Phạm Hồng Thái,  Văn Thơ,  Video

Trang Đặc Biệt Mừng Giáng Sinh 2024

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh là ngày Christmas khá trọng đại. Trọng đại vì đây là ngày đã được mọi quốc gia, mọi tôn giáo coi như ngày vui chung của nhân loại, chứ không riêng gì đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo. Do đó, có người đã nói, Christmas là một cơ hội hãn hữu để nhắc nhở mọi người  có bổn phận đối với những người mà ta không quen biết cũng như đôi khi không ưa thích.Và đồng thời mọi người cũng hân hoan hát các điệu nhạc Giáng sinh như “We wish you a Merry Christmas”, như “Silent Night”, Đêm Thánh Vô Cùng mừng Chúa Hài Đồng ra đời.

            …Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
            Nhấp chén phiền vương phong trần
            Than ôi Chúa thương người đến quên mình
            Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành
            Ai đang sống trong lạc thú
            Nhớ rằng Chúa đang đền bù…

            Theo lời ghi lại thì khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời trong một cái máng cỏ ở hang Bethlelem có ba vị Vua phương Đông mang ba món quà đến để bày tỏ sự thành kính của họ. Trong khi đó, những người chăn cừu nghèo khó cũng lòng thành tặng Chúa Jesus hoa quả và những món đồ chơi do chính họ làm ra…

            Lễ Giáng Sinh Christmas là lễ kỷ niệm  ngày sinh của Chúa Jesus. Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Christ là tước vị của Đức Giêsu, chữ Mas là Thánh lễ. Thượng Đế đã gửi con yêu quý của mình xuống thế để chuộc tội và mang lại tình thương, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Tuy là lễ riêng của tín đồ Cơ Đốc Giáo, nhưng hầu như mọi người đều trân trọng, chung vui. Với tất cả, Lễ Giáng Sinh là thời gian tuy ngắn ngủi nhưng tràn ngập thương yêu với những gói quà dưới cây Noel, sao sáng lung linh nơi cửa sổ, những cánh thiệp chúc tụng gửi đó đây, những bữa ăn đoàn tụ thân bằng quyến thuộc với tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc, với tuyết trắng phủ kín sân nhà, đường phố…

Cho nên, tinh thần của Lễ Giáng Sinh là chia sẻ, bao dung, thương yêu và giảm thiểu giận hờn.

Tiểu thuyết gia Oren Arnold gợi ý về quà tặng Giáng Sinh như sau: “Với kẻ thù, cho sự Tha thứ; với đối thủ cho sự Chịu đựng; với bạn bè cho Trái Tim; với khách hàng cho Phục Vụ Chu Đáo; với các cháu bé Làm Gương Sáng để cháu noi theo và với chính mình, cho niềm Tự Trọng”.

Trong thông điệp gửi cho nhân dân Hoa Kỳ, vị Tổng Thống thứ 30 của quốc gia này là Calvin Coolidge (1872-1933), nhắn nhủ: “Christmas không phải là một thời gian hoặc một mùa nhưng là một tâm trạng. Để chào mừng hòa bình và thiện ý, để có đầy đủ tình yêu thương”.

Tiểu thuyết  gia nước Anh là Charles Dickens ((1812–1870) cũng đồng ý với “ Tôi luôn nghĩ Christmas như là thời gian vui thú ; một thời gian thân tình, tha thứ, độ lượng, thoải mái; thời gian mà nam cũng như nữ dường như tự do rộng mở trái tim, do đó tôi xin Thượng Đế chúc lành cho Christmas”.

Tác giả Wilda English viết :”Thượng Đế ban cho ta ánh sáng của Christmas, đó là niềm tin;  ấm áp của Chrismas, đó là tình yêu; rực rỡ của Christmas, đó là sự trong sáng;  chính trực của Christmas, đó là công lý; lòng tin tưởng ở Christmas, đó là sự thật; mọi ý nghĩa của Christmas, đó là Chúa Giê Su”.

Kế cận những bên nhau hạnh phúc, Giáng Sinh còn quá nhiều người không mua, không nhận được quà tặng, không lo được bữa ăn ngon, những em bé bán diêm chết cóng trong đêm băng giá, những đứa con bị cha mẹ bỏ rơi, những người bệnh không được thuốc thang chăm sóc…

Nhưng có Mother Teresa, người được Chúa Jesus kêu gọi để phục vụ những kẻ bất hạnh từ Giáng Sinh năm 1948. Bà từng nói “Mỗi năm tôi khởi  sự việc làm vào ngày Christmas”.

