Ngày Tháng Cũ

Saigon đẹp thuở nào…còn đâu nữa

Tan trường về những buổi chiều mưa

Hàng cây bên đường lá ướt đẫm

Mưa giăng giăng ướt lối trường xưa

Áo trắng học trò ngày tháng cũ

Con đường dài phủ lá me bay

Saigon êm đẹp…mộng mơ ấp ủ

Nắng vàng nhẹ dìu bước em đi

Saigon… giờ đây từng ngày thầm nhủ:

Con đường cũ sao nằm lặng thinh?

Đợi người xưa ôm ghì nỗi nhớ

Mỏi mòn dưới đèn vàng lung linh!

Saigon ơi! Gọi tên người mãi

Gắng đợi chờ tôi, ngày trở lại

Saigon nắng lụa vàng bay trên phố

Đón bước ai về …một ngày mai

California, tháng 4 năm 2025