Vì, theo bà, “Là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta để Thượng Đế thương yêu người khác qua ta…và  là Lễ Giáng Sinh  mỗi khi ta mỉm cười với anh em của ta và cứu giúp họ”.

Đó là thánh ý Thiên Chúa.

Mà trong Lễ Giáng sinh, thường thường người ta cũng hay cầu nguyện

Cầu nguyện không phải chỉ là sự thờ phượng mà còn là một nguồn sinh lực dồi dào, mạnh mẽ mà con người có thể tạo ra. Ảnh hưởng của sự cầu nguyện lên tinh thần và thể chất có thể chứng minh được.  Ảnh hưởng đó được đo lường bằng sự phục hồi thể xác, đưa tới một trí tuệ sáng suốt, một lương tri ổn định và sự thấu hiểu những mặt khàc nhau trong sự giao thiệp giữa mọi người.

Nếu ta thành thật tạo ra một thói quen cầu nguyện, cuộc sống của ta sẽ thay đổi rõ ràng. Lời cầu nguyện sẽ để lại trong hành động và thái độ của ta những dấu ấn khó xóa nhòa. Một tác phong bình thản, một nét mặt ung dung tự tại ở những ai đã có một nội tâm phong phú. Trong chiều xâu của lương tri là ngọn lửa của nhân ái. Và con người tự nhìn thấy mình. Họ nhìn ra tính ích kỷ, thái độ kiêu hãnh, tâm trạng  sợ hãi, lòng tham lam, những sai lầm ngớ ngẩn của mình. Họ sẽ triển khai một nghĩa vụ đạo đức, một trí tuệ khiêm cung lâu dài.

Câu nói, “Hãy cầu xin và sẽ được đáp ứng” đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của nhân loại.Thực ra, cầu nguyện không thể mang lại sự sống cho em bé đã chút hơi thở cuối cùng hoặc chấm dứt được cơn đau thể chất. Nhưng cầu nguyện, như hạt radium, là nguồn sinh lực tự tạo sáng chói không bao giờ hết. Khi cầu nguyện, ta đã kết nối bản thân với nguồn sức mạnh bất tận đang quay cuồng trong vũ trụ. Ta xin một phần năng lượng đó cho nhu cầu thiếu hụt của ta để tăng cường bổi bổ. Nhưng đừng cầu nguyện Thượng Đế để thỏa mãn lòng ham muốn nhất thời.

Ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu, một mình hoặc với người khác. Hãy nghĩ tới Thượng Đế nhiều hơn là hơi thở khiến cho cầu nguyện trở thành một thói quen.Và đừng cầu nguyện vào buổi sáng rồi suốt ngày sống như một con người man rợ độc ác.

            Hơn bao giờ hết, cầu nguyện bây giờ là một gắn bó cần thiết trong nếp sống của con người. Thiếu quan tâm tới ý nghĩa của tôn giáo đã đưa thế giới tới ngưỡng cửa của sự diệt vong. Nguồn sức mạnh xâu sắc, toàn hảo nhất của chúng ta đã bị lãng quên một cách thảm bại. Cầu nguyện phải được tích cực áp dụng trong nếp sống của chúng ta. Vì nếu sức mạnh của sự cầu nguyện được áp dụng trong đời sống thường nhật thì còn nhiều hy vọng rằng những lời cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ được đáp ứng.

            Để kết luận, xin mượn lời của nhà văn danh tiếng nước Anh Charles Dickens như sau, khi ông nói tới Christmas: “I will honor Christmas in my heart, and try to keep it all the year”, Tôi sẽ tôn vinh Christmas trong trái tim của tôi và trân trọng Christmas suốt năm”.

 Bác sĩ Nguyễn Ý Đức 

MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH, ẤM ÁP ĐẾN NHÂN GIAN

Lễ Tạ Ơn đã qua, mùa Giáng Sinh lại về. Nhiều nhà thờ được trang hoàng rực rỡ đón Giáng Sinh, nhà nhà chuẩn bị mua cây thông, có người lên rừng đốn cây thông đem về cho gia đình mình, cho bằng hữu của mình. Có một số gian hàng bán cây thông ngoài đường nhưng chúng tôi thích mua cây thông ở nhà thờ hơn vì mua cây thông ở nhà thờ ít nhất mình cũng giúp cho nhà thờ một chút gì đó. Ở Orange County, nhà thờ nào có linh mục Việt Nam, có giáo dân Việt Nam thì nhà thờ đó được trang hoàng rất đẹp, đèn rực rỡ khắp nơi ngoài nhà thờ, cây cỏ ở nhà thờ được chăm sóc một cách cẩn thận, nhất là tượng Đức Mẹ lộ thiên đầy hoa, hoa cúc, hoa lan, hoa vạn thọ, Đức Mẹ đứng giữa rừng hoa. Đức Mẹ đã đẹp, hoa làm cho Đức Mẹ đẹp hơn. Hằng ngày, nhiều  tín đồ đến cầu nguyện Đức Mẹ ban phép lành, người nào (không phân biệt tôn giáo) có tâm sự đều đến cầu xin Đức Mẹ ban cho mình sự bình yên, không phải chỉ có người lớn tuổi cầu xin điều gì đó mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng cầu xin.

Khi đồng hương đến những nơi linh thiêng cầu nguyện thì khuôn mặt rất thành khẩn, rất chân thành, chúng tôi đã gặp nhiều người già ngồi trên xe lăn, người tật nguyền chống gậy đến trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện ở nhà thờ Saint Barbara, Santa Ana, nhà thờ Saint Polycap, nhà thờ Westminster, nhà thờ Anaheim, nhà thờ Saint of  Alexandria Temecula, v.v. Khuôn mặt  của những người có niềm tin tôn giáo lúc cầu nguyện rất hiền lành, thánh thiện, lúc đó hình như họ không ở trần gian, mà họ đến nơi nào đó, nơi đó là Thiên Đàng. 

Chúng tôi còn nhớ năm đầu tiên tị nạn ở Hoa Kỳ dự thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên ở một nhà có cổ kính ở thành phố Glendale, Los Angeles County. Tối hôm đó có vài người Việt Nam tham dự, vì ở trại tị nạn thì nóng, sang Hoa Kỳ đêm Giáng Sinh quá lạnh, áo lạnh không đủ ấm, chúng tôi vừa đứng trước tượng Đức Mẹ vừa run, nhà thờ tuy nhỏ mà số người tham dự thì đông, thấy người lạ đến nhà thờ, một bà Mỹ lớn tới nắm tay chúng tôi dẫn vào bên trong nhà thờ. Không khí đêm Giáng Sinh tưng bừng chưa bao giờ thấy, đương nhiên ở trong trại tị nạn làm sao có không khí vui tươi như thế này, ở trong trại tị nạn hồi hộp chờ từng ngày để được định cư.

Gần tới mùa Giáng Sinh nhà nào cũng đẹp, văn phòng, cơ sở thương mại cũng trang hoàng đẹp hơn ngày thường, cây thông, thiệp Giáng Sinh với ông già Noel để trên cây thông, những chiếc vớ dài thật đẹp để trên lò sưởi. Lúc nhỏ, chúng tôi thường nghe nói nếu mình mơ ước điều gì thì ông già Noel sẽ cho mình, ông già Noel sẽ đi từ ống khói xuống lò sưởi. Ông bà, cha mẹ thường nói những đứa trẻ phải ngoan ngoãn thì ông già Noel mới cho quà, trẻ con thì hay tin lời của ông bà cha mẹ mình nói, dù không ngoan ngoãn nhưng tới ngày gần lễ Giáng Sinh cũng phải ngoan để được quà của ông già Noel. Trên đời này có đứa trẻ nào học giỏi mà không nghịch ngợm đâu chứ? Nghe nhạc Giáng Sinh, mặc áo mới, có quà, trẻ con nào mà không thích mùa Giáng Sinh chứ? Các nhà thờ đẹp, trang hoàng cây thông rực rỡ, bóng đèn đủ màu, cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, sân ở nhà thờ không có một lá cây cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, của linh mục quan tâm đến nhà thờ của mình.

Trước lễ Giáng Sinh, tôi thường gọi thăm các linh mục mà chúng tôi quen. Linh mục Vũ Đảo, đã hưu trí, là học trò trường trung hoc Lý Thường Kiệt thập niên 50 lúc người Bắc mới vừa di cư vào Nam. Linh mục Vũ Đảo học rất giỏi, có khiếu văn nghệ, đóng kịch rất xuất sắc, sau này là nhà giáo, rồi là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/4/1975, ngài ở tù 3 năm. Ra tù, ngài vượt biên qua Thái Lan, định cư ở Chicago, Hoa Kỳ. Ngài đi học ở nhà dòng, được thụ phong linh mục ở miền Đông vào tháng 4/1988.

Cựu học sinh trung học Lý Thường Kiệt ở Quang Trung, quận Hóc Môn rất hãnh  diện về ngài, và không biết đất lành ở trường sao đó mà trường có nhiều dì phước, linh mục và có một giám mục cũng là học trò của Lý Thường Kiệt. Cựu học sinh Lý Thường Kiệt ở California tổ chức chào đón ngài trước khi ngài về Phi Luật Tân làm việc trong các trại tị nạn ở Phi Luật Tân.

Đến Phi Luật Tân vào tháng 6/1988, linh mục Vũ Đảo giúp rất nhiều đồng hương tị nạn trong trại tị nạn. Phi Luật Tân gồm có 4000 đạo họp lại thành một quốc gia Phi Luật Tân, đạo Công Giáo và Tin Lành phát triển rất mạnh mẽ, các vị lãnh đạo tinh thần được tôn trọng, hằng năm linh mục Vũ Đảo về Hoa Kỳ một lần, ngài được bằng hữu đón tiếp một cách nồng nhiệt, chúng tôi thường gởi sách, báo, nhạc để ngài đem về Phi Luật Tân tặng cho đồng bào tị nạn, ngài cho biết trong trại tị nạn hằng năm vẫn tổ chức lễ Giáng Sinh một cách long trọng.

Linh mục Vũ Đảo là linh mục bề trên của dòng Ngôi Lời mới thành lập ở Mỹ chừng 50 năm. Ngày xưa ở Việt Nam không có dòng Ngôi Lời, khi biến cố lớn xảy ra ở Lousiana, tượng thánh Louis bị những người nổi loạn cột dây vào đầu và định giựt sập thì linh mục Stephen Schumacher vừa chịu chức chưa được một năm của tổng giáo phận St. Louis, đứng dưới tượng Thánh Louis cùng một số Giáo dân bảo vệ tượng. Nếu họ kéo dây thì tượng Thánh Louis sẽ ngã, linh mục trẻ và một số giáo dân này sẽ chết ngay tức khắc, nhưng nhờ sự khôn khéo của linh mục trẻ này và nhờ Chúa ban phước, linh mục cố kéo dài thời giờ đối thoại để cho cảnh sát đến. Hơn 1 tỷ người trên thế giới theo dõi cảnh đối thoại từng giây từng phút, nhiều người hội hộp và muốn đau tim, người nào đau tim sẵn có thể chết bất cứ lúc nào, thế rồi Cảnh Sát đến giải tán đám biểu tình.

Tôi gọi ngay linh mục Vũ Đảo, xin số điện thoại và email của vị linh mục trẻ đó, và cuối cùng tôi phỏng vấn được ngài, một linh mục trẻ gan dạ, không sợ chết đứng giữa bão táp phong ba, leo thang cứu tượng Thánh Louis thoát khỏi bị giựt sập.

Tôi cám ơn linh mục Vũ Đảo, tôi cám ơn những vị lãnh đạo tinh thần đã giúp chúng tôi về mặt truyền thông. Nếu không có linh mục Vũ Đảo thì tôi làm sao có được số điện thoại của vị linh mục anh hùng kia một cách kịp thời.

Làm phóng sự về sinh hoạt tôn giáo thì những nhà thờ là nơi nên tìm đến, những bài thánh ca đi vào hồn người, những đứa trẻ được bố mẹ bế vào nhà thờ trong những ngày lễ, nhất là đêm Giáng Sinh, đứa trẻ nào lớn lên cũng đam mê âm nhạc và có thể thành ca sĩ, vì âm nhạc đã vào máu rồi.

Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, đời sống sẽ bình yên hơn, lòng sẽ thanh thản. Người nào có niềm tin ở tôn giáo thì đời sống sẽ vui hơn, lạc quan hơn, và sống yêu đời hơn, dù gặp trở ngại trong đời sống cũng sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

KIỀU MỸ DUYÊN, Giáng Sinh 2024

Một Mùa Giáng Sinh

                                                                        Đào ngọc Phong 

           Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021.

            Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc với cộng đồng người Việt.

            Chuyện kể thì đơn giản như thế, nhưng hai năm sống một mình trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, tôi mới cảm nghiệm nỗi trống vắng mà không một ngoại cảnh nào lấp cho đầy được. Các cô y tá, y công, các nhân viên hành chánh, nhà bếp, ai cũng nhã nhặn dễ thương. Phòng sinh hoạt có TV với đủ mọi chương trình hấp dẫn; hàng tháng có những đoàn thanh niên thiện nguyện đến trình diễn ca hát múa diễn rất hay, phòng sinh hoạt đầy tiếng cười vui. Tôi hòa mình vỗ tay, cười nói vui vẻ với những bạn lão niên đồng viện.

            Nhưng khi trở về phòng một mình, thì tôi lại chìm vào những khoảng trống trong đó tôi lơ lửng như không biết bám vào chỗ nào để đứng vững; có khi tôi cảm thấy bị hút vào một hang sâu, cứ bay đi tuồng như không có đáy cùng; hoặc có khi tôi rơi vào một giòng suối chảy xiết sắp đến bờ dốc trở thành một cái thác mà tôi không sao cưỡng lại được.

            Thường những tâm cảnh đó làm phát sinh những tình cảm sợ hãi, âu lo, hay ray rứt ăn năn một lầm lỡ nào trong quá khứ.

            Để xóa tan hay chạy trốn những tình cảm đó, tôi rời phòng ra công viên, ngồi trên ghế đá. Khung trời  mây vút trên cao, ôm những tàn cây rậm rì, xanh ngắt làm tâm tôi dịu dần, êm ả hơn.  Nhìn những con chim sâu xinh xinh chập chờn bay từ nụ hoa này sang nụ hoa kia, tôi nhớ khu vườn nhà của cha mẹ tôi  trong vùng ngoại ô yên tĩnh của Sài Gòn xưa. Tôi bình tĩnh nhìn rõ tâm mình, tự phân tích tại sao tôi hay bị những khoảng trống làm cho sợ hãi.

            Cha tôi là bác sĩ quân y cho một đơn vị quân đội, tử trận trong biến cố Mậu Thân 1968, năm tôi mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học. Mẹ tôi vốn có sẵn một tiệm may quần áo tại nhà, nhưng sức khỏe bà yếu, nên tôi phải bỏ học làm thay bà. Chính nhờ chăm chỉ học nghề của mẹ, vừa theo sáng kiến riêng của tuổi trẻ mà cửa hàng may của mẹ phát đạt. Nhưng năm 1980 bà mất sau một cơn bệnh. Tôi đã ba mươi tuổi rồi, lập gia đình với một kỹ sư cơ khí, vốn cũng là bạn học xưa. Suốt năm năm, vợ chồng tôi chuẩn bị tàu bè máy móc đầy đủ, lại vừa sinh cháu trai đầu lòng, nên quyết định  ôm con ra đi với tàu riêng, chỉ cho vài gia đình thân nhất đi theo. Làm ăn cũng có đồng ra đồng vô, tại sao phải mạo hiểm như thế? Chồng tôi giỏi nghề máy, nhưng có biết gì về  nghề đi biển? Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện mà bố tôi kể lại.

            Bố kể ông nội, vốn xa xưa là lính của cụ Đề Thám, chỉ có vài sào ruộng, nhưng cũng bị đấu tố là địa chủ, chết trong tù. Trong kháng chiến những năm 50, bố bị liệt vào hàng trí thức tiểu tư sản, phải bỏ về thành rồi di cư vào Nam. Về phía chồng tôi, thì cha có cửa hàng máy móc gia dụng cũng bị kết án là tư sản bóc lột, nhà cửa gia sản bị tịch thâu. Chúng tôi đều thấy đời sống bấp bênh, nên quyết định ra đi.

            Nhưng khi đến đảo thì chồng tôi bị bạo bệnh chết. Tôi một mình ôm con sang Mỹ lập lại cuộc đời năm 1990.

            Ôn lại giòng đời đến đây, tôi bỗng thấy một tia sáng lóe lên trong trí. Có lẽ kho nước mắt dùng để khóc ba người thân đã cạn trong tôi rồi. Tâm hồn tôi hình như đã khô như đá tảng, tôi lạnh lùng xử trí với tha nhân, với việc đời.

            Đặt chân lên đất Mỹ, với tiền và tay nghề có sẵn, tôi bắt tay ngay vào việc mở cửa hàng quần áo, may mặc. Tôi làm việc ngày đêm, trước mặt tôi chỉ có tiền và công việc; tha nhân chỉ là công cụ của tôi. Khi cửa hàng mở rộng, tôi  mướn nhân viên làm việc cho tôi như làm việc với một vị tướng. Tôi độc đoán, chỉ ra lệnh cho nhân viên phải thực hiện, không có tranh cãi; tôi luôn luôn bảo vệ, bào chữa cho bản ngã tôi; tôi tự nghĩ mình không bao giờ sai lầm; có gì lầm lỗi, sai trái trong cửa hàng, tôi luôn đổ lỗi trước hết cho một nhân viên nào đó, hay cho một nguyên nhân bên ngoài. Nhân viên nào dám cãi lại lệnh tôi, tôi sa thải liền. Tôi luôn giữ nguyên tắc : một đồng tôi chi ra  thì phải đáng gíá một đồng. Hầu như  ít khi nào tôi khen ưu điểm của một nhân viên, luôn luôn thấy họ có một khuyết điểm gì đó làm hại đến danh tiếng của cửa hàng.

            Có một hôm, một anh nhân viên giỏi, lâu năm, đột ngột nói ngày mai anh ta sẽ đi làm hãng khác, anh ta đã chịu đựng tôi quá lâu. Trước khi giã từ, anh xin phép tôi nói lên vài cảm nghĩ : “Bà chủ là một phụ nữ giỏi, nhưng cầu toàn đến mức phi lý; bà luôn luôn muốn vạn sự như ý của bà. Có người muốn đưa sáng  kiến làm cửa hàng phát triển hơn, nhưng bà gạt phắt; chỉ một lỗi nhỏ mà bà la hét, tuồng như đó là cái cớ để bà tấn công một con người, hay là để trấn áp một mặc cảm gì nặng nề trong tâm bà. Bà tự ban cho mình duy nhất có quyền kết án người khác; chỉ vì bà sợ hãi nhìn lỗi lầm của mình. Bà suy nghĩ đi. Cám ơn bà đã giúp tôi học được một nghề, và cho tôi một bằng cấp tâm lý học thực tiễn không cần học đại học. Xin chào bà.”

            Tôi choáng-váng vì mất một người cộng tác giỏi giang, không kịp kiếm người thay thế. Sau vụ đó, tôi tự phản tỉnh; cách cư xử mềm mỏng hơn, bao dung hơn, tiền thưởng rộng rãi hơn. Nhưng cái tính độc đoán của tôi không chừa được.

            Giòng tâm tư của tôi bị cắt ngang vì một tiếng cười trẻ thơ vang lên từ cổng vào của viện. Hai vợ chồng trẻ đi ngang qua tôi cúi đầu chào, hỏi thăm bác vẫn mạnh khoẻ chứ ạ. Hai năm rồi chúng tôi quen nhau, vì cứ nửa tháng họ vào thăm mẹ đều gặp tôi. Tôi tươi cười cảm ơn hai vợ chồng, cháu trai giơ tay vẫy tôi, cười nhỏn nhẻn. Tôi thầm nghĩ bà cụ có phước, có con cháu thăm nuôi đều. Còn tôi cô quạnh, mặc dù cũng có con trai, có con dâu, có hai cháu nội, một trai một gái.

            Tôi lầm rồi; có lẽ anh nhân viên nói đúng; tôi có một mặc cảm nặng nề; cách xử lý việc đời như trong cửa hàng, tôi lại áp dụng vào con trai tôi. Tôi luôn tự bào chữa, con tôi phải theo lệnh tôi thì đời mới không hư hỏng. Tôi luôn nhắc nhở nó khi lớn lên con phải học ngành y, như ông nội của con, mẹ sẽ nuôi con cho đến khi ra bác sĩ, sau đó phải về Việt Nam tìm vợ.

            Hết trung học, quả là nó vâng lệnh tôi, ghi tên học lớp chuẩn bị cho ngành y ở một tiểu bang khác. Tôi vui lắm, gởi tiền bạc đầy đủ cho con khỏi lo.  Nhưng sau hai năm, tôi bỗng nhận được thư của nó gởi từ một căn cứ hải quân Hoa Kỳ, nói con thấy không thích hợp với nghề y sĩ; từ nhỏ con đã có mộng hải hồ đi khắp thế giới, hiện đang theo khóa huấn luyện cơ bản, kèm vài tấm hình chụp một thanh niên rắn rỏi, da sạm đen trong bộ quân phục.

            Cơn giận bùng lên bất ngờ, tôi xé nát lá thư và những tấm hình. Tôi viết ngay một thư nói con đừng về gặp mẹ nữa; mẹ không coi con là con của mẹ , mẹ cắt mọi thứ tiền bạc.

            Việc đó xảy ra khi tôi 55 tuổi, và con tôi 20 tuổi. Những năm sau đó, quả là nó không về, nhưng cứ vài tháng, tôi nhận được một bì thư, có lá thư thăm sức khỏe mẹ, cùng một xấp hình chụp ở những quốc gia khác nhau. Tôi hết giận con rồi, vì tôi nhớ con vô cùng, mỗi khi nghe người hàng xóm cười nói vui vẻ đón con cháu về những dịp lễ Việt hay lễ Mỹ. Tôi hối hận đã để cơn giận mù quáng khiến tôi viết lá thư từ con. Hối hận như vậy, nhưng tôi vẫn tự bào chữa cái lý của tôi, tự ái, không viết thư trả  lời con. Tôi cất những bì thư của con vào một ngăn tủ cẩn thận, thỉnh thoảng lấy hình con ra coi.

            Những đêm  nằm nhớ con, tôi dần dần thấy tại sao tôi cứ cột chặt vào mình cái tâm tự ái, cao ngạo, cố chấp, ngay đối với con ruột duy nhất của mình. Tôi đã mất cha, mất mẹ, mất chồng, sao nay lại ngu xuẩn đẩy con đi xa, lỡ ra sông nước hiểm nguy… Có phải tôi tự mình làm mình trở thành kẻ cô quả, số mệnh nào đâu, tự mình thôi. Tôi vùng dậy, viết ngay một bức thư dài, gởi cho con, nói mẹ xin lỗi con đã bỏ bổn phận làm mẹ; mẹ có lỗi với ông bà nội, với cha con.

            Một tuần sau, con tôi gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, hai mẹ con cùng khóc. Nó nói sẽ sắp xếp về thăm mẹ. Tôi như hồi sinh từ một cơn bạo bệnh. Tôi viết thư thường xuyên cho con, tưởng như nó vẫn ở bên tôi. Nhưng những chuyến hải trình liên tiếp chưa cho nó dịp nào về nhà.

            Tám năm, 2013, đúng là con tôi xa mẹ tám năm rồi, nó đã 28 tuổi, hình như nó đã là một sĩ quan hải quân trong bộ phận truyền tin điện tử. Tôi nhận được một bì thư con tôi báo tin sắp thành hôn với một thiếu nữ Mỹ, con gái của một vị thuyền trưởng. Hình chụp hai đứa đẹp đôi quá, cô gái trông thật xinh đẹp. Tôi mừng rỡ gọi liền cho con, nói mẹ sung sướng được cô con dâu xinh xắn như thế. Tôi quên bẵng khi trước muốn bắt con tôi về Việt Nam tìm vợ. Đúng, nó có cuộc đời riêng của nó, tôi không thể can thiệp vào, theo ý muốn độc đoán của tôi.

            Hai đứa làm đám cưới  ở một quốc gia nào đó; rồi cứ năm này qua năm khác, gởi thư về kèm những hình ảnh hai đứa cháu nội của tôi lớn dần lên ở những hải cảng khác nhau; cho đến khi hai vợ chồng được thuyên chuyển về Mỹ, ổn định đời sống cho hai cháu đi học.

            Tôi chỉ nhìn thấy chúng qua hình ảnh, đúng, nỗi niềm cô quả của tôi là cái giá tôi phải trả cho cơn giận mù quáng của tôi. Đâu có phải như ai nói, nữ tuổi dần chịu cảnh cô quả?

            Thiếu gì quí bà tuổi dần mà con cháu quây quần đầm ấm ?

            Khi tôi vấp ngã trên bậc cầu thang vào năm 69 tuổi, con tôi mới bay về một mình lo cho tôi vào nhà dưỡng lão, lo cho thuê căn nhà. Rồi hơn hai năm nay, tôi vẫn cô đơn trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, chỉ sống với con cháu qua hình ảnh.

                                                      *****

            Khi tôi dự thi quốc tịch, tôi đã đổi tên Mỹ là Emma cho dễ dàng trong việc kinh doanh. Trong viện dưỡng lão có một cô y tá người Việt, thường đến chích thuốc cho tôi. Một lần gần Tết, cô mang biếu tôi một hộp bánh đủ thứ mứt kẹo, cô nói : “Bác Emma ơi, cháu thương bác quá, bác không có ai thăm, hai năm rồi “. Tôi cảm ơn cô, nhưng không nói đó là lỗi tại tôi; tôi rơm rớm nước mắt nói con cháu sống ở nước ngoài, khó về thăm mẹ, thăm bà.

            Mùa Giáng Sinh năm 2021. Ngày 23 tháng 12, trong khi các phòng khác tấp nập người thân đến thăm các cụ, thì phòng tôi yên ắng.  Khoảng buổi trưa, cô y tá đến thầm thì với tôi, bác sắp có tin vui rồi, ban giám đốc sẽ tổ chức một buổi lễ tặng quà Giáng Sinh cho những cụ neo đơn. Tôi cám ơn cô đã báo tin, nhưng tôi cảm thấy hững hờ, y như khi tham dự những chương trình văn nghệ của các cháu thiện nguyện mỗi chủ nhật. “Vui là vui gượng kẻo mà”.

            Quả nhiên, vào buổi chiều, bà giám đốc đến phòng tôi, xin phép ngồi ghế đối diện tôi, tươi cười nói : “Thưa bà Emma, ban giám đốc trân trọng mời bà trưa mai 24 đến phòng sinh hoạt dự buổi lễ tặng quà Giáng Sinh. Trong viện chúng ta, có năm cụ lâu không có thân nhân thăm viếng; nên năm nay chúng tôi tổ chức tặng quà, mong đem lại chút niềm vui cho các cụ; 12 giờ trưa mai, nhân viên sẽ đưa bà ra phòng, xin bà vui lòng trang phục đẹp nhá”. Tôi tỏ ra vui vẻ cám ơn nhã ý của ban giám đốc, hứa sẽ ăn mặc thật đẹp. Bà giám đốc cáo từ; bà luôn luôn lịch sự, nhã-nhặn.

            Tôi không cảm thấy nóng lòng chờ đợi buổi lễ, chỉ nghĩ đó là một nghi thức xã giao, hay …..là một cách quảng cáo kinh doanh.

            Phòng sinh hoạt hôm nay được trang trí rực rỡ, với cây Noel sáng choang đèn lấp lánh, những dây hoa xanh đỏ, một hình tượng ông già Noel to như người thật, nhạc Giáng Sinh vui phát ra từ bốn góc tạo nên một bầu không khí lạc quan yêu đời. Có năm chiếc ghế bành bọc vải hoa đủ màu dành cho năm cụ. Không hiểu sao, tôi được ngồi ghế giữa.

Trên bàn dài đối diện, tôi thấy bày bốn gói quà lớn bọc giấy màu trông hấp dẫn.

Vì quen với việc buôn bán, tôi tự hỏi, có năm cụ, mà sao chỉ có bốn gói quà. Nhưng ý nghĩ thoáng qua rồi biến đi không có câu trả lời, khi bà giám đốc trong trang phục lễ hội tiến vào cùng với hai cô nhân viên trẻ đẹp. Bà trang trọng chào mừng quí khách, nói lý do buổi lễ, giới thiệu tên tuổi từng cụ, trong những tràng pháo tay vui vẻ. Sau đó bà xin thay mặt ban giám đốc viện trao quà tặng cho từng khách mời.

            Lần lượt bốn cụ hai bên tôi nhận quà từ hai cô nhân viên; bốn gói quà trên bàn đã được trao. Còn lại mình tôi, bà giám đốc bỗng cao giọng nói : “Thưa bà Emma, hôm nay chúng tôi sẽ dành cho bà một món quà đặc biệt”.

            Mọi người ngơ ngác nhìn quanh xem món quà đặc biệt nằm đâu.

            Bỗng cửa phòng phía sau mở ra. Tôi giật thót mình, tưởng như trong mơ. Con trai tôi, Benjamin; vợ nó, Isabella cháu nội trai, Oliver cháu nội gái, Everly xuất hiện trong trang phục lễ hội sặc sỡ dần dần bước tới, cúi chào ban giám đốc, chào bốn cụ, rồi đến trước tôi.

            Tôi chết sững. không biết phản ứng thế nào; thì Isabella, Oliver, Everly chạy tới ôm lấy tôi, nói bằng tiếng Việt lơ lớ giọng Mỹ.

            Isabella  : “Con dâu Isabella chúc mừng mẹ Mùa Giáng sinh an lành vui vẻ”

            Oliver   : “ Cháu Oliver chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

            Everly  :  “ Cháu Everly chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

            Tôi không kềm được cảm xúc, khóc òa, ôm lấy ba mẹ con : “Mẹ, bà nội cám ơn các con, các cháu”.

            Cả phòng rộn lên tiếng vỗ tay, tiếng nhạc, tiếng hát Giáng Sinh; Benjamin nói lời cám ơn ban giám đốc đã đứng ra tổ chức một buổi đoàn tụ gia đình mùa Giáng Sinh thật là cảm động.

            Ban nhà bếp dọn đồ ăn lên. Gia đình tôi ngồi riêng một bàn. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động, không cầm muỗng dĩa, mà chỉ nhìn các con các cháu, tràn ngập niềm hạnh phúc mà suốt đời tôi chưa từng cảm nghiệm. Benjamin nói, suốt cả tháng nó đã luyện cho ba mẹ con câu chúc tiếng Việt. Benjamin đã đưa sáng kiến tặng quà cho các cụ neo đơn, đã chi hết tiền bạc nhờ ban giám đốc tổ chức buổi lễ hôm nay.

            Benjamin xin phép ban giám đốc cho  bà Emma vắng mặt nửa tháng để cùng gia đình đi một chuyến cruise trên Thái Bình Dương.

            Giáng Sinh 2022 sắp đến; Benjamin báo sẽ về cùng vợ con, mời mẹ đi du lịch Âu Châu ba tuần. Tôi chỉ biết cám ơn các con, các cháu và cuộc đời đã cho tôi hạnh phúc những năm cuối đời.

          Đào Ngọc Phong